Có một cái nhìn đa chiều trong truyện ngắn Nam Cao trước cách mạng

Có một cái nhìn đa chiều trong truyện ngắn Nam Cao trước cách mạng

 Quá trình hiện đại hóa của nền văn học Việt Nam gắn liền với sự thức tỉnh về ý thức cá nhân, phát hiện ra con người cá nhân , “ con người trong con người”. Trong văn học trung đại, do ảnh hưởng của hoàn cảnh lịch sử xã hội cụ thể, bị chi phối bởi tư tưởng phong kiến, con người chưa có điều kiện ý thức thật đầy đủ về cá nhân. Đầu thế kỷ XX, do tiếp xúc mạnh mẽ với văn hoá , văn học phương Tây, văn học Việt Nam mới có điều kiện mở toang cánh cửa để thâm nhập, khám phá thế giới nội tâm của con người cá nhân đó. Nam Cao là một trong những nhà văn hiện thực phê phán (1930-1945), đáp ứng xuất sắc nhất yêu cầu này của văn học. Từ “những điều trông thấy”, nghe thấy, Nam Cao ý thức sâu sắc về sự bất hòa của con người với hoàn cảnh xã hội cũ. Cuộc đời, trong quan niệm của ông là bế tắc, con người hoặc là sống quẩn quanh trong những kiếp lầm than, hoặc là lâm vào tình trạng sống mòn không lối thoát. Giải pháp nghệ thuật độc đáo tạo nên sự thành công của Nam Cao đó là khám phá thế giới tinh thần bên trong phong phú và phức tạp, đầy bí ẩn của con người. Nam Cao không bao giờ sử dụng một quan điểm trần thuật trong một tác phẩm.

doc 6 trang Người đăng kidphuong Lượt xem 5491Lượt tải 1 Download
Bạn đang xem tài liệu "Có một cái nhìn đa chiều trong truyện ngắn Nam Cao trước cách mạng", để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
CÓ MỘT CÁI NHÌN ĐA CHIỀU TRONG TRUYỆN NGẮN NAM CAO TRƯỚC CÁCH MẠNG
	Quá trình hiện đại hóa của nền văn học Việt Nam gắn liền với sự thức tỉnh về ý thức cá nhân, phát hiện ra con người cá nhân , “ con người trong con người”. Trong văn học trung đại, do ảnh hưởng của hoàn cảnh lịch sử xã hội cụ thể, bị chi phối bởi tư tưởng phong kiến, con người chưa có điều kiện ý thức thật đầy đủ về cá nhân. Đầu thế kỷ XX, do tiếp xúc mạnh mẽ với văn hoá , văn học phương Tây, văn học Việt Nam mới có điều kiện mở toang cánh cửa để thâm nhập, khám phá thế giới nội tâm của con người cá nhân đó. Nam Cao là một trong những nhà văn hiện thực phê phán (1930-1945), đáp ứng xuất sắc nhất yêu cầu này của văn học. Từ “những điều trông thấy”, nghe thấy, Nam Cao ý thức sâu sắc về sự bất hòa của con người với hoàn cảnh xã hội cũ. Cuộc đời, trong quan niệm của ông là bế tắc, con người hoặc là sống quẩn quanh trong những kiếp lầm than, hoặc là lâm vào tình trạng sống mòn không lối thoát. Giải pháp nghệ thuật độc đáo tạo nên sự thành công của Nam Cao đó là khám phá thế giới tinh thần bên trong phong phú và phức tạp, đầy bí ẩn của con người. Nam Cao không bao giờ sử dụng một quan điểm trần thuật trong một tác phẩm. Ý thức “cố tìm mà hiểu” con người, cách nhìn con người nhiều chiều, không bao giờ phiến diện của nhà văn đã khiến ông ,trong một tác phẩm, thường xuyên sử dụng, phối hợp nhiều quan điểm trần thuật, nhiều phương thức trần thuật. Các sáng tác của ông luôn có sự thâm nhập, đan xen, phối hợp, dịch chuyển những quan điểm trần thuật khác nhau, đó là đặc điểm nổi bật nhất, tạo nên sự hấp dẫn, uyển chuyển linh hoạt trong nghệ thuật dẫn chuyện của Nam Cao. Lão Hạc, Chí Phèo, Đời thừa là những tác phẩm thể hiện khá rõ điều trên.
YY
Nhiều nhân vật trong các truyện ngắn của Nam Cao - như Chí Phèo (trong Chí Phèo), lão Hạc, ông giáo (trong Lão Hạc), Hộ (trong Đời thừa) - đều giống nhau trong hành trình đầy day dứt, trăn trở, vật vã vì khát khao và quyết bảo tồn nhân cách, tìm kiếm sự sống sao cho xứng đáng là con người, sao cho “gần người hơn”. Con đường của lão Hạc là gìn giữ trọn vẹn tình thương trách nhiệm của người cha và tuyệt đối không làm hệ luỵ người khác , con đường của Chí Phèo là tìm về lương thiện, , con đường của Hộ là thái độ sống, là quan điểm sáng tác văn chương nhân đạo, vị tha.
	 Lão Hạc- trong truyện ngắn cùng tên- bề ngoài có vẻ gàn dở, lẩm cẩm, thậm chí có lúc còn bị nghi là đánh bả chó nữa. Thế nhưng, mặc cho cái vẻ bề ngoài có phần lẩn thẩn của nhân vật, Nam Cao đã “cố tìm mà hiểu” để nhìn thấu cái bề sau, bề sâu, bề xa, để thấy được bản chất nhất mực lương thiện, nhân hậu, đầy lòng tự trọng và giàu lòng vị tha của lão. 	Sử dụng hình thức trần thuật từ ngôi thứ nhất, Nam Cao mở đầu truyện ngắn Lão Hạc từ điểm nhìn của nhân vật Tôi- ông giáo- người kể chuyện : “Lão Hạc thổi cái mồi rơm, châm đóm. Tôi đã thông điếu và bỏ thuốc rồi. Tôi mời lão hút trước”.
	 Qua quá trình tìm hiểu, nhận thức và khám phá, phát hiện từ quan điểm của nhân vật “tôi”, cuộc đời , số phận cùng với bản chất nhân cách đích thực của lão Hạc càng lúc càng hiện ra cụ thể, sâu sắc và chân thực hơn. Cứ mỗi một tình tiết về cuộc đời lão Hạc lại gợi lên trong nhân vật “tôi” những suy ngẫm có khả năng thâm nhập sâu hơn vào chiều sâu nhân cách của nhân vật. 
	Khi nghe lão Hạc nói đi nói lại về việc bán con chó vàng, lúc đầu, ông giáo ngỡ là ông lão đã lẩm cẩm: “Tôi nghe câu ấy đã nhàm rồi”, “Lão nói là nói để đó đấy thôi; chẳng bao giờ lão bán đâu”. Ông giáo nhìn lão Hạc “để làm ra vẻ chú ý đến câu nói của lão”, chứ thực ra thì lòng ông giáo “rất dửng dưng”. “Làm quái gì một con chó mà lão có vẻ băn khoăn quá thế!”. Từ chuyện lão Hạc định bán con chó, ông giáo nhớ lại vết thương lòng của mình khi dứt tình bán đi những quyển sách quý của mình và quả quyết “Lão quý con chó vàng của lão đã thấm vào đâu với tôi quý năm quyển sách của tôi”.
Nhưng đến khi lắng nghe hết những lời bộc bạch tâm sự của lão Hạc, ông giáo mới hiểu vì sao có mỗi việc bán con chó vàng mà lão Hạc cứ băn khoăn, day dứt, do dự mãi. Ấy là vì, lão sống trơ trọi một mình, lão chỉ có con chó vàng để làm khuây. Hơn thế nữa, con chó vàng lại do thằng con trai lão mua về, định để đến lúc cưới vợ thì giết thịt. Con chó vàng trở thành kỷ vật của đứa con trai duy nhất đã năm sáu năm biền biệt đi xa của lão. Lão âu yếm gọi nó “là cậu vàng như một bà hiếm hoi gọi đứa con cầu tự”. Lão Hạc còn nuôi con chó vàng là còn hy vọng một ngày nào đó bất ngờ đứa con trai sẽ trở về để cưới vợ. Bây giờ, bán chó vàng là phải bán đi niềm hy vọng cuối cùng của mình. Chứng kiến nỗi đau tột độ của lão Hạc khi lão kể lại chuyện lão lừa con chó để người bắt nó : “trông lão cười như mếu và đôi mắt lão ầng ậng nước” thì cả nhận thức và tình cảm của ông giáo đã hoàn toàn thay đổi: Từ chỗ “dửng dưng” đến lúc “muốn ôm choàng lấy lão mà òa lên khóc”, từ chỗ cho rằng “lão quý con chó vàng của lão đã thấm vào đâu với tôi quý năm quyển sách của tôi” đến chỗ “bây giờ thì tôi không xót xa năm quyển sách của tôi như trước nữa” và đầy lòng xót thương, ái ngại cho lão Hạc. Hóa ra, nỗi đau của ông giáo khi phải bán những quyển sách quý không thấm vào đâu so với lão Hạc khi phải bán con chó vàng. Cứ như thế, cách trần thuật theo quan điểm của nhân vật “tôi” đã thể hiện cả quá trình tìm hiểu, khám phá về lão Hạc, từ chỗ lúc đầu chỉ thấy được cái bên ngoài đến chỗ hiểu sâu sắc bản chất bên trong; từ chỗ lúc đầu không hiểu, đến chổ hiểu, cảm thông và trân trọng lão. 
Bổ sung cho quan điểm trần thuật của nhân vật “Tôi”, Nam Cao liên tiếp tạo ra những điểm nhìn mới như để cọ xát, đối thoại để nhân ra bản lai chân diện mục của một con người. Dưới con mắt của bà giáo thì lão Hạc là một ông già gàn dở, lẩm cẩm, có tiền mà không chịu ăn cứ bo bo giữ lấy. Còn trong cái nhìn của Binh Tư- một kẻ chuyên sống bằng nghề trộm cắp- thì lão Hạc bề ngoài trông “tẩm ngẩm nhưng cũng ra phết chứ chả vừa đâu”. 
Lại có khi câu chuyện được dẫn dắt bởi quan điểm của lão Hạc, để cho lão tự bộc lộ nỗi niềm tâm sự sâu kín của chính mình. Đó là nỗi đau, nỗi tủi của một người cha không cưới nổi vợ cho con để nó phải phẫn chí đi phu đồn điền mà không hề hẹn mốc thời gian quay về trong khi tuổi trời của lão ngày một cạn dần. hương con nhưng đến cả con chó vàng của con để lại ,mà lão quý mến như con cháu, lão cũng không sao nuôi nổi. Thật là chua chát và mỉa mai khi lão Hạc thốt lên: “Kiếp con chó là kiếp khổ thì ta hóa kiếp cho nó để nó làm kiếp người, may ra nó sung sướng hơn một chút kiếp người như kiếp tôi chẳng hạn!”. Kiếp chó- kiếp người, so sánh đánh đồng như vậy thật là chua chát!. Lão Hạc cứ âm thầm làm nốt những phần việc cuối cùng của một kiếp người. Lão tự sát! Ai hay những lời tâm sự và sở cậy với ông giáo chính là di chúc, di ngôn của lão.Vậy mà không một ai đoán trước được!. 
Tôi đã tự hỏi sao lão không chọn cái chết đỡ đau đớn hơn? Thì ra lão không quên mình là người cha không tròn trách nhiệm nên chết để giữ vườn cho con. Lão không quên lão đã đưa cậu Vàng vào chỗ chết nên chọn cái chết bằng bả chó. Lão cũng không muốn mình làm liên luỵ đến xóm giềng  Lão Hạc sòng phẳng, nghĩa khí như một nhân vật trong bi kịch cổ điển. Đó là vẻ đẹp Con người sâu sắc, thăm thẳm. Cái chết của lão Hạc thật bất ngờ, nhưng ta không ngạc nhiên. Lão Hạc không phải không ham sống và cần sống để thấy lại mặt con để thấy cái ngày con nên đôi nên lứa nhưng những tai hoạ do con người, do trời đem lại đã dồn lão đến chân tường. Lão nhất định không tự biến mình thành cha không để lại được cho con một mảnh vườn thừa tự để nó khỏi lam vào cảnh vong gia thất thổ. Lão không muốn phiền luỵ láng giềng vì hậu sự của mình. Cái chết của lão là sự chiến thắng trong hành trình vật vã để bảo vệ cái phẩm chất người nguyên sơ, thuần khiết, cao quí vô ngần.
Ta thấy ở Lão Hạc, nhân vật được chiếu rọi từ nhiều góc độ khác nhau, nhiều cách nhìn khác nhau: Cái nhìn của bà giáo, cái nhìn của Binh Tư, cái nhìn bên trong của chính lão Hạc và cái nhìn của ông giáo với ý thức đi tìm “cái bản tính tốt của người bị nỗi buồn đau ích kỉ che lấp mất”. Chính nhờ cách dựng truyện từ những quan điểm khác nhau ấy- khi thì phủ nhận nhau, khi thì điều chỉnh, bổ sung, đào sâu thêm - đã làm hiện rõ hơn bao giờ hết một lão Hạc bề ngoài tưởng như gàn dở, lẩm cẩm, thậm chí còn có khi còn bị nghi là “ đạo đức giả” nhưng kỳ thực là một người nông dân nhất mực lương thiện, một nhân cách đáng trọng, một người tử vì đạo.
Như một qui luật, nếu truyện Lão Hạc của Nam Cao lúc đầu được trần thuật từ quan điểm của một nhân vật ‘ tôi” còn có tính khách quan từ bên ngoài, thì đến một lúc nào đó sẽ được dịch chuyển thành quan điểm của nhân vật đậm chất chủ quan, và từ quan điểm của nhân vật này được chuyển sang quan điểm của nhân vật khác. Phương thức trần thuật khách quan được sử dụng khi vào truyện đã đóng vai trò như mở ra một con đường để từ đó liên tiếp mở ra những nẻo đường khác nhau giúp người trần thuật thâm nhập vào những ý thức khác nhau của nhân vật, dẫn dắt câu chuyện linh hoạt, phóng túng mà vẫn nhất quán. Các truyện Chí Phèo, Đời thừa đều có sự kết hợp linh hoạt, uyển chuyển và nhuần nhị các phương thức và quan điểm trần thuật khác nhau.
Trong những tác phẩm trần thuật theo quan điểm nhân vật, Nam Cao thường gọi nhân vật bằng tên hoặc bằng đại từ ngôi thứ ba: hắn, y, thị, lãovà sử dụng rộng rãi ngôn ngữ nửa trực tiếp. Thường thì người trần thuật bắt đầu từ điểm nhìn khách quan: “Hắn vừa đi vừa chửi bao giờ cũng thế, cứ rượu xong là hắn chửi” (Chí Phèo), nhưng từ những điểm nhìn khách quan như thế, người trần thuật, đến một lúc nào đó đã nhập vai vào nhân vật. Đoạn mở đầu Chí Phèo, đang nhìn từ cái nhìn khách quan bên ngoài, người trần thuật đã từng bước nhập vai vào nhân vật, chuyển điểm nhìn vào nhân vật Chí Phèo để tái hiện tiếng nói của hắn: “Tức thật! Tức thật! Ồ! Thế này thì tức thật! Tức chết đi được mất!”. Đây là đoạn miêu tả tâm lý của Chí Phèo sau khi được Bá Kiến khôn khéo mời vào nhà: “Cụ dắt Chí Phèo đứng dậy, giục thêm vài tiếng nữa, và Chí Phèo chịu đi; hắn chỉ cố khập khiểng cái chân như bị què. Là vì lúc ấy trong người hắn rượu đã nhạt rồi, không còn kêu gào chửi bới. Sự ngọt ngào làm mềm nhũn” Điểm nhìn từ bên ngoài (ở câu thứ nhất) đã nhanh chóng chuyển vào cái nhìn bên trong của Chí Phèo. Với phương thức miêu tả từ bên trong ấy, Nam Cao đã miêu tả cụ thể và sinh động những ý nghĩ thầm kín đầy phức tạp của Chí Phèo với những suy nghĩ đắn đo vào hay không vào, những ý nghĩ liều lĩnh bất cần, nỗi sợ hãi mơ hồ xa xôi tự ngày xưa đan xen vào nhau làm lộ rõ chân tướng của một kẻ “cố cùng liều thân” làng Vũ Đại. Cái vẻ bên ngoài đã không hoàn toàn thống nhất với cái thực chất bên trong của Chí Phèo. Khả năng tái hiện nhân vật đúng như bản chất của chính nó là ưu thế của phương thức trần thuật theo quan điểm của nhân vật. 
Phương thức trần thuật khách quan của Nam Cao có lối kể dửng dưng, lạnh lùng, chua chát đến tàn nhẫn. Đây là một trong những phương diện quan trọng để khắc họa hình tượng người trần thuật Nam Cao, tạo nên nét phong cách độc đáo của nhà văn. Người đọc sẽ không quên được “cái mặt rạch ngang dọc như mặt thớt” của Chí Phèo, cái mặt xấu đến mức “ma chê quỷ hờn” của Thị Nở và thái độ của dân làng Vũ Đại đối với Thị Nở: “Người ta tránh Thị Nở như tránh một con vật nào rất tởm". Nam Cao thản nhiên, lạnh lùng đến mức có lúc bị quy là miệt thị con người. Nhưng xét đến cùng, sự lạnh lùng đến tàn nhẫn ấy là một biểu hiện cao độ bản lĩnh khách quan của người trần thuật Nam Cao. Nhà nghiên cứu Văn Giá đã hiểu Nam Cao quan nhận định này: “ Người đọc lắm lúc có cảm giác như đứa trẻ trong rạp xiếc lo lắng nhìn bước chân người tài tử diễn trò leo dây giữa khoảng không. Nam Cao không làm xiếc ngôn từ , không làm trò kĩ thuật, anh tự thử thách mình về tư tưởng bằng cách buộc mình đi lại một cách mạo hiểm bên bờ vực thẳm. Trên này là chủ nghĩa nhân đạo, dưới kia là thái độ nhục mạ con người, trên này là chủ nghĩa hiện thực, dưới kia là chủ nghĩa tự nhiên. Đúng là nhiều phen Nam Cao đã tỏ ra nghiêng ngả, thậm chí muốn sa chân thụt bước. Nhưng người đọc, sau những phút giây hồi hộp căng thẳng, càng cảm thấy khoan khoái, thấy anh cuối cùng vẫn đứng vững được trên bờ”
	Do nhu cầu phản ánh hiện thực với tất cả sự phong phú và chiều sâu tâm hồn con người, Nam Cao thường không duy trì một phương thức trần thuật từ đầu đến cuối tác phẩm. Vì thế, hầu hết tác phẩm của ông thường mở đầu theo quan điểm trần thuật khách quan, phản ánh đối tượng từ cái nhìn bên ngoài và có khoảng cách đối với nhân vật, đến một lúc nào đó ông lại sử dụng lối trần thuật theo quan điểm nhân vật. Người trần thuật ở đây đã nhập vai (chứ không nhập thân) vào nhân vật, để đi vào những cảm xúc, suy nghĩ, ấn tượng và nhìn thế giới theo con mắt của nhân vật bằng chính giọng điệu của họ. Trong những trường hợp như thế, “khoảng cách giữa người trần thuật và nhân vật trên thực tế bị thủ tiêu, điểm chính của cả hai phía đều hòa nhập làm một”. Ở đây trên hình thức văn bản ta thấy chủ thể phát ngôn là người trần thuật nhưng ý thức , giọng điệu phát ngôn đã là của nhân vật. 
Ta thấy trong truyện ngắn Chí Phèo, quan điểm trần thuật khách quan đã nhanh chóng chuyển thành quan điểm trần thuật theo nhân vật. Người trần thuật đã nhập vai vào nhân vật Chí Phèo để nói lên thật cụ thể tâm trạng đầy phân vân, do dự giữa việc vào hay không vào nhà bá Kiến báo thù. Ta còn thấy lòng chân thật và tâm trạng bâng khuâng, mơ hồ buồn vào cái buổi sáng sau lần gặp gỡ Thị Nở của Chí, nỗi niềm khao khát lương thiện của Chí Phèo: “Trời ơi! Hắn thèm lương thiện, hắn muốn làm hòa với mọi người biết bao” Khi thì lời trần thuật lại nhập vào dòng tâm tư của nhân vật Bá Kiến để thể hiện thật là sắc sảo những suy nghĩ, những tính toán đầy nham hiểm, nét khôn ngoan róc đời của con cáo già này. Cứ như thế, phương thức trần thuật, quan điểm trần thuật trong Chí Phèo luôn thay đổi, đan cài, thâm nhập vào nhau, tạo nên cách dẫn chuyện phóng túng, tự nhiên và có chiều sâu của thiên truyện.
	Khi Nam Cao, khi chuyển điểm nhìn vào bên trong nội tâm của nhân vật, quãng đời thê thảm nhất của Chí Phèo- từ khi đi tù về- mới được hiện ra một cách đầy góc cạnh. Có biết bao nhiêu thế lực xô đẩy Chí Phèo vào con đường tội lỗi. Nhưng suốt hơn chục năm trời kể từ khi ra tù về sống ở làng Vũ Đại, không có ai đối xử với Chí Phèo như một con người, cũng không hề có một cơ may nào, một bàn tay thân thiện nào chìa ra dắt Chí Phèo trở về cuộc sống lương thiện. : “ Tỉnh dậy hắn thấy hắn đã già mà vẫn còn cô độc. Buồn thay cho đời! Có lí nào như thế được? Hắn đã già rồi hay sao? Ngoài bốn mươi tuổi đầu Dầu sao , đó không phải là tuổi mà người ta mới bắt đầu sửa soạn. Hắn đã tới cái dốc bên kia của đời. Ở những người như hắn, chịu đựng biết bao nhiêu là chất độc, đày đoạ cực nhọc mà chưa bao giờ ốm, một trận ốm có thể gọi là dấu hiệu báo rằng cơ thể đã hư hỏng nhiều. Nó là một cơn mưa gió cuối thu cho biết trời gió rét, nay mùa đông đã đến. Chí Phèo hình như đã trông thấy trước tuổi già của hắn đói rét và ốm đau, và cô độc, cái này còn đáng sợ hơn đói rét và ốm đau”
Cái hy vọng được sống chung với Thị Nở, và sâu xa hơn là được quay về cuộc sống lương thiện, như ngọn lửa nhỏ vừa mới le lói đã bị cuộc đời dội nước lạnh vào làm cho tắt ngấm. Chí Phèo muốn làm lành với mọi người, muốn được sống lương thiện, muốn có được hạnh phúc bình thường nhất nhưng cũng không được xã hội làng Vũ Đại chấp nhận. Chí Phèo lâm vào bi kịch của một kẻ bị cự tuyệt quyền làm người. Tuyệt vọng, Chí Phèo lại uống rượu, uống để quên đi nổi uất hận, tủi nhục ê chề, nhưng lạ thay càng uống lại càng tỉnh... Nam Cao đã lấy thế giới nội tâm nhân vật làm đối tượng chính của sự miêu tả. Ông đã rất thành công trong việc hướng ngòi bút của mình vào việc khám phá con người, miêu tả và phân tích mọi biểu hiện, mọi chiều sâu và mọi chuyển biến trong thế giới tâm hồn của nhân vật.
Đối với đề tài viết về trí thức, trong truyện ngắn Đời thừa, ngòi bút trần thuật khách quan của Nam Cao cũng được bộc lộ một cách rõ nét. Người trần thuật trong sáng tác của Nam Cao luôn luôn có ý thức tách mình ra khỏi nhân vật, trần thuật từ ngôi thứ ba không nhân vật hóa, đặc điểm nhìn từ bên ngoài, để có thể tỉnh táo nhìn thẳng, làm nổi rõ sự trần trụi, “tàn nhẫn” của hiện thực. Nam Cao không ngần ngại phanh phui, mổ xẻ, phơi bày một cách thẳng tay, tàn nhẫn những suy nghĩ, những tính toán nhỏ nhen, đầy vị kỷ vừa đáng giận, vừa đáng thương của Hộ.
Nhưng sự khách quan lạnh lùng của người trần thuật Nam Cao chỉ là bề ngoài, còn bên trong chất chứa biết bao nhiêu nổi nhiệt thành. Ta thấy trong tác phẩm Nam Cao miêu tả cụ thể, sinh động những mâu thuẫn giằng xé trong tâm hồn của nhân vật. Đó là cuộc đấu tranh nội tâm âm thầm, lặng lẽ mà đầy căng thẳng quyết liệt của Hộ. Vốn là một nhà văn trẻ, Hộ từng ôm ấp khát vọng viết những áng văn đặc sắc làm mờ các tác phẩm cùng thời, những áng văn “vượt lên bên trên tất cả các một tác phẩm cùng thời”, và “vượt lên bên trên tất cả các bờ cõi và giới hạn Nó ca tụng lòng thương, tình bác ái, sự công bình. Nó làm cho người gần người hơn”. Đó là khát vọng tự khẳng định mình, sống có ích cho đời. Nhưng do gánh nặng mưu sinh khắc nghiệt khiến anh phải viết cẩu thả, vội vã cốt để có tiền nuôi vợ con. Hộ nhận thấy mình đã chà đạp lên khát vọng, lí tưởng cao thượng, trong sáng của mình. Anh tự xỉ vả mình, cho rằng mình là tên “đê tiện”, kẻ “vô ích”, một “người thừa”. Anh rẻ khinh rẻ chính mình và tự tìm đến rượu rồi chỉ vì một chút chuếnh choáng hơi men đã kích thích thổi phồng nỗi đau vỡ mộng văn chương để rồi đối xử vời Từ- người vợ hiền lành tội nghiệp của y- như một kẻ vũ phu. Tác phẩm được kết thúc bằng những giọt nước mắt sám hối chân thành, đau đớn của Hộ không phải vì chưa thực hiện được “hoài bão lớn”, chưa viết được một tác phẩm làm “lu mờ hết các tác phẩm khác cùng thời” mà vì chưa “làm gì cho đời Từ đỡ khổ hơn”. Qua tấn bi hài kịch của Hộ, Nam Cao như muốn khẳng định nhà văn chân chính cần phải đặt cuộc sống lên trên nghệ thuật, muốn viết cho nhân đạo trước hết hãy sống cho nhân đạo.
Có thể thấy hướng trần thuật dịch chuyển về phía nhân vật là hướng căn bản của quan điểm trần thuật trong sáng tác của Nam Cao. Nhà văn không bao giờ dừng lại ở quan điểm trần thuật khách quan. Hầu như những chuyện lúc mở đầu được trần thuật bằng quan điểm khách quan đến một lúc nào đó sẽ được chuyển sang trần thuật theo quan điểm của nhân vật. Có nghĩa là người trần thuật đã nhập vai vào hoặc là một nhân vật có tên nào đó, hoặc là một nhân vật xưng “tôi” để dẫn dắt câu chuyện. Trong sáng tác của Nam Cao, về cơ bản không còn hình thức nhà văn kể về nhân vật nữa mà nhà văn đã “trao ngòi bút” để cho nhân vật tự kể mình. Trong nhiều tác phẩm, sự nhập vai ấy tự nhiên, nhuần nhuỵ và sâu sắc đến mức người đọc có cảm giác như được nghe chính nhân vật nói về nó. Cách thức trần thuật nhập sâu vào dòng ý thức của nhân vật để dẫn dắt câu chuyện trong Chí Phèo, Đời thừa, Lão Hạc đã nói lên tài năng bậc thầy trong nghệ thuật trần thuật Nam Cao. 
YYY
Như vậy, quy luật vận động của quan điểm trần thuật trong sáng tác của Nam Cao với mong muốn khám phá “con người trong con người”, hướng tới cái đích thể hiện sự phong phú, phức tạp và chiều sâu thăm thẳm của tâm hồn nhân vật. Việc sử dụng linh hoạt nhiều phương thức trần thuật chẳng những tạo điều kiện cho Nam Cao thâm nhập sâu sắc nhất vào thế giới bên trong của con người mà còn mở ra khả năng to lớn trong việc nắm bắt những tính cách phức tạp, chứa đựng mâu thuẫn, không ngừng vận động và phát triển. Nam Cao viết trong “Lão Hạc”: “Chao ôi! Đối với những người ở quanh ta, nếu ta không cố tìm mà hiểu họ, thì ta chỉ thấy họ gàn dở, ngu ngốc, bần tiện, xấu xa, bỉ ổi Toàn những cái cớ để cho ta tàn nhẫn; không bao giờ ta thấy họ là những người đáng thương; không bao giờ ta thương”. Có thể nói trong suốt cuộc đời cầm bút của mình, Nam Cao luôn có ý thức đi tìm “cái bản tính tốt của người ta bị những nỗi lo lắng, buồn đau ích kỷ che lấp mất” (Lão Hạc). Đọc tác phẩm của Nam Cao chúng ta hiểu thêm về con người, cuộc đời, để chiêm nghiệm triết lý tình thương sâu sắc của ông. Qua đó người đọc cũng cảm thông, chia xẻ với những buồn đau của kiếp sống lầm than, những kiếp sống mòn của thời đại cũ với niềm mong ước và niềm khao khát mãnh liệt vươn tới một cuộc sống thực sự có ích, có ý nghĩa, xứng đáng với con người. Lí giải cách tiếp cận hiện thực và nghệ thuật trần thuật sử dụng nhiều điểm nhìn của Nam Cao, GS Trần Đình Sử cho rằng: “ Nam Cao không đơn giản kể chuyện về tâm trạng nhân vật, không đơn giản vạch ra sự quy định của hoàn cảnh đối với số phận con người, mà xuyên qua hình thức tồn tại của con người để hiểu nó. Con người tồn tại bằng ý thức và được bao bọc bởi ý thức và muốn tiếp cận nó người ta phải đối thoại với các ý thức đó() Một nhân vật mà tách rời với ý thức của chính nó và ý thức bao bọc nó thì không thật.”. Nam Cao đã thực sự nâng cao “ tầm đón nhận” cho người đọc đương thời. Nhà văn không hề ru ngủ họ và cũng không bao giờ được phép làm như vậy. Nhà văn phải làm cho họ thấy có nhu cầu đọc, có dũng khí lao vào thế giới mới lạ, phát biểu niềm vui và nối lo lắng của họ như là được đối diện với chính mình. Phải chăng nhiều nhân vật của Nam Cao có khả năng bước thẳng từ trang sách ra với cuộc đời tồn tại bên tôi, bên anh, bên chúng ta đã minh chứng cho thành công nghệ thuật của Nam Cao trên phương hướng nghệ thuật ấy.

Tài liệu đính kèm:

  • docCai nhin da chieu trong truyen ngan NAM CAO truoc 1945.doc