Đề thi và gợi ý giải môn Văn của Kỳ thi tốt nghiệp THPT lần 2 năm 2007 (không phân ban)

Đề thi và gợi ý giải môn Văn của Kỳ thi tốt nghiệp THPT lần 2 năm 2007 (không phân ban)

Đề I

Câu 1 (2 điểm): Trình bày những nét chính về cuộc đời của nhà văn Hêminguê. Kể tên hai tác phẩm tiêu biểu của ông.

Câu 2 (3 điểm): Cảm nhận của anh, chị về hình tượng trăng trong tác phẩm Mảnh trăng cuối rừng của Nguyễn Minh Châu.

Câu 3 (5 điểm): Anh, chị hãy phân tích đoạn thơ sau:

Khi ta lớn lên Đất Nước đã có rồi

Đất Nước có trong những cái “ngày xửa ngày xưa ” mẹ thường hay kể.

Đất Nước bắt đầu với miếng trầu bây giờ bà ăn

Đất Nước lớn lên khi dân mình biết trồng tre mà đánh giặc

 

docx 6 trang Người đăng kidphuong Lượt xem 1621Lượt tải 0 Download
Bạn đang xem tài liệu "Đề thi và gợi ý giải môn Văn của Kỳ thi tốt nghiệp THPT lần 2 năm 2007 (không phân ban)", để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Đề thi và gợi ý giải môn Văn của Kỳ thi tốt nghiệp THPT lần 2 năm 2007 (không phân ban) sáng (18-8-2007)
Đề I
Câu 1 (2 điểm): Trình bày những nét chính về cuộc đời của nhà văn Hêminguê. Kể tên hai tác phẩm tiêu biểu của ông.
Câu 2 (3 điểm): Cảm nhận của anh, chị về hình tượng trăng trong tác phẩm Mảnh trăng cuối rừng của Nguyễn Minh Châu.
Câu 3 (5 điểm): Anh, chị hãy phân tích đoạn thơ sau:
Khi ta lớn lên Đất Nước đã có rồi 
Đất Nước có trong những cái “ngày xửa ngày xưa” mẹ thường hay kể. 
Đất Nước bắt đầu với miếng trầu bây giờ bà ăn 
Đất Nước lớn lên khi dân mình biết trồng tre mà đánh giặc
Tóc mẹ thì bới sau đầu 
Cha mẹ thương nhau bằng gừng cay muối mặn 
Cái kèo, cái cột thành tên 
Hạt gạo phải một nắng hai sương xay, giã, giần, sàng 
Đất Nước có từ ngày đó
  (Trích chương V, trường ca Mặt đường khát vọng – Nguyễn Khoa Điềm, Văn học 12, Tập một, NXB Giáo dục, Hà Nội, 2006, tr. 248)
ĐỀ II
Câu 1 (2 điểm): Tóm tắt ngắn gọn tác phẩm Một con người ra đời của Măcxim Gorki.
Câu 2 (3 điểm): Cảm nhận của anh, chị về đoạn thơ sau trong bài Đất Nước của Nguyễn Đình Thi:
Ôi những cánh đồng quê chảy máu 
Dây thép gai đâm nát trời chiều 
Những đêm dài hành quân nung nấu 
Bỗng bồn chồn nhớ mắt người yêu
   (Văn học 12, Tập một, NXB Giáo dục, Hà Nội, 2006, tr. 87)
Câu 3 (5 điểm): Số phận và khát vọng sống của người phụ nữ Việt Nam đã được thể hiện trong nhiều tác phẩm văn xuôi hiện đại. Anh, chị hãy làm sáng tỏ nội dung trên qua hai tác phẩm: Vợ chồng A Phủ của Tô Hoài và Mùa lạc của Nguyễn Khải.
-----------------------------
Gợi ý làm bài
Đề 1:
Câu 1:  Những nét chính về cuộc đời của nhà văn Hêminguê: Hêminguê sinh tại bang Illinois nước Mỹ trong gia đình trí thức (cha là bác sĩ, mẹ là nghệ sĩ dương cầm). Học xong bậc phổ thông trung học ra làm báo.
Trong thế chiến thứ I, nhập ngũ, chiến đấu ở Ý rồi giải ngũ, về Mỹ viết tiểu thuyết lên án chiến tranh. Thế chiến III, làm phóng viên quân đội Mỹ rồi qua Pháp tham gia du kích Pháp chống phát xít Đức. Sau chiến tranh qua sống ở CuBa, trở thành bạn thân của chủ tịch Fidel Castro. Được nhận giải Nobel văn chương năm 1954. Cuối đời về Mỹ, ông tự tử tại tiểu bang Idaho năm 1961.
Hai tác phẩm tiêu biểu của ông: Giã từ vũ khí, Ông già và biển cả (hoặc Chuông gọi hồn ai)
Câu 2: Nhan đề “Mảnh trăng cuối rừng” gợi lên hình ảnh thơ mộng, mỏng manh, xa xôi nơi cuối rừng. Hình tượng trăng nói lên vẻ đẹp thanh cao trong trẻo của tình yêu trong thời chiến. Hình tượng trăng là nét đẹp lung linh trong tâm hồn của Nguyệt.
- Câu chuyện tình thời chiến được lồng dưới ánh trăng đã trở nên trữ tình hơn. Hình ảnh của người chiến sĩ lái xe tên Lãm và cô thanh niên xung phong tên Nguyệt đẹp như chuyện cổ tích.
- Hình tượng ánh trăng đầy biến động và bất trắc như cuộc đời, như chiến tranh và tình yêu: “Mảnh trăng tái ngắt chập chờn lay động, có lúc rơi tõm xuống khoảng tối mịt mù của cánh rừng già như một trò chơi ú tim”.
- Ánh trăng là hình tượng, là tính cách, là niềm tin, là tình yêu, là tâm hồn của Nguyệt.
- Hình tượng trăng đã giúp tác giả có được cảm hứng lãng mạn, tạo nên hình tượng nghệ thuật độc đáo. Ánh trăng cuối rừng là nét đẹp, là khát vọng của cả một thế hệ trẻ Việt Nam trong chiến tranh.
Câu 3: Nguyễn Khoa Điềm là một trong những nhà thơ tiêu biểu cho thế hệ trẻ trong những năm chống Mỹ. Trong thơ của ông nổi bật lên sự tự ý thức của tuổi trẻ về vai trò, trách nhiệm của mình trong cuộc chiến đấu và sự tự ý thức sâu sắc về đất nước, về nhân dân.
a) Đoạn thơ về Đất nước bắt đầu một cách rất bình dị, tạo một sự gần gũi, thân thiết . Đất nước ở ngay trong cuộc sống của mỗi gia đình chúng ta, từ lời kể chuyện của người mẹ, miếng trầu của bà, các phong tục tập quán quen thuộc (tóc mẹ thì bới sau đầu) cho đến tình nghĩa thuỷ chung của cha mẹ, hạt gạo ta ăn hàng ngày, cái kèo cái cột trong nhà Tất cả những điều đó làm cho Đất nước trở thành cái gần gũi, thân thiết, bình dị trong cuộc sống hằng ngày của con người:
“Khi ta lớn lên Đất nước đã có rồi
Đất nước có trong những cái “ngày xửa ngày xưa ” mẹ thường hay kể.
Đất nước bắt đầu với miếng trầu bây giờ bà ăn
Đất nước lớn lên khi dân mình biết trồng tre mà đánh giặc”.
b) Tác giả cảm nhận về Đất Nước bằng cái nhìn tổng hợp nhiều; chiều dài của thời gian lịch sử, chiều rộng của không gian địa lý và chiều sâu của truyền thống văn hóa
Tác giả sử dụng sáng tạo các yếu tố của ca dao, truyền thuyết dân gian, tạo nên hình tượng thơ mới, vừa gần gũi vừa mới mẻ (cha mẹ thương nhau bằng rừng cay muối mặn)
c) Đất nước kết tinh, hóa thân trong những sản phẩm đời thường như cái kèo cái cột  và hạt gạo với sự gắn bó trong quá trình lao động để sinh tồn.
Cái kèo, cái cột thành tên 
Hạt gạo phải một nắng hai sương xay, giã, giần, sàng
Những gì đẹp đẽ còn lại hôm nay là cả  không gian mênh mông và thời gian đăng đẳng của một dân tộc đã trải qua hàng ngàn năm lịch sử, kiên trì nhẫn nại gắn bó trong lao động. Đất Nước đã có từ ngày đó. 
Thành công của đoạn thơ trên là việc tạo ra một một giọng điệu, một không gian nghệ thuật riêng. “Đất nước” đưa ta vào thế giới gần gũi của ca dao, truyền thuyết, của văn hóa dân gian nhưng lại mới mẻ. Đó chính là nét đặc sắc thẩm mỹ, thống nhất với tư tưởng Đất Nước của Nhân dân, của ca dao thần thoại.
Đề II
Câu 1: “Một đứa con ra đời” của M. Gorki kể về mùa thu năm 1892 ở Miền Nam nước Nga nghèo khổ, có đoàn người thất nghiệp, đói khổ, đi tìm việc. Có một người phụ nữ trẻ, chồng vừa chết, mang thai sắp sinh nở. Có người con trai xa lạ, vui tính, tốt bụng, thương người thấy chị ta rớt lại phía sau đang lên cơn đau đẻ dữ dội và đã không ngần ngại làm “bà đỡ”.
Người đàn bà vượt qua cơn đau, ngượng nghịu nhưng sung sướng khi đứa con trai kháu khỉnh ra đời, chị quên hết âu lo, tin tưởng con mình sẽ sống yên vui, tự do. Như có sức mạnh diệu kì, một con người ra đời đã khiến cho người mẹ, anh thanh niên tự hào, tin tưởng sẽ vượt qua mọi gian nan của cuộc sống.
Câu 2: Đất Nước của Nguyễn Đình Thi là đất nước đau thương và anh dũng trong kháng chiến chống Pháp. Hình ảnh thơ có tính điển hình cao, rất cụ thể nhưng rất khái quát. Từ chất liệu thực tế đã xây dựng một hình tượng nghệ thuật độc đáo! Những cánh đồng quê chảy máu chính là hình ảnh bi hùng của Việt Nam trong thời chiến. Dây thép gai đâm nát trời chiều là một hình ảnh diễn tả nỗi đau lớn lao và sâu sắc của cả một dân tộc thiếu độc lập và tự do. Dây thép gai là hình tượng của bạo lực làm tan nát cả bầu trời đẹp đẽ, tự do và những mơ ước thanh bình.“Cánh đồng quê chảy máu”là nỗi đau vật chất; “Dây thép gai đâm nát trời chiều” là nỗi đau tinh thần.
- Trong đau thương và mất mát, người trai phải hành quân đêm ngày với lòng nung nấu quyết tâm giành lại những cánh đồng quê thanh bình và bảo vệ bầu trời quê hương xanh trong, êm ả.Hình ảnh người lính hành quân với lòng nung nấ là biểu tượng của đất nước anh hùng.
Trong tình chung là đất nước, chút tình riêng len lỏi bồn chồn trong tâm hồn người lính. Hình tượng đặc trưng để nhớ ở đây là đôi mắt người yêu. Có lẽ đôi mắt của người ở lại luôn dõi theo bước chân người lính và trong trái tim người lính không chỉ là đôi mắt mà tràn ngập tình yêu thủy chung của người Việt Nam: “Bỗng  bồn chồn nhớ mắt người yêu”.
Câu 3: Yêu cầu chung: Thí sinh biết cách làm bài phân tích nhiều tác phẩm để làm sáng tỏ một nhận định văn học. Bài làm có kết cấu chặt chẽ, dẫn chứng thích hợp .
Gợi ý cụ thể:
Trong nền văn xuôi hiện đại, nhiều tác phẩm đã phản ánh số phận và khát vọng sống của người phụ nữ Việt Nam. Dù người phụ nữ dân tộc ở miền núi trong lòng xã hội phong kiến cũ như Mị trong truyện ngắn Vợ chồng A Phủ, hay ở miền xuôi sau ngày hoà bình lặp lại ở miền Bắc như Đào trong truyện ngắn Mùa Lạc, họ đều có số phận  bi thảm và mang một khát vọng sống thật mãnh liệt.
Phân tích 2 tác phẩm để làm sáng tỏ:
a. Nhân vật Mị trong tác phẩm Vợ chồng A Phủ:
* Số phận nghèo khổ, cảnh làm dâu gạt nợ cho nhà Thống lí
- Vì cha mẹ không trả nổi nợ vay thống lí làm đám cưới lúc trẻ nên Mị phải làm dâu trả nợ.
- Mị thành một nô lệ bị đoạ đày, bị hành hạ, bị tước hết mọi quyền sống nên không còn ý thức, sống như cái xác không hồn.
- Vì thương bố Mị “quen trong cái khổ” an phận làm trâu ngựa và luôn bị ám ảnh bởi thần quyền: “Ta về trình ma nhà nó rồi chỉ biết đợi ngày rũ xương ở đây”.
* Khát vọng sống tiềm tàng mãnh liệt:
- Tiếng sáo và “những đêm tình mùa xuân” đánh thức sức sống tiềm tàng mãnh liệt, cái giấc mộng lứa đôi, một thời Mị khao khát. Cô nhớ quá khứ, sống trong quá khứ, cô quên đi thực tại phũ phàng và con người tự do, ham sống ngày nào hành động để đáp ứng nó.
- Cái lòng ham sống bị đánh thức của đêm xuân này vẫn còn một thế năng để cho “tiếng sáo đưa Mị đi theo những cuộc chơi”
- Đặc biệt, khát vọng sống của Mị được thể hiện mạnh mẽ trong đêm cởi trói cho A Phủ.
- Mị cởi trói cho A Phủ và đặt mình phải lựa chọn con đường chạy theo A Phủ hay là được trói đứng như ngày nào cho đến  chết. Thời điểm hệ trọng này “con ma” cũng không đủ sức giữ chân Mị lại, Mị cứu A Phủ là tự cứu mình mà cô đã không biết.
b. Nhân vật Đào trong tác phẩm Mùa Lạc của Nguyễn Khải:
* Số phận lầm than:
- Đào là người phụ nữ: “lấy chồng từ năm mười bảy tuổi, nhưng chồng cờ bạc nợ nần bỏ nhà đi” sau đó chồng trở về, Đào có người con trai hai tuổi thì chồng chết. Sau đó đứa con cũng mất, không nơi nương tựa, không người thân thích, Đào phải bươn bả để kiếm sống, không còn chút hi vọng gì ở tương lai. Cuộc sống cực nhọc ấy đã tàn phá nhan sắc của chị. Đào “muốn chết nhưng đời còn dài nên phải sống”.
Quả là thái độ bất cần đời, “bốn bể là nhà, chỉ là thân mình sao cho cơm ngày hai bữa”. Chính vì thế mà “chị sống táo bạo và liều lĩnh, ghen tị với mọi người, và hờn giận cho thân mình” Chính vì thế mà chị “ngang ngược” có những cử chỉ khác thường “tay chống cạnh sườn”, “đứng khuỳnh tay” Những lời nói và hành động của chị như là một phản ứng hoàn cảnh, bởi chị đã quá lăn lóc, quá cay đắng mùi đời!
- Qua miêu tả ngoại hình và hành động ta thấy hé lên số phận Đào không có gì là bình lặng và suôn sẻ trong quá khứ.
* Khát vọng sống mãnh liệt vượt lên bi kịch số phận của Đào ở nông trường Điện Biên.
- Ngay trong buổi lao động với Huân, đôi nét tính cách của Đào đã được bộc lộ: dù rất mệt, đứng chung máy với một người khỏe trẻ và dẻo dai, nhưng Đào không chịu thua kém thanh niên!
- Người phụ nữ lỡ thời ấy vẫn có khát khao như bao người con gái khác.“Chị muốn quên hết, lại ước ao mình được trẻ lại một người có quyền được hưởng hạnh phúc như mọi người con gái may mắn khác”
- Đào lên nông trường với tư tưởng buông xuôi, nhưng khi ở với mọi người, nhất là gần Huân, con người luôn cảm thông với số phận của chị. Đào “bừng bừng thèm muốn một cảnh gia đình hạnh phúc, lại hy vọng cuộc đời của mình chưa phải đã tắt hẳn,một cái gì chưa rõ nét lắm nhưng đầm ấm hơn, tươi sáng hơn Cứ lấp loé ở phía trước”.
- Bức thư ngỏ lời của “ông thiếu úy lò gạch” - Dịu - đã đến thật bất ngờ. Đào đã phản ứng như là sự tự vệ của con người luôn mặc cảm sợ người khác nhạo báng và xúc phạm. Thế nhưng sau đó lòng chị “êm đềm” vui sướng kỳ lạ dào dạt không thể nén nổi khiến chị ngây ngất
Đó là sự “Thức tỉnh nỗi khao khát yêu thương, khao khát hạnh phúc mà chị cố hắt hủi”. Chính hạnh phúc bất ngờ và ngọt ngào ấy đã làm chị phải tâm sự với Huân. Đoạn văn tả cảnh Đào gặp Huân đã cho thấy sự chuyển biến quan trọng trong tính cách của chị “chẳng ai muốn đi vất vưởng mãi, ai cũng muốn có một quê hương”
c. Qua hai nhân vật phụ nữ là Mị trong Vợ chồng A Phủ của Tô Hoài và Đào trong Mùa lạc của Nguyễn Khải, dù có hoàn cảnh xã hội khác nhau nhưng họ đều có số phận thật bi thảm, họ chịu đựng một cách nhẫn nhục nhưng không bị khuất phục. Những nhà văn hiện đại Việt Nam đã thắp sáng lên tính cách, tâm hồn của người phụ nữ Việt Nam dù có những số phận nghiệt ngã, nhưng khát vọng sống mãnh liệt không bao giờ tắt.
GV TRẦN HỒNG ĐƯƠNG  - ĐH Sư phạm TP.HCM

Tài liệu đính kèm:

  • docx2007 VAN DeDa 12KpbTN THPT2b.docx