Chuyên đề Ôn thi Văn 12 - Phần 3

Chuyên đề Ôn thi Văn 12 - Phần 3

* Câu 1.

 “Ngục trung nhật kí” của Hồ Chí Minh không chỉ biểu hiện một tâm hồn lớn lao, cao cả, mà còn chân thành bảy tỏ những nỗi niềm riêng của một con người như mọi con người.

Qua việc phân tích bài thơ sau đây, anh (chị) hãy trình bày ý kiến của mình về nhận xét trên:

Mộ

Quyện điểu quy lâm tầm túc thụ,

Cô vân mạn mạn độ thiên không;

Sơn thôn thiếu nữ ma bao túc,

Bao túc ma hoàn lô dĩ hồng.

 

doc 7 trang Người đăng hien301 Lượt xem 1544Lượt tải 1 Download
Bạn đang xem tài liệu "Chuyên đề Ôn thi Văn 12 - Phần 3", để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Chuyên đề ôn thi Văn 12 (p3)
Đề tham khảo ôn thi 1
* Câu 1.
 “Ngục trung nhật kí” của Hồ Chí Minh không chỉ biểu hiện một tâm hồn lớn lao, cao cả, mà còn chân thành bảy tỏ những nỗi niềm riêng của một con người như mọi con người.
Qua việc phân tích bài thơ sau đây, anh (chị) hãy trình bày ý kiến của mình về nhận xét trên:
Mộ
Quyện điểu quy lâm tầm túc thụ,
Cô vân mạn mạn độ thiên không;
Sơn thôn thiếu nữ ma bao túc,
Bao túc ma hoàn lô dĩ hồng.
* Câu 2.
Phân tích nhân vật cô Hiền trong truyện “Một người Hà Nội”  của nhà văn Nguyễn Khải
HƯỚNG DẪN LÀM BÀI
Bài làm (Câu 1)
“Nhật kí trong tù” của Hồ Chí Minh ra đời trong cảnh ngục tù, từ tháng 8-1942 đến tháng 9-1943 trên đất Quảng Tây, Trung Quốc, khi Người bị chính quyền Tưởng Giới Thạch bắt giam một cách vô cớ. Hơn trăm bài thơ của tập nhật kí đều thấm đầy máu và nước mắt:
“Ở tù năm trọn thân vô tội,
Hòa lệ thành thơ tả nỗi này”.
(Đêm thu)
Có ý kiến cho rằng: “Ngục trung nhật kí” của Hồ Chí Minh không chỉ biểu hiện một tâm hồn lớn lao, cao cả mà còn chân thành bày tỏ những nỗi niềm riêng của một con người như mọi con người”.
Lòng yêu nước thiết tha, tình thương người mênh mông, tinh thần bất khuất lạc quan là những biểu hiện của một tâm hồn lớn lao, cao cả của một bậc đại trí, đại dũng, đại nhân trong đọa đày khổ ải. Nhiều bài thơ trong “Ngục trung nhật kí” còn nói lên một cách chân thành những nỗi niềm riêng, những niềm vui nỗi buồn, những mơ ước trong sáng, bình dị “của một con người như mọi con người”, rất gần gũi với mỗi chúng ta. Bài thơ “Mộ” (Chiều tối) cho ta cảm nhận ấy:
“Quyện điểu quy lâm tầm túc thụ,
Cô vân mạn mạn độ thiên không;
Sơn thôn thiếu nữ ma bao túc,
Bao túc ma hoàn lô dĩ hồng”.
1. Đây là bài thơ số 31 tả cảnh chiều tối nơi xóm núi xa lạ từ Thiên Bảo đến Long Tuyền vào tháng 10 năm 1942. Bị trói giải đi, trời tối dần, Người ngước mắt nhìn bầu trời. Hai câu thơ đầu tả cảnh cánh chim và áng mây. Chim mỏi mệt bay về rừng tìm cây trú ẩn. Áng mây lẻ loi, cô đơn lơ lửng giữa tầng không. Nâm Trân dịch:
“Chim mỏi về rừng tìm chốn ngủ,
Chòm mây trôi nhẹ giữa tầng không”.
Hai câu thơ đối nhau. Hồn cảnh vật trong chiều tối được vẽ bằng hai nét phác họa rất thơ, rất hữu tình. Bức tranh chiều tối mang tính ước lệ cổ điển cho thấy một tâm hồn thi sĩ đang rung động trước cảnh đẹp thiên nhiên.
Hình ảnh “quyện điểu”... và “cô vân” thoáng một nỗi cô đơn, lẻ loi và mỏi mệt như nỗi lòng thi nhân. Lấy ngoại cảnh để diễn tả tâm cảnh, vần thơ dào dạt cảm xúc trữ tình. Trong dáng vẻ và trạng thái cô đơn, lẻ loi của áng mây, sự mỏi mệt của cánh chim chiều, ta cảm nhận được nỗi cô đơn, cũng như niềm mong ước thầm kín của Bác muốn được nghỉ chân sau một chặng đường dài khổ ải. Nỗi buồn ấy, niềm mong ước ấy rất bình dị, rất người, đó là “nỗi niềm riêng của một con người như mọi con người”.
2. Hai câu cuối bài thơ tả cảnh đời thường nơi xóm núi lúc chập tối. Một thiếu nữ xay ngô và một lò than đã rực hồng. Cuộc sống cần lao dân dã và ngọn lửa hồng đã được tâm hồn nhà thơ hướng tới:
“Sơn thôn thiếu nữ ma bao túc,
Bao túc ma hoàn lô dĩ hồng”.
(Cô em xóm núi xay ngô tối
Xay hết lò than đã rực hồng)
Cảnh thiếu nữ xay ngô và lò than hồng gợi lên một mái ấm gia đình yên vui. Nó cho thấy rõ tình cảnh gắn bó, yêu thương con người và tinh thần lạc quan của Bác. Người đã tìm thấy sức sống và niềm vui từ một mái ấm gia đình lao động để nâng đỡ tâm hồn mình vượt qua những thử thách nặng nề trên bước đường đi đày! Không cảm thấy bị lẻ loi, bị tách biệt khỏi cuộc sống và thế giới con người, trong màn đêm, Người vẫn hướng về ánh sáng, về ngọn lửa mà đi tới. Còn gì buồn hơn cảnh bếp lạnh tro tàn? Trong văn cảnh này, hình ảnh thiếu nữ xay ngô và lò than đã rực hồng còn gợi lên một thoáng mong ước của nhà thơ về một mái ấm gia đình yên vui, về một bếp lửa hồng bình dị Mọi cảm giác cô đơn, lẻ loi, mệt mỏi hầu như đang bị xua tan dần và vợi đi.
3. Đọc “Ngục trung nhật kí” ta bắt gặp bao nỗi niềm bình dị, thân thiết, rất người (cận nhân tình) của người tù vĩ đại. Người cũng gãi ghẻ “như gảy đàn”. Ăn lưng bát cháo tù, Người cũng đói “cái bụng cứ kêu hoài”. Thương tiếc một chiếc gậy - người bạn đường - đã bị lính ngục đánh cắp mất. Xót xa một chiếc răng bị rụng. Mơ ước một ngày được trả tự do:
“Tấc bóng nghìn vàng đà đáng tiếc
Ngày nào thoát khỏi chốn lao lung?”
(Tiếc ngày giờ)
Qua bài “Chiều tối” cũng như những vần thơ ấy, ta càng thấy rõ nhận xét trên rất đúng đắn, chính xác. Ý kiến ấy đã giúp ta cảm thụ vẻ đẹp đa dạng, phong phú của “Nhật kí trong tù”. Nó mở ra nhiều hướng tiếp cận, ta không chỉ thấy rất đời của một con người như mọi con người. Nó khẳng định tính nhân loại là một nét đặc sắc trong tâm hồn Hồ Chí Minh, một trong những nội dung và cảm hứng làm nên giá trị tư tưởng và nghệ thuật của “Ngục trung nhật kí”.
“Người đi dép cao su” nên thơ tù của Người cũng bình dị đáng yêu thế!
Bài làm (Câu 2)
Truyện “Một người Hà Nội” của nhà văn Nguyễn Khải, in trong tập truyện cùng tên, xuất bản năm 1990, thời kì đổi mới của nền văn học Việt Nam.
Cô Hiền là nhân vật chính của truyện. Qua nhân vật cô Hiền, tác giả phát hiện ra bao vẻ đẹp trong chiều sâu tâm hồn, tính cách con người Hà Nội, tiêu biểu cho người phụ nữ Việt Nam trước bao biến động, thăng trầm và phát triển của đất nước.
Nhân vật “tôi” giới thiệu về cô Hiền, nói lên về những suy nghĩ và tình cảm quý mến đối với cô Hiền - “chị em đôi con dì ruột với mẹ già tôi”.
Tác giả không nói về ngoại hình của cô Hiền mà chỉ kể, chỉ giới thiệu về ngôn ngữ, cách sống, cách ứng xử của cô Hiền trong các quan hệ gia đình chồng con, với người thân, với bạn bè, với thời cuộc.
Khi đứa cháu, anh bộ đội Cụ Hồ thân mật và tò mò hỏi cô về thành phần giai cấp, về chuyện “tại sao cô không phải học tập cải tạo” thì cô cười rất tươi: “Tại chưa đủ tiêu chuẩn”, và thản nhiên nói: “Tao có bộ mặt rất tư sản, một cách sống rất tư sản, nhưng lại không bóc lột ai cả thì làm sao thành tư sản được”.
Khi nhiều bè bạn ngờ vực: “Trông bà như tư sản mà không bị học tập cũng lạ nhỉ?”, thì cô nhẹ nhàng trả lời: “Các bà không biết nhưng nhà nước lại rất biết”. Đúng là cô khôn hơn các bà bạn, và “thức thời” hơn ông chồng. Trước đây, nhà cô cũng thuê một anh bếp và một chị vú. Chị vú trông coi con cho cô từ năm 19 tuổi đến năm 45 tuổi. Trong suốt 26 năm trời đó, cô coi anh bếp cô vú “tình nghĩa như người trong họ”, đối xử rất tử tế, nên sau này khi đã về quê, đã làm chủ nhiệm hợp tác xã, hai vợ chồng vẫn qua lại thân tình, “ngày giỗ ông chú và ngày Tết đều đem gạo, đậu xanh, miến và rượu, toàn của nhà làm cả, lên biếu cô và các em”.
Chuyện làm ăn cũng cho thấy cô “khôn hơn” các bà bạn  và “thức thời hơn” ông chồng. Chồng cô dạy học, nhờ viết sách mà có được một ít tiền nên tậu được hai dinh cơ, một nhà đang ở và một nhà ở Hàng Bún cho thuê. Tháng 10 năm 1954, Hà Nội được giải phóng thì năm 1956, cô bán ngôi nhà ở Hàng Bún cho một người bạn mới ở kháng chiến về. Chỉ một năm sau, cái thời “cải tạo”, một cán bộ tới hỏi về nhà cửa, nhắc tới ngôi nhà ở Hàng Bún, cô Hiền trả lời rất lịch thiệp: “Xin mời anh tới ngôi nhà anh vừa nói, hỏi thẳng chủ nhà xem họ trả lời ra sao. Nếu còn thắc mắc xin mời anh trở lại”.
Khi ông chồng không được phép mở trường tư thục muốn mua một máy in nhỏ để kinh doanh, cô Hiền đã hỏi chồng: “Ông có đứng máy được không? Ông có sắp chữ được không? Ông muốn làm một ông chủ dưới chế độ này à?”. Ông chồng “tính vốn nhát, rút lui ngay” trước những câu hỏi rất thức thời của người vợ.
Cô Hiền cũng kinh doanh, cũng buôn bán, cũng có cửa hàng cửa hiệu. Nhưng cô chỉ bán một thứ hoa giấy. Các loại hoa giấy, lẵng hoa đan bằng tre rất đẹp, do tự tay cô làm ra, bán rất đắt, nhưng “chịu thuế rất nhẹ”, chẳng mang tiếng tư sản, tiểu chủ gì cả giữa cái thời“cải tạo và đấu tranh giai cấp”. Cô Hiền thật khôn ngoan, cô biết sống hợp lí, ứng xử theo thời thế. Phải là con người chín chắn và từng trải mới có cách sống, cách làm ăn như thế, có “đầu óc rất thực tế” như thế.
Cô Hiền rất mẫn cảm, sắc sảo và tế nhị. Nghe con kêu ầm lên: “Mẹ ơi! Đồng chí Khải đến!”thì cô cau mặt gắt lên: “Phải gọi là anh Khải, hiểu chưa”. Khi thấy người chồng nắm tay đứa cháu, hỏi hồn nhiên: “Tại sao chủ nhật trước đồng chí không ra chơi, cả nhà chờ cơm mãi”, thì cô “thở dài, quay người đi”. Khi đứa cháu hỏi về dân tình, thời thế, cô trả lời: “Vui hơi nhiều, nói cũng hơi nhiều, phải nghĩ đến làm ăn chứ?”. Khi nghe chị vú kể lại cho cả nhà nghe có anh cán bộ bám theo “xui”, cô Hiền bình luận: “Cách mạng gì toàn để ý những chuyện lặt vặt”.
“Cô Hiền bên ngoại, chị Đại bên nội” là những phụ nữ Hà thành giỏi giang, giàu bản lĩnh, tất cả mọi việc đều được các bà ấy “tính toán trước cả”, và luôn luôn “tính đúng”. Các bà ấy“không có lòng tự ái, sự ganh đua, thói thời thượng chen vô”. Các bà ấy “không có sự lãng mạn hay mộng mơ vớ vẩn. Đã tính là làm, đã làm là không thèm để ý đến những đàm tiếu của thiên hạ”. Đó là lời nhận xét của người cháu - đồng chí Khải.
Cô Hiền tuyên bố thẳng thừng với đứa cháu: “Một đời tao chưa từng bị ai cám dỗ, kể cả chế độ”. Vốn là gái Hà Nội, con nhà giàu sang, nhưng gần ba chục tuổi cô mới đi lấy chồng. Không lấy một ông quan nào hêt. Chẳng hứa hẹn gì với đám nghệ sĩ văn nhân. Cô chỉ chọn một ông giáo cấp Tiểu học hiền lành kết bạn trăm năm, để làm vợ, làm mẹ, “khiến cả Hà Nội kinh ngạc”.
Sau khi sinh đứa con thứ năm, cô nói với chồng: “Từ nay là chấm dứt chuyện sinh đẻ, bốn mươi tuổi rồi, nếu ông và tôi sống đến sáu chục tuổi thì con út đã hai mươi, có thể tự lập được khỏi phải sống bám vào các anh chị”.
Cô Hiền đặc biệt coi trọng vai trò người phụ nữ trong gia đình: người vợ không chỉ là nội trợ mà là “nội tướng”. Cô phê bình người cháu - đồng chí Khải: “Mày bắt nạt vợ mày quá, không để nó tự quyết định bất cứ việc gì, vậy là hỏng”. Người đàn bà không là "nội tướng thì cái gia đình ấy cũng chẳng ra sao”.
Là người mẹ, cô săn sóc và quan tâm dạy bảo các con phải “biết tự trọng, biết xấu hổ”,nghĩa là biết giữ lấy nhân cách. Ngay từ khi các con còn nhỏ, ngồi vào bàn ăn, cô thường chú ý “sửa cách ngồi, cách cầm bát đũa, cách múc canh, cả cách nói chuyện trong bữa ăn”. Cô khuyên con cháu: “Chúng mày là người Hà Nội thì cách đi đứng, nói năng phải có chuẩn, không được sống tuỳ tiện, buông tuồng”.
“Gia huấn ca” tương truyền là của Nguyễn Trãi có đoạn:
“Khi còn bé tại gia hầu hạ,
   Dưới hai thân vâng dạ theo lời.
Khi đi, khi đứng, khi ngồi,
Vào trong khuôn phép, ra ngoài đoan trang”
Phải chăng cô Hiền đã dạy con cháu cách sống theo nền nếp của người xưa? Cô đã nói rõ với người cháu về “nghĩa vụ” của người mẹ là dạy con cái “biết tự trọng, biết xấu hổ, còn sau này muốn ra sao là tuỳ”.
Giữa thời chống Mỹ, cô Hiền đã thể hiện tình mẹ con và ý thức công dân rất rõ. Năm 1965, Hà Nội có đợt tuyển quân vào chiến đấu trong Nam, đợt đầu được tuyển chọn rất kĩ càng, có khoảng 660 người, “là những chàng trai ưu tú của Hà Nội”. Dũng là con đầu của cô Hiền vừa tốt nghiệp trung học, tình nguyện xin đi đánh Mỹ lần ấy. Khi đứa cháu hỏi: “Cô bằng lòng cho em đi chiến đấu chứ?” Cô trả lời: “Tao đau đớn mà bằng lòng, vì tao không muốn nó sống bám vào sự hi sinh của bạn. Nó dám đi cũng là biết tự trọng”. Suốt ba năm trời, cô không hề nhận được một tin tức gì của đứa con đã ra đi. Nhưng khi đứa em kế làm đơn đi đánh Mỹ, cô đã trả lời khi người cháu hỏi: “Tao không khuyến khích, cũng không ngăn cản, ngăn cản tức là bảo nó tìm đường sống để các bạn nó phải chết, cũng là một cách giết chết nó”.
Giữa thời khói lửa, cô Hiền đã dạy con như vậy đó về lòng tự trọng, về nghĩa vụ của người thanh niên. Cô cũng đã tỏ rõ lòng yêu nước, tâm thế của một người mẹ, một người phụ nữ Hà Nội giữa cộng đồng: “Tao cũng muốn được sống bình đẳng với các bà mẹ khác, hoặc sống cả, hoặc chết cả, vui lẻ thì có hay hớm gì”.
Cô Hiền đã may mắn hơn hơn bà mẹ của Tuất, may mắn hơn hàng ngàn, hàng vạn bà mẹ khác. Tháng 12 năm 1975, Dũng, con trai cô đã trở về. Cô ngạc nhiên hỏi: “Anh muốn mua gì?” khi người con đeo ba lô bước vào đến giữa nhà. Người con của cô gầy ốm quá, da đen quá, râu ria cũng nhiều quá chả có dấu vết gì là một chàng trai Hà Nội, nên người mẹ sao kịp nhận ra được.
Ngày thường, cô Hiền, các bạn của cô Hiền, v.v ăn mặc bình dân, “áo bông ngắn, quần thâm, đi dép, đi guốc, vuông khăn len tơi tớp buộc cổ hay bịt đầu”. Nhưng trong bữa tiệc liên hoan mừng đứa con trai đi đánh giặc bình yên trở về, các vị khách - các cựu công dân Hà Nội, ăn mặc thật sang trọng. Các ông thì áo ba-đờ-xuy, bộ đồ, thắt cà vạt; các bà tuy tóc đã bạc, hoặc nửa xanh nửa bạc, nhưng khoác “áo nhung, áo dạ, đeo ngọc đeo dây đi lại uyển chuyển”; còn cô Hiền xuất hiện “như diễn viên sân khấu, lược giắt trâm cài hoa hột lấp lánh”.
Cô nói với đứa cháu về cách sống: khi sống giữa những người bình dân, “tất cả đều có quyền ăn nói thô tục”, nhưng sống trước những người quý phái “mình phải xử sự ra sao?”. Đó là cách ứng xử của cô Hiền, của những bè bạn của cô, của người Hà Nội. Đúng như cô Hiền đã thổ lộ: “Xã hội nào cũng có giai tầng thượng lưu của nó để làm chuẩn cho mọi giá trị”. Cái chuẩn đó là mọi tinh tuý, mọi cái tốt đẹp của lối sống, cách sống, của văn hoá, đạo đức, của văn minh tiến bộ. Đó là cách sống của cô Hiền.
Phần cuối, nhân vật “tôi” đã kể chuyện từ thành phố Hồ Chí Minh ra Hà Nội đến thăm cô Hiền sau nhiều năm đã trôi qua. Có biết bao thay đổi. Ông chú đã mất, các em đã có gia đình riêng, cô đã già yếu, đã ngoài bảy mươi tuổi. Nhưng “cô vẫn là người của hôm nay, thuần tuý Hà Nội, không pha trộn”. Người cháu nói về phòng khách của gia đình của cô Hiền với bộ xa lông gụ “cái khánh”, cái sập gụ chân quỳ chạm rất đẹp, với bao đồ gia bảo cổ, quý giá khác. Hình ảnh cô Hiền – một bà lão đang lau đánh cái bát thuỷ tiên men đỏ khi ngoài trời rét, mưa rây lả lướt mà đứa cháu “thấy tết quá, Hà Nội quá, muốn ở thêm ít ngày ăn lại một cái tết Hà Nội”. Cô Hiền đã nâng niu trân trọng những gì tốt đẹp của văn hoá Thăng Long. Hình ảnh cô Hiền làm cho đứa cháu lan man nghĩ cách sống, cái tâm lí sống ồ ạt, xô bồ của đám người vừa thoát cái chết cái khổ “đã dễ gì có được sự bình tĩnh để thưởng thức vẻ đẹp trang trọng của một dò hoa thuỷ tiên”.
Cô Hiền nhắc lại: “Nhiều người nói Hà Nội đã sống lại”. Người cháu kể lại một số hiện tượng chưa đẹp, chưa vui mà mình phải chứng kiến “không mấy vui vẻ” giữa Thủ đô.
Cô Hiền than thở về tuổi già hay nghĩ ngợi mọi chuyện một cách duy tâm, “y hệt một bà già nhà quê”. Cô kể chuyện về gió bão làm cây si cổ thụ ở đền Ngọc Sơn đổ nghiêng, tán đè lên hậu cung Lúc đầu cô nghĩ đó là “sự dời đổi, điềm xấu - là sự ra đi của một thời”. Nhưng cây si không bị chết, bị bổ ra làm củi mà rồi nó lại được cứu sống, sau một tháng, lại trổ ra lá non. Cô Hiền suy ngẫm: “Thiên địa tuần hoàn, cái vào ra của tạo vật không thể lường trước được”.
Người cháu cảm phục, khẽ thốt lên ở trong lòng: “Bà già giỏi quá, bà khiêm tốn và rộng lượng quá”. Cô Hiền là “một hạt bụi vàng”, nhỏ bé, nhưng rất đẹp. Tâm hồn cô, tính cách của cô cùng với bao người khác là biểu tượng tuyệt đẹp cho vẻ đẹp thanh lịch trong sáng và phẩm chất cao quý của con người Hà Nội.
Chẳng thơm cũng thể hoa nhài,
Dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An.
                                                                                    Ca dao
Tình cảm của đứa cháu, của nhân vật “tôi” cũng như của mỗi chúng ta là “thật tiếc” khi một người như cô Hiền phải chết đi, “một hạt bụi vàng của Hà Nội rơi xuống chìm sâu vào lớp đất cổ”. Chúng ta hi vọng và ước mong vẻ đẹp thanh lịch, cốt cách của người Tràng An “Những hạt bụi vàng lấp lánh đâu đó ở mỗi góc phố Hà Nội hãy mượn gió mà bay lên cho đất kinh kì chói sáng những áng vàng!”.
Những suy ngẫm của cô Hiền, của người cháu ở phần cuối truyện “Một người Hà Nội” làm cho giọng kể thấm đượm chất trữ tình triết lí. Vẻ đẹp thanh lịch, nếp sống văn hoá của con người kinh kì được thể hiện đầy ấn tượng qua nhân vật cô Hiền; ta cảm thấy bức chân dung nghệ thuật ấy được Nguyễn Khải phủ bằng những lớp áng vàng chói sáng.
Năm 2010 sắp đến, đồng bào cả nước ta sẽ tưng bừng kỉ niệm một nghìn năm Thăng Long (1910 - 2010). Nhân vật cô Hiền, một hạt bụi vàng, trong tập “Một người Hà Nội” của Nguyễn Khải đã và đang toả sáng tâm hồn mỗi chúng ta.
st
tran.hoangha

Tài liệu đính kèm:

  • docCHUYEN DE VAN 12 - P3.doc