Cách khai thác điển cố trong sáng tác văn học Việt Nam thời xưa

Cách khai thác điển cố trong sáng tác văn học Việt Nam thời xưa

Điển cố là một biện pháp tu từ được sử dụng phổ biến trong sáng tác văn học cổ ở nước ta. Được xây dựng trên cơ sở quan niệm triết học, thẩm mỹ cổ phương Đông, điển cố thể hiện phong phú tính hình tượng, tính liên tưởng, tính cô đọng, hàm súc, tính đa dạng và linh động. Sự hấp dẫn của điển có có được là nhờ yếu tố sinh động của lịch sử trong nội dung và sự đa sắc đa dạng trong hình thức thể hiện. Người sử dụng khéo léo điển cố trong sáng tác có thể chứng tỏ sự uyên bác và tài năng của mình. Yếu tố cơ bản để đưa điển cố vào câu thơ, câu văn là khả năng khái quát và vay mượn điển cố của người sử dụng.

doc 5 trang Người đăng kidphuong Lượt xem 3020Lượt tải 1 Download
Bạn đang xem tài liệu "Cách khai thác điển cố trong sáng tác văn học Việt Nam thời xưa", để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
CÁCH KHAI THÁC ĐIỂN CỐ TRONG SÁNG TÁC VĂN HỌC VIỆT NAM THỜI XƯA
ĐOÀN ÁNH LOAN
Thạc sĩ, Giảng viên Khoa Ngữ văn và Báo chí Trường đại học KHXH và NV
Điển cố là một biện pháp tu từ được sử dụng phổ biến trong sáng tác văn học cổ ở nước ta. Được xây dựng trên cơ sở quan niệm triết học, thẩm mỹ cổ phương Đông, điển cố thể hiện phong phú tính hình tượng, tính liên tưởng, tính cô đọng, hàm súc, tính đa dạng và linh động. Sự hấp dẫn của điển có có được là nhờ yếu tố sinh động của lịch sử trong nội dung và sự đa sắc đa dạng trong hình thức thể hiện. Người sử dụng khéo léo điển cố trong sáng tác có thể chứng tỏ sự uyên bác và tài năng của mình. Yếu tố cơ bản để đưa điển cố vào câu thơ, câu văn là khả năng khái quát và vay mượn điển cố của người sử dụng.
1. Nói chung, để thực hiện nguyên tắc khái quát điển cố, từ một câu chuyện lịch sử cụ thể, hoặc từ một câu văn, câu thơ hay bài văn, bài thơ, người ta thường rút gọn lại thành một vài từ ngữ ngắn gọn mà hàm chứa được toàn bộ nội dung và làm toát lên ý nghĩa sâu sắc nằm sau cái vỏ từ ngữ ấy. Cụ thể, để khái quát điển cố, người ta chọn lấy một chi tiết, một đặc điểm, hay một hình tượng độc đáo nào đó mang ý nghĩa lịch sử, của một nhân vật lịch sử, của một địa danh nổi tiếng gắn với sự kiện lịch sử. Ví dụ Chinh phụ ngâm có câu:
Kìa Văn Quân mỹ miều thưở trước,
E đến khi đầu bạc mà thương.
	(Câu 337 –338)
Văn Quân tức Trác Văn Quân vì mê tiếng đàn của Tư Mã Tương Như mà bỏ nhà theo chàng. Sau Tương Như muốn lấy vợ lẽ, Văn Quân bèn làm bài Bạch đầu ngâm khiến chàng cảm động mà bỏ ý định ấy. Dùng hình ảnh Văn Quân tóc bạc, người chinh phụ muốn biểu lộ nỗi lo sợ khi mòn mỏi đợi chờ người chồng nơi chiến trận, tuổi già cũng sẽ đến với nàng.
Lòng này gởi gió đông có tiện,
Nghìn vàng xin gửi đến non Yên.
Non Yên dầu chẳng tới miền,
Nhớ chàng thăm thẳm đường lên bằng trời.
	(câu 209-212)
“Non Yên” tứ núi Yên Nhiên ở ngoại Mông. Đậu Hiến đời Hậu Hán đuổi giặc Thiều Vu đến núi Yên Nhiên, liền khắc đá ghi công ở đó rồi trở về. Đây là tâm sự của người chinh phụ mong chồng sớm đạt đến vinh quang và khải hoàn trở về. Chỉ có từ “non Yên” mà tác giả có thể khái quát sự kiện khắc công trạng trên núi Yên Nhiên thành ý nghĩa của thắng lợi, khải hoàn.
Cung oán ngâm khúc có câu:
Trộm nhớ thuở gây hình tạo hoá,
Vẻ phù dung một đoá hoa tươi.
Nụ hoa chưa mỉm miệng cười,
Gấm nàng Ban đã nhạt mùi thu dung.
	(câu 9-12)
“Gấm nàng Ban” tức là một thứ lụa Tề hoàn do nàng Tiệp Dư, một cung nhân của Hán Thành Đế dệt ra rồi làm thành cái quạt và đề bài thơ Oán hành ca lên đó, để tự ví thân phận bị vua lạnh nhạt, ruồng bỏ. Tác giả dùng hình ảnh điển cố này (chỉ hoàn cảnh bị ruồng bỏ) để nói lên cảnh ngộ tương tư của mình.
Ngoài ra, người sáng tác còn chọn lấy một vài từ ngữ trong một câu văn, câu thơ hoặc bài văn, bài thơ làm điển cố và có thể mang ý nghĩa của cả bài hoặc cả câu thơ. Ví dụ Ai tư vãn của Ngọc Hân công chúa có câu:
Từ cờ thắm trỏ vời cõi bắc,
Nghĩa tôn phù vằng vặc bóng dương,
Rút dây vâng mệnh phụ hoàng,
Thuyền lan, chèo quế thuận đường vu qui.
	(câu 9-12)
“Rút dây” ý nói thành duyên vợ chồng. Trương Gia Trinh có năm người con gái, muốn gả một cô cho Đặng Nguyên Chấn, bảo các cô mỗi người cầm một sợi tơ màu khác nhau, ngồi sau tấm màn. Nếu Nguyên Chấn rút được sợi tơ nào thì cưới được cô gái cầm sợi tơ ấy. Nguyên Chấn rút được sợi tơ màu đỏ, cưới được cô gái thứ ba của Gia Trinh.
“Vu quy” là con gái đi về nhà chồng, mượn trong kinh thi: “Đào chi yêu yêu. Chước chước kỳ hoa. Chi tử vu quy. Nghi kỳ thất gia”. (Cây đào tơ tươi xinh. Hoa nở đầy. Người con gái ấy về nhà chồng. Hoà thuận êm ấm gia đình).
Truyện Kiều có câu:
Trước sau nào thấy bóng người,
Hoa đào năm ngoái còn cười gió đông.
	(Câu 2783-2784)
Câu thứ hai mượn ý bài thơ Thôi Hộ đời Đường “Tích niên kim nhật thử môn trung. Nhân diện đào hoa tương ánh hồng. Nhân diện bất tri hà xứ khứ. Đào hoa y cựu tiếu đông phong” (ngày này năm ngoái ở cửa này. Mặt người với hoa đào cùng ánh màu hồng. Mặt người không biết ở nơi nào. Hoa đào vẫn cười với gió đông như trước). Ý nói cảnh cũ vẫn còn mà người xưa không còn thấy nữa.
Về phía người sáng tác, họ chọn lọc và vận dụng chính xác điển cố, khái quát chúng rồi đưa vào câu thơ để biểu đạt nội dung. Về phía người đọc, chỉ cần đọc lên câu thơ có điển cố, nếu hiểu rõ nội dung và ý nghĩa của điển cố ấy sẽ hiểu được câu thơ hay câu văn ấy nói lên điều gì. Trong trường hợp, điển cố quen thuộc, đã được nhiều người sử dụng trong văn chương, hơn nữa, được thường xuyên sử dụng trong văn học dân gian thì càng dễ hiểu hơn. Chẳng hạn Chinh phụ ngâm có câu:
Nọ thì ả Chức, nàng Ngâu,
Tới trăng thu lại bắc cầu qua sông.
	(Câu 239-240)
“Ả Chức, chàng Ngâu” tức chuyện vợ chồng Ngưu Lang, Chức Nữ trong truyền thuyết Trung Hoa, vì biếng nhác công việc ở thiên đình phải chịu tội sống xa nhau, chỉ gặp nhau mỗi năm một lần vào mồng bảy tháng bảy bên sông Ngân.
Sự thể hiện bằng điển cố và sự tiếp nhận nó trong văn học là điều thông thường trong thời đại xưa. Tuy nhiên, để có thể biết được phương thức vận dụng phép tu từ đặc biệt này, ngoài nguyên tắc khái quát điển cố nói trên, hiểu được cách khai thác chúng cũng là điều cần thiết và thú vị cho việc nghiên cứu phong cách văn chương xưa.
II. Sử dụng điển cố trong văn học, nhìn chung đều dựa trên cơ sở vay mượn những sự kiện, yếu tố, chi tiết, nhân vật, hình ảnh từ những câu chuyện, hoặc câu thơ, câu văn được chép trong sách xưa, người sử dụng thường thao các cách khai thác sau:
Mượn tên người
Mượn tên một nhân vật nào đó làm điển cố là hiện tượng rất thường gặp trong văn chương cổ, mục đích để so sánh, ca ngợi. Như câu thơ sau trong Cung oán ngâm khúc:
Câu cẩm tú đàn anh họ Lý
Nét đan thanh bậc chị chàng Vương
	(Câu 21-22)
“Họ Lý”, “chàng Vương” chính là thi hào Lý Bạch và Vương Duy, một danh hoạ cũng là thi hào đời Đường. Ý câu thơ nói tài thơ, hoạ của nàng cung phi còn hơn cả Lý Bạch và Vương Duy. Sắc đẹp của nàng thật rực rỡ:
Hương trời đắm nguyệt say hoa.
Tây Thi mất vía, Hằng Nga giật mình 
	(Câu 20)
Tây Thi là người con gái đẹp thời Xuân Thu. Vua nước Ngô là Ngô Phù Sai vì say mê sắc đẹp của nàng mà bị mất nước. Hằng Nga nguyên là vợ chàng Hậu Nghệ đời vua Hoàng Đế, trộm thuốc trường sinh của chồng, thành tiên bay lên cung trăng. 
Mượn tên địa danh
Mượn địa danh để chỉ đưa ra một sự kiện, một hoàn cảnh, chẳng hạn trong Chinh phụ ngâm:
Săn Lâu Lan, rằng theo Giới Tử.
Tới Man Khê, ban sự Phục Ba.
	(Câu 37-38)
“Lâu Lan” là một nước nhỏ vào đời Tây Hán, nay thuộc tỉnh Tân Cương. “Giới tử” tức Phó Giới Tử đời Hán Chiêu đế, dùng mưu giết được vua nước Lâu Lan. “Man Khê” là thung lũng, nơi dân man ở. Đời Hán dân tộc này nổi lên chống Hán. Vua Hán cho Mã Viện giữ chức Phục Ba tướng quân đánh dẹp ở Man Khê. Ở đây ý nói khí phách hiên ngang của người làm tướng khi ra trận.
Mượn tên triều đại
Thông thường, để tránh gọi thẳng tên vua, nhất là vua đương thời, tránh nói về những gì liên quan đến vua, các tác giả mượn tên của triều đại xa trước để ám chỉ. Văn tế phò mã Chưởng hậu quân Vũ Tính và lễ bộ thượng thư Ngô Tùng Châu của Đặng Đức Siêu:
Phù vạc Hán thuở ngôi trời chiếu lệch, chém gai đuổi lũ hung tàn;
Với xe Đường khi thế nước chông chênh, cầm bút ra tay kinh tế.
“Hán”, “xe Đường” chỉ vua Gia Long. Ý tác giả nói lập lại trật tự khi có loạn.
Mượn tên cung điện, đền đài
Mượn tên cung điện, đền đài có gắn với nội dung một câu chuyện hay sự kiện lịch sử nào đó, tác giả muốn so sánh với tâm trạng hiện tại của nhân vật.
Cung oán ngâm khúc:
Sênh ca mấy khúc vang lừng.
Cái thân Tây tử lên chừng điện Tô.
	(Câu 143-144)
“Tây tử “ tức nàng Tây Thi. “điện Tô” tức là điện Cô Tô, tên một toà cung điện do vua Ngô Phù Sai dựng lên cho Tây Thi ở. Đoạn này mô tả lúc nàng cung phi được ân sủng của nhà vua. Nàng vui sướng tựa như nàng Tây Thi khi mới vào điện Cô Tô của vua Ngô Phù Sai. Người cung nữ trong Cung oán ngâm khúc miêu tả cảnh ăn chơi múa hát của cung nhân trong cung điện của vua. Thân phận của nàng lúc ấy đang được sủng ái hết mực.
Mượn tục lệ, thói quen
Mượn tục lệ, thói quen hay những quy định trong cuộc sống làm điển cố, ám chỉ sự việc cụ thể. Xuân nhật thị nhi của Nguyễn Khuyến:
Nhữ phụ phong trần mấn tiệm ban.
Nhữ niên kim diệc dĩ gia quan
(Cha con trải đời gió bụi tóc đã bạc.
Con nay cũng đã đến tuổi đội mũ).
“Gia quan” ý nói đến tuổi 20, Kinh, Lễ, thiên Quán nghĩa chép: con trai 20 tuổi làm lễ đội mũ.
Mượn tên chức quan
Mục đích của hiện tượng mượn tên chức quan làm điển cố thường thấy nhất là dùng chức quan để chỉ người. Phú đồ ngông của Nguyễn Khuyến:
Văn pha Nguyên mặc,
Sách học Quan hành
(Văn theo Nguyên mặc,
Học theo Quan hành).
“Nguyên mặc” tức những bài kinh nghĩa ở Trung Quốc. “Quan hành” chỉ Bùi Huy Bích làm chức hành tham tụng, làm giảm sách giản lược về kinh, sử, truyện, nên người ta gọi sách của ông là sách “quan hành” hay “hành tham”. Tuy nhiên, sách “quan hành” còn có nghĩa là sách “quan phương”, tức là loại sách bắt buộc phải học.
Mượn tên đồ vật
Dùng tên một vật gì để chỉ người hay sự việc cũng thường thấy trong phương thức dụng điển xưa. Kẻ sĩ của Nguyễn Công Trứ:
Trong lang miếu ra tài lương đống.
Ngoài biên thùy rạch mũi can tương.
“can tương” là tên thanh gươm của vua Hạp Lư nước Ngô. Ý chỉ binh khí tốt và chí khí hiên ngang nói chung.
Mượn các thuật ngữ
Trong văn chương, hiện tượng vay mượn các thuật ngữ từ Kinh, Sử, Tử, Tập làm điển cố rất thường gặp do quan niệm xem sáng tác của người xưa là kho tàng giáo huấn quý báu cho người đời sau. Tụng Tây Hồ phú của Nguyễn Huy Lượng:
Chạnh nhớ khúc Liên ngâm thường nguyệt.
Lúc tiếu đàm thường thoả ý giao phù.
“Giao phù” lấy chữ trong kinh Dịch, nghĩa là những người cùng chí hướng tương đắc mà không nghi kị nhau.
Mượn tên khúc hát
Người ta mượn tên khúc hát thường nhằm mục đích miêu tả cảnh tượng thiên nhiên nhất là về trăng hoặc để nói về cảnh sinh hoạt ca múa ở cung đình. Chiến tụng Tây Hồ phú của Phạm Thái:
Khi tứ yến bày đàn loan quán phượng, khúc Vũ nghê gió thổi lên cùng nguyệt, vui mừng đều thành thị hải ngung.
“Vũ nghê” tức Nghê thường vũ y khúc, khúc hát do Đường Minh Hoàng đặt tên. Trường hợp này, tác giả dùng điển để miêu tả cảnh sắc thiên nhiên.
Mượn tên sách
Để nhắc đến nội dung của quyển sách nào đó, cụ thể là để nói đến chủ đề tư tưởng hoặc tình cảnh của nhân vật hay của tác giả của quyển sách ấy, người ta mượn tên sách làm điển cố. Côn sơn ca của Nguyễn Trãi:
Vấn quân hà bất quy khứ lai,
Bán sinh trần thổ trường giao cốc”
(Hỏi ai sao chẳng sớm quay về.
Nửa đời vui mãi trong bụi đường)
“Quy khứ lai” mượn tựa bài Quy khứ lai của Đào Tiềm ca ngợi việc từ quan.
Mượn từ ngữ
Hình thức này rất phổ biến trong văn học. Thu dạ lữ hoài ngâm có câu:
Bạn đèn sách một hai tri thức.
Mùi chi lan sực nức một nhà.
	(C. 125-126)
“Mùi chi lan” là mùi của cỏ chi, cỏ lan, thứ cỏ thơm, hương của chúng hoà hợp với nhau. (Gia ngữ, chương Lục bản). Ý nói anh em bạn tốt.
Tóm lại, người xưa dùng nhiều phương thức để đưa điển cố vào câu thơ. Điển cố như rừng rậm chứa nhiều loại thực vật phong phú, đa dạng, nhiều màu sắc, muốn khai thác hiệu quả điển cố làm phương tiện biểu đạt, người ta dùng nhiều cách. Thường thấy nhất là khái quát nội dung, ý nghĩa câu chuyện hay câu thơ, câu văn thành một vài từ ngữ rồi kết nối chúng vào hệ thống câu thơ sao cho phù hợp và làm bật được hình ảnh, ý nghĩa cho thơ. Thông qua sự vay mượn –phương thức cơ bản nhất của việc vận dụng điển cố, nhà văn tuỳ theo nội dung, ý nghĩa và yêu cầu của thể loại văn mà chọn lựa và áp dụng điển cố. Hình thức vay mượn cũng hết sức đa dạng, mỗi điển cố là một hình ảnh sinh động và mang một ý nghĩa sâu sắc khác nhau. Dùng điển cố và thưởng thức câu thơ có điển cố, người viết lẫn người đọc mặc nhiên đi về quá khứ xa xưa, nơi đó có những sự kiện, con người lịch sử mà đã trải qua hàng trăm nghìn năm vẫn để lại cho đời những giá trị giáo huấn và thẩm mỹ nhất định.
Qua cách khai thác điển cố, chúng ta có thể hình dung được phần nào đặc trưng của biện pháp tu từ đặc biệt này, làm cơ sở cho việc nghiên cứu văn học cổ Việt Nam nói chung.
	ON EXPLORATIONS OF ALLUSION IN THE VIETNAMESE CLASSICAL LITERARY WRITINGS
DOAN ANH LOAN
Allusion is one kind of styles is usually used in the classical lieterary writings in Vietnam. On allusion application, writers’ abilities of its generalization and borrowings are highly requested. From historical stories, verses or poems, writers can abridge them into a few words by which the entire story is fully inferred and its profound meanings are set-off. In addition, to express thoughts, allsions that are names of people in history, legends places, dynasties, royal palaces, offcials, songs or books could be borrowed.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
Trương Chính: Chú thích một câu Kiều. Tạp chí Ngôn ngữ, 3.1991, trang 49.
Trần Ngọc Chuỳ: Về một điển cố trong truyện Kiều. Tạp chí Văn học, 4.1991, trang 59.
Dương Quảng Hàm: Việc dùng điển trong văn thơ, Văn học tạp chí, số 2, tháng 6.1932, trang 19-25.
Nguyễn Thuý Hồng: Thi liệu Hán học trong các văn bản thơ Nôm, Tạp chí Hán Nôm, tháng 5.1995, trang 33-36.
Phương Lựu: Vài nét về lý luận văn học, mỹ học cổ điển Trung Quốc, Tạp chí Văn học, số 6,1971, trang 81-94.
Phương Lựu: Về quan niệm văn chương cổ Việt Nam, NXB Giáo dục, Hà Nội, 1985.
Từ trong di sản, NXB Tác phẩm mới, Hội Nhà văn Việt Nam, Hà Nội, 1981.

Tài liệu đính kèm:

  • docCach su dngj dien co.doc