Đề tài Tìm hiểu cách nhìn con người và cuộc đời của Ngô Tất Tố qua Tắt đèn và Việc làng

Đề tài Tìm hiểu cách nhìn con người và cuộc đời của Ngô Tất Tố qua Tắt đèn và Việc làng

Ngô Tất Tố là một tên tuổi nổi bật hàng đầu trong trào lưu văn học hiện thực Việt Nam trước cách mạng. Ông là một tài năng nhiều mặt: viết báo, nghiên cứu, biên khảo, dịch thuật, sáng tác văn học. Về sáng tác văn học, số lượng tác phẩm của ông để lại không nhiều như những cây bút hiện thực tiêu biểu đương thời như Nguyễn Công Hoan, Vũ Trọng Phụng, Nam Cao., nhưng đóng góp của ông vào lịch sử văn học dân tộc không phải là nhỏ. Sáng tác của Ngô Tất Tố có những thành công nổi bật ở hai lĩnh vực tiểu thuyết và phóng sự. Có thể thấy, nếu nhắc đến tiểu thuyết của ông không thể không nhắc đến Tắt đèn, còn phóng sự thì không thể không nhắc đến Việc làng. Tìm hiểu hai tác phẩm đó cũng có thể thấy được những đóng góp đặc sắc tạo nên một vị trí vững vàng của nhà văn với trào lưu văn học hiện thực nước ta nói riêng và với nền văn học hiện đại Việt Nam nói chung.

 

doc 18 trang Người đăng hien301 Lượt xem 5626Lượt tải 1 Download
Bạn đang xem tài liệu "Đề tài Tìm hiểu cách nhìn con người và cuộc đời của Ngô Tất Tố qua Tắt đèn và Việc làng", để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
MỞ ĐẦU
Ngô Tất Tố là một tên tuổi nổi bật hàng đầu trong trào lưu văn học hiện thực Việt Nam trước cách mạng. Ông là một tài năng nhiều mặt: viết báo, nghiên cứu, biên khảo, dịch thuật, sáng tác văn học. Về sáng tác văn học, số lượng tác phẩm của ông để lại không nhiều như những cây bút hiện thực tiêu biểu đương thời như Nguyễn Công Hoan, Vũ Trọng Phụng, Nam Cao..., nhưng đóng góp của ông vào lịch sử văn học dân tộc không phải là nhỏ. Sáng tác của Ngô Tất Tố có những thành công nổi bật ở hai lĩnh vực tiểu thuyết và phóng sự. Có thể thấy, nếu nhắc đến tiểu thuyết của ông không thể không nhắc đến Tắt đèn, còn phóng sự thì không thể không nhắc đến Việc làng. Tìm hiểu hai tác phẩm đó cũng có thể thấy được những đóng góp đặc sắc tạo nên một vị trí vững vàng của nhà văn với trào lưu văn học hiện thực nước ta nói riêng và với nền văn học hiện đại Việt Nam nói chung.
Được mệnh danh là “Một nhà văn của dân quê”, ở những tác phẩm của mình, Ngô Tất Tố đã thể hiện một cách nhìn độc đáo, sắc sảo về con người và cuộc đời. Trong Tắt đèn và Việc làng, nhà văn bộc lộ cái nhìn nhất quán, đầy trân trọng yêu thương đối với người nông dân Việt Nam trước Cách mạng tháng Tám. “ Tiếng nói văn học của Ngô Tất Tố không những là tiếng kêu cấp cứu đòi cơm áo cho những người nông dân cùng khổ, mà còn là tiếng nói đanh thép, dõng dạc khẳng định nhân phẩm cao đẹp của họ trong bùn nhơ của xã hội thực dân phong kiến” ( Nguyễn Đăng Mạnh)
Tìm hiểu cách nhìn con người và cuộc đời của Ngô Tất Tố qua Tắt đèn và Việc làng, người viết với hy vọng bổ sung thêm những điều hữu ích cho việc học tập, nghiên cứu và giảng dạy của mình.
NỘI DUNG
I. Vài nét về cách nhìn con người và cuộc đời trong sáng tác của Ngô Tất Tố
Tìm hiểu về cách nhìn con người và cuộc đời của nhà văn cũng chính là tìm hiểu một khía cạnh trong thế giới quan của nhà văn đó.Và cũng có thể nói rằng cách nhìn của nhà văn về cuộc đời và con người trong sáng tác chính là biểu hiện tập trung của cá tính sáng tạo. Bởi cá tính sáng tạo của nhà văn là biểu hiện rực rỡ các phạm trù chủ quan, cái cá biệt, cái không lặp lại trong tài năng của người nghệ sỹ. Theo Khrapchencô có 3 phương diện trong cá tính sáng tạo: Cá nhân nhà văn với những đặc điểm vô cùng quan trọng về mặt xã hội, tâm lý của cá nhân đó; Cách nhìn nhận và cách thể hiện thế giới của cá nhân người đó và Cá nhân nhà văn trong mối quan hệ nào đó đối với những nhu cầu thẩm mỹ của xã hội. Như vậy, muốn tìm hiểu cách nhìn của nhà văn chỉ có thể tiến hành bằng cách dựa vào các tài liệu cụ thể về đời sống của nhà văn, hoàn cảnh lịch sử, thời đại mà nhà văn sống và thông qua việc tìm hiểu, nghiên cứu các tác phẩm một cách có hệ thống.
Ngô Tất Tố quê ở làng Lộc Hà, huyện Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh ( nay thuộc Mai Lâm, Đông Anh, Hà Nội). Quê hương nhà văn cũng là quê hương của những điệu dân ca quan họ, của nhiều truyện thần thoại, cổ tích rất thi vị, đồng thời cũng là xứ sở của nhiều hủ tục nặng nề được duy trì từ ngàn xưa cùng với chế độ phong kiến.
Ngô Tất Tố là một nhà nho, xuất thân từ một gia đình nhà Nho nghèo. Ông nội của nhà văn lận đận bảy khóa thi hương cũng chỉ đậu tú tài. Ông thân sinh đành chịu thân phận thầy đồ, sau sáu lần lều chõng về không. Bản thân nhà văn đã đi thi hai lần, đỗ đầu xứ nhưng không vào được tam trường. Đó là những nạn nhân của chế độ khoa cử thối nát thời phong kiến.
Ngô Tất Tố là một nhà nho nhưng có mấy đặc điểm đáng chú ý. Trước hết ông là một nhà nho nghèo. Gia đình Ngô Tất Tố không đủ ruộng cày cấy, phải nhận ruộng công điền, quanh năm nợ nần túng thiếu. Đến khi Ngô Tất Tố đi làm báo cũng vậy, đời sống cũng cực khổ. Chính cuộc sống vật chất thiếu thốn đã tạo cho nhà văn có điều kiện thông cảm dễ dàng với quần chúng nghèo khổ, nhất là nông dân, vì nhà văn sống ở nông thôn rất lâu.
Là một nhà nho nhưng Ngô Tất Tố không có tư tưởng nệ cổ, bảo thủ. Ông đã nhiều lần dùng ngòi bút kịch liệt lên án các tục lệ lạc hậu, thối nát ở nông thôn. Trong Việc làng, Ngô Tất Tố đã vạch rõ vì sao các tục lệ hủ lậu tồn tại lâu dài. Trong Mặc tử, Ngô Tất Tố tỏ thái độ ủng hộ rõ rệt đối với các thuyết phi nhạc, phi Nho và phi mệnh của nhà triết học cổ đại Trung Quốc. Ông là một nhà nho nhưng không mê tín. Ông đã từng viết một loạt các bài đả kích các mê tín dị đoan, vạch mặt bọn lợi dụng tôn giáo (Kiểu đất ở phố Hàng Trống).
Ngô Tất Tố là một nhà nho tất nhiên không thể không chịu ảnh hưởng của Nho giáo, nhưng căn bản ông là người có tinh thần tiến bộ, có đầu óc khoa học. Cuộc đời cầm bút hơn ba mươi năm của Ngô Tất Tố đã cho chúng ta thấy ông là người có một thái độ tích cực trong cuộc sống. Trong hàng loạt tác phẩm, Ngô Tất Tố đã đứng về phía quần chúng vạch trần và lên án xã hội thực dân phong kiến đầy ung nhọt thối tha. Ngòi bút Ngô Tất Tố là một ngòi bút chiến đấu. Về phía người lao động, ông không chỉ thấu hiểu, sẻ chia nỗi thống khổ không cùng của họ, Ngô Tất Tố còn phát hiện được bản chất tốt đẹp ở những người cùng khổ. Ở ông, có cái nhìn nhất quán, đầy trân trọng đối với người nông dân. Cố nhiên thế giới quan của Ngô Tất Tố còn có những mặt hạn chế, ông chưa phải là một nhà văn cách mạng. Nhưng nhìn cả cuộc đời và sự nghiệp sáng tác của ông phải nói rằng Ngô Tất Tố là nhà văn có một thế giới quan tiến bộ.
Cách nhìn con người và cuộc đời của nhà văn được thể hiện bằng một phương pháp sáng tác phù hợp. Ngô Tất Tố đã đạt đến chủ nghĩa khách quan lịch sử, cơ sở của phương pháp sáng tác hiện thực chủ nghĩa. Ông miêu tả thực tế một cách khách quan, tôn trọng hiện thực của đời sống xã hội, không bóp méo nó, khác với phương pháp của các nhà văn lãng mạn xây dựng trên cơ sở chủ nghĩa duy tâm chủ quan. Nếu như các nhà văn lãng mạn đã miêu tả cuộc sống ở nông thôn với những đêm trăng huyền ảo, những ngày hội tưng bừng, những cô thôn nữ ngây thơ xinh đẹp... thì Ngô Tất Tố đã miêu tả một nông thôn xa lạ với nông thôn thơ mộng trong các tác phẩm lãng mạn. Ngô Tất Tố đã nhìn thấy một sự thực khách quan ở nông thôn: đời sống lầm than cơ cực của quần chúng nông dân, sự áp bức, bóc lột của bọn địa chủ, cường hào, quan lại. Việc làng miêu tả những cảnh khốn cùng của người nông dân dưới ách các hủ tục. Tắt đèn nhìn thấy sự phân chia xã hội thành giai cấp và tình trạng đối kháng giữa các giai cấp ấy. Minh Tước trên báo Mới (15- 6- 1939) đã viết “Trong văn phẩm ấy, ông Ngô Tất Tố đã dùng được đắc sách cái phương pháp khách quan để tả ra cho chúng ta biết rõ ràng những cảnh tượng nơi hương ẩm, là một chỗ mà người ta nhờ ông, nhận thấy rất nhiều sự mâu thuẫn và hủ nát“.
Một điểm đáng chú ý nữa ở phương pháp sáng tác của Ngô Tất Tố là: từ những con người bình thường và chân thực, Ngô Tất Tố đã khái quát lên thành nhân vật điển hình. Chị Dậu là điển hình của một loại phụ nữ nhất định, một loại phụ nữ không phải là ít lắm trong nông thôn Việt Nam trước cách mạng.
II. Cách nhìn con người và cuộc đời của Ngô Tất Tố qua Tắt đèn và Việc làng
1. Nét chung trong cách nhìn của nhà văn ở Tắt đèn và Việc làng
Có thể thấy ở hai tác phẩm cùng viết về đề tài nông thôn này, sự cảm thông, yêu thương và căm ghét, tố cáo là tố chất cơ bản, là linh hồn, là máu thịt trong từng trang viết của Ngô Tất Tố. Với ngòi bút hiện thực, ở cả Tắt đèn và Việc làng nhà văn đã phơi bày đến tận cùng bản chất bóc lột xấu xa, bẩn thỉu của chế độ thực dân phong kiến Việt Nam. Mỗi tác phẩm là một bản tố khổ quyết liệt.
Với Tắt đèn, nhà văn đã quả quyết và sắc sảo vạch mặt chỉ tên cả một bộ máy thống trị của quan Tây, quan ta, nghị viên, địa chủ, cường hào gian ác đã làm nên cái tối giời, tối đất ( Nguyễn Tuân) ở nông thôn, Tắt đèn đồng thời là bản án đanh thép kết tội bọn quan lại thống trị hà hiếp, đục khoét người nông dân.
Việc làng là tập phóng sự về những hủ tục quái gở, mọi rợ trong nông thôn Việt Nam trước cách mạng. Mỗi chương sách là một câu chuyện thương tâm về một lệ làng, một mối tai họa đối với người nông dân khốn khổ. Đáng chú ý là Việc làng đã vạch ra chính bọn địa chủ, cường hào, những chánh tổng, lí trưởng, chánh hội, chưởng lễ ... là những kẻ đã bày đặt và duy trì những hủ tục để đục khoét dân lành, đẩy nhiều gia đình đến chỗ phá sản, có người phải chết.
Trong Tắt đèn và Việc làng, nhà văn có một cái nhìn thấu hiểu, sẻ chia nỗi thống khổ không cùng với người lao động nghèo trong cuộc sống lầm lụi, bị giày vò, đày đọa.
Vì suất thuế của chồng và cái thẻ sưu của người em chồng chết dở năm Tây mà chị Dậu bị dồn đẩy đến bước đường cùng: phải bòn bán hai gánh khoai, bán chó, rồi bán con và cuối cùng bán xứ đi ở vú cho nhà quan huyện. Cả một chuỗi tai họa thắt buộc số phận người đàn bà.
Ở Việc làng, Ngô Tất Tố đã cảm thông, chia sẻ sâu sắc với nỗi thống khổ uất ức của người dân quê phải quằn quại, điêu đứng dưới sự hành hạ của những gánh hủ tục nặng nề, vô lối.
2. Nét riêng trong cách nhìn của nhà văn ở Tắt đèn và Việc làng
2.1. Cách nhìn con người và cuộc đời của Ngô Tất Tố qua Tắt đèn
Tiểu thuyết Tắt đèn ra đời năm 1939, nhưng đã được in trên tuần báo Việt nữ (1937), và đã được giới thiệu trên báo Tương lai (1936) dưới hình thức một truyện ngắn: Một ổ chó và một đứa con, sau này trở thành một chương trọn vẹn của Tắt đèn. Đây là thời kì phong trào cách mạng Việt Nam đã bước sang một giai đoạn phát triển mới. Sau một thời gian thoái trào ngắn, từ 1934 phong trào đã phục hồi dần và từ 1935 trở đi phong trào đấu tranh của quần chúng lại sôi nổi khắp toàn quốc. Thời kỳ mặt trận dân chủ là thời kì sản sinh ra nhiều tác phẩm văn học có giá trị hiện thực sâu sắc. Phong trào đấu tranh của quần chúng đã tạo điều kiện cho một số nhà văn trông thấy được những mâu thuẫn lâu nay đang âm ỉ trong xã hội. Ngô Tất Tố là một trong những nhà văn nhận thấy rõ mâu thuẫn xã hội và bóc trần mâu thuẫn ấy. Nhà văn đã chỉ rõ: mâu thuẫn giữa giai cấp thống trị và bị trị trong xã hội là không thể dung hòa. Dũng cảm chỉ ra mâu thuẫn ấy, nhà văn nói lên đời sống cơ cực và phẩm chất tốt đẹp của những người bị áp bức, vạch ra chân tướng của bọn thống trị.
Phản ánh bức tranh xã hội ấy, nhà văn đã có cái nhìn con người trên tinh thần giai cấp đặc biệt sắc sảo, nhất quán. Con người trong Tắt đèn là con người xã hội với những mối quan hệ phong phú, phức tạp của cuộc đời. Với cái nhìn ấy, con người mang đậm bản chất xã hội, bản chất giai cấp. Nó luôn đại diện cho một tầng lớp, một giai cấp hay một địa vị xã hội nào đó và mang những nét tính cách nổi bật, tiêu biểu của tầng lớp, giai cấp ấy. Ngô Tất Tố không dùng mấy chữ tinh thần giai cấp trong tác phẩm, thế nhưng đọc Tắt đèn ai cũng cảm nhận một cách rõ rệt tinh thần giai cấp trong cách nhìn con người và hiện thực xã hội của tác giả. Bàn về những đóng góp của Ngô Tất Tố trong Tắt đèn, Phong Lê viết “ Không nói đến ruộng đất đến địa tô nưhng cảnh tượng những đám bịch vựa đồ sộ ở nhà Nghị Quế, những buổi chè chén phè phỡn của bọn cường hào, đặt bên cảnh rách rưới, nheo nhóc của người nông dân cũng cho ta thấy rõ sự phân chia giai cấp ngặt nghèo ở nông thôn’’. Nhân vật trong Tắt đèn không nhiều, song Ngô Tất Tố đã điểm gần như đủ mặt các hạng người trong xã hội đương thời: nông dân, địa chủ, quan lại, cường hào, lính tráng, tay sai... với cái nhìn soi thấu bản chất xã hội của mỗi nhân vật. Tác giả lột tả đúng bản  ... ng nó chưa thể vạch được con đường đi đến tương lai tốt đẹp. Ngô Tất Tố là nhà văn yêu nước và tiến bộ. Tuy nhiên do chưa đứng hẳn về phía phong trào đấu tranh của quần chúng do Đảng lãnh đạo nên nhà văn vẫn chưa nhìn thấy con đường cách mạng của nông dân và tương lai tươi sáng của họ. Nhưng không vì thế mà đánh giá thấp tác phẩm ưu tú đó. Với cái nhìn con người và cuộc đời trên tinh thần giai cấp khá sắc sảo và nhất quán, kết hợp với cái nhìn con người trên quan điểm đạo đức truyền thống, Ngô Tất Tố đã xây dựng nên một tiểu thuyết hiện thực xuất sắc, thể hiện cảm quan hiện thực khỏe khoắn, sắc sảo của ông.
2.2. Cách nhìn con người và cuộc đời của Ngô Tất Tố qua Việc làng
Việc làng xuất bản năm 1941, đăng trên báo từ năm 1940. Lúc bấy giờ là lúc bọn thực dân Pháp đang thi hành chính sách phục cổ. Đế quốc Pháp đã bị phát xít Đức đánh bại. Ở Đông Dương, chúng đã phải nhượng bộ phát xít Nhật. Uy tín của Pháp ngày càng giảm sút, lòng căm thù của quần chúng nhân dân ngày càng cao. Mặt trận Việt Minh thành lập năm 1941 đang ngày càng phát triển thế lực. Bọn thực dân Pháp muốn kìm hãm nhân dân ta trong tình trạng lạc hậu, ngu dốt, muốn nhân dân ta đua nhau phục hồi những tục lệ cổ hủ mà lãng quên nhiệm vụ cách mạng. Phục cổ trở thành một cuộc vận động lớn cả trong chính trị và trong văn hóa, văn học. Việc làng xuất hiện trong hoàn cảnh ấy. Nhưng Việc làng không ca tụng trật tự cũ, không ca tụng Khổng Mạnh, không ca tụng hương thôn, quan trường. Trái lại, Việc làng nghiêm khắc lên án các hủ tục ở hương thôn, lên án tình trạng bọn địa chủ, cường hào lợi dụng hủ tục để áp bức bóc lột nông dân, phơi trần cuộc sống khổ cực, đen tối của quần chúng sau lũy tre xanh. Việc làng là một đòn đánh vào phong trào phục cổ, vạch rõ thực chất bỉ ổi của những cái mà người ta đang hò hét, cổ vũ.
Có thể thấy rằng, viết về người nông dân trước cách mạng, đã có nhiều tác giả tác phẩm đề cập tới cuộc sống lầm than, khốn khổ của học, bị bóc lột về kinh tế và áp bức về chính trị. Nhưng điểu mà các nhà văn ít chú ý là người nông dân còn bị trói buộc bởi trăm ngàn thứ hủ tục, những ràng buộc vô lý, những tập quán hà khắc đè nén họ hàng vạn năm. Là một nhà văn đã từng sinh trưởng ở nông thôn, lăn lộn trong cuộc sống thực tế ở nông thôn, Ngô Tất Tố không chỉ thông thạo các việc làng mà ông còn hiểu rất rõ con người ở nông thôn. Ông thông hiểu tư tưởng, tình cảm, tâm lý của những người ở nông thôn. Cùng với con mắt quan sát tỉ mỉ, cảm quan hiện thực sắc bén, tác giả đã miêu tả thực tại một cách chân thực và đã biểu thị thái độ không đồng tình với với thực tại ấy, phê phán nghiêm khắc thực tại ấy.
Trong Việc làng, cái nhìn của Ngô Tất Tố đối với nông thôn là một cái nhìn sâu sắc, chân thực. Thái độ của nhà văn trong tác phẩm là thái độ của một người dám nhìn thẳng vào sự thật và nói rõ sự thật. Ngược lại khuynh hướng của các nhà văn tư sản và tiểu tư sản cho rằng cuộc sống ở nông thôn là một cõi thiên đường khác hẳn chốn phồn hoa danh lợi, Ngô Tất Tố đã vạch ra cho mọi người trông thấy thực tế thối nát. xấu xa ở nông thôn. Thực ra cái thế giới thơ mộng ấy là một thế giới đầy những hủ tục, một thế giới riêng trong đó bọn cường hào, địa chủ tha hồ bóc lột, áp bức nông dân.
Đây là tâm sự uất ức của cụ Thượng Lão Việt trong giờ hấp hối: Những tục lệ quái gở, mọi rợ đó kế tiếp nhau chồng chất lên vai chúng tôi. Nhiều lúc tôi muốn hất cái gánh nặng ấy đi, nhưng sức một mình không thể làm nổi, đành phải è cổ mà chịu. Một người chăm chỉ, cần kiệm, lao lực như tôi, chỉ vì một gánh tệ tục đè ép, đến nỗi suốt đời không ngóc đầu được, bây giờ sắp chết, gánh tệ tục ấy vẫn còn đè ép chưa tha...
Truyện Góc chiếu giữa đình là một bức tranh biếm họa về các tục lệ cổ hủ ở nông thôn Việt Nam. Vợ chồng ông Lũy hết sức cần kiệm. Ông Lũy đi cày thuê trong muời năm trời, vợ chuyên đi ở vú sữa mới gây được cái vốn gần mẫu ruộng và nửa con trâu. Bọn lý dịch liền tán tỉnh bán cho ông chức lý cựu để lấy trăm bạc. Lúc đầu ông Lũy phân vân, ông không thú vị làm cái của không tân mà cựu. Nhưng bọn lý dịch tìm mọi cách thuyết phục ông. Thế là ông phải bán cả ruộng và trâu, hai thứ quý nhất đối với người nông dân để lấy trăm bạc đưa cho làng. Nhưng muốn được chính thức trở thành ông cựu , lại còn phải khao làng một bữa. Và vì bữa khao linh đình ấy, ông lại phải đi vay nợ. Cuối cùng, làng nước ăn khao xong, bà cựu lại buồn bã cắp nón lên Hà Nội đi ở vú. Và ông Cựu cố nhiên cũng phải trở về nghiệp cũ đi cày thuê. Chỉ vì hai tiếng ông cựu, trong phút chốc vợ chồng ông Lũy đã đốt cháy sạch cả cái gia tài do bao nhiêu năm lao động cần cù, cực nhọc mà có.
Qua câu chuyện này, chúng ta thấy Ngô Tất Tố đã am hiểu đời sống ở nông thôn và tâm lý của người nông dân khá sâu sắc. Qua bao nhiêu thế hệ, bọn thống trị đã nhồi sọ nông dân, tạo cho họ cái tâm lý ham thích danh vọng hão huyền. Bọn cường hào, lý dịch lợi dụng điều đó để làm tiền và chè chén. Tuy là một bài phóng sự ngắn chỉ mấy trang nhưng cũng đủ để tố cáo hủ tục thối nát ở nông thôn, tố cáo bọn cường hào lợi dụng tình trạng mê muội của nông dân để bóc lột họ.
Nếu trong Góc chiếu giữa đình, bọn hào lý lợi dụng lòng ham danh vọng của nông dân thì trong Nén hương sau khi chết, chúng lại lợi dụng lòng mê tín của họ. Bà Tư Tỵ góa chồng từ hồi còn trẻ, lúc chồng chết, trong nhà không có một hột thóc. Nhờ tằn tiện và chăm chỉ làm ăn, dần dần bà có một ít vốn. Tuy là vốn nhưng cuộc đời bà vẫn quanh năm lam lũ, đầu tắt mặt tối. Thế nhưng, thấy bà có ít vốn liếng, bọn hào lý xúm lại đục khoét. Bà chấp thuận cúng ruộng cho làng, cúng tiền cho chánh hội, lý trưởng... chỉ để sau khi chết, làng sẽ cúng giỗ. Thế là cái gia tài do mồ hôi nước mắt của người đàn bà góa chồng một mình làm ra bị bọn cường hào cướp dần hết.
Có khi làng lại có những luật lệ khắc nghiệt đến mức thực hiện nó thì thậm chí người nông dân phải tự vẫn. Ông Sửu trong Một tiệc ăn vạ là một điển hình. Vốn chỉ là một nông dân hiền lành, nhờ siêng năng mà có bát ăn bát để, chỉ vì vợ không cho một lão trùm trong làng vay lúa, mà ông Sửu đã bị vu chửi làng. Một tiệc ăn vạ đã làm ông Sửu tốn đến hơn trăm bạc và kết cục là đã phải thắt cổ chết. Cái chết của ông đã tố cáo tính chất vô nhân đạo của các hủ tục ở nông thôn.
Do lòng thương cảm sâu sắc đối với nông dân, Ngô Tất Tố đã dành khá nhiều chương để nói về tình cảm của những người nhỏ bé, lép vế nhất nông thôn. Nhiều đoạn như muốn vuợt ra khỏi chủ đề việc làng để đi sâu vào cuộc sống tối tăm, thê thảm của người lao động. Chẳng hạn Cỗ oản tuần sóc là chuyện một người cùng dân phải bán sức lao động rẻ mạt của mình để trả nợ lãi và nuôi 5 đứa con nhỏ mồ côi mẹ. Trong Món nợ chung thân, tác giả đi sâu vào cuộc sống cực khổ đến tuyệt vọng của một người phu xe bị chủ bóc lột vô cùng tàn nhẫn. Anh ta nai lưng ra kéo xe cật lực, tiền lương chỉ đủ trả lãi cho chủ, còn tiền gốc thì nợ đến chung thân. Những người lao động ấy vốn đã khổ cực rồi, nhưng vì hủ tục thì khổ đến cùng đường.
Cái thành công trước tiên của tập phóng sự Việc làng chính là ở chỗ tác giả đã nhìn đúng sự thật. Trong Việc làng, cuộc sống ở nông thôn đã được miêu tả một cách chân thực, không giống như những tác phẩm viết về nông thôn của một số nhà văn tư sản và tiểu tư sản khác. Dưới ngòi bút của Ngô Tất Tố, cuộc sống sau lũy tre xanh không có gì thơ mộng, đẹp đẽ mà là một cuộc sống đen tối, cơ cực. Hủ tục, nợ lãi, định kiến, bấy nhiêu tai họa cùng nhau chồng chất lên đầu người nông dân nghèo khổ. Điều đặc biệt là Ngô Tất Tố đã trông thấy, đã thấu hiểu và biểu thị một thái độ rõ rệt.
Ngô Tất Tố công kích, đả phá các hủ tục không phải bằng lời nói suông mà bằng cách vẽ lên hình ảnh của người nông dân đang rên xiết dưới ách nặng nề của hủ tục. Nhưng Ngô Tất Tố không đóng khung trong việc miêu tả các hủ tục. Cái thành công của Ngô Tất Tố và cũng là biểu hiện cái nhìn đúng đắn của ông chính là ở chỗ thông qua việc miêu tả các hủ tục, nhà văn vẽ lên được cuộc sống khổ cực của nông dân và âm mưu của bọn cường hào địa chủ lợi dụng hủ tục để áp bức, bóc lột quần chúng. Ngô Tất Tố đã vạch cho ta thấy nguyên nhân của việc các hủ tục ở nông thôn được bảo vệ và duy trì từ đời này sang đời khác. Đọc Việc làng, chúng ta còn thấy tác giả luôn luôn đặt ra vấn đề: phải làm gì bây giờ để chấm dứt tình cảnh sống ngột thở đó? Vấn đề này đã được cuộc Cách mạng tháng Tám, rồi cải cách ruộng đất giải quyết, nhưng đặt trong hoàn cảnh lịch sử khi tác phẩm ra đời, đó là một vấn đề thể hiện cách nhìn rất tiến bộ và nhân văn.
KẾT LUẬN
Tắt đèn và Việc làng của Ngô Tất Tố đã ra đời hơn hai phần ba thế kỷ, cho đến nay, những tác phẩm đó vẫn chứng tỏ sức sống mạnh mẽ của nó. Mỗi khi đọc lại, độc giả như sống lại với những năm 40 của thế kỉ trước, như đang phải chịu cái không khí ngột ngạt của nông thôn mùa sưu thuế, như đang oằn oại dưới ách nặng nề của hủ tục ở hương thôn. Có được sức sống bền lâu và tươi mới ấy, một phần không nhỏ là do cá tính sáng tạo, do cái nhìn nghệ thuật độc đáo của nhà văn biểu hiện cụ thể ở cách nhìn con người và cuộc đời của nhà văn trong tác phẩm. Nó thể hiện một cách đầy đủ tâm huyết, tài năng, bút lực của nhà văn.
Có thể thấy, là một cây bút xuất thân trong một gia đình Nho học, Ngô Tất Tố không thể hoàn toàn thoát khỏi mọi ảnh hưởng cũ. Điều dễ dàng nhận thấy nhất đó là những hạn chế trong lối viết của nhà văn, thể hiện một kiểu tư duy nghệ thuật chưa thật hiện đại. Bên cạnh đó, Ngô Tất Tố tuy là một nhà văn yêu nước và tiến bộ nhưng chưa đứng hẳn về phía phong trào đấu tranh của quần chúng nhân dân, chưa tìm thấy con đường cách mạng của nông dân và tương lai tươi sáng của họ. Nhưng tên tuổi của Ngô Tất Tố mãi mãi là một tên tuổi lớn. Tài năng của Ngô Tất Tố đã được phát huy cao độ bởi cảm quan hiện thực khỏe khoắn, sắc sảo của ông. Đúng như nhà nghiên cứu Nguyễn Đăng Mạnh nhận định: Thành công của ông là thành công của quan điểm nghệ thuật vị nhân sinh, của một nhà văn tự thấy phải hoạt động, phải xông pha, phải lăn lộn luôn luôn với dân chúng. Thành công của ông là thành công của chủ nghĩa hiện thực phê phán, luôn luôn trưởng thành với sự thực, dũng cảm khoét sâu vào những mâu thuẫn xã hội, phê phán không thương xót những kẻ áp bức bóc lột nhân dân, trên một tinh thần nhân đạo thiết tha đối với những người lao động nghèo khổ.
Xin mượn lời nhà nghiên cứu để kết thúc bài viết này.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Nguyễn Đức Bính
Ngô Tất Tố như tôi đã biết (Ngô Tất Tố - nhà văn hóa lớn- Hoài Việt Sưu tầm và biên soạn. NXB Văn hóa Thông tin, 1993)
2. Nguyễn Đức Đàn
Ngô Tất Tố, một cây bút chiến đấu xuất sắc trong văn học Việt Nam ( Ngô Tất Tố - NXB Văn học,2006)
3. Nguyễn Đức Đàn
Ngô Tất Tố ( Mấy vấn đề về văn học hiện thực phê phán- NXB Khoa học xã hội, H.1968).
4. Trần Minh Tước
Một nhà văn của dân quê- Ngô Tất Tố trong Tắt Đèn (Ngô Tất Tố - NXB Văn học,2006)
5. Nguyễn Đức Can
Quan điểm nghệ thuật của các nhà văn hiện thực Việt Nam 1930- 1935. (LA thạc sĩ Ngữ văn trường ĐHSPHN, 1997).
6.Đặng Thị Duyên
Nhân vật trong tiểu thuyết Tắt đèn.( LA thạc sĩ Ngữ văn trường ĐHSPHN, 1999).
7. Nguyễn Đức Đàn -
Phan Cự Đệ
Việc làng ( Ngô Tất Tố - NXB Văn hóa, H, 1962)
8. Nguyễn Đăng Mạnh
Ngô Tất Tố( Ngô Tất Tố - NXB Văn học,2006).
MỤC LỤC

Tài liệu đính kèm:

  • docBài Đk tác gia và tác phẩm(NTT).doc