Phân tích: Ai đã đặt tên cho dòng sông ? (2)

Phân tích: Ai đã đặt tên cho dòng sông ? (2)

Kết quả cần đạt

- Cảm nhận được vẻ đẹp độc đáo, đa dạng của sông Hương qua ngòi bút tài hoa của Hoàng Phủ Ngọc Tường và tình yêu, niềm tự hào của tác giả đối với dòng sông quê hương, với xứ Huế thân thương và trên hết là với đất nước.

- Củng cố, nâng cao hiểu biết và kỹ năng tiếp cận thể kí văn học, thấy được những đặc sắc nghệ thuật của bút kí Hoàng Phủ Ngọc Tường.

 

doc 19 trang Người đăng kidphuong Lượt xem 5157Lượt tải 1 Download
Bạn đang xem tài liệu "Phân tích: Ai đã đặt tên cho dòng sông ? (2)", để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Ai đã đặt tên cho dòng sông ?
Kết quả cần đạt 
- Cảm nhận được vẻ đẹp độc đáo, đa dạng của sông Hương qua ngòi bút tài hoa của Hoàng Phủ Ngọc Tường và tình yêu, niềm tự hào của tác giả đối với dòng sông quê hương, với xứ Huế thân thương và trên hết là với đất nước. 
- Củng cố, nâng cao hiểu biết và kỹ năng tiếp cận thể kí văn học, thấy được những đặc sắc nghệ thuật của bút kí Hoàng Phủ Ngọc Tường. 
I - NHỮNG ĐIỂM CẦN CHÚ Ý
1. Trước hết, cần chú ý đặc điểm thể loại khi tiếp cận và tìm hiểu Ai đã đặt tên cho dòng sông ? của Hoàng Phủ Ngọc Tường. Bài văn thuộc thể loại bút kí, cụ thể là một tác phẩm kí văn học. Giống như kí báo chí, kí văn học tôn trọng tính xác thực và khách quan của hiện thực được phản ánh. Tuy nhiên, trong khi ở kí báo chí, tính xác thực phải đảm bảo ở mức tuyệt đối, tính thời sự phải mang tính cấp bách thì “kí văn học không đòi hỏi như vậy”, trái lại nó “đề ra yêu cầu cao hơn về chất suy nghĩ và tình cảm của chủ thể” Trần Đình Sử, Phương Lựu, Nguyễn Xuân Nam, Lý luận văn học, tập 2, NXB Giáo dục, 1987, tr.274. 
. Như vậy, trọng tâm của bài học tập trung vào cảm nghĩ của người viết về đối tượng phản ánh. 
2. Trong hai phần của đoạn trích thì phần đầu (từ đầu đến “quê hương xứ sở”) là phần đặc sắc hơn, nên được đi sâu khai thác.
	3. So sánh với tác phẩm kí của Nguyễn Tuân để hiểu và nắm chắc hơn về một trong những loại thể cơ bản trong kho tàng văn học dân tộc (loại tác phẩm kí) đồng thời thấy được những đặc sắc riêng trong phong cách nghệ thuật của mỗi nhà văn.
II - HOẠT ĐỘNG DẠY HỌC
Giới thiệu bài học, tạo hứng thú tiếp nhận cho HS
GV giới thiệu với HS một số hình ảnh (hoặc thước phim tư liệu) về xứ Huế và sông Hương rồi dẫn dắt HS vào bài học : Từ lâu, xứ Huế nói chung và dòng sông Hương nói riêng đã trở thành nguồn cảm hứng bất tận của các nghệ sĩ. Huế không chỉ là một vùng văn hoá đặc sắc mà còn là xứ sở của thơ ca, nhạc, hoạ. Đến Huế, ta vừa được chiêm ngưỡng vẻ đẹp của một vùng thiên nhiên tuyệt mỹ mà tạo hoá đã dày công tạo dựng, vừa được đắm mình trong không khí trầm mặc của những lăng tẩm, đền đài. Cũng giống như biết bao tâm hồn nghệ sĩ khác, Hoàng Phủ Ngọc Tường bị mê hoặc bởi sức hấp dẫn lạ kì của Huế, đặc biệt là Hương Giang. Chính tình yêu và sự hiểu biết sâu sắc về văn hoá, địa lí, lịch sử của con sông thơ mộng này đã giúp nhà văn sáng tạo thành công một hình tượng đẹp, một bức điêu khắc, một cuốn phim quay chậm bằng ngôn từ có tên : sông Hương. Tuy tác giả chọn thể loại bút kí để viết về dòng sông này nhưng không vì thế mà vẻ đẹp đầy chất thơ của nó bị mất đi, trái lại, con sông càng hiện lên đẹp hơn, lung linh và thơ mộng hơn dưới ngòi bút tài hoa của nhà văn. Tác phẩm hấp dẫn người đọc ngay từ tên gọi đầu tiên : Ai đã đặt tên cho dòng sông ?
Tìm hiểu vài nét về tác giả, tác phẩm
- GV gọi một HS đọc lại phần Tiểu dẫn và trình bày những nét chính về tác giả, tác phẩm Ai đã đặt tên cho dòng sông ? và vị trí đoạn trích. GV cũng nên khuyến khích HS trình bày những kiến thức về tác giả, tác phẩm mà các em đọc được ngoài SGK.
- HS đọc và trình bày 
- GV chốt lại một số ý cơ bản :
+ Cuộc đời của Hoàng Phủ Ngọc Tường gắn bó chặt chẽ với xứ Huế (sinh ra tại thành phố Huế, học Đại học Huế, dạy học tại trường Quốc học Huế, tham gia phong trào cách mạng tại Huế và trở thành một trí thức yêu nước, một chiến sĩ trong phong trào đấu tranh chống Mĩ - Ngụy ở Thừa Thiên- Huế).
+ Hoàng Phủ Ngọc Tường là người có vốn hiểu biết sâu rộng trên nhiều lĩnh vực nhất là lịch sử, địa lý, văn hóa Huế.
+ Hoàng Phủ Ngọc Tường là nhà văn chuyên về thể loại bút kí. Ông từng được nhà văn Nguyên Ngọc đánh giá là “một trong mấy nhà văn viết kí hay nhất của văn học ta hiện nay”. Các tác phẩm kí tiêu biểu : Ngôi sao trên đỉnh Phu Văn Lâu (1971), Rất nhiều ánh lửa (1979), Ai đã đặt tên cho dòng sông? (1987), Hoa trái quanh tôi (1995), Ngọn núi ảo ảnh (1999) 
+ Nét đặc sắc trong phong cách nghệ thuật của Hoàng Phủ Ngọc Tường là sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa chất trí tuệ và trữ tình, với những liên tưởng mạnh mẽ và một lối hành văn mê đắm, tài hoa. 
+ Ai đã đặt tên cho dòng sông? là bài kí xuất sắc được viết tại Huế ngày 4-1- 1981 và sau đó được in trong tập sách cùng tên. Bài bút kí có 3 phần, đoạn trích học là phần thứ nhất.
3. Đọc và tìm hiểu bố cục của đoạn trích
- Trước khi học bài này, GV cần yêu cầu HS đọc kỹ văn bản đoạn trích học trong SGK (khuyến khích HS tìm đọc toàn văn bài kí) và lập dàn ý cho bài viết của Hoàng Phủ Ngọc Tường. 
- Trên lớp, GV kiểm tra việc đọc tác phẩm ở nhà của HS. Có thể tiến hành bằng cách yêu cầu HS cho biết bố cục đoạn trích, xác định thủy trình của dòng sông qua sự miêu tả của nhà văn và nêu cảm nhận của bản thân về đoạn văn mà anh (chị) thích nhất.
- Sau khi gọi một số HS trình bày, GV chốt lại bố cục đoạn trích và các ý chính. Dựa vào hình thức văn bản, có thể chia đoạn trích làm hai phần :
+ Phần đầu (từ đầu đến “quê hương xứ sở”) : Thủy trình của Hương giang 
~ Sông Hương ở thượng lưu (“Trong những dòng sông đẹp chân núi Kim Phụng”)
~ Sông Hương ở ngoại vi thành phố Huế (“Phải nhiều thế kỉ qua bát ngát tiếng gà”)
~ Sông Hương giữa lòng thành phố (“Từ đấy quê hương xứ sở”)
+ Phần cuối (đoạn còn lại) : Sông Hương - dòng sông của lịch sử và thi ca
~ Sông Hương với lịch sử dân tộc (“Hiển nhiên một lời thề”)
~ Sông Hương với cuộc đời và thi ca (“Sông Hương là vậy” đến hết). 
- Khi đã thống nhất các luận điểm chính của văn bản, GV gọi HS đọc diễn cảm một số đoạn mà các em thích thú. Ở mỗi phần của bài kí, GV cũng nên chọn đọc diễn cảm một, hai đoạn tiêu biểu để giúp các em cảm nhận được giọng văn của bài kí đồng thời tạo hứng thú học tập cho HS. Chẳng hạn : ở phần đầu, có thể đọc đoạn miêu tả Sông Hương ở ngoại vi thành phố Huế (“Phải nhiều thế kỉ qua bát ngát tiếng gà”); ở phần cuối, đọc đoạn nói về Sông Hương với cuộc đời và thi ca (“Sông Hương là vậy Ai đã đặt tên cho dòng sông ?”). 
4. Phân tích
a) Thủy trình của Hương giang 
a1- Sông Hương ở thượng lưu 
- GV yêu cầu HS đọc nhanh lại một lần nữa đoạn văn đầu tiên rồi tìm hiểu xem nhà văn đã miêu tả sông Hương ở thượng nguồn như thế nào ? (đã gọi sông Hương bằng tên gọi nào, đã ví nó với ai, đã sử dụng những thủ pháp nghệ thuật nào để làm nổi bật vẻ đẹp và đặc tính của con sông) 
- HS đọc, phát hiện và lý giải : 
+ Sông Hương - “bản trường ca của rừng già”. Chẳng phải ngẫu nhiên nhà văn lại dành cho sông Hương một tên gọi như vậy. Thì ra, ở nơi khởi nguồn của dòng chảy, gắn liền với đại ngàn Trường Sơn hùng vĩ, con sông toát lên vẻ đẹp của một sức sống mãnh liệt, vừa hùng tráng vừa trữ tình, như bản “trường ca” bất tận của thiên nhiên : “ rầm rộ giữa những bóng cây đại ngàn, mãnh liệt qua những ghềnh thác, cuộn xoáy như những cơn lốc vào những đáy vực bí ẩn, và cũng có lúc nó trở nên dịu dàng và say đắm giữa những dặm dài chói lọi màu đỏ của hoa đỗ quyên rừng”. Câu văn dài được chia làm nhiều vế liên tục như gợi dậy cái dư vang của trường ca. Thủ pháp điệp cấu trúc, với những động từ mạnh tự nó đã tạo nên âm hưởng hùng tráng, mạnh mẽ của con sông giữa rừng già.
 + Sông Hương - "cô gái Di-gan phóng khoáng và man dại". Đây là một liên tưởng thú vị và độc đáo. Những cô gái Bô-hê-miêng thích sống lang thang, tự do và yêu ca hát, nhảy múa có vẻ đẹp man dại đầy quyến rũ. Ví sông Hương với những cô gái Di-gan, Hoàng Phủ Ngọc Tường đã khắc vào tâm trí người đọc một ấn tượng mạnh về vẻ đẹp hoang dại nhưng cũng rất tình tứ của con sông. Chưa hết, nhà văn còn nhân hóa sông Hương, khiến nó hiện lên như một con người có cá tính, tâm hồn : "Rừng già đã hun đúc cho nó một bản lĩnh gan dạ, một tâm hồn tự do và trong sáng”. 
+ Sông Hương – “người mẹ phù sa của một vùng văn hóa xứ sở”. Không chỉ giúp cho bạn đọc có thêm một góc nhìn, một sự hiểu biết về vẻ đẹp hùng vĩ, man dại đầy chất thơ của sông Hương, Hoàng Phủ Ngọc Tường còn muốn đem đến một cái nhìn sâu sắc hơn, muốn "ghi công" sông Hương như một "đấng sáng tạo" đã góp phần tạo nên, gìn giữ và bảo tồn văn hóa của một vùng thiên nhiên xứ sở. Lâu nay, ta mới chỉ nhìn sông Hương ở vẻ đẹp của nó mà không biết rằng sông Hương chính là một khởi nguồn, một sự bắt đầu của một không gian văn hóa - văn hóa Huế. Sẽ không quá nếu cho rằng : không có sông Hương thì khó có thể có văn hóa Huế ngày nay. Chính vì vậy, từng ngày từng giờ sông Hương vươn mình chảy ra của Thuận thì cũng là từng ngày từng giờ Sông Hương duy trì và bồi đắp “phù sa” cho cả một vùng văn hóa thẩm mỹ đã được hình thành ở trên và hai bên sông. Ấy thế nhưng “dòng sông hình như không muốn bộc lộ” cái công lao to lớn ấy. Nó âm thầm chảy và lặng lẽ cống hiến nhiều thế kỉ qua. Và đây chính là chiều sâu vẻ đẹp và “nhân cách” của dòng sông, là nét “tính cách” đáng trân trọng của Hương giang mà Hoàng Phủ Ngọc Tường muốn khắc họa. 
a2- Sông Hương ở ngoại vi thành phố Huế
- GV dẫn dắt và nêu câu hỏi : Nhà văn đã hình dung về sông Hương như thế nào khi nó còn ở “giữa cánh đồng Châu Hóa đầy hoa dại” ? Từ đó, hãy phát hiện điều thú vị trong cách cảm nhận của Hoàng Phủ Ngọc Tường về thủy trình của con sông khi nó bắt đầu về xuôi ?
- HS phát hiện : Trong cảm nghĩ của nhà văn, sông Hương giống như “người gái đẹp nằm ngủ mơ màng” giữa cánh đồng Châu Hóa đầy hoa dại được người tình mong đợi đến đánh thức. Từ đây, thủy trình của sông Hương khi nó bắt đầu về xuôi tựa “một cuộc tìm kiếm có ý thức” người tình nhân đích thực của một người con gái đẹp trong câu chuyện tình yêu lãng mạn nhuốm màu cổ tích.
- GV gợi mở : Và vẻ đẹp cũng như hành trình đến với người tình đích thực của “người gái đẹp” sông Hương đã được khắc họa như thế nào dưới ngòi bút tài hoa của Hoàng Phủ Ngọc Tường ? (GV lưu ý HS phân tích những đặc sắc trong cách miêu tả của nhà văn qua nghệ thuật sử dụng từ ngữ, cách hành văn và các biện pháp nghệ thuật khác)
- HS tái hiện, phân tích : Dưới ngòi bút tài hoa của Hoàng Phủ Ngọc Tường, sông Hương như người gái đẹp bừng tỉnh sau một giấc ngủ dài. Nó thể hiện một vóc dáng mới, sức sống mới, đầy khao khát và lãng mạn : “sông Hương chuyển dòng liên tục, vòng giữa khúc quanh đột ngột, uốn mình theo những đường cong thật mềm”. Hành trình đến với “người tình mong đợi” của “người gái đẹp” khá gian truân và nhiều thử thách khi nó phải vượt qua một loạt các “chướng ngại vật” (Hòn Chén, Ngọc Trản, Nguyệt Biều, Lương Quán), nhưng chính trong quá trình ấy sông Hương lại như có cơ hội phô khoe tất cả vẻ đẹp của mình - vẻ đẹp gợi cảm với những đường cong tuyệt mĩ của người gái đẹp ra đi từ “cánh đồng Châu Hóa đầy hoa dại” : “qua điện Hòn Chén, vấp Ngọc Trản, nó chuyển hướng sang tây bắc, vòng qua thềm đất bãi Nguyệt Biều, Lương Quán rồi đột ngột vẽ một hình cung thật tròn về phía đông bắc, ôm lấy chân đồi Thiên Mụ xuôi đần về Huế. Từ Tuần về đây, sông Hương vẫn đi trong dư vang của Trường Sơn, vượt qua một lòng vực sâu dưới chân núi Ngọc Trản để sắc nước trở nên xanh thẳm, và từ đó nó trôi đi giữa hai dãy đồi sừng sững như thành quách”. Có thể thấy, bằng một lối hành văn uyển chuyển, ngôn ngữ đa dạng và giàu hình ảnh, Hoàng Phủ Ngọc Tường đã diễn tả một cách sinh động và hấp dẫn từng bước đi của sông Hương. Mỗi đường đi nước bước của con sông gắn liền với những địa danh khác nhau của xứ Huế đ ... đời thường - giản dị, sông Hương đã tự biết thích ứng với từng hoàn cảnh, không gian và thời gian khác nhau. Điều đó không chỉ khiến cho dòng sông luôn trở nên mới mẻ trong cảm nhận của con người mà còn có thêm những vẻ đẹp mới.
- GV nêu vấn đề : Vì sao sông Hương lại có thể trở thành dòng sông thi ca, là nguồn cảm hứng bất tận cho người nghệ sĩ ?
- HS thảo luận, lý giải : Vì vẻ đẹp độc đáo và đa dạng của sông Hương, vì con sông không bao giờ tự lặp lại mình nên nó luôn có những vẻ đẹp mới, có khả năng khơi những nguồn cảm hứng mới cho các văn nghệ sĩ đặc biệt là các nhà thơ. Chẳng phải ngẫu nhiên, sông Hương đã hiện lên với nhiều sắc màu và xúc cảm khác nhau trong thơ Tản Đà, Cao Bá Quát, Bà Huyện Thanh Quan và Tố Hữu
- GV cho HS biết thêm : Bài kí mở đầu bằng một câu hỏi đầy trăn trở : “Ai đã đặt tên cho dòng sông?” nhưng phải đến những dòng cuối cùng của bài bút kí nhà văn mới mới đưa ra câu trả lời cho câu hỏi đó. Và nhà văn đã chọn một “đáp án” thật ấn tượng, đậm chất trữ tình : "Tôi thích nhất một huyên thoại kể rằng vì yêu quý con sông xinh đẹp của quê hương, con người ở hai bờ đã nấu nước cửa trăm loại hoa đổ xuống dòng sông để làn nước thơm tho mãi mãi". Mượn huyền thoại này để giải thích cho câu hỏi "Ai đã đặt tên cho dòng sông ?", phải chăng nhà văn muốn khẳng định hai phẩm chất cao quý của sông Hương, cũng là hai vẻ đẹp còn mãi với thời gian của con sông này: cái đẹp vĩnh hằng và danh thơm muôn thuở.
5. Tổng kết
	- GV : Tóm lại, một bài kí đặc sắc như vậy chỉ có thể là kết quả, là tổng hòa của những tình cảm và phẩm chất nào ở Hoàng Phủ Ngọc Tường ?
	- HS : Bài kí nói chung và đoạn văn nói riêng là kết tinh và tổng hòa đẹp đẽ của một tình yêu say đắm đối với dòng sông, với quê hương xứ sở và tài năng của một cây bút giàu trí tuệ, am hiểu sâu rộng về văn hóa, lịch sử, địa lí và văn chương cùng một sức liên tưởng, tưởng tượng phong phú, độc đáo.
	- GV : Về phương diện nghệ thuật, những yếu tố nào đã làm nên vẻ đẹp và sự hấp dẫn của bài bút kí đặc sắc này ? 
- HS : Về nghệ thuật, sức hấp dẫn của bài kí Ai đã đặt tên cho dòng sông ? trước hết đến từ ngòi bút tài hoa của Hoàng Phủ Ngọc Tường. Nhà văn đã sáng tạo được những trang văn đẹp - được dệt nên bởi một kho từ vựng phong phú, uyển chuyển và rất giàu hình ảnh. Các biện pháp nghệ thuật : ẩn dụ, nhân hóa, so sánh gắn liền với những liên tưởng bất ngờ, thú vị cũng đã tạo nên những góc nhìn đa sắc về sông Hương, đưa người đọc đi từ thích thú này đến thích thú khác 
- GV : Qua bài học, anh (chị) đã hiểu rõ hơn điều gì về tác phẩm kí văn học và cách tiếp cận, đọc hiểu một bài bút kí đậm màu sắc văn chương ?
	- HS : 
+ Cũng dựa trên nền hiện thực khách quan với một thái độ tôn trọng sự thật nhưng các tác phẩm kí văn học lại thể hiện nhiều hơn cảm nghĩ chủ quan của người viết về đối tượng được phản ánh. Tiêu chí quan trọng nhất của một bút kí văn chương chưa nằm ở tính thời sự của hiện thực được tái hiện mà ở cách nhìn, cách thể hiện, cách cảm nhận về đối tượng và khuynh hướng cảm nghĩ của tác giả. 
+ Tiếp cận và đọc hiểu một bài bút kí văn chương, cần chú ý :
~ Xác định đối tượng được phản ánh. 
~ Phân tích những cảm nhận phong phú, sinh động, độc đáo của tác giả về đối tượng đồng thời khám phá giọng điệu trữ tình và sự tài hoa của người viết.
6. Ghi nhớ
	- GV gọi một, hai HS đọc Ghi nhớ trong SGK và học thuộc lòng ngay tại lớp. 
	- HS đọc và nắm vững những kiến thức cơ bản, khái quát nhất của bài học.
7. Luyện tập, củng cố
	a) Trắc nghiệm (tại lớp)
	Xét đến cùng, điều cốt lõi nào đã làm nên sức hấp dẫn của đoạn trích tác phẩm Ai đã đặt tên cho dòng sông ? của nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường ?
Vì tình yêu, sự gắn bó thiết tha và thái độ trân trọng của nhà văn đối với sông Hương, với nền văn hóa Huế. 
Vì đặc điểm hết sức tự do, phóng khoáng và đậm màu sắc trữ tình của một bài bút kí văn học.
Vì cái tôi tài hoa, uyên bác, giàu tình cảm và trí tưởng tượng phong phú, độc đáo, lãng mạn của tác giả.
Vì sự hiểu biết tường tận, sâu rộng của nhà văn về sông Hương và cảnh sắc thiên nhiên cũng như con người xứ Huế.
Đáp án : C
b) Tự luận (Về nhà)
Tìm điểm giống và khác nhau về phong cách nghệ thuật giữa Nguyễn Tuân và Hoàng Phủ Ngọc Tường qua hai tác phẩm Người lái đò sông Đà và Ai đã đặt tên cho dòng sông ? 
III- TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Kí là tên gọi cho một nhóm thể tài nằm ở phần giao nhau giữa văn học và cận văn học (báo chí, chính luận, ghi chép tư liệu các loại), chủ yếu là văn xuôi tự sự. Do hướng đến những phạm vi thông tin và nhận thức đa dạng, kí cũng rất phong phú, bao gồm các thể tài: 
- Phóng sự: nổi bật bằng những sự thật xác thực, dồi dào và nóng hổi. Nội dung chủ yếu của phóng sự lại thiên về vấn đề mà người viết muốn đề xuất và giải quyết. Do đó, phóng sự, mặc dù có chất liệu chủ yếu là người thật việc thật, nhưng có màu sắc chính luận.
- Bút kí: tái hiện con người và sự việc một cách phong phú, sinh động, nhưng qua đó biểu hiện khá trực tiếp khuynh hướng cảm nghĩ của tác giả, có màu sắc trữ tình. 
- Hồi kí: những ghi chép có tính chất suy tưởng của cá nhân về quá khứ. 
- Kí sự: có cốt truyện hoàn chỉnh hoặc tương đối hoàn chỉnh, cũng là loại thể có yếu tố trữ tình và chính luận, nhưng khuynh hướng của tác giả được toát ra từ tình thế và hành động. Yếu tố phi cốt truyện của những loại kí này không nhiều.
- Truyện kí: ngược lại với kí sự, thường tập trung cốt truyện vào việc trần thuật một nhân vật: những danh nhân về khoa học và nghệ thuật, những anh hùng trêm mặt trận chiến đấu và sản xuất, chính khách, nhà hoạt động cách mạng. 
- Du kí: loại kí có cốt truyện, miêu tả một hành trình, là một dạng Nhật kí hành trình nhưng đậm chất văn học hơn.
- Nhật kí hành trình: ghi chép hiện thực thực diễn ra trong một hành trình của cá nhân, tập thể. 
- Kí hành: một dạng thức của nhật kí hành trình hay du kí của văn học Nhật Bản, thường phát triển đậm đặc tính chất trữ tình thông qua sự kết hợp của những đoạn tản văn và thơ. Nổi tiếng trong thể kí này phải kể đến những sáng tác của nhà thơ Nhật Bản Matsuo Bashô. 
- Nhật kí: những ghi chép của cá nhân về sự kiện có thật đã, đang và tiếp tục diễn ra theo thời gian, thường bao gồm cả những đoạn trữ tình ngoại đề và những suy nghĩ có tính chất chủ quan về sự kiện. 
Ngoài những thể kí phổ biến nói trên, trong thực tế còn có nhiều thể kí khác, và trong mỗi thể nói trên cũng có thể bao gồm nhiều tiểu thể loại. Ranh giới giữa các thể loại kí nói trên cũng không tuyệt đối, luôn có tình trạng chuyển hóa, thâm nhập lẫn nhau. Trong Người bạn đọc ấy, Tô Hoài nhận xét: “Trước kia từ điển văn học phân chia: phóng sự thì chỉ trình bày sự việc, bút kí thì có những lời bình phẩm của người viết. Bây giờ ta có thể đọc một bài bút kí trong đó không thiếu những đoạn viết theo lối phóng sự, lẫn hồi kí, có khi cả thể truyện ngắn. Mà ai dám đánh cuộc: bút kí bây giờ không bằng ngày trước?". Chỉ trong những cuốn sách lý luận và sách giáo khoa các nhà nghiên cứu mới phân chia thể tài một cách chính xác, trong khi thực tế văn học luôn diễn ra những yếu tố ngoại biên, mờ nhòe, đặc biệt với những tác giả văn học có năng khiếu đặc biệt và sự linh hoạt cao độ khi cầm bút.
Phân biệt với truyện
Kí cơ bản là khác với truyện (truyện dài, truyện vừa, truyện ngắn, tiểu thuyết) ở chỗ trong tác phẩm kí không có một xung đột thống nhất, phần khai triển của tác phẩm chủ yếu mang tính miêu tả, tường thuật. Đề tài và chủ đề của tác phẩm cũng khác biệt với truyện, nó thường không phản ánh vấn đề sự hình thành tính cách của cá nhân trong tương quan với hoàn cảnh, mà là các vấn đề trạng thái dân sự như kinh tế, xã hội, chính trị, và trạng thái tinh thần như phong hóa, đạo đức của chính môi trường xã hội.
Thuộc tính văn học
Những sáng tác văn học thuộc thể kí là một bộ phận không thể tách rời của các nền văn học trên thế giới nói chung và văn học dân tộc nói riêng. Tuy nhiên, việc thừa nhận thuộc tính văn học của những tác phẩm kí nhất định đôi lúc còn phụ thuộc vào quan niệm đương thời ở từng nền văn học về cái gọi là tính văn học. Các đặc điểm về văn phong, ngôn từ nghệ thuật của những tác phẩm kí phản ánh thuộc tính văn học của thể loại, bên cạnh sự gần gũi với văn học trong những nội dung mà tác phẩm kí đề cập.
Kết cấu
Kết cấu của kí rất đa dạng: có thể có mô hình người kể chuyện để tạo sự thống nhất cho các thành phần vốn dị biệt nhau; có thể tạo thành thể loại từ những phần vốn chỉ gắn với nhau bằng một trật tự bề ngoài, lấy đề tài các đoạn mô tả, hoặc các ý bình luận về các sự việc được miêu tả làm ráp nối sự kiện.
 (Theo Bách khoa toàn thư mở Wipipedia - 
	2. Ai đã đặt tên cho dòng sông ?có nhiều sự phát hiện về lịch sử và văn hóa xứ Huế. Huế từ lâu đã chiếm chỗ sâu bền trong tâm hồn người Việt, là nỗi mong ước của trí thức bao đời Đã qua cái thời người ta chỉ cảm nhận Huế đẹp và thơ trong ý vị lãng mạn, hoặc thành kiến Huế đài các, tiểu tư sản ngưng đọng trong ý vị giai cấp luận tầm thường. Nhưng không phải ai cũng hiểu được tầm vóc lịch sử và văn hóa xứ Huế. Bài Ai đã đặt tên cho dòng sông? là một bài thơ văn xuôi về “người mẹ phù sa của một vùng văn hóa xứ sở”, một “người mẹ” không thể hiểu được chỉ bằng một cái nhìn bề ngoài hời hợt. Hành trình của sông Hương từ thượng nguồn ra biển là một hành trình của tâm hồn xứ Huế, bộc lộ mọi cung bậc của nó, vừa mãnh liệt vừa lắng sâu, vừa trữ tình thiết tha, vừa bình thản trí tuệ. “Trước khi về đến vùng châu thổ êm đềm, nó đã là bản trường ca của rừng già rầm rộ giữa bóng cây đại ngàn, mãnh liệt qua những ghềnh thác, cuộn xoáy như cơn lốc vào đáy vực bí ẩn, và cũng có lúc trở nên dịu dàng và say đắm những dặm dài chói lọi màu đỏ của hoa đỗ quyên rừng”. Tác giả tả tâm hồn xứ Huế trong tổng thể thiên nhiên và đô thị, trong chiều sâu lịch sử, từ thời Châu Hóa xa xưa đã nổi tiếng là trường thành phương Nam của đất nước. Tác giả tả sông Hương trong truyền thống văn hóa Việt Nam. Thật thú vị khi anh nhận ra màu sắc, dáng nét, âm hưởng xứ Huế trên mỗi trang Kiều, hoặc đột ngột liên hệ Đặng Dung mài gươm dưới chân thành Châu Hóa. Nhưng hơn ai hết, anh đến với sông Hương với tấm lòng gắn bó khi so sánh với các con sông trên thế giới.
	[] Khác với phong cách Nguyễn Tuân đầy chất văn xương xẩu, gồ ghề với cái nhìn hóm hỉnh, bút kí của Hoàng Phủ Ngọc Tường nghiêng hẳn về chất thơ thi vị ngọt ngào. Cái chất thơ truyền thống có phần thu hẹp trường nhìn của tác giả. Nói về sông Hương, vườn Huế, không nói gì đến tính chất nghèo nàn về khoáng sản, đất đai. Mở rộng chất văn xuôi, bút kí của anh sẽ mang lại một cái nhìn gần gũi chắc thật hơn nữa. Mở mang chất văn xuôi sẽ có dịp phê phán những truyền thống chưa tốt đẹp trong văn hóa. Đề tài đất nước và văn hóa là một phạm vi thật bao la, hầu như chưa được ai khai phá bao nhiêu. Làm sao cho người Việt Nam và nhân dân thế giới thấy được gương mặt văn hóa mang tính nhân loại của dân tộc mình là một vấn đề hết sức bức thiết. Chắc chắn người mang nợ đất nước Hoàng Phủ Ngọc Tường sẽ sải những bước dài khỏe khoắn trên con đường sáng tác kí của anh.
	(Trần Đình Sử, Ai đã đặt tên cho dòng sông ? – bút kí sử thi của Hoàng Phủ Ngọc Tường, trong sách Lý luận và phê bình văn học, NXB Giáo dục, 
Hà Nội, 2003, tr. 294-300) 

Tài liệu đính kèm:

  • docAi da dat ten cho dong song.doc