Chuyên đề Vi hành (Nguyễn Ái Quốc) - Đề 2

Chuyên đề Vi hành (Nguyễn Ái Quốc) - Đề 2

Đề 2: Hãy chứng minh rằng truyện ngắn “Vi hành” là một tác phẩm văn

chương thật sự mà Nguyễn Ái Quốc đã viết từ những năm 20 của thế kỉ này

trên đất Pháp.

* YÊU CẦU

HS cần làm rõ được :

Vi hành là một tác phẩm được sáng tác vì mục đích cách mạng .

Nhưng vi hành cũng là một tác phẩm văn chương thật sự. Ở đây, mục đích cách

mạng không làm tổn hại cho cho giá trị văn chương. Mà ngược lại, trong trường hợp này

văn chương đã vì mục đích cách mạng, vì đối tượng vận động cách mạng mà càng trở thành

sắc sảo và hiện đại.

pdf 3 trang Người đăng kidphuong Lượt xem 1669Lượt tải 0 Download
Bạn đang xem tài liệu "Chuyên đề Vi hành (Nguyễn Ái Quốc) - Đề 2", để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
 Chuyên đề 7: VI HÀNH (Nguyễn Ái Quốc) 
Đề 2: Hãy chứng minh rằng truyện ngắn “Vi hành” là một tác phẩm văn 
chương thật sự mà Nguyễn Ái Quốc đã viết từ những năm 20 của thế kỉ này 
trên đất Pháp. 
* YÊU CẦU 
HS cần làm rõ được : 
Vi hành là một tác phẩm được sáng tác vì mục đích cách mạng . 
Nhưng vi hành cũng là một tác phẩm văn chương thật sự. Ở đây, mục đích cách 
mạng không làm tổn hại cho cho giá trị văn chương. Mà ngược lại, trong trường hợp này 
văn chương đã vì mục đích cách mạng, vì đối tượng vận động cách mạng mà càng trở thành 
sắc sảo và hiện đại. 
Để làm được, học sinh cần biết phối hợp kĩ năng phân tích văn học với ki năng 
chứng minh văn học. Chứng minh, làm sáng tỏ các kết luận, đó là mục đích của sự phân 
tích. Còn phân tích rõ các khía cạnh của tác phẩm, đó là cơ sở của sự chứng minh. 
* DÀN BÀI CHI TIẾT 
I. ĐẶT VẤN ĐỀ: 
Mọi người đều biết, trong suốt đời mình, Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh thủy 
chung chưa bao giờ coi văn chương là một sự nghiệp, một phương kế để “lập thân “. Nhưng 
mọi người cũng đều biết trong suốt những năm tháng dài của cuộc đời chiến sĩ, Người đã 
sáng tác văn học với một khối lượng khá đồ sộ, và với một chất lượng nghệ thuật khá cao và 
Người đã trở thành một nhà văn, nhà thơ lớn của dân tộc ta trong thời hiện đại. 
Vi hành, một truyện ngắn Người viết từ những năm hai mươi trên đất pháp, là một 
trong những tác phẩm tiêu biểu trong sự nghiệp văn chương của Người. 
II. GIẢI QUYẾT VẤN ĐỀ 
1/ “ Vi hành” là một tác phẩm được sáng tác vì mục đích cách mạng 
a) Truyện ngắn này nằm trong cả một hệ thống những bài văn, bài báo, vở kịch mà 
ông Nguyễn, người thợ ảnh nghèo ở ngõ Côngpoăng hồi ấy đã viết nên để tố cáo chân 
tướng của tên vua bù nhìn bán nước Khải Định – Hoàng đế nước Nam và “thượng khách” 
của nước Pháp ở Hội chợ Macxây 1922. Qua Vi hành, tác giả muốn cho công luận trong và 
ngoài nước Pháp thấy rõ ràng cái kẻ đang được làm rùm beng lên kia chẳng có gì khác hơn 
một tên hề bộ dạng lố lăng, hành vi lén lút và mờ ám, may ra thì thay thế được cho những 
trò giải trí đã lỗi thời với cái giá còn rẻ hơn đám vợ lẽ nàng hầu của vua Cao Miên hay tụi 
làm trò leo trèo nhào lộn 
 b) Truyện ngắn này còn một tiếng nói lên án chủ nghĩa thực dân, cái chế độ đã thông 
qua bọn tay sai làm cho những người dân thuộc địa bị suy nhược giống nòi bởi rượu cồn và 
thuốc phiện, đã theo dõi, rình mò, bám lấy đế giày của những người chân chính bằng một 
chính sách mật thám đê hèn. 
 Một cách kín đáo và đau xót, tác giả còn cho thấy nỗi tủi nhục của những bản xứ. 
Chế độ thực dân, qua đó, hiện lên một sự sỉ nhục đối với con người (chú ý phân tích câu 
cuối cùng của truyện ngắn). 
 c) Những điều trên được nói ra chắc không cốt để làm văn. Với Nguyễn Ái Quốc, 
người ta từng viết bức thư nổi tiếng gửi Hội nghị Vecxây, đó chỉ là một phương cách khác 
để đạt tới mục đích chống thực dân, đánh đổ phong kiến – mục đích làm cách mạng. Nhưng 
ông Nguyễn cũng sớm nhận ra để tuyên truyền cho mục đích cách mạng ấy ở Châu Âu, 
không thể không tìm đến sức mạnh của văn chương, một lối văn hợp với Châu Âu hiện đại. 
 2/ “Vi hành” là tác phẩm văn chương thật sự: 
 a) Hứng thú nghệ thuật của thiên truyện được tạo ra đầu tiên bởi sự mới lạ tài tình 
trong sự sáng tạo ra tình huống. Cái tài ở đây là một nội dung mãnh liệt lớn lao đến thế 
được lồng vào trong một hư cấu nghệ thuật đơn giản đến lạ lùng. Chỉ một khoảnh khắc ngắn 
ngủi trên một toa xe điện. Vỏn vẹn ba nhân vật, trong đó, một người (“tôi”) chỉ lẳng lặng 
nghe và nghĩ ngợi. Còn lại là một cặp tình nhân ríu rít quanh một câu chuyện với họ cũng 
chỉ là phù phiếm, bâng quơ, ít ỏi vậy thôi. Thế mà càng đi sâu vào truyện, cái cách sắp đặt 
tưởng chừng đơn giản ấy càng lung linh nhiều ánh sáng bất ngờ. 
 - Làm động lực cho diễn biến của câu chuyện là những tình huống nhầm lẫn. Người 
hiểu tiếng Pháp thì bị lầm cho là chẳng biết gì. (Có thế thì mới có thể để một bên thỏa sức 
nói, và bên kia tha hồ lặng lẽ lắng nghe). Quan trọng và thú vị hơn nữa là tình huống người 
không phải vua lại bị nhận lầm là một đấng Hoàng thượng vi hành. Câu chuyện cứ như 
trong một ngày hội giả trang (cacnavan). Thực mà hư, ảo mà như thật. Không có Khải Định 
thật trong tác phẩm mà Khải Định thật vẫn cứ hiện ra. 
 Và chính sự biến ảo ấy, tình huống giả trang ấy khiến cho câu chuyện cùng một lúc 
lấp lánh nhiều ý nghĩa. Nó tạo ra một cái cớ và một góc độ độc đáo cho bức biếm họa có 
một không hai về Khải Định. Và qua cái giọng hồn nhiên của đôi tình nhân nọ, nó cũng gợi 
được ra theo một cách riêng và với một giá trị riêng – những cảm nghĩ chua chát về thân 
phận của người dân bảo hộ. 
 Để tưởng rằng sự phát triển của câu chuyện sẽ chấm dứt khi đôi trai gái xuống tàu. 
Vậy mà không. Điều kì lạ là ngay ở trong một tình thế tưởng chừng sẽ làm cho truyện 
không thể còn diễn biến, nội dung tư tưởng của truyện vẫn tiếp tục vận động, đưa lại những 
ngã rẽ mà người đọc không sao lường trước. “Cái bánh xe vô lượng” của nghệ thuật (được 
tạo ra từ sự nhầm lẫn, sự giả trang, vẫn tiếp tục quay). Từ chỗ một người dân bị nhầm lẫn 
với đấng Hoàng thượng, đến chỗ bây giờ thì mọi người dân An Nam trên đất Tây đều có thể 
bị coi là Hoàng thượng. Sự phê phán Khải Định chưa dừng lại (vì tình huống ấy tiếp tục cho 
thấy: bậc quân vương kia xem ra cũng chỉ là quân vương nhờ tấm áo manh quần, và trong 
chuyến Pháp du này, xem ra không có xó xỉnh nào ngài không mò tới). Nhưng một nội dung 
tố cáo khác đã mở ra: sự rình rập từng bước chân người dân thuộc địa: cái muôn ngàn lần 
cay đắng vì bị mất tự do của kiếp người vong quốc. 
 b) Vi hành là một truyện ngắn châm biếm. Tưởng như điều đó không có gì đặc biệt 
ở một nền văn học đã sinh ra Hồ Xuân Hương, Nguyễn Khuyến, Tú Xương. Nhưng không 
phải thế. Cùng với Bản án chế độ thực dân Pháp và nhiều truyện kí khác, với Vi hành, 
Nguyễn Ái Quốc đã đưa lại cho văn học nước nhà một tiếng cười mới mẻ. 
 Đây là tiếng cười không giòn giã nở ngay trên bề mặt, mà thăng trầm ở bề sâu. Một 
tiếng cười trí tuệ. Cái cười chỉ hiện ra chua chát, mỉa mai, như kết quả cuối cùng của một 
quá trình suy nghĩ để nhận ra cái trái tự nhiên nằm trong bản thân sự vật. Sự sắc sảo của nhà 
văn biểu lộ ở khả năng phát hiện ra một mặt, những cái ngược hẳn nhau trong cùng một 
hiện tượng thống nhất (ông vua: danh nghĩa thì cao quí đáng trọng nhưng thực chất lại đáng 
khinh: chính sách bảo hộ: cái tên thì nhân nghĩa mà thực chất lại là tàn ác) và mặt khác, 
những sự thống nhất trong những hiện tượng trái ngược hẳn nhau (ông vua và anh hề, nghi 
thức và trò chơi) Nhưng độc đáo là ở cách thức biểu hiện. Tác giả luôn luôn chú ý đến sự 
đột ngột trong cách trình bày mâu thuẫn và tạo khoảng trống cho trí tuệ của người đọc tự 
vận động, tự liên tưởng và suy ngẫm để tìm ra ẩn ý để giải những hàm ngôn. Đó là cái cười 
càng nghĩ thì càng ngấm và càng ngấm lại càng đau. 
 - Đây cũng còn là tiếng cười nhiều sắc điệu, có cả sự khinh thị kẻ thù của một người 
cách mạng lẫn nỗi đau của người dân mất nước, chất thâm thuý của người thông thuộc kinh 
sử lẫn về tinh nghịch, trẻ trung của tuổi thanh niên. 
 c) Tác phẩm còn lôi cuốn người đọc bởi một lối dẫn chuyện độc đáo, lạ thường. 
Không hề đơn điệu, đơn thanh. Vi hành luôn luôn là sự luân chuyển, đan xen của nhiều 
giọng nói, nhiều giọng kể. Cùng với sự biến đổi khôn lường của tình huống, sự biến đổi 
không ngừng của giọng văn đã khiến vẻ đẹp của tác phẩm luôn thay đổi mau lẹ, luôn biến 
hóa linh động, như trong ống kính vạn hoa. Và đó là điều rất hiếm có, trong những tác phẩm 
tự sự của văn học nước ta thời ấy. 
 d) Do đối tượng vận động cách mạng của Vi hành là dư luận Pháp, Châu Âu và thế 
giới nên Vi hành còn sử dụng nhiều thủ pháp nghệ thuật mà phải qua một thời gian nữa mới 
quen thuộc được với bạn đọc Việt Nam như dựng truyện dưới hình thức một bức thư gửi từ 
phương xa kiểu Thư Ba Tư hay những bức thư viết từ cối xay gió của tôi vốn không xa lạ 
với công chúng Pháp; hoặc sử dụng tình huống kiểu giả trang như đã nói trên. Đó là những 
hình thức có thể làm giàu thêm di sản văn học dân tộc Việt Nam. 
III. KẾT THÚC VẤN ĐỀ: 
 Như thế, có thể nói Vi hành là “một kết tinh nghệ thuật thuộc loại xuất sắc, thể hiện 
sự kết hợp giữa chính trị và văn chương trong sự nghiệp sáng tác của Bác Hồ”. 
 Qua Vi hành, ta hiểu thêm mối quan hệ giữa văn chương và cách mạng, nghệ thuật 
và tuyên truyền. Có những lúc cách mạng buộc phải cần đến văn chương như cần đến một 
vũ khí phê phán có thể góp phần đắc lực cho “sự phê phán bằng vũ khí” (C.Mác). Ngược 
lại, văn chương cũng tìm thấy ở cách mạng nguồn cảm hứng, nhiệt tình, sức thúc đẩy nó 
tiến mạnh hơn. 
 Chính mối quan hệ tương hỗ đó đã làm nên cả Nguyễn Ái Quốc – nhà cách mạng vĩ 
đại và cả Nguyễn Ái Quốc – nhà văn có biệt tài, một vĩ nhân đã từ mục đích làm cách mạng 
dân tộc mà trở thành nhà thơ lớn của thời đại. 
(Dàn bài này rút từ đề 1 trong cuốn Dàn bài Tập làm văn 12 của Vũ Quốc Anh – Đỗ Kim 
Hồi - Nguyễn Quốc Túy – NXB Giáo dục,1995) 
* * * 

Tài liệu đính kèm:

  • pdfvantap7-de2.pdf