Cuộc sống của chúng ta ngày nay lệ thuộc quá nhiều vào thói quen, nhiều lúc, ta tưởng như mình bị chính những thói quen điều khiển. Những thói quen ấy và ảnh hưởng của chúng là tích cực hay tiêu cực hoàn toàn phụ thuộc vào chọn lựa của bạn. Bạn có thể chọn cách để tâm trí mình luôn ở thế chủ động, không bị những suy nghĩ u mê khống chế. Bạn cũng có thể thay thế những thôi thúc tiêu cực bằng ý nghĩ tích cực. Nhờ những thói quen tích cực tác động, đầu óc bạn sẽ thêm tỉnh táo, trí tưởng tượng thêm phong phú, lòng nhiệt tình, sự đam mê sẽ thêm cháy bỏng và ý chí sẽ được tiếp thêm sức mạnh.
BÀI 1. TUYÊN NGÔN ĐỘC LẬP – HỒ CHÍ MINH I. ĐỌC HIỂU (3,0 điểm) Đọc đoạn trích: Cuộc sống của chúng ta ngày nay lệ thuộc quá nhiều vào thói quen, nhiều lúc, ta tưởng như mình bị chính những thói quen điều khiển. Những thói quen ấy và ảnh hưởng của chúng là tích cực hay tiêu cực hoàn toàn phụ thuộc vào chọn lựa của bạn. Bạn có thể chọn cách để tâm trí mình luôn ở thế chủ động, không bị những suy nghĩ u mê khống chế. Bạn cũng có thể thay thế những thôi thúc tiêu cực bằng ý nghĩ tích cực. Nhờ những thói quen tích cực tác động, đầu óc bạn sẽ thêm tỉnh táo, trí tưởng tượng thêm phong phú, lòng nhiệt tình, sự đam mê sẽ thêm cháy bỏng và ý chí sẽ được tiếp thêm sức mạnh. Thái độ tích cực tạo ra một lực hút lớn đối với những điều tốt đẹp. Tương tự, người sở hữu tinh thần tích cực sẽ có sức cuốn hút người khác bằng chính sự lạc quan, tin yêu vào cuộc sống của mình. Trên đường đời, ai mà chẳng đôi lần thất bại, nhưng nếu ta luôn vững tin bằng tinh thần lạc quan và tích cực thì ta sẽ không bị nhấn chìm vào cảm giác khổ đau, tuyệt vọng. Chúng ta sẽ không cảm thấy quá căng thẳng, nặng nề khi phải đối diện với hoàn cảnh khó khăn có thể xảy đến bất kỳ lúc nào, để từ đó biết rút ra bài học kinh nghiệm. Thái độ tích cực luôn tạo nên những phản ứng tinh thần chính xác đối với mỗi tác động bên ngoài. Khi đó, bạn sẽ biết cách suy nghĩ, hành động và có cách cư xử đúng đắn trong mọi hoàn cảnh. Tâm hồn bạn và cuộc sống này là những điều bạn được tùy nghi sử dụng để đem lại ích lợi tuyệt đối cho chính mình. Do đó, sử dụng nó thế nào để đem lại hiệu quả chỉ phụ thuộc vào bạn mà thôi. Thái độ tích cực giúp bạn suy nghĩ và hành động sáng suốt hơn, luôn biết hướng về một tương lai xán lạn, mà nơi đó ước mơ và khát vọng của bạn có thể trở thành hiện thực. Bất kỳ khó khăn nào của cuộc sống, tiềm ẩn trong nó cũng là cơ hội cho những ai đủ sáng suốt nhận ra. Đúng như triết lý mà Thủ tướng Anh Benjamin Disraeli đã từng phát biểu: “Con người không phải là sản phẩm của hoàn cảnh mà là chủ thể tạo ra hoàn cảnh”. Một trong những cách giúp bản thân suy nghĩ và hành động tích cực là chọn lấy một động lực thúc đẩy từ nội tâm. Đó có thể là một câu “khẩu hiệu” thật ngắn gọn và ý nghĩa để nhắc nhở bạn bền bỉ thực hành sống tích cực cũng như kiên tâm theo đuổi mục đích đã đặt ra. Khi bạn nhắc đi nhắc lại trong đầu mình một suy nghĩ tích cực, đặc biệt là vào thời điểm phải đối diện với khó khăn, bạn sẽ thêm mạnh mẽ và kiên quyết để vượt qua tất cả nhằm đạt được điều tốt nhất có thể. (Michael J. Ritt- Chìa khóa tư duy tích cực, Nhà xuất bản trẻ) Thực hiện các yêu cầu sau: Câu 1. Xác định phương thức biểu đạt chính của đoạn trích. Câu 2. Theo tác giả làm thế nào để bản thân có thể suy nghĩ và hành động tích cực? Câu 3. Anh chị hiểu như thế nào về ý kiến cho rằng “Con người không phải là sản phẩm của hoàn cảnh mà là chủ thể tạo ra hoàn cảnh”? Câu 4. Anh/ chị có đồng tình với ý kiến cho rằng “Trên đường đời, ai mà chẳng đôi lần thất bại, nhưng nếu ta luôn vững tin bằng tinh thần lạc quan và tích cực thì ta sẽ không bị nhấn chìm vào cảm giác khổ đau, tuyệt vọng”? Vì sao? II. LÀM VĂN (7 điểm) Câu 1. (2 điểm) Từ nội dung đoạn trích ở phần Đọc hiểu, anh/chị hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) về việc suy nghĩ tích cực để có thể đạt được điều tốt đẹp trong cuộc sống. Câu 2. (5 điểm) Hỡi đồng bào cả nước! “Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc” Lời bất hủ ấy ở trong bản Tuyên ngôn Độc lập năm 1776 của nước Mỹ. Suy rộng ra, câu ấy có ý nghĩa là: tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng, dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do. Bản Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền của Cách mạng Pháp năm 1791 cũng nói: “Người ta sinh ra tự do và bình đẳng về quyền lợi; và phải luôn luôn được tự do và bình đẳng về quyền lợi” Đó là những lẽ phải không ai chối cãi được. (Trích Tuyên ngôn Độc lập – Hồ Chí Minh, Ngữ văn 12, Tập một, NXBGD VN, 2018, tr.39, 40) Phân tích đoạn trích trên. Từ đó nhận xét giá trị nội dung tư tưởng và nghệ thuật lập luận của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong văn chính luận. ---------------Hết----------- GỢI Ý - ĐÁP ÁN I. ĐỌC HIỂU Câu 1. Nghị luận Câu 2. Theo tác giả, một trong những cách giúp bản thân suy nghĩ và hành động tích cực là chọn lấy một động lực thúc đẩy từ nội tâm. Đó có thể là một câu “khẩu hiệu” thật ngắn gọn và ý nghĩa. Câu 3. Câu “Con người không phải là sản phẩm của hoàn cảnh mà là chủ thể tạo ra hoàn cảnh” được hiểu là: Con người có thể làm chủ bản thân, thay đổi hoàn cảnh, tạo cơ hội cho chính bản thân mình, không lệ thuộc vào hoàn cảnh. Câu 4. HS có thể đưa ra quan điểm riêng của mình. Có thể : Đồng tình/Không đồng tình/Vừa đồng tình, vừa không đồng tình. Lí giải hợp lí phù hợp với quan điểm đạo đức và pháp luật. II. LÀM VĂN Câu 1.Từ nội dung đoạn trích ở phần Đọc-hiểu, anh/chị hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) về việc suy nghĩ tích cực để có thể đạt được điều tốt đẹp trong cuộc sống. a. Đảm bảo yêu cầu về hình thức đoạn văn b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận Vai trò, ý nghĩa của suy nghĩ tích cực trong đời sống con người. c. Triển khai vấn đề nghị luận *Nêu vấn đề: Để có thể đạt được điều tốt đẹp trong cuộc sống, chúng ta cần phải có suy nghĩ tích cực. * Giải thích: “Suy nghĩ tích cực” là tư duy theo chiều hướng lạc quan, tin tưởng, nhìn mọi sự vật, vấn đề luôn luôn thấy cái hay, cái đẹp, cái tốt, thấy được phương hướng, kết quả giải quyết mọi vấn đề trong cuộc sống. Nếu thấy cái xấu ta có khả năng biến cái xấu thành cái tốt, luôn luôn hướng đến hành động để làm mọi việc tốt hơn. *Bàn luận: Suy nghĩ tích cực có tác dụng gì? (Lí lẽ và dẫn chứng) - Suy nghĩ tích cực có tác dụng và ý nghĩa quan trọng đối với đời sống tinh thần, định hướng hành động đúng đắn cho mỗi người. Những suy nghĩ tích cực cũng sẽ giúp bạn dễ dàng vượt qua căng thẳng, stress trong cuộc sống hơn. Thiếu suy nghĩ tích cực, con người dễ rơi vào trạng thái bi quan, bế tắc. Người nhìn nhận mọi việc với con mắt tiêu cực sẽ gặp trở ngại lớn trong sự nghiệp, vì không dám đương đầu với thách thức cũng như không có niềm tin vào khả năng của bản thân. - Suy nghĩ tích cực giúp ta tin tưởng vào những điều tốt đẹp ở phía trước, từ đó có thêm động lực để cống hiến hết sức mình với công việc hiện tại và gặt hái thành công (nêu dẫn chứng: việc ôn thi, đi thi,) *Bài học nhận thức và hành động -Hãy học cách suy nghĩ tích cực để tạo dựng cuộc sống tốt đẹp cho bản thân. Tránh xa tất cả các ảnh hưởng tiêu cực từ mọi phía. Thay đổi suy nghĩ tiêu cực bằng suy nghĩ tích cực dù tình huống có đang bi quan tới mức nào. Tập thói quen mỉm cười để làm cho tinh thần thoái mái hơn và hạnh phúc hơn mỗi ngày. - Mỗi người cần xây dựng cho bản thân quan điểm, suy nghĩ tích cực để thành công trong cuộc sống! d. Chính tả, ngữ pháp: Đảm bảo đúng chính tả, ngữ pháp tiếng Việt. e. Sáng tạo: Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận; có cách diễn đạt mới mẻ. Câu 2. Phân tích phần mở đầu bản "Tuyên ngôn Độc lập". Từ đó nhận xét giá trị nội dung tư tưởng và nghệ thuật lập luận của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong văn chính luận. a. Đảm bảo cấu trúc bài nghị luận (có đủ các phần mở bài, thân bài, kết luận) b. Xác định vấn đề cần nghị luận: Phân tích để làm nổi bật giá trị nội dung và nghệ thuật của đoạn đầu trong bản Tuyên ngôn Độc lập. c. Triển khai vấn đề * Giới thiệu khái quát về tác giả Hồ Chí Minh, tác phẩm Tuyên ngôn Độc lập, đoạn trích - Hồ Chí Minh là một tác giả lớn của nền văn học dân tộc Việt Nam. Người viết thành công trên nhiều thể loại: văn chính luận, truyện ký, thơ ca. Ở thể loại nào cũng có những tác phẩm xuất sắc mẫu mực. - Ở thể loại văn chính luận, Hồ Chí Minh đã chứng tỏ mình là một cây bút xuất sắc qua tác phẩm“Tuyên ngôn độc lập”. Mở đầu bản Tuyên ngôn Độc lập là phần nêu nguyên lí chung làm cơ sở tư tưởng cho bản tuyên ngôn. * Phân tích đoạn trích để làm nổi bật giá trị nội dung và giá trị nghệ thuật: a. Giá trị nội dung của phần mở đầu bản Tuyên ngôn: - Phần mở đầu nêu nguyên lí chung làm cơ sở tư tưởng cho bản tuyên ngôn. - Tác giả đã trích dẫn hai bản Tuyên ngôn: Tuyên ngôn Độc lập của Mĩ năm 1776 và Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền của Pháp năm 1791 nhằm: + Khẳng định các quyền lợi cơ bản của con người: Quyền sống, quyền bình đẳng và quyền mưu cầu hạnh phúc. + Nhắc nhở những hành động của bọn đế quốc, thực dân đang đi ngược lại và làm trái với những điều mà đất nước họ từng dõng dạc tuyên bố. - Từ việc trích dẫn về quyền con người để làm dẫn chứng, tác giả đã “suy rộng ra” nâng tầm và mở rộng thành quyền dân tộc. - Khép lại phần mở đầu là câu văn chắc nịch đanh thép. Người khẳng định mọi quyền lợi chính đáng của con người, của dân tộc là những “lẽ phải không ai chối cãi được”. Đây chính là bức tường pháp lí sừng sững, là tiền đề triển khai toàn bộ nội dung bản Tuyên ngôn Độc lập ở phần tiếp theo. Câu văn này cũng thể hiện tính luận chiến quyết liệt của ngòi bút Hồ Chí Minh. b. Nghệ thuật lập luận: Cách lập luận của Hồ Chí Minh vừa ngắn gọn, súc tích, vừa khéo léo vừa kiên quyết, lập luận sắc sảo, linh hoạt, sáng tạo và đầy sức thuyết phục. - Khéo léo: Hồ Chí Minh tỏ ra trân trọng những tư tưởng tiến bộ, những danh ngôn bất hủ của người Mĩ, người Pháp... - Kiên quyết: một mặt Hồ Chí Minh khẳng định quyền độc lập tự do của dân tộc Việt Nam dựa trên những chân lí mà người Mĩ và người Pháp đã đưa ra, đồng thời cảnh báo nếu thực dân Pháp tiến quân xâm lược Việt Nam một lần nữa thì chính họ đã phản bội lại tổ tiên của mình, làm nhơ bẩn lá cờ nhân đạo, thiêng liêng mà những cuộc cách mạng vĩ đại của cha ông họ đã dành được. - Lập luận sắc sảo, linh hoạt, sáng tạo: lời “suy rộng ra” của Người mang tư tưởng lớn của nhà cách mạng. Người đã phát triển quyền lợi của con người lên thành quyền tự quyết, quyền bình đẳng của các dân tộc trên thế giới. Đây là một đóng góp riêng của tác giả và cũng là của dân tộc ta vào một trong những trào lưu tư tưởng cao đẹp vừa mang tầm vóc quốc tế, vừa mang ý nghĩa nhân đạo của nhân loại trong thế kỉ XX. *Đánh giá Phần mở đầu "Tuyên ngôn Độc lập" không chỉ thể hiện nội dung tư tưởng cao đẹp mà còn thể hiện phong cách viết văn chính luận đặc sắc của Hồ Chí Minh: ngắn gọn, súc tích, thấm thía, rung động lòng người. "Tuyên ngôn Độc lập" thực sự là một tuyệt đỉnh của nghệ thuật văn chương và lịch sử. d. Chính tả, ngữ pháp: Đảm bảo đúng chính tả, ngữ pháp tiếng Việt. e. Sáng tạo: Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận; có cách diễn đạt mới mẻ. Câu 2. (5 điểm)- đề số 2 Kết thúc bản "Tuyên ngôn Độc lập”, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trịnh trọng tuyên bố rằng: "Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do, độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy" Dựa vào những hiểu biết về tác phẩm "Tuyên ngôn Độc lập", anh/chị hãy phân tích đoạn văn trên để làm sáng tỏ những tư tưởng lớn của Người. GỢI Ý a. Đảm bảo cấu trúc bài nghị luận (có đủ các phần mở bài, thân bài, kết luận) b. Xác định vấn đề cần nghị luận: Phân tích đoạn trích để làm để làm sáng tỏ những tư tưởng lớn của Người c. Triển khai vấn đề * Giới thiệu khái quát về tác giả Hồ Chí Minh, tác phẩm Tuyên ngôn Độc lập, đoạn trích - Hồ Chí Minh là một tác gia lớn của nền văn học dân tộc Việt Nam. Người viết thành công trên nhiều thể loại: văn chính luận, truyện ký, thơ ca. Ở thể loại nào cũng có những tác phẩm xuất sắc mẫu mực. - Ở thể loại văn chính luận, Hồ Chí Minh đã chứng tỏ mình là một cây bút xuất sắc qua tác phẩm“Tuyên ngôn độc lập”. Kết thúc bản Tuyên ngôn Độc lập là lời tuyên bố đanh thép và hùng hồn, đã kết tinh một cách sáng ngời những nội dung cơ bản của "Tuyên ngôn Độc lập". * Phân tích đoạn trích để làm để làm sáng tỏ những tư tưởng lớn của Người a. Trước hết, Hồ Chủ tịch khẳng định "Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập" vì đó là điều phù hợp với đạo lí và pháp lí: - Đất nước và con người Việt Nam cũng như tất cả mọi quốc gia, mọi dân tộc và mọi người "đều sinh ra có quyền bình đẳng (...), có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc" . "Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập". Bởi lẽ “người ta sinh ra tự do và bình đẳng về quyền lợi, và phải luôn luôn được tự do và bình đẳng về quyền lợi”. - Từ nhân quyền, Hồ Chủ tịch đã “suy rộng ra”, nói đến quyền tự quyết của mọi dân tộc: “Tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng, dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do”. Lẽ phải ấy không ai chối cãi được và vô cùng thiêng liêng. Sau hơn 80 năm bị thực dân Pháp thống trị, lời tuyên bố “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập” biểu lộ niềm tự hào dân tộc và khát vọng độc lập, tự do của đất nước và con người Việt Nam. - Cách mạng tháng Tám thành công, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, “và sự thật đã thành một nước tự do, độc lập”. Đó là một thực tế lịch sử không ai chối cãi được. Hồ Chủ tịch đã vạch trần những tội ác dã man về chính trị, về kinh tế của thực dân Pháp đối với dân tộc ta trong suốt 80 năm trời. Chúng áp bức, bóc lột dân ta đến tận xương tủy, “khiến cho dân ta nghèo nàn, thiếu thốn, nước ta xơ xác, tiêu điều”. Thực dân Pháp đã tước đoạt tự do, dìm nhân ta vào máu và nước mắt trong đêm trường nô lệ: “Chúng lập ra nhà tù nhiều hơn trường học. Chúng thẳng tay chém giết những người yêu nước thương nòi của ta. Chúng tắm các cuộc khởi nghĩa của ta trong những bể máu”, Thực dân Pháp chỉ trong vòng 5 năm (1940- 1945), chúng đã bán nước ta hai lần cho Nhật. Pháp và Nhật đã gây ra nạn đói năm Ất Dậu (1945) làm cho hơn hai triệu đồng bào ta bị chết đói. Trước khi thua chạy (9.3.1945), bọn thực dân Pháp “còn nhẫn tâm giết nốt số đông tù chính trị ở Yên Bái và Cao Bằng”. - “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do, độc lập”. Đó là lẽ phải, là sự thật lịch sử không ai chối cãi được. Cách mạng tháng Tám bùng nổ và thắng lợi, “dân ta đã lấy lại nước Việt Nam từ tay Nhật, chứ không phải từ tay Pháp”. Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời khi ba kẻ thù bị lật đổ, thất bại: “Pháp chạy, Nhật hàng, vua Bảo Đại thoái vị”. Độc lập và tự do là thành quả đấu tranh và cách mạng bền bỉ, gan góc, lâu dài của dân tộc ta. - Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời là một sự thật lịch sử, nên Hồ Chủ tịch mới tuyên bố một cách đanh thép, hùng hồn: “Tuyên bố thoát li hẳn quan hệ thực dân với Pháp, xóa bỏ hết những hiệp ước mà Pháp đã kí về nước Việt Nam, xóa bỏ tất cả mọi đặc quyền của Pháp trên đất nước Việt Nam”. b.Độc lập tự do là khát vọng, là ý chí của đất nước và con người Việt Nam, của dân tộc Việt Nam: - Lời tuyên bố vang lên như một lời thề thiêng liêng làm chấn động lòng người: “Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”. Cụm từ “Toàn thể dân tộc Việt Nam” nói lên sức mạnh đại đoàn kết, triệu triệu con người Việt Nam kết thành một khối mà không thể một kẻ thù tàn bạo nào có thể khuất phục được ! “Tự do hay là chết !”, “Dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải giành lại nền độc lập !”. Quyết tâm ấy được Hồ Chủ tịch tuyên bố đanh thép hùng hồn. Triệu triệu con người Việt Nam “quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”. - Lời tuyên bố của Hồ Chủ tịch là lời cảnh cáo nghiêm khắc đối với thực dân Pháp đang âm mưu tái chiếm Việt Nam một lần nữa, đồng thời kêu gọi toàn thể dân tộc Việt Nam sẵn sàng chiến đấu hi sinh cho độc lập, tự do của Tổ quốc. Ba mươi năm kháng chiến chống Pháp và chống Mĩ của nhân dân ta đã thể hiện một cách hùng hồn lời tuyên bố mạnh mẽ ấy. Đó là khát vọng, là ý chí sắt đá về độc lập tự do của dân tộc ta, của nhân dân ta. Một lần nữa, Người lại Tuyên bố: “Chúng ta thà hi sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ !”. (Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến – 19.12.1946). * Đánh giá: - “Tuyên ngôn Độc lập” xứng đáng là một áng “thiên cổ hùng văn”. Nó đã kế tục truyền thống vinh quang của “Nam quốc sơn hà”, của “Bình Ngô đại cáo”. Nó là lời Non Nước cao cả và thiêng liêng, thể hiện sâu sắc tư tưởng vĩ đại: “Không có gì quý hơn độc lập tự do”, biểu lộ ý chí và sức mạnh Việt Nam. - Đọc đoạn văn cuối bản “Tuyên ngôn Độc lập”, chúng ta càng thấm thía tự hào về độc lập, tự do mà dân tộc ta đã giành được bằng xương máu của bao thế hệ, của bao anh hùng liệt sĩ. -----HẾT-----
Tài liệu đính kèm: