Giáo án môn Ngữ văn khối 12 - Truyện Kiều - Nguyễn Du -

Giáo án môn Ngữ văn khối 12 - Truyện Kiều - Nguyễn Du -

A. Chuẩn bị .

I. Mục tiêu bài học : Giúp học sinh

1. Về tri thức:

- Nắm rõ một số những nét chính về hoàn cảnh xã hội và tiểu sử Nguyễn Du có ảnh hưởng đến các sáng tác của ông.

 - Nắm được một số đặc điểm chính trong sự nghiệp sáng tác và những đặc trưng cơ bản về nội dung và nghệ thuật trong các tác phẩm của Nguyễn Du

2.Về kỹ năng: Từ việc nghiên cứu bài khái quát về tác gia có kỹ năng đọc hiểu những đoạn trích, tác phẩm của Nguyễn Du.

3. Về thái độ: Có thái độ trân trọng tài năng nhân cách một con người như Nguyễn Du, đồng thời biết yêu quí, trân trọng giữ gìn di sản văn hóa tinh thần của dân tộc.

 

doc 8 trang Người đăng hien301 Lượt xem 4341Lượt tải 3 Download
Bạn đang xem tài liệu "Giáo án môn Ngữ văn khối 12 - Truyện Kiều - Nguyễn Du -", để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Ngày soạn: 5.3.2010	Ngày giảng: 10C: 12.3.2010
	10B: 19.3.2010
Tiết 80: Văn học sử	Truyện Kiều 
	- Nguyễn Du - 
Phần I: Tác giả
A. Chuẩn bị .
I. Mục tiêu bài học : Giúp học sinh
1. Về tri thức: 
- Nắm rõ một số những nét chính về hoàn cảnh xã hội và tiểu sử Nguyễn Du có ảnh hưởng đến các sáng tác của ông.
	- Nắm được một số đặc điểm chính trong sự nghiệp sáng tác và những đặc trưng cơ bản về nội dung và nghệ thuật trong các tác phẩm của Nguyễn Du
2.Về kỹ năng: Từ việc nghiên cứu bài khái quát về tác gia có kỹ năng đọc hiểu những đoạn trích, tác phẩm của Nguyễn Du.
3. Về thái độ: Có thái độ trân trọng tài năng nhân cách một con người như Nguyễn Du, đồng thời biết yêu quí, trân trọng giữ gìn di sản văn hóa tinh thần của dân tộc.
II. Phương tiện thực hiện.
1. Thầy: - Thiết kế dạy học.
- Tài liệu Văn học Việt Nam cuối TK XVIII-Đầu TK XI.
- Hình ảnh về Nguyễn Du để trình chiếu.
2. Trò: học bài theo hướng dẫn, nghiên cứu sách giáo khoa tài liệu tham khảo.
III. Cách thức tiến hành .
GV tổ chức giờ dạy bằng cách phối hợp các phương pháp: Nêu vấn đề, nghiên cứu, trực quan, kể chuyện có nghệ thuật kết hợp hình thức đặt câu hỏi và thảo luận 
B. Tiến trình dạy học
 Hoạt động 1 : ổn định tổ chức : (1’)
Kiểm tra bài cũ (không) .
 II. Bài mới . 
 *Vào bài:(1) Nhà thơ Tố Hữu viết rằng:
Tiếng thơ ai động đất trời
Nghe như non nước vọng lời nghìn thu
Nghìn năm sau nhớ Nguyễn Du
Tiếng thương như tiếng mẹ ru những ngày.
Nếu như người Đức tự hào vì có Gớt, người Anh tự hào vì có Secxpia, người Pháp tự hào vì có V.Huygô... thì người Việt Nam chúng ta có quyền tự hào về đại thi hào Nguyễn Du. Nguyễn Du là gương mặt tiêu biểu nhất của Văn học trung đạiViệt Nam. Bài học hôm nay chúng ta sẽ tìm hiểu về tác giả này.
 * Hoạt động 2 :	Bài mới :
 I. Cuộc đời (9’).
 Hãy cho biết các yếu tố: thời đại, quê hương, gia đình, bản thân đã có những ảnh hưởng như thế nào đối với cuộc đời và sự nghiệp của Nguyễn Du?
(Cả lớp thảo luận theo nhóm: Nhóm 1: Thời đại ; Nhóm 2 : Quê hương ; Nhóm 3 : Gia đình ; Nhóm 4 : Bản thân). (Chiếu trên máy)
1. Thời đại.
 - Nguyễn Du sống vào cuối thế kỉ XVIII - đầu thế kỉ XIX: đó là một thời kì khủng hoảng trầm trọng có nguy cơ sụp đổ của chính quyền phong kiến:
+ Tình hình chính trị rối ren, đất nước chia 2 đàng: Đàng trong và đàng ngoài. Tranh chấp phong kiến nổ ra liên miên.
+ Nhiều cuộc khởi nghĩa nông dân nổ ra: Tiêu biểu là cuộc khởi nghĩa Tây Sơn của hai anh em Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ (1789).
-> Thời đại có những biến cố lịch sử dữ dội, nhiều phen thay đổi sơn hà. 
Thời đại này có ảnh hưởng như thế nào đến Nguyễn Du?
- là điều kiện để ông gần gũi với người dân, hiểu và cảm thông sâu sắc với cuộc sống cực khổ của nhân dân lao động ; Là nguồn thi liệu đáng quý để Nguyễn Du sáng tác văn chương.
GV : Nguyễn Du đã chứng kiến, đã trải qua, sống cùng với những biến đổi kinh hoàng ấy và tất nhiên có ảnh hưởng sâu nặng đến sáng tác của ông. Một phen thay đổi sơn hà, mảnh thân chiếc lá biết là về đâu.
2. Quê hương
- Quê cha Nguyễn Du ở Hà Tĩnh, Vùng Hà Tĩnh vốn có lối hát Phường vải, Hát dặm... Mẹ Nguyễn Du là người Bắc Ninh – quê hương của những làn quan họ ; vì thế trong những sáng tác của Nguyễn Du, đặc biệt là trong Truyện Kiều, chất liệu đậm đặc là ca dao, dân ca. Ông sinh ra và lớn lên ở Thăng Long, nếp sống, phong tục, tập quán và văn hóa kinh đô đã để lại dấu ấn đậm nét trong nhà thơ, mà biểu hiện sâu đậm nhất là tính trữ tình trong thơ ông. (Chiếu hình quê cha, quê mẹ Nguyễn Du)
->Cho nên có thể nói : Nguyễn Du được tiếp nhận tinh hoa truyền thống của nhiều vùng văn hóa. Đó là tiền đề cho sự phát triển tài năng nghệ thuật của ông
3. Gia đình
- Sinh tại Thăng Long trong một gia đình quý tộc quyền quý, có truyền thống văn chương, nhiều người đỗ đạt. (Chiếu hình ảnh Thăng Long, Hà Nội) Truyền thống văn học của gia đinh ắt có ảnh hưởng đến ông, hun đúc cho Nguyễn Du một tình yêu đối với văn chương. Nguyễn Du con vợ lẽ, phải chịu nhiều thiệt thòi. Điều đó cũng dễ khiến ông có sự đồng cảm với những số phận bất hạnh trong xã hội mà viết nên những nhân vật như Kiều, Đạm Tiên, Tiểu Thanh...
4. Bản thân
Bản thân Nguyễn Du long đong, vất vả, nay đây mai đó, tiếp xúc nhiều, va chạm nhiều, chính điều đó làm ông thêm trải đời và có vốn sống phong phú để sáng tác. 
-> Ông đi nhiều tiếp xúc nhiều nên có kiến thức sâu rộng, vốn sống phong phú
 Qua đây, em có nhận xét như thế nào về cuộc đời, con người Nguyễn Du?
- Cuộc đời thăng trầm, đầy sóng gió.
- Nguyễn Du là người thông minh, ham học. Là người đi nhiều nên tạo được lối sống phong phú.
 	*Tóm lại: Hai nguồn kiến thức sách vở và thực tế góp phần làm nên thiên tài Nguyễn Du. 
GV : (MR) Ông xuất thân nhà Lê, từng “ở trọ” Tây Sơn rồi làm quan cho triều Nguyễn. Cả cuộc đời day dứt về một chữ Trung. Tài tình mà long đong trong cơn sóng gió của lịch sử. Cơn lốc lịch sử đã hắt đổ lầu son gác tía đẩy ông vào cuộc đời lưu lạc, tha hương. Ông sống như người dân thường, nhờ vậy, ông cảm thông sâu sắc với mọi kiếp người bị đày đoạ. Nguyễn Du nhìn đời với con mắt của một người đứng giữa giông tố của cuộc đời và điều đó khiến tác phẩm của ông hàm chứa một chiều sâu chưa từng có trong văn thơ Việt nam.
Theo “Đại Nam liệt truyện”, Nguyễn Du là người thanh liêm, sống thầm lặng, hết sức khinh bỉ bọn quan lại chỉ biết “Vinh thân phì gia” không lo đến việc dân, việc nước.
Điều vĩ đại ở Nguyễn Du là từ một quí tộc bị phá sản, ông đã vươn lên và trở thành một nghệ sĩ thiên tài. Môt con người tài hoa bất đắc chí lai nếm trải bao đắng cay, thăng trầm trong cuộc đời, môt trái tim nghệ sĩ bẩm sinh. Hơn nữa, Nguyễn Du được tiếp nhận tinh hoa truyền thống của nhiều vùng văn hóa. Đó là tiền đề cho sự phát triển tài năng nghệ thuật của ông, tao nên những nét riêng độc đáo trong sự nghiệp sáng tác của ND.
Năm 1820, ND qua đời.(chiếu hình phần mộ Nd ở Hà Tĩnh)
Hoạt động 3 :
II. Sự nghiệp sáng tác của Nguyễn Du 
1..Tác phẩm chính.(16’).
 a. Sáng tác bằng chữ Hán
Hãy trình bày thư mục các sáng tác của Nguyễn Du ?
 ( Học sinh trình bày theo sách giáo khoa) GV chiếu tên những tập thơ này.
- Thanh Hiên thi tập: 78 bài (Được viết chủ yếu trong những năm tháng trước khi làm quan cho nhà Nguyễn)
- Nam trung tạp ngâm: 40 bài (Được viết trong thời gian làm quan ở Quảng Bình – Huế)
- Bắc hành tạp lục: 131 bài (Được sáng tác trong khoảng thời gian đi sứ Trung Quốc)
Nội dung của những tâp thơ chữ Hán ?
Thơ chữ Hán của Nguyễn Du thể hiện tư tưởng tình cảm, nhân cách của ông.
- Tâm trạng buồn đau, day dứt, khuynh hướng quan sát, suy ngẫm về cuộc đời, về xã hội của tác giả.
- Ca ngợi, đồng cảm với những người nghệ sĩ tài hoa mà bạc mệnh.(Độc Tiểu Thanh Kí, Sở kiến hành).
- Phê phán xã hội phong kiến chà đap nên quyền sống, hạnh phúc của con người.
- Cảm thông với những thân phận nghèo khổ trong xh.
(HS xem trong SGK)
GV : Thơ chữ Hán của Nguyễn Du chủ yếu là những vần thơ tâm tình. Đọc thơ ông người đọc cảm nhận được một cõi lòng đau thương tê tái, sâu kín..
b. Sáng tác chữ nôm.
? Em hãy kể tên những sáng tác bằng chữ Nôm ?
Truyện Kiều, Văn chiêu hồn... (GV chiếu hình của 2 tác phẩm)
Trong các tác phẩm của Nguyễn Du, tác phẩm nào tiêu biểu hơn cả ?
- Truyện Kiều. (GV chiếu hình)
* Nguồn gốc
Truyện Kiều có nguồn gốc như thế nào ?
 - Truyện Kiều có tên là “Đoạn trường tân thanh” (Tiếng kêu mới về nỗi đau đứt ruột) là tác phẩm dựa theo cốt truyện của một tác phẩm cổ Trung Quốc : “ Kim Vân Kiều truyện ” của Thanh Tâm Tài Nhân.
GV : “Kim Vân Kiều truyện” đã cung cấp cho Nguyễn Du nguồn thi liệu đáng quý.
* Cốt truyện.
Truyện Kiều có bao nhiêu câu ? chia mấy phần ? Em hãy tóm tắt tác phẩm ?
 - Tác phẩm gồm 3254 câu chia 3 phần :
Gặp gỡ và đính ước
Gia biến và lưu lạc
Đoàn tụ
(học sinh tóm tắt tác phẩm)
* Sự sáng tạo của Nguyễn Du.
- Sáng tạo cả về nội dung và nghệ thuật: 
+ Nội dung : Nguồn cảm hứng mới, nhận thức và lí giải về nhân vật, nội tâm nhân vật theo cách riêng. Ông không giữ lại tất cả mà bỏ khoảng 1/3 các tình tiết trong tác phẩm của Thanh Tam Tài Nhân. 
+ Nghệ thuật : Ngôn ngữ : (thơ Nôm – nguyên tác là văn xuôi tự sự); Thể loại ( truyện thơ lục bát); Nghệ thuật xây dựng nhân vật.
GV: Chính vì vậy tác phẩm của Nguyễn Du có sức sống mãnh liệt và có chiều sâu trí tuệ mà nguyên tác không có được.
* Giá trị của tác phẩm. (GV chiếu)
Giá tri nội dung : Giá trị nhân đạo sâu sắc.
Giá trị nhân đạo của truyện Kiều gồm những phương diện nào ?
- Ca ngợi vẻ đẹp của con người.
- Tiếng nói cảm thông với số phận bi kịch của con người.
- Bản cáo trạng bằng thơ.
+ Vẻ đẹp của con người :Vẻ đẹp hình thức: 
	Kiều càng sắc sảo mặn mà
	So bề tài sắc lại là phần hơn
	Làn thu thủy nét xuân sơn
	Hoa ghen thua thắm liễu hờn kém xanh
	Một hai nghiêng nước nghiêng thành
	Sắc đành đòi một, tài đành họa hai.
Râu hùm hàm én mày ngài. Vai năm tấc rộng thân mười thước cao.(Từ Hải)
Tài hoa: Cầm, kì, thi, họa. Cung thương lầu bậc ngũ âm 
 	Nghề riêng ăn đứt hồ cầm một chương.
Phẩm chất: Hiếu thảo, thủy chung, tình nghĩa. Đề cao khát vọng của con người.
+ Tiếng nói cảm thông với số phận bi kịch của con người.
- Ngòi bút của ông khi phẫn nộ, khi cay đắng, lúc chua xót, nâng niu, che chở, nâng đỡ cho Kiều: “ Đau đớn thay phận đàn bà
 Lời rằng bạc mệnh cũng là lời chung”
 + Bản cáo trạng bằng thơ (Tố cáo thế lực phong kiến, tố cáo xã hội bất công, vô nhân đạo)
 “ Trong tay sẵn có đồng tiền
 Dầu lòng đổi trắng thay đen khó gì”.
Giá trị về nghệ thuật: (GV chiếu)
Giá trị nghệ thuật thể hiện trên những phương diện nào ?
 - Ngôn ngữ, thể thơ, xây dựng nhân vật.
+ Ngôn ngữ: Thơ Nôm
- Ngôn ngữ có sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa ngôn ngữ bác học và ngôn ngữ bình dân. Sử dụng Từ Hán Việt, điển tích, điển cố kết hơp với các thành ngữ, tục ngữ, ca dao, lối nói bình dị, dân dã...
Chị dù thịt nát xương mòn
Ngậm cười chín suối hãy còn thơm lây.
- Thể thơ: Lục bát : - Thể thơ dân tộc giản dị, âm vang sâu sắc, tinh tế.
+ Nghệ thuật xây dựng nhân vật: đặc biệt là nghệ thuật miêu tả nội tâm nhân vật.
* Hạn chế:
 - Truyện Kiều chứa quan niệm lạc hậu khi giải quyết vấn đề xã hội:
 VD: Thuyết tài mệnh tương đố ( Đạo Nho)
Trăm năm trong cõi người ta
Chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau.
 Thuyết luân hồi (Phật giáo) 
Đau đớn thay phận đàn bà
Lời rằng bạc mệnh cũng là lời chung.
Qua nghiên cứu em đánh giá thế nào về tác phẩm Truyện Kiều của Nguyễn Du ?(GV chiếu)
Truyện Kiều là tập đại thành của văn học Việt Nam, là kết tinh của chủ nghĩa nhân văn trong lịch sử văn học dân tộc.
GV:Từ tiểu thuyết chương hồi “Kim vân kiều truyện” của Thanh Tâm Tài Nhân, Nguyễn Du đã sáng tạo nên kiệt tác tự sự- trữ tình độc nhất vô nhị trong văn học trung đại Việt Nam Truyện Kiều đã được dịch ra nhiều thứ tiếng và được bạn đọc trên toàn thế giới yêu thích.
?Theo em, giữa các tập thơ chữ Hán và Truyện Kiều của Nguyễn Du có những điểm gì tương đồng?
- Tương đồng về đề tài và cảm hứng xã hội. (Ca ngợi và đồng cảm với những người tài hoa mà bạc mệnh; Cảm thông với những thân phận nhỏ bé bi đọa đày; Phê phán xã hội phong kiến...)
Văn chiêu hồn (văn tế thập loại chúng sinh):
Em biết gì về tác phẩm này?
- Viết bằng thể thơ song thất lục bát, gồm 187 câu thể hiện tấm lòng nhân ái mênh mông của Nguyễn Du hướng tới những linh hồn bơ vơ, nhất là phụ nữ và trẻ con trong ngày lễ Vu Lan rằm tháng bảy:
Là một bài văn tế được viết dưới hình thức thơ, thể hiện một cách cảm động, thấm thía tình thương con người của Nguyễn Du. (GV chiếu)
Đau đớn thay phận đàn bà
Kiếp sinh ra thế biết là tại đâu
Tiết tháng bảy mưa dầm sùi sụt
Toát hơi may lạnh buốt xương khô
Não người thay buổi chiều thu..
GV: (chiếu ảnh)Với những đóng góp to lớn của Nguyễn Du, ông xứng đáng là bậc thầy của văn học dân tộc. Năm 1965, Hội đồng hòa bình thế giới quyết định kỉ niệm 200 năm ngày sinh Nguyễn Du trên toàn thế giới, công nhận Nguyễn Du là danh nhân văn hóa thế giới.
Hoạt động 4
2. Một vài đặc điểm về nội dung và nghệ thuật thơ văn Nguyễn Du (11’)
a. Nội dung
Những đặc điểm chính về nội dung thơ văn Nguyễn Du ?
- Đề cao cảm xúc, tình cảm với con người và cuộc đời.
 	- Trân trọng những giá trị nhân bản; căm ghét các thế lực chà đạp quyền sống của con người, cảm thông sâu sắc với số phận bất hạnh và khát vọng của người phụ nữ. (Thúy Kiều, Đạm Tiên hay nàng Tiểu Thanh)...(GV chiếu)
GV: thơ văn của ND đề cao chữ tình.
- Thể hiện tình cảm chân thành, cảm thông sâu sắc của tác giả đối với cuộc sống và con người, đặc biệt là những con người nhỏ bé, những số phận bất hạnh, những phụ nữ tài hoa bạc mệnh như nàng Kiều, Đạm Tiên hay nàng Tiểu Thanh. 
- Triết lí số phận người đàn bà:
“Đau đớn thay phận đàn bà, Lời rằng bạc mệnh cũng là lời chung” Truyện Kiều)
- Khái quát bản chất tàn bạo của CĐPK bất công chà đạp lên quyền sống của con người. Một ngày lạ thói sai nha, Làm cho khốc hại chẳng qua vì tiền.(Truyện Kiều)
- Nguyễn Du là người đầu tiên trong Văn học trung đại Việt Nam đặt vấn đề về người phụ nữ hồng nhan đa truân, tài hoa bạc mệnh với tấm lòng và cái nhìn nhân đạo sâu sắc. Son phấn có thần chôn vẫn hận, văn chương không mệnh đốt còn vương. (Độc Tiểu Thanh Kí)
- Đề cao quyền sống của con người, đồng cảm và ca ngợi tình yêu lứa đôi tự do và hạnh phúc của con người. 
b. Nghệ thuật 
Những đặc điểm về nghệ thuật của thơ văn Nguyễn Du?
 (HS thảo luận , GV nhấn mạnh giải đáp luận điểm quan trọng).
- Sử dụng thành công nhiều thể thơ Trung Quốc: Ngũ ngôn, thất ngôn, ca, hành,..Đưa thể lục bát lên đỉnh cao
- Ngôn ngữ: điêu luyện.Có sự kết hợp giữa ngôn ngữ bình dân và ngôn ngữ bác học.
- Vận dụng sáng tạo VHDG: Ca dao, dân ca, thành ngữ. (GV chiếu)
GV: Tinh hoa ngôn ngữ bình dân và bác học Việt đã kết tụ nơi thiên tài Nguyễn Du - nhà phân tích tâm lí bậc nhất, thành công trong nghệ thuật tả cảnh ngụ tình và xây dựng nhân vật. Ví dụ đoạn thơ miêu tả Thúy Kiều ở lầu Ngưng Bích:
Buồn trông cửa bể chiều hôm
Thuyền ai thấp thoáng cánh buồm xa xa
Buồn trông ngọn nước mới sa
Hoa trôi man mác biết là về đâu?
................ Cảnh nào cảnh chẳng đeo sầu
Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ !
Với những cống hiến to lớn, Nguyễn Du xứng đáng được tôn vinh “ Đại thi hào dân tộc”
III. Kết luận (2’).
Nguyễn Du là một nhà thơ nhân đạo chủ nghĩa; sự nghiệp cuả Nguyễn Du là sự nghiệp của một đại thi hào – một thiên tài văn học (GV chiếu)
Hoạt động 5:
IV. Luyện tập (3’).	
1. Những yếu tố nào ảnh hưởng đến thiên tài Nguyễn Du ?
A- Thời đại
B- Quê hương
C- Gia đình
D- Bản thân
E- Tất cả các đáp án trên.
ĐA: E
2. Câu nào sau đây không đúng khi nói về ảnh hưởng của hoàn cảnh đối với sự nghiệp sáng tác của Nguyễn Du?
A- Nguyễn Du không có điều kiện để nắm vững và sử dụng ngôn ngữ bình dân.
B- Nguyễn Du đã trải nghiệm trong môi trường quý tộc, hiểu biết về cuộc sống phong lưu.
C- Nguyễn Du đã trải nghiệm cuộc sống đầy khó khăn gian khổ nên vốn sống dồi dào.
D- Nguyễn Du may mắn được tiếp xúc với nhiều vùng văn hóa khác nhau.
ĐA: A
3. Khái quát nào sau đây về giá trị tư tưởng của Truyện Kiều là không đúng?
A- Truyện Kiều là bài ca tình yêu tự do và ước mơ công lí.
B- Truyện Kiều là sự cảm thông, chia sẻ với số phận người phụ nữ
C- Truyện Kiều miêu tả tình cảnh lẻ loi của người chinh phụ.
D- Truyện Kiều là lời tố cáo đanh thép.
ĐA: C
4. Nghệ thuật tiêu biểu trong thơ văn Nguyễn Du là:
A- Vận dụng thành công nhiều thể thơ Trung Quốc.
B- Ngôn ngữ có sự kết hợp điêu luyện giữa ngôn ngữ bác học và ngôn ngữ bình dân.
C- Phân tích tâm lí nhân vật tài tình.
D- Tất cả các đáp án trên.
ĐA: D
C. Hướng dẫn học sinh học bài ở nhà (2’)
1. Bài cũ : Nắm được những nét khái quát về tác gia 
 - Cuộc đời và sự nghiệp 
2 Bài mới : Soạn : " Trao duyên " ( Truyện Kiều - Nguyễn Du )
 Y/c : Đọc đoạn trích, Tiểu dẫn SKG, Tài liệu tham khảo, Trả lời câu hỏi SKG và các câu hỏi GV cho thêm . 

Tài liệu đính kèm:

  • doctac gia Nguyen Du.doc