Đề tài Sự trưởng thành của đội ngũ nhà thơ trẻ thời kỳ chống Mỹ

Đề tài Sự trưởng thành của đội ngũ nhà thơ trẻ thời kỳ chống Mỹ

Thơ chống Mỹ tiếp nối hai giai đoạn thơ kháng chiến và xây dựng chủ nghĩa xã hội, song nó thực sự bắt đầu trong không khí chung của cả nước lên đường chống Mỹ khi kẻ thù ồ ạt ném bom ra miền Bắc. Nhiều thế hệ nhà thơ đã có mặt trong cuộc chiến đấu với những đóng góp xứng đáng. Nhiều nhà thơ xem đây là giai đoạn thử thách cao nhất mà mỗi người đều vượt lên mình trong sáng tạo nghệ thuật.

 

doc 7 trang Người đăng kidphuong Lượt xem 1843Lượt tải 0 Download
Bạn đang xem tài liệu "Đề tài Sự trưởng thành của đội ngũ nhà thơ trẻ thời kỳ chống Mỹ", để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Lý do chọn đề tài:
Thơ chống Mỹ tiếp nối hai giai đoạn thơ kháng chiến và xây dựng chủ nghĩa xã hội, song nó thực sự bắt đầu trong không khí chung của cả nước lên đường chống Mỹ khi kẻ thù ồ ạt ném bom ra miền Bắc. Nhiều thế hệ nhà thơ đã có mặt trong cuộc chiến đấu với những đóng góp xứng đáng. Nhiều nhà thơ xem đây là giai đoạn thử thách cao nhất mà mỗi người đều vượt lên mình trong sáng tạo nghệ thuật.
	Nhưng trong khả năng của mình, người viết chỉ nghiên cứu tìm hiểu một bộ phận của thơ chống Mỹ. Thơ của các nhà thơ trẻ có tác phẩm đoạt giải nhất qua các kỳ thi thơ, các tập thơ in trong giai đoạn chống Mỹ, cứu nước (1964-1975). Đó là thơ của các tác giả: Phạm Tiến Duật, Hữu Thỉnh, Nguyễn Duy, Nguyễn Đức Mậu 
Nội Dung
1- Sự trưởng thành của nền thơ:
Có thể nói, lịch sử thơ ca dân tộc chưa từng biết đến thời kỳ nào mà thơ có một cuộc sống phong phú và sôi nổi đến thế. Thơ có mặt ở khắp nơi: trên chiến hào đánh giặc, trên ba-lô hành quân ra trận, trên các tờ báo liếp, trong những đêm liên hoan văn nghệ. Chỉ trong vòng 10 năm (1965-1975) bốn cuộc thi thơ do báo Văn Nghệ tổ chức đã diễn ra trong không khí sục sôi bom đạn nhưng vô cùng náo nhiệt bởi những chiến công vang dội của quân và dân ta ở cả hai miền Nam Bắc. Thơ có tiếng vang sâu rộng trong quần chúng, làm tăng thêm không khí náo nức, phấn khởi của những người làm thơ, yêu thơ.
Cuộc thi thơ 1972-1973 mở ra từ những tháng ngày bom đạn ác liệt nhất, qua một năm đầy thử thách gian lao, cuộc thi vẫn nhận được sự ủng hộ và tham gia đông đảo. “Con số hai vạn tám ngàn bài thơ của ngót 3000 cây bút từ khắp mọi nơi, từ chiến trường bom lửa ngút trời gửi về dự thi càng làm ta ngạc nhiên và tự hào về tâm hồn phong phú của con người Việt Nam đánh Mỹ, về cái nền quần chúng lớn và sức phát triển mạnh mẽ của nền thơ chống Mỹ”.
2- Sự trưởng thành của đội ngũ nhà thơ:
Trên chặng đường thơ hiện đại, trong những năm chống Mỹ, cứu nước, các lực lượng trong thơ đều có mặt. Chưa bao giờ dân tộc ta có một đội ngũ nhà thơ và người làm thơ đông đảo, sung sức như vậy. Lực lượng sáng tác chủ yếu trong giai đoạn này có lớp nhà thơ trước cách mạng (như: Tố Hữu, Huy Cận, Xuận Diệu, Chế Lan Viên, Tế Hanh), lớp nhà thơ xuất hiện và trưởng thành trong kháng chiến chống Pháp (Hoàng Trung Thông, Nguyễn Đình Thi, Hoàng Cầm, Chính Hữu ), lớp nhà thơ sinh ra và lớn lên dưới mái trường xã hội chủ nghĩa (Bằng Việt, Phạm Tiến Duật, Xuân Quỳnh, Nguyễn Khoa Điềm, Thanh Thảo, Hữu Thỉnh, Nguyễn Duy, Nguyễn Đức Mậu, Trần Đăng Khoa).
Sự phát triển và phần đóng góp của các lực lượng trong thơ tuy chưa thật đồng đều nhưng rõ ràng mỗi lực lượng đều có mặt mạnh và đặc điểm riêng không thể thay thế.
Những nhà thơ lớp trước cho đến nay vẫn là lực lượng quan trọng trên thi đàn. Họ có năng lực để phát hiện ra ý nghĩa triết học của đời sống qua từng hiện tượng xã hội và tự nhiên, biết đẩy một số vấn đề thời sự thành lâu dài, cá biệt thành khái quát, tạo nên nhiều hiện tượng phong phú trong thơ. Viết về đề tài chiến tranh cách mạng, họ thường luận bàn về đất nướcvà dân tộc anh hùng, cuộc đọ sức đang diễn ra giữa một bên là bạo lực tàn bạo nhất trong lịch sử với một khối lượng khổng lồ sắt thép, bom đạn và một bên là dân tộc nghèo đất không rộng, người không đông nhưng rất thông minh và kiên cường bất khuất “Ta đội triệu tấn bom mà hái mặt trời hồng. Ta mọc dậy trước mắt nhìn nhân loại. Hai chữ Việt Nam đồng nghĩa với anh hùng” (Thời sự hè 72 - Bình luận - Chế Lan Viên). Trong thơ của họ, Tổ Quốc được khám phá nhìn nhận trong chiều sâu lịch sử bốn nghìn năm của dân tộc “Sống vững chãi bốn nghìn năm sừng sững. Lưng đeo gươm tay mềm mại bút hoa” (Đi trên mảnh đất này - Huy Cận). Đất nước diệu kỳ với tiềm lực và sức mạnh có tính chất thần thoại ấy là nguồn sáng tạo lớn cũng là đối tượng ngợi ca của các nhà thơ. Tố Hữu đã nói lên sâu sắc cuộc đọ sức giữa hai lẽ sống, hai nhân cách trong một cuộc chiến đấu quyết liệt “Chúng muốn đốt ta thành tro bụi. Ta hoá vàng nhân phẩm lương tâm. Chúng muốn đốt ta thành tro bụi. Ta làm sen thơm ngát giữa đồng” (Việt Nam, máu và hoa). Thực sự đến thời kỳ chống Mỹ cứu nước này, không chỉ là Tổ Quốc trong chiến đấu mà có cả quá khứ “Bốn mươi thế kỷ cùng ra trận” (Tố Hữu)..
Các nhà thơ lớp trước viết về đời, về mình, về cái chung, cái riêng, những loại chất liệu và năng lực sáng tạo ấy luôn góp phần tạo cho họ một thế đứng, một dáng dấp, một phong cách riêng độc đáo. Tuy nhiên những ưu điểm cũng không hạn chế được những nhược điểm bộc lộ tương đối phổ biến cho cả lực lượng về tình trạng bị cũ đi trong nếp cảm nghĩ, trong việc sử dụng những chất liệu thực tế quen thuộc.
Lớp nhà thơ trẻ xuất hiện từ hiện thực chiến trường, từ cuộc sống nơi hòn tên mũi đạn đã nâng cao phẩm chất hiện thực của họ. Càng về cuối cuộc kháng chiến, những bài thơ gây được tiếng vang của lớp trẻ càng bỏ đi phấn son trang sức. Nét thật của đời lừng lững đi vào thơ, trần bụi, dữ dội và vô cùng thấm thía. Các nhà thơ trẻ ý thức sâu sắc về công việc, trách nhiệm của mình:
	Không có sách, chúng tôi làm ra sách
	Chúng tôi làm thơ ghi lấy cuộc đời mình
	(Hữu Thỉnh)
Từ cuộc sống đi đến với chúng ta, mỗi người từ một phía thơ họ đã đem lại hình ảnh trăm màu nghìn vẻ của cuộc đời bằng cái nhìn tươi trẻ, trong thơ họ có cái xôn xao, cái hùng tráng, nỗi vui chiến đấu của tuổi 20, những suy tư trẻ trung tươi tắn, những tỏ bày nhộn nhịp, lính tráng, những chín chắn trải nghiệm của đời lính Trường Sơn, cuộc xáp mặt với chiến tranh ác liệt, Phạm Tiến Duật đã khái quát hình ảnh vầng trăng dất nước trong chiến tranh thật hoành tráng:
	Và vầng trăng vầng trăng đất nước 
	Mọc qua quầng lửa mọc lên cao
	(Vầng trăng và quầng lửa - Phạm Tiến Duật)
Sau trận bom B52 của giặc Mỹ, tất cả ngỡ như không còn gì ngoài sự đổ nát, hoang tan đau thương. Nhưng kìa:
	Vừa tim nghỉm tiếng bom rung
	Đã nghe nhỏng nhảnh chim rừng tán nhau
	Cành lim nhựa chảy, lá nhàu
	Tiếng chim dịt vết thương đau cho cành
	(Tiếng chim sau trận bom B52 - Nguyễn Duy)
Cái vũ khí làm cho kẻ thù kinh sợ chính lại là thông cảm thiết tha với Tổ Quốc với nhân dân và vẻ đẹp bình dị, trắng trong của người chiến sĩ và cho đến cảnh vật của đất nước một vầng trăng dịu êm mọc vượt lên những quầng lửa của chiến tranh, chùm hoa lặng lẽ hương thầm, tiếng chim hót  đều như đem lại không khí bình yên ngay trong những ngày lửa đạn.
Những năm tháng chiến tranh, cả dân tộc luôn trong tư thế sẵn sàng chiến đấu, nhưng có lẽ chỉ có những nhà thơ áo lính mới có kiểu “ngủ rừng theo đội hình đánh giặc” như thế này:
	Người năm nghiêng, súng cũng năm nghiêng
	Người ngồi ngủ, súng ôm ghì trước mặt
Những viên đạn cựa mình trong súng thép
	Biết kẻ thù còn lẩn lút trong đêm
	Ba-lô nằm đợi lệnh hành quân
	Lá nguỵ trang vẫn cài trên mũ
	Từng tiểu đội trong khi nằm ngủ
	Đôi chân vạn dặm vẫn mang giày
	 (Nguyễn Đức Mậu - Ngủ rừng theo đội hỡnh đỏnh giặc )
Điều dễ nhận thấy là cũng giống như lớp nhà thơ trước, các nhà thơ trẻ dám sống, dám nhìn vào thực tại, suy nghĩ và cảm xúc từ thực tại. Nhưng nhà thơ Vũ Quần Phương khi khái quát sự xuất hiện và bước đi của thế hệ cùng lứa mình đã nhận ra một khác biệt bao trùm trong thơ chống Mỹ của lớp trẻ so với đàn anh: “Các bậc đàn anh thiên về bình luận cuộc chiến tranh, còn lớp trẻ thì thiên về trình bày như nó vốn có với các chi tiết sống động của hiện thực và của tâm trạng. Phần đóng góp quý nhất của lớp trẻ cũng ở chỗ này. Họ đã phát hiện ra chất thơ mới của thế hệ mình ngay trong cuộc sống gian khổ ác liệt”. Thực tế cho thấy, họ đã khẳng định được mình, thế hệ mình trong nền thơ chống Mỹ bằng giọng điệu riêng không dễ lẫn. Bởi vì họ đã biết tự vượt lên trong sáng tạo nghệ thuật:
	Muốn tươi mát hãy tự là dòng suối
	Hát về mình đừng bắt chước tiếng chim
	(Đường tới thành phố - Hữu Thỉnh)
Trong quá trình cầm bút, càng ngày họ càng thể hiện rõ ý thức tìm tòi, khẳng định một tiếng thơ riêng của mình, của thế hệ mình.
Kết Luận
Thơ Việt Nam thời kỳ chống Mỹ cứu nước là giai đoạn phát triển đặc biệt, có những thành tựu lớn trên nhiều phương diện và có vị trí quan trọng trong lịch sử phát triển của thơ ca dân tộc. Với những ưu thế riêng, đội ngũ thơ trẻ đã góp phần đáng kể tạo nên thành tựu chung của thơ ca giai đoạn này, đồng thời họ cũng là lực lượng trụ cột của thơ ở những giai đoạn sau. Việc trở lại đánh giá thoả đáng về giai đoạn thơ chống Mỹ nói chung, đóng góp của thơ trẻ trong nền thơ chống Mỹ nói riêng là công việc cần thiết đáp ứng nhu cầu giảng dạy, nghiên cứu, thưởng thức văn học và xa hơn góp phần vào việc tổng kết văn học thế kỷ XX.
	Lâm Thao, tháng 4 năm 2006
	 Nguyễn Thị Việt Lâm

Tài liệu đính kèm:

  • docSu truong thanh cua doi ngu nha tho tre thoi ky chong My.doc