Đề và đáp án thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2011 môn thi: Ngữ văn – giáo dục trung học phổ thông

Đề và đáp án thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2011 môn thi: Ngữ văn – giáo dục trung học phổ thông

I. Phần chung cho tất cả thí sinh (5,0 điểm)

Câu 1 (2,0 điểm)

 Trong đoạn cuối truyện ngắn Chiếc thuyền ngoài xa của Nguyễn Minh Châu, nhân vật nghệ sĩ Phùng mỗi khi ngắm kĩ và nhìn lâu hơn tấm ảnh do mình chụp thường thấy hiện lên những hình ảnh nào? Những hình ảnh đó nói lên điều gì?

Câu 2 (3,0 điểm)

 Trước nhiều ngả đường đi đến tương lai, chỉ có chính bạn mới lựa chọn được con đường đúng cho mình.

 Viết một bài văn ngắn (khoảng 400 từ) trình bày suy nghĩ của anh/chị về ý kiến trên.

 

doc 4 trang Người đăng hien301 Lượt xem 1426Lượt tải 0 Download
Bạn đang xem tài liệu "Đề và đáp án thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2011 môn thi: Ngữ văn – giáo dục trung học phổ thông", để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
KỲ THI TỐT NGHIỆP TRUNG HỌC PHỔ THÔNG NĂM 2011
Môn thi: NGỮ VĂN – Giáo dục trung học phổ thông
I. Phần chung cho tất cả thí sinh (5,0 điểm)
Câu 1 (2,0 điểm)
	Trong đoạn cuối truyện ngắn Chiếc thuyền ngoài xa của Nguyễn Minh Châu, nhân vật nghệ sĩ Phùng mỗi khi ngắm kĩ và nhìn lâu hơn tấm ảnh do mình chụp thường thấy hiện lên những hình ảnh nào? Những hình ảnh đó nói lên điều gì?
Câu 2 (3,0 điểm)
	Trước nhiều ngả đường đi đến tương lai, chỉ có chính bạn mới lựa chọn được con đường đúng cho mình.
	Viết một bài văn ngắn (khoảng 400 từ) trình bày suy nghĩ của anh/chị về ý kiến trên.
II. Phần riêng - Phần tự chọn (5,0 điểm)
Thí sinh chỉ được làm một trong hai câu (câu 3.a hoặc câu 3.b)
Câu 3.a. Theo chương trình Chuẩn (5,0 điểm)
	Phân tích đoạn thơ sau trong bài Tây Tiến của Quang Dũng:
	Sông Mã xa rồi Tây Tiến ơi!
	Nhớ về rừng núi nhớ chơi vơi
	Sài Khao sương lấp đoàn quân mỏi
	Mường Lát hoa về trong đêm hơi
	Dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm
	Heo hút cồn mây súng ngửi trời
	Ngàn thước lên cao, ngàn thước xuống
	Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi
	Anh bạn dãi dầu không bước nữa
	Gục lên súng mũ bỏ quên đời!
	Chiều chiều oai linh thác gầm thét
	Đêm đêm Mường Hịch cọp trêu người
	Nhớ ôi Tây Tiến cơm lên khói
	Mai Châu mùa em thơm nếp xôi
	`	(Ngữ văn 12, Tập một, tr.88, NXB Giáo dục - 2009)
Câu 3.b. Theo chương trình Nâng cao (5,0 điểm)
	Phân tích nhân vật Tràng trong truyện Vợ Nhặt của Kim Lân ( phần trích trong Ngữ văn 12 Nâng cao, Tập hai, NXB Giáo dục - 2008)
BÀI GIẢI GỢI Ý 
I. PHẦN CHUNG CHO TẤT CẢ THÍ SINH (5,0 điểm)
Câu 1: 
	Nguyễn Minh Châu (1930-1989) là nhà văn Quân đội khẳng định tài năng trong kháng chiến chống Mỹ với những tác phẩm có khuynh hướng sử thi, và cũng là cây bút tiên phong của Văn học Việt Nam trong thời kỳ đổi mới với tác phẩm theo cảm hướng thế sự mang dư vị triết lí nhân sinh. Trong đoạn cuối truyện ngắn Chiếc thuyền ngoài xa của ông viết trong thời kỳ đổi mới, nhân vật nghệ sĩ Phùng mỗi khi ngắm kĩ và nhìn lâu hơn tấm ảnh do mình chụp, thấy hiện lên:
- Hình ảnh “người đàn bà ấy bước ra khỏi bức ảnh”. Đó là hình ảnh người đàn bà hàng chài vùng biển, dáng người cao lớn, thô kệch, áo rách tả tơi, khuôn mặt rỗ nhợt nhạt với những bước đi chậm rãi, chắc chắn rồi lẫn vào đám đông.
- Hình ảnh đó nói lên: đằng sau cái đẹp toàn bích của “chiếc thuyền ngoài xa” là cuộc sống thực của con người nghèo khổ, lam lũ, chịu đựng. Qua cách nhìn sâu sắc về cuộc sống, tác giả muốn đề xuất với những nhà quản lý xã hội: bên niềm vui vỡ òa của đại thắng mùa Xuân năm 1975, thì vẫn còn đâu đó những ngổn ngang từ chiến tranh xâm lược của Mỹ, đã khiến đời sống nhân dân còn bao nỗi gian lao vất vả; với người nghệ sĩ: cần phải có thái độ đúng đắn về mối quan hệ giữa nghệ thuật và cuộc đời.
Câu 2: 
	Câu hỏi thuộc dạng bài nghị luận về một tư tưởng, đạo lý. Học sinh cần đáp ứng đúng, đủ các yêu cầu về dạng bài, độ dài (khoảng 400 từ) và nội dung.
Sau đây là một số gợi ý:
	- Giới thiệu vấn đề: trước nhiều ngã đường đi đến tương lai chỉ có chính bạn mới lựa chọn con đường đúng cho mình.
	- Giải thích vấn đề: 
	+ Bản thân cần phải có thái độ tự chủ đối với tương lai của chính mình.
	+ Thực trạng: ông bà, cha mẹ, thường buộc con cái phải lựa chọn con đường tương lai theo ý của mình. Điều đó có thể dẫn tới những hậu quả đối với con cháu.
	+ Bản thân mỗi người thường hiểu rõ chính mình hơn ai hết. Do đó, dễ lựa chọn được con đường đúng cho bản thân.
	- Lựa chọn con đường đúng cho bản thân thường dễ mang lại cho con người thành công, hạnh phúc trong cuộc sống.
	- Trái lại, nó sẽ dẫn con người đến thất bại, u uất, đau khổ. 
	- Bình luận và rút ra bài học: 
	+ Cần thấy được ý nghĩa quan trọng của việc bản thân cần có thái độ tự chủ đối với con đường tương lai của chính mình.
	+ Cần thấy được những khó khăn khi có thái độ nói trên để từ đó có thái độ cần thiết đúng mức.
	+ Để có thể lựa chọn được con đường đúng cho mình, bản thân mỗi người cần phải có hiểu biết đầy đủ về bản thân (sở trường, sở đoản, nguyện vọng), về những “ngã đường đi đến tương lai”.
+ Tuy nhiên, bản thân mỗi người cũng không nên ngoan cố, kiêu ngạo, tự tin quá đáng. Cần phải biết tham khảo, lắng nghe ý kiến của bố mẹ, ông bà, của các chuyên gia để có hiểu biết đầy đủ và lựa chọn được con đường đúng đắn nhất cho mình.
- Kết luận: Mỗi người cần nhận thức được chính bản thân mình mới là người có vai trò quan trọng trong việc lựa chọn con đường đúng cho mình, nhưng cũng cần thiết phải biết trân trọng, lắng nghe ý kiến của tất cả mọi người khi lựa chọn.
Câu 3a: 
I. 	Giới thiệu vài nét về tác giả, tác phẩm, nội dung đoạn thơ.
II. 	Nội dung chính (thí sinh có thể trình bày nhiều cách khác nhau nhưng phải đảm bảo những ý sau đây):
Khái quát tác phẩm
Bài thơ “Tây Tiến” là sự hòa quyện giữa ba cuộc đời: cuộc đời của một vùng đất xa xăm của Tổ quốc nhưng rất đỗi thân thương với chúng ta; cuộc đời của những người lính trẻ hào hoa , hào hùng, giàu lí tưởng , sống xả thân vì nước; cuộc đời của Quang Dũng - nhà thơ áo lính, gắn bó máu thịt với chiến trường miền Tây và binh đoàn Tây Tiến.
Cảm xúc xuyên suốt bài thơ: những hoài niệm nhớ thương về một thời “chinh chiến cũ” với chiến trường miền Tây dữ dội và đồng đội thân yêu. Sau những bước chân trường chinh, Tây Tiến, đoàn binh đã được biên chế thành những đơn vị khác. Vì thế bài thơ lúc đầu có tựa đề "Nhớ Tây Tiến", về sau Quang Dũng mới đổi thành "Tây Tiến".
 3. Nội dung 14 dòng thơ
- Hình tượng người lính với sự hoà trộn các sắc màu vừa hiện thực vừa lãng mạn đã được hiện ra ngay từ phần thứ nhất của bài thơ:
+ Mô tả vẻ đẹp của người lính gắn liền với những chặng đường hành quân của họ. Thiên nhiên và con người đan xen hoà quyện lẫn nhau để tạo nên bức tranh kì vĩ dữ dội và thơ mộng trữ tình của thiên nhiên cùng với tầm vóc lịch sử lớn lao của con người.
+ Tây Tiến lại được bắt đầu bằng nỗi nhớ về một dòng sông với âm hưởng vô cùng tha thiết
với nhớ thương qua dòng thơ: "Sông Mã xa rồi Tây Tiến ơi!"
- Trước hết phải thấy Quang Dũng đã tạo nên trong Tây Tiến một thiên nhiên vừa hùng vĩ vừa bí hiểm, vừa thơ mộng vừa khắc nghiệt như một cái nền làm nổi bật hình tượng người lính.
+ Bức tranh thiên nhiên vô cùng đặc sắc bởi nó được tạo nên từ một thứ ngôn ngữ rất giàu tính tạo hình. Mô tả thiên nhiên mà ta như thấy những bước chân quả cảm của đoàn binh Tây Tiến đang đạp bằng mọi gian khổ mà thiên nhiên thử thách, mọi hiểm trở mà thiên nhiên đe doạ. Ta không chỉ thấy một Sài Khao sương lấp, một Mường Lát hoa về trong đêm hơi mà còn thấy cả những chặng đường khúc khuỷu, cheo leo.
+ Đó là hình ảnh người lính hiện ra như một đoàn quân mỏi nhưng cũng lại là người lính tâm hồn tràn đầy chất thơ nên giữa bao nhiêu mỏi mệt vẫn cảm nhận được vẻ đẹp của núi rừng, vẻ đẹp của một "Mường Lát hoa về trong đêm hơi". Người lính như thả hồn vào cõi mộng của đêm hơi giữa núi rừng, tận hưởng hương thơm của hoa rừng.
+ Đó còn là hình ảnh những người lính vượt muôn trùng dốc với bao nhiêu vất vả bởi những "khúc khuỷu", "thăm thẳm", "heo hút" nhưng đột nhiên lại xuất hiện ở tầm cao đỉnh trời trong tiếng cười lạc quan với chi tiết "súng ngửi trời".
+ Đó còn là hình ảnh về sự “dãi dầu” vất vả cùng với sự hy sinh lặng lẽ mà rất anh hùng của những người lính Tây Tiến dọc theo chặng đường hành quân. Thương nhớ vô cùng trong 2 chữ "anh bạn" mà nhà thơ đã nói về đồng đội của mình , bởi đó là những người bạn đã nằm lại dọc đường hành quân. Quang Dũng không biến nỗi đau ấy thành sự bi luỵ khi nhà thơ viết về sự hy sinh của những người bạn như viết về giấc ngủ của họ. "Anh bạn dãi dầu không bước nữa - Gục lên súng mũ bỏ quên đời". Tinh thần của họ lại vút lên cùng sông núi. (mở rộng)Họ coi cái chết nhẹ nhàng như đi vào giấc ngủ nhưng sông núi lại để niềm nhớ thương và kiêu hãnh, hoá thân thành những ngọn thác để “Chiều chiều oai linh gầm thét” vừa thể hiện nỗi đau xé lòng lại vừa thể hiện khúc tráng ca muôn đời của sông núi hát về sự hy sinh của họ. 
- Bao nhiêu lãng mạn gửi vào những chữ "nhớ ôi Tây Tiến...", "Mai Châu mùa em...". Đó là những chữ đã để lại trong tâm hồn người lính những vẻ đẹp của miền núi hoang sơ kia, vẻ đẹp mang đậm tình người với "cơm lên khói" và "mùa em thơm nếp xôi". Lòng người Tây Tiến nhớ mãi "mùa em", mùa những người lính Tây Tiến gặp em giữa khung cảnh hạnh phúc của xóm làng. Hương nếp xôi cũng từ mùa em mà thơm mãi trong tâm hồn người lính.
III. Kết luận
- Tình thơ là những hoài niệm bâng khuâng da diết của tiếng thơ lãng mạn tài hoa của Quang Dũng đã làm sống lại hình ảnh con đường hành quân gian khổ khốc liệt và tinh thần xả thân vì Tổ quốc của người lính Tây Tiến năm xưa. 
- Hình tượng nghệ thuật vừa bám sát hiện thực lại có sự bay bổng trong sức tưởng tượng của người đọc bởi chất lãng mạn ấy của hồn thơ Quang Dũng.
Câu 3b
Đây là một số gợi ý:
- Giới thiệu Kim Lân: nhà văn sở trường về đề tài nông thôn và nông dân với những hiểu biết sâu sắc và tình cảm thiết tha; nhân vật của ông thường là những người nông dân lam lũ, nghèo khổ, chất phác, có tâm hồn cao đẹp. Ông viết không nhiều, nhưng ở giai đoạn cũng đều có những tác phẩm xuất sắc.
- Giới thiệu tác phẩm Vợ nhặt: có tiền thân là tiểu thuyết Xóm ngụ cư, được sáng tác ngay sau CMT8 thành công. Tác phẩm còn dang dở và bị mất bản thảo. Sau ngày hòa bình lập lại 1954, Kim Lân đã dựa một phần vào cốt truyện cũ viết nên truyện Vợ nhặt.
- Nhân vật Tràng:
+ Anh là người lao động nghèo, thô kệch, làm nghề kéo xe thóc cho Liên Đoàn. Anh hiện ra với đầy đủ những gì chân thật nhất của người thanh niên nông dân nghèo, thô kệch đang bị những lo toan về chuyện đói khát dày vò. Chiều về , ” chiếc áo nâu tàng vắt sang một bên cánh tay, cái đầu trọc nhẵn chúi về đằng trước. Hình như những lo lắng chật vật trong một ngày đè xuống cái lưng to rộng như lưng gấu của anh “.
+ Anh là người luôn khao khát hạnh phúc. Cũng như mọi người thanh niên khác, Tràng cũng mong có một mái ấm gia đình, có một người vợ để yêu thương. Trong lần gặp cô vợ nhặt lần thứ nhất, anh đã hết sức thích thú khi chị cười đùa vui vẻ với anh vì từ trước tới giờ chưa có ai cười với anh tình tứ như thế. Mong muốn là vậy. Nhưng anh có đạt được mơ ước đó đâu. Cho nên, câu anh trả lời cô vợ nhặt trong lần gặp thứ hai (“ Làm đếch gì có vợ” ) tuy suồng sả, thô lỗ nhưng đã nói lên niềm ước mơ thầm kín sâu xa trong lòng Tràng. Bởi vậy, khi cô vợ nhặt đồng ý theo anh về, chúng ta hiểu được lòng Tràng sung sướng đến thế nào. Anh đi bên cạnh chị với một cảm giác mới mẻ, lạ lùng trước giờ chưa từng có. Nó hiện ra cụ thể như có bàn tay ai mơn man khắp da thịt. Thậm chí đến sáng hôm sau, khi anh đã thực sự có vợ rồi mà anh vẫn cứ ngỡ như trong một giấc mơ.
+ Với Tràng, chuyện anh có vợ còn là một biểu hiện của niềm tin vào sự sống và tương lai. Vì vậy, khi anh có vợ, anh thấy anh đã trưởng thành, đã nên người. Anh thấy anh có trách nhiệm đối với gia đình. Anh thấy yêu thương cái gia đình của anh hơn. Anh thấy anh có bổn phận cùng vợ sinh con đẻ cái xây dựng gia đình. Anh cũng muốn cùng với mẹ và vợ tham gia vào công việc dọn dẹp nhà cửa cho quang quẻ như để mong cho cuộc sống được tốt đẹp hơn. Với Tràng, chuyện có vợ là một việc nghiêm túc. Sau khi cô vợ nhặt đồng ý theo anh về, anh còn đưa chị vào chợ mua một cái rỗ con cùng vài món lặt vặt. Anh lại còn đãi chị một bữa no nê. Món đồ, bữa ăn như là quà cưới, tiệc cưới của anh với chị. Quà cưới, tiệc cưới của một người thanh niên nghèo với người vợ nhặt trong hoàn cảnh cái đói, cái chết phủ trùm cả xóm, cả làng. Anh lại còn hào phóng mua chai dầu hai hào để thắp lên cho nhà cửa sáng sủa trong ngày đầu tiên có vợ.
+ Tin tưởng vào sự sống và tương lai nên tuy bị gánh áo cơm đè nặng, tuy cũng lo lắng vì không biết thóc gạo nầy có lo nỗi cho bản thân hay không nhưng Tràng vẫn liều nhận cô vợ nhặt về. Ngoài khao khát có gia đình, hành động của Tràng còn xuất phát từ lòng yêu thương, cảm thông hoàn cảnh khốn khó của người khác nên sẵn sàng cưu mang, đùm bọc. Vì vậy, khi đưa người vợ nhặt về, bên cạnh niềm vui vì có vợ, Tràng còn thấy lòng tràn đầy tình nghĩa với “người đàn bà đi bên”. Chẳng phải đó là sự cưu mang của một người khó khăn với một người còn thê thảm hơn mình rất nhiều lần đó sao ? Như vậy, quả thật với Tràng, hoàn cảnh khó khăn, đói kém, chết chóc không thể nào làm mất đi niềm tin vào sự sống và tương lai.
- Nhân vật được xây dựng qua các chi tiết ngoại hình, lời nói, hành động. Nhà văn đặc biệt khai thác các chi tiết về nội tâm để khắc họa sâu đậm tính cách của nhân vật.
- Tràng tiêu biểu cho người lao động có cuộc sống nghèo khổ nhưng bản chất, tâm hồn tốt đẹp: luôn yêu thương, tương trợ, đùm bọc, nhân hậu và trong hoàn cảnh đói khổ vẫn luôn tin tưởng vào tương lai. Nhân vật đã góp một phần rất quan trọng vào việc biểu hiện tư tưởng chủ đề, giá trị hiện thực và nhân đạo của tác phẩm.
Nguyễn Đức Hùng 
(GV. Trung học phổ thông Vĩnh Viễn - TP.HCM)

Tài liệu đính kèm:

  • docDap an Ngu van Tot nghiep THPT 2011.doc