Chuyên đề: Văn học lãng mạn và hiện thực phê phán 1930-1945 (phần văn) - Đề 1

Chuyên đề: Văn học lãng mạn và hiện thực phê phán 1930-1945 (phần văn) - Đề 1

Đề 1: Phân tích bức tranh phố huyện nghèo trong truyện ngắn Hai đứa trẻ - Thạch Lam.

Hai đứa trẻ tuy chưa phải là truyện ngắn hay nhất nhưng lại khá tiêu biểu cho phong cách

nghệ thuật của Thạch Lam: bình dị, nhẹ nhàng mà tinh tế, thâm thúy. Truyện dường như

chẳng có gì: hầu như không có cốt truyện, chẳng có xung đột gay cấn, chắng có gì đặc biệt cả.

pdf 3 trang Người đăng kidphuong Lượt xem 1282Lượt tải 1 Download
Bạn đang xem tài liệu "Chuyên đề: Văn học lãng mạn và hiện thực phê phán 1930-1945 (phần văn) - Đề 1", để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
 Chuyên đề: Văn học lãng mạn và 
hiện thực phê phán 1930-1945 (phần văn) 
Đề 1: Phân tích bức tranh phố huyện nghèo trong truyện ngắn Hai đứa 
trẻ - Thạch Lam. 
Hai đứa trẻ tuy chưa phải là truyện ngắn hay nhất nhưng lại khá tiêu biểu cho phong cách 
nghệ thuật của Thạch Lam: bình dị, nhẹ nhàng mà tinh tế, thâm thúy. Truyện dường như 
chẳng có gì: hầu như không có cốt truyện, chẳng có xung đột gay cấn, chắng có gì đặc 
biệt cả. Hai đứa trẻ chỉ là một mảng đời thường bình lặng của một phố huyện nghèo từ 
lúc chiều xuống cho tới đêm khuya, với hương vị màu sắc, âm thanh quen thuộc: tiếng 
trống thu không cất trên một chiếc chòi nhỏ, một ráng chiều ở phía chân trời, một mùi vị 
âm ẩm của đất, tiếng chó sủa, tiếng ếch nhái, tiếng muỗi vo ve... những âm thanh của 
mấy người bé nhỏ, thưa thớt, một quán nước chè tươi, một gánh hàng phở, một cảnh vãn 
chợ chiều với vỏ nhãn, vỏ thị, rác rưởi và những đứa trẻ con nhà nghèo đang cúi lom 
khom tìm tòi, nhặt nhạnh, một đoàn tàu đêm lướt qua... và nỗi buồn mơ hồ với những 
khao khát đến tội nghiệp của Hai đứa trẻ. 
Chuyện hầu như chỉ có thế. 
Nhưng những hình ảnh tầm thường ấy, qua tấm lòng nhân hậu, qua ngòi bút tinh tế, giàu 
chất thơ của Thạch Lam lại như có linh hồn, lung linh muôn màu sắc, có khả năng làm 
xao động đến chỗ thầm kín và nhạy cảm nhất của thế giới xúc cảm, có khả năng đánh 
thức và khơi gợi biết bao tình cảm xót thương, day dứt, dịu dàng, nhân ái. 
Đó là truyện của Hai đứa trẻ nhưng cũng là truyện của cả một phố huyện nghèo với 
những con người bé nhỏ thưa thớt, tội nghiệp đang âm thầm đi vào đêm tối. 
Ít có tác phẩm nào hình ảnh đêm tối lại được miêu tả đậm đặc, trở đi trở lại... như một ám 
ảnh không dứt như trong truyện Hai đứa trẻ của Thạch Lam: tác phẩm mở đầu bằng 
những dấu hiệu của một “ngày tàn” và kết thúc bằng một “đêm tịch mịch đầy bóng tối”, 
ở trong đó, màu đen, bóng tối bao trùm và ngự trị tất cả: đường phố và các ngõ con dần 
dần chứa đầy bóng tối, tối hết cả, con đường thăm thẳm ra sông, con đường qua chợ về 
nhà, các ngõ vào làng lại sẫm đen hơn nữa. Một tiếng trống cầm canh ở huyện đánh tung 
lên một tiếng ngắn, khô khan, không vang động ra xa, rồi cũng chìm ngay vào bóng tối... 
Cả đoàn tàu từ Hà Nội mang ánh sáng lướt qua trong phút chốc rồi cũng “đi vào đêm 
tối”... 
Trong cái phông của một khung cảnh bóng tối dày đặc này, là những mảnh đời của những 
con người sống trong tăm tối. Họ là những con người bình thường, chỉ xuất hiện thoáng 
qua, hầu như chỉ như một cái bóng, từ hình ảnh mẹ con chị Tí với hàng nước tồi tàn đến 
một gia đình nhà xẩm sống lê la trên mặt đất, cho đến cả những con người không tên: một 
vài người bán hàng về muộn, những đứa trẻ con nhà nghèo cúi lom khom nhặt nhạnh, tìm 
tòi... 
... Tất cả họ không được Thạch Lam miêu tả chi tiết: nguồn gốc, xuất thân, số phận... 
nhưng có lẽ nhờ thế mà số phận họ hiện lên càng thêm bé nhỏ, tội nghiệp, ai cũng sống 
một cách âm thầm, nhẫn nhục, lam lũ. Văn Thạch Lam là như thế: nhẹ về tả, thiên về gợi 
và biểu hiện đời sống bên trong: sống trong lặng lẽ, tăm tối nhưng giữa họ không thể 
thiếu vắng tình người. Qua những lời trao đổi và những cử chỉ thân mật giữa họ ta nhận 
ra được mối quan tâm, gắn bó. Và tất cả họ dường như đều hiền lành, nhân hậu qua ngọn 
bút nhân hậu của Thạch Lam. 
Nhưng giữa bấy nhiêu con người, nhà văn chỉ đi sâu vào thế giới tâm hồn của hai đứa trẻ: 
Liên và An. Chúng chưa phải là loại cùng đinh nhất của xã hội nhưng là tiêu biểu cho 
những con nhà lành, đang rơi vào cảnh nghèo đói, bế tắc vì sa sút, thất nghiệp. 
Không phải ngẫu nhiên tác giả lấy Hai đứa trẻ để đặt tên cho truyện ngắn của mình. Hình 
ảnh tăm tối của phố huyện và những con người tăm tối không kém, sống ở đây hiện lên 
qua cái nhìn và tâm trạng của chị em Liên, đặc biệt là của Liên. Mở đầu tác phẩm ta bắt 
gặp hình ảnh Liên ngồi yên lặng bên mấy quả thuốc sơn đen “đôi mắt chị bóng tối ngập 
đầy dần và cái buồn của buổi chiều quê thấm vào tâm hồn ngây thơ của chị” và “chị 
thấy buồn man mác trước cái giờ khắc của “ngày tàn””. Thạch Lam không miêu tả tỉ mỉ 
đời sống vật chất của họ, nhà văn chủ yếu đi sâu thể hiện thế giới tinh thần của Liên với 
nỗi buồn man mác, mơ hồ của một cô bé không còn hoàn toàn trẻ con, nhưng cũng chưa 
phải là người lớn. Tác giả gọi “chị” là vì quả Liên là một người chỉ biết quan tâm săn sóc 
em bằng tình cảm trìu mến, dịu dàng, biết đảm đang tảo tần thay mẹ nhưng tâm hồn Liên 
thì vẫn còn là tâm hồn trẻ dại với những khao khát hồn nhiên, thơ ngây, bình dị. 
Ở đây, nhà văn đã nhập vào vai của “hai đứa trẻ”, thấu hiểu, cảm thông, chia sẻ và diễn tả 
cái thế giới tâm hồn trong sáng của chị em Liên: hình ảnh bóng tối và bức tranh phố 
huyện mà ta đã nói trên kia được cảm nhận chủ yếu từ nỗi niềm khao khát của hai đứa 
trẻ. Tâm hồn trẻ vốn ưa quan sát, sợ bóng tối và khát khao ánh sáng. Bức tranh phố huyện 
hiện ra chính là qua tâm trạng này: “Hai chị em gượng nhẹ (trên chiếc chõng sắp gãy) 
ngồi yên nhìn ra phố...” Liên trông thấy “mấy đứa trẻ con nhà nghèo ven chợ cúi lom 
khom trên mặt đất đi lại tìm tòi” nhưng “chính chị cũng không có tiền để mà cho chúng 
nó...”. Trời nhá nhem tối, bây giờ chị em Liên mới thấy thằng cu bé xách điếu đóm và 
khiêng cái ghế trên lưng ở trong ngõ đi ra... Hai chị em Liên đứng sững nhìn theo bà cụ 
Thi đi lẫn vào bóng tối... “Hai chị em đành ngồi yên trên chõng đưa mắt theo dõi những 
người về muộn từ từ đi trong đêm”... “Từ khi nhà Liên dọn về đây... đêm nào Liên và em 
cũng phải ngồi trên chiếc chõng tre dưới gốc cây bàng với cái tối của quang cảnh phố 
xung quanh”... Đêm tối đối với Liên “quen lắm, chị không sợ nó nữa”. “Không sợ nó 
nữa” nghĩa là đã từng sợ. Chỉ mất từ “không sợ nó nữa” mà gợi ra bao liên tưởng. Hẳn là 
Liên đã từng sợ cái bóng tối dày đặc đã từng bao vây những ngày đầu mới dọn về đây. 
Còn bây giờ Liên đã “quen lắm”. Sống mãi trong bóng tối rồi cũng thành quen, cũng như 
khổ mãi người ta cũng quen dần với nỗi khổ. Có một cái gì tội nghiệp, cam chịu qua hai 
từ “quen lắm” mà nhà văn dùng ở đây. Nhưng ngòi bút và tâm hồn của Thạch Lam 
không chỉ dừng ở đấy. Cam chịu nhưng cũng không hoàn toàn cam chịu, nhà văn đã đi 
sâu vào cái nỗi thèm khát ánh sánh trong chỗ sâu nhất của những tâm hồn trẻ dại. Ông 
dõi theo Liên và An ngước mắt lên nhìn vòm trời vạn ngôi sao lấp lánh để tìm sông 
Ngân hà và con vịt theo sau ông thần nông như trẻ thơ vẫn khao khát những điều kì diệu 
trong truyện cổ tích, nhưng vũ trụ thăm thẳm bao la đối với tâm hồn hai đứa trẻ như đầy 
bí mật, lại quá xa lạ làm mỏi trí nghĩ, nên chỉ một lát, hai em lại cúi nhìn về mặt đất, và 
quầng sáng thân mật xung quanh ngọn đèn lay động của chị Tí... Nhà văn chăm chú theo 
dõi từ cử chỉ, ánh mắt của chúng và ghi nhận lại thế thôi. Nhưng chỉ cần thế, cũng đủ làm 
nao lòng người đọc. Sống mãi trong bóng tối, “quen lắm” với bóng tối, nhưng càng như 
thế, chúng càng khát khao hướng về ánh sáng, chúng theo dõi, tìm kiếm, chỉ mong ánh 
sáng đến từ mọi phía: từ “ngàn sao lấp lánh trên trời”, đếm từng hột sáng lọt qua phên 
nứa, chúng mơ tưởng tới ánh sáng của quá khứ, của những kỉ niệm về “Hà Nội xa xăm”, 
“Hà Nội sáng rực, vui vẻ và huyên náo” đã lùi xa tít tắp; chúng mải mê đón chờ đoàn tàu 
từ Hà Nội về với “các toa đèn sáng trưng”; chúng còn nhìn theo cả cái chấm nhỏ của 
chiếc đèn xanh treo trên toa sau cùng xa xa mãi... 
Đó là thế giới của ao ước, dù chỉ là một ao ước nhỏ nhoi, dù chỉ như là một ảo ảnh. 
Không thấm đượm một tấm lòng nhân ái sâu xa, không hiểu lòng con trẻ, không có một 
tâm hồn nhạy cảm giàu chất thơ thì không thể diễn tả tinh tế đến thế nỗi thèm khát ánh 
sáng của những con người sống trong bóng tối. 
Đọc Hai đứa trẻ, ta có cảm giác như nhà văn chẳng hư cấu sáng tạo gì. Mọi chi tiết giản 
dị như đời sống thực. Cuộc sống cứ hiện lên trang viết như nó vốn như vậy. Nhưng sức 
mạnh của ngòi bút Thạch Lam là ở đấy. Từ những chuyện đời thường vốn phẳng lặng, tẻ 
nhạt và đơn điệu, nhà văn đã phát hiện ra một đời sống đang vận động, có bề sâu, trong 
đó ánh sáng tồn tại bên cạnh bóng tối, cái đẹp đẽ nằm ngay trong cái bình thường, cái 
khao khát ước mơ trong cái nhẫn nhục cam chịu, cái xôn xao biến động trong cái bình 
lặng hàng ngày, cái tăm tối trước mắt và những kỷ niệm sáng tươi... 
Nét độc đáo trong bút pháp Thạch Lam là ở chỗ: nhà văn đã sử dụng nghệ thuật tương 
phản một cách hầu như tự nhiên, không chút tô vẽ, cường điệu, và nhờ thế, bức tranh phố 
huyện trở nên phong phú, chân thật, gợi cảm. 
Đọc Hai đứa trẻ ta bị ám ảnh day dứt không thôi trước đêm tối bao trùm phố huyện và 
xót xa thương cảm trước cuộc đời hiu quạnh cam chịu của những con người sống nơi 
đây. Nhưng Hai đứa trẻ cũng thu hút ta bởi cái hương vị man mác của đồng quê vào một 
“chiều mùa hạ êm như ru” và “một đêm mùa hạ êm như nhung và thoảng qua gió 
mát”... Nó làm sống lại cả một thời quá vãng, nó đánh thức tình cảm quê hương đậm đà, 
và làm giàu tâm hồn ta bởi những tình cảm “êm mát và sâu kín”. 
Bài giảng của: Trung tâm Bồi dưỡng văn hóa 
và Luyện thi đại học Vĩnh Viễn 

Tài liệu đính kèm:

  • pdfVanhochienthucphephan1.pdf