Độ dư của từ trong một số bài thơ nôm của Hồ Xuân Hương

Độ dư của từ trong một số bài thơ nôm của Hồ Xuân Hương

Hồ Xuân Hương là một nhà thơ nữ tiêu biểu của văn học trung đại nói riêng và trong làng thơ Việt Nam nói chung. Đến với thế giới thơ nôm Hồ Xuân Hương ta cảm thụ được vẻ đẹp của văn chương và thế giới tâm hồn của một nhà thơ nữ có số phận long đong trong chế độ phong kiến. Những đề tài nghiên cứu về Hồ Xuân Hương- cuộc đời và tác phẩm- rất nhiều và rất quen thuộc với những ai đã từng yêu mến nữ sĩ tài hoa này. Thế nhưng vấn đề tìm hiểu và nghiên cứu thơ Hồ Xuân Hương vẫn là vấn đề luôn mới mẻ. Nghiên cứu thơ nôm Hồ Xuân Hương luôn là công việc khá phức tạp nên cần có những đánh giá, bình xét công tâm hơn về cuộc đời và sự nghiệp văn chương của nữ sĩ Hồ Xuân Hương. Ngoài ra việc phê bình, nghiên cứu thơ nôm Hồ Xuân Hương có ý nghĩa rất lớn trong việc cảm thụ và giảng dạy văn chương trong nhà trường phổ thông hiện nay. Trong phạm vi bài viết này, tác giả muốn góp thêm một cách hiểu, cách tiếp cận thơ nôm Hồ Xuân Hương với tấm lòng biết ơn và trân trọng đối với nữ sĩ Hồ Xuân Hương- người đã tôn vinh vẻ đẹp của nền văn học nước nhà.

 

doc 6 trang Người đăng hien301 Lượt xem 1557Lượt tải 0 Download
Bạn đang xem tài liệu "Độ dư của từ trong một số bài thơ nôm của Hồ Xuân Hương", để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
ĐỘ DƯ CỦA TỪ TRONG MỘT SỐ
 BÀI THƠ NÔM CỦA HỒ XUÂN HƯƠNG
	Đỗ Minh Phúc
Hồ Xuân Hương là một nhà thơ nữ tiêu biểu của văn học trung đại nói riêng và trong làng thơ Việt Nam nói chung. Đến với thế giới thơ nôm Hồ Xuân Hương ta cảm thụ được vẻ đẹp của văn chương và thế giới tâm hồn của một nhà thơ nữ có số phận long đong trong chế độ phong kiến. Những đề tài nghiên cứu về Hồ Xuân Hương- cuộc đời và tác phẩm- rất nhiều và rất quen thuộc với những ai đã từng yêu mến nữ sĩ tài hoa này. Thế nhưng vấn đề tìm hiểu và nghiên cứu thơ Hồ Xuân Hương vẫn là vấn đề luôn mới mẻ. Nghiên cứu thơ nôm Hồ Xuân Hương luôn là công việc khá phức tạp nên cần có những đánh giá, bình xét công tâm hơn về cuộc đời và sự nghiệp văn chương của nữ sĩ Hồ Xuân Hương. Ngoài ra việc phê bình, nghiên cứu thơ nôm Hồ Xuân Hương có ý nghĩa rất lớn trong việc cảm thụ và giảng dạy văn chương trong nhà trường phổ thông hiện nay. Trong phạm vi bài viết này, tác giả muốn góp thêm một cách hiểu, cách tiếp cận thơ nôm Hồ Xuân Hương với tấm lòng biết ơn và trân trọng đối với nữ sĩ Hồ Xuân Hương- người đã tôn vinh vẻ đẹp của nền văn học nước nhà.
Nghiên cứu độ dư của từ ( còn gọi là nghiên cứu láy từ và lặp từ trong tác phẩm văn học- theo cách nói của GS.VS Hoàng Trinh ) trong thơ Hồ Xuân Hương là tìm ra qui tắc vận dụng độ dư của từ để diễn tả tư tưởng, tình cảm của nhà thơ, tìm ra ý nghĩa nội hàm của ngôn từ và cấu trúc thẩm mĩ của tác phẩm.
Ông tổ của kí hiệu học- nhà ngôn ngữ học Thuỵ Sĩ nổi tiếng Ferdinand de Saussure ( 1857-1913 ) tuyên bố : “ Ngôn ngữ là một hệ thống kí hiệu dùng để diễn đạt các ý tưởng”. Thật vậy, nếu không có ngôn ngữ thì ý tưởng mãi mãi vẫn là ý tưởng không thể phơi bày, chia sẻ. Ngôn ngữ là một hệ thống kí hiệu rất quan trọng trong cuộc sống xã hội và trong văn chương, là một phương tiện giao tiếp để tâm hồn đến với tâm hồn. Vì vậy, ngôn ngữ có ý nghĩa đặc biệt trong sáng tác và tiếp nhận văn chương. Ở mỗi nhà văn, nhà thơ có cách tiếp cận và sử dụng kí hiệu ngôn ngữ khác nhau và tất nhiên hiệu quả mang lại cũng khác nhau. Vì thế, việc khai thác và sử dụng ngôn ngữ là thiên hình vạn trạng, biến hoá khôn lường; mỗi tiếng, mỗi ngôn từ như là một “con kì nhông”.
	Trong thơ nôm Hồ Xuân Hương, việc sử dụng ngôn từ khá linh hoạt, đa tầng ngữ nghĩa cần được giải mã. Ngôn từ trong thơ Hồ Xuân Hương là một vấn đề phức tạp. Muốn hiểu nó cần phải phá vỡ cấu trúc ngôn từ mới hiểu được cái tinh tuý trong hồn thơ Xuân Hương. Nói như Rabelais phải “đập vỡ cái xương” để “hút tuỷ” của tác phẩm, hoặc như nhà văn Hemingway nghiên cứu phần nổi của “tảng băng trôi” để phát hiện phần chìm của ý nghĩa. Muốn tìm hiểu các ý nghĩa trong thơ nôm Hồ Xuân Hương như các vấn đề: cái đẹp, xã hội học, lịch sử, triết họcphải xuất phát từ cái biểu đạt trên các bình diện ngữ âm, ngữ nghĩa, ngữ pháp; ở thơ Hồ Xuân Hương chủ yếu là ngữ âm thể hiện ở độ dư của từ.
	Thế giới nghệ thuật ngôn từ trong thơ Hồ Xuân Hương là một cơ thể sống khá phức hợp, nhiều thanh âm, nhiều gam màu khác nhau. Độ dư của từ trong thơ nôm Hồ Xuân Hương khá phổ biến và được sử dụng như một chủ âm tạo nên một sức truyền cảm và lay động rất lớn.
 Trước tiên cần tìm hiểu về hiện tượng láy trong thơ nôm Hồ Xuân Hương. Trong thơ nôm của bà, từ láy xuất hiện với tần số tương đối lớn, chi phối cả hệ thống ý nghĩa và hình thức tác phẩm. Có nhiều từ láy được lặp lại nhiều lần ở những bài khác nhau:
	- Tiếng gà văng vẳng gáy trên bom
	- Canh khuya văng vẳng trống canh dồn
	- Văng vẳng tai nghe tiếng khóc chồng
	- Văng vẳng tai nghe tiếng khóc gì
	 Thương chồng nên nỗi khóc tì ti
Từ láy “văng vẳng” lặp lại trong một số bài thơ nôm của Hồ Xuân Hương như những giọt thanh âm xa xôi, ai oán. Cái vần “ăng” càng làm cho tiếng gà gáy, tiếng trông trên bom, tiếng người đàn bà tỉ tê khóc chồngnhư vang xa hơn, lọt thỏm giữa không gian bao la, chìm trong trong vũ trụ vô tận, lạnh lẽo, sầu muộn và tan biến vào trong cái xã hội lạnh lùng, vô cảm. Tiếng gà gáy, tiếng trống dồn cứ day dứt mãi trong tâm trạng cô đơn của người phụ nữ với số phận sao mà đắng cay và nghiệt ngã đến thế. Tiếng người đàn bà khóc chồng nỉ non, không dứt như giằng xé tâm can người đọc, cứ “văng vẳng” mãi, mở rộng ra trong không gian và thời gian. Thế mới cảm nhận được thân phận người phụ nữ trong xã hội phong kiến sao chịu nhiều nỗi đắng cay, mỏng manh, trôi nổi, lỡ làng đến như thế!
Trong sáng tác của mình, Hồ Xuân Hương đề cập rất nhiều đến thân phận, cuộc đời của người phụ nữ trong xã hội phong kiến thường chịu nhiều bất hạnh. Hồ Xuân Hương thường ví người phụ nữ với những hình ảnh rất đời thường, rất bình dị như ốc nhồi, miếng trầu hôi, bánh trôi nước, quả mít
	 Bác mẹ sinh ra phận ốc nhồi,
	 Đêm ngày lăn lóc đám cỏ hôi.
	 Quân tử có thương thì bóc yếm,
	 Xin đừng ngó ngoáy lỗ trôn tôi.
	( Ốc nhồi )
Thân phận người phụ nữ trong bài thơ ví như thân phận ốc nhồi “lăn lóc” trong “đám cỏ hôi”. Từ “lăn lóc” có sức gợi tả rất lớn. Nó chỉ một hiện tượng, một hành động cứ lặp đi, lặp lại theo chu kì, liên tục, không dứt. “Ốc nhồi” cứ lăn trở mãi nhưng không thoát ra được “đám cỏ hôi” như người phụ nữ muốn thoát khỏi số kiếp đoạ đày, ô nhục; tránh xa cõi đời vẩn đục, tối tăm với những kẻ quân tử phàm tục nhưng bất lực. Càng vùng vẫy, ngưòi phụ nữ càng bị trói chặt hơn, buộc phải sống cuộc đời vật vã trong đau đớn của một kiếp người như hình ảnh ốc nhồi “đêm ngày lăn lóc đám cỏ hôi”. Và cứ thế cuộc đời người phụ nữ cứ gặp hết nạn này đến nạn nọ, bị vùi dập, bị hành hạ cho đến khi kết thúc số phận oái oăm của mình.
Hai câu cuối của bài thơ sao mà thống thiết, đáng thương và tội nghiệp đến thế! Phải chăng đó là lời van xin của người phụ nữ trong bài thơ?:
Quân tử có thương thì bóc yếm,
Xin đừng ngó ngoáy lỗ trôn tôi.
Ngẫm kĩ hai câu thơ trên, có thể khẳng định đây không phải là lời van xin mà đó là lời thách thức và tự khẳng định mình của người phụ nữ. Hồ Xuân Hương đã bóc trần bộ mặt thật của giả dối của kẻ tự xưng là quân tử và của cả xã hội phong kiến thối nát và hủ lậu. Chỉ một từ “ngó ngoáy” mà diễn tả một cách sinh động dụng ý nghệ thuật của nhà thơ.
Đáng yêu hơn là hình ảnh người phụ nữ trong bài thơ “Mời trầu”:
	Quả cau nho nhỏ, miếng trầu hôi,
	Này của Xuân Hương đã quệt rồi
Hình ảnh người phụ nữ hay nói đúng hơn là duyên phận người phụ nữ được nhà thơ ví bằng một hình ảnh hết sức chân thật, gần gũi, quen thuộc và bình dị là quả cau, miếng trầuthường có mặt trong sinh hoạt giao tiếp và truyền thống văn hoá của dân tộc. Trước yêu cầu dân tộc hoá, dân chủ hoá nền văn học nước nhà, văn học trung đại từ nửa cuối thế kỉ XVIII trở về sau đã có sự thay đổi rất lớn. Một số văn thi liệu ước lệ và
tượng trưng vay mượn của văn học Trung Quốc đã dần dần được thay thế bằng những văn thi liệu gắn liền với đời sống của con người Việt, của đời sống Việt. Hồ Xuân Hương là một trong những nhà thơ đi đầu trong công cuộc dân tộc hoá, dân chủ hoá ấy.
	Quả cau vốn dĩ là loại quả bé nhỏ nhưng từ láy “nho nhỏ” làm cho quả cau trong bài thơ càng bé nhỏ hơn và khiêm nhường đến dường nào. Duyên phận người phụ nữ cũng như quả cau nhỏ nhoi, thấp hèn và tầm thường như “miếng trầu hôi”. Người phụ nữ phải cam tâm làm phận tôi đòi, phải thấp và bé hơn nữa thì mới tồn tại được trong xã hội phong kiến đầy rẫy bất công với những định kiến nghiệt ngã khôn lường dành cho họ.
	Càng đi sâu vào tìm hiểu về thân phận người phụ nữ trong thơ Hồ Xuân Hương, ta càng cám cảnh, thương thay cho cuộc đời của những “khách má hồng” bạc phận, truân chuyên. Nhà thơ đặc biệt sử dụng khá nhiều từ láy để đặc tả về hình ảnh người phụ nữ thật sinh động với những hình ảnh ẩn dụ vừa gần gũi, vừa bất ngờ:
	Chiếc bách buồn về phận nổi nênh,
	Giữa dòng ngao ngán nỗi lênh đênh.
	Lưng khoang tình nghĩa dường lai láng,
	Nửa mạn phong ba luống dập dềnh
	( Tự tình I )
	Chiếc bách đang buồn về “phận nổi nênh” và “ngao ngán” nỗi “lênh đênh” của nó. Chiếc bách buồn hay người phụ nữ buồn và ngao ngán cho thân phận của mình? Nhà thơ đã so sánh một cách rất hình ảnh hai đối tượng có cùng một mối quan hệ liên tưởng dễ nhận biết : sự lênh đênh. Chiếc bách giữa dòng sông cũng như người phụ nữ đang trôi dạt giữa dòng đời vô định. Về đâu? Một câu hỏi lớn nhà thơ đã gieo vào lòng người đọc nhưng không có câu trả lời và kiến giải. Một loạt các từ láy đồng hiện trong bốn câu thơ: nổi nênh, lênh đênh, lai láng, bập bềnh Các từ láy gợi lên trong tâm thức chúng ta một khái niệm rất mong manh, không xác định. Hạnh phúc của người phụ nữ như chiếc bách giữa dòng chìm nổi, trôi dạt, dễ vỡ tan như bọt nước trên đầu cánh sóng.Các yếu tố ghép nên các từ láy tưởng chừng như vô nghĩa nhưng tạo nên những hình ảnh thật sinh động và giàu ý nghĩa tạo hình. F.Saussure quan niệm rằng trong hệ thống kí hiệu của ngôn ngữ “ giá trị của bất cứ yếu tố nào cũng đều do những yếu tố xung quanh qui định”. Theo ông, một từ được tồn tại và có ý nghĩa là nhờ có mối liên quan và đối lập với những từ xung quanh ở trong một ngôn ngữ nào đó, chẳng hạn trong một câu để tạo cho nó một giá trị. Thực vậy, nếu tách riêng các yếu tố ấy thì nó trở nên hoàn toàn vô nghĩa : nổi/ nênh, lênh/ đênh
	Trong bài “Tự tình II”, chúng ta lại bắt gặp một Hồ Xuân Hương biết buồn giận và trách hờn cho duyên kiếp của mình:
	Trước nghe những tiếng thêm rầu rĩ,
	Sau giận vì duyên để mõm mòm
	Nỗi buồn của người phụ nữ cô đơn cứ day dứt mãi từng đêm với cái “rầu rĩ” và giận hờn vì duyên để “mõm mòm”. Từ láy “ mõm mòm” gợi lên sự dang dở, mỏi mòn. Từ “mõm mòm” còn xuất hiện trong bài ”Trăng thu” :
	Một trái trăng thu chín mõm mòm, 
	Nảy vừng quế đỏ, đỏ lòm lom
	Thế nhưng từ “mõm mòm” trong “Trăng thu” tạo nên một hình ảnh viên mãn chứ không hao khuyết như trong bài “Tự tình II”. Có ý kiến cho rằng trong thơ Hồ Xuân Hương có sự “nổi loạn về ngôn từ”. Cụ thể có những từ láy có âm điệu mới lạ, có sức gợi tả phong phú, gợi hình ảnh, âm thanh rất lớn như : mõm mòm, tỉ tì ti, lộn lèo, toen hoẻn
	Thơ Hồ Xuân Hương là thơ của những âm thanh lay động, chuyển rung; của 
những hình ảnh nhảy múa sống động. Thơ Hồ Xuân Hương là một thế giới đầy màu sắc, có những câu miêu tả cảnh thiên nhiên rất đẹp, rất nên thơ:
	Lấp ló đầu non vừng nguyệt chếch,
	Phất phơ sườn núi lá thu bay
	( Cảnh chùa ban đêm )
	Đến viếng cảnh chùa ban đêm, tâm hồn nhà thơ đã rộng mở để đón nhận vẻ đẹp của cảnh chùa có nét gì hoang sơ, thơ mộng. Những từ láy “lấp ló”, “phất phơ” chúng ta đã bắt gặp trong thơ ca dân gian “lúa chiêm lấp ló đầu bờ” hay “Thân em như chẽn lúa đòng đòng/ Phất phơ giữa ngọn nắng hồng ban mai”. Thế nhưng khi đi vào trong thơ Hồ Xuân Hương ta vẫn cảm nhận được cái hồn của nó. “Lấp ló” là lúc ẩn khuất, lúc hiện hữu. Vầng trăng đầu non cũng thế, lúc ẩn lúc hiện như rụt rè, thẹn thùng. Điểm xuyết vào cảnh đêm, dưới ánh trăng khi tỏ, khi mờ là chiếc lá thu “phất phơ”. Hình ảnh “phất phơ” của chiếc lá thu tạo nên cảm giác sự vật như dang tồn tại đầy sức sống khoe mình dưới ánh trăng. Đây là một hình ảnh động. Cảnh chùa đêm trăng đầy chất thơ đã khơi dậy cảm xúc, làm tâm hồn 
	Bênh vực quyền lợi của người phụ nữ, bà chúa thơ Nôm cũng lên tiếng đả phá, phê phán những cái kệch cỡm, lố lăng của những kẻ đội lốt tu hành, muốn diệt dục để tu hành nhưng chưa thoát tục được:
	Cái kiếp tu hành nặng đá đeo,
	Vị gì một chút tẻo tèo teo.
	Buồm từ cũng muốn về Tây Trúc,
	Trái gió cho nên phải lộn lèo.
	( Cái kiếp tu hành )
	Đã mang lấy kiếp tu hành nhưng nhà sư vẫn còn nặng nợ với trần tục. Nợ ở đây không phải là nợ đời mà là nợ nhục dục mà theo nhà sư thì đó chỉ là một chút “tẻo tèo teo”. Nhà thơ dùng trạng từ “tẻo tèo teo” rất sáng tạo, đã một chút lại còn “tẻo tèo teo’ tức là quá nhỏ bé, quá đỗi bình thường. Đối với người phàm trần chưa xem là nhỏ huống gì sư. Hồ Xuân Hương đã vạch trần cái bộ mặt giả dối, trâng tráo của nhà sư đồng thời phơi bày cái sự lố bịch của chuyện tu hành thời bấy giờ. Cửa Phật từ bi, thanh cao lại là nơi dung thân của những kẻ đội lốt tu hành và ẩn chứa những thứ dung tục của trần gian.
	Nhìn chung trong thơ Hồ Xuân Hương, từ láy xuất hiện với tần số khá lớn. Trong vai trò là cái biểu đạt, những từ láy này đã tạo nên trong thơ nôm Hồ Xuân Hương một thế giới đầy âm thanh, màu sắc và hình khối. Đó là một thế giới động với muôn màu muôn vẻ của cuộc sống.
	Ngoài từ láy, xét về độ dư của từ, trong thơ Hồ Xuân Hương còn xuất hiện phổ biến hiện tượng lặp từ. Đây là một nghệ thuật biểu hiện khá đặc sắc trong thơ nôm của nữ sĩ. Trở lại với thân phận dưới đáy của người phụ nữ, Hồ Xuân Hương đã thốt lên một lời cảnh tỉnh thật cay đắng, xót xa:
	Hỡi chị em ơi có biết không?
	Một bên con khóc, một bên chồng.
	Bố cu lổm ngổm bò trên bụng,
	Thằng bé hu hơ khóc dưới hông.
	( Cái nợ chồng con )
	Bài thơ có giọng điệu hài hước (comic) nhưng đằng sau cái hài hước ấy là nỗi khổ cực của người phụ nữ thời xưa. Đọc bài thơ người đọc dễ liên tưởng đến cảnh make love của đôi vợ chồng nọ. Nhưng không tất cả đều ẩn chứa dưới tầng nghĩa ẩn dụ. Trong câu hai, tác giả đã lặp từ “một” và “một” đối xứng nhau và lặp cấu trúc tạo nên tiểu đối, “con” một bên, “chồng” cũng một bên. Chồng và con là hai gánh nặng chất chồng lên đôi vai gầy của người phụ nữ hiền thảo và đoan thục. Lẽ ra người chồng không phải là 
một trong hai gánh nặng ấy. Với cách lặp từ ấy, nhà thơ ngầm so sánh người chồng cũng là một gánh nặng bất đắc dĩ mà người vợ phải mang. Và Tú Xương trong “Thương vợ” cũng tự xem mình là cái nợ mà bà Tú phải gánh chịu:
	Quanh năm buôn bán ở mom sông,
	Nuôi đủ năm con với một chồng
	Ngoài đời thực thì Xuân Hương cũng khác gì người phụ nữ trong bài thơ. Nhà thơ cũng từng làm lẽ cho ông phủ Vĩnh Tường, Tổng Cóc. Kiếp làm lẽ cũng trăm cay nghìn đắng, đầy tủi nhục nên có lúc nhà thơ đã chửi thẳng vào cái số kiếp đa đoan ấy:
	Chém cha cái kiếp lấy chồng chung,
	Kẻ đắp chăn bông, kẻ lạnh lùng
	( Làm lẽ )
	Từ “kẻ” trong câu hai lặp lại như nhấn mạnh một nghịch cảnh ngang trái, bất công của cuộc đời làm lẽ. Hai ”kẻ” như nhau nhưng danh phận khác nhau. Cùng là phận thuyền quyên, đều lấy chồng chung nhưng người thì được ưu ái, kẻ thì bị ghẻ lạnh. Chính vì thế, nhà thơ muốn “chém” cái kiếp ấy ra thành trăm mảnh cho hả giận.
	Ở với Tổng Cóc chưa được “bén duyên” bà đành ngậm ngùi khóc tiễn đưa ông về nơi chín suối:
	Chàng Cóc ơi! Chàng Cóc ơi!
	Thiếp bén duyên chàng chỉ thế thôi.
	Nòng nọc đứt đuôi từ đây nhé,
	Nghìn vàng khôn chuộc dấu bôi vôi!
	( Khóc Tổng Cóc )
	Bà khóc thực hay đùa chỉ mình bà hay. Nhưng cụm từ “Chàng Cóc ơi! Chàng Cóc ơi!...”lặp lại nghe sao mà thống thiết đến thế, như muốn khẳng định tình cảm của mình đã dành cho ông Tổng thật thắm thiết, sâu nặng. Tương truyền khi bà ở với Tổng Cóc phải chịu nhiều đắng cay tủi nhục nên tiếng khóc ấy phải chăng là tiếng khóc hờ để tống tiễn một ông chồng hờ đi vào cõi vĩnh hằng cũng như để chôn chặt một quãng đời làm thê thiếp đầy hổ thẹn, nhục nhiều vinh ít.
	Hiện tượng lặp từ trong thơ Hồ Xuân Hương không nhiều như hiện tượng láy nhưng nó đã góp phần tạo nên giá trị tạo hình rất lớn :
	Một đèo, một đèo, lại một đèo,
	Khen ai khéo vẽ cảnh cheo leo
	(Đèo Ba Dội )
	“ Một đèo” lặp lại nhiều lần đã khắc hoạ được cảnh thiên nhiên nơi đèo Ba Dội vừa hùng vĩ, vừa hiểm trở. Hết đèo lại đến đèo trập trùng, cách trở. Đây là một cách láy từ hết sức độc đáo, thú vị.
	Trong thơ Hồ Xuân Hương, thủ pháp nghệ thuật được sử dụng rất đa dạng. Độ dư của từ xét ở góc độ thi pháp học- kí hiệu học là một thủ pháp nghệ thuật phổ biến trong thơ Hồ Xuân Hương. Qua khảo sát về độ dư của từ trong một số bài thơ Nôm Hồ Xuân Hương, chúng tôi nhận thấy một điều tạm gọi là qui luật: từ láy thường được dùng để miêu tả những trạng thái, những biểu hiện khác nhau của thế giới khách quan và thế giới nội tâm của nhân vật; hiện tượng lặp từ dùng để nhấn mạnh những đường nét, những yếu tố nào đó của hiện thực.
	Nhìn chung, cùng với những hình thức nghệ thuật khác, độ dư của từ trong thơ Hồ Xuân Hương đã tạo nên những nét đặc sắc, độc đáo riêng về nội dung lẫn hình thức nghệ thuật trong nền văn học dân tộc nên đã vượt ra khỏi biên giới quốc gia để hội nhập với tinh hoa văn hoá, văn học nhân loại. Đúng như lời nhà thơ nữ Bungari Blaga Đimitrova nhận xét thơ Hồ Xuân Hương: “ Là một trong những hiện tượng độc đáo nhất 
không chỉ ở Việt Nam mà còn ở trong toàn bộ các nguồn thơ mà tôi đã được biết của nền thơ thế giới qua tồn tại các thời đại. Đó là nữ thi sĩ với cái tên Hương mùa Xuân”.
	Hồ Xuân Hương là một nhà thơ nữ có nhiều sáng tạo trong cấu trúc ngôn từ mà chúng ta chưa hiểu hết được các tầng bậc ngữ nghĩa còn tiềm tàng bên trong đầy bí ẩn như cuộc đời của nữ sĩ. Nghệ thuật ngôn từ được nhà thơ thể hiện trong sáng tác mang tính sáng tạo, điêu luyện, mới lạ, gây bất ngờ, thú vị đối với người đọc. Bài viết này chỉ sơ bộ tìm hiểu về độ dư của từ, còn nhiều vấn đề cần được tiếp cận, khám phá trong thơ Hồ Xuân Hương như: độ dư về cấu trúc thẩm mĩ, sự dân tộc hoá, dân chủ hoá, hiện đại hoá trong ngôn từĐây là những vấn đề chưa được quan tâm đúng mức, cần nghiên cứu thêm.
	Khi nghiên cứu, đánh giá về hiện tượng thơ Hồ Xuân Hương- một hiện tượng thơ độc đáo trong làng thơ trung đại Việt Nam- chúng ta cần có quan điểm khách quan, tránh cảm tính, cần bám sát ngôn từ để hiểu được tư tưởng, tình cảm, quan niệm của Hồ Xuân Hương về con người và cuộc sống ở thời đại của nhà thơ. Đọc thơ Hồ Xuân Hương, ta n cảm thấy như được sống, được tắm mình trong dòng cảm xúc và thế giới tâm hồn nhà thơ chân chất mà sâu lắng, bình dị mà cao cả. Đó chính là tình đời, tình người, là nỗi lòng cảm thông của nữ sĩ trước thân phận hẩm hiu của biết bao phụ nữ trong xã hội phong kiến, như lời Xuân Diệu đã nhận xét về thơ Hồ Xuân Hương: “Đời tức là văn, văn tức là đời”./.
 Khánh Sơn, Thu 2009

Tài liệu đính kèm:

  • docDo du cua tu trong tho Ho Xuan Huong.doc