Hoa- Hình ảnh thú vị trong bài thơ Tây Tiến của Quang Dũng

Hoa- Hình ảnh thú vị trong bài thơ Tây Tiến của Quang Dũng

Tây Tiến của Quang Dũng là một bài thơ hay, độc đáo trong thơ ca kháng chiến chống Thực dân Pháp. Bài thơ là một sáng tạo nghệ thuật độc đáo, táo bạo về đề tài người lính trong đấu tranh cách mạng. Ở đó có sự kết hợp giữa cảm hứng hiện thực với lãng mạn, bi với hùng, cái nhìn điện ảnh và con mắt tạo hình của một nhà hội họa kết hợp nhuần nhuyễn với hồn thơ hào hoa, lãng mạn bay bổng của thi sĩ xứ Đoài mây trắng bay

doc 3 trang Người đăng hien301 Lượt xem 3571Lượt tải 2 Download
Bạn đang xem tài liệu "Hoa- Hình ảnh thú vị trong bài thơ Tây Tiến của Quang Dũng", để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Hoa- hình ảnh thú vị trong bài thơ Tây Tiến của Quang Dũng
Th.s Lê Trọng Tuấn
 Trung tâm GDTX 2- tỉnh Lạng Sơn
	Tây Tiến của Quang Dũng là một bài thơ hay, độc đáo trong thơ ca kháng chiến chống Thực dân Pháp. Bài thơ là một sáng tạo nghệ thuật độc đáo, táo bạo về đề tài người lính trong đấu tranh cách mạng. Ở đó có sự kết hợp giữa cảm hứng hiện thực với lãng mạn, bi với hùng, cái nhìn điện ảnh và con mắt tạo hình của một nhà hội họa kết hợp nhuần nhuyễn với hồn thơ hào hoa, lãng mạn bay bổng của thi sĩ xứ Đoài mây trắng bay Đặc biệt là hệ thống hình ảnh phong phú về cảnh vật thiên nhiên, con người, cuộc sống của những người lính Tây Tiến và của Tây Bắc thật độc đáo, hấp dẫn. Tất cả đã làm nên sức hấp dẫn và sức sống vượt thời gian của Tây Tiến. Bài thơ được đưa vào giảng dạy trong chương trình Văn học 12 (Sách chỉnh lí hợp nhất, NXB Giáo dục, 2000) và nay tiếp tục được chọn đưa vào sách Ngữ Văn 12 (NXB Giáo dục, 2008). Đồng thời, bài thơ cũng nằm trong phạm vi ra đề thi tốt nghiệp THPT, thi tuyển sinh vào các trường Đại học, Cao đẳng, Trung học chuyên nghiệp trong nhiều năm. Điều đó càng chứng tỏ vị trí quan trọng của thi phẩm này trong chương trình văn học nhà trường.
	Chính vì tầm vóc và vị trí của Tây Tiến như vậy, nên rất nhiều nhà nghiên cứu đã chú ý đến bài thơ này với những phát hiện đầy thú vị. Giáo sư Đặng Anh Đào phát hiện Tây Tiến là một khúc độc hành, ở đó nhà thơ ngược dòng thời gian, không gian để làm sống dậy trước mắt người đọc những năm tháng hào hùng và cuộc sống chiến đấu gian khổ hi sinh nhưng anh dũng, hào hoa của đoàn binh Tây Tiến. Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Đăng Suyền thì tâm đắc với sự kết hợp giữa cảm hứng lãng mạn với tinh thần bi tráng đã làm nên vẻ đẹp độc đáo của bài thơ. Nhà thơ, nhà nghiên cứu phê bình văn học Vũ Quần Phương tâm đắc với những sáng tạo độc đáo, đặc sắc về hình ảnh thơ làm nên cái khí vị bi hùng, hoang dã và quả cảm của bài thơ. Giáo sư Nguyễn Đăng Mạnh thì lại tâm đắc với chất họa, chất nhạc làm nên những câu thơ táo bạo nhưng rất thật trong Tây TiếnNhững phát hiện và kiến giải của các nhà nghiên cứu thực sự là những tư liệu quý giá giúp cho việc giảng dạy của giáo viên và học tập của học sinh khi tiếp cận bài thơ này. Tuy nhiên không phải là không còn những tranh luận chưa đi đến thống nhất về một số hình ảnh trong bài thơ này mà chúng tôi chưa thấy đề cập sâu sắc trong các tư liệu nói trên. Đó là hình ảnh “hoa” trong bài thơ.
	Chúng ta thấy Quang Dũng ba lần sử dụng hình ảnh hoa ở ba câu thơ khác nhau trong bài thơ. Lần thứ nhất: “Mường Lát hoa về trong đêm hơi” ở khổ thơ thứ nhất. Lần thứ hai và ba là ở khổ thơ thứ hai: “Doanh trại bừng lên hội đuốc hoa” và “Trôi dòng nước lũ hoa đong đưa”. Sở dĩ chúng tôi đề cập đến những hình ảnh này vì đây là những hình ảnh đẹp, lãng mạn góp phần làm nên chất lãng mạn trong thơ Quang Dũng nói chung và bài thơ Tây Tiến nói riêng. Đồng thời trong thực tế quá trình giảng dạy và tiếp nhận, chúng tôi đã nhận thấy có không ít sự nhầm lẫn hoặc mơ hồ khi cắt nghĩa, lí giải các hình ảnh này. Đó là vào dịp chấm thi tuyển sinh vào Trường Cao đẳng Sư phạm Mẫu giáo Trung ương năm 2007, tổ giám khảo đã tranh luận khá sôi nổi về hình ảnh hoa trong câu thơ “Mường Lát hoa về trong đêm hơi” với hai kiến giải khác nhau. Ý kiến thứ nhất cho rằng câu thơ miêu tả những người lính Tây Tiến hành quân cùng với những cánh hoa rừng làm nên nét đẹp lãng mạn, trẻ trung, yêu đời của những người lính trong cuộc sống chiến đấu gian khổ. Ý kiến thứ hai cho rằng hoa ở đây là hoa lửa. Những người lính hành quân trong đêm về Mường Lát (một địa danh ở miền tây bắc Thanh Hóa chứ không phải ở Hòa Bình hay Sơn La như một số người đã nhầm lẫn trước đây), hành quân trong đêm rừng nên phải đốt đuốc để đi. Trong con mắt của nhà họa sĩ, thi sĩ Quang Dũng, cảnh tượng ấy đẹp như những bông hoa lửa lung linh, huyền ảo. Tôi tán thành cách kiến giải thứ hai vì nó logic hơn cách kiến giải thứ nhất. Hành quân trong đêm sương rừng mịt mùng như thế thì làm sao nhìn thấy hoa được?! Chỉ có thể là hoa lửa đuốc hành quân mà thôi. Tâm hồn lãng mạn tài hoa của Quang Dũng phát hiện và làm cho cái đẹp thăng hoa ngay trong cái gian khổ của cuộc hành quân trong đêm rừng, sương núi.
	Tiếp đến là hình ảnh hoa trong câu thơ “Doanh trại bừng lên hội đuốc hoa”. Vẫn là hoa lửa đuốc nhưng là lửa đuốc trong một đêm liên hoan văn nghệ bên cảnh sông nước thơ mộng. Nó sưởi ấm tình quân dân, thắp sáng núi rừng, thắp sáng và tôn lên những bộ xiêm y lộng lẫy “khăn piêu áo cóm tràn căng ngực” của những cô gái Thái, Mường ở Tây Bắc- trang phục truyền thống độc đáo của những thiếu nữ miền sơn cước- khiến những người trai Hà Thành trong đoàn binh Tây Tiến phải thốt lên ngỡ ngàng “Kìa em xiêm áo tự bao giờ”. Cái nhìn điện ảnh cùng với tâm hồn lãng mạn bay bổng của thi sĩ xứ Đoài mây trắng đã làm sống dậy sinh động trước mắt người đọc một cảnh tượng đẹp mê hồn, lung linh, kì ảo. Có thể nói đây là một trong những câu thơ đậm chất lãng mạn Quang Dũng. Nó vừa thực, vừa mộng, vừa tình, vừa duyên, vừa tinh nghịch lại vừa ngộ nghĩnh trẻ trung, tươi tắn đầy sức sống, giúp cho người lính có thêm sức mạnh để vượt lên những gian khổ thiếu thốn của cuộc trường chinh.
	Cuối cùng là hình ảnh hoa trong câu thơ “Trôi dòng nước lũ hoa đong đưa”. Tiếp tục là một sáng tạo táo bạo, bất ngờ của nhà thơ. Muốn hình dung được đầy đủ vẻ đẹp của hình ảnh này phải đặt câu thơ vào trong khổ thơ:
Người đi Châu Mộc chiều sương ấy
Có thấy hồn lau nẻo bến bờ
Có nhớ dáng người trên đọc mộc
Trôi dòng nước lũ hoa đong đưa
	Tôi cho rằng đây là những câu thơ đẹp nhất, tài hoa nhất về người Tây Bắc trong bài thơ. Nó gợi hình ảnh những thiếu nữ miền sơn cước trong trang phục độc đáo uyển chuyển, duyên dáng, đong đưa trong cái dáng chèo thuyền trên sông nước, như đang làm duyên cùng với những cánh hoa rừng trôi trên dòng nước hay họ chính là những bông hoa đang làm duyên cùng sông nước vậy. Nếu nét duyên, nét đẹp của người lao động xưa đi vào trong ca dao dân ca là cái dáng tát nước, gánh lúa quang mây, đội bông như thể đội mây về nhà thì ở bài thơ này, Quang Dũng đã bắt được cái thần thái và nét tình tứ duyên dáng của người lao động Tây Bắc qua cái dáng đong đưa của những cô gái Tây Bắc đang chèo thuyền độc mộc trên sông nước. Khó mà tách bạch rạch ròi, khúc chiết đâu là hoa thiếu nữ, đâu là hoa rừng trong câu thơ này. Đây là một tín hiệu thẩm mĩ đa nghĩa, đa thanh tạo ra sức gợi cho câu thơ và kích thích trí tưởng tượng, sự thích thú của người đọc. Những từ ngữ nghi vấn mang sắc thái tu từ (có thấy, có nhớ) góp phần khắc sâu thêm những kí ức, những ấn tượng đẹp đẽ không bao giờ phai về cảnh và người Tây Bắc.
	Chúng tôi cho rằng cái chất lãng mạn Quang Dũng không thể lẫn vào ai khác được chính là vì ông đã sống thật sự gắn bó sâu sắc, nặng nghĩa nặng tình với cảnh, với người Tây Bắc, với những người đồng chí, đồng đội trong đoàn binh Tây Tiến. Chính vì thế mà những hình ảnh lãng mạn lung linh, kì ảo, mĩ lệ trong bài thơ đều không hề chỉ đơn thuần là tưởng tượng hay phức điệu trong những phút thăng hoa xuất thần đầy linh diệu của tâm hồn thi sĩ tài hoa mà chúng còn được thoát thai từ hiện thực cuộc sống của một thời Tây Tiến mà nhà thơ từng nếm trải với những kỉ niệm sâu nghĩa, nặng tình. Chúng tôi rất tâm đắc với phát hiện của Giáo sư Nguyễn Đăng Mạnh về người thơ Quang Dũng khi ông cho rằng: “xét đến cùng chỉ có lòng chân thật tuyệt đối, chân thật với cảnh, với tình người và nhất là với chính lòng mình mới có thể tạo ra những câu thơ vừa giản dị, mộc mạc, vừa táo bạo, mới lạ như thế. Có lẽ cái gốc lớn nhất của tài năng Quang Dũng là ở chỗ đó chăng: Chân thật rất mực với lòng mình. Chân thật té ra là một bản lĩnh lớn lắm. Cho nên trong thơ cứ trong suốt mà gợi bao cảm nghĩ bồi hồi” (Nguyễn Thanh Bình, Nguyễn Đức Khuông tuyển chọn và giới thiệu - Tìm hiểu nhà văn và tác phẩm trong nhà trường, NXB Đại học Sư phạm, 2005, tr.157). Như vậy chúng ta đều nhận thấy điều đáng trân trọng ở con người thơ Quang Dũng và ở bài thơ Tây Tiến chính là sự kết hợp hài hòa chất lãng mạn trong tâm hồn người nghệ sĩ với sự nếm trải hiện thực đầy khắc nghiệt song cũng không kém phần thi vị của cuộc sống kháng chiến chống Thực dân Pháp. Thi vị mà không tô hồng, lãng mạn mà không xa rời hiện thực, đó là sự đóng góp sáng tạo, táo bạo, đáng ghi nhận của Quang Dũng vào thơ ca kháng chiến lúc bấy giờ nói riêng và thơ ca Việt Nam hiện đại nói chung. Không ai có thể phủ nhận được điều đó. Chẳng thế mà hơn 60 năm qua, trải bao thăng trầm cùng thời gian, Tây Tiến vẫn luôn là một trong những bài thơ đi cùng năm tháng với bạn đọc các thế hệ.
	Trên đây là những cảm nhận chủ quan của bản thân, có sự tham khảo ý kiến của một số đồng nghiệp, xuất phát từ sự ngưỡng mộ tài năng nhà thơ và niềm yêu thích đối với bài thơ Tây Tiến. Có lẽ khó tránh khỏi những khiếm khuyết, chúng tôi rất mong nhận được những ý kiến trao đổi của bạn đọc.
 Hữu Lũng, ngày 21 tháng 7 năm 2010
 Tác giả
 Lê Trọng Tuấn

Tài liệu đính kèm:

  • docHoa- hình anh thu vi trong bai tho tay Tien- QD.doc