Đề thi đại học - cao đẳng năm 2009 môn: Văn (180 phút)

Đề thi đại học - cao đẳng năm 2009 môn: Văn (180 phút)

 Câu I: (2 điểm)

 Nêu hoàn cảnh ra đời và những nét đặc sắc nghệ thuật của bài thơ Việt Bắc (Tố Hữu).

 Câu II: (3 điểm)

 Viết bài văn ngắn (khoảng 400 từ) bình luận ý kiến của nhà văn Lép Tôn-xtôi: “Điều quan trọng không phải là biết quả đất tròn mà là bằng cách nào để biết quả đất tròn”.

 Câu III: (5 điểm)

 Phân tích hình tượng “sóng” trong bài thơ Sóng (Xuân Quỳnh) làm nổi bật vẻ đẹp của tâm hồn người phụ nữ trong tình yêu.

 

doc 5 trang Người đăng kidphuong Lượt xem 1381Lượt tải 0 Download
Bạn đang xem tài liệu "Đề thi đại học - cao đẳng năm 2009 môn: Văn (180 phút)", để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
ĐỀ THI ĐẠI HỌC - CAO ĐẲNG NĂM 2009
Môn : Văn (180 phút)
Biên soạn và hướng dẫn : TS. Nguyễn Thành Thi
----------------------------------------------------
ĐỀ SỐ 2
        Câu I: (2 điểm)
  Nêu hoàn cảnh ra đời và những nét đặc sắc nghệ thuật của bài thơ Việt Bắc (Tố Hữu).
        Câu II: (3 điểm)
  Viết bài văn ngắn (khoảng 400 từ) bình luận ý kiến của nhà văn Lép Tôn-xtôi: “Điều quan trọng không phải là biết quả đất tròn mà là bằng cách nào để biết quả đất tròn”.
       Câu III: (5 điểm)
    Phân tích hình tượng “sóng” trong bài thơ Sóng (Xuân Quỳnh) làm nổi bật vẻ đẹp của tâm hồn người phụ nữ trong tình yêu.
---------------------------------------------------------------
HƯỚNG DẪN LÀM BÀI
         Câu I: (2 điểm)
         I. YÊU CẦU CẦN ĐẠT:
         1. Đề yêu cầu thí sinh trình bày một cách súc tích những nét chính về hoàn cảnh sáng tác Việt Bắc và nêu 
         được nét đặc sắc nghệ thuật của tác phẩm này (đoạn trích được học) .
         2. Có thể viết thành đoạn văn hay “gạch đầu dòng”, nhưng dù thế nào thì kiến thức phải chính xác, đủ ý, 
         dẫn chứng (nếu có) phải nêu khái quát, chọn lọc.
         II. NHỮNG Ý CHÍNH CẦN CÓ:
         1.1. Hoàn cảnh ra đời bài thơ Việt Bắc của Tố Hữu:
                Bài làm cần nêu rõ:
         - Sau chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (7-5-1954), Hiệp định Giơnevơ được kí kết, hoà bình được lập lại, một trang sử mới của đất nước và một giai đoạn mới của cách mạng đang mở ra. Vấn đề của cách mạng Việt Nam lúc này là giữ vững những phẩm chất tốt đẹp đã được thể hiện ở giai đoạn trước, tiếp tục  phát huy trong giai đoạn mới. Nhân sự kiện có tính chất thời sự và lịch sử ấy, tháng 10- 1954, Tố Hữu đã sáng tác bài thơ Việt Bắc. Tác phẩm không chỉ tổng kết cuộc kháng chiến vừa qua mà còn đáp ứng nhu cầu mới của cách mạng Việt Nam.
         - Đời sống của đất nước thay đổi có tính chất bước ngoặt: từ chiến tranh sang hoà bình, từ núi rừng về thành thị. Người ra đi không khỏi bâng khuâng thương nhớ; người ở lại không khỏi bịn rịn, trống trải. Bài thơ đã thể hiện một cách đặc sắc những cảm xúc ấy. Tác phẩm được lấy làm tên chung cho cả tập thơ Việt Bắc, một đỉnh cao của thơ Tố Hữu và cũng là một sáng tác xuất sắc của thơ ca Việt Nam thời kì kháng chiến chống Pháp.
     1.2. Những nét đặc sắc về nghệ thuật tác phẩm (qua đoạn trích đã học)
               Việt Bắc là một bài thơ có màu sắc dân tộc đậm đà và rất tiêu biểu cho phong cách nghệ thuật thơ Tố Hữu. Bài làm cần nhấn mạnh một số ý chính:
         - Kết cấu của bài thơ theo lối đối đáp trong hát giao duyên (đối và đáp) của hai nhân vật trữ tình (xưng mình – ta), làm cho tác phẩm tuy thể hiện đề tài có tính chính trị nhưng lại mang âm hưởng trữ tình đằm thắm như lời đồng vọng của tình yêu đôi lứa.
         - Giọng điệu thơ ngọt ngào, tâm tình, cả một hệ thống ngôn từ của tình yêu đôi lứa (bâng khuâng, bồn chồn, cầm tay) cùng điệp từ nhớ mang nội dung và sắc thái khác nhau, ngày càng sâu đậm, thắm thiết. khiến bài thơ như một bản tình ca về lòng thủy chung son sắt của người cách mạng khi phải rời xa Việt Bắc.
         - Thể thơ lục bát quen thuộc của dân tộc. Nhịp thơ uyển chuyển, câu nọ gọi câu kia như kí ức trở lại không bao giờ nguôi. 
Câu II: (3 điểm)
         I. YÊU CẦU CẦN ĐẠT:
         1. Đề yêu cầu thí sinh bình luận về tầm quan trọng của phương pháp nói chung và phương pháp học tập nói riêng .
         2. Có kĩ năng viết bài văn nghị luận xã hội ngắn (bàn về một tư tưởng, đạo lí
         II. NHỮNG Ý CHÍNH CẦN CÓ:
         1. Giới thiệu ý kiến của Lép Tôn-xtôi và nêu vấn đề: trong cuộc sống, học tập, làm việc, phương pháp quan  trọng hay kết quả là quan trọng?
         2. Giải thích bàn luận:
         2.1. Giải thích ý kiến của đại văn hào Nga Lép Tôn-xtôi: “Điều quan trọng không phải là biết quả đất tròn mà là bằng cách nào để biết quả đất tròn”.
                Nhà văn Lép Tôn-xtôi bắc lên bàn cân, cân nhắc tầm quan trọng của hai điều kết quả (“biết quả đất tròn”) và phương pháp (“bằng cách nào để biết quả đất tròn”). Và ông khẳng định dứt khoát: so với kết quả, phương pháp mới là “điều quan trọng”.
         2.2. Bình luận, bàn bạc thêm về ý kiến:
         - Qua câu nói trên, nhà văn Lép Tôn-xtôi muốn khẳng định tầm quan trọng đặc biệt của phương pháp. Đối với ông, điều quan trọng là cách thức để tìm ra kết quả chứ không phải bản thân kết quả. Điều này cũng giống như người ta thường ví trong cuộc sống cần dạy cho người học "cách câu cá" chứ không phải chỉ trang bị cho họ chiếc cần câu. Có thể lấy hàng loạt ví dụ trong đời sống và trong học tập, nghiên cứu để chứng minh ý kiến của đại văn hào Nga là có cơ sở và dễ đồng tình chia sẻ.
         - Điều này càng quan trọng hơn khi chúng ta sống trong một xã hội hiện đại, phát triển, khi tri thức của nhân loại tăng theo cấp số nhân, mỗi người không thể chạy theo để tìm hiểu, học hỏi tất cả... mà điều quan trọng là cần
         trang bị cho mình cách học, cách thu thập thông tin và cách sử lí thông tin... nói như Fredman là cần "học cách học".
         - Tuy nhiên, một phương pháp làm việc, học tập chỉ thực sự là quan trọng khi nó khoa học và có giá trị thực tiễn tức là có hiệu quả, giúp người ta đạt đến mục đích kết quả nhanh hơn, cao hơn, kì diệu hơn.
         3. Liên hệ thực tế: Đối với việc học tập của học sinh, sinh viên, phương pháp học tập lại càng quan trọng. Vì vậy không nên chỉ học kiến thức, chạy theo “thành tích” học tập, mà còn phải học cách học (cách đọc, cách tự  học, cách làm việc khoa học,).
   Câu III: (5 điểm)
        I. YÊU CẦU CẦN ĐẠT:
        1. Đề bài đã nêu rõ 2 yêu cầu đối với thí sinh:
         -  Vận dụng kiến thức, kĩ năng để phân tích “hình tượng sóng” (Sóng - Xuân Quỳnh), một hình tượng trong  thơ trữ tình
         -  Nêu “cảm nhận” riêng về “vẻ đẹp tâm hồn người phụ nữ trong tình yêu” qua hình tượng sóng 
         2. Thí sinh không những phải cảm thụ tốt bài thơ và hình tượng trung tâm của nó mà còn phải biết cách tổ chức sắp xếp luận điểm luận cứ (ý chính, ý phụ, mở, đóng,) một cách hợp lí, mạch lạc thành một bài văn (dù chỉ là bài văn ngắn); diễn đạt sáng sủa, đúng ngữ pháp, chính tả, và có “văn”.
         II. NHỮNG Ý CHÍNH CẦN CÓ
         1. Giới thiệu chung về tác giả, bài thơ và hình tượng sóng:
         Khi giới thiệu, cần nhấn mạnh:
         - Xuân Quỳnh là nhà thơ nữ, có nhiều đóng góp trong mảng thơ tình yêu. Cái mới trong thơ tình của chị là tình yêu được phát biểu từ phía tâm hồn người nữ, xuất phát từ những suy tư trải nghiệm trong tình yêu  của chính tác giả, đó là niềm khao khát tình yêu và hạnh phúc đời thường. Bài thơ Sóng tiêu biểu cho hồn thơ Xuân Quỳnh.
         - Hình tượng “sóng” dù khá quen thuộc trong thơ nhiều người nhưng vào thơ Xuân Quỳnh vẫn là một sáng  tạo mới mẻ, bất ngờ và nói được thật sâu, thật nhiều về những gì đẹp đẽ sâu kín trong tâm hồn người phụ nữ trong tình yêu.
         2. Phân tích hình tượng và phát biểu cảm nhận: 
         2.1. Sóng là hình tượng trung tâm của bài thơ, được xây dựng theo lối đối sánh với nhân vật trữ tình “em”, gợi nhiều liên tưởng phong phú, bất ngờ, sâu sắc và mới mẻ
         - Thơ tình yêu nói chung, cũng như thơ tình yêu của Xuân Quỳnh nói riêng, thường sử dụng các cặp biểu tượng quen thuộc (thuyền- bến, sóng- bờ, bướm- hoa, khách bộ hành- cây đa,) để diễn tả những trạng  thái vui buồn của hợp tan, gần gũi, xa cách, và phát biểu tâm trạng cảm xúc của con người trong tình yêu.
         Trong các cặp biểu tượng này, có một hình ảnh động, chủ động (thuyền, sóng, bướm, khách bộ hành,),một hình ảnh tĩnh, bị động (bến, bờ, hoa, cây đa,).
         - Xuân Quỳnh, có lẽ, là người đầu tiên dùng một biểu tượng động, chủ động (sóng) để phát biểu tình yêu từ phía tâm hồn người nữ. Hơn thế, sóng với chị còn là một biểu tượng gợi nhiều liên tưởng sâu sắc, phong phú, bất ngờ Sóng tổng hòa trong nó nhiều sắc màu, trạng thái đối cực: Dữ dội và dịu êm/ Ồn ào và lặng lẽ
         - Ý nghĩa biểu tượng và sắc thái biểu cảm của hình tượng sóng được mở rộng khơi sâu theo kết cấu đối sánh của bài thơ: “sóng” và “em”. Nói chung, sóng và em luôn được đặt trong thế đối sánh, soi chiếu vào nhau, (sóng với em “tuy một mà hai”) nhưng đến cuối bài thơ thì hòa nhập vào nhau (sóng và em “tuy hai mà một”). Tất cả tạo nên sức biểu cảm và khả năng gợi liên tưởng sâu sắc, phong phú, bất ngờ. Đó là cái hay của bài thơ, là thành công của Xuân Quỳnh. 
         2.2. Sóng của Xuân Quỳnh gợi cho mỗi người chúng ta một cảm nhận riêng về vẻ đẹp tâm hồn người phụ nữ trong tình yêu. 
               Cảm nhận riêng có thể rất khác nhau, nhưng cũng phải xuất phát từ bản thân hình tượng sóng trong bài thơ. Có thể tập trung, xoay quanh mấy ý sau: 
         - Từ hình tượng sóng, cảm nhận ở tâm hồn phụ nữ nói chung, ở Xuân Quỳnh nói riêng một vẻ đẹp của niềm khát khao mãnh liệt:
                Đó là một niềm khát vọng không cùng, khát vọng dào dạt và khát vọng muôn thuở, muôn đời (Nỗi khát  vọng tình yêu/ Bồi hồi trong ngực trẻ) như “con sóng ngày xưa”, “con sóng ngày sau”; khát vọng tự nhận thức, tự cắt nghĩa tình yêu (muốn biết cả những điều không thể biết: “tự nơi nào sóng lên”, cũng như muốn  biết “khi nào ta yêu nhau”?); khát vọng hòa nhập và hóa thân (Làm sao được tan ra/ Thành trăm con
         sóng nhỏ/ Giữa biển lớn tình yêu), khát vọng vươn tới một tình yêu cao đẹp, vĩnh cửu vĩnh hằng như “biển lớn tình yêu” “ngàn năm còn vỗ”.
         - Từ hình tượng sóng, cảm nhận một tình yêu trong tâm hồn phụ nữ với những quan niệm và những cung bậc, sắc thái vui buồn, suy tư, trăn trở rất thật, rất đời thường:
              Yêu là một trạng thái rất đặc biệt của tâm hồn con người (không riêng gì ở người nam mà ở người nữ cũng thế), đó là trạng thái phức tạp, chứa đầy bí ẩn. Càng phức tạp, bí ẩn càng thật, càng đời thường.
              Yêu là không tự giam mình ở “sông” nhỏ, quyết “tìm ra tận bể”
              Yêu là thương, là nhớ (tương tư):  cũng như con sóng nhớ bờ « ngày đêm không ngủ được, “Lòng em  nhớ đến anh/ Cả trong mơ còn thức”.
              Yêu là tin tưởng đợi chờ và hy vọng : cũng như con sóng «sẽ tới bờ/ dù muôn vời cách trở», như áng  mây “vẫn bay về xa” dù “biển kia dẫu rộng”, cuộc đời, năm tháng sẽ đưa tình yêu tới bến bờ hạnh phúc  của mình.
              Yêu là  không biết đến biên giới, đến điểm dừng: muốn tự hòa nhập, hóa thân, tự “tan ra” để tự nhân  mình lên thành trăm (thành trăm con sóng nhỏ), thành ngàn (để ngàn năm còn vỗ)
         3. Nhận định, đánh giá chung:
          - Sóng là bài thơ hay.
          - Với bài thơ này, khi Xuân Quỳnh nói tiếng nói riêng cất lên từ « cõi thầm kín » của riêng chị, cũng chính  là lúc chị đã chạm đến được cái chung và nói thay cho tâm hồn người phụ nữ và cho con người nói chung mong mỏi có một thế giới riêng, rộng lớn, tự do, phóng túng, như con sóng.

Tài liệu đính kèm:

  • docDE THI MAU MON VANSO 2.doc