Đề tài Một vài quan điểm tiếp cận, đánh giá văn học Việt Nam sau Cách mạng tháng Tám đến hết thế kỉ XX

Đề tài Một vài quan điểm tiếp cận, đánh giá văn học Việt Nam sau Cách mạng tháng Tám đến hết thế kỉ XX

Tiếp cận với chương trình phân ban mới, hệ thống phân phối chương trình mới, những đơn vị kiến thức mới đặt ra cho người giáo viên giảng dạy môn Ngữ văn nhiều trăn trở. Đặc biệt, trong chương trình Ngữ văn 12, toàn bộ kiến thức mà học sinh tiếp nhận là phần văn học Việt Nam từ Cách mạng tháng Tám 1945 đến hết thế kỉ XX. Vậy, tiếp cận, đánh giá như thế nào về văn học giai đoạn này ? Đó là vấn đề chúng tôi suy nghĩ.

 Cách mạng tháng Tám 1945 mở ra một kỉ nguyên mới trong lịch sử dân tộc, đồng thời cũng là một điểm mốc đánh dấu một bước ngoặt quan trọng cho nền văn học dân tộc. Sau 1975, đất nước có những đổi thay trên nhiều phương diện, văn học phát triển với nhiều hướng đa dạng. Vì vậy, công việc đánh giá một thời kì văn học vốn không giản đơn, bởi chúng ta chưa thực sự có một khoảng cách cần thiết (thời gian và nhiều nhân tố khác) để nhìn nhận và tiếp cận khách quan, toàn diện.

 

doc 10 trang Người đăng kidphuong Lượt xem 1782Lượt tải 2 Download
Bạn đang xem tài liệu "Đề tài Một vài quan điểm tiếp cận, đánh giá văn học Việt Nam sau Cách mạng tháng Tám đến hết thế kỉ XX", để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
MỞ ĐẦU
1. LÍ DO CHỌN SÁNG KIẾN, KINH NGHIỆM
	Tiếp cận với chương trình phân ban mới, hệ thống phân phối chương trình mới, những đơn vị kiến thức mới đặt ra cho người giáo viên giảng dạy môn Ngữ văn nhiều trăn trở. Đặc biệt, trong chương trình Ngữ văn 12, toàn bộ kiến thức mà học sinh tiếp nhận là phần văn học Việt Nam từ Cách mạng tháng Tám 1945 đến hết thế kỉ XX. Vậy, tiếp cận, đánh giá như thế nào về văn học giai đoạn này ? Đó là vấn đề chúng tôi suy nghĩ.
	Cách mạng tháng Tám 1945 mở ra một kỉ nguyên mới trong lịch sử dân tộc, đồng thời cũng là một điểm mốc đánh dấu một bước ngoặt quan trọng cho nền văn học dân tộc. Sau 1975, đất nước có những đổi thay trên nhiều phương diện, văn học phát triển với nhiều hướng đa dạng. Vì vậy, công việc đánh giá một thời kì văn học vốn không giản đơn, bởi chúng ta chưa thực sự có một khoảng cách cần thiết (thời gian và nhiều nhân tố khác) để nhìn nhận và tiếp cận khách quan, toàn diện. 
	Vì thế, chúng tôi lựa chọn vấn đề Một vài quan điểm tiếp cận, đánh giá văn học Việt Nam sau Cách mạng tháng Tám đến hết thế kỉ XX.
2. LỊCH SỬ CỦA SÁNG KIẾN, KINH NGHIỆM
	Đây là một vấn đề không hoàn toàn mới mẻ, nhiều nhà nghiên cứu, phê bình văn học, những Giáo sư, Tiến sĩ đầu ngành cũng đã đề cập ít nhiều về vấn đề này.
	Có thể kể đến các công trình, bài viết:
	- Nguyễn Văn Long, Hữu Tá, Tư liệu tham khảo văn học Việt Nam 1945 – 1954, Nxb Giáo dục, Hà Nội, 1982.
	- Nguyễn Đình Thi, Mấy vấn đề về văn học, Nxb Văn học, Hà Nội, 1963.
	- Nhiều tác giả, 50 năm văn học Việt Nam sau Cách mạng tháng Tám, Nxb Đại học Quốc gia, Hà Nội, 1966.
	Ở đây, chúng tôi muốn có cái nhìn, hướng tiếp cận cụ thể hơn, phù hợp với phạm vi, ngưỡng tiếp nhận của học sinh THPT trên cơ sở các công trình nghiên cứu, bài viết đã có.
3. MỤC ĐÍCH NGHIÊN CỨU CỦA SÁNG KIẾN, KINH NGHIỆM
Sáng kiến, kinh nghiệm xác định mục đích sẽ góp phần đánh giá, tiếp cận Cách mạng tháng Tám 1945 để phục cụ cho công việc giảng dạy đạt hiệu quả cao hơn.
4. NHIỆM VỤ VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU CỦA SÁNG KIẾN, KINH NGHIỆM
4.1. Nhiệm vụ
	Sáng kiến, kinh nghiệm có nhiệm vụ xác định những tri thức cần thiết để tiếp cận, đánh giá; đưa ra những quan điểm tiếp cận để có thể phục vụ tốt cho công tác giảng dạy.
4.2. Phương pháp nghiên cứu
	- Phương pháp cấu trúc hệ thống
	- Phương pháp phân tích tổng hợp
	- Phương pháp so sánh
5. PHẠM VI NGHIÊN CỨU CỦA SÁNG KIẾN, KINH NGHIỆM
Trên cơ sở các đơn vị kiến thức của chương trình Ngữ văn 12, tập 1,2, chương trình Nâng cao để đề ra hướng tiếp cận, đánh giá khách quan, xác thực.
6. ĐÓNG GÓP CỦA SÁNG KIẾN, KINH NGHIỆM
	Đặt vấn đề cần nghiên cứu thành một hệ thống, thuận lợi khi tra cứu, tìm hiểu, phục vụ dễ dàng cho một giáo viên giảng dạy môn Ngữ văn 12 với những nội dung:
Chương 1: Những tri thức cần thiết để đọc - hiểu phần văn học Việt Nam từ Cách mạng tháng Tám đến hết thế kỉ XX
Chương 2: Đề xuất các quan điểm tiếp cận, đánh giá văn học Việt Nam từ Cách mạng tháng Tám đến hết thế kỉ XX.
	Chương 3: Những điểm cần chú ý khi giảng dạy phần văn học Việt Nam từ Cách mạng tháng Tám đến hết thế kỉ XX.
NỘI DUNG
CHƯƠNG 1: 
NHỮNG TRI THỨC CẦN THIẾT 
ĐỂ ĐỌC - HIỂU PHẦN VĂN HỌC VIỆT NAM 
TỪ CÁCH MẠNG THÁNG TÁM ĐẾN HẾT THẾ KỈ XX
	Văn học Việt Nam từ Cách mạng tháng Tám đến hết thế kỉ XX xuất hiện những sự sáng tạo, những cách thể nghiệm mới mẻ, những phương thức mới trong cách thể hiện mang đậm màu sắc hiện đại. Đây chính là những điểm khu biệt so với văn học giai đoạn trước, tất nhiên có sự kế thừa, cách tân. Vấn đề đặt ra là làm thế nào để học sinh nắm bắt được những cách thể hiện mới mẻ ấy ? Chúng tôi cho rằng: trước hết cần cung cấp các khái niệm công cụ để tạo điều kiện cho học sinh tiếp cận, hiểu và lí giải dễ dàng hơn khi đọc - hiểu. Sau đây là những tri thức cần thiết để đọc - hiểu phần văn học Việt Nam từ Cách mạng tháng Tám đến hết thế kỉ XX.
1.1. Tình huống
	Là hoàn cảnh chứa đựng xung đột được nhà văn tạo lập để triển khai cốt truyện. Xung đột đó có thể là một biến cố có tác động lớn đến cuộc đời, số phận, tính cách nhân vật.
	* Ví dụ: 
- Tình huống “vợ nhặt” trong Vợ nhặt của Kim Lân: một anh nông dân xấu xí, ế vợ, nghèo túng, thuộc loại dân ngụ cư lại “nhặt” được vợ bằng vài bát bánh đúc. Tình huống gợi sự ngạc nhiên của dân ngụ cư, của bà cụ Tứ. của chính Tràng. Sau tình huống, người đọc thấy nạn đói khủng khiếp, tình cảnh đau xót cứ xoáy vào tâm can; tuy không đề cập trực tiếp nhưng tội ác của thực dân Pháp, phát xít Nhật bị phơi bày
- Tình huống tâm lí trong Chiếc thuyền ngoài xa của Nguyễn Minh Châu: sự tác động đến tâm tư, tình cảm nhân vật hơn là đẩy họ vào tình thế phải lựa chọn hay quyết định những hành động thích ứng.
1. 2. Điểm nhìn trần thuật, giọng điệu trần thuật
	- Trần thuật là phương diện cơ bản của phương thức tự sự, là việc giới thiệu, khái quát, thuyết minh, miêu tả đối với nhân vật, sự kiện, sự vật, hoàn cảnh, theo cách nhìn của một người trần thuật nhất định. Khoảng cách, góc độ của lời kể đối với cốt truyện tạo thành điểm nhìn trần thuật. Có nhiều điểm nhìn:
	+ Điểm nhìn gần gũi với sự việc
	+ Điểm nhìn cách xa về thời gian (Rừng xà nu - Nguyễn Trung Thành)
	+ Điểm nhìn cách xa về không gian
	+ Điểm nhìn từ bên ngoài (Một người Hà Nội - Nguyễn Khải)
	+ Điểm nhìn xuyên qua nội tâm nhân vật
- Mối quan hệ, thái độ đối giữa người trần thuật với nhân vật và các sự kiện được kể tạo thành giọng điệu trần thuật. Giọng điệu trần thuật có quan hệ mật thiết với điểm nhìn trần thuật. 
	* Ví dụ: Nghệ thuật trần thuật mang đậm tính sử thi trong Rừng xà nu - Nguyễn Trung Thành: câu chuyện của Tnú mà cụ Mết kể cho dân làng nghe là câu chuyện của thời hiện đại nhưng vẫn được kể như là câu chuyện lịch sử, giọng điệu và ngôn ngữ trang trọng của sử thi, với thái độ chiêm ngưỡng qua một “khoảng cách sử thi” đối với những người con và sự kiện được kể lại.
1.3. Lời văn nửa trực tiếp
	Là biện pháp diễn đạt lời văn có bề ngoài thuộc về người trần thuật (chấm câu, ngữ pháp), nhưng về nội dung phong cách lại thuộc về nhân vật. Cách diễn đạt này tạo ra ấn tượng về sự hiện diện của ý thức nhân vật khiến người đọc có thể thâm nhập vào thế giới nội tâm thầm kín của nhân vật.
1.4. Nhân vật điển hình
	Tính cách điển hình là sự thống nhất hài hòa cao độ giữa tính riêng sắc nét và tính chung có ý nghĩa khái quát cao. Nó là kết quả của sự xuyên thấm nhuần nhuyễn giữa hai mặt cá thể hóa và khái quát hóa.
	+ Tính cách điển hình phải được đặt trong hoàn cảnh điển hình, đó là những hoàn cảnh phản ánh được bản chất hoặc một số khía cạnh của bản chất trong những tình thế xã hội với một quan hệ giai cấp nhất định.
	+ Hoàn cảnh điển hình cũng phải thông qua tính chất cụ thể, riêng biệt của nó.
1.5. Nguyên lí “tảng băng trôi”
	Do Hê-minh-uê đề xướng, theo ông: tác phẩm văn chương phải là một “tảng băng trôi”, bảy phần chìm, chỉ một phần nổi. Đây là nguyên lí thể hiện tiêu chí đánh giá đặc biệt của văn chương thế kỉ XX. Có thể hiểu đó chính là tính đa nghĩa hay tính đa thanh của văn bản trong văn học hiện đại. Theo nguyên lí này, nhà văn không còn làm cái loa phát ngôn tư tưởng mà nói lên bằng chính những hình tượng, sự kiện có nhiều sức gợi để người đọc tự kiếm tìm và “bừng ngộ”
	* Ví dụ: Trong Chiếc thuyền ngoài xa của Nguyễn Minh Châu: bề sâu của tác phẩm không dừng ở hình ảnh hai con người vợ chồng hàng chài hay hành động vũ phu của người đàn ông, tác phẩm mở rộng biên độ cảm nhận cho người đọc về các nghịch lí vẫn tồn tại trong cuộc sống, về giá trị đích thực của từ “sống” trong từng cá thể, về mối quan hệ thiêng liêng giữa cuộc sống và nghệ thuật,
CHƯƠNG 2:
MỘT VÀI QUAN ĐIỂM TIẾP CẬN, ĐÁNH GIÁ 
VĂN HỌC VIỆT NAM TỪ CÁCH MẠNG THÁNG TÁM 
ĐẾN HẾT THẾ KỈ XX
	Tiếp cận với một tác phẩm văn học của giai đoạn này, chúng tôi nhận thấy cần có các quan điểm tiếp cận, đánh giá sao cho phù hợp nhằm tạo tâm thế cho học sinh đọc - hiểu văn bản.
2.1. Quan điểm tiếp cận, đánh giá văn học Việt Nam từ 1945 – 1975
2.1.1. Cần xem xét giá trị của mỗi tác phẩm văn học đối với thời đại
	Đây chính là thang giá trị được nhìn từ chức năng xã hội - lịch sử của đối tượng. Tại thời điểm này, văn học đã tỏ rõ năng lực phục vụ cho những mục tiêu cao cả của Cách mạng, phục vụ cuộc chiến đấu của dân tộc. Nhà thơ Tố Hữu đã khẳng định: “Thước đo giá trị của một nền văn học là nó phục vụ được bao nhiêu cho sự nghiệp Cách mạng”. Từ định hướng giá trị này, các tác phẩm văn học trong những năm tháng chiến tranh đã đề cao nhiệm vụ cổ vũ cuộc chiến đấu, ngợi ca chủ nghĩa anh hùng, niềm tin tất thắng, đề cao ý thức cộng đồng và lí tưởng vì độc lập tự do và chủ nghĩa xã hội Tất nhiên, không vì thế mà cho rằng văn học giai đoạn này chỉ mang tính minh họa, tuyên truyền.
	Như thế, việc lí giải giá trị của của tác phẩm gắn với thời đại sẽ giúp học sinh hiểu và cảm thụ sâu sắc hơn ở mỗi tác phẩm.
2.1.2. Cần đặt văn học Việt Nam giai đoạn 1945 – 1975 trong tiến trình văn học dân tộc
	Việc xác định giá trị của một tác phẩm, một trào lưu, một giai đoạn cũng cần được xem xét ở phương diện là nó đóng góp như thế nào cho tiến trình văn học dân tộc. Văn học Việt Nam giai đoạn 1945 – 1975 là giai đoạn mở đầu cho một thời kì văn học mới mà trước đó chưa có, vì vậy, vị trí mở đầu và những giá trị thực sự của nó cần được đánh giá đúng. Từ định hướng này, người dạy và người học sẽ có cái nhìn tổng quát, nhiều chiều về tác phẩm, về giai đoạn văn học.
	Chẳng hạn, có thể thấy sự biến đổi toàn diện của văn học Việt Nam giai đoạn 1945 – 1975 từ mối quan hệ giữa văn học với đời sống, nhà văn và công chúng đến các quan niệm nghệ thuật, các thể tài, thể loại và thi pháp so với giai đoạn văn học trước và sau nó.
	* Ví dụ: Quá trình thực hiện hành trình tìm kiếm “những hạt ngọc ẩn giấu sâu trong tâm hồn con người” của nhà văn Nguyễn Minh Châu nói lên khát vọng chiến đấu cho chân lí “Không có gì quí hơn độc lập tự do”.
2.2. Quan điểm tiếp cận, đánh giá văn học Việt Nam từ 1975 đến hết thế kỉ XX
2.2.1. Cần xác định văn học từ 1975 đến hết thế kỉ XX bước vào một công cuộc đổi mới ngày càng toàn diện và sâu sắc để thẩm định đúng giá trị của các tác phẩm
	- Cần chú ý đặc điểm văn học giai đoạn này vận động theo hướng dân chủ hóa. Đây là xu hướng vận động bao trùm toàn bộ nền văn học, đặc biệt là từ sau Đại hội Đảng lần thứ VI (1986).
	- Các sáng tác mang đậm tính nhân bản, sự thức tỉnh ý thức cá nhân.
	- Văn học phát triển đa dạng, phong phú nhưng cũng phức tạp với nhiều khuynh hướng, nhiều cách thức thể nghiệm mới, nhiều vấn đề xã hội nhạy cảm
2.2.2 Cần tránh thái độ đánh giá chủ quan, không đặt trong hệ qui chiếu chung của thời đại, trong tiến trình chung của văn học
	Chúng ta chưa thực sự có được một khoảng cách đủ xa để đánh giá văn học giai đoạn này, nên cần tránh sự đánh giá vội vàng, chủ quan bởi những thái độ như thể có thể phương hại đến số lượng, chất lượng các tác phẩm đóng góp cho văn học dân tộc.
	Những quan điểm tiếp cận, đánh giá trên đây tất nhiên chưa thể là những tiêu chí chuẩn nhưng chúng tôi mạnh dạn nêu lên để mong kiếm tìm một câu trả lời, một hướng đi cho việc giảng dạy văn học giai đoạn này thực sự hiệu quả.	
CHƯƠNG 3:
NHỮNG ĐIỂM CẦN CHÚ Ý KHI GIẢNG DẠY 
VĂN HỌC VIỆT NAM TỪ CÁCH MẠNG THÁNG TÁM 
ĐẾN HẾT THẾ KỈ XX
	3.1. Quan tâm đến yếu tố chủ quan trong cảm thụ tác phẩm văn học
	- Mỗi cá thể là một thế giới riêng với nhu cầu, sự hứng thú, năng lực thẩm mỹ khác nhau nên đặc thù của cá thể ấy có chi phối đến quá trình đọc - hiểu văn bản văn học.
	- Khoảng cách về thời gian, không gian tác phẩm với người học.
	- Khoảng cách giữa nhà văn và người đọc.
Tất cả những biểu hiện chủ quan trên đều là rào cản hoàn toàn có thể xảy ra khiến cho quá trình tiếp cận tác phẩm của thầy và trò gặp nhiều khó khăn. Có trường hợp, giáo viên hứng thú với tác phẩm nhưng học sinh thì “trơ”. Vậy, giáo viên nên chuẩn bị tâm thế hòa nhập cho học sinh bằng nhiều cách: dẫn dắt, xem phim, gợi dẫn không khí thời đại bằng những câu chuyện kể để đối tượng người học sẽ tiếp nhận dễ dàng hơn.
3.2. Chú ý đến tính kế thừa của văn học giai đoạn sau trong tương quan với văn học giai đoạn trước
	Khi giảng dạy, việc chú ý đến tính kế thừa sẽ có được cái nhìn đầy đủ và toàn diện, sự so sánh ấy cho phép chúng ta khẳng định sự phát triển của văn học giai đoạn 1975 đến hết thế kỉ XX có nhiều điểm khác biệt. 
	Từ đó, ta nhận lấy những chân giá trị của văn học, đồng thời cũng thấy được những điểm hạn chế của văn học giai đoạn này.
	* Ví dụ: Quan niệm về con người trong hai giai đoạn đều gặp nhau tại điểm đồng qui: văn chương ra đời phản ánh đời sống và tâm hồn con người phong phú, đa dạng. Tất nhiên, vẫn có sự khác biêt: Quan niệm về con người trong văn học giai đoạn 1945 – 1975: con người lịch sử, nhân vật sử thi, chú ý phẩm chất tinh thần gắn với các cuộc kháng chiến của dân tộc. Sau 1975 đến hết thế kỉ XX: con người cá nhân trong quan hệ đời thường, nhìn nhận nhu cầu bản năng, tâm linh 
	Ngoài ra có thể thấy sự kế thừa về phương diện nghệ thuật: Nghệ thuật xây dựng tình huống, nghệ thuật trần thuật, nghệ thuật xây dựng nhân vật
3.3. Chú ý định hướng cho học sinh với những tác phẩm văn học đòi hỏi phải có chiều sâu chiêm nghiệm, có kinh nghiệm sống, 
	Những tác phẩm từ sau 1975 đến hết thế kỉ XX thường mở rộng sự cảm nhận theo hướng đa thanh, khơi gợi sự suy ngẫm, tạo dư ba, theo thuyết tảng băng trôi..., giáo viên sẽ đóng vai trò định hướng để tránh tình trạng học sinh hiểu không đúng về tác phẩm.
	Để làm được điều này, giáo viên giảng dạy cần trau dồi kiến thức và vốn sống nhiều hơn, đồng thời đặt mình vào vị thế học sinh để lí giải vấn đề đúng tư tưởng của người sáng tạo ra nó mà học sinh không cảm thấy bị đặt vào sự đã rồi.
KẾT LUẬN
	Trên đây là những trao đổi nhỏ mà chúng tôi đã thấy được trong quá trình tiếp xúc với ý kiến của đồng nghiệp và thực tiễn giảng dạy môn Ngữ văn, đặc biệt là phần Văn học Việt Nam giai đoạn từ Cách mạng tháng Tám đến hết thế kỉ XX (chương trình Ngữ văn 12 – Nâng cao). Một giáo viên giảng dạy bộ môn Ngữ văn tốt, hiệu quả theo định hướng đổi mới phương pháp là điều không đơn giản. Chúng tôi đang từng bước cố gắng đưa chất lượng giáo dục của Nhà trường – nơi chúng tôi đang công tác nói riêng và giáo dục Tỉnh nhà nói chung đạt hiệu quả cao hơn. Thiết nghĩ, cũng nên bắt đầu từ những điều tưởng chừng đã mặc định sẵn thế nhưng vẫn còn phải bàn nhiều, chẳng hạn vấn đề: Tiếp cận, đánh giá văn học Việt Nam từ Cách mạng tháng Tám đến hết thế kỉ XX. 
	Chúng tôi mong có được sự đóng góp của đồng nghiệp để sự nghiệp trồng người thêm vững, thêm khởi sắc.
	Chúng tôi chân thành cám ơn.
š { ›
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Nguyễn Văn Long, Hữu Tá, Tư liệu tham khảo văn học Việt Nam 1945 – 1954, Nxb Giáo dục, Hà Nội, 1982.
2. Nguyễn Văn Long, Văn học Việt Nam sau Cách mạng tháng Tám, Nxb Giáo dục, 2003.
3. Nguyễn Đăng Mạnh, Nguyễn Trác, Trần Hữu Tá, Văn học Việt Nam 1945 – 1975, tập một, Nxb Giáo dục, 1985.
4. Nguyễn Đình Thi, Mấy vấn đề về văn học, Nxb Văn học, Hà Nội, 1963.
5. Nhiều tác giả, 50 năm văn học Việt Nam sau Cách mạng tháng Tám, Nxb Đại học Quốc gia, Hà Nội, 1966.

Tài liệu đính kèm:

  • docSang kien kinh nghiem Quan diem tiep can VH VN tu Cach mang thang Tam 1945 den het the ki XX.doc