Giáo án môn Ngữ văn 12 - Vài nét về thế giới nghệ thuật trong bài thơ “đây thôn vĩ dạ” của Hàn Mặc Tử

Giáo án môn Ngữ văn 12 - Vài nét về thế giới nghệ thuật trong bài thơ “đây thôn vĩ dạ” của Hàn Mặc Tử

Hàn Mặc Tử là một hiện tượng thơ kì lạ vào bậc nhất của phong trào Thơ mới. Đọc thơ Hàn thi sĩ ta bắt gặp một tâm hồn thiết tha yêu cuộc sống, yêu thiên cảnh, yêu con người đến khát khao, cháy bỏng; một khát vọng sống mãnh liệt đến đau đớn tột cùng. Trong thơ Hàn, nhiều bài thơ mang khuynh hướng siêu thoát vào thế giới siêu nhiên, tôn giáo nhưng đó là hình chiếu ngược của khát vọng sống, khát vọng giao cảm với đời. Một số bài thơ cuối đời của thi sĩ họ Hàn còn đan xen những hình ảnh ma quái- dấu ấn của sự đau đớn, giày vò về thể xác lẫn tâm hồn. Đó là sự khủng hoảng tinh thần, bế tắc và tuyệt vọng trước cuộc đời. Nhưng dù được viết theo khuynh hướng nào, thơ Hàn Mặc Tử vẫn là những vần thơ trong sáng, lung linh, huyền ảo, có một ma lực với sức cuốn hút diệu kì đối với người yêu thơ Hàn Mặc Tử.

 Hàn Mặc Tử là một trong những nhà thơ tiên phong trong việc cách tân thi pháp của phong trào Thơ mới. Thế giới nghệ thuật trong thơ Hàn Mặc Tử là một thế giới đa dạng, nhiều sắc màu. Hàn Mặc Tử đã đưa vào Thơ mới những sáng tạo độc đáo, những hình tượng ngôn từ đầy ấn tượng, gợi cảm giác liên tưởng và suy tưởng phong phú. Ngoài bút pháp lãng mạn, nhà thơ còn sử dụng bút pháp tượng trưng và yếu tố siêu thực.

 Tiếp cận với thế giới nghệ thuật trong thơ Hàn Mặc Tử là cảm nhận được tính hàm súc, mới lạ của ngôn từ, hình ảnh thơ; tính đa nghĩa, tạo sinh của văn bản thơ; tính điêu luyện trong cách tổ chức, cấu trúc tác phẩm và tính mơ hồ, khó hiểu. Bài thơ “Đây thôn Vĩ Dạ” có thể xem là một chủ âm trong cây đàn thơ muôn điệu của Hàn Mặc Tử, là một thi phẩm xuất sắc của thi đàn Thơ mới. Tìm hiểu thế giới nghệ thuật của bài thơ sẽ giúp người đọc hoá giải được phần nào lòng yêu đời, yêu cuộc sống mãnh liệt nhưng đầy uẩn khúc của hồn thơ Hàn Mặc Tử.

 

doc 6 trang Người đăng hien301 Lượt xem 1589Lượt tải 0 Download
Bạn đang xem tài liệu "Giáo án môn Ngữ văn 12 - Vài nét về thế giới nghệ thuật trong bài thơ “đây thôn vĩ dạ” của Hàn Mặc Tử", để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
 VÀI NÉT VỀ THẾ GIỚI NGHỆ THUẬT TRONG
 BÀI THƠ “ĐÂY THÔN VĨ DẠ” CỦA HÀN MẶC TỬ
Tác giả: Đỗ Minh Phúc 
	Hàn Mặc Tử là một hiện tượng thơ kì lạ vào bậc nhất của phong trào Thơ mới. Đọc thơ Hàn thi sĩ ta bắt gặp một tâm hồn thiết tha yêu cuộc sống, yêu thiên cảnh, yêu con người đến khát khao, cháy bỏng; một khát vọng sống mãnh liệt đến đau đớn tột cùng. Trong thơ Hàn, nhiều bài thơ mang khuynh hướng siêu thoát vào thế giới siêu nhiên, tôn giáonhưng đó là hình chiếu ngược của khát vọng sống, khát vọng giao cảm với đời. Một số bài thơ cuối đời của thi sĩ họ Hàn còn đan xen những hình ảnh ma quái- dấu ấn của sự đau đớn, giày vò về thể xác lẫn tâm hồn. Đó là sự khủng hoảng tinh thần, bế tắc và tuyệt vọng trước cuộc đời. Nhưng dù được viết theo khuynh hướng nào, thơ Hàn Mặc Tử vẫn là những vần thơ trong sáng, lung linh, huyền ảo, có một ma lực với sức cuốn hút diệu kì đối với người yêu thơ Hàn Mặc Tử.
	Hàn Mặc Tử là một trong những nhà thơ tiên phong trong việc cách tân thi pháp của phong trào Thơ mới. Thế giới nghệ thuật trong thơ Hàn Mặc Tử là một thế giới đa dạng, nhiều sắc màu. Hàn Mặc Tử đã đưa vào Thơ mới những sáng tạo độc đáo, những hình tượng ngôn từ đầy ấn tượng, gợi cảm giác liên tưởng và suy tưởng phong phú. Ngoài bút pháp lãng mạn, nhà thơ còn sử dụng bút pháp tượng trưng và yếu tố siêu thực.
	Tiếp cận với thế giới nghệ thuật trong thơ Hàn Mặc Tử là cảm nhận được tính hàm súc, mới lạ của ngôn từ, hình ảnh thơ; tính đa nghĩa, tạo sinh của văn bản thơ; tính điêu luyện trong cách tổ chức, cấu trúc tác phẩm và tính mơ hồ, khó hiểu. Bài thơ “Đây thôn Vĩ Dạ” có thể xem là một chủ âm trong cây đàn thơ muôn điệu 	của Hàn Mặc Tử, là một thi phẩm xuất sắc của thi đàn Thơ mới. Tìm hiểu thế giới nghệ thuật của bài thơ sẽ giúp người đọc hoá giải được phần nào lòng yêu đời, yêu cuộc sống mãnh liệt nhưng đầy uẩn khúc của hồn thơ Hàn Mặc Tử.
	Thế giới nghệ thuật là chỉnh thể của hình thức văn học. Văn bản ngôn từ xét về một mặt chỉ là biểu hiện của hình thức bề ngoài của tác phẩm. Tác phẩm trọn vẹn xuất hiện như một thế giới nghệ thuật, một khách thể thẩm mĩ. Dùng từ “thế giới” để chỉ tác phẩm văn học là có cơ sở khoa học, bởi thuật ngữ “thế giới nghệ thuật” thoã mãn các ý nghĩa của khái niệm “thế giới”: chỉ sự thống nhất vật chất của các biểu hiện đa dạng; có giới hạn về không- thời gian; phạm vi tác động của các qui luật chung, chứng tỏ có một trật tự thống nhất cho toàn bộ; có tính đầy đủ về các qui luật nội tại; là một kiểu tồn tại, thực tại.
	Thế giới nghệ thuật là sản phẩm sáng tạo của con người. Tuy nhiên, việc xác định thế giới nghệ thuật như thế nào thì chưa có ý kiến thống nhất. Từ khái niệm “thế giới” nêu trên có thể hiểu “thế giới nghệ thuật” là sản phẩm sáng tạo của người nghệ sĩ chỉ có trong tác phẩm văn học nói riêng và trong tác phẩm nghệ thuật nói chung, trong cảm thụ của người tiếp nhận, ngoài ra không tìm thấy ở đâu cả. Thế giới nghệ thuật mang tính cảm tính, có thể cảm thấy được và là một kiểu tồn tại đặc thù trong chất liệu và trong cảm nhận của người thưởng thức, là sự thống nhất của mọi yếu tố đa dạng trong tác phẩm. Tóm lại, thế giới nghệ thuật hiểu một cách khái quát là tập hợp tất cả các phương thức, hình thức nghệ thuật biểu hiện mà nhà văn sử dụng để phản ánh và sáng tạo hiện thực.
	Để tìm hiểu thế giới nghệ thuật trong “Đây thôn Vĩ Dạ”, thiết nghĩ cũng nên cần trở lại một số vấn đề có liên quan đến bài thơ :
	Hồi còn làm ở Sở Đạc điền Bình Định, Hàn Mặc Tử có một mối tình đơn phương với Hoàng Thị Kim Cúc- con gái của chủ sở, người Huế. Mối tình chưa được mặn nồng thì Hàn Mặc Tử vào Sài Gòn làm báo nhưng lòng vẫn nuôi hy vọng ở mối tình đơn phương đó. Khi trở lại Qui Nhơn thì Hoàng Cúc đã theo cha về ở hẳn ngoài Huế nên thi sĩ rất đau khổ. Về sau khi biết Hàn mắc bệnh hiểm nghèo phải xa lánh mọi người để chữa bệnh, Hoàng Cúc đã gửi vào cho Hàn một tấm thiếp kèm vài lời động viên. Tấm thiếp là bức phong cảnh in hình dòng sông với hình ảnh cô gái chèo thuyền bên dưới những cành trúc loà xoà, phía xa xa là ráng trời, có thể là rạng đông hay hoàng hôn. Nhận được tấm thiếp ở một xóm vắng Bình Định- nơi cách li để chữa bệnh- xa xứ Huế. Hàn Mặc Tử đã nghẹh ngào. Tấm thiếp như một chất xúc tác tác động mạnh mẽ đến hồn thơ Hàn Mặc Tử. Những ấn tượng về xứ Huế đã thức dậy cùng với niềm yêu đời vô bờ bến. Thi sĩ liền cất bút viết bài thơ này trong một niềm cảm xúc dâng trào.
	Nội dung tự thân của bài thơ đã vượt ra khuôn khổ của một kỉ niệm riêng tư. Được gợi hứng từ tấm thiếp nhưng bài thơ không đơn thuần là những lời vịnh cảnh, vịnh người từ tấm thiếp mà đó là tiếng lòng đầy uẩn khúc của một tình yêu cháy bỏng nhưng vô vọng; một niềm khao khát sống, thiết tha gắn bó với cuộc đời, nhất là lúc nhà thơ đang mắc phải căn bệnh hiểm nghèo.
	Đến với thế giới nghệ thuật của bài thơ “Đây thôn Vĩ Dạ” là đến với một thế giới nghệ thuật đầy cá tính sáng tạo, mang những nét riêng cá tính và dị biệt của một hồn thơ đau thương, đa sầu, đa cảm trước thiên nhiên, cuộc sống và con người.
	Trước tiên nhìn từ góc độ không- thời gian nghệ thuật, bài thơ liên kết với nhau không tuân theo tính liên tục của thời gian và tính duy nhất của không gian: cảnh vườn thôn Vĩ tươi sáng trong ánh nắng mai với cảnh sắc bình dị mà tinh khôi, đơn sơ mà thanh tú, nghiêng về cảnh thực; cảnh sông nước đêm trăng huyền ảo, thực hư xen lẫn vào nhau chập chờn chuyển hoá và hình bóng “khách đường xa” nơi chốn sương khói mông lung, cảnh chìm trong mộng ảo. Không- thời gian nghệ thuật của bài thơ được sáng tạo mang tính chủ quan gắn với tâm lí và cảm quan của nhà thơ.
	Thời gian trong bài thơ tồn tại không có tính liên tục, bị đứt nối, ngắt quãng: cảnh thôn Vĩ vào buổi sớm tinh mơ- cảnh sông nước đêm trăng và cuối bài thơ chỉ còn là thời gian vô thức, không xác định. Thời gian trong “Đây thôn Vĩ Dạ” như một dòng chảy trôi những đứt nối của một nỗi niềm thiết tha gắn bó với đời, khát vọng sống đến khắc khoải.
	Thời gian nghệ thuật là một biểu tượng thể hiện một quan niệm thẩm mĩ của nhà văn về cuộc đời và con người. Thời gian trong “Đây thôn Vĩ Dạ” đã thể hiện quan niệm của Hàn Mặc Tử về thế thái nhân sinh. Cuộc đời là một chuỗi thời gian đứt gãy, chắp nối và cuối cùng tan vào hư vô. Mở đầu bài thơ, thời gian bắt đầu một ngày mới “Nhìn nắng hàng cau, nắng mới lên”, cảnh vật tràn đầy sức sống. Thời gian thường vận động theo dòng vận động tuyến tính, một chiều. Thế nhưng, nét khác là thời gian trong bài thơ không liên tục mà ngắt quãng. Thời gian mở đầu là buổi sớm tinh khôi nhưng đột ngột chuyển sang đêm trăng đầy mong ngóng, lo âu, buồn đến nao lòng và kết thúc trong thời gian mộng ảo, không xác định. Sự đứt nối thời gian trong bài thơ như một nỗi niềm tâm sự của nhà thơ về cuộc đời và kiếp sống mong manh, đứt đoạn của con người, của Hàn Mặc Tử- một kiếp người dang dở tình duyên và sự nghiệp văn chương.
	Thời gian của bài thơ không mang tính liên tục còn không gian lại không tuân theo tính duy nhất. Không gian trong “Đây thôn Vĩ Dạ” là không gian của sự chia lìa. Không gian nghệ thuật trong tác phẩm văn học là mô hình thế giới độc lập, có tính chủ ý và mang ý nghĩa tượng trưng của tác giả, là không gian tinh thần của con người, là không gian sống mà con người cảm thấy trong tâm tưởng. Không gian nghệ thuật là loại không gian topos, là không gian cảm giác được, là không gian nội cảm chứ không phải như không gian mặt phẳng kiểu Euclid. Không gian nghệ thuật là sản phẩm sáng tạo của người nghệ sĩ nhằm biểu hiện con người và thể hiện một quan niệm nhất định về cuộc sống. Do đó không thể quy không gian trong “Đây thôn Vĩ Dạ” về không gian địa lí hay không gian vật lí, vật chất.
	Không gian trong bài thơ là không gian xứ Huế và không gian một vùng quê Bình Định xa vời, cách trở, huyền hồ ”mờ nhân ảnh”. Hai không gian nhuốm màu cách biệt như mối tình đơn phương dang dở cuả Hàn- Hoàng khiến ta chạnh lòng nhớ lại hai không gian li biệt khi Thúc Sinh từ biệt Thuý Kiều- một cuộc chia li đầy xót xa, đau đớn: 	
	Người lên ngựa, kẻ chia bào,
	Rừng phong thu đã nhuốm màu quan san.
	Nhưng dù sao Hàn Mặc Tử vẫn đợi chờ và nuôi mầm hi vọng cho mối tình tuyệt vọng ấy. Hai không gian xa xôi, ngăn cách ấy không phải vì không gian địa lí mà đó là sự cách trở của hai tâm hồn, là nỗi niềm thổn thức của Hàn thi sĩ. Không gian ở đây được soi chiếu qua lăng kính cảm xúc chủ quan của nhà thơ.
	Tóm lại, cả bài thơ liên kết với nhau không theo một trật tự nào của không gian và thời gian. Nhưng về mạch cảm xúc thì vận động nhất quán trong cùng dòng tâm tư: Đó là lòng yêu đời, lòng ham sống mãnh liệt nhưng đầy uẩn khúc của một hồn thơ, lòng thiết tha với cảnh vật, với con người và cuộc sống. Vì thế, bố cục tuy có vẻ “đầu Ngô mình Sở”nhưng lại liền mạch, liền khổ. Đây là một nét độc đáo của tác phẩm.
	Thế giới nghệ thuật trong bài thơ còn thể hiện ở sự lựa chọn và sử dụng các phương tiện ngôn ngữ nghệ thuật để miêu tả hiện thực và nội tâm một cách sinh động và sâu sắc. Mở đầu bài thơ, tác giả đã khai thác có hiệu quả biện pháp tu từ truyền thống -Câu hỏi tu từ :
	Sao anh không về chơi thôn Vĩ?
	Nhìn nắng hàng cau, nắng mới lên.
	Vườn ai mướt quá xanh như ngọc,
	Lá trúc che ngang mặt chữ điền.
	“Sao anh không về chơi thôn Vĩ?” là một câu hỏi có nhiều sắc thái: vừa hỏi han, vừa hờn trách, vừa nhắc nhở, vừa mời mọc. Câu hỏi như xoáy sâu vào nỗi đau trong lòng nhà thơ- một người đang mang căn bệnh hiểm nghèo, bế tuyệt trước tình yêu và cuộc sống- biết bao giờ được quay gót trở về thôn Vĩ tươi đẹp, thơ mộng. Nơi đã để lại trong kí ức nhà thơ những dấu chân kỉ niệm với biết bao hình ảnh nên thơ, gợi cảm. Thôn Vĩ là nơi Hàn Mặc Tử thường lui tới khi còn là học sinh trường Pellerin ở Huế. Hơn thế nữa, nơi ấy Hàn đang ấp ủ một mối tình tuyệt vọng. Chính vì vậy, việc trở về thăm thôn Vĩ như một sự thôi thúc bên trong tâm hồn nhà thơ nhưng biết khi nào ước mơ ấy hoá thành hiện thực.
	Hình tượng chủ thể trong câu thơ trên là “cái tôi” li hợp, bất định ( vừa là mình, vừa phân thân ra cùng một lúc nhiều mình khác nữa ). Tác giả đang tự phân thân để hỏi chính mình về một việc đáng ra phải thực hiện từ lâu nhưng giờ đây không biết có còn cơ hội nữa không. Sự phân thân và những sắc thái tình cảm phức hợp hoà trộn vào nhau trong cùng một câu hỏi làm cho niềm ao ước được trở về thôn Vĩ vừa mãnh liệt, vừa uẩn khúc, khó giãi bày. Nghĩa là ao ước đấy song cũng đầy mặc cảm.
	Ở khổ hai của bài thơ, câu hỏi tu từ lại tiếp tục xuất hiện như một dấu nhấn cảm xúc, tâm trạng:
	Gió theo lối gió, mây đường mây
	Dòng nước buồn thiu, hoa bắp lay.
	Thuyền ai đậu bến sông trăng đó,
	Có chở trăng về kịp tối nay?
	Câu hỏi ở cuối khổ thơ có ngữ điệu hỏi thể hiện trong các từ “Thuyền ai” “đó””có chở””kịp”Ngữ điệu hỏi ấy toát lên một niềm hi vọng đầy khắc khoải, phấp phổng trong tâm trạng.
	Khổ cuối của bài thơ lại xuất hiện một câu hỏi tu từ như một lời ướm hỏi đậm nét hoài nghi:
	Mơ khách đường xa, khách đường xa, 
Áo em trắng quá nhìn không ra.
Ở đây sương khói mờ nhân ảnh, 
Ai biết tình ai có đậm đà?
	Câu hỏi là niềm hoài nghi về sự đậm đà trong tình cảm của ”ai” đó đối với Hàn Mặc Tử. Chữ “ai” thứ nhất là chủ thể- tác giả. Chữ “ai” thứ hai có thể hiểu theo nghĩa hẹp là “khách đường xa” nhưng có thể mở rộng ra là những người tình trong cõi mộng, thoắt ẩn, thoắt hiện trong tâm trí của Hàn Mặc Tử. Ở đây không phải là nhà thơ “không tin” mà là “không dám tin” cho tình ai có đậm đà thì đúng hơn. Không tin thì nghiêng về thái độ lạnh lùng, không mong đợi gì, còn không dám tin thì vẫn còn bao hàm cả một hi vọng sâu kín.
	Qua những câu hỏi tu từ rải dọc dọc suốt chiều dài bài thơ, ta như cảm nhận được diễn biến tâm trạng của Hàn Mặc Tử từ ao ước, đắm say đến hoài vọng, đợi chờ và mơ tưởng, hoài nghi để cuối cùng sầu muộn và bi quan, yếm thế. Tất cả chỉ là những cung bậc khác nhau nhưng cốt lõi vẫn là một nỗi niềm thiết tha giao cảm với đời, với con người. Đó là những cảm xúc lành mạnh của một tâm hồn trong trẻo chứ không chán chường đập phá, tiêu cực.
	Nhìn chung đây không phải là những vần thơ trao- đáp. Hỏi chỉ là hình thức trình bày nỗi niềm tâm trạng. Các câu hỏi được phân bố khắp toàn bài. Vì thế, âm điệu bài thơ bị chi phối bởi ngữ điệu của những câu hỏi ấy. Cảm xúc trong bài thơ phần lớn đã được chuyển vào âm điệu của những câu hỏi.
	Trong thế giới nghệ thuật của tác phẩm văn học không chỉ có yếu tố ngôn từ mà còn có cả thế giới được miêu tả theo các nguyên tắc nghệ thuật. Đến với thế giới nghệ thuật của “Đây thôn Vĩ Dạ”, ta bắt gặp hàng loạt những hình ảnh đầy chất thơ và giàu sức gợi cảm.
	Mở đầu bài thơ là hình ảnh thật giản dị, mộc mạc, gần gũi với biết bao làng quê Việt “Nhìn nắng hàng cau, nắng mới lên”. Hình ảnh ấy hiện lên trước tiên trong kí ức nhà thơ bởi nơi ấy đong đầy kỉ niệm của một thời cắp sách mà Hàn Mặc Tử không thể xoá nhoà và nơi đây cũng là quê hương của người tình trong mộng- Hoàng Cúc. Vì thế, cảnh vật cũng gợi nhớ, gợi thương, gợi sự trắc trở, uẩn khúc trong lòng nhà thơ. Hình ảnh quen thuộc ấy như những con sóng xô bờ khơi đậy nỗi nhớ Vĩ Dạ đến cồn cào, da diết.
	Hình ảnh “Nhìn nắng hàng cau, nắng mới lên” sao lại soi chiếu đầu tiên vào cảm quan tác giả và có sức lan toả mạnh mẽ như vậy? Có phải chăng đó là hình ảnh tinh thanh nhất của làng quê xứ Huế? So sánh với hình ảnh “nắng” trong bài “Mùa xuân chín”: Trong làn nắng ửng, khói mơ tan/ Dọc bờ sông trắng, nắng chang changthì “nắng” ở đây được miêu tả một cách trực quan nên gây ấn tượng mạnh đối với người đọc. Riêng ánh nắng trong “Đây thôn Vĩ Dạ”chỉ gợi chứ không tả nhưng vẫn có sức lôi cuốn, hấp dẫn bởi nó gián tiếp gợi tả vẻ đẹp tinh khôi, thanh khiết, thanh thoát của ánh nắng và cảnh thiên nhiên buổi sớm. Sáng sớm, cau là thứ cây đầu tiên trong vườn được nhận những tia nắng ấm áp, tinh khôi nhất. Sau một đêm đắm mình trong sương lạnh, những hàng cau xanh như được tắm trong làn nắng ấm long lanh và trở nên tinh khiết hơn. Thân cau mảnh mai vươn vào bầu trời trong xanh in bóng xuống mảnh vườn quê với dáng điệu thật thanh thoát.
	Hình ảnh mở đầu bài thơ thật tươi sáng, thật thơ mộng. Thế nhưng sang khổ hai đột ngột xuất hiện những hình ảnh gợi sự chia lìa, li tán, khác thường:
	Gió theo lối gió, mây đường mây,
	Dòng nước buồn thiu, hoa bắp lay.
	Hình ảnh thơ thoạt nhìn đã thấy ngay sự phi lí. Theo logic hiện thực thì mây, gió làm sao có thể tách rời nhau. Gió có thể bay “theo lối gió” nhưng mây làm sao có thể tự bay theo lối riêng của mình. Thế mà gió và mây như những cánh lục bình trôi tan tác trên dòng sông. Sự chia phôi này thật ngang trái và phi lí đến mức khó hiểu.Chính sự chia li này làm cho dòng nước buồn man mác và hoa bắp cũng lay động nghẹn ngào. Tại sao Hàn thi sĩ lại khắc hoạ một hình ảnh như thế? Nhà thơ sáng tạo nên hình ảnh thơ ấy không phải bằng giác quan mà bằng cái nhìn mặc cảm: mặc cảm của sự chia lìa. Nhà thơ mang nặng mặc cảm của một người gắn bó sâu nặng với cuộc đời, khát vọng được sống và được yêu hết mình nhưng lại sắp sửa phải chia tay với cuộc sống bởi căn bệnh nan y nên cảm nhận tất cả đều chia lìa, vỡ vụn. Thậm chí những ước vọng tưởng chừng nằm trong tầm tay nhưng đã vuột mất để lại trong tâm hồn nhà thơ một khoảng trống vô biên của nuối tiếc và tuyệt vọng.
	Về nhịp điệu, câu thơ “Gió theo lối gió, mây đường mây” cũng có cách ngắt nhịp khác thường. Câu thơ thất ngôn thường ngắt nhịp 2/2/3 nhưng lại được ngắt nhịp 4/3. Mỗi hình ảnh bị chia cách trong một khuôn nhịp riêng biệt càng làm tăng thêm sự ngăn cách. Hình ảnh và nhịp điệu câu thưo như hoà quyện vào nhau tạo nên không khí đau buồn của cuộc chia li giữa mây và gió hay nỗi buồn đau trong tâm tưởng nhà thơ.
	Nếu phần đầu khổ thơ là hình ảnh cách trở thì phần cuối khổ thơ là những hình ảnh đẹp đẽ, nên thơ với tâm trạng mong chờ, thấp thỏm , lo âu:
	Thuyền ai đậu bến sông trăng đó,
	Có chở trăng về kịp tối nay?...
	Hình ảnh “sông trăng”, “thuyền trăng” thật giàu chất thơ. Hiệu quả nghệ thuật của câu thơ là tạo nên không khí mơ hồ, thực hư chập chờn chuyển hoá cho nhau khá thơ mộng. Nhưng vẻ đẹp của trăng chưa phải là hình ảnh mang dấu ấn thật sự riêng biệt của Hàn Mặc Tử. Chính ý nghĩa của hình tượng “trăng” mới là dấu ấn in đậm trong tâm thức người đọc. Trong khổ thơ, tất cả hình ảnh đều gợi khái niệm phiêu tán. Tất cả đều bị trôi chảy về tận cuối trời xa khiến nhà thơ cảm thấy như mình bị bỏ rơi bên bờ sông quên lãng. Trong khoảnh khắc ( moment ) lạc lõng, bơ vơ, cô đơn ấy, Hàn Mặc Tử chỉ còn biết bầu bạn cùng trăng như một niềm an ủi cuối cùng. Trăng giờ đây là điểm tựa tinh thần của nhà thơ. Cho nên, thi sĩ đặt hết niềm hi vọng vào trăng, vào con thuyền chở trăng có về kịp tối nay để xoa dịu vết thương lòng của Hàn Mặc Tử. Trong khổ thơ chỉ có vầng trăng không chấp nhận sự chảy trôi vô lí ấy mà trở về kết bạn tri âm cùng thi sĩ. Nhưng tiếc thay cuối đời vầng trăng thơ ấy cũng không làm nguôi ngoai nỗi sầu của Hàn Mặc Tử nên nhà thơ đành ngậm ngùi chia tay trong đau đớn, xót xa và hờn trách “Ai mua trăng, tôi bán trăng cho?...”
	Thuyền có chở trăng về kịp tối nay như một sự cảm nhận ngắn ngủi về thời gian và không gian, sống như chạy đua với những giây phút còn lại của cuộc đời. Cũng chạy đua với thời gian nhưng tâm thế của cái tôi Xuân Diệu lại khác. Xuân Diệu nhận ra cái chết luôn đang chờ mỗi người ở cuối con đường huỷ diệt nên cần sống và tận hưởng men nồng của tình yêu trong “Vội vàng”:
	Ta muốn ôm
	Cả sự sống mới bắt đầu mơn mởn,
	Ta muốn riết mây đưa và gió lượn,
	Ta muốn say cánh bướm với tình yêu,
	Ta muốn thâu trong một cái hôn nhiều
	Đối với Hàn Mặc Tử cái chết đã cận kề, chỉ được sống và yêu không thôi là một niềm hạnh phúc quá lớn lao. Vì vậy, chữ “kịp” nghe ngắc ngoải, lo âu, đầy xót thương. Trong “Đây thôn Vĩ Dạ” có một nét phong cách đặc thù là cực tả. Ngôn từ của nhà thơ thường có thiên hướng miêu tả ở mức cực điểm. Ở khổ 1 tác giả cực tả về sắc xanh kì lạ của vườn quê Vĩ Dạ “Vườn ai mướt quá xanh như ngọc”.
	Trong quan niệm của Hàn Mặc Tử, trinh bạch, tinh khiết là vẻ đẹp lí tưởng mà nhà thơ say mê, khao khát. Trong thơ của Hàn thi sĩ, vẻ đẹp ấy thường hiện ra trong sắc trắng lạ lùng. Sắc trắng loá của tà áo người thiếu nữ mà nhà thơ mơ tưởng hay bờ sông trắng nắng chang chang. Có thể nói vấn đề tạo hình là phương thức biểu hiện chủ đạo tạo nên sắc thái biểu cảm trong thơ Hàn Mặc Tử. Với thế giới các hình ảnh nên thơ, huyền hoặc, đầy sức quyến rũ phần nào đã giúp người đọc cảm nhận được những rung động, những cung bậc khác nhau trong tâm hồn và cảm xúc lạ thường của nhà thơ được bộc lộ qua nghệ thuật ngôn từ.
	Hàn Mặc Tử đã đi xa nhưng con đường thơ ca của nhà thơ vẫn còn đó, vẫn còn mới mẻ, tinh khôi. Đến với: Gái quê, Đau thương, Xuân như ý, Thượng thanh khí, Chơi giữa mùa trăngta như lạc vào một vườn thơ đầy hương sắc của một hồn thơ luôn yêu đời, yêu cuộc sống. “Đây thôn Vĩ Dạ” là một thông điệp tình yêu đối với thiên nhiên, với con người và cuộc sống đầy lãng mạn nhưng cũng đầy tuyệt vọng.
	Thế giới nghệ thuật trong “Đây thôn Vĩ Dạ” nói riêng và trong toàn bộ sự nghiệp văn thơ của Hàn Mặc Tử nói chung là một thế giới đa âm sắc, đầy cá tính sáng tạo, mang tính truyền thống về đề tài nhưng cách tân, hiện đại trong câu chữ, nghệ thuật tạo nên những nét lạ thường, độc đáo. Trong “Đây thôn Vĩ Dạ”, người đọc nhận ra dạng kết cấu vừa đứt đoạn, vừa liên kết, nhất quán của mạch thơ. Hình ảnh thơ mộc mạc, giản dị nhưng sắc nét.
	Với thế giới nghệ thuật ấy, Hàn Mặc Tử đã có những đóng góp mới lạ, tạo một phong cách riêng, một thi pháp riêng, một quan niệm nghệ thuật riêng cho làng thơ Bình Định thời bấy giờ với cái tên đày ấn tượng: “Trường thơ loạn”. “Đây thôn Vĩ Dạ” đã trải qua bảy mươi năm thăng trầm cùng lịch sử văn học nhưng nó vẫn giữ nguyên giá trị. Đây cũng là một trong những bài thơ tiêu biểu cho hồn thơ Hàn Mặc Tử đầy tài năng mhưng tiếc thay đoản mệnh!
	Vĩ Dạ, mùa phượng vĩ 2008

Tài liệu đính kèm:

  • docVai net ve the gioi nghe thuat trong bai tho Daython Vi Da cua Han Mac Tu.doc