Đề tài Đổi mới kiểm tra - Đánh giá qua các dạng bài tập tích hợp môn Ngữ văn bậc THPT

Đề tài Đổi mới kiểm tra - Đánh giá qua các dạng bài tập tích hợp môn Ngữ văn bậc THPT

Việc biên soạn các dạng bài tập để thực hiện yêu cầu đổi mới trong dạy – học môn ngữ văn là công việc có tính khoa học. Lẽ ra, trước hết, chúng tôi phải trình bày cơ sở lí luận và cơ sở thực tiễn của công việc này. Song, do thời gian hạn hẹp và theo yêu cầu của ban tổ chức, tôi xin được miễn trình bày 2 nội dung trên, coi như chúng ta đã thống nhất với nhau về quan điểm đổi mới.

Tôi xin được đi ngay vào đề tài.

Đề tài có tên là ĐỔI MỚI KIỂM TRA – ĐÁNH GIÁ QUA CÁC DẠNG BÀI TẬP TÍCH HỢP MÔN NGỮ VĂN BẬC THPT.

Nội dung đề tài này là một phần của bộ sáng kiến kinh nghiệm đã được công nhận và đã được vận dụng thường xuyên trong việc kiểm tra. Sáng kiến kinh nghiệm này sẽ được tiếp tục bổ sung, hoàn chỉnh trong tương lai.

Phần trình bày gồm 2 vấn đề chính: 1- Giới thiệu khái quát về các dạng bài tập tích hợp, 2- Ví dụ minh họa về một số dạng bài tập đó.

 

doc 6 trang Người đăng kidphuong Lượt xem 1917Lượt tải 1 Download
Bạn đang xem tài liệu "Đề tài Đổi mới kiểm tra - Đánh giá qua các dạng bài tập tích hợp môn Ngữ văn bậc THPT", để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
ĐỔI MỚI KIỂM TRA - ĐÁNH GIÁ QUA CÁC DẠNG
BÀI TẬP TÍCH HỢP MÔN NGỮ VĂN BẬC THPT.
– & —
Người thực hiện: NGUYỄN LỢI
 	Đơn vị Trường THPT chuyên NBK
 	Ngàytháng 02 năm 2009
DẪN NHẬP
Việc biên soạn các dạng bài tập để thực hiện yêu cầu đổi mới trong dạy – học môn ngữ văn là công việc có tính khoa học. Lẽ ra, trước hết, chúng tôi phải trình bày cơ sở lí luận và cơ sở thực tiễn của công việc này. Song, do thời gian hạn hẹp và theo yêu cầu của ban tổ chức, tôi xin được miễn trình bày 2 nội dung trên, coi như chúng ta đã thống nhất với nhau về quan điểm đổi mới.
Tôi xin được đi ngay vào đề tài. 
Đề tài có tên là ĐỔI MỚI KIỂM TRA – ĐÁNH GIÁ QUA CÁC DẠNG BÀI TẬP TÍCH HỢP MÔN NGỮ VĂN BẬC THPT.
Nội dung đề tài này là một phần của bộ sáng kiến kinh nghiệm đã được công nhận và đã được vận dụng thường xuyên trong việc kiểm tra. Sáng kiến kinh nghiệm này sẽ được tiếp tục bổ sung, hoàn chỉnh trong tương lai.
Phần trình bày gồm 2 vấn đề chính: 1- Giới thiệu khái quát về các dạng bài tập tích hợp, 2- Ví dụ minh họa về một số dạng bài tập đó.
B- NỘI DÙNG ĐỀ TÀI
I- Khái quát về các dạng bài tập tích hợp
Nguyên tắc xây dựng - biên soạn: 
Ngoài các nguyên tắc khoa học – sư phạm chung, các dạng bài tập ở đây được biên soạn sao cho đáp ứng nhiều nhất các tiêu chuẩn sau :
- Tính tích hợp – thực hành: Các bài tập không thuộc hẳn về phân môn nào, không bắt buộc phải nằm trong phạm vi kiến thức của một bài học cụ thể nào. Mọi bài tập được xây dựng theo hướng giúp học sinh cùng một lúc có thể tiếp nhận hoặc củng cố kiến thức cả 3 môn : Văn học, Tiếng Việt và Làm văn.
- Tính hệ thống: Các dạng bài tập được xây dựng trên cơ sở tính chỉnh thể của chương trình môn Ngữ văn, phải làm cho học sinh thấy rõ mối quan hệ hữu cơ – tương hỗ giữa các bài trong 1 chương, giữa các chương trong 1 bộ sách giáo khoa, giữa kiến thức năm sau với kiến thức năm trước, giữa kĩ năng này với kĩ năng khác, v.v
- Tính mở: Mỗi bài tập vừa hướng đến một yêu cầu, một mục tiêu cụ thể, vừa có thể thay đổi, bổ sung, chuyển hóa linh hoạt để tạo ra các phiên bản khác nhau nhằm đạt được nhiều mục tiêu hơn. 
Ngoài ra, các nguyên tắc như phát huy tính tích cực sáng tạo của học sinh, tính cơ bản, ngắn gọn, đơn giản, dễ hiểu, dễ thực hiện cũng luôn được quán triệt trong quá trình xây dựng biên soạn.
Bài tập về dùng từ 
Loại bài tập này hướng đến rèn luyện khả năng dùng từ ở cả 3 trình độ: dùng từ đúng, dùng từ chính xác, dùng từ có tính biểu cảm cao. Hình thức cơ bản thể hiện dạng bài tập này là: tạo một đoạn (bài) văn có giá trị sau đó xóa đi các từ được giáo viên chọn trước theo một tiêu chuẩn nào đó, yêu cầu học sinh tái hiện lại các từ đó ở chỗ trống trong câu. Cái mới của dạng bài tập này là ở chỗ người ra đề phải tạo được đoạn (bài) văn đáp ứng yêu cầu về tính tích hợp, tính hệ thốngđã nêu ở trên.
2- Bài tập về đặt câu: 
Loại bài tập này hướng đến rèn luyện kĩ năng sử dụng câu ở các trình độ khác nhau: từ viết đúng ngữ pháp đến ý thức về mối quan hệ giữa kiểu kết cấu câu với hiệu quả diễn đạt, đến khả năng sử dụng những kiểu diễn đạt có giá trị biểu cảm. Các bài tập thuộc loại này có chung một kiểu yêu cầu dưới dạng: Hãy diễn đạt một ý tưởng cho trước bằng các kiểu câu khác nhau sau đó so sánh hiệu quả tác động của các kiểu diễn đạt, từ đó rút ra bài học kinh nghiệm cho bản thân trong việc nói, viết.
3- Bài tập về dựng đoạn 
Loại bài tập này yêu cầu học sinh sắp xếp các câu trong một dãy hoặc chuỗi câu cho trước theo một trật tự hợp lí để tạo thành một đoạn văn hoàn chỉnh. Kiểu bài tập này có tính tích hợp – hệ thống khá cao, có thể tạo ra nhiều phiên bản để vận dụng trong nhiều tình huống kiểm tra, rèn luyện khác nhau.
4- Bài tập về hoàn chỉnh văn bản 
Ngoài những đề Làm văn yêu cầu học sinh viết một bài văn đầy đủ còn có dạng bài tập cho học sinh tập trung giải quyết thật tốt một phần, một khâu nào đó trong văn bản. Dạng bài tập này nếu làm thường xuyên, có hệ thống, có mục đích, sẽ giúp cho học sinh có ý thức đầy đủ về bản chất của việc làm văn, về cách thức để đạt được hiệu quả cao trong giao tiếp bằng văn bản viết. Hình thức thể hiện cơ bản của dạng bài tập này là như sau: Cho một bài văn, thường là văn nghị luận văn học hoặc nghị luận xã hội đã bị cắt bỏ một phần hoặc một luận điểm nào đó, yêu cầu học sinh bổ sung nội dung thích hợp để bài văn được hoàn chỉnh. Hiệu quả kiểm tra- đánh giá- rèn luyện của dạng bài tập này phụ thuộc vào việc người ra đề đã chọn văn bản nào, cắt bỏ nội dung nào, yêu cầu gì ở học sinh
5- Bài tập về sử dụng kết hợp các thao tác lập luận 
Dạng bài tập này giúp kiểm tra mức độ nhận thức và kĩ năng vận dụng các thao tác lập luận của học sinh, là loại bài tập khó, chỉ dành cho học sinh giỏi. Kiểu đề ra của dạng bài này thường là: Cho một đoạn (bài) văn có giá trị về mặt lập luận, yêu cầu học sinh phát hiện, mô tả các kiểu lập luận đã được sử dụng, phân tích lí giải sự thành công của người viết về mặt lập luận, từ đó rút kinh nghiệm trong việc làm văn.
6- Bài tập về sử dụng các phương thức diễn đạt hay các phong cách ngôn ngữ
Dạng bài tập này có nhiều điểm giống dạng bài tập về các thao tác lập luận,điểm khác biệt là hướng đến kiểm tra năng lực vận dụng các phương thức diễn đạt, từ đó giúp rèn luyện, phát triển kĩ năng diễn đạt cho học sinh.
7- Bài tập về sử dụng các hình thức tu từ trong văn nghị luận 
Dạng bài tập này nhằm kiểm tra kiến thức và năng lực của học sinh trong việc sử dụng các hình thức tu từ để tăng cường yếu tố thẩm mĩ cho bài văn nghị luận cũng tức là tăng sức thuyết phục của bài văn. Kiểu đề thông thường cho dạng này có thể là: Cho trước một ý tưởng, yêu cầu diễn đạt ý tưởng đó bằng các hình thức tu từ khác nhau, so sánh hiệu quả giao tiếp của các kiểu tu từ đã sử dụng, từ đó rút ra kinh nghiệm trong việc làm văn, trong giao tiếp bằng ngôn ngữ.
8- Bài tập sáng tạo nghệ thuật: 
Dạng bài tập này được dùng để kiểm tra sự nhận thức về bản chất của văn học, giúp những học sinh có năng khiếu sáng tác có dịp rèn luyện và phát huy năng lực và sở thích sáng tác văn học. Kiểu đề này thể hiện dưới hình thức: cho một truyện, thường là loại truyện cực ngắn, cắt bỏ một chi tiết quan trọng chứa đựng chủ đề của truyện, hoặc cách kết thúc truyện, yêu cầu học sinh đưa ra cách lựa chọn của mình, lí giải sự lựa chọn đó.
II- Ví dụ minh họa.
1- Bài tập dựng đoạn 
Bài tập 1: Hãy sắp xếp các câu trong dãy sau đây theo trật tự thích hợp để tạo thành 1 đoạn văn hoàn chỉnh: 
a- Trước khi cầm bút phải trả lời hai câu hỏi: Viết cho ai? Viết để làm gì?. 
b Đối với Hồ Chí Minh, văn học trước hết phải là một thứ vũ khí. 
c- Từ đó mới định ra nội dung và hình thức của bài viết. 
d- Người thường nhắc đi nhắc lại một kinh nghiệm thiết thân của mình: 
e- Đó là quan điểm sáng tác nhất quán của Bác, thể hiện ở mọi sáng tác của Người. 
f- Người cũng xác định rõ: “ Nay ở trong thơ nên có thép – Nhà thơ cũng phải biết xung phong”.
g- Quan điểm nghệ thuật đúng đắn đó đã tạo nên tính nhất quán trong sự nghiệp văn học của Ngươì, 
h- Có nghĩa là mỗi bài văn bài thơ viết ra phải hướng vào một đối tượng cụ thể nào đó, nhằm đạt được một mục đích nào đó. 
i- Ngay cả trong trường hợp làm thơ chỉ để khuây khỏa trong tù, 
j- Làm cho thơ văn của Người hết sức phong phú, đa dạng.
Bài tập 2: Hãy sắp xếp các câu trong chuỗi sau đây theo trật tự thích hợp để tạo thành 1 đoạn văn hoàn chỉnh:
Trước khi cầm bút phải trả lời hai câu hỏi: Viết cho ai? Viết để làm gì? Đối với Hồ Chí Minh, văn học trước hết phải là một thứ vũ khí. Từ đó mới định ra nội dung và hình thức của bài viết. Người thường nhắc đi nhắc lại một kinh nghiệm thiết thân của mình. Đó là quan điểm sáng tác nhất quán của Bác, thể hiện ở mọi sáng tác của Người. Người cũng xác định rõ: “ Nay ở trong thơ nên có thép – Nhà thơ cũng phải biết xung phong”. Quan điểm nghệ thuật đúng đắn đó đã tạo nên tính nhất quán trong sự nghiệp văn học của Ngươì, Có nghĩa là mỗi bài văn bài thơ viết ra phải hướng vào một đối tượng cụ thể nào đó, nhằm đạt được một mục đích nào đó. Ngay cả trong trường hợp làm thơ chỉ để khuây khỏa trong tù, Làm cho thơ văn của Người hết sức phong phú, đa dạng.
Bài tập 3: Hãy dùng các dấu câu thích hợp để ngắt chuỗi từ ngữ sau đây thành các câu đúng ngữ pháp, từ đó tạo thành đoạn văn hoàn chỉnh:
đối với Hồ Chí Minh văn học trước hết phải là một thứ vũ khí đó là quan điểm sáng tác nhất quán của Bác thể hiện ở mọi sáng tác của Người người thường nhắc đi nhắc lại một kinh nghiệm thiết thân của mình trước khi cầm bút phải trả lời hai câu hỏi viết cho ai viết để làm gì từ đó mới định ra nội dung và hình thức của bài viết có nghĩa là mỗi bài văn bài thơ viết ra phải hướng vào một đối tượng cụ thể nào đó nhằm đạt được một mục đích nào đó ngay cả trong trường hợp làm thơ chỉ để khuây khỏa trong tù Người cũng xác định rõ nay ở trong thơ nên có thép nhà thơ cũng phải biết xung phong quan điểm nghệ thuật đúng đắn đó đã tạo nên tính nhất quán trong sự nghiệp văn học của Người làm cho thơ văn của Người hết sức phong phú đa dạng.
Bài tập 4: Hãy dùng các dấu câu thích hợp để ngắt chuỗi từ ngữ sau đây thành các câu đúng ngữ pháp, kế đó sắp xếp các câu theo trật tự hợp lí để tạo thành đoạn văn hoàn chỉnh: (đây là phiên bản khó nhất của loại bài tập này)
trước khi cầm bút phải trả lời hai câu hỏi viết cho ai viết để làm gì đối với Hồ Chí Minh văn học trước hết phải là một thứ vũ khí từ đó mới định ra nội dung hình thức của bài viết người thường nhắc đi nhắc lại một kinh nghiệm thiết thân của mình đó là quan điểm sáng tác nhất quán của Bác thể hiện ở mọi sáng tác của Người người cũng xác định rõ nay ở trong thơ nên có thép nhà thơ cũng phải biết xung phong quan điểm nghệ thuật đúng đắn đó đã tạo nên tính nhất quán trong sự nghiệp văn học của Ngươì có nghĩa là mỗi bài văn bài thơ viết ra phải hướng vào một đối tượng cụ thể nào đó nhằm đạt được một mục đích nào đó ngay cả trong trường hợp làm thơ chỉ để khuây khỏa trong tù làm cho thơ văn của Người hết sức phong phú đa dạng
2- Bài tập sáng tạo nghệ thuật
Bài tập 1
Câu chuyện sau đây xảy ra trong thời Đệ nhị thế chiến. 
Một người lính đang ở trong chiến hào, xung quanh lửa đạn ngút trời, trông thấy người bạn của mình ở phía trước đã bị thương không thể đứng lên được. Anh đề nghị chỉ huy cho phép anh đưa bạn về. 
–Anh có thể đi – Viên chỉ huy nói – Nhưng tôi nghĩ không đáng phải làm như thế. Bạn anh có thể đã chết còn anh có lẽ sẽ phí phạm mạng sống. 
Dù vậy, người lính vẫn bò ra khỏi chiến hào, đến được chỗ bạn, vừa kịp nghe câu nói cuối cùng của anh ta: “Mình biết là cậu sẽ đến mà”. Vượt qua bức tường lửa đạn, người lính đưa được bạn trở về. Sau khi xem xét, viên chỉ huy tỏ ý trách móc: “Tôi đã bảo mà, bạn anh chết rồi, còn anh thì giờ đã bị thương nặng.”. Người lính thản nhiên đáp:
Theo anh (chị) người lính sẽ nói gì với viên chỉ huy, vì sao anh (chị) nghĩ như vậy?
Bài tập 2 
Một lần trong lúc vội bước lên tàu lửa, Mahatma Gandhi (anh hùng dân tộc, bậc thánh nhân của Ấn Độ) đã đánh rơi một chiếc giày và không thể nào lấy lên được vì lúc đó tàu đã chạy, ông bèn cởi luôn chiếc giày còn lại ném tiếp xuống đường. Không kìm được thắc mắc, hành khách hỏi ông vì sao lại làm chuyện kỳ cục như vậy, Gandhi cười đáp:
Anh (chị) nghĩ Gandhi sẽ trả lời thế nào? Trình bày ý kiến của anh (chị) về câu chuyện trên.
Bài tập 3 
Câu chuyện sau đây chưa có phần kết. Anh (chị) hãy nghĩ ra một cách kết thúc thích hợp để mẫu chuyện có giá trị như một truyện ngắn: 
Anh dừng lại tiệm bán hoa để gởi hoa tặng mẹ qua đường bưu điện. Mẹ anh sống cách chỗ anh khoảng ba trăm ki lô mét. Khi bước ra khỏi xe, anh thấy một bé gái đang đứng khóc bên vỉa hè. Anh đến và hỏi nó sao lại khóc. 
Cháu muốn mua một bông hoa hồng để tặng mẹ cháu – Nó nức nở - nhưng cháu chỉ có năm trăm đồng trong khi giá hoa hồng đến hai ngàn. 
Anh mỉm cười và nói với nó: 
Đến đây, chú sẽ mua cho cháu. 
Anh liền mua hoa cho cô bé và đặt một bó hồng để gởi cho mẹ anh. Xong xuôi, anh hỏi cô bé có cần đi nhờ xe về nhà không. Nó vui mừng nhìn anh trả lời: 
Dạ, chú cho cháu đi nhờ đến nhà mẹ cháu. 
Rồi nó chỉ đường cho anh lái xe đến một nghĩa trang, nơi có một phần mộ vừa mới đắp. Nó chỉ ngôi mộ và nói: Đây là nhà của mẹ cháu. Nói xong, nó ân cần đặt nhánh hoa hồng lên mộ
C- Kết luận 
Việc đổi mới kiểm tra- đánh giá chỉ thực sự có ý nghĩa, có tác dụng, có hiệu quả khi người dạy đã nhận thức đầy đủ, rõ ràng về vai trò, về mục tiêu, về đặc trưng- bản chất của môn Ngữ văn trong nhà trường. Chúng tôi cho rằng, ngoài việc cung cấp kiến thức văn học, kiến thức Việt ngữ học thì nhiệm vụ rất quan trọng của môn Ngữ văn là rèn luyện cho học sinh thành thạo cả 4 kĩ năng: nghe, đọc, nói, viết, tức là huấn luyện học sinh thành những NGƯỜI VIỆT GIỎI TIẾNG VIỆT ( chúng tôi dùng chữ Tiếng Việt với nghĩa: tiếng nói của người Việt, chứ không phải với nghĩa môn Tiếng Việt trong sách giáo khoa). Theo quan điểm này thì môn Ngữ văn phải là môn học có tính thực hành rất cao, cao như tính thực hành của môn Thể dục vậy. 
Xuất phát từ quan điểm đó, chúng tôi cố gắng xây dựng hệ thống bài tập thực sự là bài tập thực hành. Những dạng bài tập vừa trình bày trên đây rõ ràng đã hướng đến mục tiêu kiểm tra và rèn luyện kĩ năng viết đối với học sinh, là sự làm mới và bổ sung cho các kiểu đề quen thuộc đã sử dụng từ xưa đến nay. Chúng tôi hy vọng sắp tới sẽ soạn được những kiểu bài tập thích hợp cho việc kiểm tra và rèn các kĩ năng khác. Tuy nhiên đây chưa phải là tất cả những gì chúng tôi đã làm và hoàn toàn không phải là những mẫu hình để vận dụng một cách cứng nhắc. Đây mới chỉ là một kiểu cụ thể hóa một ý tưởng mà thôi, nhất định không tránh khỏi sai sót, rất mong nhận được sự góp ý, chỉ bảo của quý thầy cô. Chúng tôi biết nhiều thầy cô giáo có những cách làm rất hay. Chúng tôi luôn mong mỏi có nhiều cơ hội để trao đổi, học hỏi lẫn nhau. Nếu được như vậy thì việc dạy – môn Ngữ văn của chúng ta sẽ đạt được hiệu quả như mong muốn. 

Tài liệu đính kèm:

  • docSKKN_Van_THPT.doc