Tác giả Nguyễn tuân

Tác giả Nguyễn tuân

Nguyễn Tuân sinh ngày 10-07-1910 tại phố Hàng Bạc, Hà Nội trong một gia đình nho học đã tàn. Cả một thế hệ vốn gắn bó với cửa Khổng sân Trình bỗng trở nên lỗi thời trong xã hội Tây Tàu nhố nhăng. Chính sự thay đổi ấy đã tạo nên nhiều biến đổi trong cuộc đời, sự nghiệp văn chương và đặc biệt là phong cách nghệ thuật của Nguyễn Tuân. Điều đó cũng khiến cho nhà văn cảm thấy chán nản, tuyệt vọng và càng bế tắc hơn khi Nguyễn Tuân bị bắt năm 1929 vì tham gia một cuộc bãi khoá phản đốI mấy giáo viên Pháp nói xấu người Việt. Sau đó, Nguyễn Tuân lại bị bắt lần nữa vì “xê dịch” qua biên giới không giấy phép. Bất mãn với thời đại mà mình đang sống thế nên Nguyễn Tuân đã bộc lộ tư tưởng và phong cách riêng của mình trong các tác phẩm văn học với nhiều thể loại và chỉ thực sự gây chú ý kể từ tuỳ bút du ký “ Một chuyến đi” ( 1938 ) khi tham gia vào đoàn làm phìm “ Cánh đồng ma “.

doc 10 trang Người đăng kidphuong Lượt xem 1630Lượt tải 2 Download
Bạn đang xem tài liệu "Tác giả Nguyễn tuân", để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
NGUYỄN TUÂN
I/ VÀI NÉT VỀ TIỂU SỬ CON NGƯỜI :
1/ Tiểu sử :
Nguyễn Tuân sinh ngày 10-07-1910 tại phố Hàng Bạc, Hà Nội trong một gia đình nho học đã tàn. Cả một thế hệ vốn gắn bó với cửa Khổng sân Trình bỗng trở nên lỗi thời trong xã hội Tây Tàu nhố nhăng. Chính sự thay đổi ấy đã tạo nên nhiều biến đổi trong cuộc đời, sự nghiệp văn chương và đặc biệt là phong cách nghệ thuật của Nguyễn Tuân. Điều đó cũng khiến cho nhà văn cảm thấy chán nản, tuyệt vọng và càng bế tắc hơn khi Nguyễn Tuân bị bắt năm 1929 vì tham gia một cuộc bãi khoá phản đốI mấy giáo viên Pháp nói xấu người Việt. Sau đó, Nguyễn Tuân lại bị bắt lần nữa vì “xê dịch” qua biên giới không giấy phép. Bất mãn với thời đại mà mình đang sống thế nên Nguyễn Tuân đã bộc lộ tư tưởng và phong cách riêng của mình trong các tác phẩm văn học với nhiều thể loại và chỉ thực sự gây chú ý kể từ tuỳ bút du ký “ Một chuyến đi” ( 1938 ) khi tham gia vào đoàn làm phìm “ Cánh đồng ma “. Con đường thành công đang rạng ngời thì số phận lại đưa đẩy Nguyễn Tuân trở lại nhà tù lần thứ hai – 1941 vì giao du với những người hoạt động chính trị. Chính sự kiện này đã dập tắt mọi hy vọng của nhà văn tưởng chừng như mãi mãi. Thế nhưng cuộc đời đã không bạc đãi một người nghệ sỹ tài hoa. Nguyễn Tuân như được hồi sinh từ CMT8 – 1945. Ông hân hoan chào đón cuộc đời mới, tự “ lột xác “ và chân thành đứng vào hàng ngũ nhà văn cách mạng. Sau đó ông gia nhập Đảng Cộng Sản Đông Dương và trở thành Tổng thư ký hội văn nghệ Việt Nam.
Nguyễn Tuân mất ngày 28 – 07 – 1987 tại Hà Nội.
2/ Con người :
Nguyễn Tuân là một trí thức giàu lòng yêu nước. Ông yêu tiếng mẹ đẻ và những giá trị truyền thống của dân tộc, yêu thể thơ lục bát gắn liền với số phận bi thảm của nàng Kiều, yêu chất “ ngông “ trong thơ Tản Đà và cảm hứng trữ tình lãng mạn trong thơ Tú Xương “ tiếng nói chung của dân tộc, không nặng nề về thổ ngữ âm nhưng đọng cô vào một hương vị thổ ngơi Nam Định “. Như trong đoạn trích “ Thời và thơ Tú Xương “ Nguyễn Tuân đã viết rằng “ Tôi chưa dám khẳng định xem ở Tú Xương, con người yêu nước đã cho Tú Xương cái ý thức nuôi dưỡng tiếng nói dận tộc, hay là ngược lại con người sành Nôm yêu tiếng mẹ đẻ ấy đã hình thành cho tâm hồn ái quốc đó “.Ây cũng chính là suy nghĩ của nhà văn với chính bản thân mình xuất phát từ tấm lòng yêu nước chân thành sâu sắc. Cái cách mà ông bình về những dòng thơ của Tú Xương cũng phần nào cho ta thấy điều đó : “ Bên cái tục hằn, Tú Xương lồng vào một nét thanh, Tú Xương lấy một cái trong trắng mà gạn lọc cái vẫn đục và hút nó lên theo với thơ mình. Hay ông còn thể hiện lòng mình với non sông đất nước qua những thú chơi tao nhã điển hình là tác phẩm là “ Chữ người tử tù “ với nhân vật Huấn Cao - một người nghệ sĩ tài hoa, thiên lương trong sạch “ chữ ông Huấn vuông lắm, đẹp lắm “ khiến viên quản ngục cảm thấy “ân hận suốt đời “ nếu không xin được chữ. Bên cạnh đó, Nguyễn Tuân còn là người có ý thức cá nhân rất cao. Ông lao động nghệ thật có thể nói thực sự nghiêm túc. Ông luôn tìm kiếm những ý tưởng mới, khi đã ở đỉnh cao nghề nghiệp, ông vẫn không bao giờ tỏ ra lơi lỏng, hời hợt mà ngược lại luôn nghiêm khắc với chính mình. Nói như nhà thơ Nguyễn Đình Thi, đây là một nhà văn “ Suốt đời đi tìm cái đẹp, cái thật”. Sáng tạo trong nội dung, táo tạo trong phong cách, ấy chính là điểm nổi bật của nhà văn . Nguyễn Tuân không chỉ là một nhà văn sắc sảo, chau chuốt từng chữ trong từng câu văn mà ông còn là một nghệ sĩ tài hoa trong nhiều lĩnh vực : hội hoạ, điêu khắc, sân khấu, điện ảnh... Nhắc đến nhà văn Nguyễn Tuân là nhắc đến một con người đa tài, đa phong cách.
II/ SỰ NGHIỆP VĂN CHƯƠNG :
Như đã trình bày ở phần trên, Nguyễn Tuân sinh ra trong một gia đình nho học đã tàn. Không khí gia đình và hoàn cảnh đất nước lú ấy đã tạo nhiều sự thay đổI trong phong cách nghệ thuật của ông. Điển hình là các tác phẩm mà nhà văn sáng tác trước CMT8 năm 1945. Tác phẩm của Nguyễn Tuân trong thời kỳ này chủ yếu xoay quanh ba đề tài “ Chủ nghĩa xê dịch “, “ Vang bóng một thời “ và “Đời sống truỵ lạc “. Cái “ tôi “ trên bước đường xê dịch kiêu bạc và ngông nghênh như muốn phá bỏ những cái xấu xa, đê hạ của xã hội đương thời nổi bật là tuỳ bút du ký “Một chuyến đi” (1938) để rồi lại tìm về với những nét đẹp truyền thống dường như đang bị mai một dần theo thời gian với những thú chơi tao nhã uống trà, nhắm rượu, chơi hoa, chơi chữ đẹp qua tập truyện “ Vang bóng một thời “ ( 1939 ). Trong cái xã hội nhố nhăng ấy, Nguyễn Tuân đã cố giữ và phục hiện lại các giá trị văn hoá, tinh thần của xã hội. Vì thế mà “ Vang bóng một thời “ có thể được xem như một bảo tàng lưu giũ các giá trị văn hoá cổ truyền của dân tộc. Kể từ sau “ Vang bóng một thời”, Nguyễn Tuân rơi vào tình trạng khủng hoảng tinh thần sâu sắc khiến cái “ tôi “ trong nhà văn phút chốc trở nên chán nản, hoài nghi, mất niềm tin vào cuộc sống. Và vì thế mà đề tài chủ yếu mà Nguyễn Tuân viết trong giai đoạn này là hướng về đời sống trụy lạc.
Một số tác phẩm tiêu biểu cho nội dung đề tài và phong cách của Nguyễn Tuân trong thời kỳ này : Một chuyến đi ( 1938 ), Vang bóng một thời ( 1939 ), Tóc chị Hoài 
( 1943 ).
Hoài nghi, bế tắc và chán nản tất cả như lụi tàn trước luồng gió tràn đầy nhiệt huyết của cuộc CMT8 năm 1945. Người nghệ sĩ tài hoa ấy như được hồi sinh và trở lại với những trang viết bằng niềm tin vững chắc vào tương lai đất nước. Trong Nguyễn Tuân giờ đây không còn sự ngông nghênh một cách cực đoan, cũng không còn sự đối lập xưa với nay nữa mà thay vào đó là tấm lòng chân thành đối với quê hương đất nước đặc biệt là những người dân lao động cùng sự kết hợp giữa quá khứ, hiện tại và tương lai.
Tác phẩm chính : “ Chùa Đàn “ ( 1946 ), “Đường vui “ ( 1949 ), “ Tình chiến dịch” ( 1950 ).
III/ PHONG CÁCH NGHỆ THUẬT – QUAN ĐIỂM SÁNG TÁC:
Nếu nhà văn Nam Cao truyền sức sống vào trong tác phẩm của mình bằng giọng văn lạnh lùng nhưng thấm đượm ân tình khi viết về những người lao động hiền lành, chất phác bị chà đạp trong cái xã hội phi nhân đạo xấu xa, thối nát; những người trí thức tiểu tư sản bị đẩy vào bước đường cùng, bế tắc và tuyệt vọng, Thạch Lam thật hài hoà trong sự kết hợp giữa “hiện thực” và “thi vị trữ tình” tạo nên sự khác biệt, Nguyễn Công Hoan nổi bật với tiếng cười trào phúng hóm hỉnh sâu cay thì chất “ngông” trong văn chương Nguyễn Tuân đã góp thêm một tiếng nói đầy phong cách riêng vào kho tàng văn học Việt Nam trước và sau CMT8-1945. Như giáo sư Nguyễn Đăng Mạnh đã từng nhận xét “Hạt nhân của phong cách nghệ thuật Nguyễn Tuân có thể gói gọn trong một chữ ngông. Cái ngông vừa có màu sắc cổ điển, kế thừa truyền thống tài hoa bất đắc chí của những Nguyễn Khuyến, Tú xương, Tản Đàvà trực tiếp hơn là cụ Tú Lan, thân sinh nhà văn; vừa mang dáng vẻ hiên đại, ảnh hưởng từ các hệ thống triết lý nổi loạn của xã hội tư sản phương Tây như triết lý siêu nhân, quan niệm về con người cao đẳng, thuyết hiện sinh”. Trước CMT8, Nguyễn Tuân chơi ngông một cách cực đoan. Mọi sở thích quan niệm riêng đều được đẩy lên thành các thứ chủ nghĩa: chủ nghĩa duy mỹ, chủ nghĩa xê dịch, chủ nghĩa hưởng lạc Chất “ngông” trong văn chương của Nguyễn Tuân xuất phát từ nỗi bất bình trước thời cuộc, không chấp nhân những cái xấu xa làm lưu mờ các giá trị văn hoá của dân tộc và nỗi đau khi đất nước bị xiềng xích trong vòng vây nô lệ, khát khao bộc lộ cái “tôi” cá nhân với sự chống trả những luật lệ vô lý, hà khắc cùng thái độ ngạo đời. Như Trần Tế Xương cũng đã từng bất bình với cái thời mà mình đang sống để rồi tỏ ra khinh bạc những kẻ bất tài vô dụng :
“Khăn khăn áo áo thêm rầy chuyện
Bút bút nghiêng nghiêng khéo giở tuồng”
Ông đã thật sự kế thừa “truyền thống tài hoa bất đắc chí” ấy để tạo ra một nét độc đáo cho những tác phẩm của mình. Nhắc đến Nguyễn Tuân là nhắc đến sự sáng tạo, luôn tìm kiếm những điều mới lạ. Cái “tôi” ngông nghênh ấy cảm thấy chán nản với những đề tài quen thuộc, cũ rích và luôn muốn khám phá để chứng tỏ tài năng của mình. Nói như Nguyễn Đình Thi, Nguyễn Tuân là một nhà văn “suốt đời đi tìm cái Đẹp, cái Thật”. Đối với ông “văn chương trước hết phải là văn chương, nghệ thuật trước hết phải là nghệ thuật, và đã là nghệ thuật thì phải có phong cách độc đáo”. Cũng giống với cách suy nghĩ của nhà văn Nam Cao trong truyên ngắn “Đời Thừa : “Văn chương không cần đến những người thợ khéo tay, làm theo một vài kiểu mẫu đưa cho. Văn chương chỉ dung nạp được những người biết đào sâu, biết tìm tòi, khơi những nguồn chưa ai khơi và sáng tạo những cái gì chưa có”. Quả thật đúng như vậy. Mỗi tác phẩm của Nguyễn Tuân đều bộc lộ cái ngông nghênh, ngang tàng đúng với những suy nghĩ của con người ông. Điển hình là tác phẩm “Chữ ngườI tử tù” trong tập truyện “Vang bóng một thờI” được sáng tác năm 1939 nổi bật với nhân vật Huấn Cao.
Huấn Cao- người nghệ sĩ tài hoa giàu lòng yêu nước và tinh thần tự hào dân tộc được xây dựng trên chính cái ngông nghênh muốn bày tỏ quan điểm sống của mình với thái độ ngạo đời mang một phong cách rất riêng, hết sức độc đáo của nhà văn Nguyễn Tuân. Tiếng nói của nhà văn như hoá thành nhân cách, phẩm chất của người anh hùng không khuất phục trước những thế lực bạo tàn, xấu xa của xã hội đương thời. Huấn Cao như ngôi sao Hôm toả sáng trên bầu trời đen màu tội lỗi. Tài hoa của Nguyễn Tuân như hoá thành cái tài của nhân vật Huấn Cao trí dũng song toàn, hiên ngang đứng giữa bao nhiêu cám dỗ. Tài viết chữ đẹp ấy đã khiến viên quản ngục hết sức nể phục một tên tù nhân đã có bề dày chiến tích “cái sở nguyện của viên quan coi nguc là một ngày kia được treo ở nhà riêng mình một câu đối do tay ông Huấn Cao viết”. Chữ ông Huấn Cao “ vuông lắm, đẹp lắm” mà nếu không xin được chữ thì “ân hận suốt đờI”. Một tên tù nhân sáng ngời ở nhân cách, bằng tài hoa và tâm hồn của mình đã làm những điều xấu xa đang ngự trị trong nhà tù đầy mùi ẩm mốc ấy càng trở nên đê hạ hơn bao giờ hết. Nhân vật được xây dựng dưới ngòi bút hiên thực sắc sảo của nhà văn bao giờ cũng thể hiện vẹn tròn chữ đức chữ tài như thách thức cái xã hội mà luân lí đảo điên, góp thêm một tiếng nói đầy chất “ngông” vào các tác phẩm văn học trước CMT8-1945
Một người nghệ sĩ tài hoa , học rộng hiểu nhiều như Huấn Cao đúng ra phải tận tâm tận lực phục vụ cho triều đình, thế nhưng ông thà làm giặc chiến đấu vì lý tưởng của mình hơn là chấp nhận đổi lấy danh dự bằng sự yên ổn. Ngay cả khi ông bị bắt vào tù có thể xem như lần cuối cùng ông được nhìn về phía non sông đất nước để đau cùng nỗi đau dân tộc, Huấn Cao vẫn bước những bước vững tin, hiên ngang trên con đường đầy tội ác dẫn đến nhà tù đầy rẫy những bất công. Ông sống trong tù một cách tự do như cuộc sống trước đây ông đã từng sống, không ràng buộc, không khổ đau. Chi tiết Huấn Cao bị rệp cắn đã thể hiện điều đó : “Rệp cắn tôi, đỏ cả cổ lên rồi. Phải gỗ rông đi”. Sống trong nhà lao và đang chịu sự giám sát của nhà tù, vậy mà con người ấy vẫn tự do, thản nhiên làm những điều mình nghĩ mà không chút quan tâm đến nơi mà mình đang ở: “Ông vẫn thản nhiên nhận rượu thịt, coi như đó là một việc phải làm trong cái hứng sinh bình lúc chưa bị giam cầm”. Dường như chính cuộc đời từng trải và chiến đấu vì tình yêu quê hương dân tộc đã rèn luyện nên con người ý chí sắt đá không bao giờ biết cúi đầu trước quân thù. Đó cũng chính là điều tâm huyết của nhà văn Nguyễn Tuân với đúng phong cách rất ngông mà ông muốn truyền vào cái hồn của nhân vật. Điều đó càng được thể hiện rõ hơn trong đoạn đối thoại giữa Huấn Cao với viên quản ngục bộc lộ khí khái của người anh rất đỗi tài hoa này : “Ngươi hỏi ta muốn gì ? Ta chỉ muốn có một điều là nhà ngươi đừng đặt chân vào đây nữa” Dẫu biết rằng cái chết đang kề cận, dẫu biết rằng nói như vậy sẽ phải nhận hậu quả như thế nào nhưng từ khi đặt chân vào cái nhà tù này, Huấn Cao đã khẳng định lý tưởng cũng như cách sống của mình, và chính trong hoàn cảnh ngàn cân treo sợi tóc này càng làm cho lý tưởng sống ấy bền vững hơn bao giờ hết, không một điều gì có thể làm cho con người từng trải này phải run sợ : “Bần tiện bất năng di, uy vũ bất năng khuất”- một nhân cách tốt đẹp mà từ ngàn năm nay con người vẫn ao ước. Chính điều đó đã làm cho viên quản ngục càng khâm phục hơn con người toàn đức toàn tài để rồi nhận thấy sự sai lầm trong quan điểm sống của mình. Sức mạnh của nhân vật là ở đấy. Không một chút quyền lực trong tay mà vẫn làm cho người ta phải nể phục, phải cúi đầu trước vầng hào quang luôn toả sáng một lý tưởng, một nhân cách. Có lẽ vì mà bạn đọc dường như không thấy bất ngờ mấy với câu nói : “Xin lĩnh ý” của quản ngục. Tuy căm thù đến tận xương tuỷ cái thời mà mình đang sống khiến ông khinh bỉ cả những kẻ đang làm việc trong nhà lao này, thế nhưng không vì thế mà Huấn Cao từ chối lời đề nghị của viên quản ngục để cái đẹp mãi ngự trị và thăng hoa : “Ta nhất sinh không vì vàng ngọc hay quyền thế mà ép mình viết câu đối bao giờ Ta cảm cái lòng biệt nhỡn liên tài của các người”. Quý trọng và nâng niu cái đẹp, Huấn Cao đã khiến tài năng của mình không chỉ đơn thuần là hình thức mà còn là nét đẹp xuất phát từ cái tâm của người nghệ sĩ. Và nếu câu chuyện chỉ dừng lại ở đoạn Huấn Cao không chịu khuất phục trước những bất công và luôn chiến đấu vì lý tưởng của mình thì có lẽ tác phẩm sẽ không gây ấn tượng với bạn đọc nhiều như thế. Chính nhờ vào đoạn cuối này, đặc biệt là cảnh cho chữ đã đưa nhân vật của Nguyễn Tuân bay cao hơn, xa hơn đến những giá trị chân- thiện- mỹ mà ở đó : “Chữ Tâm kia mới bằng ba chữ Tài” (Nguyễn Du) .
Cảnh cho chữ diễn ra trong “một buồng tối chật hẹp, ẩm ướt, tường đầy mạng nhện, đất bừa bãi phân gián phân chuột” . Một sự quan sát tinh tế, đúng với những gì trong thực tế. Căn phòng ấy đầy quyền lực của bóng tối, tội ác, đầy mùi hôi tanh của lũ quan vô tích sự, vậy mà được nhà văn chọn là nơi cho chữ. Có phải vì trong bóng tối đầy tội ác ấy còn có ánh sáng của một đóm lửa le lói hay cũng chính là ánh sáng của những tâm hồn đồng điệu, luôn hướng đến cái đẹp và những giá trị truyền thống của dân tộc. có phải vì trong cái mùi hôi của căn phòng ẩm ướt đầy phân chuột, phân gián còn có mùi thơm của mực hay cũng chính là hương thơm toả ra từ lý tưởng sống cao đẹp của hai con người hiểu và đồng cảm vớI nhau. Có phải vì ranh giới giữa sự sống và cái chết đang rất gần, rất mỏng manh đốI với con người luôn muốn mang cái đẹp đến cho những người biết hưởng thụ. Hay có phải vì sự khác biệt giữa tự do và tù tội. Không, đối với Huấn Cao, ông không bao giờ mất tự do cả. Bao giờ ông cũng tự do với lý tưởng sống cao cả của mình, với nét chữ tung hoành trên tấm lụa trắng, với khát vọng mãnh liệt mong muốn cho cái đẹp được thăng hoa. Sự thay đổi vị trí của hai con người ở hai giới tuyến khác nhau đã làm nên nét đặc sắc cho truyện “Chữ người tử tù” mà đặc biệt là nhân vật Huấn Cao. Nếu nói nhà văn Nguyễn Tuân luôn tâm đắc với những nhân vật đầy tài năng và phẩm chất thì giờ đây, Nguyễn Tuân đã thật sự thành công với ý niêm ấy qua hình tượng nhân vật Huấn Cao cùng bút pháp riêng đặc trưng cho phong cách rất “ngông” của nhà văn.
Nguyễn Tuân- con người “sinh ra để thờ Nghệ Thuật với hai chữ viết hoa ấy” đã dành cả cuộc đời mình để nghiên cứu và tìm tòi những điều mới lạ trong cuộc sống muôn màu muôn vẻ : từ hệ thống đề tài mới mẻ đến các nhân vật có phong cách cá tính riêng khi thì kiên cường bất khuất với thái độ ngạo đời như các bậc anh tài trí dũng song toàn nhưng có lúc lại rất hiền lành, giản dị như những người lao động cần cù, chịu thương chịu khó, hay một làn sóng ngôn từ độc đáo được chau chuốt tỉ mỉ dưới ngòi bút đầy tài hoa của nhà văn đất Thăng Long. Nhắc đến Nguyễn Tuân là nhắc đến cái “tôi” trữ tình luôn chứa đựng những khao khát cuồng nhiệt muốn biến những trang văn thành trang hoa lộng lẫy vừa mê hoặc, vừa thách đố người đọc. Nếu như trước CMT8, sự sáng tạo của ngòi bút Nguyễn Tuân tìm về với vẻ đẹp xưa “vang bóng một thời” thì sau CMT8 nhà văn đã gửi đến bạn đọc một đề tài hoàn toàn mới khi ông tập trung viết về vẻ đẹp của phong cảnh quê hương cùng sự hoà hợp giữa thiên nhiên và con người trong cuộc sống mới. Sẽ thật là một thiếu sót nếu có dịp tìm hiểu về sự nghiệp văn chương của nhà văn trong giai đoạn này mà bỏ quên “dòng sông Đà” mạnh mẽ đấy ,hung bạo đấy nhưng cũng rất đỗi hiền hoà. Đến với đoạn trích “Người lái đò sông Đà”, ta sẽ phần nào hiểu hơn về phong cách của nhà văn trong giai đoạn này.
Nhân vật được xây dựng trong tác phẩm của nhà văn bao giờ cũng được soi chiếu ở phương diện văn hoá, mỹ thuật của nó. Và ở con sông Đà cũng vậy “con sông Tây Bắc hung bạo và trữ tình”, dòng sông gắn liền với cuộc sống của con người và xứ sở “con sông hàng năm và đời đời kiếp kiếp làm mình làm mẩy với con người Tây Bắc”. Tuy có lúc nó hung bạo như “một thứ kẻ thù số một” với môt thạch trận được dàn xếp công phu lúc nào cũng sẵn sàng cướp đi sinh mạng của bất kỳ kẻ nào yếu thế và non kinh nghiệm hay có lúc bỗng trở nên hiền hoà như chính con người nơi đây nhưng dù thế nào đi nữa nó cũng là máu thịt của người dân Tây Bắc. Dòng sông không chỉ mang một nét đẹp đơn thuần của thiên nhiên hùng vĩ, mà điều khiến nó trở nên đặc biệt đó chính là sự chan hoà giữa thiên nhiên và con người. Dòng sông dưới sự miêu tả của ngòi bút đầy tài hoa ấy như thực sự trở thành một người nghệ sĩ , dòng sông như hoá tâm hồn chất chứa biết bao niềm thương nỗi nhớ. Chính vì thế mà đối với Nguyễn Tuân, dòng Đà giang thật đặc biệt khiến nhà văn như bị say mê cuốn hút bởi nét đẹp trữ tình ấy. Nguyễn Tuân đã nhìn dòng sông dưới nhiều góc độ ở nhiều khía cạnh nghệ thuật khác nhau. Dưới con mắt của nhà văn, dòng sông vĩ đại hiện lên chính xác trong từng con số . Nguyễn Tuân thoắt trở thành nhà địa lí khi đưa ta về với thượng nguồn sông Đà ở Cảnh Đông tỉnh Vân Nam sau đó chan hoà vào sông Hồng, chảy trên đất Việt 500 cây số trong tổng chiều dài 883 nghìn thước , khi kể ra rất chính xác, cụ thể về “những cái thác, những cái ga nước trên sông Đà từ Vạn Yên về xuôi”. Cũng có khi nhà văn trở thành nhà làm phim chuyên nghiệp đang quay những thước phim ký sự về con sông Đà hùng vĩ “cái thuyền xoay tít, nhyững thước phim màu cũng quay tít, cái máy lia ngược contre- plogée”. Và cũng có lúc, Nguyễn Tuân như hoá thân thành một người hoạ sĩ vẽ nên “con sông Đà tuôn dài như một áng tóc trữ tình” với những sắc màu lung linh mỗi độ xuân sang, thu về trên mảnh đất quê hương. Nguyễn Tuân đã vận dụng kiến thức võ thuật để diễn tả sự công phu dàn xếp sẵn của cả một thạch trận, dùng kiến thức thể thao để mô tả các cuộc chiến đấu của người lái đò với dòng sông muôn thuở ấy. Chính vì thế mà dòng sông Đà với tất cả uy lực hiện lên trang viết thật sống động, tài tình. Nguyễn Tuân đã viết về dòng sông bằng tất cả lòng yêu mến cảnh đẹp quê hương, bằng kiến thức sâu rộng và bằng ngòi bút đầy phong cách Nguyễn Tuân với những ngôn từ biến hoá khôn lường mang đến cho người đọc những điều thật sự thú vị, bất ngờ.
Tóm lại, Nguyễn Tuân đã làm say lòng những con người yêu văn chương bằng chính cái bản chất thật của mình, ông đã xây dựng cho riêng mình một hình tượng trong lòng độc giả : một Nguyễn Tuân thật mạnh mẽ, luôn cháy bỏng với khát vọng bộc lô cái “tôi” trong những lời văn đâm chất dân tộc nhưng bao giờ cũng hiền hoà với tân hồn tái hoa, uyên bácnhưng tràn ngập yêu thương
Một nét đặc sắc nữa trong phong cách nghệ thuật của Nguyễn Tuân đó chính là sự linh hoạt trong cách sử dụng ngôn từ. Nhà văn như mê mẩn trong ma lực của ngôn từ và truyền được trọn vẹn đến người đọc chất men say nhiều khi kỳ quái ấy. Cả đời ông trau dồi và tích luỹ để rồi thể hiện một cách tài hoa trong từng tác phẩm của mình. Có lẽ vì vậy mà mỗi sáng tác của ông đều có sức hút kỳ lạ như thách thức người đọc khiến mỗi người khi đọc đều phải suy ngẫm thì mới thấy hết cái hay, cái tâm huyết mà nhà văn dồn vào từng câu, từng chữ. Như Vũ Ngọc Phan đã từng nói : “Chỉ người ưa suy xét đọc Nguyễn Tuân mới thấy thú vị, vì văn Nguyễn Tuân không phải thứ văn để người nông nổi thưởng thức”. Hãy xem cách ông dùng hai từ “goá bụa” trong đoạn văn sau :
“Hiu quạnh sống trong người mình và chung quanh mình, cái gì cũng gợi đến những ý vắng, lạnh và cũ và mỏi và ngừng hết. NgồI ăn một mình cả một mâm cơm chiều nay, tự nhiên tôi có cái cảm tưởng gở dại là mình đã trở nên một người goá bụa. Goá vợ con, thân thích, anh em bạn, goá nhân loại, goá tất cả. Bát cơm và vào miệng, chỉ là những miếng thê lương”
Từ trước đến nay dường như mọi người đều có cùng một suy nghĩ rằng : từ “goá bụa” chỉ dành cho những người phụ nữ kém may mắn khi chồng mất sớm. Thế nhưng nếuai đã từng đọc tác phẩm của Nguyễn Tuân sẽ có dịp biết thêm một định nghĩa khác nữa của cái từ tưởng chừng như đơn giản ấy. Theo ông nhận xét, “goá bụa” là “goá vợ con, thân thích, anh em bạn, goá nhân loại, goá tất cả”. Chỉ với một từ “goá” mà ông bộc lộ hết được sự cô đơn, nỗi chán chường khi xung quanh chỉ còn lại mình “ta với ta”, khi người thân, anh em, bạn bè vắng mặt trong buổi cơm chiều ấm áp, khi tất cả mọi thứ đều như quay lưng với cái”tôi” đã quá cô đơn, buồn tủi để rồi “bát cơm vào miệng chỉ là những miếng thê lương”
Nguyễn Tuân- bậc thầy của ngôn từ đã làm cho tiếng nói dân tộc càng đẹp hơn, trong sáng hơn. Với vốn từ vựng ấy, Nguyễn Tuân còn dùng để chơi ngông với đời, hoặc để trêu ghẹo thiên hạ và xót xa cho thân mình. Ông tự nhận xét : “Ngôn ngữ của Nguyễn lủng cà lủng củng, dấmdắn cứ như đấm vào họng. Đọc lên nghĩa tối quá lời sấm ông trạng. Nguyễn cứ lập ngôn một cách bướng bỉnh vì đời nó ngu thế thì không bướng bỉnh sao được”.
IIII/ KẾT LUẬN :
Trong văn học Việt Nam, Nguyễn Tuân thật xứng đáng ở tầm cỡ của một nhà văn lớn. Ông đến với bạn đọc không chỉ bằng phong cách độc đáo, ngôn từ sắc sảo mà còn bằng cả trái tim suốt đời dành cho nghệ thuật. Một nhà văn ngông nghênh với cái “tôi” ẩn tàng bên trong “là cảm xúc mạnh, là hơi thở nồng” tìm về với vẻ đẹp “Vang bóng một thời” trước CMT8- 1945, một nhà thơ rất đỗi hiền hoà cùng sự hoà hợp giữa thiên nhiên và con người của cuộc sống mới sau CM, một người con đất Việt yêu tiếng mẹ đẻ mong muốn tiếng nói dân tộc mỗ ngày là một đoá hoa tươi sắc trong khu vườn văn học Việt Nam và một ngôi sao Hôm sẽ mãi toả sáng trong lòng bạn đoc yêu văn chương của nhà văn- ngườI nghệ sĩ NGUYỄN TUÂN .

Tài liệu đính kèm:

  • docNGUYEN TUAN(1).doc