Sáng kiến kinh nghiệm dạy học sinh cách diễn đạt ý trong văn miêu tả

Sáng kiến kinh nghiệm dạy học sinh cách diễn đạt ý trong văn miêu tả

Trong xã hội hiện đại, con người ngày càng phải tiếp thu và xử lý rất nhiều thông tin. Một trong những yếu tố quan trọng giúp con người tư duy và giao tiếp đó chính là ngôn ngữ (ở đây bao gồm cả ngôn ngữ nói và ngôn ngữ viết). Trong thực tế chúng ta cũng đã thấy rằng: Những người có vốn ngôn ngữ dồi dào, thường nói năng mạch lạc, trôi chảy, tư duy phát triển tốt và vì thế họ lao động thường đạt hiệu quả cao hơn.

 Xuất phát từ nhu cầu thực tiễn, đối với giáo dục nói chung và đối với giáo dục tiểu học nói riêng, môn Tiếng Việt ở trường iểu học có nhiệm vụ quan trọng là hình thành năng lực hoạt động ngôn ngữ cho học sinh (HS) thông qua việc hình thành 4 kĩ năng cơ bản là : Nghe – nói - đọc – viết

 

doc 16 trang Người đăng hien301 Lượt xem 1825Lượt tải 0 Download
Bạn đang xem tài liệu "Sáng kiến kinh nghiệm dạy học sinh cách diễn đạt ý trong văn miêu tả", để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
P
PHÒNG GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO HUYỆN BÙ ĐĂNG
TRƯỜNG TH TRỊNH HOÀI ĐỨC
 NĂM HỌC : 2009 - 2010
 SÁNG KIẾN KINH NGHIỆM
DẠY HỌC SINH CÁCH DIỄN ĐẠT Ý 
TRONG VĂN MIÊU TẢ
Năm học: 2010 – 2011
GV : Đỗ Văn Hiếu
PHẦN I: MỞ ĐẦU
1. Lý do chọn đề tài:
	Trong xã hội hiện đại, con người ngày càng phải tiếp thu và xử lý rất nhiều thông tin. Một trong những yếu tố quan trọng giúp con người tư duy và giao tiếp đó chính là ngôn ngữ (ở đây bao gồm cả ngôn ngữ nói và ngôn ngữ viết). Trong thực tế chúng ta cũng đã thấy rằng: Những người có vốn ngôn ngữ dồi dào, thường nói năng mạch lạc, trôi chảy, tư duy phát triển tốt và vì thế họ lao động thường đạt hiệu quả cao hơn.
	Xuất phát từ nhu cầu thực tiễn, đối với giáo dục nói chung và đối với giáo dục tiểu học nói riêng, môn Tiếng Việt ở trường iểu học có nhiệm vụ quan trọng là hình thành năng lực hoạt động ngôn ngữ cho học sinh (HS) thông qua việc hình thành 4 kĩ năng cơ bản là : Nghe – nói - đọc – viết
	Trong số các phân môn Tiếng Việt (Tập đọc, Kể chuyện, Tập làm văn, Chính tả, Tập viết, Luyện từ và câu), có thể nói phân môn Tập làm văn là phân môn hiện thực hoá các hiểu biết cũng như các kĩ năng về Tiếng Việt do phân môn khác rèn luyện và cung cấp. Đồng thời nó góp phần hoàn thiện những kĩ năng đó đúng như tên gọi của phân môn, đó là : Tập-làm-văn.
	“Dạy học sinh cách diễn đạt ý trong văn miêu tả” là đề tài mà qua đó tôi muốn đóng góp một phần nhỏ bé công sức của mình vào vấn đề được toàn xã hội quan tâm, đó là: Phát triển ngôn ngữ nói và viết cho HSTH.
	Tuy nhiên chúng ta biết rằng để viết được một bài văn đúng hay đòi hỏi HS phải có một kĩ năng diễn đạt lưu loát và trôi chảy. Nó được thể hiện qua cách dùng từ, đặt câu, viết đoạn, cách sử dụng hình ảnh và biện pháp tu tù... Nhưng thực tế, đây lại là vấn đề khó khăn với đa số các em. Nguyên nhân cũng chính từ đặc điểm tâm lý của trẻ cũng như sự hạn chế về trình độ, vốn sống, sự hiểu biết của các em. Vì vậy ta có thể bắt gặp đâu đó một phát ngôn không đủ ý, một lá thư không có nội dung, một văn bản sai quy cách, một bài văn với cách dùng từ lôm côm. 
	Để giúp học sinh nâng cao khả năng diễn đạt ý, chúng ta cần dựa trên bài làm của các em để phát hiện ra lỗi diễn đạt, từ đó có biện pháp khắc phục kịp thời.
	Mặt khác “Dạy học sinh cách diễn đạt ý trong văn miêu tả” đi vào phân tích, bài viết của HS để thấy : HS cũng có tài của mình thể hiện qua cách nhìn, cảm nhận về cuộc sống, về thế giới xung quanh. Từ đó, nuôi dưỡng và phát triển sự quan tâm của các em tới thiên nhiên, khêu gợi lòng yêu cái đẹp, khả năng phát triển ngôn ngữ, đánh giá thế giới theo cảm quan riêng, xúc cảm riêng.
2. Mục đích nghiên cứu
	Theo L.X Vưgotxki: “Công tác giáo dục đúng đắn là ở chỗ thức tỉnh trong trẻ em những gì vốn có trong đó, giúp cho cái đó phát triển và hướng dẫn sự phát triển đó theo một phương hướng nhất định”. Như vậy, cái vốn của nó đó là một tâm hồn trong sáng, hồn nhiên, là cách nghĩ cảm nhận riêng. Nhiệm vụ của người thầy là phải uốn nắn sao cho cái vốn có ấy không bị mất đi mà được chuyển ra ngoài bằng những lời nói cụ thể, dễ hiểu, chân thực nhất.
	Qua thực tế tìm hiểu khả năng diễn đạt ý trong bài văn của HS tôi thấy: Bên cạnh một số bài viết hay còn nhiều bài viết mắc lỗi về diễn đạt. Do vậy, làm đề tài này,mục đích trước nhất giúp HS hoàn thiện và phát triển khả năng diễn đạt ý trong các bài văn. Sau đối với bản thân đúc rút thêm phần kinh nghiệm, trong quá trình giảng dạy của mình.
3. Đối tượng nghiên cứu
	- Đối tượng nghiên cứu: “Dạy học sinh cách diễn đạt ý trong văn miêu tả” là đề tài được hình thành trên cơ sở khảo sát thực tiễn, dựa vào các bài viết của HS. qua đó, người viết tìm thống kê ra các lỗi diễn đạt mà HS mắc phải, trên cơ sở lý luận mà phân loại chúng.
	- Phạm vi nghiên cứu: Do điều kiện và thời gian có hạn, để thu thập tài liệu người viết đã căn cứ vào một số bài văn mẫu của HS và tiến hành khảo sát trên 80 bài văn viết của HS. 
4. Nhiệm vụ của đề tài:
	“Dạy học sinh cách diễn đạt ý trong văn miêu tả” có nhiệm vụ chính là: Khảo sát lỗi diễn đạt của HSTH cụ thể là lỗi dùng từ, đặt câu trong các bài, các đoạn từ đó tìm ra giải pháp nâng cao khả năng diễn đạt ý cho các em. Ngoài ra đề tài còn một số nhiệm vụ:
	- Khảo sát, nhận xét, đánh giá các đoạn văn còn mắc lỗi của HS
	- Những bài học rút ra từ phương pháp dạy học văn cho HS
PHẦN II: NỘI DUNG
CHƯƠNG I: CƠ SỞ LÝ LUẬN VÀ CƠ SỞ THỰC TIỄN
1. CƠ SỞ LÝ LUẬN
	Văn miêu tả là một loại dùng để tả sự vật, hiện tượng, con người một cách sinh động, cụ thể như nó vốn có. Văn miêu tả không phải là sự sao chép máy móc thực tế khách quan mà đó phải là kết quả của sự nhận xét, đánh giá, tưởng tượng hết sức phong phú của người viết. Nói cách khác, phải có chất văn trong khi miêu tả các sự vật, hiện tượng.
	Miêu tả giỏi là khi đọc những gì chúng ta viết, người đọc thấy cái đó hiện ra trước mắt mình.
2. Cơ sở thực tiễn
	Hiện nay văn miêu tả được đưa vào chương trình phổ thông ngay từ các lớp bậc đầu Tiểu học. Từ lớp 2 học sinh đã được quan sát tả ngắn về nội dung trong từng tranh. Sở dĩ văn miêu tả được đưa vào dạy sớm có lẽ do phù hợp với đặc điểm tâm lý như : ưa quan sát, thích nhận xét dù phần nhiều những nhận xét ấy mang tính cảm tính. Xu-khôm-lin-xki nhà giáo dục vĩ đại Xô Viết cũng cho rằng việc học sinh tiếp xúc với thiên nhiên, việc dạy các em miêu tả cảnh vật nhìn thấy, nghe thấy là con đường hiệu quả nhất để giáo dục các em và phát triển ngôn ngữ ở trẻ.
	Đối với học sinh tiểu học, khi các em viết bài, diễn đạt ý của mình bằng chữ viết hay bằng ngôn ngữ âm thanh chính là khi các em biểu thị khả năng lập luận của mình. Có những bài lập luận chắc chắn, đủ ý, chính xác nhưng có những bài khả năng diễn đạt ý của học sinh còn yếu thể hiện qua cách hành văn mà người viết sẽ trình bày ở phần sau.
	Mỗi học sinh tiểu học là một kho báu mà chính các nhà văn, nhà thơ đang tìm kiếm: đó là cái cảm xúc hồn nhiên, nguyên sơ trong lòng mỗi người. Trẻ em cảm thụ, suy tư về thế giới bằng đôi mắt chân thật và bằng một tâm hồn mộc mạc. Chúng ta sẽ thấy được điều đó qua cách lập luận của một đứa trẻ: “Con rệp to kềnh như một chiếc xe tăng”, “Cánh đồng như mặt biển màu xanh lá cây”... Qua đôi mắt trẻ thơ, vạn vật đều có tâm hồn, bay bổng và sống động. Mỗi tâm hồn ấy là một cách cảm nhận, cách nghĩ riêng về cuộc sống, đó là cái “tôi” riêng của các em. Mặt khác, trẻ cũng không muốn người lớn tham dự quá nhiều vào cách cảm, cách suy nghĩ riêng của mình. 
	Trẻ em luôn bảo vệ quan điểm của mình dù những góp ý của cô giáo là cần thiết.Vẻ ngây thơ, hồn nhiên của các em chỉ thể hiện khi những gì các em nói ra sẽ được ủng hộ chữ không phải “Bới lông tìm vết”. Vì vậy, dù còn nghèo về kinh nghiệm sống và chưa phát triển về mặt nhận thức một cách đầy đủ nhưng sự tràn đầy cảm xúc, tính dễ bị kích động của các em cho thấy trẻ dường như là một nghệ sĩ. Từ đó các em dễ thâm nhập vào cuộc sống mang theo những xúc cảm của thế giới loài người ở buồi đầu hồng hoang mở cõi.
	Tất cả những phân tích trên cho thấy trẻ rất thích khám phá, nhìn nhận mọi thứ. Người lớn cần tôn trọng sự tìm tòi ấy để nâng đỡ, bổ sung và định hướng cho sự phát triển tâm hồn một cách tự nhiên.
	Văn học là một chiếc nôi êm đềm đưa tâm hồn trẻ thơ đến với vạn vật. Sự vật này, sự vật kia đều hiện lên rất đẹp qua sự so sánh, lập luận của các em.
Như vậy,hiểu được cách suy nghĩ, cách lập luận của các em ta càng có điều kiện thuận lợi trong việc giáo dục, phát huy tiềm năng cũng như khả năng diễn đạt ý trong bài văn miêu tả của học sinh tiểu học. 
CHƯƠNG II
THỰC TRẠNG VIỆC DẠY HỌC SINH CÁCH DIỄN ĐẠT Ý 
TRONG VĂN MIÊU TẢ
	Căn cứ theo mục đích nhiệm vụ nghiên cứu của đề tài người viết đã tiến hành khảo sát trên các bài văn, đoạn văn miêu tả của học của học sinh tiểu học. 
Qua khảo sát bên cạnh những bài viết tốt, hay còn một số bài văn còn mắc lỗi diễn đạt. Cơ sở đánh giá khả năng diễn đạt ý trong bài văn miêu tả của HSTH căn cứ vào cách dùng tư, đặt câu, liên kết câu và sử dụng các hình ảnh cũng như biện pháp tu từ. Sau khi khảo sát kết quả thu được như sau:
1. Lỗi dùng từ
	Trong số 80 đoạn văn khảo sát, lỗi dùng từ chiếm số lượng vừa phải. Có thể xem là lỗi từ vựng – ngữ pháp làm cho câu văn không có sự tương hợp về nghĩa giữa các thành phần câu. Như:
	a. Sử dụng sai quan hệ từ làm cho các vế câu không tương hợp:
	Khi diễn đạt câu có nội dung phức tạp, HS gặp nhiều khó khăn trong sử dụng các quan hệ từ để chuyển ý nối tiếp các câu như trong ví dụ sau:
	“Trên mặt biển, những chiếc thuyền buồm và những người đánh cá ra khơi. Và trên bầu trời, ông mặt trời và những đám mây trắng và những con chim Hải Âu đang trao lượn”.
	Trong một đoạn văn ngắn gồm hai câu, HS sử dụng tới 4 quan hệ từ. Nguyên nhân, do có nhiều sự việc cùng được liệt kê đến trong câu khiến các em lúng túng trong việc sử dụng quan hệ từ, kết quả làm cho câu văn lủng củng, vụn vặt.
	b. Sử dụng từ ngữ trùng lặp: cũng là lỗi hay xuất hiện trong bài viết của học sinh làm cho chủ đề không phát triển được.
	“Trên bầu trời ông mặt trười đang từ từ bay lên và những đám mây từ từ trôi. Những con hải âu đang bay lượn. Những cơn gió và những con hải âu tung cánh trên trời. Những con hải âu đang bay thi với nhau trong nắng:”
	Trong đoạn văn ngắn, HS đã ý thức cách dùng từ láy, hình ảnh gợi tả. Nhưng sự lặp lại quá nhiều các từ “hải âu”, “từ từ” đã làm cho câu văn thiếu sinh động, tự nhiên và chủ đề không phát triển được.
	c. Lỗi chính tả dẫn đến sai nghĩa:
	Lỗi nàycũng thấy xuất hiện trong các bài văn miêu tả của HSTH.
2. Lỗi về câu:
	Như đã trình bày ở trên, kỹ năng sử dụng từ chưa chính xác của HSTH có ảnh hưởng lớn đến kĩ năng đặt câu của HS. Ta có thể bắt gặp đâu đó câu thiếu đi thành phần chủ ngữ hay vị ngữ do trong tư duy trẻ đối tượng tả hiện ra rõ nên các em chỉ quan tâm đến việc diễn tả hoạt động, tính chất, trạng thái của đối tượng hay lầm tưởng cụm danh từ là vị ngữ trong khi ngữ danh từ chỉ nêu đối tượng thông báo. Ví dụ: Bình minh biển thật đẹp. Trên bầu trời, mặt trời và những đám mây.
	Ngoài ra ta có thể bắt gặp trong bài viết của học sinh đặc biệt là học sinh tiểu học lỗi không dùng dấu câu. Lỗi này xuất hiện nhiều làm sai lệch ý tưởng của người viết hoặc gây ra sự tràn lan về ý, khó hiểu như trong câu trích sau:
	... “Những đám mây nhẹ nhàng trôi, vì vậy em rất yêu biển”
	Việc sử dụng dấu chấm câu tuỳ tiện ở ví dụ trên cho câu văn lửng lơ, cụt ý không hay và khó hiểu. Hay trong một ví dụ khác, câu thiếu mất dấu phẩy tách các cụm từ chỉ địa điểm, thời gian đã gây cho người đọc sự mệt mỏi cũng như sự trọn vẹn ý nghĩa của câu văn.
	“...Vào những buổi sớm mai cảnh biển đẹp vô cùng khác dân chài ra khơi đánh cá, trên mặt biển sóng gợn lăn tăn”.
	Bên cạnh lỗi về thành phần câu, lỗi về dấu câu, trong bài văn miêu tả của các em còn gặp các lỗi về nghĩa như : Câu sai nghĩa hoặc câu không rõ nghĩa.
	Ví dụ:
	“Một buổi sớm mai, sóng biển đang trôi chảy cuồn cuộn” rõ ràng đây là câu sai nghĩa, người ta chỉ nói “nước chảy” không nói “sóng chảy” mặt khác “chảy cuồn cuộn” tức là chảy nhanh, gấp nhưng không có “trôi chảy cuồn cuộn”.
	Nguyên nhân các câu mắc lỗi về nghĩa thường do học sinh yếu kiến thức thực tế hoặc do vốn từ còn hạn hẹp. 
3. Lỗi dùng hình ảnh và biện pháp tu từ
	Qua khảo sát trên 80 bài viết của học sinh tôi nhận thấy: Đa số các em đã có ý thức trong việc sử dụng các hình ảnh, biện pháp tu từ trong bài văn miêu tả của mình. Tuy nhiên, bên cạnh ấy, không ít học sinh do không hiểu bản chất hình ảnh sử dụng làm cho câu văn sáo rỗng, thiếu hợp lý.
	Ví dụ:
	“Trên trời, từng đàn chim hải âu bay rập rờn như múa. Xa xa, những đám mây hồng hào bay lơ lửng.”
	Trong ví dụ này, hình ảnh “đàn chim hải âu bay rập rờn như múa thật là đẹp” song hình ảnh đám mây “hồng hào” lại bị hỏng khiến người đọc hụt hẫng bởi “hồng hào” thường dùng để chỉ làn da của người, không hợp lý khi dùng để tả màu sắc của những đám mây.
4. Lỗi liên kết giữa các câu
	Học sinh tiểu học tư duy còn yếu, chưa rõ ràng mạch lạc nên thường viết ra các câu lặp, mâu thuẫn trong đoạn hoặc giữa các câu không có sự liên kết giữa các ý, lủng củng. Ví dụ như trong đoạn văn sau:
	“Biển sáng đẹp vô cùng. Mây trắng bay nhởn nhơ, gió đìu hiu thổi. Trên trời, đàn chim hải âu thi nhau tung cánh, em yêu biển nhất. Mặt trời mọc ở phía đằng đông, rọi tia nắng xuống mặt nước...”
	Mặc dù đã chú ý nêu những cảm xúc, khi tả cảnh biển nhưng đưa vào giữa đoạn tả biển, “em yêu biển nhất” thì câu văn trở lên lạc lõng, không ăn nhập với toàn đoạn
	Tóm lại, qua khảo sát, thống kê phân loại lỗi trong các bài văn miêu tả của học sinh tiểu học. Người viết thấy các em chủ yếu mắc các lỗi sau: Lỗi dùng từ (12/80 em chiếm 15%), lỗi câu (10/8 em chiếm 12,5%) lỗi sử dụng hình ảnh (5/80 em chiếm 6,2%) lỗi liên kết giữa các câu (10/80 em chiếm 12,5%). Trong đó, chia theo tỷ lệ ta có.
STT
Số lỗi diễn đạt
Số học sinh
Tỉ lệ %
1
Số học sinh mắc cả 4 lỗi
3
4%
2
Số học sinh mắc cả 3 lỗi
3
4%
3
Số học sinh mắc cả 2 lỗi
12
15%
4
Số học sinh mắc cả 1 lỗi
20
25%
5
Số học sinh không mắc lỗi nào
42
52%
80
100%
* Nhận xét chung.
	Qua khảo sát các bài, đoạn văn miêu tả của học sinh tiểu học, chúng ta thấy rằng khả năng diễn đạt ý trong bài văn miêu tả của các em phụ thuộc rất nhiều yếu tố bao gồm cả chủ quan và khách quan. Nhưng tựu chung lại để diễn đạt ý, học sinh trước hết phải có ý - nội dung để viết, công cụ – phương tiện để diễn đạt ý. Để có ý các em cần được quan sát, tìm ý, cần được thực hành sản sinh ngôn bản bao gồm cả nói và viết
	Muốn vậy, GVTH cần đảm bảo yêu cầu quan sát trực tiếp khi học và làm văn miêu tả. Quan sát là phương pháp chủ yếu để tìm ý miêu tả, là khả năng mọi người đều có thể trau dồi để trở nên thành thạo.
	Bên cạnh đó, GVTH cần rèn luyện cho học sinh các kỹ năng sản sinh văn bản, học sinh phải thực sự làm chủ quá trình sản sinh văn bản. Tuy nhiên từ quan sát đến chuyển thành đoạn văn, bài văn miêu tả đòi hỏi học sinh phải có kĩ năng sắp xếp, bố cục đoạn – bài, các kĩ năng này chỉ được hình thành thông qua quá trình luyện tập và luyện tập
PHẦN III
 CÁC GIẢI PHÁP NHẰM NÂNG CAO KHẢ NĂNG DIỄN ĐẠT Ý TRONG BÀI VĂN MIÊU TẢ CỦA HỌC SINH TIỂU HỌC
	Trước khi vào đề xuất một số giải pháp, qua khảo sát thực tiễn, ta cần nhận rõ thực trạng của việc dạy học phân môn TLV trong nhà trường hiện nay.
1. Thực trạng việc dạy học văn miêu tả trong trường tiểu học
	Việc dạy học văn miêu tả trong trường TH bên cạnh một số điểm tốt còn có một số hạn chế nhất định. Kết quả để lại ta có thể thấy trong hầu hết các bài viết của HS: đó là bệnh công thức, khuôn sáo, máy móc, thiếu tính chân thực và cái “tôi” riêng của mỗi cá nhân. Các bệnh này dẫn tới khả năng diễn đạt ý của HSTH trong các bài văn miêu tả ngày một yếu đi. Các ý diễn đạt đều đi theo một lối mòn, khuôn mẫu sẵn có, do vậy có thể gán các đặc điểm của đối tượng này cho một đối tượng khác cùng loại.
	Đối với kiểu bài quan sát tranh, trả lời câu hỏi, các em dựa vào các câu hỏi gợi ý để trả lời. Điều này, không tránh khỏi khi viết đoạn HS có những ý, những câu trùng lặp nhau, tuy nhiên cũng rất ít em biết viết thêm ngoài những chỉ dẫn trong SGK.
	Từ thực trạng trên nhiệm vụ quan trọng của người GVTH là làm sao đổi mới phương pháp, cách thức dạy-học cho cả Thầy và trò nhằm nâng cao khả năng diễn đạt ý cho các em.
2.Giải pháp để nâng cao khả năng diễn đạt ý trong bài văn miêu tả của HSTH
	Để giúp HS nâng cao khả năng diễn đạt ý trong các bài văn miêu tả thì trước hết cần dạy văn miêu tả theo hướng phát huy tính tích cực sáng tạo của HSTH.
a. Dạy học sinh quan sát trực tiếp khi miêu tả
	Nhà văn Bùi Hiển viết “Tiêu chuẩn nghệ thuật đời nào cũng giống nhau, nói ít mà gợi nhiều là tiêu chuẩn cao nhất... Đừng tả dài dòng mà tìm hiểu và quan sát thật kĩ, nắm bắt cho được, rồi bằng cái thần cái hồn, cái dáng vẻ đặc biệt của con người, của con vật, ... mà ta tả, rồi bằng ngôn ngữ về nó hiện lên trước mắt người đọc, gợi cho con người ta cùng suy nghĩ với mình”
	Lời nhận định của nhà văn thật xác đáng, kĩ năng này là cơ sở để học sinh có thể diễn tả những điều mình thấy.
	Khi quan sát phải nhạy bén, công phu. Đó là sự phát hiện bằng các giác quan (mắt, mũi tai, lưỡi, da...), bằng tâm hồn và bằng cảm xúc của người viết, bằng tình yêu thiên nhiên, loài vật... Người viết phải tìm ra những gì chân thực nhưng lại ít chú ý, những gì giúp người đọc nhìn rất rõ và ấn tượng”.
	Giáo viên tiểu học cần hướng dẫn học sinh cách quan sát, trình tự quan sát. Tuy nhiên học sinh cũng cần có sự sáng tạo riêng và giáo viên cần khách quan nhìn nhận tôn trọng và chấp nhận ý kiến riêng đó(trong khuôn khổ cho phép).Song bên cạnh phải khơi gợi xúc cảm cho trong học sinh thể hiện ở kết quả quan sát.
	Mỗi học sinh như một cây “ăng-ten” nhạy cảm, định hướng theo cái đẹp, tôn trọng sự thực và vì cái thiện thì mới bắt được làn sóng tốt lành, tạo nên bài văn miêu tả phong phú, sinh động, có hồn.
b. Dạy học sinh tích luỹ vốn hiểu biết về thực tế cuộc sống và hiện thực khách quan.
	Văn miêu tả đòi hỏi sự chân thực, chân thực ấy lại bắt nguồn từ sự hiểu biết về hiện thực khách quan. Có hiểu biết, học sinh tiểu học mói có vốn từ, có kinh nghiệm, có xúc cảm để viết lên những trang miêu tả đi vào lòng người.
	Giúp học sinh tích luỹ vốn hiểu biết sẽ tạo điều kiện cho các em nâng cao khả năng diễn đạt từ đó khơi gợi năng lực cảm thụ văn học, niềm say mê, hứng thú tìm hiểu về cuộc sống xung quanh.
c. Rèn luyện kỹ năng dùng từ - đặt câu
	Khi có cái để nói rồi thì nói làm sao cho vạn vật như hiện ra trước mắt người đọc là điều cần thiết và vô cùng quan trọng. Có ý tưởng mà không diễn đạt được thì khác gì nấu cơm mà không cho nước. Chẳng ai có thể cảm thu được cái hay, cái đẹp của sự vật mà ta quan sát được nếu ta không dùng ngôn ngữ miêu tả để vẽ nó lên.
	Với vai trò quan trọng như vậy thì cung cấp vốn từ cho học sinh tiểu học có ý nghĩa rất lớn. Vốn từ được tích luỹ trong mọi lúc, mọi nơi trong giờ học và ngoài giờ học, trong nhà trường và ngoài nhà trường.Văn miêu tả của học sinh tiểu học không dùng các từ ngữ, câu văn hoa mỹ mà cần dùng những từ ngữ trong sáng giản dị. Mắc lỗi dùng từ chủ yếu là do các em không hiểu nghĩa của từ, vốn từ còn nghèo nàn. Dùng từ sai dẫn đến câu văn sai. Câu có thể xem như là một cơ thể sống nghĩa là phải có đầu, tay, chân, có dáng vẻ thậm chí có hơi thở và tâm hồn.
	Muốn vậy phải xây dựng và rèn luyện cho học sinh ý thức tự giác và cẩn trọng khi làm văn, khi lựa chọn từ ngữ để diễn đạt. Bồi dưỡng cho học sinh vốn từ phong phú, đặc biệt là các từ đồng nghĩa để học sinh có khả năng chọn từ ngữ chính xác, sát hợp khi diễn đạt. Cùng với đó là nguyên tắc cơ bản khi sử dụng các từ – ngữ tránh mắc các lỗi diễn đạt thông qua hệ thống bài tập phong phú.
 	* KẾT LUẬN VÀ KHUYẾN NGHỊ.
	Qua nghiên cứu, tìm hiểu khả năng diễn đạt ý trong bài văn của học sinh tiểu học, đã giúp bản thân tôi khảo sát rất nhiều bài, văn đoạn văn hay của học sinh tiểu học. Qua đó đồng cảm hơn với cách suy nghĩ của học sinh hiểu được cái nhìn của trẻ về thế giới khách quan: trong sáng – hồn nhiên. 
	Đi vào tìm hiểu khả năng diễn đạt ý trong bài văn của học sinh tiểu học nhằm tìm ra nét thẩm mỹ trong cách đánh giá của học sinh. 
	Về phía bản thân, qua đó cũng tìm ra biện pháp để nâng cao nghiệp vụ chuyên môn.
 Cuối cùng, tôi rất mong sự đóng góp ý kiến của các đồng nghiệp.
	Một lần nữa xin chân thành cảm ơn ! 
Nghĩa Bình, ngày 01 tháng 03 năm 2011
Người viết
Đỗ Văn Hiếu

Tài liệu đính kèm:

  • docSKKN(1).doc