Đi đường (tẩu lộ) - Hồ Chí Minh

Đi đường (tẩu lộ) - Hồ Chí Minh

“Trong thơ ca Cách mạng thời kỳ 1930-1945 thường có một số phẩm chất chung như tính chiến đấu, tinh thần đấu tranh cách mạng mà khi nói đến thơ Bác, người ta thường nói đến chất thép. Bên cạnh đó, một phẩm chất quan trọng là tấm lòng của người chiến sĩ cách mạng với cuộc đời, với bạn bè đồng chí và khung cảnh thiên nhiên. Trong thơ Bác, chất trữ tình thể̉ hiện ở những tình cảm nhân ái, chan chứa tình người khi viết về cuộc đời, về quần chúng lao khổ và về thiên nhiên tươi đẹp. Chỉ có một điều là Người làm thơ ở vào tuổi 53, tất nhiên tuổi tác cũng chi phối một phần đến cảm hứng.

doc 6 trang Người đăng kidphuong Lượt xem 1939Lượt tải 1 Download
Bạn đang xem tài liệu "Đi đường (tẩu lộ) - Hồ Chí Minh", để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
ĐI ĐƯỜNG (TẨU LỘ) - HỒ CHÍ MINH
I. Một số nhận định về thơ Hồ Chí Minh:
“Trong thơ ca Cách mạng thời kỳ 1930-1945 thường có một số phẩm chất chung như tính chiến đấu, tinh thần đấu tranh cách mạng mà khi nói đến thơ Bác, người ta thường nói đến chất thép. Bên cạnh đó, một phẩm chất quan trọng là tấm lòng của người chiến sĩ cách mạng với cuộc đời, với bạn bè đồng chí và khung cảnh thiên nhiên. Trong thơ Bác, chất trữ tình thể̉ hiện ở những tình cảm nhân ái, chan chứa tình người khi viết về cuộc đời, về quần chúng lao khổ và về thiên nhiên tươi đẹp. Chỉ có một điều là Người làm thơ ở vào tuổi 53, tất nhiên tuổi tác cũng chi phối một phần đến cảm hứng. Nếu ở Tố Hữu, thơ tuổi trẻ và Cách mạng cùng có mặt trong một số bài thơ, nên những cảm xúc của tuổi trẻ, thanh niên đôi lúc như trào sôi, thậm chí, có lúc còn bồng bột. Còn trong Nhật ký trong tù lại là sự lắng đọng về chiều sâu, nhất là chất suy nghĩ. Thơ Bác giàu chất triết lý về cuộc đời, về con người và cả những cảnh ngộ mà xã hội và thiên nhiên mà Người trải qua. Có lần Người nói, người biết ưu tư thì ưu điểm lớn và chất trữ tình trong thơ Bác có chiều sâu và vươn tới những tầm cao mà cảm hứng thi ca có thể có được. Tất nhiên, mỗi nhà thơ Cách mạng đóng góp theo khả năng, hoàn cảnh và những sáng tạo khác nhau mà chúng ta đều trân trọng.”
Gs Hà Minh Đức
“Khi nói về sáng tác thơ ca, một số nhà thơ cổ Trung Quốc thường cho rằng không dễ tạo được sự hoà hợp giữa những phẩm chất thơ ca khác nhau. Người viết giỏi thiên nhiên dễ khô khan khi nói về xã hội, người triết lý sâu sắc lại khó khi viết về đề tài hồn nhiên, tươi thắm; người viết nghiêm túc, nghiêm trang rất khó khi vận dụng châm biếm hài hước và ngược lại. Đó là thực tế không phải chỉ với thơ xưa mà cả với thơ nay. Đúng là trong thơ Bác có được sự hoà hợp của nhiều phẩm chất: rất trữ tình nhưng cũng giàu triết lý, rất trang nghiêm nhưng nhiều khi cũng trào phúng châm biếm một cách thâm thuý, tế nhị. Có lẽ nên nghĩ rằng đây là những phẩm chất khác nhau chứ không hẳn là tổng hợp của những trường phái, phong cách. Thơ của Bác là thơ của nhà thơ cách mạng phản ánh rất trực tiếp người chiến sĩ cách mạng giàu trí tuệ, giàu tình cảm, trải nghiệm với cuộc đời, giàu tình cảm nhân đạo, căm ghét những gì xấu xa. Tất cả những đặc điểm đó khi chuyển hóa thành cảm hứng thi ca chắc chắn có nhiều đổi thay nhưng chính nó là cơ sở để có sự tái tạo và tạo ra các giá trị sâu sắc nhiều màu vẻ trong thơ Bác. Tuy nhiên, cũng phải thấy một thực tế là người sử dụng tiếng nói thơ ca gắn với hoàn cảnh rất cụ thể của cuộc đời, nhiệm vụ cách mạng nên chất thơ trong Nhật ký trong tù, trong những ngày người bị tù đày, giam giữ cũng có điểm khác với thời kỳ tiền khởi nghĩa, những năm kháng chiến chống Pháp. Tuy đa dạng, nhưng tất cả là một khối thuần nhất, một phong cách lớn trong thơ ca cách mạng.”
Gs Hà Minh Đức
II. Tìm hiểu về Nhật ký trong tù:
Nhật ký trong tù là một tác phẩm văn học của Hồ Chí Minh, được viết từ ngày 29-8-1942 đến ngày 10-9-1943, trong thời gian ông bị chính quyền Tưởng Giới Thạch bắt giam và giải đi khắp các nhà giam ở Quảng Tây, Trung Quốc. Nguyên gốc chỉ là một quyển sổ tay nhỏ, bìa xanh đã bạc màu, có ghi bốn chữ "Ngục trung nhật ký" (hay Nhật ký trong tù) kèm theo bốn câu thơ và một hình vẽ hai nắm tay bị xích.
Đây là một tập thơ chữ Hán, gồm hơn 100 bài thơ, phần cuối có một số ghi chép về quân sự và thời sự. Nhật ký trong tù lên án chế độ nhà giam hà khắc của chính quyền Quốc dân Đảng, thể hiện tinh thần chịu đựng gian khổ, khắc phục khó khăn, tinh thần lạc quan cách mạng và tình cảm nhân đạo cộng sản chủ nghĩa cao đẹp của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Tác phẩm Nhật ký trong tù đã được xuất bản nhiều lần, được dịch và giới thiệu ở nhiều nước trên thế giới.
III. Phân tích bài thơ Đi đường:
走路 
Tẩu lộ 
Đi đường (Người dịch: Nam Trân) 
走路才知走路難 
重山之外又重山 
重山登到高峰後 
萬里與圖顧盼間 
Tẩu lộ tài tri tẩu lộ nan 
Trùng san chi ngoại hựu trùng san 
Trùng san đăng đáo cao phong hậu 
Vạn lư dư đồ cố miện gian. 
Đi đường mới biết gian lao, 
Núi cao rồi lại núi cao trập trùng; 
Núi cao lên đến tận cùng, 
Thu vào tầm mắt muôn trùng nước non. 
Bài làm
Trong những ngày bị tù đày, Hồ Chí Minh đã bị áp giải qua nhiều nhà lao. Theo Trần Dân Tiên trong “ Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch”, Người bị giam giữ trong gần ba mươi nhà lao huyện và xã. Chính vì vậy, nhà văn Đặng Thai Mai đã ý vị gọi Bác là “người tù lưu động”, và chuyện đi đường là việc xảy ra hằng ngày. Có chặng đường mà Người đi thật dễ chịu trong khung cảnh “Chim ca rộn núi hương bay ngát rừng” ( Trên đường đi). Nhưng phổ biến hơn lại là những chặng đường vất vả, đi đường giữa những ngày giá lạnh:
“Gió sắc tựa gươm mài đá núi,
Rét như dùi nhọn chích cành cây.”
(Hoàng hôn)
hay đi đường trong mưa gió:
“Giày rách đường lầy chân lấm láp,
Vẫn còn dấn bước dặm đường xa”
(Mưa lâu)
Rồi đi đường giữa những núi non hiểm trở. Đi đường là bài số hai mươi chin trong tập Nhật ký trong tù. Bài thơ mở đầu bằng hành vi áp giải:
“Đi đường mới biết gian lao.”
Đây là kinh nghiệm của ngưởi đã đi nhiều. Có đi đường mới có những kinh nghiệm về chuyện đi đường. Đây lại không phải là con đường bằng phẳng mà là một chặng đường núi non hiểm trở: “Núi cao rồi lại núi cao trập trùng”. Câu thơ dịch đã cố gắng thể hiện nhịp điệu của câu thơ nguyên bản:
“ Trùng san chi ngoại hựu trùng san.”
Viết về chuyện đi đường, các nhà thơ xưa, từ những chuyện đời cụ thể đã khái quát lên đường đời gian nan mà nhiều người phải chán nản thất vọng. Tứ thơ “đường đời khó khăn” trong Nhật ký trong tù cũng mượn ý tứ thơ của người xưa.
Trong “Cung oán ngâm khúc”, Nguyễn Gia Thiều nói về đường đời đau khổ:
“Mùi tục luỵ lưỡi tê tân khổ
Đường thế đồ gót rỗ kì khu” 
Và Cao Bá Nhạ trong “Tự tình khúc” lại xót xa cho thân phận trên đường đời xa xôi:
“Những là sợi gió e sương
Thương thân chua xót nghĩ đường xót xa”
Với Đi đường, tác giả hiểu rõ đường đời khó khăn. Đường đời đây cũng là con đường đấu tranh cách mạng. Và người chiiến sĩ cách mạng cũng là người đi đường, không mệt mỏi. Chấp nhận vượt lên những khó khăn, người đi đường bao giờ cũng hướng tới đích:
“Giầy rách đường lầy chân lấm láp
Vẫn còn dấn bước dặm đường xa”
(Mưa lâu)
Trong thơ của Hồ Chí Minh nói nhiều đến chuyện đi đường và những kinh nghiệm vượt khó. Khó khăn nhất thường là ở chặng cuối cùng. Khi công sức bỏ ra đã nhiều, và cũng phải nỗ lực nhiều hơn, sắp đến được đích thì thử thách càng lớn:
“Thuốc đắng cạn liều càng thấy đắng
Đường gay cuối chặng lại thêm gay”
(Giam lâu không đuợc chuyển)
Có khi sự khó khăn lại ở vào lúc bắt đầu. “Vạn sự khởi đầu nan”, câu nói đó cũng phù hợp với chuyện đi đường.
Bài thơ “Nhóm lửa” cũng nêu lên kinh nghiệm của con đường đấu tranh cách mạng. Khó khăn nhất là lúc khời đầu:
“Lúc leo lét bắt đầu nhóm lửa
Biết bao nhiêu là sự khó khăn
Chỉ đìu hiu một mảy gió xuân
Cũng lo sợ có khi tắt mất”
Nhưng khi lửa đã bén thì “Gió càng cao ngọn lửa cáng cao”. Người lại nêu tiếp một kinh nghiệm khác. Cái khó nhất có thể lại ở chặng đường bằng phẳng:
“Đi khắp đèo cao khắp núi cao,
Ngờ đâu đường phẳng lại lao đao;
Núi cao gặp hổ mà vô sự,
Đường phẳng gặp người bị tống lao.”
Trên chặng đường bằng phẳng, người đi đường dễ chủ quan và bệnh chủ quan lại là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến thất bại. Thủ tướng Phạm Văn Đồng có lần nhận xét rằng, đối với Bác Hồ thì không có việc gì khó, vì khó mấy mà quyết tâm thì cũng hoàn thành, và cũng không có việc gì dễ, nếu dễ mà chủ quan thì cũng thất bại.
Trong bài “Đi đường”, những khó khăn thật chồng chất, càng ngày càng nhiều và nâng lên đến cao điểm. Câu thơ như một thách thức:
“Núi cao lên đến tận cùng”
Liệu người chiến sĩ cách mạng có thể vượt qua được thử thách này không? Và người chiến sĩ cách mạng đã chiến thắng. Trên cao điểm thắng lợi, biết bao tình cảm vui mừng được biểu hiện. Mừng vui vì điểm cao đã được chiếm lĩnh, vì Người đã làm tròn trách nhiệm được giao phó. Thật không dễ dàng như chuyện bước thêm một vài tầng lầu để có được một chiều cao mà chiêm ngưỡng thiên nhiên tạo vật như Vương Chi Hoán đời Đường bước lên lầu cao ngắm sông Hoàng trải rộng và mặt trời chiếu rực rỡ.
Cũng cần nhận thấy rằng, trong thơ Hồ Chí Minh có nhiều đỉnh cao, đó là tầm cao về tư tưởng trong “ Lời đề từ” và các bài thơ “Học đánh cờ”, “Không ngủ được”, “Tự khuyên mình”, , và đó cũng là đỉnh cao trong nhiều hình tượng về thiên nhiên tạo vật qua các bài “Lên núi”, “Mới ra tù tập leo núi”, Những hình tượng thiên nhiên này có nhiều hàm ý xâu xa về mặt xã hội. Trên đỉnh cao con người có những cảm xúc đặc biệt:
“Thu vào tầm mắt muôn trùng núi non”
Có thể quan sát và bao quát nhiều phạm vi của đời sống. Đôi mắt không còn bị hạn chế trong tầm nhìn mà đã được mở rộng, thâu tóm được biết bao cảnh vật.
Chủ tịch Hồ Chí Minh, qua thơ ca, đã để lại cho người đọc, cho nhân dân ta nhiều bài học sâu sắc. Có người cảm thấy bài học lớn nhất là bài học làm người, phải giữ cho được những phẩm chất cao đẹp của con người, về sự trong sáng của tâm hồn và nhân cách dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào. Có người tìm thấy bài học lớn nhất là ý thức vượt khó khăn. Đường đời, đường Cách mạng, con đường của mỗi người đều có những trở ngại, gian nan. Thơ Người đã khích lệ, động viên và chỉ ra hướng vượt qua khó khăn đấy để vượt tới đích xa. Có người lại tìm thấy bài học quan trọgn là tình yêu của Bác đối với con người. Và tình yêu ấy thấm sâu, lan tỏa, gần gũi và cảm hóa để chúng ta có những phút giây được đến gần Người.

Tài liệu đính kèm:

  • docDI DUONG HO CHI MINH.doc