Đề thi mẫu đại học - cao đẳng môn: Văn (thời gian 180 phút) - Đề 3

Đề thi mẫu đại học - cao đẳng môn: Văn (thời gian 180 phút) - Đề 3

ĐỀ SỐ 3

 Câu I: (2 điểm)

 Nêu quan điểm sáng tác văn học của tác giả Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh và cho biết việc hiểu biết về quan điểm sáng tác văn học ấy giúp ích gì cho việc học tập, tìm hiểu sự nghiệp văn học của ông.

 Câu II: (3 điểm)

 Viết bài văn ngắn (khoảng 400 từ) với chủ đề: “Cách ăn mặc và cá tính của bạn".

 Câu III: (5 điểm)

 Tóm tắt nội dung vở kịch Vũ Như Tô của Nguyễn Huy Tưởng và làm rõ các mâu thuẫn, xung đột cơ bản của vở kịch. Từ đó trình bày cảm nghĩ về bi kịch của nhân vật Vũ Như Tô trong tác phẩm này.

 

doc 5 trang Người đăng kidphuong Lượt xem 1276Lượt tải 0 Download
Bạn đang xem tài liệu "Đề thi mẫu đại học - cao đẳng môn: Văn (thời gian 180 phút) - Đề 3", để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
ĐỀ THI ĐẠI HỌC - CAO ĐẲNG NĂM 2009
Môn : Văn (Thời gian 180 phút)
Biên soạn và hướng dẫn: TS. Nguyễn Thành Thi
---------------------------------------------------
ĐỀ SỐ 3
        Câu I: (2 điểm)
                Nêu quan điểm sáng tác văn học của tác giả Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh và cho biết việc hiểu biết về quan điểm sáng tác văn học ấy giúp ích gì cho việc học tập, tìm hiểu sự nghiệp văn học của ông.
        Câu II: (3 điểm)
                Viết bài văn ngắn (khoảng 400 từ) với chủ đề: “Cách ăn mặc và cá tính của bạn".
        Câu III: (5 điểm)
                Tóm tắt nội dung vở kịch Vũ Như Tô của Nguyễn Huy Tưởng và làm rõ các mâu thuẫn, xung đột cơ bản của vở kịch. Từ đó trình bày cảm nghĩ về bi kịch của nhân vật Vũ Như Tô trong tác phẩm này.
-------------------------------------------------------
HƯỚNG DẪN LÀM BÀI:
          Câu I: (2 điểm)
         A. YÊU CẦU CẦN ĐẠT:
         - Nêu đúng quan điểm sáng tác và sự nghiệp văn học của tác giả Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh; 
         - Chỉ ra được ý nghĩa, tác dụng của việc nắm vững quan điểm sáng tác trong quá trình tìm hiểu, học tập sự nghiệp thơ văn của ông.
         B. NHỮNG Ý CHÍNH CẦN CÓ:
         1/ Quan điểm sáng tác của Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh:
         - Về mục đích sáng tác, Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh xem văn nghệ là một hoạt động tinh thần phong phú và là một lợi khí đấu tranh cho thắng lợi của sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng con người. Sáng tác văn chương cũng là một hành vi cách mạng.
         - Về đối tượng tiếp nhận văn chương, Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến đối tượng thưởng thức tác phẩm văn học: Tùy đối tượng mà chọn nội dung cách viết cho phù hợp, nhất là khi viết cho quảng đại quần chúng Cách mạng. Ở đây, các câu hỏi Viết cho ai? (đối tượng), Viết để làm gì? (mục đích) là rất quan trọng và luôn luôn phải được đặt ra trước các câu hỏi Viết cái gì? (nội dung), Viết thế nào? (hình thức).
         - Về mặt thẩm mĩ, Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh luôn đề cao tính chân thực, tính dân tộc, tính nhân dân; đề cao cái đẹp trong sáng, giản dị; đồng thời luôn đòi hỏi “viết cho hay, cho chân thật, cho hùng hồn”.
         2/ Ý nghĩa tác dụng (của việc hiểu biết quan điểm sáng tác trong tìm hiểu học tập sự nghiệp văn chương Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh):
          Tùy cảm nhận của từng thí sinh mà nêu ý nghĩa tác dụng, song cần nhấn mạnh rằng việc hiểu biết quan điểm sáng tác ở đây sẽ
         - Giúp người học tập, tìm hiểu thơ văn Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh luôn thấy rõ mối quan hệ mật thiết giữa sự nghiệp cách mạng và sự nghiệp văn chương của ông; đặt văn chương trong sự nghiệp cách mạng để tìm hiểu, học tập cho đúng hướng;
         - Củng cố, khơi sâu nhận thức đúng đắn rằng: việc phân tích, đánh giá ý nghĩa, giá trị của văn chương Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh cũng như sáng tác của các nhà thơ nhà văn cách mạng khác, cần phải dựa trên chuẩn mực thẩm mĩ của chính văn chương Cách mạng.
Câu II: (3 điểm)
          A. YÊU CẦU CẦN ĐẠT:
          1/ Trình bày được ý kiến riêng trước một hiện tượng của đời sống: chuyện ăn mặc có quan hệ thế nào đến cá tính của mỗi người.
          2/  Có kĩ năng viết bài văn nghị luận xã hội ngắn (về một hiện tượng trong đời sống).
          Vấn đề đặt ra trong đề bài có tính chất “mở”, nên người viết theo quan niệm nào thì nêu lên lí lẽ và minh chứng cụ thể cho quan niệm mà mình lựa chọn. Ở đây, việc lựa chọn quan niệm nào không quan trọng bằng cách lập luận, thuyết minh về cách lựa chọn ấy.
          B. NHỮNG Ý CHÍNH CẦN CÓ:
         Câu trả lời cho câu hỏi đặt ra trong đề văn phụ thuộc vào quan điểm của từng người, tuy nhiên cũng chỉ tập trung vào hai loại ý kiến:
          - Cách ăn mặc có nói lên cá tính của mỗi người (a)
          - Cách ăn mặc không nói lên gì cả về cá tính của mỗi người (b)
          Trong loại ý kiến thứ nhất cũng có thể phân hóa về mức độ: cách ăn mặc biểu hiện nhiều hay ít cá tính của mỗi người.
          Tuy vậy, bài làm cũng cần bảo đảm được các ý sau:
          1/ Nêu vấn đề sẽ bàn bạc: quan hệ giữa cách ăn mặc và cá tính của mỗi người.
          2/ Triển khai lập luận trên ý kiến riêng của người viết:
          Nêu ý kiến cá nhân về mối quan hệ giữa cách ăn mặc và cá tính của mỗi người (theo hai định hướng khẳng định: cách ăn mặc có thể hiện cá tính; hoặc bác bỏ: cách ăn mặc không thể hiện cá tính).
          Nêu cơ sở để khẳng định hay bác bỏ mối quan hệ giữa cách ăn mặc và cá tính của mỗi người (nên giải thích gãy gọn khái niệm cá tính trước khi khẳng định hay bác bỏ).
          Bàn luận thêm: cá tính và cách ăn mặc là hai hay là một? Có nên lấy cách ăn mặc để thay cho rèn luyện cá tính không? Quá cầu kì trong hay quá tuềnh toàng cách ăn mặc có nên không? v.v.
          Theo hướng trả lời thứ nhất (a), có thể lập luận:
          Cá tính con người là cái gì mang tính tổng thể, nhưng luôn biểu hiện qua hành động, hành vi cụ thể; qua quan niệm, thị hiếu thẩm mĩ biểu hiện trong những lựa chọn rất cụ thể, đôi khi nhỏ nhặt. Cách ăn mặc là một trong những biểu hiện cụ thể như thế.
          Theo hướng thứ hai (b), có thể tham khảo câu ngạn ngữ: “Chiếc áo khoác không làm nên thầy tu”, hoặc giai thoại sau:
          Đương thời khi chưa nổi tiếng nhà bác học A.B. Anh-xtanh ăn mặc rất luộm thuộm. Khi được vợ nhắc nhở, ông nói: “Ôi chao! Có ai biết tôi là ai đâu mà phải ăn mặc tươm tất chỉnh tề”. Khi đã trở nên nổi tiếng, Anh-xtanh vẫn ăn mặc luộm thuộm như thế. Vợ ông lại nhắc nhở về chuyện ăn mặc, ông bèn trả lời: “Bây giờ tôi có ăn mặc thế nào thì tôi vẫn là Anh-xtanh kia mà!”. 
   Câu III: (5 điểm)
          A. YÊU CẦU CẦN ĐẠT:
          1. Tóm tắt được nội dung tác phẩm Vũ Như Tô của Nguyễn Huy Tưởng và làm rõ được các mâu thuẫn, xung đột cơ bản của vở kịch.
          2. Trình bày cảm nghĩ về bi kịch của nhân vật Vũ Như Tô. (Lưu ý: không phải là “phân tích” mà nói “cảm nghĩ”, không phải nói cảm nghĩ chung về “nhân vật” mà “cảm nghĩ về bi kịch của nhân vật”.
          3. Trong khi trình bày cảm nghĩ, tất nhiên, thí sinh phải tiếp nhận, cảm thụ đúng, sâu về nhân vật và tác phẩm (qua đoạn ttrích được học). Đồng thời  thể hiện tốt kĩ năng làm bài của mình như biết tổ chức sắp xếp ý chính, ý phụ, mở, đóng, chuyển tiếp,; diễn đạt sáng sủa, đúng ngữ pháp, chính tả, và có “văn”.
          B. NHỮNG Ý CHÍNH CẦN CÓ
          1. Giới thiệu chung về Nguyễn Huy Tưởng, vở kịch Vũ Như Tô và nhân vật bi kịch Vũ Như Tô, trong tác phẩm.
          2. Tóm tắt nội dung, xác định mâu thuẫn, xung đột cơ bản; trình bày cảm nghĩ
           2.1. Tóm tắt bi kịch của nhân vật Vũ Như Tô trong vở bi kịch: nhấn mạnh sự kiện chính trong đoạn trích. 
           a) Tóm tắt gọn đoạn trích 
          Lợi dụng tình hình rối ren và mâu thuẫn giữa nhiều phe phi, thnh phần x hội, lc bấy giờ, Trịnh Duy Sản cầm đầu một phe cánh đối nghịch trong triều đình đã dấy binh nổi loạn, lôi kéo thợ thuyền làm phản, giết Lê Tương Dực, Vũ Như Tô, Đan Thiềm và thiêu hủy Cửu Trùng đài. (Hồi V)
           b) Xác định mâu thuẫn, xung đột, tình huống bi kịch của Vũ Như Tô:
          - Hành động kịch xoay quanh hai mâu thuẫn lớn:
          Thứ nhất: Mâu thuẫn giữa đời sống xa hoa, trụy lạc của bọn tham quan bạo chúa với đời sống cơ cực thống khổ của nhân dân lao động (nói gọn lại là mâu thuẫn giữa lợi ích của bạo chúa với quyền sống của thường dân).
          Thứ hai: Mâu thuẫn giữa niềm khát khao hiến dâng tất cả cho nghệ thuật của người nghệ sĩ đắm chìm trong mơ mộng với lợi ích trực tiếp và thiết thực của đời sống nhân dân. 
          - Bi kịch của Vũ Như Tô là bi kịch của người nghệ sĩ sinh lầm thời, sống lạc lõng. Anh khao khát cống hiến tài năng sáng tạo những công trình tuyệt mỹ cho đất nước, cuộc sống con người, nhưng đám đông dân chúng lầm than, đói khổ dưới ách bạo chúa không thể hiểu được anh. Họ nổi dậy giết bạo chúa và thiêu Cửu trùng đài của anh thành tro bụi.
           2.2. Những cảm nghĩ :
           Đề thi đòi hỏi thí sinh phát biểu được “cảm nghĩ” riêng của mình. Tuy vậy, mọi “cảm nghĩ” phải dựa trên cơ sở nắm vững nhân vật và tác phẩm. Có thể trình bày cảm nghĩ, ý kiến riêng xoay quanh mấy nội dung chủ yếu sau đây:
           2.2.1. Bi kịch của Vũ Như Tô làm nên vẻ đẹp, sức hấp dẫn riêng của nhân vật này và  làm nên giá trị lớn lao của vở bi kịch.
          2.2.2. Bi kịch của Vũ Như Tô là một bi kịch tinh thần rất thật và có tính phổ biến trong đời sống của nhiều thời đại.
          2.2.3. Bi kịch của Vũ Như Tô là bi kịch rất khó giải quyết triệt để trong đời sống.
        Ví dụ 1:
        Xoay quanh ý 2.2.2, có thể trình bày cảm nghĩ:
        - Tính cách nổi bật nhất của Vũ Như Tô: là tính cách của người nghệ sĩ tài ba, hiện thân cho niềm khát khao và đam mê sáng tạo Cái Đẹp. Nhưng trong một hòan cảnh cụ thể cái đẹp ấy thành ra phù phiếm, nó sang trọng, siêu đẳng, thậm chí, “cao cả và đẫm máu” như một “bông hoa ác”. Vì thế, đi tận cùng niềm đam mê khao khát ấy Vũ Như Tô tất phải đối mặt với bi kịch đau đớn của đời mình. Chàng trở thành kẻ thù của dân chúng, thợ thuyền mà không hay biết. 
        - Nghệ sĩ ấy có thể “sai khiến gạch đá như viên tướng cầm quân, có thể xây những lâu đài cao cả, nóc vờn mây mà không hề tính sai một viên gạch nhỏ”. Anh  “chỉ vẩy bút là chim hoa đã hiện trên mảnh lụa thần tình biến hóa như cảnh hóa công”. Nhưng chính vì quá đam mê khao khát đắm chìm trong sáng tạo mà Vũ Như Tô càng dễ xa rời thực tế đời sống; càng sáng suốt trong sáng tạo nghệ thuật thì càng mê muội trong những toan tính âu lo đời thường. Hồi thứ V không nói nhiều đến tài năng của nhân vật (chỉ duy nhất có Đan Thiềm nhắc đến), mà đặt Vũ Như Tô vào việc tìm kiếm một câu trả lời: xây Đài Cửu Trùng là đúng hay sai? có công hay có tội? Nhưng Vũ Như Tô không trả lời được thỏa đáng câu hỏi đó bởi chàng chỉ đứng trên lập trường của người nghệ sĩ mà không đứng trên lập trường của nhân dân. 
           Ví dụ 2:
          Xoay quanh ý 2.2.3., có thể phát biểu “cảm nghĩ”:
          - Mâu thuẫn giữa quan niệm nghệ thuật thuần túy của muôn đời và lợi ích thiết thực của đời sống nhân dân chưa được tác giả giải quyết dứt khoát. 
     Trong lời Đề tựa viết một năm sau khi viết xong vở kịch, chính Nguyễn Huy Tưởng đã công khai bày tỏ nỗi băn khoăn của mình: “Đài Cửu Trùng không thành, nên mừng hay nên tiếc? Chẳng biết Vũ Như Tô phải hay những kẻ giết Như Tô phải []. Than ôi, Như Tô phải hay những kẻ giết Như Tô phải? Ta chẳng biết. Cầm bút chẳng qua cùng một bệnh với đan Thiềm”. 
     - Thực ra đây là mâu thuẫn mà có lẽ không bao giờ và không ai giải quyết cho thật dứt khoát, ổn thỏa được. Bởi vì nó mang tính phổ quát và mang tầm nhân loại: thực chất là biểu hiện của mâu thuẫn giữa Nghệ sĩ và Nhân dân, giữa Cái Đẹp (thuần túy, siêu đẳng) và Cái Thiện. 
          3. Nhận định, đánh giá chung:
          - Vở kịch của Nguyễn Huy Tưởng được viết từ những năm đầu thập niên bốn mươi của thế kỉ trước, nhưng đến nay vẫn còn có sức gợi suy tư và lay động lòng người. Sức lay động ấy trước hết và chủ yếu toát ra từ hình tượng nhân vật Vũ Như Tô.
          - Bi kịch của nhân vật Vũ Như Tô là kết quả một cái nhìn phát hiện và tấm lòng trăn trở, thao thức không nguôi của nhà văn về đất nước về nhân dân và về công việc sáng tạo nghệ thuật nói riêng và sáng tạo tinh thần nói chung của người nghệ sĩ, trí thức.

Tài liệu đính kèm:

  • docDE THI MAU MON VANSO 3.doc