Đặc trưng hệ thống thể loại của văn chương yêu nước nửa sau thế kỉ XIX ở Việt Nam

Đặc trưng hệ thống thể loại của văn chương yêu nước nửa sau thế kỉ XIX ở Việt Nam

 1. Cùng với sự thay đổi đội ngũ tác giả, sự thay đổi của chủ đề, đề tài cũng góp phần rất quan trọng tạo ra diện mạo mới cho hệ thống thể loại của văn chương yêu nước nửa cuối thế kỷ XIX. Gần trọn nửa cuối XIX là thời gian Pháp đánh chiếm n-ước ta và nhân dân ta chống lại xâm lược từ Nam chí Bắc, cả ở kinh đô Huế và cả ở vùng thôn quê. Văn thơ yêu nước đi sát các phong trào, kêu gọi chiến đấu, tố cáo giặc Pháp, khêu gợi lòng căm thù, cổ vũ những lớp người sau xông lên thay thế những ng-ười phía trước vừa ngã xuống. Hàng loạt nhà nho, quan lại hay thân sĩ đứng lên chống Pháp. Họ cầm gươm giết giặc mà cũng cầm bút làm thơ văn, trước hết là để kêu gọi chống giặc và sau nữa là để thổ lộ nỗi lòng. Văn chương không chỉ là phương tiện để trần tình hướng nội mà còn là chiếc kênh giao tiếp để hướng đến nhân quần đại chúng, đi vào thực tiễn. Tính thời sự hay nói cách khác tính thời chiến tính kịch chiến trở thành một thứ "chủ âm" dễ nhận ra trên hầu khắp các thể loại văn chương yêu nước đương thời. Do vậy dễ hiểu vì sao những nhà yêu nước cuối thế kỷ XIX đã để lại đủ thể loại: chiếu, biểu, hịch, thư, câu đối, văn tế và nhiều nhất là thơ cảm hoài, câu đối phúng viếng Các tác giả văn chương yêu nước mà trước hết và chủ yếu là các nhà nho trung nghĩa đã dùng những thể loại văn học thích hợp với con người và hoàn cảnh của họ để nói cảm xúc trước nạn nước.

doc 10 trang Người đăng kidphuong Lượt xem 2375Lượt tải 5 Download
Bạn đang xem tài liệu "Đặc trưng hệ thống thể loại của văn chương yêu nước nửa sau thế kỉ XIX ở Việt Nam", để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Đặc trưng hệ thống thể loại của văn chương yêu nước nửa sau thế kỉ XIX ở Việt Nam
Nguyễn Văn Thế
Khoa Khoa học xã hội, Đại học Hồng Đức, Thanh Hóa 
     1. Cùng với sự thay đổi đội ngũ tác giả, sự thay đổi của chủ đề, đề tài cũng góp phần rất quan trọng tạo ra diện mạo mới cho hệ thống thể loại của văn chương yêu nước nửa cuối thế kỷ XIX. Gần trọn nửa cuối XIX là thời gian Pháp đánh chiếm nước ta và nhân dân ta chống lại xâm lược từ Nam chí Bắc, cả ở kinh đô Huế và cả ở vùng thôn quê. Văn thơ yêu nước đi sát các phong trào, kêu gọi chiến đấu, tố cáo giặc Pháp, khêu gợi lòng căm thù, cổ vũ những lớp người sau xông lên thay thế những người phía trước vừa ngã xuống. Hàng loạt nhà nho, quan lại hay thân sĩ đứng lên chống Pháp. Họ cầm gươm giết giặc mà cũng cầm bút làm thơ văn, trước hết là để kêu gọi chống giặc và sau nữa là để thổ lộ nỗi lòng. Văn chương không chỉ là phương tiện để trần tình hướng nội mà còn là chiếc kênh giao tiếp để hướng đến nhân quần đại chúng, đi vào thực tiễn. Tính thời sự hay nói cách khác tính thời chiến tính kịch chiến trở thành một thứ "chủ âm" dễ nhận ra trên hầu khắp các thể loại văn chương yêu nước đương thời. Do vậy dễ hiểu vì sao những nhà yêu nước cuối thế kỷ XIX đã để lại đủ thể loại: chiếu, biểu, hịch, thư, câu đối, văn tế và nhiều nhất là thơ cảm hoài, câu đối phúng viếng Các tác giả văn chương yêu nước mà trước hết và chủ yếu là các nhà nho trung nghĩa đã dùng những thể loại văn học thích hợp với con người và hoàn cảnh của họ để nói cảm xúc trước nạn nước.
2. Những thể văn thường dùng trước kia, đến giai đoạn này một số ít được sử dụng, một số vẫn còn thịnh hành, nhưng do lực lượng sáng tác là những sĩ phu yêu nước cùng với sự thay đổi về đề tài, chủ đề mà người ta trở lại với các thể phú, thơ Đường luật, văn tế, hịch là những thể có nhiều khả năng đi vào quần chúng. Không phải ngẫu nhiên mà ở giai đoạn này lại xuất hiện nhiều những bài Hịch kêu gọi nghĩa binh đánh Tây (Nguyễn Đình Chiểu), Hịch đánh Tây (Lãnh Cồ), những bài Văn tế nghĩa sĩ trận vong lục tỉnh, Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc, Văn tế Trương Định (Nguyễn Đình Chiểu), những bài Sớ không nhận chức tuần phủ Nam Định (Đỗ Quang), Phú kể lại việc giặc Pháp đáng Bắc kỳ (Phạm Văn Nghị) và rất nhiều thơ cảm hoài, thơ tuyệt mệnh, câu đối phúng viếngCó thể nói, hễ có phong trào chống Pháp là có hịch, cũng như các sự việc quan trọng đều có văn tế, câu đối phúng viếng Đó đều là các thể văn chức năng đã được sử dụng nhiều ở quá khứ. Tuy nhiên nó không còn mang quá nặng tính quan phương nghiêm ngặt, tính từ chương chặt chẽ như trước kia nữa. Nhu cầu thời sự, đòi hỏi phổ biến hóa vào quần chúng khiến cho các thể loại, trên cái nền di truyền bất biến của mình, đã có những điều chỉnh cho phù hợp với thực tiễn phản ánh.
Thể loại đạt được vị trí rất to lớn là văn tế. Đó là thể loại phản ánh sâu sắc thái độ thẩm mỹ của con người thời đại này trước hiện thực. Văn tế phát triển ở cuối thế kỷ XVIII đầu thế kỷ XIX và đạt được nhiều thành tựu nhất vào những năm cuối thế kỷ XIX. Như đã được thừa nhận rộng rãi, tác giả tiêu biểu nhất trong lịch sử văn học là Nguyễn Đình Chiểu. Ông cũng là người đưa nghệ thuật văn tế lên đỉnh cao và trở thành cái mốc lớn trong lịch sử văn học. 
Cũng cần phải nói thêm rằng, phương thức sử dụng văn tế trong truyền thống khiến nó không trở thành một thể loại có vận mệnh bình thường như các thể loại khác, “khôn văn tế dại văn bia” nên chỉ còn lại không nhiều số lượng các bài văn tế trong lịch sử văn học. Nhưng đã còn lại, thì đó chính là những tác phẩm văn học thực sự có giá trị cao cả về nội dung lẫn về nghệ thuật. Cả một thời đại anh dũng và đau thương của dân tộc như thời đại Nguyễn Đình Chiểu sống chắc chắn có rất nhiều những bài văn tế đã được viết ra, nhưng trong số đó, vượt qua thử thách của thời gian, những bài văn tế của ông đã trở thành bất hủ, thành những viên ngọc quí kết tinh từ nước mắt. Đây là tiếng khóc thống thiết, bi thương của Nguyễn Đình Chiểu, cũng là tiếng khóc của cả dân tộc trước sự hy sinh mất mát của những người anh hùng đã ngã xuống trong cuộc chiến đấu và chiến bại một mất một còn trước thực dân Pháp.
Văn tế Trương Định là tiếng khóc thương, cảm phục, ngợi ca, trân trọng của Nguyễn Đình Chiểu và cũng là của đồng bào đối với người anh hùng đất Nam Bộ hy sinh vì nghĩa lớn, vì sự sống còn của dân tộc. Người anh hùng đó đã dám đi ngược lại chủ trương “hoà” của triều đình, để cùng nhân dân “chiến” Pháp: 
Bởi lòng chúng chẳng nghe thiên tử chiếu, đón ngăn mấy dặm mã tiền;
Theo bụng dân phải chịu tiếng quân phù, gánh vác một vai khổn ngoại.
Trương Định mất, đất trời tối sầm, lòng mọi người nhao nhác buồn thương. Sự mất mát đó thực không gì bù đắp nổi, bởi sự nghiệp vẫn còn dở dang ở phía trước. Nỗi đau đó như nhân lên gấp bội, bởi đó còn là nỗi bất hạnh của cả dân tộc mất người anh hùng cứu quốc, người dẫn dắt cuộc kháng chiến.
Văn tế nghĩa sĩ trận vong lục tỉnh khóc thương và chiêu hồn cho những nghĩa sĩ ngã xuống trong chiến đấu chống Pháp xâm lược, bày tỏ lòng căm thù sục sôi đối với tội ác của lũ cướp nước:
Trời Gia Định ngày chiều ráng bắn, âm hồn theo cơn bóng ác dật dờ,
Đất Biên Hoà đêm vắng trăng lờ, oan quỉ nhóm ngọn đèn thần hiu hắt.
Song tiêu biểu nhất là Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc, một tác phẩm được xem là mẫu mực cổ điển cho loại văn này. Đây là bài văn khóc thương cho những người nông dân- nghĩa dân ngã xuống vì nghĩa lớn của dân tộc, lời như chứa đầy nước mắt. Bài văn là những lời lâm ly, thống thiết, đau đớn nhất trong văn học trung đại viết về cái tao tác, đớn đau của những người dân mất mát người thân:
 Đoái sông Cần Giuộc cỏ cây mấy dặm sầu giăng.
 Nhìn chợ Trường Bình già trẻ hai hàng luỵ nhỏ.
Nhưng nỗi đau đó không làm lu mờ đi cái cảm hứng chính làm nên nét đẹp bi tráng của bài văn tế là cảm hứng ngợi ca. Tuy đau thương mà lại đầy kiêu hãnh, tự hào về những người anh hùng vô danh, áo vải chân trần vô cùng dũng mãnh trong chiến đấu chống quân thù. Tác phẩm là một tượng đài nghệ thuật bề thế hoành tráng không tiền khoáng hậu, khắc tạc nên những hình tượng tươi sáng và lộng lẫy bậc nhất về người nông dân Việt Nam trong văn học trung đại.
Những người nghĩa sĩ vốn là những nông dân thật thà, nghèo khó và cam phận:
 Nhớ linh xưa: côi cút làm ăn, quen lo nghèo khó
 Việc cuốc việc cày việc bừa việc cấy tay vốn quen làm
Nhưng khi tổ quốc lâm nguy, họ đã tự nguyện đứng lên, không sợ hy sinh, quyết liệt chiến đấu với tất cả những gì họ có:
 Ngoài cật một manh áo vải, nào đợi mang bao tấu, bầu ngòi; 
 Trong tay cầm một ngọn tầm vông, chi nài sắm dao tu nón gõ
Họ sẵn sàng ngã xuống trước làn đạn Tây dương, sẵn sàng hy sinh chứ nhất quyết không chịu làm nô lệ nhục nhã dưới ách xâm lược:
Thà thác mà đặng câu địch khái, về theo tổ phụ cũng vinh;
Còn hơn sống mà chịu tiếng đầu Tây, ở với man di rất khổ.
Đây là thời đại đau thương mà anh dũng, thời đại của những người anh hùng chiến bại. Văn tế mang thái độ thẩm mỹ tiêu biểu nhất của thời đại. Đó là tiếng khóc vĩ đại của dân tộc trong cảnh thất bại, bi thương. Nó là tiếng khóc đau đớn, xót xa tiễn đưa những người anh hùng ngã xuống vì dân, vì nước. Trong văn tế của ông, người đọc, người nghe cảm nhận lòng căm thù hừng hực đối với quân xâm lược, tình cảm thắm thiết giữa những người đồng bào, mối cộng thông giữa người mất người còn vì đại nghĩa. Cũng trong văn tế của ông vang lên lời ngợi ca bi tráng, tiếng đồng vọng hào hùng của chiến công, của trận mạc. Cả tiếng thét căm thù sục sôi, cả lời thề chiến đấu thiêng liêng, cả những trầm tư sâu lắng về nhân thế, về giang sơn đất nước Quả thực, đúng như nhận định của Trần Ngọc Vương: "Những bản hoà thanh viết nên từ máu và nước mắt đó không khiến ai bi lụy, mà ngược lại, xốc người ta đứng lên vươn tới. Không ai, với một thể loại hiểm hóc, trong một bối cảnh khắc nghiệt như ông, đã tạo ra được một cái gì kỳ diệu tương tự"(1). 
Điều đáng chú ý trong văn học yêu nước giai đoạn này và cũng là điểm khác biệt so với các giai đoạn trước đó là sự xuất hiện của hiện tượng thơ cảm hoài, thơ tuyệt mệnh và câu đối phúng viếng. Hầu như người yêu nước nào biết làm thơ, trước lúc hy sinh đều có thơ tuyệt mệnh để lại.
Những năm nửa sau thế kỷ XIX là những năm đen tối nhất của lịch sử dân tộc. Trong điều kiện ta bại, địch thắng, nước ta bị làm thuộc địa, dân ta bị làm trâu ngựa cho kẻ thù suốt một thời gian dài quá nửa thế kỷ, thì anh hùng tất nhiên không phải là những người đánh thắng địch, đem lại độc lập thống nhất cho núi sông, mà trước hết là những người chiến thắng mọi sự hèn nhát, nêu gương bất khuất, bảo toàn vinh dự dân tộc ngay trong khi chúng ta chiến bại. Và, như một qui luật đã được GS. Trần Văn Giàu khái quát: “Tự cổ chí kim người Việt Nam là những người lên ngựa cầm thương, xuống ngựa cầm bút. Sĩ phu làm thơ văn, quần chúng cũng làm thơ văn. Thắng trận làm thơ văn; trước giờ hành hình cũng đủ can đảm, đủ bình tĩnh và cảm hứng để làm thơ văn. Có giấy bút hay không có giấy bút đều có thể làm thơ văn hay để vận động cứu nước và để cho tiết nghĩa được lưu truyền”(2). Gương hi sinh lẫm liệt của các anh hùng nghĩa sĩ lại có sức thức tỉnh hàng ngàn người sống, đưa họ sung vào hàng ngũ cứu nước. Trong tiếng nói cuối cùng của những con người sắp từ giã cuộc đời ấy, tuyệt nhiên không thấy có bóng dáng một tư tưởng ham sống sợ chết nào cả. Họ đi vào cái chết rất ung dung, thanh thản. Vừa là sản phẩm của hoàn cảnh lúc bấy giờ, những gì mà cuộc đời và hành trạng họ bộc lộ vừa mang trong mình khuôn hình của những người anh hùng kiệt hiệt trọng nghĩa quên thân ("chớ đem thành bại luận anh hùng") rất dễ gặp trong các mô típ văn chương xưa. Đó vừa là những hình ảnh thực tế vừa là chất liệu văn chương có tính biểu tượng, tính khái quát đã được đúc kết thành truyền thống. Chúng ta có thể bắt gặp những hình tượng bất khuất ấy qua khá nhiều các bài thơ, các câu đối của nhiều tác giả - trong đó chủ yếu tác giả là lãnh tụ của nghĩa quân: Lâm chung thời tác (Phan Đình Phùng), các bài thơ có nhan đề Lâm hình thời tác của Hồ Huân Nghiệp, Đặng Hữu Phổ, Nguyễn Duy Hiệu, Lê Trung Đình, Nguyễn Đức Huy 
Nguyễn Thông chép rằng: “Đến lúc sắp phải hành hình, Hồ Huân Nghiệp, (người Gia Định) rửa mặt, sửa khăn áo, ung dung đọc bốn câu thơ rồi chịu chém. Ai nấy cũng đều rơi nước mắt. Năm ấy ông ba mươi sáu tuổi”(3).
Bốn câu thơ của Hồ Huân Nghiệp là:
 	Kiến nghĩa ninh cam bất dũng vi,
Toàn bằng trung hiếu tác nam nhi.
Thử thân sinh tử hà tu luận,
Duy luyến cao đường bạch phát thuỳ.
(Thấy việc nghĩa lẽ nào không dũng cảm ra làm,
Phải giữ trọn điều trung hiếu để xứng đáng là trang nam nhi.
Thân này sống hay chết chẳng cần kể đến làm gì,
Chỉ thương mẹ già phất phơ tóc bạc).
Nguyễn Hữu Huân là nhà yêu nước, nhà thơ kiên cường, bất khuất. Ba lần dấy binh đánh Tây mặc dù trong hoàn cảnh rất ngặt nghèo. Trước giờ hành hình, ông rất bình tĩnh, ung dung làm thơ để tỏ rõ chí khí và tâm trạng của ông đối với đất nước rồi cắn lưỡi tự sát không chịu để cho quân giặc chém đầu. Cuộc đời “ba phen khởi nghĩa” ấy dù đã không thành công trong sự nghiệp cứu nước nhưng tiến ... n Đình Phùng khóc Cao Thắng, Nguyễn Xuân Ôn khóc Nguyễn Phương, Nguyễn Thiện Thuật viếng Nguyễn Tri Phương, Tôn Thất Thuyết viếng Trần Bích San. Tính chất khốc liệt bi thương của một cuộc chiến không cân sức - cuộc đối đầu giữa hai phương thức chiến tranh hoàn toàn chênh lệch nhau đã thổi vào trong thơ văn không khí kịch chiến, không khí chiến bại với tất cả sức nóng, sự bề bộn lẫm liệt bi tráng của nó. Chỉ cần đọc câu đối của văn thân sĩ phu Nghệ Tĩnh viếng Phan Đình Phùng - câu đối gần như dài nhất trong lịch sử văn học Việt Nam, sẽ thấy rõ điều đó
(Anh hùng thành bại kể chi, Tấc dạ cô trung, tấm gương nghĩa cả, Thề cùng các bạn chu tuyền. Son mực thánh thần, đọc sách lấy cương thường làm trọng. Giận vì lẽ nhà to sắp đổ, một cây chẳng chống được nào. Cung lạnh khói tan, cảnh non thẳm ai không xót nỗi. Gặp vận rồng bay mây tối, ngậm ngùi cuộc thế đổi thay; Thương ôi La Việt non sông, văn hiến trăm năm binh mã loạn;
Trời đất cổ kim còn mãi, Một dòng nước chảy, muôn trượng núi xa, ấy chốn nam nhi ngang dọc; Lam Hồng gió tuyết, ngạo đông cho tùng bách cũng gầy. Tính sao đây sóng cả đang dâng, cột đá giữa dòng khó vững; Sao dời vật đổi, tình cố hương ai chẳng chạnh lòng. Nguồn cơn nhạn lạc gió gầm, ngao ngán lòng trời cay nghiệt; Thấy chửa tùng mai khí tiết? Tinh thần một thác Đẩu Ngưu cao!) (Hoàng Tạo dịch).
Bên cạnh những thể loại gắn với quan niệm “văn” chính thống như trên, trong văn chương yêu nước nửa cuối XIX chúng ta còn thấy có mặt của một lực lượng sáng tác đặc biệt với một số thể loại đặc biệt. Đó chính là sự xuất hiện của nhiều bài ca dao, nhiều bài vè có tính thời sự và tính chiến đấu rất cao. Sự trở lại của những thể loại đặc biệt trong văn học dân gian như thế này là xuất phát từ một thực tế, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược trong giai đoạn này là cuộc kháng chiến của toàn dân, đứng đầu là những sĩ phu yêu nước nên thơ văn yêu nước chống thực dân cũng là thơ văn của toàn dân, lực lượng sáng tác bao gồm từ những sĩ phu đến thường dân trong đó dĩ nhiên lực lượng sáng tác quan trọng nhất vẫn là những sĩ phu yêu nước.
Khác với những thể loại văn vần của văn chương bác học, vè là một thứ văn vần kể chuyện. Trước đây thường dùng để truyền cho nhau nghe những chuyện lạ trong làng xóm, phản ánh những dư luận, nêu ra một công luận về những chuyện đó ở một địa phương nhất định. Nông dân là tầng lớp đông đảo nhưng lại sống phân tán. Họ sống trong làng, trong họ, vốn xa với vua quan, triều đình, ít biết việc vua, việc nước. Nông dân tò mò, thích biết chuyện, ham nghe vè, những người “hiếu sự” thường hay đặt vè. Ngược lại các nhà nho vốn nghiêm túc, không thích nói những chuyện nhiều khi không khỏi có tính bới móc “đôi lai, đôi mách” nên không thích vè.
Trước tình hình đấu tranh đòi hỏi hình thức thông tin nhanh và rộng, vè trở thành lợi hại, có tác dụng tuyên truyền giáo dục nhiều lần sâu rộng hơn những bài thơ chữ Hán. Nó đưa sự kiện kèm theo dư luận, tô đậm thêm bằng cảm xúc, bay lên bằng tưởng tượng sáng tạo. Truyện kể rằng: tên đốc phủ Ca ở Hóc Môn hung ác vô cùng. Để lập công với Tây, nó bắt trẻ con, con cháu những người “đảng cựu” đánh Tây, bỏ vào cối giã gạo, lấy chày mổ quết nát xương. Nhân dân căm thù, nổi lên giết chết Đốc phủ Ca, treo đầu lên cột đèn chợ Hóc Môn. Từ đó Vè Quản Hớn được truyền miệng trong dân gian. 
Chợ Hốc Môn ân oán nuốt hờn,
Huyện Bình Dương tha nha thiết xỉ
Với chính sách “ăn cướp có hệ thống” của bọn thực dân phương Tây thì nông dân là nạn nhân của cảnh đốt phá, chém giết mà cũng là nạn nhân của nạn đóng góp. Họ không tiếc sức ủng hộ triều đình kháng chiến trong núi, nhưng họ cũng không thể tránh được việc đóng góp cho triều đình tay sai hợp pháp. Để việc bình định được nhanh chóng, “thằng Tây”, “thằng tập” và “tả đạo” thi nhau đốt phá, chém giết. Nhân dân cõng già ẵm trẻ chạy loạn:
Chạy như Hán như Hà
Trốn đàng trong không khỏi
Trốn đàng ngoài không khỏi
 (Vè Thất thủ kinh đô)
Cảnh đốt phá, bắn giết cướp bóc của thực dân Pháp và cảnh nhân dân chạy loạn, của cải, đồ lề bị ăn cướp hoặc mất sạch. Tội ác của giặc ngoại xâm đã biến thành một bức tranh thô sơ nhưng lại có những nét vẽ phác thật khoẻ trong Vè Thất thủ kinh đô là vậy.
Kẻ thù đi đến đâu là gieo tang tóc đau thương đến đó. Tiến sâu vào đất nước chúng ta, tội ác của kẻ thù bày ra la liệt dưới mỗi bước đi của chúng. Cái làm cho người dân điêu đứng, sống không yên ổn được là tình trạng loạn lạc, không làm ăn, đi lại được, tiếp đến là cảnh sưu cao thuế nặng, là cảnh phu phen. Vè đi phu Cửa Rào không chỉ phổ biến ở vùng Nghệ An mà phổ biến ở cả nước với những cảnh hết sức thương tâm:
Từ ngày có mặt thằng Tây
Phu phen tạp dịch hàng ngày khốn thân
Những cảnh tượng như trên thực sự là những bản cáo trạng tố cáo tội ác mà kẻ thù ngoại xâm gây nên. Hẳn nhiên bản cáo trạng ấy không hề bỏ quên vai trò phản bội nhục nhã của giai cấp thống trị. Từ ngày bước vào con đường suy đồi, giai cấp này đã bị nhân dân nguyền rủa thậm tệ, uy tín bị vùi xuống bùn đen. Tầng lớp vua quan mà đại diện là triều đình Tự Đức, hồi này mỗi ngày một bộc lộ bản chất phản động vô sỉ của nó. Những bài vè dân gian oán trách vua Tự Đức rất nhiều:
Non sông lệ thuộc đến bao giờ?
Chính trị nhà vua quá ngẩn ngơ.
 Của hết dân tàn trăm họ khổ,
Mình rồng thuở ấy tỉnh hay mơ?
 (Vè Cái thời Tự Đức)
Trước khung cảnh khủng khiếp một cổ hai tròng, hai vai nhiều ách như vậy, người nông dân đã kêu van hết mọi cửa, nhẫn nhục đủ mọi cách mà cũng không được ích gì. Họ chỉ mong ước có lại cảnh thái bình trên là “chúa thánh trị vì” dưới là “vạn dân khang thái”. Họ chỉ mơ ước cảnh lại được làm ăn mưa thuận gió hoà, muối gạo giá rẻ, và tất nhiên trong cảnh thái bình đó:
Những loài gian ác
Thì kiếm chốn lánh mình
Những lũ hôi tanh 
Thì cong đuôi biệt tích.
Đó là mơ ước hàng nghìn đời của người dân Việt Nam sống trên mảnh đất yêu chuộng hoà bình này!
Rõ ràng là qua nội dung mà các bài vè phản ánh như trên chúng ta cũng thấy: những điều mà người nông dân nói trong các bài vè thì ta cũng gặp trong thơ văn các nhà khoa bảng ở một tấm lòng, một mạch cảm xúc, mà đó là mạch lớn lao nhất của dân tộc: chống giặc triệt để, chống đầu hàng, chống thất bại chủ nghĩa, đánh quyết liệt vào giặc và tay sai, cỗ vũ, khơi gợi, ngợi ca, căm hờn Hơn bất cứ một dòng văn học nào khác, tính chất chiến đấu của văn học yêu nước trước hết thể hiện ở sự bóc trần bản chất tàn bạo, thâm hiểm của bè lũ thực dân cướp nước, và những hành động đớn hèn bỉ ổi của bọn quan lại đầu hàng bán nước. Văn thân yêu nước Hà Nội trong bài Hịch gửi cho văn thân Nam Định nói: “Lũ giặc Tây kia đến nước Nam ta, người của bị vơ vét, đất đai bị chiếm giữ. Sáu tỉnh Nam kỳ từ lâu sa vào móng mỏ diều quạ, các hạt của miền Bắc gần đây lại bị nanh vuốt của hùm beo”(4). Rồi trong nhiều tác phẩm khác như bài Hịch của Trương Định, Thư của Phan Đình Phùng trả lời Hoàng Cao Khải, thơ của Nguyễn Xuân Ôn, Nguyễn Quang Bích chỗ này hay chỗ khác, mạnh mẽ dữ dội hay kín đáo, chua xót đều có nói đến. Trong bài Phú kể lại việc Pháp đánh Bắc kỳ lần đầu, Phạm Văn Nghị kể:
Kìa như tổng đốc, bố chánh, án sát, lãnh binh
Tiền bổng, gạo lương, thực bao tá?
Sao thấy thằng đầu trọc răng trắng, gối run như chứng phong kinh
Sao thấy thằng mũi lõ tóc quăn mặt, xám như hình lôi đả?
Nghe Cửa Tiền rầm rầm pháo nổ, ngọn cờ theo gió phất xuôi
Mở Cửa Hậu cho quân lui, bỏ giáo rơi đường tơi tả.
Đặc biệt ở nội dung tố cáo thì vè đã gặp thơ trào phúng của các nhà Nho, một dòng thơ mới phát triển mạnh từ cuối thế kỷ XIX. Một mặt trong thơ trào phúng xuất hiện những bộ mặt hài hước, những lời chế giễu không trang nghiêm mà trước đây ta chỉ gặp trong vè. Đến Tam nguyên làng Yên Đổ cũng phải từ bỏ lối “ôn tồn nghiêm nghị” khi vẽ ra cái mặt mày kỳ dị và bêu diếu ngoại hiện quái đản của tên đại tá thực dân “Ri-vi-e” trước khi hắn đền tội ở Cầu Giấy:
Mắt ông xanh lè,
Mũi ông thò lõ,
Đít ông cưỡi lừa,
Mồm ông huýt chó
 (Văn tế Ri-vi-e)
Mặt khác, trong vè lúc đó lại thấy nhiều chữ nghĩa chứng tỏ dấu vết bàn tay nhà Nho, những người bây giờ cảnh ngộ đã rất gần nông dân.
Sự đồng tình và đồng cảnh giữa hai tầng lớp trước đây có nhiều xa cách làm họ gặp nhau ở chỗ có nhu cầu chung kể lễ nổi khổ nhục và những cảnh trái ngược. Điều đó trong thực tế đã mở một cửa thông cho văn chương bác học và văn chương bình dân gặp nhau trên mảnh đất tố cáo hiện thực đau khổ nhục nhã của cả dân tộc.
Với ưu thế của một thể văn vần, vè có nhiều khả năng đi vào quần chúng. Đó không chỉ là những câu chuyện kể trong sinh hoạt hàng ngày của quần chúng nhân dân trong làng trong xóm mà nó đã trở thành một thứ vũ khí sắc bén đấu tranh với kẻ thù xâm lược ở vào một thời điểm đặc biệt. Sự có mặt của những bài ca dao, những bài vè có tính thời sự như trên làm cho văn học yêu nước nửa sau thế kỷ XIX trở thành thống nhất một cách kỳ lạ trong hàng ngũ những người kiên quyết đánh giặc giữ nước, đồng thời làm cho văn học yêu nước có nhiều nội dung mới và phong phú hơn. Những bài vè ấy dù có thể tính nghệ thuật chưa cao nhưng thực sự là những “viên ngọc quí” vừa có giá trị lịch sử vừa có giá trị văn học. Đó là những giá trị tinh thần mà dân tộc ta, nhân dân ta hình thành được trong quá trình tự ý thức về mình sâu sắc hơn trong một hoàn cảnh hoàn toàn khác trước. Từ góc độ lịch sử văn học, sự xuất hiện và phát triển của thể loại văn chương đặc biệt này đã góp phần làm cho nền văn học dân tộc trở nên mang tính nhất thể hoá cao hơn. Đó là sự nhất thể hoá theo hướng hiện đại hoá và dân chủ hoá, làm mờ đi đường phân giới chia tách văn học bác học và văn học dân gian vốn rất rõ rệt trong quá khứ. 
Nhìn chung văn học yêu nước chống Pháp giai đoạn cuối thế kỷ XIX vẫn sử dụng những thể loại cũ. Tuy có sự xuất hiện một số thể loại mới cộng vào hệ thống thể loại cũ nhưng quan niệm văn học và tư tưởng thẩm mỹ cũ không vì vậy mà bị thay đổi, phủ định. Và, với các thể loại cũ như trên, tuy không có đóng góp đáng kể về mặt sáng tạo thể loại, về các hình thức biểu đạt mới, song chúng lại có những giá trị to lớn trong việc tuyên truyền chiến đấu, phê phán tố cáo xã hội, đấu trang chống ngoại xâm. Vấn đề đặt ra vẫn là vấn đề xã hội- chính trị nóng hổi tính thời sự. Các tác phẩm có tính trữ tình đậm đà, tính quần chúng rộng rãi. Nó phản ánh được những mẫu điển hình về thời cuộc, về dân tộc, về vẻ đẹp bi hùng của con người trong một thời đại đặc biệt. Đó chính là bộ phận văn chương luôn được nhân dân truyền tụng lưu giữ1
__________________
(1) Trần Ngọc Vương: Văn học Việt Nam dòng riêng giữa nguồn chung, Nxb. Đại học Quốc gia Hà Nội, H, 1999.
- Xem thêm Trần Đình Hượu và Lê Chí Dũng: Văn học Việt Nam giai đoạn giao thời 1900- 1930; Nxb. Đại học & Trung học chuyên nghiệp, H, 1988.
(2) Trần Văn Giàu: Trong dòng chủ lưu của văn học Việt Nam- tư tưởng yêu nước. Nxb Văn nghệ Thành phố Hồ Chí Minh, 1983, tr.188.
(3) Hợp tuyển thơ văn yêu nước - thơ văn yêu nước nửa sau thế kỷ XIX (1858-1900), Nxb Văn học, H, 1976, tr.127.
(4) Hợp tuyển thơ văn yêu nước Sđd, tr.134.

Tài liệu đính kèm:

  • docdac trung cua he thong the loai van chuong yeu nuoc.doc