Đề thi chọn HSG lớp 12 THPT Vĩnh Phúc năm học 2011-2012 môn: Ngữ văn dành cho học sinh các trường THPT

Đề thi chọn HSG lớp 12 THPT Vĩnh Phúc năm học 2011-2012 môn: Ngữ văn dành cho học sinh các trường THPT

Câu 1 (3,0 điểm).

Suy nghĩ của anh/chị về ý kiến sau: “Trên mặt đất vốn làm gì có đường. Người ta đi mãi thì thành đường thôi”. (Lỗ Tấn)

Câu 2 (7,0 điểm).

Sức hấp dẫn từ bài thơ “Sóng” của Xuân Quỳnh.

 

doc 5 trang Người đăng hien301 Lượt xem 1621Lượt tải 1 Download
Bạn đang xem tài liệu "Đề thi chọn HSG lớp 12 THPT Vĩnh Phúc năm học 2011-2012 môn: Ngữ văn dành cho học sinh các trường THPT", để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
SỞ GD&ĐT VĨNH PHÚC
¾¾¾¾¾
ĐỀ CHÍNH THỨC
KÌ THI CHỌN HSG LỚP 12 THPT NĂM HỌC 2011-2012
ĐỀ THI MÔN: NGỮ VĂN 
Dành cho học sinh các trường THPT
Thời gian làm bài: 180 phút, không kể thời gian giao đề.
------------------------------------------
Câu 1 (3,0 điểm).
Suy nghĩ của anh/chị về ý kiến sau: “Trên mặt đất vốn làm gì có đường. Người ta đi mãi thì thành đường thôi”. (Lỗ Tấn)
Câu 2 (7,0 điểm).
Sức hấp dẫn từ bài thơ “Sóng” của Xuân Quỳnh.
 ¾ HẾT ¾
Cán bộ coi thi không giải thích gì thêm!
Họ tên học sinh..Số báo danh..
SỞ GD&ĐT VĨNH PHÚC
HDC THI CHỌN HSG LỚP 12 THPT NĂM HỌC 2011-2012
MÔN NGỮ VĂN - KHÔNG CHUYÊN
------------------------------------------
Câu 1(3,0 điểm)
Yêu cầu về kĩ năng
 Biết cách làm bài văn nghị luận xã hội. Bố cục và hệ thống ý sáng rõ. Biết vận dụng phối hợp nhiều thao tác nghị luận. Hành văn trôi chảy. Lập luận chặt chẽ. Dẫn chứng chọn lọc, thuyết phục. Không mắc các lỗi diễn đạt, dùng từ, ngữ pháp, chính tả.
Yêu cầu về kiến thức 
HS có thể trình bày theo nhiều cách khác nhau nhưng cần đảm bảo những ý cơ bản sau:
1.Giải thích
- Hình tượng con đường ở đây cần phải được hiểu theo nghĩa bóng: là cách thức và phương hướng để con người giải quyết những vấn đề trong đời sống xã hội. Với Lỗ Tấn, đó là con đường cách mạng.
- Người ta đi mãi thì thành đường: được hiểu theo hai lớp nghĩa:
+ Đường là do con người tạo ra.
+ Không có con đường nào là duy nhất. Chỉ cần người ta đi nhiều thì sẽ thành đường. Rõ ràng hình tượng con đường ở đây mang đậm khuynh hướng cách mạng, thể hiện khát vọng đổi thay.
Như vậy với câu nói này, Lỗ Tấn quan niệm: trên đời không có gì là bất biến. Chỉ cần con người có khát vọng và dám thực hiện khát vọng ấy thì sẽ có khả năng làm thay đổi thế giới.
2.Bàn luận, mở rộng vấn đề
- Câu nói của Lỗ Tấn thể hiện một quan niệm tích cực, mang tính cách mạng. Với Lỗ Tấn, lịch sử không dừng bước mà luôn vận động, biến đổi.
- Đặt niềm tin vào con người: Con người với khát vọng đẹp đẽ là chủ thể sáng tạo ra lịch sử. Con người tự mở ra những con đường trong hành trình tiến về phía trước của mình.
- Con người sống có ý nghĩa phải là con người có khát vọng đổi thay, vượt lên những giới hạn có sẵn. Kêu gọi những con người trong cuộc đời phải là những người mở đường, tạo lập ra những con đường mới cho mình và toàn xã hội.
- Phê phán những người có thái độ sống thụ động, ươn hèn, không có niềm tin, không có ước mơ, khát vọng.
3. Bài học nhận thức và hành động
- Phải tạo lập lối sống năng động, trái tim tràn đầy ước mơ.
- Học tập làm giàu tri thức đồng thời rèn luyện cho mình một nghị lực để trở thành những người mở đường, góp phần đưa đất nước tiến lên.
Biểu điểm:
- Điểm 3,0: Đáp ứng tốt các yêu cầu nêu trên. Dẫn chứng chọn lọc và thuyết phục. Có thể còn một vài sai sót nhỏ.
- Điểm 2,0: Cơ bản đáp ứng được các yêu cầu nêu trên. Dẫn chứng chưa thật phong phú. Có thể còn một vài sai sót nhỏ.
- Điểm 1,0: Chưa hiểu chắc yêu cầu của đề bài. Kiến thức sơ sài. Còn mắc nhiều lỗi.
- Điểm 0: Không hiểu đề, sai lạc phương pháp.
Câu 2(7,0 điểm)
Yêu cầu về kĩ năng
 Hiểu đề, biết cách làm bài văn nghị luận văn học. Vận dụng linh hoạt các thao tác làm văn để làm sáng tỏ vấn đề. Bố cục rõ ràng, lập luận chặt chẽ. Hành văn trôi chảy. Văn viết có cảm xúc. Không mắc các lỗi diễn đạt, dùng từ, ngữ pháp, chính tả.
Yêu cầu về kiến thức 
Học sinh hiểu đúng vấn đề: sức hấp dẫn của một tác phẩm văn học là sự lôi cuốn khiến người ta thích thú, say mê. Thực chất làm sáng tỏ sức hấp dẫn của tác phẩm là cho người đọc thấy được cái hay, cái đẹp (sự thành công) của tác phẩm về cả hai phương diện nội dung và nghệ thuật. Với đề bài này cần chú trọng đặc biệt đến năng lực cảm thụ văn học của người viết.
Học sinh có thể trình bày theo nhiều cách khác nhau nhưng phải đảm bảo những ý cơ bản sau: 
1. Về nội dung:
 Bài thơ hấp dẫn người đọc bởi vẻ đẹp tâm hồn của người phụ nữ trong tình yêu.
 Mượn hình tượng sóng, Xuân Quỳnh diễn tả sâu sắc, tinh tế, chân thành những cảm xúc, những suy tư trong tâm hồn người phụ nữ đang yêu.
- Những biến thái phong phú, phức tạp nhưng thống nhất của một trái tim đang cồn cào khao khát tình yêu. Trái tim yêu ấy không chấp nhận sự tầm thường, nhỏ hẹp mà luôn vươn tới cái cao rộng, bao dung. ( Dữ dội và dịu êm.Sóng tìm ra tận bể).Nét mới mẻ, hiện đại: khao khát yêu đương nhưng không còn thụ động,tĩnh tại nữa.
- Quan niệm đúng đắn thể hiện khao khát yêu đương mãnh liệt: khát vọng tình yêu là khát vọng muôn đời của nhân loại mà mãnh liệt nhất là của tuổi trẻ. Cũng như sóng, nó mãi mãi trường tồn, vĩnh hằng cùng thời gian.
- Nỗi băn khoăn về khởi nguồn của tình yêu và bộc bạch một cách hồn nhiên, chân thành sự bất lực không lí giải được câu hỏi muôn đời ấy trong tình yêu (Em cũng không biết nữa/Khi nào ta yêu nhau). Đó chính là sự bí ẩn tạo nên sức hấp dẫn của tình yêu.
- Nỗi nhớ trong trong trái tim yêu được diễn tả thật mãnh liệt: nhớ thường trực cả khi thức, khi ngủ, bao trùm lên cả không gian, thời gian, không chỉ tồn tại trong ý thức mà len lỏi vào cả trong tiềm thức, xâm nhập cả vào trong giấc mơ (Ôi con sóng nhớ bờ/ Ngày đêm không ngủ được/Lòng em nhớ đến anh/ Cả trong mơ còn thức). Xuân Quỳnh đã nói lên thật chân thành, táo bạo, không hề giấu giếm khát vọng tình yêu sôi nổi, mãnh liệt của mình.
- Khẳng định tình yêu chung thủy sắt son: Dẫu xuôi về phương Bắc/Dẫu ngược về phương Nam/Nơi nào em cũng nghĩ/Hướng về anh một phương.
- Niềm tin mãnh liệt: yêu thương tha thiết cháy bỏng nhưng cũng tỉnh táo nhận thức dự cảm những trắc trở, thử thách trong tình yêu, đồng thời cũng tin tưởng vào sức mạnh tình yêu sẽ giúp người phụ nữ vượt qua thử thách để đến với bến bờ hạnh phúc.(Con nào chẳng tới bờ/Dầu muôn vời cách trở).
- Khát vọng tình yêu bất diệt: ý thức được sự hữu hạn của đời người, Xuân Quỳnh ao ước được tan mình, hòa mình vào đại dương để tình yêu trường tồn cùng đại dương bao la(Làm sao được tan ra/ Thành trăm con sóng nhỏ/Giữa biển lớn tình yêu/Để ngàn năm còn vỗ).
2. Về nghệ thuật
- Âm điệu của bài thơ (được tạo nên bởi thể thơ năm chữ và phương thức tổ chức ngôn từ, cách đan xen các thanh bằng trắc ở âm tiết cuối mỗi dòng thơ, hình ảnh) như âm điệu của những con sóng trên biển cả, nhịp của những con sóng liên tiếp, triền miên, vô hồi vô hạn, khi dạt dào sôi nổi, lúc êm dịu lắng sâunhằm thể hiện nhịp tâm hồn, nhịp tình cảm tha thiết, sôi nổi, mãnh liệt của người phụ nữ.
- Hình tượng nghệ thuật độc đáo – hình tượng sóng- hình tượng trung tâm, xuyên suốt bài thơ tạo nên giá trị đặc biệt cho bài thơ. Qua hình tượng này tác giả diễn tả vừa cụ thể vừa sinh động nhiều trạng thái, tâm trạng, những cung bậc cảm xúc khác nhau trong trái tim của người phụ nữ đang rạo rực khao khát yêu thương. 
- Bài thơ được kết cấu trên cơ sở nhận thức sự tương đồng, hòa hợp giữa hai hình tượng trữ tình: sóng và em. Cấu trúc song hành này tạo nên chiều sâu nhận thức và nét độc đáo của bài thơ.
- Các biện pháp điệp từ, điệp cú pháp, câu hỏi tu từ, đặc biệt cách sử dụng 4 câu thơ trong một khổ, riêng khổ 5 gồm 6 câu góp phần tạo nên nhịp điệu nồng nàn,nhớ thương, say đắm
3. Đánh giá chung
- Mượn hình tượng sóng, bài thơ diễn tả tình yêu của người phụ nữ thiết tha, nồng nàn, chung thủy, muốn vượt lên thử thách của thời gian và sự hữu hạn của đời người. Sóng là bài thơ tiêu biểu cho tư tưởng và phong cách Xuân Quỳnh ở giai đoạn đầu.
- Vẻ đẹp tâm hồn người phụ nữ trong tình yêu: mạnh mẽ, táo bạo, giàu khao khát nhưng vẫn giữ được nét truyền thống tốt đẹp: thủy chung, gắn bó.
- Biểu điểm:
Điểm 7,0: Đáp ứng được yêu cầu nêu trên, văn viết sâu sắc, diễn đạt trong sáng. Bài viết thể hiện sự sáng tạo, cảm thụ riêng. Có thể còn một vài sai sót nhỏ.
Điểm 5-6: Cơ bản đáp ứng được yêu cầu trên, văn viết chưa thật sâu sắc nhưng diễn đạt trong sáng. Có thể mắc một vài sai sót nhỏ.
Điểm 3-4: Cơ bản hiểu yêu cầu của đề. Bố cục bài viết rõ ràng. Chọn và phân tích được dẫn chứng song ý chưa sâu sắc. Có thể mắc một vài sai sót nhỏ.
Điểm 1-2: Chưa hiểu rõ yêu cầu của đề. Diễn đạt lúng túng, trình bày cẩu thả.
Điểm 0: Sai lạc cả nội dung và phương pháp.
* Lưu ý: 
 - Giám khảo nắm vững yêu cầu của hướng dẫn chấm để đánh giá tổng quát bài làm của thí sinh. Cần khuyến khích những bài viết có chất văn.
 - Việc chi tiết hóa điểm số của các câu, các ý phải đảm bảo không sai lệch với tổng điểm của câu và được thống nhất trong hội đồng chấm. Điểm lẻ được làm tròn đến 0,5 điểm sau khi đã chấm xong và cộng tổng điểm toàn bài. 

Tài liệu đính kèm:

  • docDe thi HSG 12 Vinh Phucnew2011.doc