Giáo án Ngữ văn: Chiếc thuyền ngoài xa - Nguyễn Minh Châu

Giáo án Ngữ văn: Chiếc thuyền ngoài xa - Nguyễn Minh Châu

CHIẾC THUYỀN NGOÀI XA

 - Nguyễn Minh Châu -

A- MỤC TIÊU BÀI HỌC

 Qua bài học, HS cần đạt được :

 1. Về kiến thức

- Cảm nhận được những chiêm nghiệm sâu sắc của nhà văn về cuộc đời và nghệ thuật : Mỗi người trên cõi đời, nhất là người nghệ sĩ cần phải nhìn cuộc sống và con người một cách đa diện, nhiều chiều. Nghệ thuật chân chính luôn gắn với cuộc đời và vì cuộc đời.

 - Hiểu được đặc sắc nghệ thuật của tác phẩm : tình huống truyện độc đáo mang ý nghĩa khám phá, phát hiện về đời sống; chọn được điểm nhìn nghệ thuật sắc sảo, đa chiều; ngôn ngữ giản dị, dư ba.

 

doc 12 trang Người đăng kidphuong Lượt xem 4594Lượt tải 2 Download
Bạn đang xem tài liệu "Giáo án Ngữ văn: Chiếc thuyền ngoài xa - Nguyễn Minh Châu", để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
CHIẾC THUYỀN NGOÀI XA
 - Nguyễn Minh Châu -
A- MỤC TIÊU BÀI HỌC
	Qua bài học, HS cần đạt được :
	1. Về kiến thức 
- Cảm nhận được những chiêm nghiệm sâu sắc của nhà văn về cuộc đời và nghệ thuật : Mỗi người trên cõi đời, nhất là người nghệ sĩ cần phải nhìn cuộc sống và con người một cách đa diện, nhiều chiều. Nghệ thuật chân chính luôn gắn với cuộc đời và vì cuộc đời. 
	- Hiểu được đặc sắc nghệ thuật của tác phẩm : tình huống truyện độc đáo mang ý nghĩa khám phá, phát hiện về đời sống; chọn được điểm nhìn nghệ thuật sắc sảo, đa chiều; ngôn ngữ giản dị, dư ba.
	2. Về kỹ năng : Nâng cao kỹ năng đọc hiểu truyện ngắn hiện đại. 
	3. Về thái độ : Có quan niệm đúng về nghệ thuật chân chính. Có cái nhìn đa diện và sâu sắc về cuộc đời và con người.
B- CHUẨN BỊ BÀI HỌC
	1. Giáo viên
1.1. Dự kiến BP tổ chức HS hoạt động cảm thụ tác phẩm 
	- Tạo tâm thế tiếp nhận cho HS bằng lời dẫn dắt, giới thiệu bài học.
	- Tổ chức HS tái hiện cuộc sống trong tác phẩm bằng BP tóm tắt và hệ thống hóa nhân vật.
	- Định hướng HS phân tích và cắt nghĩa bằng đàm thoại gợi mở, thảo luận nhóm, câu hỏi nêu vấn đề.
	- Tổ chức HS tự bộc lộ, tự nhận thức bằng hoạt động nhập vai, sáng tạo phần tiếp theo cho câu chuyện, thực hiện bài tập trắc nghiệm và tự luận. 
	1.2. Phương tiện 
	Máy tính, máy chiếu (projector), một số trang giáo án điện tử.
	2. Học sinh 
	- Đọc Tiểu dẫn và tóm lược những ý chính về tác giả và tác phẩm. 
- Xem lại bài Khái quát Văn học Việt Nam từ Cách mạng tháng Tám năm 1945 đến cuối thế kỷ XX (mục II).
- Đọc tác phẩm, tóm tắt truyện và hệ thống hóa nhân vật. Xem lại những tri thức lý luận về thể loại truyện. Xác định kết cấu của tác phẩm. Phân tích tác phẩm theo hệ thống câu hỏi hướng dẫn học bài.
C- HOẠT ĐỘNG DẠY HỌC
Hoạt động 1. Tạo tâm thế tiếp nhận bằng việc giao 
 quyền chủ động giới thiệu bài học cho HS 
- GV dặn trước HS tìm hiểu tác giả, tác phẩm từ các kênh thông tin khác nhau : SGK, Internet, tài liệu tham khảo Trên lớp, GV giao quyền điều hành cho lớp trưởng tổ chức giới thiệu về Nguyễn Minh Châu và tác phẩm Chiếc thuyền ngoài xa. Một HS trình bày ngắn gọn kết quả thu nhận của mình. Các HS khác trao đổi, bổ sung. Trên cở sở đó, GV chốt lại một số ý cơ bản : 
• Về tác giả :
+ Nguyễn Minh Châu là cây bút tiên phong của văn học Việt Nam thời kỳ đổi mới. Ông “thuộc trong số những người mở đường tinh anh và tài năng nhất của văn học ta hiện nay” (Nguyên Ngọc) 
	+ Nếu trước 1975, Nguyễn Minh Châu là ngòi bút sử thi có thiên hướng trữ tình lãng mạn thì từ đầu thập kỷ 80 đến khi mất, ông chuyển hẳn sang cảm hứng thế sự với những vấn đề đạo đức và triết lý nhân sinh. 
• Về tác phẩm “Chiếc thuyền ngoài xa” :
Chiếc thuyền ngoài xa (1983) là một trong những sáng tác tiêu biểu của văn học Việt Nam giai đoạn 1975 - cuối thế kỷ XX. Tác phẩm ra đời trong hoàn cảnh cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đã kết thúc. Đất nước thống nhất trong nền độc lập, hòa bình. Cuộc sống với “muôn mặt đời thường” đã trở lại sau chiến tranh. Nhiều vấn đề của đời sống văn hóa nhân sinh mà trước đây do hoàn cảnh chiến tranh chưa được chú ý, nay được đặt ra. Nhiều quan niệm đạo đức phải được nhìn nhận lại trong tình hình mới. Tác phẩm nằm trong xu hướng nghệ thuật chung của văn học thời kỳ đổi mới là hướng nội, khai thác sâu sắc số phận con người đời thường.
Hoạt động 2. Đọc và tái hiện nội dung cốt truyện
- GV đọc và gọi một số HS đọc tác phẩm. 
- GV chiếu bản tóm tắt có các sự kiện đã bị đảo lộn trên máy (hoặc phát phiếu học tập) rồi yêu cầu HS sắp xếp lại, qua đó tái hiện nội dung cốt truyện : (1) Theo lời mời của chánh án Đẩu (một người đồng đội cũ của Phùng) người đàn bà hàng chài đã đến tòa án huyện. (2) Nhưng khi chiếc thuyền vào bờ, anh đã kinh ngạc hết mức khi chứng kiến cảnh một gã chồng vũ phu đánh đập người vợ hết sức dã man, đứa con vì muốn bảo vệ mẹ đã đánh trả lại cha mình. (3) Rời vùng biển với khá nhiều ảnh, người nghệ sĩ đã có một tấm được chọn vào bộ lịch về “thuyền và biển” năm ấy. (4) Tại đây, người phụ nữ ấy đã từ chối sự giúp đỡ của Đẩu và Phùng, nhất quyết không bỏ lão chồng vũ phu. (5) Theo yêu cầu của trưởng phòng, nghệ sĩ nhiếp ảnh Phùng đến một vùng ven biển miền Trung (cũng là nơi anh đã từng chiến đấu) để chụp một tấm ảnh cho cuốn lịch năm sau. (6) Tuy nhiên, mỗi lần đứng trước tấm ảnh, anh đều thấy hiện lên cái màu hồng hồng của ánh sương mai và nếu nhìn lâu hơn là hình ảnh người đàn bà nghèo khổ, lam lũ bước ra từ bức tranh. (7) Những ngày sau, cảnh tượng đó lại tiếp diễn và lần này người nghệ sĩ đã ra tay can thiệp... (8) Chị đã kể câu chuyện về cuộc đời mình và coi đó như là lý do giải thích cho sự từ chối trên. (9) Sau nhiều ngày “phục kích”, người nghệ sĩ đã phát hiện và chụp được “một cảnh đắt trời cho”, đó là cảnh một chiếc thuyền ngoài xa đang ẩn hiện trong biển sớm mờ sương. 
- HS sắp xếp lại theo trật tự : 5 – 9 – 2 – 7 – 1 – 4 – 8 – 3 – 6 sau đó viết đoạn tóm tắt đã chỉnh sửa ra phiếu học tập và đọc đoạn văn tóm tắt đó.
- Trên cơ sở cốt truyện, GV tiếp tục tổ chức HS phát hiện bố cục tác phẩm 
- HS phát hiện, trình bày các cách phân chia khác nhau GV thống nhất : 
+ Đoạn 1 (từ đầu đến “chiếc thuyền lưới vó đã biến mất”) : Hai phát hiện của người nghệ sĩ nhiếp ảnh. 
+ Đoạn 2 : (từ “Đây là lần thứ hai” đến “chiếc thuyền đang chống chọi với sóng gió giữa phá”) : Câu chuyện của người đàn bà ở tòa án huyện. 
+ Đoạn 3 (còn lại) : Tấm ảnh được chọn trong “bộ lịch năm ấy”.
Hoạt động 3. Phân tích, cắt nghĩa 
a) Hai phát hiện của người nghệ sĩ nhiếp ảnh 
- GV dẫn dắt và nêu vấn đề : Người nghệ sĩ nhiếp ảnh đã gọi phát hiện của mình tại vùng biển nọ là “một cảnh đắt trời cho”. Anh (chị) hiểu điều này thế nào ? Vì sao người nghệ sĩ lại đánh giá cái cảnh tượng ấy như vậy ?
- HS cắt nghĩa, chứng minh : Có thể hiểu “một cảnh đắt trời cho” ở đây là một cảnh tượng tuyệt đẹp, một “bức họa” diệu kỳ mà thiên nhiên, cuộc sống đã ban tặng cho con người. Nó là một “sản phẩm” quý hiếm của hóa công mà trong đời người nghệ sĩ không phải khi nào cũng “chộp” được. Mặt khác, như chính cảm nhận của nghệ sĩ Phùng, cái cảnh tượng ấy giống như “một bức tranh mực tàu của một danh họa thời cổ”. Toàn bộ khung cảnh “đều hài hòa và đẹp, một vẻ đẹp thực đơn giản và toàn bích”.
- GV gợi mở và nêu vấn đề : Cảm nhận của Phùng khi chiêm ngưỡng “bức ảnh nghệ thuật của tạo hóa” là gì ? Vì sao trong lúc cảm nhận, anh lại nghĩ đến cái đúc kết của một ai đó : “bản thân cái đẹp chính là đạo đức” ? 
- HS phát hiện và lý giải: Đứng trước một sản phẩm nghệ thuật tuyệt tác của hóa công, Phùng thấy “trong trái tim như có cái gì bóp thắt vào”. Bức ảnh đã khiến cho tâm hồn người nghệ sĩ rung động thật sự và trong giây lát anh còn “khám phá thấy cái chân lý của sự toàn thiện, khám phá thấy cái khoảnh khắc trong ngần của tâm hồn”. Phùng đã cảm nhận được cái Chân, cái Thiện của cuộc đời, anh thấy tâm hồn mình như được gột rửa, trở nên thật trong trẻo. Vậy là ở đây, cái đẹp đã có tác dụng thanh lọc tâm hồn con người. Với tác dụng ấy, cái đẹp chẳng phải là “đạo đức” hay sao !
- GV chuyển dẫn: Tuy nhiên, ngay khi tâm hồn đang bay bổng trong những xúc cảm thẩm mỹ, đang tận hưởng cái khoảnh khắc trong ngần của tâm hồn thì người nghệ sĩ đã kinh ngạc phát hiện ra điều gì tiếp theo ngay sau bức tranh ? Vì sao anh lại kinh ngạc đến mức như vậy ?
- HS tái hiện và lý giải: Bước ra từ chiếc thuyền ngư phủ đẹp như mơ là một người đàn bà xấu xí, mệt mỏi; một gã đàn ông to lớn, dữ dằn; một cảnh tượng tàn nhẫn: gã chồng đánh đập người vợ một cách thô bạo. Đứa con vì thương mẹ đã đánh lại cha để rồi nhận lấy hai cái bạt tai của bố ngã dúi xuống cát. Chứng kiến những cảnh tượng đó, nghệ sĩ Phùng “kinh ngạc đến mức, trong mấy phút đầu, cứ đứng há hốc mồm ra mà nhìn”. Phùng không thể ngờ rằng đằng sau cái vẻ đẹp diệu kỳ của tạo hóa lại là bi kịch của cuộc đời, là cái ác, cái xấu. Vừa mới lúc trước, anh còn cảm thấy “bản thân cái đẹp chính là đạo đức”, thấy “chân lý của sự toàn thiện” thế mà chỉ ngay sau đó chẳng còn cái gì là “đạo đức”, là cái Chân, cái Thiện của cuộc đời. 
- GV gợi mở : Qua hai phát hiện của nghệ sĩ Phùng, Nguyễn Minh Châu muốn người đọc nhận thức điều gì về cuộc đời ?
- HS phát hiện ý tưởng nghệ thuật của nhà văn : Cuộc đời không đơn giản, xuôi chiều mà chứa đựng nhiều nghịch lý. Giữa hình thức bên ngoài với nội dung bên trong không phải bao giờ cũng thống nhất. Đừng vội đánh giá con người, sự vật ở dáng vẻ bên ngoài, phải phát hiện ra bản chất thực sau vẻ ngoài đẹp đẽ của hiện tượng.
b) Câu chuyện của người đàn bà ở tòa án huyện 
- GV nêu vấn đề : Vì sao người đàn bà hàng chài không bỏ lão chồng vũ phu theo lời khuyên của chánh án Đẩu ?
- HS lý giải, cắt nghĩa : Người đàn bà đã từ chối lời đề nghị giúp đỡ của chánh án Đẩu vì với những người đàn bà hàng chài như chị gã chồng ấy là chỗ dựa quan trọng trong cuộc đời nhất là những khi biển động, phong ba. Thêm nữa, chị còn phải nuôi những đứa con, chị phải sống vì chúng nữa. Vả lại, trên thuyền cũng có những lúc vợ chồng con cái hòa thuận, vui vẻ. 
- GV tổ chức HS làm việc nhóm: Nghệ sĩ Phùng đã lặng im sau câu chuyện của người đàn bà. Theo anh (chị), câu chuyện mà người đàn bà hàng chài kể ở tòa án đã giúp Phùng hiểu ra điều gì về người phụ nữ này, về người bạn của mình (chánh án Đẩu) và chính mình ?
- HS thảo luận nhóm (2 bàn / 1 nhóm) : Câu chuyện của người phụ nữ hàng chài giúp người nghệ sĩ nhiếp ảnh hiểu rõ hơn về :
+ Người đàn bà : không hề cam chịu một cách vô lý, không hề nông nổi một cách ngờ nghệch mà thực ra chị ta là người sâu sắc, thấu hiểu lẽ đời. Người phụ nữ này có một cuộc đời nhọc nhằn, lam lũ nhưng biết chắt chiu những hạnh phúc đời thường. Sống cam chịu và kín đáo, hiểu sâu sắc lẽ đời nhưng chị không để lộ điều đó ra bên ngoài. Một người phụ nữ có ngoại hình xấu xí, thô kệch nhưng tâm hồn đẹp đẽ, thấp thoáng bóng dáng của những người phụ nữ Việt Nam nhân hậu, bao dung, giàu đức hi sinh và lòng vị tha.
+ Người đồng đội cũ - chánh án Đẩu : anh có lòng tốt, sẵn sàng bảo vệ công lý nhưng anh chưa thực sự đi sâu vào đời sống nhân dân. Lòng tốt là đáng quý nhưng chưa đủ. Luật pháp là cần thiết nhưng cần phải đi vào đời sống. Cả lòng tốt và luật pháp đều phải được đặt vào những hoàn cảnh cụ thể, không thể áp dụng ào ào với mọi đối tượng.
+ Chính mình : mình đã đơn giản khi nhìn nhận cuộc đời và con người.
- GV tiếp tục dẫn dắt HS khám phá : Trong câu chuyện ở tòa án, người đàn bà ấy đã kể những gì về người chồng vũ phu của mình ? Qua đó, có thể nhận thấy thái độ của chị đối với người chồng thế nào ? 
- HS tìm tòi chi tiết và đánh giá : Người đàn ông ấy vốn là “một anh con trai cục tính nhưng hiền lành”, “không bao giờ đánh đập” vợ. Chỉ vì “nghèo khổ, túng quẫn đi vì trốn lính” mà anh ta trở nên độc dữ. Tức là trong con mắt của người đàn bà, người chồng vũ phu kia chỉ là nạn nhân của hoàn cảnh sống khắc nghiệt. Điều đó cho thấy người phụ nữ vùng biển này đã nhìn nhận chồng mình với một thái độ thấu hiểu, cảm thông, chia sẻ.
- GV gợi ý so sánh : Cách nhìn nhận gã chồng vũ phu của người đàn bà hàng chài có gì khác so với cách nhìn nhận của Đẩu, Phùng và thằng bé Phác?
- HS so sánh : Đẩu, Phùng và thằng bé Phác mới chỉ thấy được một khía cạnh ở người đàn ông hàng chài này, đó là sự độc ác, tàn nhẫn, ích kỷ. Thái độ của họ đối với anh ta là kịch liệt phản đối. Trong khi đó, người đàn bà hàng chài nhìn nhận người chồng của mình nhiều chiều hơn, sâu sắc hơn. Chị đau đớn nhưng không oán hận vì chị thấu hiểu nguyên nhân sâu xa của những hành động vũ phu ấy. 
- GV chiếu slide dưới đây và gợi mở : Sự khác biệt trong những điểm nhìn nêu trên, đặc biệt cách nhìn nhận của người phụ nữ vùng biển đã giúp anh (chị) hiểu ra điều gì về người đàn ông này nói riêng và cách nhìn nhận mọi sự vật, hiện tượng trong cuộc sống nói chung ? 
- HS nhận định, đánh giá : Người đàn ông này vừa đáng bị lên án bởi sự độc ác, thói vũ phu, tính ích kỷ. Nhưng ở anh ta cũng có chỗ có thể cảm thông bởi anh ta cũng chỉ là một nạn nhân của hoàn cảnh sống khắc nghiệt. Như vậy, không thể nhìn người và nhìn đời một phía. Phải tìm hiểu những nguyên nhân sâu xa dẫn đến những hành vi của con người trước khi kết luận về tính cách hay phán xét họ. Tóm lại, phải có cái nhìn cuộc sống đa diện, nhiều chiều.
- GV gợi ý HS liên hệ mở rộng để có thể cảm nhận giá trị nhân đạo của tác phẩm: Từ hình tượng người đàn ông hàng chài này, có HS đã nghĩ đến một số nhân vật trong các sáng tác của Nam Cao (Chí Phèo, Hộ). Theo anh (chị), vì sao lại bạn HS đó lại có liên tưởng như vậy ? Điều đó có giúp anh (chị) hiểu ra điều gì về giá trị nhân đạo của tác phẩm ?
- HS nhớ lại các tác phẩm đã học và đọc thêm rồi lý giải : Các nhân vật ấy đều là những con người hiền lành, lương thiện nhưng do những xô đẩy dữ dội của hoàn cảnh sống mà “thay tính đổi nết”, trở nên dữ dằn, tàn nhẫn. Từ “sự tha hóa” của người đàn ông hàng chài qua điểm nhìn của một người lính đã từng chiến đấu để bảo vệ mảnh đất này (nghệ sĩ Phùng), Nguyễn Minh Châu muốn nói đến một cuộc chiến mới, không kém phần khó khăn, gian khổ so với hai cuộc kháng chiến chống kẻ thù xâm lược đã qua - cuộc chiến bảo vệ nhân tính, thiên lương và vẻ đẹp tâm hồn của con người. Ở phương diện này, tác giả Chiếc thuyền ngoài xa đã kế thừa xuất sắc tư tưởng nhân văn, nhân đạo sâu sắc của nhà hiện thực chủ nghĩa Nam Cao. 
c) Tấm ảnh được chọn trong “bộ lịch năm ấy”
- GV gọi 1 HS đọc lại đoạn văn cuối cùng của truyện ngắn rồi nêu câu hỏi: Nghệ sĩ Phùng đã nhìn thấy những gì đằng sau bức ảnh được chọn ? Hãy khám phá ý nghĩa biểu tượng của những hình ảnh ấy và phát biểu tư tưởng nghệ thuật của nhà văn. 
- HS đọc, tái hiện và phân tích : Mỗi lần nhìn kỹ vào bức ảnh đen trắng, người nghệ sĩ đều thấy “hiện lên cái màu hồng hồng của ánh sương mai”. Và nếu nhìn lâu hơn, bao giờ anh cũng thấy “người đàn bà ấy đang bước ra khỏi tấm ảnh”. “Cái màu hồng hồng của ánh sương mai” là chất thơ của cuộc sống, là vẻ đẹp lãng mạn của cuộc đời, là biểu tượng của nghệ thuật. Còn hình ảnh “người đàn bà bước ra khỏi bức tranh” là hiện thân của những lam lũ, khốn khó đời thường, là sự thật cuộc đời đằng sau bức tranh. Qua đây, Nguyễn Minh Châu muốn phát biểu : Nghệ thuật chân chính không bao giờ rời xa cuộc đời. Nghệ thuật là chính cuộc đời và phải luôn luôn vì cuộc đời. 
d) Đặc sắc về nghệ thuật
- GV tổ chức HS đóng vai tác giả để trao đổi với các bạn đọc HS khác về một số vấn đề xoay quanh nghệ thuật truyện. Hình thức tổ chức là một HS đóng vai trò người dẫn dắt, giới thiệu; một số HS đảm nhiệm vai trò tác giả. Các HS khác sẽ đặt cho HS này những câu hỏi về nghệ thuật truyện (dựa vào những câu hỏi hướng dẫn học bài mà GV đã yêu cầu chuẩn bị) và HS này cũng có thể hỏi lại các “khán giả” đang trực tiếp tham gia. 
- HS dẫn chương trình giới thiệu cuộc giao lưu và các nhân vật tham gia rồi nêu câu hỏi cho tác giả : Đối với nghệ thuật của truyện ngắn, một trong những vấn đề quan trọng hàng đầu là tạo được tình huống truyện. Nhiều người cho rằng nhà văn đã tạo được một tình huống truyện độc đáo, có ý nghĩa khám phá, phát hiện về đời sống. Xin nhà văn hãy nói rõ điều này. 
- HS đóng vai tác giả trả lời : Tình huống truyện là một nghệ sĩ nhiếp ảnh đến một vùng ven biển miền Trung để chụp một tấm ảnh về cảnh biển buổi sớm có sương. Tại đây, anh đã phát hiện và chụp được một cảnh tượng “trời cho” - đó là cảnh một chiếc thuyền ngoài xa đang ẩn hiện trong làn sương sớm. Nhưng khi chiếc thuyền vào bờ, người nghệ sĩ đã chứng kiến cảnh một gã chồng vũ phu đánh đập người vợ hết sức dã man. Những ngày sau, cảnh tượng đó lại tiếp diễn. Người nghệ sĩ không thể ngờ được rằng, đằng sau bức ảnh tuyệt diệu ấy lại là biết bao nghịch lý oan trái và phức tạp trong gia đình hàng chài. Như các bạn đã thấy, qua tình huống này người nghệ sĩ nhiếp ảnh không chỉ phát hiện ra những chân lý của nghệ thuật mà anh còn khám phá ra nhiều điều bí ẩn của cuộc sống và con người. Anh đã hiểu hơn về cuộc sống của người lao động vùng biển, về người bạn mình - chánh án Đẩu và về chính mình 
- HS dẫn chương trình : Thưa nhà văn, ông đã chọn hình thức kể chuyện (điểm nhìn nghệ thuật) nào ? Và vì sao lại chọn điểm nhìn ấy ?
- HS đóng vai tác giả : Người kể chuyện là nghệ sĩ nhiếp ảnh Phùng tức là một nhân vật trong câu chuyện. Nhờ hình thức này, câu chuyện trở nên gần gũi hơn, khách quan, chân thực hơn và cũng có sức thuyết phục hơn. 
- “Nhà văn” hỏi lại : thế các bạn nghĩ gì về sự lựa chọn ngôi kể này ?
- Một “khán giả” : Với ngôi kể này, nhà văn có thể nhìn cuộc đời và con người ở các góc độ, cự li khác nhau, lúc đứng gần, trực tiếp tham gia vào câu chuyện, lúc đứng xa, đứng ngoài quan sát trong tư cách của người dẫn chuyện. Lúc đối thoại trực tiếp với nhân vật, lúc độc thoại nội tâm
- GV nhận xét phần đóng vai, trả lời của HS, biểu dương, cho điểm, rút kinh nghiệm và nhấn mạnh những ý cần thiết về nghệ thuật truyện. 
Hoạt động 4. Tổng kết, đánh giá khái quát
- GV định hướng: Trong phần Tiểu dẫn của bài học, tác giả SGK giới thiệu : “Truyện ngắn Chiếc thuyền ngoài xa kể lại chuyến đi thực tế của một nghệ sĩ nhiếp ảnh và những chiêm nghiệm sâu sắc của anh về nghệ thuật và cuộc đời”. Qua bài học, anh (chị) đã hiểu được điều đó như thế nào? 
	- HS khái quát : Nghệ thuật chân chính phải luôn luôn gắn với cuộc đời và vì cuộc đời. Không thể nhìn đời một cách giản đơn, cần phải nhìn nhận cuộc sống và con người một cách đa diện, nhiều chiều.
- GV định hướng HS mở rộng đánh giá: So với những truyện viết trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ (Vợ chồng A Phủ, Rừng xà nu, Những đứa con trong gia đình), Chiếc thuyền ngoài xa đã cho thấy những đổi mới nào của văn học Việt Nam sau 1975 (về đề tài, bút pháp, cái nhìn nghệ thuật về con người) ?
- HS so sánh, đánh giá khái quát: Chiếc thuyền ngoài xa đã cho thấy những đổi mới cơ bản của văn học Việt Nam sau 1975 :
+ Đề tài : văn học tập trung vào những vấn đề của đời sống nhân sinh, quan tâm nhiều hơn đến các đề tài đạo đức - thế sự (như câu chuyện của người đàn bà hàng chài trong truyện ngắn này).
+ Bút pháp : văn học sau 1975 hướng nội nhiều hơn, đi sâu vào thế giới nội tâm phức tạp và đầy mâu thuẫn của con người trong cuộc sống thường nhật (VD : những mâu thuẫn và phức tạp trong đời sống tâm hồn của người đàn bà vùng biển). 
+ Quan niệm nghệ thuật về con người : khác với giai đoạn trước - chủ yếu khắc họa con người trong quan hệ với cộng đồng, dân tộc - văn học giai đoạn này khai thác sâu sắc số phận cá nhân và thân phận con người đời thường (VD : số phận của người lao động nghèo vùng biển).
Hoạt động 5. Luyện tập, củng cố, bộc lộ kết quả tiếp nhận
1. Quan niệm nghệ thuật của nhà văn nào dưới đây khác với quan niệm của Nguyễn Minh Châu trong Chiếc thuyền ngoài xa :
A.“Nghệ thuật không phải là ánh trăng lừa dối, nghệ thuật không nên là ánh trăng lừa dối, nghệ thuật có thể chỉ là tiếng đau khổ kia thoát ra từ kiếp lầm than” (Nam Cao).
B. “Các ông muốn tiểu thuyết cứ là tiểu thuyết. Tôi và những người cùng chí hướng như tôi muốn tiểu thuyết phải là sự thực ở đời” (Vũ Trọng Phụng)
C. “Nghệ thuật không phải là sự mô tả thực tại có thực mà là sự tìm tòi chân lý, lý tưởng” (G.Xăng)
D. “Văn học là cuộc đời. Văn học sẽ không là gì cả nếu không vì cuộc đời mà có. Cuộc đời là nơi xuất phát, cũng là nơi đi tới của văn học” (Tố Hữu)
Đáp án : C
2. Nếu là chánh án Đẩu, anh (chị) sẽ ứng xử như thế nào trước những lý do mà người phụ nữ vùng biển ấy đưa ra ? Hãy viết một bài luận ngắn trình bày các giải pháp của anh (chị) cho vấn đề bạo hành gia đình. 
3. Anh (chị) thu được những kinh nghiệm sống, tri thức sống nào sau bài học này ? Hãy viết một bài thu hoạch riêng của anh (chị).

Tài liệu đính kèm:

  • docChiec thuyen ngoai xa.doc