Đề thi chọn HSG lớp 12 THPT năm học 2011-2012 môn: Ngữ văn dành cho học sinh trường chuyên Vĩnh Phúc

Đề thi chọn HSG lớp 12 THPT năm học 2011-2012 môn: Ngữ văn dành cho học sinh trường chuyên Vĩnh Phúc

Câu 1. (3,0 điểm)

Nhà bác học Đac-uyn nói: “Tôi nghĩ rằng tất cả những gì có giá trị một chút, tôi đều thu nhận được bằng cách tự học”.

Suy nghĩ của anh/chị về câu nói trên.

Câu 2. (7,0 điểm)

Nhà văn T.Sê-khốp nói: “Một nghệ sĩ chân chính phải là một nhà nhân đạo từ trong cốt tuỷ”.

 Anh /chị suy nghĩ gì về ý kiến trên?

 

doc 5 trang Người đăng hien301 Lượt xem 5740Lượt tải 4 Download
Bạn đang xem tài liệu "Đề thi chọn HSG lớp 12 THPT năm học 2011-2012 môn: Ngữ văn dành cho học sinh trường chuyên Vĩnh Phúc", để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
SỞ GD&ĐT VĨNH PHÚC
¾¾¾¾¾
ĐỀ CHÍNH THỨC
KÌ THI CHỌN HSG LỚP 12 THPT NĂM HỌC 2011-2012
ĐỀ THI MÔN: NGỮ VĂN 
Dành cho học sinh trường Chuyên Vĩnh Phúc
Thời gian làm bài: 180 phút, không kể thời gian giao đề.
------------------------------------------
Câu 1. (3,0 điểm)
Nhà bác học Đac-uyn nói: “Tôi nghĩ rằng tất cả những gì có giá trị một chút, tôi đều thu nhận được bằng cách tự học”.
Suy nghĩ của anh/chị về câu nói trên.
Câu 2. (7,0 điểm)
Nhà văn T.Sê-khốp nói: “Một nghệ sĩ chân chính phải là một nhà nhân đạo từ trong cốt tuỷ”.
 Anh /chị suy nghĩ gì về ý kiến trên?
¾ HẾT ¾
Cán bộ coi thi không giải thích gì thêm!
Họ tên học sinh..Số báo danh..
SỞ GD&ĐT VĨNH PHÚC 
HDC THI CHỌN HỌC SINH GIỎI LỚP 12 THPT
MÔN NGỮ VĂN; NĂM HỌC 2011-2012
(Dành cho học sinh trường THPT Chuyên)
------------------------------------------
Câu 1 (3,0 điểm)
Yêu cầu về kĩ năng
 Biết cách làm bài văn nghị luận xã hội. Bố cục và hệ thống ý sáng rõ. Biết vận dụng phối hợp nhiều thao tác nghị luận. Hành văn trôi chảy. Lập luận chặt chẽ. Dẫn chứng chọn lọc, thuyết phục. Không mắc các lỗi diễn đạt, dùng từ, ngữ pháp, chính tả.
Yêu cầu về kiến thức 
Học sinh lí giải và bày tỏ được ý kiến của mình về một vấn đề xã hội qua ý kiến của nhà bác học vĩ đại Đac-uyn: ý nghĩa quan trọng của việc tự học đối với bản thân mỗi người. Cụ thể bài viết phải đảm bảo được những nội dung cơ bản sau: 
a. Giải thích
- Tự học: Là sự học do mình chủ động, tích cực tiếp thu kiến thức. Tự học còn là sự nỗ lực tìm kiếm những tri thức ngoài phạm vi sách vở mà nhà trường trang bị cho.
- Câu nói của Đác-uyn đề cập đến ý nghiã quan trọng của việc tự học đối với bản thân. Ông khẳng định tất cả những thành tựu mà ông đạt được trong sự nghiệp nghiên cứu khoa học của mình đều thu nhận được từ việc tự học.
b. Bàn luận, mở rộng vấn đề:
- Quan điểm của Đác-uyn về tác dụng, ý nghĩa của việc tự học đối với bản thân trong quá trình học tập, tiếp thu tri thức là hoàn toàn đúng đắn. Quan điểm này không chỉ đúng với đối tượng là những nhà nghiên cứu khoa học như Đác-uyn mà đúng với người học nói chung. Bởi nếu người học không tích cực, chủ động thì chẳng thu nhận được tri thức, chưa nói đến việc vận dụng tri thức đó vào thực tiễn. Đặc biệt trong thời đại bùng nổ thông tin như hiện nay, nếu không biết tự học thì sẽ nhanh chóng bị lạc hậu.
- Câu nói của Đac-uyn không có nghĩa là phủ nhận việc học tập ở nhà trường mà ông muốn khẳng định điều cốt yếu là phải luôn luôn học hỏi bằng sự nỗ lực cao nhất của bản thân. Vì thực tế nhiều người được học ở trường lớp nhưng cũng không thu nhận được gì do không có sự nỗ lực. Hơn nữa kiến thức trong nhà trường chỉ là cơ sở chung. Muốn làm được những điều có ý nghĩa thì phải có kiến thức sâu hơn, phải tự mình đào sâu để tìm kiếm những kiến thức ấy.
- Con người biết tự học phải là người có ước mơ hoài bão, có lí tưởng đóng góp cho cuộc sống. Vì:
+ Người có ước mơ hoài bão mới có động cơ, phương hướng để tự học, tìm tòi, biết học có phương pháp.
+ Có hoài bão mới biết kiên trì, bền bỉ tự học, có nghị lực vượt qua mọi khó khăn trở ngại để học tập; đặc biệt biết vận dụng kiến thức vào thực tiễn.
c. Bài học nhận thức và hành động:
- Muốn có kiến thức thực sự thì phải tự học ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường.
- Xác lập ước mơ hoài bão để định hướng tự học.
Biểu điểm:
- Điểm 3,0: Đáp ứng tốt các yêu cầu nêu trên. Dẫn chứng chọn lọc và thuyết phục. Có thể còn một vài sai sót nhỏ.
- Điểm 2,0: Cơ bản đáp ứng được các yêu cầu nêu trên. Dẫn chứng chưa thật phong phú. Có thể còn một vài sai sót nhỏ.
- Điểm 1,0: Chưa hiểu chắc yêu cầu của đề bài. Kiến thức sơ sài. Còn mắc nhiều lỗi.
- Điểm 0: Không hiểu đề, sai lạc phương pháp.
Câu 2 (7,0 điểm)
Yêu cầu về kĩ năng
 Hiểu đúng yêu cầu của đề bài. Biết cách làm bài văn nghị luận văn học. Biết cách chọn lọc dẫn chứng để phân tích làm sáng tỏ vấn đề. Bố cục rõ ràng. Lập luận chặt chẽ, diễn đạt tốt. Văn viết có cảm xúc. Không mắc các lỗi diễn đạt, dùng từ, ngữ pháp, chính tả.
Yêu cầu về kiến thức 
Học sinh phải hiểu đúng nhận định của nhà văn T.Sê-khốp về một phẩm chất cần có của người nghệ sĩ chân chính. Có thể trình bày theo nhiều cách khác nhau nhưng cần đảm bảo những ý cơ bản sau:
1.Giải thích ý kiến:
- Người nghệ sĩ chân chính: là người ý thức được thiên chức của mình trong quá trình sáng tạo là “nâng đỡ cái phần tốt đẹp để trong đời có nhiều công bằng và yêu thương hơn”, tác phẩm của họ sinh ra là vì con người, hướng đến cuộc sống tốt đẹp của con người.
- Sê-khốp coi tinh thần nhân đạo là phẩm chất bắt buộc phải có trong mỗi người cầm bút, là tiêu chuẩn, điều kiện để đánh giá mức độ chân chính của nhà văn (chú ý cách diễn đạt: một nghệ sĩ chân chính phải là một nhà nhân đạo từ trong cốt tủy – thể hiện rõ tính chất bắt buộc). Nói cách khác, nếu không có lòng nhân đạo thì không thể trở thành nhà văn chân chính.
- Hơn nữa, Sê-khốp còn đòi hỏi tình cảm nhân đạo ở người nghệ sĩ phải là thứ căn bản, có chiều sâu từ trong cốt tủy chứ không chỉ là tình cảm nông cạn, hời hợt, mơ hồ. Tình càm nhân đạo trở thành phẩm chất không thể thiếu của người cầm bút. Đó chính là cái tâm của người nghệ sĩ.
2. Bình luận:
Ý kiến của T.Sê- khốp hoàn toàn đúng đắn vì:
- Tác phẩm văn học chân chính thể hiện cái tâm của người nghệ sĩ, phải hàm chứa tinh thần nhân văn sâu sắc, chứa đựng niềm vui, nỗi khổ đau của con người. Tác phẩm văn học chỉ có ý nghĩa khi mục đích sáng tác của nhà văn là nhằm phục vụ cuộc sống con người (Văn chương sẽ không là gì cả nếu không vì cuộc đời mà có)
- Một trong những chức năng cơ bản của văn học là giáo dục, là cứu vớt con người. Trong thực tế, không gì có sức mạnh giáo dục con người bằng chính tình cảm của con người. Do vậy phải xuất phát từ tình cảm chân thực.
- Mỗi văn bản văn học bắt đầu bằng sự rung động cực điểm của tâm hồn người nghệ sĩ. Phải sẵn mang trong lòng mối thương cảm sâu sắc với cuộc đời, người nghệ sĩ mới có thể cầm bút và bắt đầu quá trình sáng tạo (Thơ phát khởi từ trong lòng người ta hay Hãy xúc động hồn thơ cho ngọn bút có thần). Nhà văn phải là người sống sâu sắc với cuộc đời, với nhiều số phận, cảnh ngộ, phải hòa với cuộc đời và viết văn vì cuộc đời, luôn giữ cho cái tâm trong sáng.
- Từ phía tâm lí tiếp nhận của độc giả: Độc giả luôn mong đợi những trang viết chứa đựng lòng yêu thương chân thành của nhà văn. Chỉ những trang viết như thế mới có sức sống lâu bền trong lòng độc giả. Tác phẩm của nhà văn sẽ làm cho tâm hồn người đọc thêm trong sáng, phong phú.
- Ý kiến của Sê-khốp không có nghĩa là phủ nhận những phẩm chất khác của người nghệ sĩ mà muốn nhấn mạnh và đề cao tình cảm nhân đạo như là yếu tố đầu tiên không thể thiếu của người nghệ sĩ. (Chú ý cách nói phải có chứ không phải chỉ có).
 3. Chứng minh:
Học sinh chọn một vài tác phẩm, phân tích làm nổi bật tinh thần nhân đạo sâu sắc của tác giả. Tập trung vào những biểu hiện cơ bản:
Lên án, tố cáo những thế lực tàn bạo chà đạp lên quyền sống của con người.
Yêu thương, cảm thông sâu sắc với những số phận bị vùi dập, khổ đau bất hạnh.
Ngợi ca, trân trọng những phẩm chất tốt đẹp của con người.
Nói lên ước mơ, khát vọng về quyền sống, đề cao ý thức cá nhân của con người.
Lưu ý: Học sinh nên chọn các tác phẩm ở các thời kì lịch sử khác nhau để đảm bảo tính toàn diện, đúng đắn của nhận định.
Biểu điểm:
Điểm 7,0: Bài làm có những hiểu biết sâu rộng với sự phát hiện tinh tế, phong phú. Nắm vững kiến thức lí luận văn học, có kỹ năng phân tích tác phẩm gắn với luận đề. Bố cục chặt chẽ. Diễn đạt truyền cảm, sáng tạo.
Điểm 5- 6: Cơ bản đáp ứng được yêu cầu trên, văn viết chưa thật sâu sắc nhưng diễn đạt trong sáng, làm rõ nội dung trọng tâm. Có thể mắc một vài sai sót nhỏ.
Điểm 3-4: Cơ bản hiểu yêu cầu của đề. Bố cục bài viết rõ ràng. Chọn và phân tích được dẫn chứng song ý chưa sâu sắc. Có thể mắc một vài sai sót nhỏ.
Điểm 1-2: Chưa hiểu rõ yêu cầu của đề. Diễn đạt lúng túng, trình bày cẩu thả.
Điểm 0: Sai lạc cả nội dung và phương pháp.
* Lưu ý: 
 - Giám khảo nắm vững yêu cầu của hướng dẫn chấm để đánh giá tổng quát bài làm của thí sinh. Cần khuyến khích những bài viết có chất văn.
 - Việc chi tiết hoá điểm số của các câu, các ý phải đảm bảo không sai lệch với tổng điểm của câu và được thống nhất trong hội đồng chấm. Điểm lẻ được làm tròn đến 0,5 điểm sau khi đã chấm xong và cộng tổng điểm toàn bài .

Tài liệu đính kèm:

  • docDe HSG van 12 Chuyen Vinh PHuc new.doc