Giáo án môn Ngữ văn khối 12 - Chiều tối

Giáo án môn Ngữ văn khối 12 - Chiều tối

Ông Phạm Văn Đồng trong bài viết Hồ Chủ tịch - hình ảnh của dân tộc có nói đại ý: Hồ Chủ tịch là người rất giàu tình cảm, và vì giàu tình cảm mà người mới đi làm cách mạng. Trong thế giới tình cảm bao la của Người dành cho nhân dân, cho các cháu nhỏ, cho bầu bạn gần xa, hẳn có một chỗ dành cho tình cảm gia đình. Bài Chiều tối có lẽ hé mở cho ta nhìn thấy một thoáng ước mơ thầm kín về một mái nhà ấm, một chỗ dừng chân trên con đường dài muôn dặm.

Chiều tối là bài thơ thứ 31 trong tập Nhật ký trong tù, ghi lại cảm xúc của nhà thơ trên đường bị giải đi qua hết nhà lao này đến nhà lao khác. Trên con đường khổ ải ấy, một chiều kia, Người chợt nhận thấy cánh chim chiều:

 

doc 17 trang Người đăng hien301 Lượt xem 1680Lượt tải 1 Download
Bạn đang xem tài liệu "Giáo án môn Ngữ văn khối 12 - Chiều tối", để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
thẩm bình
Chiều tối
Trần Đình Sử
Ông Phạm Văn Đồng trong bài viết Hồ Chủ tịch - hình ảnh của dân tộc có nói đại ý: Hồ Chủ tịch là người rất giàu tình cảm, và vì giàu tình cảm mà người mới đi làm cách mạng. Trong thế giới tình cảm bao la của Người dành cho nhân dân, cho các cháu nhỏ, cho bầu bạn gần xa, hẳn có một chỗ dành cho tình cảm gia đình. Bài Chiều tối có lẽ hé mở cho ta nhìn thấy một thoáng ước mơ thầm kín về một mái nhà ấm, một chỗ dừng chân trên con đường dài muôn dặm.
Chiều tối là bài thơ thứ 31 trong tập Nhật ký trong tù, ghi lại cảm xúc của nhà thơ trên đường bị giải đi qua hết nhà lao này đến nhà lao khác. Trên con đường khổ ải ấy, một chiều kia, Người chợt nhận thấy cánh chim chiều:
Chim mỏi về rừng tìm chốn ngủ
Câu thơ không giản đơn chỉ ghi lại cảnh vật mà còn bộc lộ mối tình cảm của nhà thơ. Làm sao biết rõ được là chim đang mỏi, và 
làm sao nói chắc được mục đích của chim là về rừng tìm chốn ngủ, như thể ở trong lòng chim mà ra? Câu thơ chỉ là tín hiệu cho thấy 
là trời đã chiều, mọi vật hoạt động ban ngày đã mỏi mệt, đã đến lúc tìm chốn nghỉ ngơi. Câu thơ tương phản với hình ảnh chùm mây cô đơn ở dưới:
Chòm mây trôi nhẹ giữa tầng không
Câu thơ dịch tuy đẹp nhưng ý thơ có phần nhẹ hơn so với nguyên tác chữ Hán. Nó bỏ mất chữ "cô" trong "cô vân", nghĩa là chòm mây cô đơn, trơ trọi, rất có ý nghĩa. Hai từ "trôi nhẹ" cũng không lột tả được ý của mấy chữ "mạn mạn độ". Bởi vì "độ" là hoạt động nhằm đi từ bờ này sang bờ kia, ví như "độ thuyền" đi thuyền sang sông, "độ nhật", ở cho qua ngày. "Độ thiên không" là chuyển dịch từ chân trời này sang chân trời kia, con đường của mây mới xa vời vô hạn biết chừng nào! Còn "mạn mạn" là dáng vẻ trì hoãn, chậm chạp. Chòm mây cô đơn đi từ chân trời này sang chân trời kia; mà lại còn chậm chạp, trì hoãn nữa, thì biết bao giờ mới tới nơi?! Và hiển nhiên khi trời tối nó vẫn còn lửng lơ bay giữa bầu trời! Chòm mây cô đơn trôi chậm rãi giữa tầng không là hình ảnh ẩn dụ về người tù đang bị giải trên đường xa vạn dặm, chưa biết đâu là điểm dừng! Trong hình ảnh ấy hẳn còn gửi gắm tình cảm thương mình cô đơn, sốt ruột và khao khát có một mái nhà. Chỉ hai câu thơ mà vừa tả cảnh vật, vừa tả người, tả tình người. Đó là cái hàm súc, dư ba của thơ cổ điển.
Nếu hai dòng đầu đã nói tới chim mỏi về rừng tìm chốn ngủ và chòm mây cô đơn chưa biết dừng nơi nao, thì hai dòng sau của bài thơ hiện diện một chốn ngủ của con người:
Cô em xóm núi xay ngô tối,
Xay hết, lò than đã rực hồng.
Trong bản dịch, người dịch đã đưa vào chữ "tối" lộ liễu, trong khi thi pháp thơ cổ chỉ muốn người đọc tự cảm thấy chiều tối phủ xuống mà không cần một sự thông báo trực tiếp nào. Điều đó làm lộ tứ thơ. Nhưng đó là cái khó của người dịch. Điều đáng chú ý là một cảnh lao động gia đình, rất đỗi bình thường, dân dã: cô em xóm núi xay ngô hạt, ngô hạt xay xong, bếp đã hồng. Cô em, bếp lửa tượng trưng cho cảnh gia đình. Ngô hạt xay xong, bếp đỏ hồng lại tượng trưng cho công việc và nghỉ ngơi. Một không khí ấm cúng đối với người lữ thứ. Điều đáng chú ý thứ hai là trong nguyên tác chữ "hồng" là ấm, nóng chứ không phải là màu đỏ, càng chứng tỏ điều nhà thơ nghĩ đến là sức ấm nóng, chứ không phải ánh sáng hồng. Bếp lạnh, tro tàn là tượng trưng cho sự cô quạnh, lẻ loi. Điều đáng chú ý thứ ba là nhà thơ đứng ở núi như thế, y như thể đứng gần gũi bên cạnh. Lại nữa nhà thơ phải đứng rất lâu mới thấy được cảnh thời gian trôi trong câu: Cô em xóm núi xay ngô hạt. Ngô hạt xay xong bếp đã hồng? Đây chỉ là bài thơ trên đường. Vậy đó chỉ là cảnh tưởng tượng trong tâm tưởng, trước xóm núi bên đường, xuất hiện như là biểu trưng của mái ấm gia đình, nơi đoàn tụ của những người thân thuộc. Cái kết này tuy không sáng bừng lên màu hồng lạc quan cách mạng như ai đó hiểu, cũng vẫn ấp áp tình người, làm cho nỗi lòng người đi vợi bớt nỗi cô đơn, tịch mịch. Cùng với hình ảnh ấy một ước mơ thầm kín về mái ấm gia đình thấp thoáng đâu đó. Nếu ta chú ý tới bài thơ trước bài này là bài Đi đường: "Đi đường mới biết gian lao, Núi cao rồi lại núi cao chập chùng" - một con đường vô tận; và bài sau đó là bài Đêm ngủ ở Long Tuyền: "Đôi ngựa" ngày đi chẳng nghỉ chân, Món "gà năm vị": tối thường ăn; Thừa cơ rét, rệp xông vào đánh, Oanh sớm, mừng nghe hót xóm gần; thì ta sẽ thấy sự xuất hiện khung cảnh gia đình kia là rất dễ hiểu. Nó chứng tỏ trái tim của nhà cách mạng vẫn đập theo những nhịp của con người bình thường, gần gũi với mọi người.
Nghệ thuật của bài thơ là một nghệ thuật gián tiếp cổ điển, nói cảnh để nói tình. Hình ảnh trong thơ cũng là tâm cảnh. Nếu chỉ phân tích nó như một bức tranh hiện thực giản đơn, chắc chắn ta sẽ rời xa thế giới nội tâm phong phú của nhà thơ.
"Chiều tối" của Hồ Chí Minh
Hà Minh Đức
Chiều tối (Mộ) là một trong những bài thơ được viết ra trên hành trình bị áp giải, người tù vẫn đang trên đường đi, trời thì sắp tối, không gian, thời gian trong một hoàn cảnh đặc biệt đã gợi cho tác giả nhiều cảm xúc.
Bản dịch của bài thơ cho đến nay vẫn có nhiều ý kiến khác nhau. Câu thơ thứ hai trong nguyên bản là: "Cô vân mạn mạn độ thiên không" dịch là "Chòm mây trôi nhẹ giữa tầng không" như vậy là chưa nói được đặc điểm của chòm mây cô đơn và dáng trôi chầm chậm của áng mây chiều. Gần đây trong một bản dịch mới đã có thay đổi:
Chim mỏi về rừng tìm bụi ngủ,
Lững lờ mây lẻ lướt từng không;
Cô em xóm núi đang xay bắp,
Lò đốt hồng rồi xay cũng xong.
Bản dịch này càng thua kém bản dịch cũ.
Chim rừng thường đậu và ngủ trên những cây cao. Cụm từ tìm bụi ngủ dịch vừa không sát nghĩa lại không thích hợp. Chữ lướt chỉ vận động nhanh không phù hợp với trạng thái di chuyển chầm chậm của đám mây (Cô vân mạn mạn...).
Trong bài thơ này tác giả đặc biệt quan tâm miêu tả những đặc điểm của không gian và thời gian. Đây là một vùng rừng núi quạnh vắng, trời đã gần tối, người tù vẫn trên hành trình bị áp giải. Lúc này trước mắt là một con đường xa và trên tầm cao là bầu trời đang đổi thay khi một ngày sắp hết. Quan tâm miêu tả bầu trời với hình ảnh cánh chim, chòm mây và sắc trời đang tối dần.
Nói về bầu trời thường các nhà thơ hay nói tới cánh chim. Từ xưa đến nay cánh chim thường tượng trưng cho sự bay bổng, vượt lên những giới hạn chật hẹp, và bay liệng vào khoảng không gian rộng lớn tự do. Nhà thơ Huy Thông đã có lần mơ ước:
Tôi muốn làm con chim để cùng gió
Bay lên cao để mơn trớn sợi mây hồng
Hay như trường hợp của Tố Hữu, khi tiếp nhận lí tưởng cách mạng, tác giả thấy mình như một cánh chim bay bổng:
Rồi một hôm nào tôi thấy tôi
Nhẹ nhàng như con chim cà lơi
Hương đồng say nắng vui ca hót
Trên chín tầng cao bát ngát trời
Nhưng rồi hình ảnh cánh chim còn mang nhiều ý nghĩa khác:
Chim bay về núi tối rồi
(Ca dao)
Chim hôm thoi thót về rừng
(Kiều)
và câu thơ buồn của Bà Huyện Thanh Quan:
Ngàn mai gió cuốn chim bay mỏi
Rặng liễu sương sa khách bước dồn
ở đây là những cánh chim mệt mỏi tìm về tổ khi trời sắp tối. Và con người cũng phải nhanh chóng thu xếp công việc khi một ngày sắp qua.
Đôi lúc hình ảnh cánh chim chiều cũng nói lên sự bơ vơ, nhỏ nhoi trong bầu trời rộng lớn:
"Chim nghiêng cánh nhỏ: bóng chiều sa"
(Tràng giang)
Hình ảnh chòm mây trên bầu trời cũng khá phổ biến trong văn chương, góp phần nói lên vẻ đẹp của bầu trời. ở đây là áng mây lẻ loi, là chòm mây cô đơn như mệt mỏi bay chầm chậm trên bầu trời chiều. Tất cả hòa hợp trong không khí của một buổi chiều ở vùng rừng núi thưa vắng bóng người. Có thể nói toàn bộ khung cảnh thiên nhiên không gợi lên một vẻ tươi sáng nào. Thiên nhiên không khích lệ con người; ở một số bài thơ khác trong Nhật ký trong tù chúng ta cũng thường hay bắt gặp những hình ảnh tươi sáng như những vầng trăng và chòm sao trong bài Giải đi sớm, hương hoa thơm ngát trong bài Trên đường đi.
Trong bài Chiều tối tương phản với cảnh vật thiên nhiên là một bức tranh xã hội khá sinh động, có sức sống. Người tù đang trên hành trình bị áp giải, chưa được nghỉ ngơi nhưng không bộc lộ những dấu hiệu của sự mệt mỏi, chán chường, mà đang vượt lên những khó khăn của cảnh ngộ riêng. Bài thơ gây ấn tượng đặc biệt ở hình ảnh người con gái xay ngô ở xóm núi bên đường đi, miệt mài trong công việc, và hình ảnh của lò than rực hồng. Đó là trung tâm của bức tranh làm cho thiên nhiên như bớt đi vẻ hiu hắt, buồn chán và đem lại sự tin cậy và sức sống trong toàn bộ bài thơ, đã làm mất đi sự mệt mỏi, uể oải, sự vội vã, nặng nề đã diễn ra trong ba câu đầu, đã làm sáng rực lên khuôn mặt của cô em sau khi xay xong ngô tối. Hoàng Trung Thông cho đó là con mắt thơ (thi nhãn) hoặc là nhãn tự (chữ mắt). Bài thơ có nhiều chất họa hấp dẫn. Trong Nhật ký trong tù ở những bài thơ viết trên đường bị áp giải thường có nhiều cảnh tạo nên chất họa hấp dẫn của bài thơ. Tác giả Hồ Chí Minh bên cạnh việc miêu tả sâu sắc những tâm trạng cũng rất giỏi trong công việc miêu tả cảnh vật và con người. Bài thơ là một bức tranh có cảnh vật và con người, không gian và thời gian, bức tranh có sáng và tối, động và tĩnh, và con người là trung tâm. Đây cũng là đặc điểm chung của những bài thơ của Hồ Chí Minh viết về thiên nhiên.
Chiều tối là một bài thơ về buổi hoàng hôn. Trong Nhật ký trong tù có nhiều bài thơ viết về hoàng hôn, và cảnh chiều tối. Phần lớn những bài thơ này được viết ra trên hành trình bị áp giải, người tù đang trên đường đi, đường còn xa và trong lúc hoàng hôn nên tâm trạng dễ buồn. Các bài thơ từ xưa đến nay khi viết về hoàng hôn thường mang một tâm trạng buồn, khác với cảnh bình minh, mặt trời rực rỡ và đón chào ngày mới. Trong Truyện Kiều, Nguyễn Du tả tâm trạng nhớ thương của nhân vật trong buổi hoàng hôn: "Nay hoàng hôn đã lại mai hôn hoàng". Nhà thơ Thôi Hiệu trong bài thơ Lầu Hoàng Hạc đã có một ý thơ đặc biệt khi nói về nỗi nhớ quê trong buổi hoàng hôn:
Quê hương khuất bóng hoàng hôn
Trên sông khói sóng cho buồn lòng ai
Trong bài Tràng giang, Huy Cận cũng mượn ý thơ của Thôi Hiệu khi viết: "Không khói hoàng hôn cũng nhớ nhà". Không có khói hoàng hôn như cách nói của người xưa nhưng vẫn có một buổi hoàng hôn trên sông nước, gợi buồn, gợi nhớ thương.
Bà Huyện Thanh Quan có nhiều bài thơ miêu tả buổi chiều và nỗi buồn mênh mang của tác giả. Trong Nhật ký trong tù, những bài thơ viết về buổi hoàng hôn, chiều tối, có thể có những xúc cảm, nhớ thương nhưng không mang nỗi buồn nặng nề, vì người trong cuộc là người chiến sĩ cách mạng đang hành động, đang vượt lên trên những nỗi khó khăn của hoàn cảnh và tin cậy vào một điều gì tốt đẹp hơn.
Chiều tối là một bài thơ trong những bài thơ xuất sắc viết về những hành trình bị áp giải và góp phần thể hiện một tài năng thơ qua việc miêu tả bức tranh về thiên nhiên, con người, hết sức gợi cảm.
Chiều tối
Trần Khánh Thành
1. Một người yêu đời, say mê cuộc sống bao giờ cũng nhạy cảm trước thời gian. Đối với Hồ Chí Minh, thời gian là nhịp điệu của vũ trụ, nhịp sống của con người, thời gian là sự vận động phát triển của cuộc sống. Khi rơi vào hoàn cảnh tù đày, một hoàn cảnh mà thời gian tâm trạng có độ dài gấp hàng ngàn lần thời gian tự nhiên thì ý thức về thời gian của Bác cũng được biểu hiện rõ nét. Trong Ngục trung Nhật ký; Bác có hàng chục bài thơ viết về thời gian và sự vận động của hiện thực trong bước lưu chuyển của thời gian. Mỗ ... c luôn dành cho mọi sự sống chân chính ở trên đời.
Câu thơ thứ hai tiếp tục phác họa không gian, thời gian và tâm trạng:
Chòm mây trôi nhẹ giữa tầng không
Câu thơ dịch chưa chuyển hết được ý, tứ trong nguyên bản. Trong nguyên bản, Bác viết:
Cô vân mạn mạn độ thiên không
(Chòm mây lẻ loi chậm chậm trôi giữa tầng không)
Chòm mây như có tâm hồn, như mang tâm trạng. Nó cô đơn, lẻ loi và lặng lẽ lững lờ trôi giữa không gian rộng lớn của trời chiều. Bầu trời có chim có mây nhưng lẻ loi (cô vân), chim mệt mỏi (quyện điểu) đã thế lại đang ở trong cảnh ngộ chia lìa. Chim bay về rừng, chòm mây ở lại giữa tầng không. Hai câu thơ tả cảnh mà mở ra cả một không gian tâm trạng. Cảnh buồn, người buồn. Nhưng trong nỗi buồn trước cảnh chiều muộn còn có một khát vọng tự do ẩn kín trong đôi mắt dõi theo cánh chim lẫn mây giữa bầu trời rộng.
3. Hai câu thơ tiếp theo tái hiện quá trình vận động của thời gian và không gian:
Cô em xóm núi xay ngô tối
Xay hết, lò than đã rực hồng
(Sơn thôn thiếu nữ ma bao túc
Bao túc ma hoàn, lô dĩ hồng)
Cảm quan biện chứng về thời gian thấm vào từng hình ảnh, sự chuyển đổi của các hình ảnh đã gợi lên bước đi thời gian. Lê Trí Viễn đã bình khá tinh tế về sự vận động thời gian trong bài thơ này: "Nguyên văn không nói đến tối mà tự nhiên nói đến: thời gian trôi dần theo cánh chim và làn mây, theo những vòng xoay của cối ngô, quay quay mãi, "Ma bao túc", "Bao túc ma hoàn"... và đến khi cối xay dừng lại thì "lô dĩ hồng", lò đã rực hồng, tức trời tối, trời tối thì lò rực lên" (1) Học tập phong cách ngôn ngữ Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nxb Khoa học xã hội, Hà 
Nội, 1980.
.
Trong nghệ thuật thơ ca, nhà thơ có thể dùng xa để nói cao (2) Vương Chi Hoán: 	Dục cùng thiên lí mục
	Cánh thướng nhất tằng lâu
	(Muốn tầm mắt nhìn thấu nghìn dặm
	Hãy lên một tầng lầu)
(Đặng Quán Tước Lân)
, dùng động để nói tĩnh (3) Nguyễn Khuyến:
	Lá vàng trước gió khẽ đưa vèo
(Thu điếu)
, dùng sáng để nói tối. Trong bài thơ Chiều tối, Bác không hề nói đến tối mà người đọc vẫn hiểu được bóng tối đang buông xuống ở xóm núi là nhờ có chữ "hồng" ở cuối bài thơ. Trời tối, người đi mới nhìn thấy ánh lửa rực hồng lên đến thế.
Cũng như ở nhiều bài thơ khác của Bác, hình tượng thơ trong bài Chiều tối vận động thật khỏe khoắn và bất ngờ. Trong cảnh chiều muộn ở vùng sơn cước tưởng chừng chỉ có bóng tối hoàng hôn bao phủ, chỉ có heo hút quạnh hiu, nào ngờ đâu ánh sáng ấm áp đã rực lên xua tan giá lạnh, bóng tối. Sự xuất hiện hình ảnh người thiếu nữ trong khung cảnh lao động, bên lò than rực hồng đã mang lại ánh sáng và niềm vui, mang lại sự sống mãnh liệt và ấp áp. Mặc dù thời gian vận động từ chiều đến tối, từ ngày sang đêm nhưng hình tượng thơ vẫn vận động theo xu thế phát triển.
Khi bóng tối của ngày tàn buông xuống nhưng không gian không hề tăm tối, con người đã kịp thắp lên ngọn lửa, con người đã tạo nên ánh sáng, tạo nên hơi ấm để sưởi ấm cho người, cho cảnh vật thiên nhiên. ánh sáng, hơi ấm, con người đã đưa lại niềm vui bình dị cho người tù nhân xa xứ. Trong cảnh ngộ buồn của riêng mình, Bác vẫn tìm thấy niềm vui. Niềm vui ấy xuất phát từ cuộc sống lao động của một người dân Trung Hoa ở một xóm núi nào đó trên đất Quảng Tây. Nếu không có một tình người tha thiết thì làm sao Bác có được một niềm vui như thế giữa đất người xa lạ.
Bài thơ Chiều tối không chỉ miêu tả cảnh chiều nơi sơn cước với làn mây cánh chim và cuộc sống lao động của con người. Toát lên toàn bộ bài thơ là hình tượng nhân vật trữ tình có tấm lòng yêu thương rộng lớn luôn luôn nâng niu trân trọng mọi sự sống trên đời, có tâm hồn lạc quan luôn hướng về tương lai và ánh sáng. Chính cách nhìn biện chứng về thời gian và cuộc sống, chính tình người tha thiết đã tạo nên giá trị to lớn cho thi phẩm độc đáo này.
Chiều tối
Lê Bảo
Thiên nhiên đi vào thơ Bác phần lớn ở dạng ký họa tức thời. Như một nhà họa sĩ có sẵn giá bên mình, Bác dường như ứng khẩu mà thành thơ (theo hồi ký của đồng chí Xuân Thủy, bài Nguyên tiêu xuất sắc của Người được ra đời như thế). Có những cảnh tự nhiên mà tươi tắn như "Cảnh ngoài đồng"... Song, hầu hết cảnh nào cũng đầy ắp tâm tư. Khi thì "nhớ bạn" phương trời, lúc băn khoăn cho người cày, cuốc: "Mười phân thu hoạch chỉ vài phân". Có cả những lúc giận đời mà giận cảnh như bài Đến Quế Lâm. Chính vì khả năng chứa chở tâm sự này mà những bài thơ tả cảnh của Người có không khí sâu đằm của chất Đường thi:
Chim mỏi về rừng tìm chốn ngủ
Chòm mây trôi nhẹ giữa tầng không
Một cánh chim lữ thứ, một chòm mây phiêu bạt giang hồ! Chất liệu thơ đơn giản vậy thôi mà phác họa được cả bầu trời tâm trạng. Dấu hiệu của nó là tiếng nói cảm thương của một sự chia lìa. Thế song hành giữa mây và chim bị đột nhiên phá vỡ. Như một nhát dao, hoàng hôn đã chia cắt sợi dây bền chặt kia hất về hai ngả. Chim về núi, còn mây ở lại với ngổn ngang thương nhớ đầy trời, Nguyên bản "Cô vân mạn mạn độ thiên không" (Chòm mây lẻ loi, cô đơn trôi lững lờ trên tầng không). Cách dựng ý trong thơ đúng ra cũng không có gì thật lạ. Vương Duy trong bài Tống biệt có câu:
Anh đi, tôi chẳng dài lời
Kìa làn mây trắng bên trời ngổn ngang
"Chẳng dài lời" đâu phải là ít ý? Chính là ý nặng tình sâu mà ngôn ngữ trở nên bất lực, nhạt nhẽo, đành để cho làn mây nói hộ. Sự dồn nén trong cái "ý tại ngôn ngoại" mà biết mấy ngưng đọng, dư ba. ở câu thơ của Bác, giữa mây trắng và chim bay tưởng như vững bền trong cái thế bè đôi, bỗng xuất hiện một đối nghịch đau lòng. Có cả sự tương phản trong hướng bay và tốc độ. Hướng bay của cánh chim là rừng, là núi, là nơi trú tạm qua đêm, để bắt đầu lại hôm sau một ngày vất vả, nhọc nhằn trong cuộc mưu sinh thường nhật. Còn mây bay là ở lại với cái mênh mông trời, không tìm đâu cho thấy cánh chim. Thơ Thôi Hiệu nổi tiếng cũng ở tứ này:
Hạc vàng đi mất từ xưa
Ngàn năm mây trắng bây giờ còn bay
(Lầu Hoàng Hạc)
Đúng là chim trời cá nước! Có sợi dây nào trói được một cánh chim bay, cho nên theo Nguyễn Du chỉ còn mỗi một cách là trông đợi dù cho có thể héo hon:
Cánh hồng bay bổng tuyệt vời
Đã mòn con mắt phương trời đăm đăm
(Truyện Kiều)
Còn về tốc độ thì trước mắt chúng ta là một đường bay mải miết, mịt mờ vì hoàng hôn buông xuống "Ngàn mai gió cuốn chim bay mỏi" (Bà huyện Thanh Quan). Để đến một lúc, nó chỉ còn là một cái chấm như mũi kim trước khi khuất dạng nhập với chân trời. Còn mây thì vẫn như chẳng có chi là vội vã cả. Nó vẫn nhởn nhơ, quanh quẩn vì không biết về đâu, vì nó đâu có nơi nào trú đỗ. Từ ngàn năm, mây trắng vẫn chỉ là mây trắng "Mây trắng ngang hàng tự thuở xưa, Bao giờ viễn vọng đến bây giờ" - Xuân Diệu.
Tóm lại, với hai câu đầu, thi nhân đã dàn dựng một không gian tâm trạng. Một cái gì như nhòa nhạt lúc hoàng hôn. Đó là cái nhịp cầu giữa ngày tàn và đêm đang dần đến. Bối cảnh ấy dễ mang tới cho con người những hoài cảm mênh mông. Có khi là cái mênh mông của trời rộng, sông dài (Sông dài, trời rộng bến cô liêu) hoặc nỗi đơn côi lẻ bóng: "Dừng chân đứng lại: trời, non, nước, Một mảnh tình riêng ta với ta"... Liễu Tông Nguyên trong bài Giang tuyết gợi được sự hóa đá vì cô tịch của con người trong cái trường cửu của dòng sông:
Nghìn non, bóng chìm tắt
Muôn nẻo dấu người không
Thuyền đơn ông tơi nón
Một mình câu tuyết sông.
Trong nguyên bản, từ dùng để chỉ thuyền và chỉ người là "cô chu" và "độc điếu" nghĩa là chỉ có một mình và như thế từ bao thế kỷ. Thơ cảm nhận cái heo hút mênh mông quá vãng đến không khỏi rợn ngợp, bâng khuâng. Đó là mảnh đất chỉ đường cho những mũi tên cảm nghĩ rất xa và cũng thường là rất xưa. Điều này không có gì lạ một khi thực tế cuộc đời trước mắt là một thứ "phù vân" chìm nổi, con thuyền thơ phải bằng mọi cách định hướng cho mình là neo buộc vào những chốn "đào nguyên": "Đào nguyên lạc lối đâu mà đến đây". Nhất là hoàn cảnh của Bác như cánh chim chiều, như đám mây lưu lạc (một chữ "cô" tâm trạng, Bác dùng không khác người xưa), nếu xuất hiện một cảm nghĩ "tư hương" nguồn cội từ nơi góc biển chân trời thì cũng như nàng Kiều thuở trước giữa "Bốn bề bát ngát xa trông", không đất nước, không người thân chỉ lạnh lẽo một quê người, đất khách. Nhưng mà không. Điều mà Đường thi và người đọc Đường thi chờ đã không đến:
Cô em xóm núi xay ngô tối
Xay hết, lò than đã rực hồng
Nguyên bản: "Sơn thôn thiếu nữ ma bao túc, Bao túc ma hoàn, lô dĩ hồng". Người dịch thơ dù giỏi mấy có đâu truyền thụ hết được cái tinh tế của văn chương. Đây chính là cái đốm sáng duy nhất của bài thơ. Nó ngược lại với tiến trình của quy luật từ ấm ngày sang lạnh tối. Quy luật mà ta vừa nói ở đây là cái gì khách quan, không đổi. Nhưng cuộc sống con người, của lịch sử đâu chỉ phụ thuộc vào khách quan mà bị động, trông chờ. Bức tranh chiều tuy vạch một đường sâu, lạnh, một khoảng trống vắng của thiên nhiên, nhưng kế ngay sau đó đã lại là sự ưu ái: bù đắp bằng hơi ấm tình người. Con người ở đây là con người bình thường chứ đâu phải nàng tiên. Thế mà đẹp, mà tươi kỳ lạ vì nó đơn sơ, nó gần gũi, nó đời thường. Cô gái ấy đang phải làm cái việc mà ban ngày chưa thể làm; xay ngô tối. Xay lúa, xay ngô là công việc quanh năm của nhà nông ngoài cày, cuốc ban ngày. Nó đòi hỏi thời gian và nhất là sự kiên trì, sức lực. "Cối xay tre nặng nề quay, Từ ngàn đời nay, xay nắm thóc". Câu văn giàu chất nhạc của Thép Mới đã diễn tả sinh động và cảm động cảnh lam lũ, nhọc nhằn quen thuộc quá. Nhưng cô gái kia đâu có ở vào cái tâm thế bị động, nạn nhân của công việc nặng nề, cái đốm lửa bập bùng đẹp nhất không phải ở lò than. Trước hết, sự tỏa sáng là từ chính con người tạo ra cái niềm vui bình dị như chiếc lò than đời thường ấy. Mạch thơ trong hai câu vạm vỡ. Giữa câu trước và câu sau là một chiếc đòn gánh tre "chín rạn hai vai" (chữ của Nguyễn Du) kỳ diệu. Nó nhấc bổng cả cái khối lượng nhọc nhằn, nó chiến thắng cả cái đêm lạnh vào khuya. Con người vốn bình thường vụt lớn lên như huyền thoại, lấp lánh hào quang. Thương yêu con người, tự hào và tin cậy ở con người, phải chăng đó chính là cái mầm sống xanh tươi không một thứ "đêm thu" nào có thể làm cho nó héo tàn, nguội lạnh. Điều lớn lao này làm tâm hồn Bác ấm lên trong băng giá buổi tàn đông.
Một trường hợp khác: bài Hoàng hôn chẳng hạn. Có ai thấu hiểu cái gió, cái rét thấu xương như những lần Bác bị giải đi trên các nẻo đường của đất nước Trung Hoa mênh mông thu nhỏ lại trong "Mười tám nhà lao đã trải qua" ấy:
Gió sắc tựa gươm mài đá núi
Rét như dùi nhọn chích cành cây
ấy thế mà chưa một lần Bác có cảm giác cô đơn, trống trải. Cái ấm của cuộc sống bắt vào ngọn lửa của hồn người sưởi ủ cho nhau để trở thành bè bạn. Có ai ngờ giữa cái hun hút tái tê, Bác vẫn có một nguồn an ủi:
Chùa xa chuông ngục người nhanh bước
Trẻ dắt trâu về, tiếng sáo bay
Vì thế, hiện tượng "Chiều tối" đâu phải là một ngẫu nhiên. Đất nào thì cây ấy, cây nào thì hoa trái ấy...
Không thoát tục để bước vào sương khói vô hình, cũng không chìm đi trong quá khứ, thơ Bác, như tâm hồn Bác bao giờ cũng hướng tới thực tại. Cách nhìn của Bác vừa là sự trìu mến nâng niu vừa là thái độ động viên cổ vũ dù không ồn ào nhưng có tác dụng đỡ nâng, dìu dắt con người, để không tắt đi một niềm tin vào cuộc sống.
Cách nhìn lạ từ tâm hồn lớn của Người đã nâng một bài thơ nhỏ mang cốt cách Đường thi lên hàng một báu vật.

Tài liệu đính kèm:

  • docTham binh bai Chieu toiNKTTHCM.doc