Đề tài Nâng cao nhận thức của học sinh về vấn đề ô nhiễm môi trường gắn với việc giảng dạy Sinh thái học trong trường THPT

Đề tài Nâng cao nhận thức của học sinh về vấn đề ô nhiễm môi trường gắn với việc giảng dạy Sinh thái học trong trường THPT

Hiện nay trên thế giới, ô nhiễm môi trường đang trở thành một đề tài nóng bỏng, một vấn đề thảo luận của nhiều hội thảo quốc tế. Các tác động của con người đã xâm hại rất lớn đến sự sống trên Trái đất. Vấn đề đặt ra trong bối cảnh đó là: làm thế nào để hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng ô nhiễm môi trường? Nói cách khác, làm thế nào để sự phát triển kinh tế phải gắn liền với việc bảo vệ môi trường?

doc 18 trang Người đăng kidphuong Lượt xem 2404Lượt tải 0 Download
Bạn đang xem tài liệu "Đề tài Nâng cao nhận thức của học sinh về vấn đề ô nhiễm môi trường gắn với việc giảng dạy Sinh thái học trong trường THPT", để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
I. ĐẶT VẤN ĐỀ
Hiện nay trên thế giới, ô nhiễm môi trường đang trở thành một đề tài nóng bỏng, một vấn đề thảo luận của nhiều hội thảo quốc tế. Các tác động của con người đã xâm hại rất lớn đến sự sống trên Trái đất. Vấn đề đặt ra trong bối cảnh đó là: làm thế nào để hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng ô nhiễm môi trường? Nói cách khác, làm thế nào để sự phát triển kinh tế phải gắn liền với việc bảo vệ môi trường?
Trong chương trình sinh học THPT có một vài bài đề cập đến tình hình ô nhiễm môi trường (chương III - Phần Sinh thái học - lớp 11 cũ - từ Đ.11 à Đ.14). Tuy nhiên những nội dung này mang tính khái quát chung và không gắn với thực tế đời sống một cách thiết thực. Qua một số năm giảng dạy về Sinh thái học, tôi luôn băn khoăn làm thế nào để học sinh vừa học được cái kiến thức cơ bản theo SGK vừa vận dụng kiến thức vào tình hình môi trường thực tế ở địa phương. Vì vậy, mỗi năm học tôi thường cho học sinh nghiên cứu tình hình ô nhiễm môi trường và đề ra những biện pháp để hạn chế ô nhiễm môi trường liên quan đến một mặt nào đó, chẳng hạn: vấn đề ô nhiễm môi trường do túi nilon, rác thải sinh hoạt, chất thải công nghiệp ... Bằng sự hướng dẫn của thầy, cô và lòng nhiệt tình, yêu khoa học, thích khám phá tìm hiểu của học sinh, các đề tài nhỏ do giáo viên đưa ra là một công trình tập thể của toàn thể học sinh. Sau khi nhận các bản thu hoạch từ mỗi học sinh, giáo viên tổng hợp lại và xây dựng thành một chuyên đề, phổ biến trở lại học sinh. Với việc làm như vậy, chúng tôi đã thổi vào các em sự yêu thích môn học, có ý thức về việc bảo vệ môi trường.
Sự ô nhiễm môi trường do rất nhiều yếu tố gây nên, nó tác động sâu sắc đến cuộc sống và sinh hoạt của con người. Ở một số vùng nông thôn Hải Dương hiện nay, phong trào chăn nuôi, đặc biệt là chăn nuôi lợn rất phát triển. Bên cạnh việc phát triển kinh tế nông hộ thì nó cúng gây ra những tác động rất lớn đến môi trường. Chất thải chăn nuôi đã trở thành một vấn đề nan giải, một bài toán khó cho nhiều nhà khoa học, nhiều cơ quan chức năng và đông đảo những người quan tâm đến vấn đề môi trường. Vì vậy đây là một trong những đề tài mà tôi cùng các bạn đồng nghiệp muốn các em quan tâm tìm hiểu và đề ra những biện pháp khắc phục, hạn chế những mặt tiêu cực do chất thải chăn nuôi gây ra. Thật ngạc nhiên đây lại trở thành một đề tài được Ban giám hiệu nhà trường rất khuyến khích đồng thời thu hút sự tham gia của đông đảo học sinh.
Trong khuôn khổ hạn hẹp của chuyên đề, những vấn đề được nêu ra, những ý kiến xây dựng và kiến nghị chắc hẳn còn nhiều thiếu sót, hạn chế. Tác giả rất mong nhận được sự góp ý chân thành của các chuyên gia về môi trường, các bạn đồng nghiệp, các em học sinh và toàn thể những người quan tâm đến vấn đề môi trường.
Với đề tài: “Nâng cao nhận thức của học sinh về vấn đề ô nhiễm môi trường gắn với việc giảng dạy Sinh thái học trong trường THPT”, tôi mong muốn mình cùng các học trò thân yêu của mình góp một viên gạch nhỏ xây dựng nên ngôi nhà môi trường xanh - sạch - đẹp, góp phần giáo dục ý thức trách nhiệm của mọi người trong việc bảo vệ môi trường.
II. NỘI DUNG GIẢI QUYẾT VẤN ĐỀ
Trong những năm gần đây, phong trào phát triển kinh tế V.A.C nói chung và chăn nuôi lợn nói riêng đã mang lại những đổi thay đáng kể cho bộ mặt nông thôn, giải quyết được tình trạng lao động dư thừa lúc nông nhàn, tận dụng nguồn thức ăn sẵn có và đặc biệt cải thiện đáng kể mức sống và thu nhập cho người nông dân.
Bên cạnh mặt tích cực do chăn nuôi lợn mang lại thì nó cũng gây nên những thay đổi tiêu cực đến môi trường. Với mong muốn giáo dục ý thức bảo vệ môi trường cho học sinh, chúng tôi đã thảo luận nhóm và thống nhất đưa ra đề tài “Tác động của chất thải chăn nuôi với vấn đề ô nhiễm môi trường khu vực nông thôn - thực trạng và giải pháp”. Đề tài được đưa ra ngay sau khi học sinh kiểm tra học kì I xong, do đó nhiều em có điều kiện về thời gian đẻ nghiên cứu. Để thực hiện đề tài, chúng tôi thống nhất hướng dẫn học sinh trình bày theo hướng các bài tiểu luận với 3 phần cụ thể:
- Phần mở đầu: Học sinh đặt vấn đề về tình hình phát triển kinh tế nông nghiệp ở địa phương theo hướng chăn nuôi, đi sâu vào vấn đề chăn nuôi lợn (rất phát triển ở địa phương).
- Phần nội dung chính: Học sinh nêu ra các tác động tiêu cực của chất thải chăn nuôi với vấn đề môi trường mà bản thân các em thấy bức xúc và muốn đưa ra những ý kiến riêng. Thông qua đó tự các em đã hình thành kĩ năng tự học, tự nghiên cứu độc lập và phối hợp hoạt động nhóm. Với những học sinh tích cực, chúng tôi còn phân công các em đến tận các hợp tác xã chăn nuôi, các hộ chăn nuôi lớn để tìm hiểu. Sau khi nghiên cứu thực trạng đó, học sinh sẽ tìm hiểu các biện pháp khắc phục có hiệu quả mà bà con sử dụng, hoặc sử dụng ở một số nơi khác có thể áp dụng vào thực tế địa phương.
- Phần kết luận: Học sinh tổng hợp lại các vấn đề đã tìm hiểu. Chúng tôi cũng hướng các em mạnh dạn đưa ra những ý kiến riêng của mình về vấn đề trên, đưa ra một số kiến nghị (nếu có) với các tổ chức bảo vệ môi trường, chính quyền địa phương, các hợp tác xã chăn nuôi và trực tiếp tới các hộ chăn nuôi.
Đề tài được đưa ra và thực hiện trong thời gian 3 tuần, trong thời gian đó, học sinh có những vấn đề gì cần giải đáp chúng tôi sẽ giúp đỡ các em. Khi nhận được các bài viết của học sinh chúng tôi hết sức ngạc nhiên vì nhiều em có sự đầu tư rất công phu, thậm chí tham khảo một số tài liệu để làm phong phú nội dung. Tổng hợp những bài viết như vậy, chúng tôi đã xây dựng thành chuyên đề và phổ biến vào tiết học bài thực hành Đ.14. Bài viết vừa là thành quả lao động tích cực của học sinh, vừa là tài liệu phổ biến, giáo dục nâng cao ý thức học sinh. Sau đây tôi xin giới thiệu nội dung một đề tài mà thầy trò chúng tôi đã thực hiên trong thời gian qua.
II. 1. TÌNH HÌNH PHÁT TRIỂN CHĂN NUÔI Ở ĐỊA BÀN HUYỆN NAM SÁCH HIỆN NAY.
Trong vài năm trở lại đây, phong trào phát triển kinh tế V.A.C nói chung và chăn nuôi lợn nói riêng đã mang lại những đổi thay đáng kể cho bộ mặt nông thôn, giải quyết được tình trạng lao động dư thừa lúc nông nhàn, tận dụng nguồn thức ăn sẵn có và đặc biệt cải thiện đáng kể mức sống và thu nhập cho nhiều hộ gia đình. Chính quyền địa phương hết sức khuyến khích sự phát triển đó.
Sự phát triển của chăn nuôi đã đáp ứng được nhu cầu về thịt sử dụng hàng ngày cho người dân và cung cấp nguyên liệu cho công nghiệp chế biến. Điều đó dẫn tới hiện nay ở nhiều địa phương xuất hiện các nhóm nông dân tập hợp thành các tổ hợp, các hợp tác xã chăn nuôi. Điển hình có thể kể trên địa bàn huyện Nam Sách đã có nhiều tổ hợp chăn nuôi: hợp tác xã chăn nuôi Hợp Tiến (do một số hộ chăn nuôi lợn thôn La Đôi - xã Hợp Tiến thành lập), hợp tác xã chăn nuôi Tân Tiến (do nông dân hai xã Nam Tân và Hợp Tiến thành lập), hợp tác xã chăn nuôi Đồng Lạc, hợp tác xã chăn nuôi Nam Hưng, Ái Quốc, Hiệp Cát... Sự ra đời của các hợp tác xã chăn nuôi đáp ứng nguyện vọng của đông đảo hộ nông dân muốn góp vốn xây dựng quỹ phục vụ cho các hoạt động của hợp tác xã như: hỗ trợ đầu vào (con giống, nguyên liệu hoặc thức ăn công nghiệp, tiêm phòng vacxin và dịch vụ thú y...), tranh thủ sự hỗ trợ của các viện nghiên cứu, các trung tâm về những thành tựu khoa học - kỹ thuật, hỗ trợ đầu ra (tiêu thụ sản phẩm), tiếp cận với nguồn vốn ngân hàng thuận lợi... 
Mặc dù chúng ta không phủ nhận vai trò to lớn của sự phát triển ngành chăn nuôi, song một vấn đề phát sinh đáng lo ngại là đằng sau sự phát triển đầy ý nghĩa đó là việc các hộ chăn nuôi rất thiếu hiểu biết về vấn đề môi trường, dẫn tới việc các chất thải chăn nuôi được thải hàng loạt vào môi trường, các cống rãnh, ao hồ... Những phát sinh của nó đã ảnh hưởng rất lớn đến sinh hoạt, sức khoẻ và đời sống bà con xung quanh, tác động sâu sắc đến sự phát triển bền vững trong các hệ sinh thái nông nghiệp vốn đã mất hẳn tính tự nhiên thuần tuý của nó.
Trước đây, khi sự tác động của con người còn hạn chế, tất cả các chất thải do con người tống vào môi trường đều được Trái đất "tiêu hoá", song khi mà xã hội ngày càng phát triển, lượng chất thải tạo ra ngày càng lớn, những nhiễu loạn do con người gây ra đã cản trở những hoạt động bình thường của nó. Hoạt động chăn nuôi không phải là hoạt động lớn, không tác động sâu sắc đến sự phát triển bền vững, song sự ảnh hưởng của nó mang tính chất trực tiếp đến đời sống con người. Do đó cần có chiến lược hợp lý để sao cho sự phát triển vừa thoả mãn nhu cầu của con người, đồng thời lại không ảnh hưởng tới môi trường - vốn đã mất hẳn vẻ tự nhiên. Mục đích của sự phát triển ấy gồm 2 nội dung:
	- Nâng cao chất lượng cuộc sống của con người
	- Đảm bảo sự phát triển bền vững của hệ sinh thái nông nghiệp.
II. 2. SỰ TÁC ĐỘNG CỦA CHẤT THẢI CHĂN NUÔI VỚI MÔI TRƯỜNG VÀ THỰC TRẠNG CỦA SỰ TÁC ĐỘNG ẤY
Những năm gần đây, sự phát triển của nông nghiệp cùng với việc ứng dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật tiên tiến đã mang lại những sự khởi sắc cho ngành kinh tế vốn đã già cỗi và lạc hậu này. Nhiều mô hình phát triển kinh tế nông nghiệp xuất hiện và có những đóng góp không nhỏ cho nền Kinh tế quốc dân. Thuật ngữ V.A.C đã trở nên quen thuộc với mỗi người. Nếu sự phát triển kinh tế nông nghiệp được duy trì theo kiểu "phát triển bền vững" với mô hình Hệ sinh thái V.A.C kể trên thì không có nhiều vấn đề phải bàn. Ngược lại ở một số nơi, sự phát triển thường chú trọng hơn đối với ngành chăn nuôi, đó là lý do tại sao vấn đề ô nhiễm môi trường lại trở nên nóng bỏng trong nhiều "trang địa phương" của các tờ báo.
Vì sao chăn nuôi lại ảnh hưởng lớn tới vấn đề môi trường? Đó là một câu hỏi lớn cần giải quyết. Tuy nhiên giải quyết như thế nào lại không phải là chuyện đơn giản. Câu trả lời là do chất thải chăn nuôi tác động. Hiện nay, rất nhiều người dân có thói quen thải nước thải, thậm chí cả phân gia súc ra các cống rãnh, ao hồ. Các chất thải này được tích tụ nhiều có thể gây ra nhiều hậu quả và gây thiệt hại lớn tới chính môi trường sống của chúng ta, tới sức khoẻ của con người.
1. Ảnh hưởng của chất thải chăn nuôi tới sinh hoạt và cảnh quan môi trường
Khi phân và nước thải chăn nuôi tống vào các cống rãnh ven đường và ao hồ sẽ phát sinh mùi hôi thối. Hậu quả là đã cướp đi bầu không khí trong lành cho những hộ gia đình xung quanh và ảnh hưởng tới sinh hoạt hàng ngày của mọi người. Hơn nữa, nó còn làm mất đi vẻ đẹp tự nhiên của cảnh quan các vùng nông thôn. Nhiều tổ chức môi trường đã cử các cán bộ môi trường đến các tổ hợp chăn nuôi để khảo sát tình hình ô nhiễm, song nhìn chung chưa có hướng khắc phục mang tính khả quan.
Theo đánh giá của Viện Khoa học - Kỹ thuật nông nghiệp Việt Nam tại một số địa phương phát triển mạnh về chăn nuôi cho thấy tác động do chăn nuôi tới sinh hoạt của người dân là rất đáng báo động. Ở địa bàn có phong trào chăn nuôi phát triển mạnh, các yếu tố của chăn nuôi tác động tới môi trường được xếp hạng ảnh hưởng lớn nhất.
2. Hiện tượng ô nhiễm sinh học
Sự ứ đọng của các chất thải chăn nuôi còn tạo điều kiện cho các vi sinh vật gây bệnh, các côn trùng, ký sinh trùng có hại có điều kiện phát sinh và phát triển gây nên hiện tượng ô nhiễm sinh học. Điều gì sẽ xảy ra nếu trong các môi trường ấy có chứa các mầm bệnh kiểu virut cúm gia cầm, nở mồ long móng ...? Khả năng tạo ra c ... t độc hại bị phân huỷ, cuối cùng là sản phẩm vô cơ lắng đọng và các muối khoáng hoà tan.
Ở Ấn Độ, thời "cách mạng trắng", lượng phân đại gia súc ứ đọng với số lượng rất lớn đã trở thành bài toán khó. Khi công nghệ khí sinh học được ứng dụng đã mở ra một triển vọng lớn cho đất nước này trong việc cải thiện môi trường. Đó là một trong những hướng đi rất tích cực để giảm thiểu sự ô nhiễm môi trường. Ở Việt Nam, công nghệ này được đưa vào từ cuối những năm 80, đầu những năm 90 của thế kỷ trước. Tuy nhiên, việc xây dựng các hầm ủ đòi hỏi công phu và tương đối tốn kém đối với một gia đình bình thường (từ 2 - 5 triệu đồng). Hơn nữa, ở những vùng ngập lụt thường xuyên, việc xây hầm gặp nhiều trở ngại.
Việc sử dụng công nghệ Biogas thường mang lại hiệu quả cao trong việc hạn chế ô nhiễm môi trường, tận dụng được nguồn nhiên liệu và giảm thiểu sự ứ đọng các chất. Những năm gần đây, chính quyền một số địa phương, nhiều tổ chức môi trường còn hỗ trợ kinh phí cho việc xây dựng các hầm Biogas. Đây là một sự quan tâm hết sức thiết thực đối với việc cải thiện môi trường nông thôn. 
Ở nhiều địa phương hiện nay, người ta còn sử dụng túi ủ phân bằng vật liệu PE (poly-êtylen). Đây là một biện pháp tốt để thay thế cho hầm ủ, và hấp dẫn hơn với người sử dụng là giá thành chi phí thấp. Một túi ủ chi phí chỉ bằng 1/10 hầm ủ và không tốn công xây dựng, dễ làm vệ sinh và có thể lấy phân dễ dàng. Đặc biệt túi ủ có thể lắp đặt nổi lên xuống theo con nước, phù hợp với các vùng hay ngập lụt. Những hộ chăn nuôi nhỏ (từ 10 - 15 con lợn) có thể sử dụng túi ủ phân. Thời gian sử dụng khí đốt trung bình từ 4 - 5 giờ/ngày, tiết kiệm than, củi hoặc điện và các dụng cụ luôn sạch sẽ.
Lợi ích của việc sử dụng công nghệ khí sinh học là rất lớn. Hơn nữa phân sau khi ủ thường có hàm lượng đạm và các nguyên tố vi lượng cao là loại phân bón tốt cho cây trồng, đặc biệt trong việc sản xuất rau sạch. Ngoài ra lượng phân sau khi ủ là nguồn tạo phù du tốt cho các ao cá. Nước tiểu sau khi qua hầm cũng được xử lý không gây độc hại cho các loài sinh vật.
3. Xây dựng hệ thống lọc nước tiểu
Nước tiểu là sản phẩm bài tiết của cơ thể vật nuôi nên thường chứa nhiều hợp chất gây độc hại cho các sinh vật thuỷ sinh. Nhiều hộ gia đình sau khi thu lượng phân thường thải nước thải ra môi trường. Đây là một việc làm hết sức nguy hại cho môi trường. Để hạn chế tác động tiêu cực đó, nhiều địa phương đã khuyến khích xây dựng hệ thống lọc nước tiểu. Mô hình này thực chất là hệ thống bể chứa (thường là bể 3 ngăn), khi nước thải đi qua các bể sẽ có quá trình lắng đọng các chất và quá trình phân huỷ của vi sinh vật. Đến bể chứa cuối cùng, các chất độc hại bị phân huỷ gần như hoàn toàn. Nước thải sau khi được xử lý qua các bể chứa có thể sử dụng để tưới cây hoặc tạo nguồn phù du cho ao cá.
Một số gia đình còn hạn chế tác hại của nước thải bằng cách làm hệ thống van và cống ngầm. Phân gia súc khi rửa chuồng được đưa xuống ao làm nguồn thức ăn cho một số loài cá (lượng phân vừa đủ cho cá nên ít ảnh hưởng tới môi trường) nhưng nước thải được lọc giữ bằng hệ thống ngầm, sau khi được phân huỷ thể sử dụng để chăm sóc cho cây trồng.
4. Xây dựng mô hình V.A.C khép kín
	Đây là một mô hình phát triển mang tính chất "phát triển bền vững". Nếu chúng ta biết kết hợp một cách hợp lý tác dụng của ba thành phần trên thì hiệu quả sẽ rất lớn.
	V.A.C là thuật ngữ viết tắt của ba từ: vườn - ao - chuồng. Đây là một hệ sinh thái nông nghiệp, trong đó có sự kết hợp chặt chẽ các hoạt động làm vườn, nuôi cá và chăn nuôi. Mối liên hệ giữa các thành phần trong hệ sinh thái rất chặt chẽ: vườn là nguồn cung cấp rau và các sản phẩm cho người, gia súc và cá; ao dùng để tưới cây và vệ sinh cho vật nuôi; chuồng cung cấp thức ăn cho người và nuôi cá, tạo nguồn phân bón chăm sóc cho cây trồng... Chiến lược của V.A.C là "chiến lược tái sinh": tái sinh năng lượng mặt trời nhờ khả năng quang hợp của cây, tái sinh chất thải của vật nuôi, cây trồng trong hệ sinh thái khép kín, hạn chế ô nhiễm môi trường. Nếu sử dụng mô hình V.A.C hợp lý có thể đạt hiệu quả cao trong việc phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường.
	Hiện nay, chính quyền địa phương nhiều nơi có chính sách khuyến khích, biểu dương các hộ nông dân sản xuất - kinh doanh giỏi. Đây là một chủ trương rất đúng đắn, song nếu ưu tiên hơn cho các mô hình V.A.C, cho sự phát triển bền vững thì còn mang lại nhiều lợi ích hơn nữa.
5. Nâng cao ý thức - trách nhiệm cho người dân
	Ở các địa phương có phong trào chăn nuôi phát triển mạnh, dường như chính quyền địa phương không để mắt tới hiện trạng ô nhiễm môi trường. Nếu muốn khắc phục tình trạng trên, nhất thiết chính quyền địa phương phải lên tiếng. Có thể bằng nhiều biện pháp từ tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng đến phạt vi cảnh hoặc cưỡng chế (đối với các hợp tác xã chăn nuôi) bằng luật bảo vệ môi trường.
	Chính quyền các địa phương có thể sử dụng lực lượng xung kích là Đoàn thanh niên để tuyên truyền ý thức bảo vệ môi trường đối với mọi người. Đây là một việc làm không khó nhưng cần có thời gian. Cần có biện pháp khuyến khích, biểu dương các cá nhân tiêu biểu để mọi người cùng phấn đấu, học tập đồng thời nêu tên các hộ vi phạm, gây ô nhiễm môi trường.
6. Một số biện pháp khác
	Đối với các cống rãnh đã bị ô nhiễm, trước hết cần cưỡng chế buộc các hộ gia đình phải có biện pháp khai thông trả lại mĩ quan cho đường làng, ngõ xóm. Xây dựng hệ thống chứa phân hợp lý không tác động, ảnh hưởng tới môi trường. Các hộ gia đình có thể trồng thêm nhiều cây xanh quanh khu vực chăn nuôi để cải thiện môi trường, đồng thời có thể che nắng cho vật nuôi.
	Đối với các ao hồ có hiện tượng phì dưỡng cao, cần có biện pháp lưu thông nước, thay nước thường xuyên để hạn chế tác động tiêu cực cho các quần thể sinh vật nuôi thả như các loài cá, tôm. Có thể thả xuống một phần ao các loại rau, bèo tây, muống... để cải thiện môi trường ao, tăng lượng thức ăn cho cá. Cần dựa vào khả năng tiêu thụ của cá để điều chỉnh hợp lý lượng phân cho cá ăn.
	Ở một số địa phương, người ta còn sử dụng một loại giun đốt có khả năng sử dụng phân gia súc làm thức ăn. Loại giun này có khả năng sinh trưởng nhanh và sinh sản tốt. Nếu sử dụng loại giun đó để "tiêu hoá" phân gia súc, sau đó dùng chính loại giun đó làm thức ăn cho vật nuôi và các loại cá thì hiệu quả sẽ rất tốt.
7. Kiến nghị
	Qua việc nghiên cứu thực trạng ô nhiễm môi trường ở các địa phương, tập thể thầy trò chúng tôi xin mạnh dạn đưa ra một số kiến nghị đối với chính quyền các cấp, các tổ chức môi trường cũng như các hợp tác xã chăn nuôi như sau:
a. Chính quyền địa phương (nhất là các xã sở tại có phong trào chăn nuôi phát triển mạnh) cần có các biện pháp tuyên truyền để mọi người có ý thức bảo vệ môi trường. Đối với các tổ hợp, các hợp tác xã chăn nuôi, chính quyền cần có biện pháp cưỡng chế để bảo vệ môi trường khi cần thiết. Cần phải cử ra một cán bộ chuyên trách về môi trường để hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện các quy định về môi trường, đồng thời tư vấn cho uỷ ban nhân dân xã về việc thực hiện các chính sách và các hoạt động liên quan đến môi trường.
b. Nâng cao kiến thức cho mọi người về các bệnh truyền nhiễm bằng hình thức tuyên truyền, cổ động hoặc mở các lớp tập huấn ngắn hạn cho các thành viên của hợp tác xã chăn nuôi và các hộ chăn nuôi tự phát. Làm được điều đó sẽ hạn chế việc thải nguồn chất thải có mầm bệnh ra môi trường, xác chết của vật nuôi vào môi trường, hạn chế được sự lây lan các bệnh truyền nhiễm với người và gia súc.
c. Các tổ kỹ thuật và thú y của mỗi hợp tác xã chăn nuôi cần có biện pháp tăng cường công tác vệ sinh phòng dịch: tiêm phòng vacxin cho vật nuôi, phổ biến các biện pháp vệ sinh chuồng trại như tẩy chuồng sau khi xuất lợn giống, lợn thịt hoặc khi có dịch bệnh xảy ra. Đây là một việc làm cần thiết cho mỗi hộ chăn nuôi cũng như đối với sự phát triển chung.
d. Các tổ chức môi trường, chính quyền các địa phương có chính sách đầu tư, khuyến khích xây dựng các phương tiện chống ô nhiễm môi trường: hầm Biogas, hệ thống lọc nước thải... chuyển giao các công nghệ xử lý môi trường tiên tiến đến các địa phương, đến mỗi hộ gia đình.
e. Chính quyền địa phương cần có quy hoạch hợp lý để tập trung các hộ chăn nuôi vào một khu vực nhất định nhằm hạn chế ảnh hưởng đến việc sinh hoạt của người dân, có biện pháp xử lý chung nguồn chất thải.
f. Khuyến khích phát triển kinh tế theo mô hình Hệ sinh thái V.A.C khép kín, tận dụng chất thải làm thức ăn cho cá và phân bón cho cây trồng. Cần phải quy hoạch hợp lý các thành phần V.A.C để hạn chế các tác động tiêu cực tới môi trường.
III. KẾT LUẬN VÀ KIẾN NGHỊ
	Trên đây là một trong những đề tài mà được thầy trò chúng tôi giành nhiều thời gian và tâm huyết xây dựng lên. Trong thực tế, với các bài thực hành trong chương trình Sinh học THPT hiện hành khó thực hiện do hạn chế về thiết bị, đồ dùng và hiệu quả không cao thì việc làm như trên đã có những tác dụng lớn trong việc nâng cao ý thức, trách nhiệm của học sinh trước vấn đề môi trường đang ngày một trở nên nóng bỏng hiện nay.
	Sau khi tập hợp các bài viết của học sinh của mình, chúng tôi chọn ra những bài viết xuất sắc nhất, sửa chữa một số nội dung cho hợp lí hơn và tập hợp lại thu được một công trình khoa học nhỏ nhưng ý nghĩa lớn. Nó không những giúp học sinh có ý thức, trách nhiệm trước môi trường sống mà còn giúp học sinh thêm yêu quý và say mê môn học, hoàn thiện khả năng tự học, tự nghiên cứu và tổ chức tốt các hoạt động nhóm. Công trình không chỉ là tài liệu giáo dục môi trường cho các em học sinh mà còn là tài liệu để tuyên truyền tới các hộ nông dân trong vấn đề bảo vệ môi trường. Tài liệu này cũng được thí điểm phát trên đài truyền thanh xã ở một nơi có phong trào chăn nuôi phát triển là xã Hợp Tiến. Kết quả là một số người dân đã thay đổi được tập quán chăn nuôi lạc hậu cũ bằng việc xây dựng các hệ thống xử lí chất thải có hiệu quả. Ở địa phương này, trong một năm trở lại đây số lượng các hầm ủ phân Biogas được phát triển nhanh chóng tới vài trăm, các ao hồ, cống rãnh cũng giảm thiểu nguy cơ ô nhiễm môi trường.
	Khi viết sáng kiến này, tôi mong rằng mình sẽ nhận được sự đồng cảm từ nhiều đồng nghiệp và các cấp chuyên môn. Những năm gần đây, việc đổi mới phương pháp dạy học được chú ý sử dụng mang lại nhiều đổi thay trong cách tiếp nhận kiến thức của học sinh, những việc làm như trên cũng giúp học sinh tích cực học hỏi, tìm tòi, tự học và nghiên cứu khoa học. Vì vậy tôi mạnh dạn đề nghị các cấp chuyên môn chú ý đến hướng thực hiện như trên vì nó không chỉ nâng cao ý thức học sinh trong vấn đề bảo vệ môi trường mà còn có thể góp phần nhỏ để nâng cao nhận thức của người dân trước môi trường sống đang ngày một đổi thay theo hướng tiêu cực.
	Mặc dù sáng kiến - kinh nghiệm được thực hiện ở khối lớp 11, những lớp cuối cùng của chương trình SGK THPT cũ nhưng nó vẫn có thể có ý nghĩa với chương trình SGK mới, giúp học sinh có thể tiếp cận dần phương pháp tự tìm tòi, nghiên cứu khoa học. Hy vọng rằng trong thời gian tới khi SGK mới được sử dụng ở tất cả các khối lớp, tiếp tục có nhiều chuyên đề như vậy được xây dựng để góp phần giáo dục môi trường và phát triển năng lực tự học, tự nghiên cứu trong học sinh.
MỤC LỤC

Tài liệu đính kèm:

  • docSKKN moi truong.doc