Chuyên đề Văn học Việt Nam: Xuân Quỳnh (1942 – 1988)

Chuyên đề Văn học Việt Nam: Xuân Quỳnh (1942 – 1988)

XUÂN QUỲNH

(1942 – 1988)

CUỘC ĐỜI:

Xuân Quỳnh tên thật là Nguyễn Thị Xuân Quỳnh, vốn là diễn viên múa từ năm 13 tuổi, có thơ đăng báo năm 19 tuổi, và trở thành nhà thơ chuyên nghiệp sau khi qua lớp bồi dưỡng những người viết văn trẻ khoá đầu tiên của Hội nhà văn Việt Nam (1962-1964). Xuân Quỳnh là ủy viên ban chấp hành Hội nhà văn Việt Nam. Xuân Quỳnh mất năm 1988 cùng với chồng là nhà soạn kịch, nhà thơ Lưu Quang Vũ vì tai nạn giao thông.

 

doc 7 trang Người đăng kidphuong Lượt xem 2537Lượt tải 2 Download
Bạn đang xem tài liệu "Chuyên đề Văn học Việt Nam: Xuân Quỳnh (1942 – 1988)", để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Chuyên đề VHVN:
XUÂN QUỲNH
(1942 – 1988)
CUỘC ĐỜI:
Xuân Quỳnh tên thật là Nguyễn Thị Xuân Quỳnh, vốn là diễn viên múa từ năm 13 tuổi, có thơ đăng báo năm 19 tuổi, và trở thành nhà thơ chuyên nghiệp sau khi qua lớp bồi dưỡng những người viết văn trẻ khoá đầu tiên của Hội nhà văn Việt Nam (1962-1964). Xuân Quỳnh là ủy viên ban chấp hành Hội nhà văn Việt Nam. Xuân Quỳnh mất năm 1988 cùng với chồng là nhà soạn kịch, nhà thơ Lưu Quang Vũ vì tai nạn giao thông.
SỰ NGHIỆP VĂN HỌC:
1 – Phong cách nghệ thuật:
Chủ đề thơ Xuân Quỳnh thường là những vấn đề nội tâm: kỉ niệm tuổi thơ, tình yêu gia đình, hiện thực xã hội, sự kiện đời sống hiện diện như 1 bối cảnh cho tâm trạng. Do vậy thơ Xuân Quỳnh hướng nội, rất tôn trọng cá nhân nhưng không là thứ tháp ngà xa rời đời sống. Thơ chị là đời sống đích thực, đời sống của chị trong những năm đất nước còn chia cắt, còn chiến tranh, nghèo nàn, còn gian khổ, là những lo toan con cái, cơm nước, cửa nhà của một người phụ nữ, người phụ nữ làm thơ thường ngược xuôi trên mọi ngả đường bom đạn. Xuân Quỳnh không làm ra thơ, không chế tạo câu chữ mà chị viết như kể những gì mà chị đã sống, đã trãi. Nét riêng của Xuân Quỳnh so với thế hệ nhà thơ hiện đại cùng thời chính là ở khía cạnh nội tâm đó. Thơ chị là thơ mang tâm trạng. Thời ấy, nhiều nhà thơ thiên về phản ánh sự kiện, cốt để được việc cho đời, còn tâm trạng tác giả thường là tâm trạng chung của xã hội, vui buồn của tác giả hòa trong vui buồn chung của công dân. Tâm trạng thơ Xuân Quỳnh là tâm trạng nảy sinh từ đời sống của chính chị, từ hoàn cảnh của riêng chị. “Viết trên đường 20” là bài thơ chiến tranh nhưng lại mang nỗi lòng trăn trở xao xác của 1 người đang yêu. Có bài bề bộn chi tiết hiện thực như một kí sự. Những năm ấy, đúng là kí sự về đời sống Hà Nội những năm chống Mỹ, nhưng nó không thành kí mà vẫn là thơ do nỗi lòng riêng của tác giả tạo nên 1 mạch tâm tình xâu chuỗi các chi tiết rời rạc của ngày thường lại, tổ chức nó thành kết cấu của nhà thơ. Xuân Quỳnh có tài tỏa lên các chi tiết ngẫu nhiên quan sát được từ đời sống 1 từ trường cảm xúc của nội tâm mình, biến các chi tiết đời trở nên thơ, có sức gợi, sức ám ảnh kì lạ (Trời trở rét, không đề, Gió lào cát trắng, Mùa hoa doi, Hoa cỏ may). Thơ Xuân Quỳnh giàu tình cảm, tình cảm sâu và tinh tế nhưng lẩn khuất phía sau tình cảm ấy là tư tưởng có tính khái quát triết lí (Cơn mưa không phải của mình, Đồi đá ong và cây bạch đàn, chuyện cổ tích về loài người, những người mẹ không có lỗi). Đấy là những triết lí nảy sinh từ đời sống, nó có tính thực tiễn, giúp ích thật sự cho người đọc nhận thức và xử lí việc đời, không phải thứ triết lí tự biện, viễn vọng mà chẳng dùng được vào việc gì.
Đề tài, đối với Xuân Quỳnh không phải là quan trọng. Điều Xuân Quỳnh quan trọng là chủ đề. Thơ Xuân Quỳnh bao giờ cũng có tứ, Xuân Quỳnh dùng tứ để bộc lộ chủ đề. Đây là 1 đóng góp đáng quí của Xuân Quỳnh vì giai đoạn ấy thơ của ta rất lỏng về tứ. Xuân Quỳnh có năng khiếu quan sát bằng mọi giác quan và phong phú trong liên tưởng. Chi tiết vốn quen thuộc bỗng trở nên mới lạ, tạo ý vị cho câu thơ (màu cỏ mùa xuân: cỏ bờ đê rất lạ / xanh như là chiêm bao. Tiếng mưa trên lá cọ: mưa trên cọ bàng hoàng rồi vụt tạnh). Cũng có thể vì có tài quan sát mà ở một số bài Xuân Quỳnh ham tả, ham kể. Kể có duyên nhưng vẫn làm loãng chất thơ. Những bài thơ dài của Xuân Quỳnh thường dài vì rậm chi tiết.
	Xuân Quỳnh ít phải bận tâm về việc đi tìm hình thức biểu hiện. Xuân Quỳnh không mất công nhiều lắm trong việc lựa chọn hình ảnh, chải chuốt ngôn từ. “đừng có đi tìm ngôn ngữ, cảm xúc sẽ tự chọn được ngôn ngữ của mình” Xuân Quỳnh đã có lần phát biểu.
	Xuân Quỳnh có 1 quan điểm giản đơn “cái hay bao giờ cũng mới”. Vì vậy Xuân Quỳnh không có ý định trau chuốt ngôn từ thơ mình, và tìm đến với các bài thơ một cách hồn nhiên nhưng khi tìm hiểu thơ Xuân Quỳnh sẽ nhận thấy Xuân Quỳnh là nhà thơ có ngôn từ và kĩ thuật biểu hiện tương đối vững vàng và có bản lĩnh.
	Xuân Quỳnh có một giọng điệu thơ đặc sắc (giọng điệu của tâm hồn). Không kiểu cách mà luôn tự nhìn phóng khoáng, Xuân Quỳnh thường hay chọn lời ru hoặc lay chuyển hướng từ lời ru làm giọng điệu cho thơ mình (Ru, Lời ru, Hát Ru, Lời ru của mẹ). Vì vậy, Xuân quỳnh có tâm hồn của 1 người mẹ nhân hậu, một người yêu đằm thắm, giàu đức hi sinh, tiếng ru của Xuân Quỳnh là tiếng hát của một tâm hồn.
Lời thơ Xuân Quỳnh như lời trò chuyện, tâm tình, khẽ khàng, nhỏ nhẹ, khiến người nghe phải phân lại mới thấy được những gì mà nhà thơ muốn nói.
Xuân Quỳnh được coi là nhà thơ nữ hàng đầu nửa cuối thế kỉ XX.
2 - Thơ Xuân Quỳnh:
	6-1987, trong cuộc gặp mặt với các nhà thơ Á-Phi ở Liên Xô, Xuân Quỳnh phát biểu: “người ta làm thơ đầu tiên là để tự thể hiện, là một hoạt động khẳng định, rồi là hành động khai sinh, đáp ứng nhu cầu sáng tạo, nhu cầu nối liền mình với đồng loại, với các sinh vật vũ trụ và tình yêu”. Vì vậy, thơ Xuân Quỳnh trước hết là sự tự thể hiện, ngòi bút chủ yếu đi vào khai thác tâm trạng của chính bản thân nhà thơ.
Xuân Quỳnh viết nhiều về tình yêu, xuyên suốt các tập thơ là 1 tình yêu da diết, khi sôi nổi ồn ào, lúc lặng lẽ thiết tha. Ơû giai đoạn đầu, thơ tình Xuân Quỳnh giàu mơ ước, thiên về phía cảm nhận những cái đẹp, chất thơ mộng của tình yêu mang chất lí tưởng (Ru, Thuyền và biển). Giai đoạn sau, tình yêu trong thơ Xuân Quỳnh có thêm nhiều trăn trở, xao động, sự gắn bó với cuộc đời. Đề tài tình yêu là loại đề tài được Xuân Quỳnh gửi gắm nhiều tâm huyết nhất. Đối với Xuân Quỳnh, tình yêu còn tượng trưng cho cái đẹp, niềm khao khát được tự hoàn thiện mình. Thơ Xuân Quỳnh mang tâm trạng của một con người nhiều yêu thương, tinh tế nhưng luôn luôn có những âu lo, trăn trở. Cái tôi trong đó luôn xao động, đang chờ đợi, băn khoăn, Tình yêu còn rạo rực, sôi nổi mà trầm tĩnh, sâu lắng hơn và đầy nữ tính. Những câu thơ như những lời nói bình thường mà gợi lên được ấn tượng khó quên bởi những tình cảm dịu dàng, đằm thắm:
	“Sao không cài khuy áo lại anh
	Trời lạnh đấy, hôm nay trời trở rét”
	( Trời trở rét)	
Thơ tình của Xuân Quỳnh là tiếng nói mới của thơ dân tộc, tiếng nói phản ánh chiều sâu của văn hóa dân tộc. Xuân Quỳnh không phải là con người sinh ra để hưởng hạnh phúc, cũng không phải con người được cuộc đời chuẩn bị để trở thành nhà thơ. Xuân Quỳnh trở thành nhà thơ của thế kỉ chính do sự đổi mới sâu sắc nhất mà cách mạng đã đem lại cho người phụ nữ VN. Xuân Quỳnh xuất thân là văn công, không phải con người có 1 quá trình tu dưỡng về ngôn ngữ. Xuân Quỳnh không có một trình độ tự biện cao để chuyển những cảm xúc của mình thành lí luận. Xuân Quỳnh chỉ có 1 tâm hồn biết yêu và biết quí cái chân thực, biết giá trị của cuộc sống và mình chấp nhận vì trách nhiệm trước cuộc đời và nhìn thấy hạnh phúc trong sự chấp nhận ấy để chiến thắng hoàn cảnh. Xuân Quỳnh không có gì hết ngoài trái tim biết yêu, nhưng chính trái tim ấy đã nói lên thành thơ và Xuân Quỳnh trở thành nhà thơ nữ lớn nhất thế kỉ này của VN chỉ bằng trái tim chân thành và vô giá ấy.
	Thơ Xuân Quỳnh có nhiều mong nhớ, chờ đợi, nhất là trong tình yêu, Xuân Quỳnh có nỗi mong nhớ thường xuyên, da diết đến cồn cào.
	Ta còn gặp ở thơ Xuân Quỳnh một cốt cách rất đáng quí của người phụ nữ Việt Nam, hết mực yêu thương, chăm sóc người thân, hi sinh tất cả vì chồng con. Nhưng có ý nghĩa hơn khi nhà thơ quan niệm tình yêu là một sự trao gửi, hiến dâng.
	“ Gia tài em chỉ có bàn tay
	Em trao tặng cho anh từ ngày ấy
	Bàn tay em gia tài bé nhỏ
	Em gửi cùng anh với cuộc đời em”
	Cùng với tình yêu, thơ Xuân Quỳnh cũng rất đậm đà khi viết về những mối quan hệ khác kết thành tình yêu, tiếp nối của tình yêu, gắn bó với tình yêu, tình cảm gia đình.
	Với chùm thơ “Lời ru trên mặt đất”, Nguyễn Xuân Nam nhận xét: “chùm thơ này đã nâng bản năng làm mẹ lên nghệ thuật làm mẹ”.
	Xuân Quỳnh là 1 nhà thơ có bản sắc tương đối rõ nét. Từ lúc xuất hiện cho tới khi vĩnh biệt cuộc đời, quá trình sáng tác thơ của Xuân Quỳnh là một chặng đường đi lên không bị đứt đoạn. Hồn thơ ngày một đa dạng và không ngừng được mở ra. Trong đó những bài thơ tình yêu đạt tới đỉnh cao, thơ Xuân Quỳnh thường không thật sự bình yên đơn giản, thường có nhiều trăn trở băn khoăn, dù ở đề tài nào thơ của Xuân Quỳnh cũng là 1 tiếng nói rất riêng của 1 người phụ nữ thông minh, sắc sảo, giàu yêu thương.
	Thơ Xuân Quỳnh giàu tâm trạng: nhiều bài thơ hay là sự bộc lộ của một tâm trạng. Bắt đầu từ một xao động hoặc nhẹ nhàng, kín đáo, hoặc da diết sôi nổi, từ đó cảm xúc thơ trào lên tứ thơ được hình thành đến ngôn từ và âm điệu.
	Thơ Xuân Quỳnh chính là đời sống của tác giả, là những tâm trạng thật của Xuân Quỳnh trong mỗi bước vui buồn của đời sống. Đọc thơ Xuân Quỳnh người ta có cảm giác Xuân Quỳnh không cố ý “làm thơ”.
	Thơ Xuân Quỳnh có sự truyền cảm và đồng cảm. Người đọc tìm thấy ở nhà thơ các bài thơ và cũng tìm thấy mình trong đó. 
	Trước Xuân Quỳnh có lẽ chưa có người phụ nữ làm thơ nào nói về tình yêu bằng những lời cháy bỏng, tha thiết và nồng nàn như thế:
	“Con sóng dưới lòng sâu
	Để ngàn năm còn vỗ”
	(Sóng)
	Tình yêu trong thơ Xuân Quỳnh rất đẹp và trong sáng, nó không bao giờ đơn thuần chỉ là tình yêu, nó còn tượng trưng cho cái đẹp, cái tốt, cái cao quý của con người, tượng trưng cho niềm khao khát tự hoàn thiện mình.
	Những bài thơ tình của Xuân Quỳnh có một vẻ đẹp giản dị, chân xác:
	“Cửa kính mờ trong mưa đẫm ước
	Em chờ anh, anh có về không”.
	(Ngày mai trời còn mưa)
	Thơ Xuân Quỳnh có nhiều cung bậc tình cảm khác nhau, khi đắm say hạnh phúc, lúc day dứt suy tư, nhưng xuyên suốt các tập thơ là một tình yêu sâu nặng không nhạt phai. Trong cái hữu hạn ngắn ngủi của cuộc đời, tình yêu trở thành vĩnh cửu. Với bản chất trong sáng và tinh diệu của nó, tình yêu không thể bị thời gian tàn phá, bị không gian chia rẻ và ngăn cách. Tình yêu là bất tận và bền vững, vượt ra ngoài cái giới hạn thường tình của lẽ tử sinh: “Em trở về đúng nghĩa trái tim em.
	nhưng biết yêu anh cả khi chết đi rồi.”
	(Tự hát)
	Xuân Quỳnh viết thơ thiếu nhi trước hết là cho con, và tình mẹ con ở đây thật cụ thể. Là cô bé mồ côi mẹ, Xuân Quỳnh sớm thiếu tình mẹ, còn cha thì xa cách từ thời bé. Đứa con trẻ thiếu tình thương trong suốt cả tuổi thơ ấy là Xuân Quỳnh, khi làm mẹ, lại dồn biết bao nồng nàn của tình thương cho những đứa con, tựa như để bù đắp cho những thiếu hụt và trống trải của chính đời mình. Trong thơ Xuân Quỳnh, đứa con là thiên thần, là đối tượng ce chở và cũng là điểm tựa tinh thần cho người mẹ.
	Thơ Xuân Quỳnh luôn lôi cuốn chúng ta trước hết ở điểm nó nói lên sự thiếu sót có tính chất bản thể, mang màu sắc vũ trụ ở con người nếu không có tình yêu. Tình yêu trong thơ Xuân Quỳnh là 1 tình yêu say mê, sôi nổi bạo dạn và rất chủ động.
	Thơ Xuân Quỳnh đã có một hướng đi và là hướng đi đúng. Xuân Quỳnh cố gắng ngày càng tự vượt khỏi giới hạn của những tình cảm riêng tư để đến với cuộc đời rộng lớn. Và ở đây Xuân Quỳnh bước đầu có những thành công. Nếu nói Xuân Quỳnh là 1 chồi thơ khỏe, tràn đầy sức sống, và hứa hẹn một cây thơ vững chắc, xanh tươi. Nói cách khác, xuân Quỳnh đến với thơ một cách hồn nhiên, không chút cố tình, gượng ép. Trong chị thực sự có hồn thơ – đó là điề đáng quí nhất đối với những ai được gọi là thi sĩ.
	Thơ Xuân Quỳnh là tứ thơ tự biểu hiện. Muốn cho sự biểu hiện có sức vang dội thì tấm lòng của người viết phải mang được tâm tư và suy nghĩ của quần chúng, sự việc hay những vấn đề nêu lên phải thiết thân đối với đông đảo người đọc, nghĩa là phải toát ra từ máu thịt của cộng đồng, từ sự thôi thúc của những lí tưởng của thời đại. Chất liệu sống trong thơ Xuân Quỳnh ít khi phóng tầm mắt ra khỏi chuyện văn công hoặc quan hệ tình cảm riêng. Đặc điểm thơ Xuân Quỳnh là sự trẻ trung, hồn nhiên cộng với cái thông minh dân dã được thể hiện thông qua những cảm xúc tinh tế, những nhận xét tinh vi, và hầu như lúc nào cũng pha chút hài hước, tinh nghịch tạo nên nét hóm hỉnh riêng, không trộn lẫn.
	Đọc thơ Xuân Quỳnh, lòng ta bỗng được sưởi ấm trong những tình cảm chân thành và giàu có tình thương giữa bố con, mẹ con, cô cháu, bà cháu, em bé với cỏ cây, với con mèo, con chó, con vịt, con dếbằng những cảm xúc đằm thắm, những suy nghĩ giàu âm thanh, hình ảnh, những lời kể giản dị, nhẹ nhàng mà có sức thấm, Xuân Quỳnh đã nói được với các em bao điều cần nói, khuyên được các em bao điều cần khuyên, bồi dưỡng, vun xới cho tình cảm và tưởng tượng của các em thêm nhiều màu sắc, đường nét. Thơ cũng như văn, Xuân Quỳnh viết cho các em rất giản dị, giản dị đến độ đọc nó, ta không nghĩ là tác giả làm thơ viết văn mà ta cứ bị thu hút vào trong thế giới trẻ thơ một cách tự nhiên. Cứ nhìn qua thì dường như những bài thơ bốn chữ, năm chữ, sáu chữ, lục bát của Xuân Quỳnh không có gì mới mẻ. Song, điều đáng chú ý là Xuân Quỳnh thường vận dụng các thể thơ truyền thống ấy một cách thoải mái, vần điệu một cách tự nhiên mà đến. Được như vậy không phải dễ. Phải có sự nhuần nhuyễn trong suy nghĩ, cảm xúc và phải chọn đúng thể thơ phù hợp với nội dung. Cái mới ở đây chính là cái nhìn, cách cảm nghĩ đầy tính chất khám phá, phát hiện ở cách nói, cách dẫn dắt câu chuyện, cách vận dụng ngôn ngữ phù hợp với trình độ tiếp thu và hứng thú của lứa tuổi.
Xuân Quỳnh là nhà thơ đã sống và hòa nhập hết mình với thời đại (Hoa dọc chiến hào, gió lào cát trắng,).
Tác phẩm chính:
* Thơ:
Tơ tằm _ Chồi biếc (1963)
Hoa dọc chiến hào (1968)
Gió lào cát trắng (1978)
Sân ga chiều em đi (1984)
Tự hát (1984)
Thơ viết tặng anh (1988)
Hoa cỏ may (1989)
Thơ Xuân Quỳnh (1991)
Thơ tình Xuân Quỳnh – Lưu Quang Vũ (1994)
* Sáng tác cho thiếu nhi:
Cây trong tố – chờ trăng (1980)
Bầu trời trong quả trứng (1982)
Truyện Lưu Nguyễn (truyện thơ) (1983)
* Truyện:
Bao giờ con lớn (1975)
Chú gấu trong vòng đu quay (1978)
Mùa xuân trên cánh đồng (1981)
Bến tàu trong thành phố (1984)
Vẫn có ông trăng khác (1988)
Tuyển tập truyện thiếu nhi (1995).
* Các giải thưởng:
Giải thưởng văn học năm 1982 – 1983 của Hội nhà văn VN (Tập thơ thiếu nhi: Bầu trời trong quả trứng
Giải thưởng văn học năm 1989 – 1990 của Hội nhà văn VN (Tập thơ Hoa Cỏ May)
Giải thưởng của Trung ương Đoàn TNCS HCM
Giải thưởng Nhà nước về Văn Học NT năm 2001.
Thực hiện:
Tổ 1-Lớp 12 chuyêu văn THPT Chuyên BL
Năm học 2008-2009

Tài liệu đính kèm:

  • docChuyen de Xuan Quynh.doc