Chuyên đề: Văn học lãng mạn và hiện thực phê phán 1930-1945 (phần văn) - Đề 2

Chuyên đề: Văn học lãng mạn và hiện thực phê phán 1930-1945 (phần văn) - Đề 2

Đề 2: Phân tích tâm trạng chị em Liên đêm đêm cố thức để được nhìn

chuyến tàu đi qua phố huyện trong truyện ngắn Hai đứa trẻ - Thạch Lam.

Hai đứa trẻ là một trong những truyện ngắn thường được nhắc tới nhiều nhất của Thạch Lam.

Hình ảnh chuyến tàu đêm chạy qua một phố huyện nghèo thời trước đã được Thạch Lam miêu

tả rất khéo léo, đã nổi lên thành một hình ảnh đầy ý nghĩa, bộc lộ chủ đề của tác phẩm.

pdf 2 trang Người đăng kidphuong Lượt xem 1688Lượt tải 0 Download
Bạn đang xem tài liệu "Chuyên đề: Văn học lãng mạn và hiện thực phê phán 1930-1945 (phần văn) - Đề 2", để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
 Chuyên đề: Văn học lãng mạn và 
hiện thực phê phán 1930-1945 (phần văn) 
Đề 2: Phân tích tâm trạng chị em Liên đêm đêm cố thức để được nhìn 
chuyến tàu đi qua phố huyện trong truyện ngắn Hai đứa trẻ - Thạch Lam. 
Hai đứa trẻ là một trong những truyện ngắn thường được nhắc tới nhiều nhất của Thạch Lam. 
Hình ảnh chuyến tàu đêm chạy qua một phố huyện nghèo thời trước đã được Thạch Lam miêu 
tả rất khéo léo, đã nổi lên thành một hình ảnh đầy ý nghĩa, bộc lộ chủ đề của tác phẩm. 
Trước hết, bối cảnh cho chuyến tàu đêm xuất hiện là cuộc sống buồn tẻ, đơn điệu, đáng thương 
nơi phố huyện. Thạch Lam đã chọn được thời điểm để làm nổi bật những tính chất ấy. Truyện 
bắt đầu từ tiếng trống thu không dội xuống phố huyện, từng tiếng, từng tiếng mỏi mòn, giữa lúc 
trên bầu trời, ánh ngày đang dần nhường chỗ cho bóng hoàng hôn, phương tây đỏ rực lên như 
lửa báo hiệu một ngày đang tắt. Đêm tối sẽ đem tới cho phố huyện những gì? Chỉ có bóng tối, 
sự im lặng, mà tiếng ếch nhái ngoài đồng, tiếng muỗi kêu trong nhà, lại khiến cho nó càng trở 
nên vắng lặng, hoang vu, buồn bã hơn. Thế ra, giữa thế kỷ hai mươi, thế kỷ của những đô thị 
đầy ấp ánh sáng, vẫn có những miền đất, nhiều miền đất, sống trong sự tăm tối của cuộc sống 
hàng trăm, hàng ngàn năm về trước như vậy đấy. 
Phiên chợ chiều đã vãn, những ồn ào tấp nập của buổi chợ đã tan đi, để lại phố huyện với thực 
chất của nó: cái nghèo nàn, cái tiêu điều xơ xác. Những đứa trẻ con lom khom tìm kiếm trên cái 
nền chợ xơ xác ấy, giữa những rác rưởi mà phiên chợ bỏ lại, mong tìm được chút gì đỡ cho 
cuộc sống. Thật là một chi tiết đầy ý nghĩa và rất gợi cảm về cái nghèo. 
Rồi đêm xuống. Cuộc sống có xôn xao động đậy được chút nào chăng? Quả cũng có xôn xao 
một chút đấy, nhưng không vì thế mà vẻ nghèo, vẻ buồn của cuộc sống lại bớt đi. Bắt đầu là 
ngôi hàng nước của con chị Tí, với chiếc võng con, vài ba cái bát, một điếu hút thuốc lào... bày 
ra rồi lại thu vào vì vắng khách. Tiếp đến là gánh phở có ngọn lửa bập bùng của bác Siêu, cũng 
vắng khách vì đó là thứ quá xa xỉ (phở mà trở thành xa xí phẩm, thật là một nhận xét hóm hỉnh 
và đầy xót xa của Thạch Lam!). 
Chính giữa cảnh tiêu điều như vậy của phố huyện, Thạch Lam đã miêu tả tâm trạng khắc khoải 
chờ đợi chuyến tàu của hai chị em cô bé Liên. Đó là hai đứa trẻ đã từng có những ngày sống ở 
một nơi không đến nỗi nghèo khổ và tối tăm như thế. Với chúng, nhất là với bé Liên, nơi ấy Hà 
Nội luôn đọng lại như một kỷ niệm xa xôi và mơ hồ nhưng bao giờ cũng êm đềm, đẹp đẽ và 
rực rỡ ánh sáng. Còn giờ đây, nơi phố huyện, cuộc sống của chúng thiếu hẳn ánh sáng và niềm 
vui. Ngày nào cũng giống hệt ngày nào, chúng chờ bán cho người ta nhưng món hàng nhỏ nhoi 
không hề thay đổi: một bao diêm, một cuộn chỉ, mấy bánh xà phòng... Chiều chiều, trong bóng 
chập choạng của hoàng hôn và trong tiếng muỗi vo ve, hai chị em cặm cụi kiểm đếm số tiền bé 
nhỏ bán được trong ngày. Chi tiết về chiếc chõng tre cũ, sắp gãy được Thạch Lam đưa vào đây 
thật là đầy ý nghĩa: cuộc sống của hai đứa trẻ mới lớn lên sao mà đã sớm già nua tàn tạ! Cả chi 
tiết bà lão hơi điên đến mua rượu uống, cũng gợi lên bao nỗi buồn. Cái thế giới mà các em Liên 
và An tiếp cận ngày này qua ngày khác chỉ có thế. Đây là niềm vui, biết lấy gì mà hy vọng? 
May mắn thay, hai đứa trẻ đã tìm được chút niềm vui để mong đợi. Mỗi đêm chuyến tàu từ Hà 
Nội sẽ đi qua phố huyện trong mấy phút. Mỗi đêm, hai đứa trẻ lại chờ đợi chuyến tàu. Hẳn các 
em đã chờ đợi nó qua suốt một ngày buồn tẻ của mình. Nhưng nỗi đợi chờ bắt đầu khắc khoải 
từ khi bóng chiều đổ xuống. Rồi trong đêm tối, những ngọn đèn thắp lên ở đằng kia, bóng hai 
mẹ con chị Tí trên đường, ngọn lửa bập bùng của gánh phở bác Siêu, tiếng hát của vợ chồng 
bác xẩm mù... Với các em, đó là những cái mốc điểm bước đi của thời gian đang cho các em 
xích gần lại với chuyến tàu. Mỗi đêm, chỉ có một chuyến tàu đi qua phố huyện. Các em không 
thể bỏ lỡ nó. Bởi thế, đã buồn ngủ ríu cả mắt, An và Liên vẫn cố chống lại cơn buồn ngủ. Cho 
đến khi, vì chờ đợi quá lâu trong cái không khí buồn tẻ của phố huyện, bé An không thể thức 
được nữa. “Em gối đầu lên tay chị, mi mắt sắp sửa rơi xuống, còn dặn với: “Tàu đến chị đánh 
thức em dậy nhé!”. Thật là một cảnh chờ đợi thiết tha như mọi sự chờ đợi thiết tha ở trên đời!. 
Trên phố huyện ấy, giữa tâm trạng chờ đợi ấy của hai đứa trẻ, chuyến tàu đêm được Thạch Lam 
miêu tả tỉ mỉ và trang trọng làm sao! Chuyến tàu được báo trước từ xa, với hình ảnh hai ba 
người cầm đèn lồng lung lay các bóng dài, vẻ xôn xao của những người chờ tàu, rồi ngọn lửa 
xanh biếc sát mặt đất như ma trơi. Rồi tiếng còi xe lửa ở đâu vang lại trong đêm khuya kéo dài 
ra theo ngọn gió xa xôi. Chuyến tàu đã đến cùng với tiếng còi đã rít lên. Đoàn tàu vụt qua trước 
mặt. Bé An đã thức dậy và tâm hồn cả hai đứa trẻ đều bị cuốn hút bởi chuyến tàu. Các toa đèn 
đều sáng trưng... những toa hạng trên sang trọng, lố nhố người, đồng và kền lấp lánh, và các 
cửa kính sáng. Đoàn tàu đã đi qua nhưng tâm hồn chị em Liên thì vẫn gửi hút theo nó mãi, nhìn 
nó để lại trong đêm tối những đốm than đỏ bay tung trên đường sắt... cái chấm nhỏ của chiếc 
đèn xanh... xa xa mãi rồi đi khuất sau rặng tre. Giờ đây, sự tương phản giữa hình ảnh đoàn tàu 
với cuộc sống nơi phố huyện càng trở nên rõ rệt trong tâm trí của đứa trẻ: đêm tối vẫn bao bọc 
xung quanh, đồng ruộng mênh mang và yên lặng. 
Đọc xong truyện Hai đứa trẻ, người đọc không thể không ngẫm nghĩ về ý nghĩa sâu xa của 
hình ảnh chuyến tàu đêm mà Thạch Lam đã cố tình miêu tả nó để làm nổi lên thật rõ cuộc sống 
buồn tẻ đáng thương của hai chị em Liên? Với các em, chuyến tàu ấy là tất cả niềm vui và hi 
vọng. Đó là Hà Nội trong quá khứ êm đềm xa xôi. Đó là niềm vui duy nhất để giải toả cho tâm 
trí sau một ngày mệt mỏi, đơn điệu và buồn chán. Đó là âm thanh, ánh sáng, vẻ lấp lánh, của 
một cuộc đời mà các em hi vọng, một cuộc đời khác, hoàn toàn không giống với cuộc đời 
nghèo nàn và tẻ nhạt nơi đây. Có lẽ, qua truyện ngắn này, Thạch Lam đã muốn nói với chúng 
ta: có những cuộc đời mới đáng thương sao, có những ước mơ bé nhỏ, tội nghiệp nhưng chân 
thành tha thiết và cảm động làm sao! Nhưng dẫu sao, sự chờ đợi của các em cũng cho chúng ta 
một bài học: trong cuộc đời, phải biết vượt lên cái tẻ nhạt, cái vô vị hàng ngày để mà hi vọng, 
vì còn có hi vọng, dẫu cho hi vọng rất nhỏ bé, thì mới có thể còn gọi là sống. 
Hai đứa trẻ không thuộc loại truyện hấp dẫn người đọc vì sự ly kỳ hay gay cấn của cốt truyện. 
Sức mạnh và sức sống của nó nằm trong vấn đề mà nó đặt ra và cả trong thái độ của Thạch 
Lam đối với cuộc sống: một thái độ ấp iu đầy lòng nhân ái. Chính thái độ ấy cũng ảnh hưởng 
đến cách viết của Thạch Lam: tỉ mỉ và trân trọng. Truyện tuy hơi buồn nhưng nó giúp cho con 
người thêm yêu thương con người. 
Bài giảng của: Trung tâm Bồi dưỡng văn hóa 
và Luyện thi đại học Vĩnh Viễn 

Tài liệu đính kèm:

  • pdfVanhochienthucphephan2.pdf