Thuyết minh về tác giả Nguyễn Trãi

Thuyết minh về tác giả Nguyễn Trãi

Nguyễn Trãi (1380-1442) là bậc đại anh hùng dân tộc, là một nhân vật toàn tài hiếm có trong lịch sử nước nhà, là danh nhân văn hóa thế giới nhưng đồng thời cũng là người phải chịu những oan khiên thảm khốc nhất trong lịch sử chế độ phong kiến Việt Nam.

Nguyễn Trãi xuất thân trong gia đình cha là nhà nho nghèo, mẹ thuộc dòng dõi quí tộc nhà Trần. Nguyễn Trãi sớm mồ côi mẹ, thuở nhỏ được sự nuôi dạy cẩn thận của của ông ngoại Trần Nguyên Đán.

 

doc 10 trang Người đăng kidphuong Lượt xem 20763Lượt tải 1 Download
Bạn đang xem tài liệu "Thuyết minh về tác giả Nguyễn Trãi", để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Thuyết minh về tác giả Nguyễn Trãi
Nguyễn Trãi (1380-1442) là bậc đại anh hùng dân tộc, là một nhân vật toàn tài hiếm có trong lịch sử nước nhà, là danh nhân văn hóa thế giới nhưng đồng thời cũng là người phải chịu những oan khiên thảm khốc nhất trong lịch sử chế độ phong kiến Việt Nam. 
Nguyễn Trãi xuất thân trong gia đình cha là nhà nho nghèo, mẹ thuộc dòng dõi quí tộc nhà Trần. Nguyễn Trãi sớm mồ côi mẹ, thuở nhỏ được sự nuôi dạy cẩn thận của của ông ngoại Trần Nguyên Đán. 
Ông thi đỗ và làm quan cho nhà Hồ cùng với cha năm 1400. Đến 1407, giặc Minh đến cướp nước ta, cha Nguyễn Trãi bị bắt đưa về Trung Quốc, Nguyễn Trãi theo cha, nhưng đến biên giới, nghe lời cha, Nguyễn Trãi quay lại tìm cách rửa nhục cho nước. Ông bị giặc Minh giam lỏng 10 năm ở thành Đông Quan, sau đó trốn thoát được, tìm vào Lam Sơn phò tá Lê Lợi tiến hành cuộc kháng chiến chống Minh đến toàn thắng năm 1427. Ông hăm hở tái thiết xây dựng đất nước nhưng bị gian thần ghen ghét, bị nghi ngờ, không được tin dùng nhiều. Năm 1439, ông xin về ở ẩn, nhưng đến 1440, vua trẻ Lê Thái Tông lại mời ông ra giúp nước. Năm 1442, nhà vua đi duyệt võ ở Chí Linh, có ghé thăm Nguyễn Trãi ở Côn Sơn, rồi đột ngột băng hà ở Lệ Chi Viên. Nguyễn Trãi bị gian thần vu cho tội giết vua và bị xử án tru di tam tộc. 
Đến năm 1464, vua Lê Thánh Tông minh oan cho Nguyễn Trãi, tìm con cháu, sưu tầm lại thơ văn của ông và khẳng định nhân cách, tấm lòng, tâm hồn lớn của Nguyễn Trãi với câu nói nổi tiếng “Ức Trai tâm thượng quang khuê tảo”. 
Nguyễn Trãi là nhà chính trị, quân sự, giáo dục, nhà lập pháp tài ba của dân tộc ta. Không chỉ vây, ông còn là cây đại thụ đầu tiên của văn học Việt Nam. Ông là tác giả xuất sắc về nhiều thể loại văn học cả ở lĩnh vực chữ Hán và chữ Nôm . Ông để lại một khối lượng sáng tác lớn với nhiều tác phẩm có giá trị. Đó là “Đại cáo bình Ngô”, “Quân trung từ mệnh tập”, “Lam Sơn thực lục”, “Ức Trai thi tập”, “Quốc âm thi tập”,
Nguyễn Trãi là nhà văn chính luận kiệt xuất của văn học trung đại Việt Nam. Tác phẩm Bình Ngô đại cáo của ông được đánh giá là “thiên cổ hùng văn”, là bản tuyên ngôn độc lập lần thứ hai của dân tộc. “Quân trung từ mệnh tập” được đánh giá là “có sức mạnh bằng 10 vạn quân”. Các tác phẩm chính luận của Nguyễn Trãi có luận điểm vững chắc, lập luận sắc bén, giọng điệu linh hoạt. Trong đó luận điểm cơ bản cốt lõi là tư tưởng nhân nghĩa, yêu nước thương dân. 
Ông còn là nhà thơ trữ tình sâu sắc. Thơ ông bộc lộ tâm hồn, con người ông từ khía cạnh bình thường, trần thế hòa quyện với con người anh hùng vĩ đại. Đọc thơ Nguyễn Trãi, ta thấy những nỗi ưu tư trăn trở về dân về nước, thấy được khí tiết thanh cao, lòng yêu thiên nhiên cây cỏ của ông. 
Nguyễn Trãi có đóng góp lớn vào việc phát triển chữ Nôm và Việt hóa thơ Đường qua việc sử dụng thuần thục thể thơ thất ngôn xen lục ngôn. Nguyễn Trãi đưa vào thơ những hình ảnh dân dã quen thuộc một cách tự nhiên, tinh tế. 
Ông được đánh giá là thiên tài văn học, là hồn thơ kết tinh tinh hoa văn hóa Lí-Trần, là người mở đường cho cả một giai đoạn mới của thơ viết bằng tiếng Việt. Thơ văn ông hội tụ đủ hai nguồn cảm hứng lớn của văn học dân tộc là yêu nước và nhân đạo.
Chế Lan Viên, thi sĩ của trí tuệ
Thu Hoa
Chế Lan Viên tên thật là Phan Ngọc Hoan, sinh ngày 14/1/1920. Xuất hiện trên thi đàn, làm kinh ngạc đông đảo người đọc ngay từ khi mới 16, 17 tuổi nhưng suốt trong những năm sống, làm việc và sáng tác hầu như không ngừng, không nghỉ của mình, ngay cả sau lúc đi xa vào ngày 24/6/1989, Chế Lan Viên vẫn tiếp tục làm ngỡ ngàng, kinh ngạc với bạn đọc hôm nay. Và chắc chắn cả mai sau về năng lực sáng tạo to lớn, đa dạng, phong phú và ẩn chứa nhiều điều chưa thể khám phá hết về cuộc đời và thơ văn của ông.
Chế Lan Viên có một khối lượng tác phẩm đồ sộ. Với tác phẩm đầu tay là tập Điêu tàn, Chế Lan Viên nghiễm nhiên trở thành kiện tướng của phong trào thơ mới - cuộc cách mạng lớn trong thơ ca Việt Nam thế kỷ 20. Sau năm 1945, Chế Lan Viên viết Ánh sáng và phù sa, Hoa ngày thường - Chim báo bão, Hoa trước Lăng Người, Hoa trên đá. Với những tập thơ này, Chế Lan Viên đã chuyển ngòi bút sầu đau, điên cuồng, hư vô, siêu hình trong Điêu tàn sang những vần thơ giàu tư tưởng, triết lý sâu sắc, mới mẻ, khoẻ mạnh.
Suốt cả cuộc đời, Chế Lan Viên đã viết đến hơn 10 tập thơ, làm nên một đời thơ vạm vỡ, bề thế. Đó là chưa kể hơn 600 bài thơ trong các tập Di cảo xuất bản sau khi Chế Lan Viên mất mà theo các nhà nghiên cứu văn học, chỉ riêng Di cảo cũng đủ làm nên một tầm vóc thơ ca lớn.
Điều đáng nói là để có thể sống và sáng tác văn học nghệ thuật thì hầu như ai cũng cần phải có được sự tổng hoà của 3 yếu tố: trí, tâm, tài đến mức cần thiết.
Nhưng với Chế Lan Viên thì các yếu tố này đều quá lớn, quá sắc sảo và nhạy cảm. Điều đó khiến cho thơ Chế Lan Viên phong phú về mặt nội dung. Biên độ cảm xúc của ông rất rộng, đề tài thơ ông viết là muôn mặt của cuộc đời. Có khi ông nghe thấy những biến động nhỏ bé của tâm hồn con người trong những tình cảm riêng tư nhưng ông cũng chia sẻ kịp thời những tình cảm rộng của toàn dân tộc. Chế Lan Viên cũng rất phong phú về giọng điệu. Nhà thơ Vũ Quần Phương, người đã dày công nghiên cứu các tác phẩm của Chế Lan Viên nói về điều này như sau: "Có lúc thơ ông thầm thì trò chuyện, nói tiếng thở dài trong một câu thơ ngắn, lúc ông sang sảng hùng biện, thơ âm vang như cáo, như hịch, lúc mát mẻ lạnh lùng trong kiểu thơ ngụ ngôn, lúc bừng bừng giận giữ trong hơi thơ đả kích, khi thâm trầm ung dung như người thoát tục nhìn hoa đại, hoa sen. Cái phong phú ấy trong thơ hiện đại chưa ai bằng Chế Lan Viên".
Chế Lan Viên cũng là người phong phú trong hình thức biểu hiện. Ông là người tích cực bậc nhất trong việc tìm tòi đổi mới dáng vẻ câu thơ và bài thơ thế kỷ 20. Bạn đọc khó có thể tìm được câu thơ nào dễ dãi trong thi phẩm của Chế Lan Viên. Ông hàm xúc trong tứ tuyệt và ông còn mở rộng câu thơ để ôm lấy hiện thực. Ông sáng tạo nhiều cách ngắt nhịp, nhiều kiểu qua hàng, nhiều lối buông vần cho phù hợp với cảm xúc nội tâm.
Chế Lan Viên là một tài năng chín sớm. Ông kế thừa tinh hoa của thi ca phương Đông như thơ Đường, thơ Tống rồi thi ca phương Tây như thơ lãng mạn, thơ hiện thực. Ông có ý thức sâu sắc về vai trò nhà thơ trong đời sống hiện thực. Chế Lan Viên chính luận, Chế Lan Viên triết lý, Chế Lan Viên trữ tình nhưng tất cả đều thống nhất từ nguồn cảm xúc lớn nhất là cảm xúc trách nhiệm với cộng đồng, với dân tộc của ông. 
Về thơ Hàn Mạc Tử
Kiều Văn
Cách đây năm mươi sáu năm, Hàn Mặc Tử - nhà thơ kiệt xuất của thời kỳ hiện tại - đã hoàn tất sứ mạng của mình với cõi đời này và đi vào cõi vĩnh hằng. Chuyện Hàn Mặc Tử lúc sinh thời bị mắc một chứng bệnh khốc hại (bệnh phong) thì ai cũng biết. Nhưng với khối tác phẩm khá đồ sộ ông để lại cho đời, cũng như những "cuộc tình" của ông, thì suốt mấy mươi năm qua, thiên hạ vẫn không ngừng xôn xao bàn tán và tranh cãi.
Không ai còn nghi ngờ việc Hàn Măc tử là một hiên tượng nổi bật của văn học Việt nam giữa thời kỳ hoàng kim của Thơ Mới (những năm 30).
Hơn nửa thế kỷ qua, không thể đếm xuể những con người thuộc mọi tầng lớp, mọi trình độ đã nghiêng mình kính cẩn trước anh linh Hàn Mặc Tử, không thể đong được những dòng lệ mà người đời đã nhỏ xuống khóc người thi sĩ tài hoa bạc mệnh ấy.
Mộng Liên Đường chủ nhân, người viết đề tựa truyện Kiều trước đây có câu:
"Người đời nay khóc người đời xưa, người đời sau khóc người đời nay, đó là cái thông lệ của bọn tài tử trong gầm trời này vậy!"
Thật chí lí lắm thay!
Muốn hiểu được Hàn Mặc Tử, nhất thiết phải hiểu bản chất con người nói chung và bản chất của con người Hàn Mặc Tử nói riêng.
Nhà ngoại cảm Nguyễn Hoàng Phương đã rất có lý khi khẳng định rằng con người không phải một sinh vật thông thường mà là "Linh Vật", nghĩa là một vật linh thiêng. Nguyễn Du xưa cũng cảm nhận rõ điều này.
"Nàng rằng: Những đấng tài hoa
Thác là thế phách, còn là tinh anh"
Cái "tinh anh" bất tử ấy xác nhận con người là linh vật. Hàn Mặc Tử là linh vật ở trình độ tuyệt đích. Chính vì vậy, lúc sinh thời Hàn Mặc Tử vừa là một con người trần tục vừa là một "trích tiên" thực thụ.
Với trí tuệ của một nhà thơ thời hiện đại, đồng thời với tầm vóc của một bậc "thánh thi", Hàn Mặc Tử đã "giải mã" được mối liên hệ thống nhất, khăng khít giữa thi sĩ với vũ trụ vô thuỷ vô chung. Ông cũng hoàn toàn ý thức được sứ mệnh, thiên chức của một thi sĩ chân chính. Ông viết:
"Loài thi sĩ là những bông hoa rất quí và hiếm, sinh ra đời với một sứ mạng rất thiêng liêng: phải biết tận hưởng những công trình châu báu của đức chúa trời đã gây nên, ca ngợi quyền phép của người và trút vào linh hồn người ta những nguồn khoái lạc đê mê nhưng rất thơm tho, rất tinh sạch. Bởi muốn cho loài thi sĩ làm tròn nhiệm vụ ở thế gian này - nghĩa là tạo ra những tác phẩm tuyệt diệu, lưu danh lại muôn đời, Người bắt chúng phải mua bằng giá máu, luôn có một định mệnh tàn khốc theo riết bên mình".
Đại thi hào Shakespeare cũng đã viết một câu tương tự trong vở bi kịch Otenlô: "Phải chăng định mệnh của những đấng vĩ nhân vẫn là không được may mắn như những kẻ tầm thường..."
Với thiên năng siêu việt của linh vật, Hàn Mặc Tử thoắt ở trên mặt đất, thoắt lại bay vào vũ trụ bao la, tựa như những nhà du hành vũ trụ sau này:
Ta bay lên! Ta bay lên!
Gió tiến đưa ta tới nguyệt thềm
Ta ở trên cao nhìn trở xuống
Lâng lâng mây khói quyện trăng đêm
(Chơi trên trăng)
Và hơn thế nữa, linh hồn nhà thơ còn siêu thăng lên tầng" thượng thanh khí". lên cõi trời, hoà hợp với vĩnh cửa. Những ấn tượng mà Hàn Mặc Tử lượm được từ những cõi cao vời đó đã biến thành những câu thơ kinh hoàng, tưởng chừng có ma quỉ ở bên trong;
Máu tim ta tuôn ra làm bể cả
Mà sóng lòng rồn rập như mây trôi
Người trăng ăn vận toàn trăng cả
Gò má riêng thôi laị đỏ hườm...
Trong thơ Hàn Mặc Tử, nhân vật Hồn xuất hiện một cách khá sắc nét:
Hồn đã cấu, đã cào, nhai ngấu nghiến:
Thịt da tôi sượng sần và tê điếng
Tôi đâu vì rùng rợn đến vô biên...
... Hai chúng tôi lặng yên trong thổn thức
Rồi bay lên cho tới một hành tinh
Cùng nghả nghiêng lăn lộn giữa muôn hình
Để gào thét một hơi cho rởn ốc
Cả thiên đường, trần gian và địa ngục...
(Hồn là aỉ)
Thấy mọi người kinh ngạc với thơ mình, Hàn Mặc tử bèn giải thích rằng đó chính là loại thơ... Điên!
Thực chất cái Điên đó là gì...
Là cuộc giao thoa kỳ diệu của cõi người với cõi trời, là sự khám phá tới tận cùng của tâm linh con người, là ngân thơ đạt tới trình độ lãng mạn tột đích.
Tuy nhiên Hàn Mặc Tử vẫn hoàn toàn là con người của chủ nghĩa nhân bản. Không bao giờ ông muốn rời bỏ cuộc đời này để đi tìm những cái hư ảo, những hình tượng siêu nhiên nhạt thếch. Khối tinh thần cực kỳ sáng láng của nhà thơ chỉ giúp ông nhìn nhận cuộc sông trần gian một cách thấu triệt, để rồi tận hưởng những vẻ tuyệt vời của nó.
Càng bị bệnh tật hành hạ khốc liệt, quyền sống làm người càng bị bóp nghẹt, Hàn Mặc Tử càng yêu điên cuồng thế giới này. L. Tonstoi từng nói: "Khó khăn hơn cả là yêu cuộc sống với những nỗi đau khổ của mình".
Hàn Mặc Tử đã ngắm nhìn và cảm thụ thiên nhiên và quê hương đất nước trong vẻ diễm lệ nhất của nó:
Ai hãy làm thinh chớ nói nhiều
Để nghe dưới đáy nước hồ reo
Để nghe tơ liễu run trong gi ... i bỏ trường phái thơ cổ điển, Hàn Mặc Tử dồn tất cả tinh lực cho Thơ Mới, và chỉ vẻn vẹn trong khoảng ba năm trời, ông đã đạt tới cực đỉnh của thơ mới. Một nghệ thuật đặc sắc - nghệ thuật thơ 'Điên" - đã ra đời để chuyển tải cái nội dung sâu sắc, gay gắt mà phức tạp mà Hàn Mặc tử muốn thét lên trong những phút "nhập Thần", trong những cơn yêu đương, đau đớn, oán hận điên cuồng. Đó chính là những câu thơ "thần bút" mà một người thường không bao giờ viết nổi.
Hàn Mặc Tử đã khai thác tất cả những tinh hoa của tiếng Việt vốn giàu ý tứ, giầu sắc thái và nhạc tính, đặt những từ thuần Việt ấy đúng chỗ và thổi sinh khí cho chúng, tạo nên những câu thơ kì lạ và tuyệt diệu, làm chấn động tâm trí người đọc:
Trăng nằm sóng soài trên cành liễu
Tôi toan hớp cả ráng trời
Tôi toan đớp cả tiếng cười trong khe.
Ta khạc hồn ra ngoài cửa miệng
Cho bay lên hí hửng với ngàn khơi.
Ta đi thuyền trên mặt nước lòng ta
Ta cắm thuyền chính giữ vũng hồn ta!
Những câu thơ như vậy của Hàn Mặc Tử đã để lại những vết cháy bỏng, những vầng sáng vĩnh viến trong tâm trí chúng ta.
Bằng tài năng xuất chúng, dưới áp lực của định mệnh cực kì nghiệt ngã, nhà thơ Hàn Mặc Tử đã để lại cho đời một di sản quí báu với nhiều bài thơ " thần bút". Nhà thơ cho chúng ta thấy tầm vóc siêu việt biết bao mà con người có thể và cần phải đạt tới. Đồng thời cuộc đời và thơ Hàn Mặc tử gợi mở về một lối sống không phải chỉ có phần "xác" mà còn có phần " hồn" ngàn lần kì diệu hơn. 
Nguyệt Cầm - Một nốt nhạc buồn của Xuân Diệu
Nguyễn Khánh Thư
Trong bản giao hưởng rộn ràng kia bỗng xuất hiện một giai âm trầm lắng, dịu hẳn. Nhưng là một giai âm thu hút đến lạ kì. Nó chiếm lĩnh người đọc bằng âm lượng vừa đủ nhẹ nhàng, đủ thanh thoát, đủ khơi sâu, động thấu đến lòng người đọc, thức dậy những trường liên cảm. Nguyệt cầm - cái điệu nhạc khác nhịp ấy - là một bài thơ hay, dễ truyền và gây cảm xúc mạnh mẽ đến độc giả. Rất tự nhiên nó tạo ra một chất kết dính vi huyền giữa nhà thơ và tác giả thứ hai (độc giả).
Nỗi ám ảnh thời gian trở thành niềm khắc khoải khôn nguôi của Xuân Diệu. Một con người ham sống đến say mê, cuồng nhiệt, khao khát được giao cảm với đời đến triệt để, đến tận cùng cho nên ông luôn vội vàng, giục giã, sống cuống quýt, sống để tận hưởng cho hết những dư vị của cuộc đời ngắn ngủi này. Nhịp sống sôi nổi và mạnh mẽ đó trở thành âm hưởng chủ đạo của thơ ông. Nhưng tâm hồn ham hố, vồ vập và luôn rạo rực ấy cũng có lúc cô đơn đến khủng khiếp vì không tìm được sự đồng điệu cảm thông với tâm hồn mình. Cho nên trong cô đơn, Xuân Diệu đã tìm đến với tạo vật để tìm sự giao thoa. Nguyệt cầm đã thể hiện rất rõ cảm quan nghệ sĩ hết sức tinh tế của nhà thơ khi nghe tiếng đàn sầu não trong một đêm trăng thu sáng lạnh. Không hiểu do ánh trăng, tiếng đàn vang vọng đã khơi nguồn cảm hứng hay do tiếng lòng nhà thơ đang tấu lên khúc nhạc dìu dặt này:
Trăng nhập vào dây
cung nguyệt lạnh...
Nghe sầu âm nhạc đến sao khuê.
Xuân Diệu nói: "Thơ hay lời thơ chín đỏ trong cảm xúc - đó là một chân lí vĩnh cửu" Quả thực bằng những rung động tinh vi và nhạy bén, Xuân Diệu đã nắm bắt được những biến thái của tự nhiên một cách rất tài tình. Nhà thơ phải mở rộng tâm hồn mình, phải "thức nhọn mọi giác quan" thì mới lắng nhận được vẻ đẹp của tạo vật và cất lên được những vần thơ hay như thế. Bài thơ được tạo ra từ khối cảm xúc của thi nhân được nung chảy. Cả âm nhạc cả màu sắc lan toả không gian. Khung cảnh tràn ngập ánh trăng, tràn ngập tiếng đàn tạo ra một không gian lung linh và huyền ảo. ở đây có sự hoà quyện giữa trăng và đàn. Từ đầu đề Nguyệt cầm đã đủ thể hiện phần nào. Trăng như phổ nhạc cho phím đàn vang ngân trong không gian, truyền đi trong không khí, toả ra và lan rộng.
Trăng nhập vào dây
cung nguyệt lạnh
Tác giả đã sát nhập trăng và cung đàn. Sự tương giao giữa tiếng đàn và ánh trăng đã đồng nhất hoá hai làm một. Không phải là thứ màu sắc vàng ánh, cũng không phải là nhạc điệu nào cụ thể nữa mà cái âm sắc mới này là sự kết chuyển siêu hình. Tác giả đã thổi hồn mình sang cho tạo vật. ánh trăng trở thành một sinh thể có cảm giác, có linh hồn. Tiếng đàn trở thành tiếng vọng của cõi lòng đi tìm sự tri âm, đồng điệu. Cái không gian màu - nhạc ấy ngưng kết lại đóng cứng và tinh khiết tuyệt vời:
- Mây vắng trời trong
đêm thuỷ tinh
Long lanh bóng sáng
bỗng rùng mình
- Thu lạnh càng thêm
nguyệt tỏ ngời
Đàn nghe như nước lạnh trời ơi
Một không gian yên tĩnh, trong suốt và rất mơ hồ nhưng nó khơi gợi ra cái siêu thoát như trong thơ Hàn Mặc Tử. Bài thơ này có thể đi qua chủ nghĩa lãng mạn, bước đến địa hạt tượng trưng. Nhưng dù mơ hồ và huyền ảo đến đâu thì ở cái ranh giới siêu thực này, Xuân Diệu vẫn còn bám vào đời, níu lấy cuộc sống trần thế. Với ông cuộc sống này là tất cả. Cho nên "chơi giữa mùa trăng" Hàn Mặc Tử thấy "kì ảo, thơm thơm" Đó là một đêm "siêu hình và vô lượng". Trong khi Hàn tan biến vào trăng thì Xuân Diệu vẫn ở trong đời sống thực mà cảm nhận những biến thiên của tạo vật. ông cảm nhận được không gian trong như thuỷ tinh, thấy được cái long lanh của bóng sáng và truyền cảm xúc cho những vật vô tri vô giác ấy trở thành một linh hồn biết rung động, tạo vật và tâm tình phản ánh vào nhau và bộc lộ qua hình tượng thơ. Người ta nói: thơ tiềm ẩn trong rung động. Bài thơ chỉ có thể được hình thành khi có sự truyền lan của rung động ấy. Nguyệt cầm chính là cảm xúc chân thực, nóng hổi của Xuân Diệu khi đối diện với cảnh vật và đối diện với lòng mình. Chỉ có rung động thực sự, Xuân Diệu mới cảm được cái đẹp của tạo hoá và chớp được những tơ rung của lòng mình. Nhịp điệu bài thơ nhẹ nhàng, dìu dịu, đượm một thoáng buồn nhưng vẫn có sự chuyển tấu của âm sắc. Đó là những cung bậc khác nhau của âm nhạc mà Xuân Diệu nghe được bằng chính cái ân tình của mình.
Trăng thương trăng nhớ
Hỡi trăng ngần
Đàn buồn đàn lặng ôi đàn chậm
Mỗi giọt rơi tàn như lệ ngân.
Khi lòng mình đang cô đơn, trống trải, tạo vật bỗng dưng ngưng đọng những giọt sầu. Tần số giao động của từng tiết tấu trong câu thơ chậm rãi, ngắt nhịp từng đôi một nghe thật buồn. Nhạc đàn hay nhạc lòng nhà thơ... Không rõ nữa. Buồn, thương, nhớ, bằng mấy tính từ chỉ sắc thái biểu cảm ấy gợi cho người đọc một tâm trạng cô đơn, buồn thảm. Có một cái gì đó như là sự day dứt, trở trăn. Trăng và đàn tuy có sự hoà nhập nhưng tác giả vẫn luôn để chúng sóng đôi. Dường như để tâm tình. Tạo vật đã được "nội cảm hoá", nhà thơ biến cái vô hình trở nên hữu hình. Trăng và đàn trở thành hai sinh thể sống bằng rung cảm và tâm tình của nhà thơ. Từ buồn, thương và nhớ ấy, cảm giác lạnh buốt tê cứ chợt xâm chiếm cảm quan người đọc:
Đàn nghe như nước lạnh trời ơi
Long lanh tiếng sỏi
vang vang hận
Gam độ của nỗi buồn ngày càng gia tăng. Cả âm nhạc, cả ánh sáng tụ đọng thành từng giọt lạnh lẽo đến xương da. Cái hay của bài thơ chính là sự miêu tả cảm xúc. Cái cảm xúc vô hình kia bỗng trở nên có hình, có khối. Không gian ở đây là không gian của tâm trạng. Dường như ở đây cảm giác thực khuất đi mà chỉ còn lại là ảo giác. Tác giả sống bằng ảo giác. Trăng nhạc nhập nhoà và tiếng đàn đau khổ, não nề vì mệnh bạc của người xưa càng làm cho tác giả cảm thấu được nỗi cô đơn, buồn tẻ của mình. Bốn khổ thơ cuối khắc rõ sự cô đơn tuyệt đối của nhà thơ:
Bốn bề ánh nhạc biển pha lê
Chiếc đảo hồn tôi rợn bốn bề
Sương bạc làm thinh
khuya nín thở
Nghe sầu cảm nhạc
đến sao khuê.
Ở đây, không gian mang màu sắc trừu tượng: thấy rõ nhưng không nắm bắt được. Tác giả dùng hình ảnh trực tiếp đánh mạnh vào các giác quan. Cảnh sắc thu mình lại: "Sương bạc làm thinh", "khuya nín thở". Dường như Xuân Diệu chỉ nghe được, thấy được, cảm được cái lạnh lẽo từ mọi phía đang bủa vây lấy mình. Nhà thơ đã khắc chạm nỗi cô đơn của mình vào không gian bằng hình ảnh thơ rất độc đáo: "chiếc đảo hồn tôi"; "chiếc đảo hồn" ấy trở nên bơ vơ lạc lõng giữa không cùng của trời đất. Trước cái rộng lớn của vũ trụ, Xuân Diệu càng cảm thấy cô đơn. Nhưng không phải cái cô đơn như Huy Cận. Huy Cận cô đơn vì ông cảm thấy mình bé nhỏ trước thiên địa vô thủy vô chung. Còn Xuân Diệu, chỉ vì ông không tìm được mối giao hoà nên sự trống trải đã buộc ông ra khỏi cảm xúc thực, đi trong ảo giác.
Cả bài thơ là sự chuyển đổi từ màu sắc sang âm thanh và sự lan truyền từ âm thanh sang màu sắc. Nó thể hiện sự cảm nhận vi diệu của nhà thơ. Chất nhạc thấm đẫm trong từng câu thơ, buồn buồn, chầm chậm, ngưng, nghỉ và đôi lúc yên lặng hoàn toàn. Đó là một nốt nhạc trầm trong cả bản âm thanh ào ạt kia. Phải chăng đó chính là lời độc thoại của Xuân Diệu!... 
Thi sĩ Hoàng Cầm: 75 tuổi còn đi tìm lá...
Lý Nguyên Anh
Tôi quen biết Hoàng Cầm khoảng đầu những năm 80, nhân một lần thi sĩ Phùng Quán rủ tôi đến nhà ông uống rượu. Bấy giờ, vì sinh kế, thi sĩ mở lén một quán rượu trong nhà, cho bạn bè văn nghệ sĩ tới đàm đạo văn chương. Thi sĩ Hoàng Cầm bán rượu một cách chậm rãi và hờ hững, nhiều lúc đầu óc ông cứ để đi đâu đâu, khách gọi thêm rượu, thêm đồ mồi hai, ba lần ông mới như sực tỉnh, vớ chai rót tràn cung mây. Sau này, tôi mới biết, đó là những khoảng thời gian ông đang thai nghén tập thơ kỳ diệu nhất của mình - tập "Về Kinh Bắc" - mà sau này khiến ông gặp bao hoạn nạn. Tôi may mắn được đọc bản thảo tập thơ ngay từ những ngày ấy và nhiều bài như "Cây tam cúc", "Quả vườn ổi", "Lá diêu bông"... đọng trong trí nhớ của tôi tự bấy đến giờ.
Tên thật của ông là Bùi Tằng Việt, sinh năm 1922 tại Bắc Ninh. Bút hiệu Hoàng Cầm ông tự đặt cho mình vào năm 1937, khi đang viết kịch thơ "Hận Nam quan". Như vậy, Hoàng Cầm viết kịch thơ từ khi chưa đầy 16 tuổi. Những lúc vui vẻ, ông thường nói đùa: "Cái tên Hoàng Cầm không phải là cây đàn vàng đâu, mà là vị thuốc đắng nhất đấy!".
Ông thường kể cho chúng tôi nghe về những ngày đầu năm 1946, khi ông cùng bạn bè góp tiền dựng kịch "Kiều Loan" và chỉ công diễn được một lần trên sân khấu Nhà hát lớn. Bù lại, ông có được mối tình với bà Tuyết Khanh - nghệ sĩ đóng vai chính và cô con gái mang tên Kiều Loan là kết quả của mối tình lãng mạn ấy. Hiện giờ, Kiều Loan đang sống với mẹ ở Mỹ. Vở kịch này đã được đem đi lưu diễn khắp nơi, nghe nói, được bà con Việt Kiều hoan nghênh lắm.
Hoàng Cầm làm thơ và biết yêu từ rất sớm. Nỗi khao khát yêu đời, yêu người dường như lúc nào cũng cháy bỏng trong ông và hiện hình thành những vần thơ da diết và luống cuống. Bây giờ, đã tròn 75 tuổi mà lúc nào Hoàng Cầm cũng "dọa" sắp cưới vợ. Anh em nghe ông nói thì cho là ông đùa, còn ông lại tin là thật. Một niềm tin rất đỗi "thơ ngây" mà chỉ một thi sĩ đích thực mới có được, bởi vì, như ông nói, thi sĩ còn trẻ mãi.
Trong 60 năm cầm bút, Hoàng Cầm đã viết rất nhiều, viết hàng ngày và nhờ vậy, số lượng tác phẩm của ông khá lớn (trên 10 tập). Có thể nói, với khối lượng thơ đồ sộ ấy, Hoàng Cầm đã bước thẳng vào văn đàn Việt Nam bằng những bước chân đĩnh đạc. Lịch sử văn học Việt Nam sẽ ghi nhận ông bên cạnh những tên tuổi thi sĩ hạng nhất của nước nhà.
Bây giờ, tuy sức khỏe đã sút kém, nhưng Hoàng Cầm vẫn viết đều. Ông dự định cho in một tập "Văn xuôi Hoàng Cầm" và tập "Hoàng Cầm hồi ký". Chiều chiều, bên quán nước ở vỉa hè 51 Trần Hưng Đạo, Hà Nội, ông vẫn thường đọc thơ cho chúng tôi nghe. Giọng ông vẫn sang sảng và thơ ông vẫn tràn ngập tình yêu.

Tài liệu đính kèm:

  • docVan hoc pho thong.doc