* Câu 1.
Phân tích truyện “Bắt sấu rừng U Minh Hạ” của nhà văn Sơn Nam
* Câu 2.
Nêu những nét chính về sự nghiệp văn học của Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh (40 dòng).
* Câu 3.
Phân tích tâm trạng và bi kịch của nhân vật hồn Trương Ba qua trích đoạn kịch “Hồn Trương Ba, da hàng thịt” của Lưu Quang Vũ.
Chuyên đề ôn thi Văn 12 (p6) Đề tham khảo ôn thi 6 ĐỀ SỐ 7 * Câu 1. Phân tích truyện “Bắt sấu rừng U Minh Hạ” của nhà văn Sơn Nam * Câu 2. Nêu những nét chính về sự nghiệp văn học của Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh (40 dòng). * Câu 3. Phân tích tâm trạng và bi kịch của nhân vật hồn Trương Ba qua trích đoạn kịch “Hồn Trương Ba, da hàng thịt” của Lưu Quang Vũ. HƯỚNG DẪN LÀM BÀI Bài làm (Câu 1) Sơn Nam là nhà văn Nam Bộ giàu bản sắc, có một phong cách nghệ thuật độc đáo, dung dị, hồn nhiên. Đọc truyện của ông, ta tưởng như đang ngồi nghe một lão nông miệt vườn, một tay ăn ong rừng kể chuyện. Có nhà phê bình đã nói, đọc truyện "Hương rừng Cà Mau" như được đi "thăm thú vùng đất Mũi kì thú mênh mông". Ta như được vui vầy sống giữa một thiên thiên hoang dã. Rừng tràm bát ngát, nhiều ong mật, cá sấu, rắn rùa, đủ các loài chim quý. Kênh rạch chằng chịt, lắm nước bạc, nhiều phù sa, đầy tôm cá. Một vùng đất giàu có với những con người dũng cảm, trọng nghĩa khinh tài, ngang tàng, bộc trực,... rất đáng yêu. Tất cả được Sơn Nam tạo nên một không gian nghệ thuật với bao câu chuyện kì thú hấp dẫn, đậm đà màu sắc Nam Bộ, cuốn hút chúng ta. Thấm đượm những trang văn của Sơn Nam là một tấm lòng yêu nước thiết tha, một tình yêu thương chan hòa với thiên nhiên và con người của đất rừng phương Nam Tổ quốc giàu đẹp. Truyện "Bắt sấu rừng U Minh Hạ" là một trong số 18 truyện rút trong tác phẩm "Hương rừng Cà Mau" xuất bản năm 1967. Tác giả kể lại chuyện ông Năm Hên bắt sấu ở ngọn rạch Cái Tàu tại địa phận làng Khánh Lâm, qua đó ca ngợi những phẩm chất như chất phác, dũng cảm, tài tử và trọng nghĩa khinh tài... của người nông dân Nam Bộ. . . 1. Phần đầu truyện, Sơn Nam nói về loài sấu. Nó là giống "hung hăng nhất" ở nơi sông rạch. Giống sấu chỉ thích nơi yên tĩnh, chật hẹp của ngọn cùng, không thích chốn sông sâu, nước chảy, có sóng gió. Sấu thường đi ngược sông Ông Đốc, rạch Cái Tàu, vào giữa rừng tràm vùng U Minh Hạ. Sấu thích ăn thịt người, nhưng tôm cá là "món ăn chính" của nó. Mùa nắng hạn rừng khô, sấu tìm đến các ao, các lung giữa rừng tràm mà lập "căn cứ", rồi "sanh con đẻ cháu". Câu chuyện càng trở nên hấp dẫn qua tình tiết khi có người lên rừng ăn ong chạy về loan báo: "Sấu ở giữa rừng nhiều như trái mù u chín rụng!". Chất hoang dã của rừng tràm, của rạch Cái Tàu, vẻ rùng rợn của câu chuyện được gợi ra bằng một câu loan báo nhiều ngạc nhiên và hoảng sợ vì sấu rất hung dữ lại "thích ăn thịt người!". Sơn Nam miêu tả sấu, đàn sấu bằng những chi tiết rất gợi, những hình ảnh đầy màu sắc. Giữa một cái ao lớn ước một công đất toàn lau sậy, dây cóc kèn là đàn sấu nổi lên "những vệt đen chi chít" giữa "bức tranh màu xanh" của rừng tràm, của cây lá. Đàn sấu được đặc tả bằng những so sánh gợi lên cảm giác rùng rợn như khi ta phải đối diện với loài vật hoang dã rất hung dữ và thích ăn thịt người. Có những con sấu to lớn "nằm dài như chiếc xuồng lường" (thuyền độc mộc). Lại có những con sấu rất cảnh giác, hung hăng "dùng hai chân trước mà vạch sậy, ngỏng mỏ xéo lên trời như họng súng thần công đại bác". Con sấu già, sấu chúa "trợn mắt" nhìn lũ người, phản ứng tinh khôn "bò thối lui vào giữa lòng ao, để thủ thế". Sấu chúa có đốm đỏ ngay giữa tam tinh, sống lâu đời, khôn lắm, nó đã nhiều phen “kịch chiến" với loài người, nó toan dụ địch thủ vào hang của nó nơi nước sâu. Có thể nói bức tranh sấu được Sơn Nam vẽ bằng một gam màu đen nổi bật trên màu xanh của rừng với ba nét vẽ về ba con sấu: sấu nằm, sấu bò, sấu trợn mắt. So sánh nào cũng độc đáo, giàu tưởng tượng. Một thiên nhiên hoang dã, rùng rợn, kì thú. Sơn Nam đã mở rộng tầm nhìn, đem đến cho ta những hiểu biết kì lạ, thú vị về thiên nhiên vùng đất mũi bao la chứa đựng bao bí mật. 2. Ông Năm Hên là nhân vật trung tâm của truyện "Bắt sấu rừng U Minh Hạ". Nhân vật xuất hiện bất ngờ, đúng là con người "có kì tài". Ông là thợ già chuyên bắt sấu ở Kiên Giang đạo. Ông đến vùng Khánh Lâm, ngọn rạch Cái Tàu bằng một chiếc xuồng ba lá nhỏ, trong xuồng "vẻn vẹn một lọn nhang trần và một hũ rượu". Năm Hên xuất hiện bằng một bài hát nghe "ảo não, rùng rợn" như một bài cầu hồn. Tiếng hát của ông lão vang lên trên con rạch theo nhịp bơi xuồng tới lui từ sớm tới chiều: "Hồn ở đâu đây? Hồn ơi? Hồn hỡi? - Xa cây xa cối - Xa cội xa nhành - Đầu bãi cuối gành - Hùm tha, sấu bắt...". Bài hát gợi lên màu sắc bi tráng của thiên truyện, góp phần gợi tả tính chất kì bí của nhân vật Năm Hên. Năm Hên xuất hiện với bao mong đợi của bà con vùng Khánh Lâm. Chẳng có vũ khí, chẳng có đồ nghề... Một đoạn đối thoại rất hay để giới thiệu Năm Hên là thợ bắt sấu chứ không phải tay câu sấu. Và ông ta chỉ "bắt sấu trên khô", bắt sấu "bằng... hai tay không". Tuy bà con vùng Khánh Lâm "nửa tin nửa nghi" nhưng ai nấy đều khâm phục người "bắt sấu bằng hai tay không quả là phi phàm, thế gian hi hữu". Ông Năm Hên chẳng phải là một kẻ khoác lác mà là con người đi bắt sấu vì việc nghĩa, chưa hề "nói láo để lường gạt" hoặc"mở miệng xin tiền bạc cơm gạo gì" của xóm Khánh Lâm này, của bất cứ ai. Đó là hình ảnh một con người trọng nghĩa khinh tài sống giữa cộng đồng bà con nông dân Nam Bộ xưa và nay. Ông nói: "Nghề bắt sấu có thể làm giàu được, ngặt tôi không màng thứ phú quới đó". Tiếng nói ông Năm Hên, cách ứng xử của ông trong nghề bắt sấu khác nào tâm thế ông Ngư trong "Truyện Lục Vân Tiên" của cụ Đồ Chiểu ở thế kỉ XIX: Ngư rằng: “Lòng lão chẳng mơ Dốc lòng nhân nghĩa há chờ trả ơn. Nước trong rửa ruột sạch trơn Một câu danh lợi chi sờn lòng đây". Con người của Nam Hên được hé lộ dần. Ông mang một nỗi đau, một mối thù đối với loài sấu hung dữ. Mười hai năm về trước, người anh trai của ông đi phá rừng lập rẫy tại Gò Quao, đã bị sấu ở Ngã Ba Đình bắt mất. Ông đi bắt sấu là để thực hiện một lời thề với vong linh người anh, như ông nói: "Tôi thề quyết trả thù cho anh". Ở đâu có sấu là ông đi tới. Ông "cực lòng" khi nghe tên những con rạch, ngã ba mang tên Đầu Sấu, Lưng Sấu, Bàu Sấu..., đó là những "nơi ghê gớm", hồi xưa đất còn hoang "sấu lội nhiều"... Vùng đất dữ đó, nhiều người mới chỉ nghe nói đến đã ghê sợ, rụng rời cả chân tay. 3. Ông Năm Hên đi bắt sấu ở ngọn Cái Tàu chỉ có một mình, có thêm Tư Hoạch dẫn đường vào ao sấu. Quá ngọ thấy một làn khói đen bốc lên ở phía ao sấu U Minh Hạ, ban đầu ngỡ cháy rừng, chập sau khói lụn xuống. Trời vừa xế, Tư Hoạch đã giong 45 con sấu "còn sống nhăn" trở về. Tư Hoạch reo lên: "Diệu kế! Diệu kế!... Một đời người mới có một lần". Nhìn đàn sấu "con này buộc nối đuôi con kia đen ngòm như khúc cây khô, dài... hai chân thúc ké trên lưng..." quạt nước bơi theo con thuyền Tư Hoạch, bà con cô bác Khánh Lâm vô cùng ngạc nhiên. Người thì "há miệng sửng sốt rồi toan chạy vào nhà trốn", người thì"khấn vái lâm râm...", có người lại bơi xuồng ra giữa sông hỏi han Tư Hoạch "rối rít". Nhà văn Sơn Nam đã khéo léo "hãm chuyện", cho bà con xứ Khánh Lâm nhìn thấy đàn sấu bị bắt đem về, rồi mới nghe Tư Hoạch kể lại chuyện ông Năm Hên bắt sấu, để làm cho câu chuyện trở nên hồi hộp, thú vị. Đến ao sấu, ông Năm Hên đi vòng quanh dòm địa thế, rồi ngồi xuống uống rượu thật ung dung. Ông chỉ nhờ Tư Hoạch bứt cho một nắm dây cóc kèn để trói sấu. Còn bao nhiêu công việc như đào một đường nhỏ từ ao sấu lên rừng đến chuyện chặt móp thành từng khúc, từ chuyện đốt sậy để xua đàn sấu đến chuyện đút khúc móp vào miệng sấu, lấy mác cắt gân đuôi và trói sấu... một mình ông làm tất. Cả bầy sấu 45 con đều bị ông Năm Hên bắt hết không sót một con nào! Đúng như ông nói: "Tôi đây.. chẳng qua là biết mưu mẹo một ít...". Bà con xứ Khánh Lâm thì trầm trồ, khâm phục: "Thực là bực thánh của xứ này rồi? Mưu kế như vậy thực quá cao cường!...". Cả xóm muốn"đền ơn ổng một số tiền, nuôi ổng cho tới già"... Ông Năm Hên không chỉ mưu trí dùng hỏa công để lùa sấu theo kế "điệu hổ li sơn", dẫn sấu vào tử lộ, dùng móp để khóa miệng sấu, mà ông còn rất dũng cảm khi đối diện với đàn sấu hung hăng đòi táp. Ông đã bình tĩnh đút từng khúc móp vào miệng lũ sấu dữ hung hăng. Nhà văn để ông Năm Hên "cúng đất đai vương trạch" rồi đi bộ về sau là một tình tiết đặc sắc, tung và hứng rất chặt chẽ. Lần thứ hai, tiếng hát cầu hồn của ông Năm Hên lại cất lên nghe ảo não, rùng rợn: Hồn ở đâu đây? Hồn ơi! Hồn hỡi!... Cùng với tiếng hát cầu hồn, giải oan, là hình ảnh ông Năm Hên "áo rách vai, tóc rối nùi, mắt đỏ ngầu, bó nhang cháy đỏ quơ qua quơ lại trên tay"... gợi lên không khí thiêng liêng, dân dã, kì bí, cổ kính. Người đọc cảm thấy những oan hồn bị "hùm tha, sấu bắt" đang kéo về bến sông nhìn đàn sấu bị ông Năm Hên bắt và khóc sụt sùi. Hình như có biết bao oan hồn đang chập chờn trên sông nước, đang chạy theo chiếc xuồng ba lá của ông Năm Hên. Truyện "Bắt sấu rừng U Minh Hạ" có dáng dấp riêng, khó lẫn. Chi tiết rất gợi không khí hoang dã, ngôn ngữ đậm đà màu sắc Nam Bộ, cách dựng truyện li kì. Nếu thiếu đi bài hát cầu hồn, câu chuyện sẽ kém phần thiêng liêng, cổ kính và kì bí. Hình ảnh ông Năm Hên, một thợ già bắt sấu dũng cảm, mưu trí, trọng nghĩa khinh tài, chất phác... cho ta nhiều ấn tượng. Ông là hình ảnh người nông dân Nam Bộ đi bắt sấu để chinh phục thiên nhiên, vì hạnh phúc con người và quê hương. "Bắt sấu rừng U Minh Hạ" như một đoản thiên phiêu lưu kí sáng giá. Bài làm (Câu 2) Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh (1890 - 1969) là anh hùng giải phóng dân tộc, nhà thơ lớn, nhà văn hoá lớn của đất nước ta trong thế kỷ 20. Người đã lấy văn thơ làm vũ khí cách mạng chiến đấu vì độc lập, tự do và chủ nghĩa xã hội. Văn thơ của Người phong phú, đa dạng, sâu sắc, đẹp đẽ được viết bằng 3 thứ ngôn ngữ: Tiếng Việt, tiếng Pháp và chữ Hán. Thời kì (1922 - 1925), Người đã viết hàng loạt truyện kí như “Vi hành”, “Lời than vãn của Bà Trưng Trắc”, “Những trò lố hay là Va-ren và Phan Bội Châu”, Các tác phẩm ấy giàu tính chiến đấu, kể chuyện linh hoạt, châm biếm hóm hỉnh, thể hiện chất trí tuệ và tính hiện đại đặc sắc. Người có tập “Ngục trung nhật kí” bằng chữ Hán (1942 - 1943) viết khi bị chính quyền Tưởng Giới Thạch cầm tù. Đó là những “vần thơ thép mà vẫn mênh mông bát ngát tình”, vừa cổ điển, vừa hiện đại. Ngoài ra, Bác Hồ còn có trên 30 bài thơ chữ Hán viết rải rác tại Việt Bắc và sau này. Những bài thơ như “Nguyên tiêu”, “Báo tiệp”, “Thu dạ” thể hiện một hồn thơ chiến sĩ tuyệt đẹp. “Sơn lâu chung hưởng kinh thu mộng Chính thị Liên khu báo tiệp thì” (“Báo tiệp” - 1948) “Yên ba thâm xứ đàm quân sự, Dạ bán quy lai nguyệt mãn thuyền” (“Nguyên tiêu” - 1948). Người còn để lại gần 100 bài thơ tiếng Việt, tiêu biểu nhất là các bài “Cảnh khuya”, “Đi thuyền trên sông Đáy” và nhiều bài thơ chúc Tết đậm đà tính chất dân tộc. Văn chính luận của Hồ Chủ Tịch hùng hồn, đanh thép, là “lời non nước”. Đó là “Tuyên ngôn độc lập”, “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến”, “Không có gì quý hơn độc lập tự do” “Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ!”. (Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến) Hồ Chí Minh! đẹp nhất tên Người. Văn thơ Hồ Chí Minh giàu tình yêu nước thương dân, yêu thiên nhiên, là di sản tinh thần cao đẹp của Người để lại cho nhân dân ta, đất nước ta muôn đời mai sau. Bài làm (Câu 3) Những năm tám mươi của thế kỉ XX, kịch của Lưu Quang Vũ đã làm chấn động sân khấu kịch Việt Nam thời đổi mới. “Hồn Trương Ba, da hàng thịt” là vở kịch đặc sắc nhất của ông, được sáng tác từ năm 1981, nhưng ba năm sau (1984) mới được ra mắt khán giả. Vở kịch được sáng tạo từ một truyện cổ tích cùng tên, qua đó, tác giả nêu lên một vấn đề xã hội mang tính triết lí sâu sắc:mối quan hệ giữa thể xác và linh hồn; con người ta không thể sống nhờ, sống gửi vào cuộc sống của người khác. Phần trích đoạn kịch là cuộc đối thoại giữa linh hồn và xác, giữa hồn Trương Ba và những người thân trong gia đình, giữa hồn Trương Ba và Đế Thích; cuối cùng là cái “chết” của hồn Trương Ba. 1. Cuộc đối thoại giữa hồn Trương Ba và xác hàng thịt là một cuộc đối thoại sinh động, đầy ý nghĩa triết lí. Lớp kịch này có 25 lượt lời. Xác hàng thịt thì một điều “ông”, hai điều “ông”, nhưng hồn Trương Ba thì chỉ có “mày”, “ta”. Thế nhưng xác hàng thịt đã lấn lướt hồn Trương Ba, sỉ nhục hồn Trương Ba đủ điều: Xác hàng thịt cho biết dù có “âm u đui mù mà tôi có sức mạnh ghê gớm, lắm khi át cả cái linh hồn cao khiết của ông đấy”; sao ông không nhớ “Khi ông đứng cạnh vợ tôi, tay chân run rẩy, hơi thở nóng rực, cổ nghẹn lại”; hoặc “Chẳng lẽ ông không xao xuyến chút gì? Hà hà, cái món tiết canh, cổ hũ, khấu đuôi, và đủ các thứ thú vị khác không làm hồn ông lâng lâng cảm xúc sao?”. Nghĩa là hồn Trương Ba đã bị sa sút, tha hóa. Khi hồn Trương Ba tự hào cho rằng mình có một đời sống riêng: “nguyên vẹn, trong sạch, thẳng thắn” thì xác hàng thịt châm biếm:“Nực cười thật! Khi ông phải tồn tại nhờ tôi, chiều theo những đòi hỏi của tôi, mà còn nhận là nguyên vẹn, trong sạch, thẳng thắn!”. Xác hàng thịt tỏ ra coi thường hồn Trương Ba, tự kiêu tự đại khẳng định vị thế, vai trò quan trọng của mình. Nào là "tôi đã cho ông sức mạnh”, hoặc “Tôi là cái bình để chứa đựng linh hồn”. Nào là “Nhờ tôi mà ông có thể làm lụng, cuốc xới Nhờ có đôi mắt của tôi, ông cảm nhận thế giới này qua những giác quan của tôi”. Xác hàng thịt thì thầm: “Tôi rất biết cách chiều chuộng linh hồn”; “Tôi biết cần phải để cho tính tự ái của ông được ve vuốt”, “chúng ta tuy hai mà một!”. Cuộc đối thoại giữa xác hàng thịt và hồn Trương Ba là cuộc đấu tranh giữa thể xác và linh hồn cùng tồn tại trong một con người. Thể xác và linh hồn có quan hệ hữu cơ với nhau, cả hai gắn bó với nhau để cùng sống, cùng tồn tại. Thể xác có tính độc lập tương đối của nó, có tiếng nói của nó, có khả năng tác động vào linh hồn, vì nó là nơi trú ngụ của linh hồn. Khi thể xác tiêu tan thì linh hồn cũng mất. Khi linh hồn “bay đi” thì thể xác cũng trở về cát bụi. Nhờ có linh hồn đấu tranh, chi phối với những ham muốn, những dục vọng tầm thường của thể xác mà nhân cách được hoàn thiện, tâm hồn được trong sáng. Câu nói của xác hàng thịt: “Tôi là cái bình để chứa đựng linh hồn” đã cho thấy mối quan hệ hữu cơ giữa thể xác và linh hồn, làm cho ý nghĩa ẩn dụ của đoạn đối thoại giữa hồn Trương Ba với xác hàng thịt thêm cụ thể, sâu sắc. 2. Từ khi sống nhờ xác hàng thịt, hồn Trương Ba bị tha hóa nhiều: tát con trai tóe máu mồm máu mũi (bằng bàn tay, bằng sức mạnh và sự tàn bạo của xác hàng thịt). Hồn Trương Ba khác hẳn ngày xưa, làm vườn thì thô vụng: đã làm “gãy tiệt cái chồi non” của cây cam, đã“giẫm lên nát cả cây sâm quý mới ươm”, đã "làm gãy cả nan, rách cả giấy, hỏng mất cả cái diều đẹp” của cu Tị. Từ ngày mang xác hàng thịt, hồn Trương Ba sống trong bi kịch, trải qua nhiều dằn vặt, đau khổ: vợ muốn bỏ đi để “ông được thảnh thơi với cô vợ người hàng thịt”; cái Gái, đứa cháu nội thì khinh bỉ, xua đuổi: “Ông xấu lắm, ác lắm! Cút đi! Lão đồ tể, cút đi!”. Chị con dâu, người thông cảm và thương hồn Trương Ba hơn cả, giờ đây trước cảnh “tan hoang”của gia đình thì vô cùng lo sợ, đau đớn “thấy mỗi ngày thầy một đổi khác dần, mất mát dần, tất cả như lệch lạc, nhòa mờ dần đến nỗi có lúc chính con cũng không nhận ra thầy nữa”. Trước lời than khóc của người con dâu, hồn Trương Ba tê tái, “mặt lạnh ngắt như tảng đá”. Ngồi một mình, như sực tỉnh, như bàng hoàng: “Mày đã thắng thế rồi đấy, cái thân xác không phải của ta ạ, mày đã tìm được đủ mọi cách để lấn át ta”. Không thể sống gửi nằm nhờ mãi được, không thể bị lệ thuộc vào thể xác hàng thịt và tự đánh mất mình, hồn Trương Ba an ủi, thức tỉnh, động viên mình: “Nhưng lẽ nào ta lại chịu thua mày, khuất phục mày mà tự đánh mất mình? Có thật không còn cách nào khác?Không cần đến cái đời sống do mày mang lại! Không cần!”. Sự do dự bị đẩy lùi, bị xua tan. Sự tỉnh ngộ của hồn Trương Ba tuy muộn mằn nhưng thật có nhiều ý nghĩa. Con đường tự giải thoát, linh hồn đã nhìn thấy ánh sáng. 3. Cuộc gặp gỡ và đối thoại giữa linh hồn Trương Ba và Đế Thích đã đẩy xung đột kịch lên cao trào, đỉnh điểm. Phải tìm gặp ngay Đế Thích, Hồn Trương Ba “đứng dậy, lập cập nhưng quả quyết, đến bên cột nhà, lấy một nén hương châm lửa, thắp lên”. Gặp lại người bạn chơi cờ ở cõi trời, hồn Trương Ba thổ lộ bao nỗi niềm day dứt: "Ông Đế Thích ạ, tôi không thể tiếp tục mang thân anh hàng thịt được nữa, không thể được!... Không thể bên trong một đằng, bên ngoài một nẻo được. Tôi muốn được là tôi toàn vẹn". Mặc dù đã được Đế Thích cho biết cái lẽ trời, cái lẽ đời là từ Ngọc Hoàng đến người trần mắt thịt có ai được là "mình toàn vẹn", mà "phải khuôn ép mình"... Vả lại, ông đã bị Nam Tào "gạch tên khỏi sổ", thân thể của ông "đã tan rữa trong bùn đất" rồi. Nhưng hồn Trương Ba phân trần, nài nỉ, nói lên thân phận hèn kém, sống gửi nằm nhờ của mình: "Sống nhờ vào đồ đạc, của cải người khác, đã là chuyện không nên, đằng này đến cái thân tôi cũng phải sống nhờ anh hàng thịt. Ông chỉ nghĩ đơn giản là cho tôi sống, nhưng sống như thế nào thì ông chẳng cần biết!". Hồn Trương Ba không muốn được sống trong thân xác anh hàng thịt nữa, cũng không muốn được "nhập vào cu Tị" bởi lẽ bao điều phiền toái, trớ trêu sẽ diễn ra, sâu xa hơn nữa sẽ "bơ vơ lạc lõng", "đáng ghét như kẻ tham lam". Thật vô lí, cực kì vô lí, bởi lẽ "một kẻ lí ra phải chết từ lâu mà vẫn cứ sống, cứ trẻ khoẻ, cứ ngang nhiên hưởng thụ mọi thứ lộc trời!". Xưa nay, như ta đã biết, những kẻ úy tử tham sinh, những kẻ tham quyền cố vị đều bị đồng loại coi khinh và chê cười! Hồn Trương Ba tuy có lúc tha hóa sa sút, nhưng giờ đây vẫn tỏ ra tỉnh táo, đáng trọng. Chỉ muốn Đế Thích hóa phép làm cho hồn hàng thịt được "sống lại" với thân xác anh ta; chỉ muốn vị tiên cờ hóa phép làm cho cu Tị được sống lại với mẹ nó, được chơi với bạn bè:"Ông Đế Thích, vì con trẻ ông ạ, vì con trẻ. Ông hãy giúp tôi lần cuối cùng"... Ý muốn ấy rất nhân bản và cao thượng. Hồn Trương Ba càng nói càng cầu khẩn tha thiết: "Tôi đã chết rồi, hãy để tôi chết hẳn!... Việc đúng còn làm kịp bây giờ là làm cu Tị sống lại. Còn tôi, cứ để tôi chết hẳn...". Cái giá của sự sống và chết "đắt quá, không thể trả được". Cho dù chết là hết, "khi được tham dự vào bất cứ nỗi vui buồn gì", nhưng sống gửi nằm nhờ thì "còn khổ hơn là cái chết". Hồn Trương Ba đau đớn cảm thấy xót xa: "Mà không phải chỉ một mình tôi khổ! Những người thân của tôi sẽ còn phải khổ vì tôi!". Cho dù có được sống, để vui chơi thỏa thích, được chơi cờ với Đế Thích, nhưng hồn Trương Ba đã phủ định: "Nếu còn tiếp tục sống, tôi cũng chẳng thích đánh cờ với ông nữa!... Không có gì chán bằng đánh cờ với tiên!". Hồn Trương Ba đã bẻ gãy cả bó hương do Đế Thích tặng, hồn Trương Ba nhất quyết muốn nhảy xuống sông tự tử hoặc đâm cổ tự sát để được chết, để tâm hồn mình được "trở lại thanh thản, trong sáng như xưa...". Ý tưởng của hồn Trương Ba thật cao thượng. Hành động của hồn Trương Ba thể hiện một quan niệm sống đúng đắn, tích cực: không thể sống gửi vào thân xác kẻ khác, không thể sống tha hóa, không được sống dai, cứ cố bám riết vào đời khi cái sống đã mất hết ý nghĩa. Không thể sống giả tạo để mang lợi lộc cho "bọn khốn khiếp". Hồn Trương Ba phủ định cái sống của mình, chịu cái chết để cho cu Tị được sống, thuận theo lẽ tự nhiên như lá vàng rụng xuống cho mầm non nhú mọc, tươi xanh. Nhân cách của hồn Trương Ba cao đẹp biết bao, đáng trọng biết bao! Bài học về ý nghĩa sự sống và cái chết, bài học về đạo lí và nhân cách được tác giả đặt ra một cách sâu sắc và thấm thía! 4. Đoạn kết vở kịch "Hồn Trương Ba, da hàng thịt" gợi cho độc giả, khán giả nhiều bâng khuâng. Hồn Trương Ba không theo Đế Thích về trời để chơi cờ, mà lại hóa thành màu xanh của cây vườn, vị thơm ngon của trái na, vẫn quấn quýt với người thân, gần gũi nơi bậc cửa, trong ánh lửa, nơi cầu ao, trong cơi trầu, con dao... của vợ con thương yêu. Cho dùthân cát bụi lại trở về cát bụi, nhưng hồn Trương Ba cao khiết vẫn bất tử trong cõi đời. Cái kết đầy chất thơ ấy đã làm cho tư tưởng nhân văn tỏa sáng tác phẩm. Nhiều thập kỉ đã trôi qua, bạn đọc ngày nay được sống trong sự đổi mới toàn diện, trong khí thế vươn lên của đất nước và dân tộc, sẽ còn tìm thấy nhiều tầng ý nghĩa thú vị hàm ẩn trong vở kịch "Hồn Trương Ba, da hàng thịt". Hồn Trương Ba đã và đang đánh thức chúng ta. ST
Tài liệu đính kèm: