Phân tích: Nguyễn Đình chiểu, ngôi sao sáng trong văn nghệ của dân tộc

Phân tích: Nguyễn Đình chiểu, ngôi sao sáng trong văn nghệ của dân tộc

Kết quả cần đạt

- Hiểu được những ý kiến đánh giá vừa sâu sắc, mới mẻ, vừa có lý, có tình của Phạm Văn Đồng về cuộc đời và thơ văn Nguyễn Đình Chiểu. Qua đó, có nhận thức đúng đắn về giá trị thơ văn Đồ Chiểu đối với đương thời và ngày nay.

- Phân tích được nghệ thuật lập luận của bài viết: lí lẽ xác đáng, lập luận chặt chẽ, ngôn từ trong sáng, giàu hình ảnh. Đồng thời biết học tập và vận dụng cách nghị luận giàu sức thuyết phục của tác giả vào thực tiễn làm văn của bản thân để tiếp tục nâng cao và hoàn thiện các kỹ năng nghị luận.

 

doc 17 trang Người đăng kidphuong Lượt xem 3807Lượt tải 0 Download
Bạn đang xem tài liệu "Phân tích: Nguyễn Đình chiểu, ngôi sao sáng trong văn nghệ của dân tộc", để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Nguyễn Đình chiểu, ngôi sao sáng 
trong văn nghệ của dân tộc
Kết quả cần đạt 
- Hiểu được những ý kiến đánh giá vừa sâu sắc, mới mẻ, vừa có lý, có tình của Phạm Văn Đồng về cuộc đời và thơ văn Nguyễn Đình Chiểu. Qua đó, có nhận thức đúng đắn về giá trị thơ văn Đồ Chiểu đối với đương thời và ngày nay.
- Phân tích được nghệ thuật lập luận của bài viết: lí lẽ xác đáng, lập luận chặt chẽ, ngôn từ trong sáng, giàu hình ảnh. Đồng thời biết học tập và vận dụng cách nghị luận giàu sức thuyết phục của tác giả vào thực tiễn làm văn của bản thân để tiếp tục nâng cao và hoàn thiện các kỹ năng nghị luận.
I - NHỮNG ĐIỂM CẦN CHÚ Ý
1. Nguyễn Đình Chiểu, ngôi sao sáng trong văn nghệ của dân tộc là một văn bản nghị luận. Chính vì thế, cần tiếp cận và giảng dạy tác phẩm theo đúng đặc trưng thể loại. Tức là GV phải giúp HS phát hiện và phân tích hệ thống luận điểm, luận cứ và cách luận chứng của tác giả trong bài viết. Đây cũng là điểm “tích hợp” các kiến thức văn học và làm văn mà GV nên chú ý khai thác để giúp HS nắm chắc kiến thức và nâng cao các kỹ năng nghị luận.
2. Giúp HS hiểu rõ hơn về thân thế và văn nghiệp của Nguyễn Đình Chiểu để rồi từ đó có cách tiếp cận và đánh giá đúng về một hiện tượng văn học là hết sức cần thiết nhưng cũng không vì thế mà bỏ quên tác giả của bài nghị luận. Bên cạnh tư cách của một nhà chính trị, ngoại giao xuất sắc, Phạm Văn Đồng còn là một nhà lý luận văn hóa văn nghệ có trình độ và tâm huyết. Từng dòng, từng chữ trong bài nghị luận không chỉ được ông viết ra bởi sự am hiểu sâu sắc về “nhà thơ mù xứ Đồng Nai” mà còn được “chưng cất” từ bầu nhiệt huyết của một con người gắn bó máu thịt với Tổ quốc, nhân dân. Con người ấy vừa trân trọng, cảm thông với những giá trị lớn lao của cha ông vừa sống hết mình cho thời đại hôm nay. Có thể nói, qua ngòi bút của Phạm Văn Đồng, Nguyễn Đình Chiểu đã trở thành “người xưa của ta nay” và thơ văn Đồ Chiểu là “tiếng ngày xưa và cả tiếng mai sau” (Tố Hữu). 
II - HOẠT ĐỘNG DẠY HỌC
Giới thiệu bài học, tạo tâm thế tiếp nhận
GV : Trong số những nhà lãnh đạo của Việt Nam từ sau Cách mạng tháng Tám năm 1945 đến nay, Phạm Văn Đồng được đánh giá là một trong những học trò xuất sắc nhất của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nói đến Phạm Văn Đồng, lịch sử nước ta nhắc đến người trưởng đoàn Chính phủ Việt Nam tham dự hội nghị Giơ-ne-vơ về Đông Dương sau chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954. Nhắc đến Phạm Văn Đồng, chúng ta nói đến một nhà hoạt động chính trị, ngoại giao có uy tín. Tuy nhiên, nhiều người Việt Nam, nhất là các thế hệ đi sau còn chưa biết rằng : còn có một Phạm Văn Đồng say mê thơ văn, dù không chuyên nghiên cứu phê bình văn học nhưng mỗi khi viết về văn học ông đều để lại những dấu ấn sâu sắc. Điều đó được thể hiện khá rõ qua một tiểu luận văn chương đặc sắc : Nguyễn Đình Chiểu, ngôi sao sáng trong văn nghệ của dân tộc - bài viết đã có mặt trong tuyển tập Tiểu luận – Phê bình của Văn học Việt Nam sau Cách mạng tháng Tám năm 1945. 
Tìm hiểu vài nét về tác giả, tác phẩm 
- GV tổ chức HS giới thiệu tác giả, tác phẩm : gọi 1 HS tóm lược những kiến thức cơ bản về tác giả, tác phẩm trong phần Tiểu dẫn. Gọi một số HS khác trình bày những hiểu biết về tác giả mà các em đọc được từ các nguồn tư liệu tham khảo khác (sách, báo, Internet).
- HS trình bày GV nhấn mạnh một số ý cơ bản :
+ Phạm Văn Đồng (1906 – 2000), quê ở xã Đức Tân, huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi, là một nhà cách mạng lớn của nước ta trong thế kỷ XX. Ông được đánh giá là một trong những học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, là nhà lãnh đạo có nhiều đóng góp to lớn cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước. Ông là người có cá tính chân thật, sống bình dị, tận tụy cống hiến và có tài ngoại giao.
+ Phạm Văn Đồng còn là một nhà lý luận văn nghệ lớn và một nhà giáo dục tâm huyết. Ông là tác giả của nhiều bài nói, bài viết sâu sắc, mới mẻ và đầy nhiệt huyết về các danh nhân văn hóa (Hồ Chủ tịch – hình ảnh của dân tộc ; Nguyễn Trãi – người anh hùng của dân tộc ; Nguyễn Đình Chiểu, ngôi sao sáng trong văn nghệ của dân tộc), về Tiếng Việt (Giữ gìn sự trong sáng của Tiếng Việt), về văn học nghệ thuật (Nêu cao tác dụng của văn học nghệ thuật trong sự nghiệp đấu tranh cho độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội), về người nghệ sĩ (Tổ quốc ta, nhân dân ta, sự nghiệp ta và người nghệ sĩ), về giáo dục (Giáo dục – quốc sách hàng đầu, tương lai của dân tộc), về dạy và học văn trong nhà trường (Dạy văn là quá trình rèn luyện toàn diện) 
	+ Bài Nguyễn Đình Chiểu, ngôi sao sáng trong văn nghệ của dân tộc được viết nhân kỷ niệm 75 năm ngày mất của Nguyễn Đình Chiểu (3/7/1888 – 3/7/1963), giữa lúc cuộc kháng chiến chống Mĩ cứu nước của nhân dân ta, nhất là đồng bào Nam Bộ đang diễn ra hết sức mạnh mẽ trên các chiến trường miền Nam trong đó có quê hương nhà thơ. Bài viết được in trong Tạp chí Văn học tháng 7 – 1963. 
3. Đọc và tìm hiểu hệ thống luận điểm cơ bản của bài văn
	- GV đọc diễn cảm hoặc chọn 1 HS nam có giọng đọc trầm ấm đọc tác phẩm. Cần thông qua khâu đọc để HS cảm nhận được âm hưởng, giọng điệu toát lên từ bài viết : vừa hùng hồn, dứt khoát, vừa chân thành, tha thiết. Một mặt, GV cần dặn HS đọc kỹ văn bản ở nhà nhưng mặt khác cũng không nên bỏ qua sức mạnh của khâu đọc diễn cảm trên lớp để tạo không khí học tập và hứng thú cho HS.
	- Sau hoạt động đọc, GV hướng dẫn HS phát hiện bố cục và những luận điểm chính của bài viết. GV nêu vấn đề : có ý kiến cho rằng bài nghị luận này giống như một bài làm văn tức là có phần mở đầu (đặt vấn đề), phần nội dung (giải quyết vấn đề) và phần kết luận (kết thúc vấn đề). Anh (chị) có đồng ý với ý kiến đó không ? Vì sao?
	- HS có thể trao đổi với bạn bên cạnh, đi đến thống nhất với ý kiến nêu ra và chứng minh làm rõ: 
Mở đầu, tác giả đặt vấn đề : “Trên trời có những vì sao có ánh sáng khác thường, nhưng con mắt của chúng ta phải chăm chú nhìn thì mới thấy, và càng nhìn thì càng thấy sáng. Văn thơ Nguyễn Đình Chiểu cũng vậy”. Đây là luận điểm bao trùm toàn bộ bài viết. 
Phần nội dung gồm ba phần chính, là sự triển khai, cụ thể hóa luận điểm đã được nêu ra trong mở đầu :
	~ “Ánh sáng khác thường” trong cuộc đời và quan niệm văn chương của Đồ Chiểu.
	~ “Ánh sáng khác thường” trong thơ văn yêu nước của Nguyễn Đình Chiểu.
	~ “Ánh sáng khác thường” trong truyện thơ Lục Vân Tiên.
	Khép lại bài viết, tác giả kết luận, đánh giá vị trí của Nguyễn Đình Chiểu trong nền văn học dân tộc, khẳng định những giá trị vượt thời gian của thơ văn Đồ Chiểu : “Tóm lại, Nguyễn Đình Chiểu là một chí sĩ yêu nước, một nhà thơ lớn của nước ta. Đời sống và sự nghiệp của Nguyễn Đình Chiểu là một tấm gương sáng, nêu cao địa vị và tác dụng của văn học, nghệ thuật, nêu cao sứ mạng của người chiến sĩ trên mặt trận văn hóa tư tưởng”.
	- GV : với một bố cục như thế, bước đầu ta có thể nhận xét gì về lập luận của bài viết ? Từ đó, anh (chị) thấy rõ hơn điều gì về cách viết một bài văn nói chung và bài nghị luận nói riêng ?
	- HS : bố cục rõ ràng, lập luận chặt chẽ, logic, các luận điểm triển khai đều bám sát vào vấn đề trung tâm của bài viết mà phần mở đầu đã nêu ra. Đây cũng chính là những yêu cầu đặt ra khi chúng ta viết một bài văn nói chung và bài nghị luận nói riêng.
- GV nêu vấn đề : Thế nhưng, có HS lại cho rằng cách triển khai ý của bài viết chưa hợp lý bởi luận điểm 3 đáng lẽ phải được trình bày trước luận điểm 2 và phải “kỹ” hơn luận điểm 2 nhưng ở đây Phạm Văn Đồng đã đảo ngược trật tự các luận điểm và thay vì phải tập trung viết về Lục Vân Tiên – “một tác phẩm lớn” thì ông lại viết rất kỹ về mảng thơ văn yêu nước chống ngoại xâm. Theo anh (chị), dựa vào đâu mà bạn HS đó lại có suy nghĩ như vậy và anh (chị) có tán thành với quan điểm ấy không ? Vì sao?
- HS thảo luận, tranh luận và bày tỏ quan điểm của mình. Từ các ý kiến phát biểu của HS, GV kết luận : Nếu đặt bài viết trên vào sự nghiệp thơ văn của Nguyễn Đình Chiểu thì quả thật luận điểm 3 phải được trình bày trước luận điểm 2 vì tác phẩm Lục Vân Tiên được sáng tác trước khi thực dân Pháp xâm lược nước ta (1858). Mặt khác, nếu so về tầm vóc, chất lượng tác phẩm và mức độ ảnh hưởng trong độc giả Nam Bộ thì truyện thơ Lục Vân Tiên hơn hẳn các tác phẩm thơ văn yêu nước chống giặc ngoại xâm của Nguyễn Đình Chiểu sau này. Tuy nhiên, cần phải đặt bài viết trong hoàn cảnh ra đời của nó - những năm tháng chiến đấu ác liệt chống đế quốc Mĩ của nhân dân Nam Bộ nói riêng và cả nước nói chung - để hiểu dụng ý và mục đích của Phạm Văn Đồng khi viết bài nghị luận này. Ngoài việc đánh giá thơ văn Nguyễn Đình Chiểu từ góc độ của một bạn đọc, Phạm Văn Đồng còn xuất phát từ chỗ đứng và nhãn quan của một nhà chính trị đang tham gia lãnh đạo đất nước tiến hành cuộc kháng chiến vĩ đại để khẳng định và phát huy sức mạnh của văn học nghệ thuật, của thơ văn Đồ Chiểu đối với sự nghiệp cách mạng của dân tộc trong thời đại mới. Với Phạm Văn Đồng, đây là cách huy động nội lực từ quá khứ, tiếp thêm sức mạnh từ truyền thống ông cha nhằm nhân lên sức mạnh cho toàn dân tộc trong cuộc chiến đấu hôm nay. Và đó là lý dó vì sao tác giả đã lập luận như trên.
- GV : Vậy, từ cách triển khai luận điểm của Phạm Văn Đồng, chúng ta rút ra được bài học gì cho mình khi viết văn nói chung và văn nghị luận nói riêng ? (GVcó thể gợi HS nhớ tới quan điểm sáng tác văn học nghệ thuật của Hồ Chí Minh: Viết cho ai ? Viết để làm gì ? rồi mới Viết cái gì? và Viết như thế nào ?)
- HS rút ra bài học cho việc viết văn, làm văn của mình : mục đích viết sẽ quyết định nội dung viết và cách viết cũng như mục đích nghị luận quyết định cách sắp xếp các luận điểm và mức độ nặng nhẹ của các luận điểm. 
4. Phân tích
	a) Tìm hiểu luận điểm bao trùm bài viết 
	- GV dẫn dắt và nêu vấn đề : Như đã đề cập ở phần trên, luận điểm xuất phát cũng là luận điểm bao trùm bài viết được thể hiện trong hai câu văn : “Trên trời có những vì sao có ánh sáng khác thường, nhưng con mắt của chúng ta phải chăm chú nhìn thì mới thấy, và càng nhìn thì càng thấy sáng. Văn thơ Nguyễn Đình Chiểu cũng vậy”. Anh (chị) hãy giải thích rõ luận điểm này và cho biết vì sao nhiều nhà nghiên cứu đều cho rằng đây là cách nhìn khoa học, mới mẻ và sâu sắc của Phạm Văn Đồng về thơ văn Nguyễn Đình Chiểu ? (Đối với những lớp HS trung bình, yếu, GV nên hướng dẫn HS giải thích từng cụm từ trong nhận định, cho HS biết thói quen đánh giá thơ văn (trong đó có đánh giá thơ văn Đồ Chiểu) chỉ dựa vào hình thức nghệ thuật trau chuốt, lời lẽ hoa mỹ của một số nhà phê bình, nghiên cứu văn học và lưu ý HS về hoàn cảnh, điều kiện sáng tác riêng của Nguyễn Đình Chiểu để các em có thể đối chiếu, phân tích từ đó nhận ra sự mới mẻ, sâu sắc và tính khoa học trong cách đánh giá của Phạm Văn Đồng).
	- HS giải thích : Nguyễn Đình Chiểu là ngôi sao có ánh sáng khác thường (Nguyễn Đình Chiểu là một hiện tượng văn học độc đáo, thơ văn Nguyễn Đình Chiểu có vẻ đẹp riêng không dễ nhận ra), vì vậy phải chăm chú nhìn thì mới thấy (phải cố gắng tìm hiểu và tìm hiểu kỹ, phải kiên trì nghiên cứu thì mới cảm nhận được những vẻ đẹp riêng của nó), và càng nhìn thì càng thấy sáng (càng nghiên cứu sâu, càng tìm hiểu kỹ ta sẽ càng thấy được cái hay của nó và càng khám phá được những vẻ đẹp mới). So với thói quen đánh giá thơ văn Đồ Chiểu trước đó (chỉ dựa  ...  những câu văn trực tiếp thể hiện cảm nghĩ của Phạm Văn Đồng. GV cũng có thể đọc diễn cảm hoặc gọi một HS đọc diễn cảm đoạn văn từ “Cho nên không phải ngẫu nhiên đã được hả dạ!” để HS có thể cảm nhận được tình cảm tha thiết của người viết toát lên từ các câu văn)
- HS cảm nhận : Đúng là Phạm Văn Đồng đã viết đoạn nghị luận về thơ văn yêu nước của Nguyễn Đình Chiểu bằng cả con tim và khối óc của mình. Nếu trí tuệ sáng suốt đã giúp tác giả lập luận một cách khúc triết, rõ ràng, lôgic và đầy sức thuyết phục thì tình cảm với đất nước, dân tộc, với cha ông, với nhà thơ mù yêu nước xứ Đồng Nai đã khiến ngòi bút Phạm Văn Đồng tạo ra những câu văn lay động lòng người. Hãy lắng nghe trong mạch ngầm của những câu văn này cái giọng điệu hào sảng của tác giả : “ Làm sao sưu tầm tài liệu về những trang sử oanh liệt này, về biết bao cuộc chiến đấu anh dũng ở khắp nơi, về biết bao chiến công của biết bao anh hùng liệt sĩ, để đánh giá đúng tầm rộng lớn và sức mạnh của phong trào kháng Pháp lúc bấy giờ, một phong trào bắt nguồn từ lòng căm thù vô hạn của quần chúng nhân dân đối với giặc ngoại xâm, nguyện hi sinh tất cả và chiến đấu đến cùng để cứu dân, cứu nước”. Ta có thể cảm nhận được cái đau đớn, xót xa của Phạm Văn Đồng trong câu văn : “Hồi tưởng cuộc chiến đấu vô song của dân tộc Việt Nam ở Nam Bộ lúc bấy giờ, ruột gan chúng ta đau như cắt xé”. Và chúng ta cũng có thể đọc ra từ lời bình ngắn gọn sau đây biết bao tình cảm mến yêu, trân trọng và cảm thông của một người đang sống hết mình trong cuộc chiến đấu hào hùng, tất thắng hôm nay với những con người cũng đã sống hết mình nhưng chiến bại trong cuộc chiến đấu chống thực dân buổi đầu : “Có lẽ dưới suối vàng, linh hồn của Nguyễn Đình Chiểu và những nghĩa quân lúc bấy giờ, lúc này phần nào đã được hả dạ !” 
b3- “Ánh sáng khác thường” trong truyện thơ Lục Vân Tiên
	- GV dẫn dắt và nêu câu hỏi : Khi “nói về Lục Vân Tiên”, Phạm Văn Đồng nêu quan điểm : “cần phải hiểu đúng Lục Vân Tiên thì mới thấy hết giá trị của bản trường ca này”. Theo anh (chị), vì sao tác giả lại cho rằng cần phải “hiểu đúng” tác phẩm này ? (Phải chăng, đã có những cách hiểu nào chưa đúng, chưa thỏa đáng về Lục Vân Tiên ? Hãy thử tìm điều đó trong đoạn văn nghị luận về Lục Vân Tiên của Phạm Văn Đồng)
	- HS tìm tòi, phát hiện : Theo Phạm Văn Đồng, có những đánh giá chưa thỏa đáng về giá trị tư tưởng và nghệ thuật của truyện thơ Lục Vân Tiên : 
+ Về tư tưởng : những giá trị luân lý mà Nguyễn Đình Chiểu ca ngợi (chính nghĩa, đạo đức đáng quý trọng ở đời, những người trung nghĩa) đã “lỗi thời” “ở thời đại chúng ta”.
+ Về nghệ thuật : lời văn “nôm na”, “không hay lắm”. 
- GV tiếp tục dẫn dắt : Phạm Văn Đồng đã bàn luận về những ý kiến này thế nào ? Từ đó, tác giả đã giúp chúng ta nhận ra những “ánh sáng khác thường” nào của truyện thơ Lục Vân Tiên ? 
- HS phân tích lập luận của Phạm Văn Đồng : 
+ Thứ nhất, Phạm Văn Đồng không phủ nhận một sự thực là “những giá trị luân lý mà Nguyễn Đình Chiểu ca ngợi, ở thời đại chúng ta, theo quan điểm của chúng ta thì có phần đã lỗi thời”. Song, với quan điểm “phải chăm chú nhìn thì mới thấy”, tác giả đã chỉ cho chúng ta thấy rằng : không phải mọi “giá trị luân lý” mà Nguyễn Đình Chiểu đã từng ngợi ca đều trở nên “lỗi thời”. Có những “điều giáo huấn đáng quý trọng” vẫn còn có giá trị trong ngày hôm nay. Nguyên do là Nguyễn Đình Chiểu “suốt đời sống trong lòng quần chúng nhân dân”, không “tự trói mình trong khuôn khổ của đạo lý cổ truyền” nên những tư tưởng đạo đức của ông, những nhân vật do ông sáng tạo nên trong Lục Vân Tiên đều gần gũi với nhân dân, đều mang quan niệm đạo đức của nhân dân ta “từ xưa đến nay”. Vì thế mà những quan niệm đạo đức ấy, những nhân vật ấy vẫn được chúng ta ngày nay “cảm xúc và thích thú”. 
+ Thứ hai, Phạm Văn Đồng cũng thừa nhận lối văn có phần “nôm na” của truyện thơ Lục Vân Tiên. Nhưng, tác giả đã đặt lối văn ấy vào mục đích sáng tác và hoàn cảnh sáng tác cụ thể của Nguyễn Đình Chiểu để xem xét và đánh giá - điều mà một số nhà nghiên cứu trước đó đã bỏ qua. Về mục đích, do muốn viết một tác phẩm “dễ hiểu, dễ nhớ, có thể truyền bá rộng rãi trong dân gian” nên Nguyễn Đình Chiểu đã “cố ý viết một lối văn “nôm na”. Về hoàn cảnh, vì mù lòa nên nhà thơ “chỉ có thể đọc cho người khác viết” và như vậy thì “thật khó sửa chữa và duyệt lại nguyên bản”. Vả lại, cho đến nay, không ai biết bản gốc của Lục Vân Tiên là bản nào. Tóm lại, theo Phạm Văn Đồng, những “chỗ sơ sót” đó là không đáng kể, không hề che lấp cái hay của rất nhiều câu thơ [] và không làm giảm đi giá trị của “bản trường ca” này. 
Như vậy, nhờ “chăm chú nhìn” và có một quan điểm tiếp cận khoa học, Phạm Văn Đồng đã phát hiện những giá trị bền vững, vượt thời gian của Lục Vân Tiên. Nhìn chung, cả trên bình diện tư tưởng và nghệ thuật, Lục Vân Tiên đều gắn liền với nhân dân, được nhân dân chấp nhận và yêu mến. Đó chính là cơ sở để đánh giá tác phẩm này và là lý do giải thích vì sao Lục Vân Tiên lại là “một tác phẩm lớn nhất của Nguyễn Đình Chiểu, rất phổ biến trong dân gian, nhất là ở miền Nam”. 
- GV gợi mở : từ nội dung và cách nghị luận của Phạm Văn Đồng vừa rồi, anh (chị) rút ra được những bài học gì cho bản thân về quan điểm đánh giá tác phẩm văn học và cách lập luận sao cho hiệu quả, thuyết phục ?
- HS có thể thảo luận với bạn bên cạnh : 
+ Đánh giá một tác phẩm, cần phải có một cái nhìn đồng bộ, từ nhiều góc độ khác nhau, cả trong và ngoài tác phẩm. Phải xem xét tác phẩm trong những hoàn cảnh sáng tác và tiếp nhận cụ thể. Sự thừa nhận, yêu mến của công chúng đặc biệt là đông đảo quần chúng nhân dân chính là một thước đo quan trọng để đánh giá giá trị của tác phẩm.
+ Phạm Văn Đồng đã lập luận theo hình thức “đòn bẩy” tức là bắt đầu bằng sự hạ xuống (thừa nhận những hạn chế của Lục Vân Tiên) nhưng hạ xuống để nâng lên, để khẳng định rõ hơn, nổi bật hơn giá trị của tác phẩm. 
	c) Tìm hiểu luận điểm kết thúc
	- GV : Kết thúc bài viết, Phạm Văn Đồng đã có những đánh giá khái quát như thế nào về cuộc đời và thơ văn Nguyễn Đình Chiểu ? 
	- HS tái hiện : 
+ Phạm Văn Đồng khẳng định vẻ đẹp nhân cách và vị trí của Nguyễn Đình Chiểu trong nền văn học dân tộc : “Nguyễn Đình Chiểu là một chí sĩ yêu nước, một nhà thơ lớn của nước ta”
+ Phạm Văn Đồng nhấn mạnh ý nghĩa và giá trị to lớn của cuộc đời và văn nghiệp của Nguyễn Đình Chiểu đối với hôm qua và hôm nay. Đó là bài học cho mỗi người, cho mỗi nhà văn : “Đời sống và sự nghiệp của Nguyễn Đình Chiểu là một tấm gương sáng, nêu cao địa vị và tác dụng của văn học, nghệ thuật, nêu cao sứ mạng của người chiến sĩ trên mặt trận văn hóa tư tưởng”.
5. Tổng kết
	- GV : Tóm lại, qua bài nghị luận này Phạm Văn Đồng muốn chúng ta hiểu thật đúng và hiểu thật sâu sắc những gì về cuộc đời và sự nghiệp văn chương của nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu ? 
	- HS : Cuộc đời của Nguyễn Đình Chiểu là cuộc đời của một người chiến sĩ đã phấn đấu hết mình cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc. Sự nghiệp thơ văn của Nguyễn Đình Chiểu là một minh chứng hùng hồn cho địa vị và tác dụng to lớn của văn học nghệ thuật cũng như trách nhiệm của người cầm bút trước cuộc đời. Cuộc đời và văn nghiệp của Nguyễn Đình Chiểu không chỉ là bài học cho hôm qua mà cho cả hôm nay.
	- GV : Vì sao có thể cho rằng Nguyễn Đình Chiểu - ngôi sao áng trong văn nghệ dân tộc còn có ý nghĩa phương pháp luận, định hướng cho việc nghiên cứu và tiếp cận một hiện tượng văn học ?
	- HS : Vì bài viết đã cho thấy quan điểm tiếp cận và đánh giá đúng đắn, khoa học về một hiện tượng văn học nhất là những trường hợp đặc biệt như thơ văn Đồ Chiểu. Cụ thể là :
+ Đứng trước các hiện tượng văn học, nhất là các hiện tượng đặc biệt, cần dày công tìm hiểu và kiên trì nghiên cứu thì mới khám phá được cái hay, cái đẹp của thơ văn.
+ Trong đánh giá, cần nhìn nhận các hiện tượng văn học trong những điều kiện và hoàn cảnh lịch sử cụ thể của thời đại và bản thân tác giả. Đồng thời cũng cần đặt các tác giả, tác phẩm trong thời đại mới để phát hiện các giá trị tích cực, hiện đại của nó. 
- GV : Đánh giá về Nguyễn Đình Chiểu - ngôi sao sáng trong văn nghệ dân tộc, có ý kiến cho rằng bài văn nghị luận này có cách lập luận thuyết phục nhưng hơi khô khan, nghiêng nhiều về trí tuệ nên ít có sức hấp dẫn, lôi cuốn. Anh (chị) có tán thành với các ý kiến đó không ? Vì sao ?
- HS : Vế sau của ý kiến trên là không thỏa đáng. Dựa vào những gì đã phân tích, tìm hiểu ở trên, có thể khẳng định : bài nghị luận này không hề khô khan mà trái lại đầy chất trữ tình. Lời văn vừa có tính khoa học vừa có màu sắc văn chương, vừa khách quan, công tâm trong nhìn nhận, đánh giá vừa cho thấy những cảm xúc chủ quan rõ nét của người viết. Ngôn ngữ giàu hình ảnh. Giọng điệu lúc hào sảng, lúc xót xa. 
6. Ghi nhớ
	- GV gọi HS đọc phần Ghi nhớ trong SGK, xác định và học thuộc lòng ngay tại lớp những nội dung kiến thức cơ bản nhất.
	- HS đọc và ghi nhớ.
7. Luyện tập, củng cố
	a) Trắc nghiệm 
	• Vì sao ngôi sao Nguyễn Đình Chiểu “đáng lẽ phải sáng tỏ hơn nữa trong bầu trời văn nghệ dân tộc, nhất là lúc này” ?
Vì thơ văn Nguyễn Đình Chiểu đã ghi lại một thời khổ nhục nhưng vĩ đại của dân tộc ta nói chung và nhân dân Nam Bộ nói riêng trong khoảng hai mươi năm tính từ thời điểm 1860 trở về sau.
Vì đời sống và sự nghiệp của Nguyễn Đình Chiểu là một tấm gương sáng, nêu cao địa vị và tác dụng của văn học, nghệ thuật, nêu cao sứ mạng của người chiến sĩ trên mặt trận văn hóa tư tưởng.
Vì Nguyễn Đình Chiểu đã ca ngợi chính nghĩa, những đạo đức đáng quý trọng ở đời, ca ngợi những người trung nghĩa.
Vì trước Phạm Văn Đồng, cuộc đời và sự nghiệp văn chương của Nguyễn Đình Chiểu chưa được nhiều nhà nghiên cứu quan tâm và làm sáng tỏ. 	
Đáp án : B
• Trong văn nghị luận, điều gì quyết định cách sắp xếp các luận điểm và mức độ nặng nhẹ của các luận điểm :
Đối tượng nghị luận
Nội dung nghị luận
Cách thức nghị luận
Mục đích nghị luận
Đáp án : D
b) Tự luận (về nhà)
	Trước đề văn “Hãy giới thiệu vẻ đẹp của tác phẩm Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc”, một học sinh Hà Nội đã viết trong bài làm của mình : “Em không thích tác phẩm này vì nó quá cứng nhắc, khó hiểu” (N.P.T). 
	Anh (chị) hãy viết một bài nghị luận thuyết phục bạn học sinh đó thay đổi suy nghĩ ấy. 
IV- TÀI LIỆU THAM KHẢO 
	Thơ văn Nguyễn Đình Chiểu, mới thoáng đọc qua, tưởng như nghệ thuật không cao. Nhưng thực ra nó là một loại “vì sao có ánh sáng khác thường con mắt chúng ta phải chăm chú nhìn thì thì mới thấy và càng nhìn càng thấy sáng”. Văn chương Đồ Chiểu không óng mượt, nõn nà mà chân chất, phác thực, có chỗ tưởng như thô kệch. Nó không phải là vẻ đẹp của những cây lúa xanh uốn mình trong gió nhẹ. Nó đẹp vẻ đẹp của đống thóc mẩy vàng. Nó không phải là quả vải thiều ở Hải Dương ai ăn cũng thấy ngon miệng. Nó là trái sầu riêng của Nam Bộ, với một số người không dễ gì quen, nhưng chính là “bậc vương giả” trong thế giới trái cây ở đây
	Ngày nay, đọc thơ văn Đồ Chiểu, không chỉ thấy tâm huyết và tài nghệ của nhà thơ mà còn thấy lại cả một thời đại lịch sử, thấy lại cả dân tộc ta trong một thời kỳ đau thương nhưng vĩ đại. Thơ văn Đồ Chiểu mãi mãi vẫn là món ăn tinh thần quý báu của người Việt Nam.”
(Nguyễn Đình Chú, SGK Văn học 11, NXB Giáo dục, H., 2000, tr.27)

Tài liệu đính kèm:

  • docNguyen Dinh Chieu - ngoi sao sang trong van nghe dan toc.doc