Chuyên đề: Nhật kí trong tù

Chuyên đề: Nhật kí trong tù

Tổng hợp nhiều bài viết về tập thơ "Ngục trung nhật kí" (Nhật kí trong tù - Hồ Chí Minh).

Bài số 3A

Giới thiệu một vài nét về tập thơ "Ngục trung nhật kí" (Nhật kí trong tù của Hồ Chí Minh.

(Tự luận)

Bài số 3B

Phân tích bài thơ "Mộ" (Chiều tối) để cho thấy: "Ngục trung nhật kí của Hồ Chí Minh không chỉ biểu hiện một tâm hồn lớn lao, cao cả, mà còn chân thành bày tỏ nỗi niềm riêng của một con người như mọi con người".

(Tự luận)

 

doc 11 trang Người đăng hien301 Lượt xem 3254Lượt tải 0 Download
Bạn đang xem tài liệu "Chuyên đề: Nhật kí trong tù", để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Chuyên đề: Nhật kí trong tù
Tổng hợp nhiều bài viết về tập thơ "Ngục trung nhật kí" (Nhật kí trong tù - Hồ Chí Minh).
Bài số 3A
Giới thiệu một vài nét về tập thơ "Ngục trung nhật kí" (Nhật kí trong tù của Hồ Chí Minh.
(Tự luận)
Bài số 3B
Phân tích bài thơ "Mộ" (Chiều tối) để cho thấy: "Ngục trung nhật kí của Hồ Chí Minh không chỉ biểu hiện một tâm hồn lớn lao, cao cả, mà còn chân thành bày tỏ nỗi niềm riêng của một con người như mọi con người".
(Tự luận)
Bài số 3C
Phân tích vẻ đẹp cổ điển và hiện đại trong bài thơ "Mộ" (Chiều tối) (Nhật kí trong tù) của Hồ Chí Minh.
Bài làm
Tháng 10 năm 1942, trên đường bị giải đi từ nhà tù Thiên Bảo đến nhà ngục Long Tuyền trên đất Quảng Tây, Trung Quốc, Hồ Chí Minh viết bài thơ "Chiều tối" (Mộ). Đây là bài thơ số 31 trong "Ngục trung nhật kí", bài thất ngôn tứ tuyệt mang vẻ cổ điển và hiện đại:
"Quyện điểu quy lâm tầm túc thụ,
Cô vân mạn mạn độ thiên không;
Sơn thôn thiếu nữ ma bao túc,
Bao túc ma hoàn lô dĩ hồng".
Bài thơ tả cảnh chiều tối nơi xóm núi xa lạ và thể hiện cảm xúc, nỗi niềm của người chiến sĩ trên con đường đi đày.
1. Bức tranh thiên nhiên xóm núi lúc chiều tối được miêu tả bằng 2 nét rất gợi cảm. Một cánh chim mỏi mệt (quyện điểu) bay về rừng tìm cây trú ẩn. Một áng mây cô đơn, lẻ loi (cô vân) lơ lửng giữa bầu trời. Cảnh đẹp mà thoáng buồn (mỏi mệt, cô đơn), đối nhau rất hài hòa. Chỉ 2 nét vẽ, tả ít mà gợi nhiều đã làm hiện lên cái hồn cảnh vật. Cánh chim nhỏ nhoi nhẹ bay, áng mây cô đơn nhẹ trôi; tác đã vận dụng thi pháp cổ rất sáng tạo, đã lấy điểm để vẽ diện, lấy động để tả tĩnh, gợi lên một bầu trời mênh mông, bao la, một không gian vô cùng tĩnh lặng, vắng vẻ. Bức tranh thiên nhiên chiều tối mang vẻ đẹp cổ điển đầy thi vị:
"Quyện điểu quy lâm tầm túc thụ,
Cô vân mạn mạn độ thiên không".
(Chim mỏi về rừng tìm chốn ngủ,
Chòm mây trôi nhẹ giữa tầng không)
Ngoại cảnh đã thể hiện tâm cảnh của nhân vật trữ tình. Cánh chim và áng mây, chữ "quyện"(quyện điểu) và chữ "cô" (cô vân) có giá trị biểu hiện cảm xúc mỏi mệt, nỗi niềm cô đơn của nhà thơ sau một ngày dài bị giải đi nơi đất khách quê người. Bức tranh thiên nhiên"Chiều tối" mang tính ước lệ tượng trưng đặc sắc, nó đem đến cho ta bao liên tưởng về những vần thơ đẹp:
"Chim hôm thoi thót về rừng"
("Truyện Kiều")
"Lớp lớp mây cao đùn núi bạc,
Chim nghiêng cánh nhỏ bóng chiều sa".
("Tràng giang")
2. Hai câu thơ cuối bài "Chiều tối" tả cảnh dân dã đời thường nơi xóm núi. Hai nét vẽ vừa trẻ trung vừa bình dị hiện đại: thiếu nữ xay ngô và lò than đã rực hồng:
"Sơn thôn thiếu nữ ma bao túc,
Bao túc ma hoàn lô dĩ hồng".
Ba chữ "ma bao túc" được điệp lại, đảo lại thành "bao túc ma hoàn" có giá trị thẩm mĩ đặc sắc. Nó vừa gợi tả sự chuyển động liên tục, mải miết của cối xay  ngô, vừa thể hiện đức tính cần mẫn của cô thiếu nữ nơi xóm núi, đồng thời tạo nên âm điệu nhịp nhàng của vần thơ. Hình ảnh "lò than đã rực hồng" (lô dĩ hồng) gợi lên một mái ấm gia đình yên vui. Trên đường đi đày nơi đất khách xa lạ, tâm hồn nhà thơ vẫn gắn bó với nhịp sống cần lao, hướng về ngọn lửa hồng, làm vợi đi ít nhiều cô đơn lẻ loi, thầm mơ ước về một cảnh gia đình đoàn tụ đầm ấm. Chữ "hồng" đặt cuối bài thơ, thi pháp cổ gọi là "thi nhãn", làm sáng bừng bức tranh xóm núi trong chiều tối. "Hồng" là ánh sáng của lò than rực cháy, cũng là ánh sáng của tâm hồn Hồ Chí Minh. Một tâm hồn rất lạc quan, yêu đời.
Bức tranh "Chiều tối" từ tư tưởng đến hình tượng, từ không gian, thời gian đến cảm xúc đều được miêu tả, diễn tả trong trạng thái vận động. Vận động từ cảnh sắc thiên nhiên bầu trời đến bức tranh sinh hoạt trong gia đình, từ ngày tàn đến tối mịt, từ nỗi buồn mệt mỏi cô đơn đến niềm vui ấm áp đoàn tụ, từ bóng tối hướng tới ánh sáng. Nghệ thuật lấy ánh lửa hồng để tả bóng tối màn đêm rất đặc sắc. Trong nguyên tác bài "Mộ" không có chữ "tối"mà người đọc vẫn cảm thấy trời đã tối hẳn rồi. Câu thơ dịch đã thêm vào một chữ "tối", đó là điều ta cần biết:
"Cô em xóm núi xay ngô tối,
Xay hết lò than đã rực hồng".
Bài thơ tứ tuyệt "Chiều tối" mang vẻ đẹp cổ điển, hiện đại.  Ngôn ngữ hàm súc gợi cảm. Hình tượng cánh chim, áng mây mang tính ước lệ, đẹp mà thoáng buồn. Bút pháp tinh tế, điêu luyện. Một tâm hồn trong sáng, hồn hậu, giàu xúc cảm: yêu thiên nhiên và yêu đời. Đi đày mà phong thái nhà thơ thật ung dung tự tại.
Bài số 4
Phân tích bài thơ "Tảo giải" (Giả đi sớm) của Hồ Chí Minh.
Bài làm
"Nhật kí trong tù" gồm 133 bài thơ chữ Hán, phần lớn viết theo thể thất ngôn tứ tuyệt. Tập nhật kí bằng thơ này ra đời trong một hoàn cảnh rất đặc biệt, từ tháng 8-1942 đến tháng 9-1943, khi lãnh tụ Hồ Chí Minh bị chính quyền Tưởng Giới Thạch bắt giam một cách vô cớ, đày đọa và giải lui giải tới khắp các nhà lao tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc:
"Quảng Tây giải khắp mười ba huyện,
 Mười tám nhà lao đã ở qua"...
"Nhật kí trong tù" biểu hiện một cách cảm động vẻ đẹp của một tâm hồn lớn, một trí tuệ lớn và một dũng khí lớn của người chiến sĩ vĩ đại trong cảnh tù đày.
Bài thơ "Giải đi sớm" (Tảo giải) rút trong "Nhật kí trong tù" ghi lại một lần chuyển lao vô cùng gian khổ mà Bác phải nếm trải, qua đó ta thấy hình ảnh tuyệt đẹp của "ông tiên trong tù".
Hai câu thơ đầu nói về thời điểm cuộc chuyển lao diễn ra lúc nửa đêm về sáng:
"Nhất thứ kê đề dạ vị lan".
Tiếng gà gáy một lần, đêm chuyển canh, trời chưa sáng. Tiếng gà gáy, cái âm thanh dân dã thân thuộc ấy đêm nay lại vang lên nơi đất khách quê người, gợi lên trong lòng người tù bị giải đi bao nỗi niềm. Câu thứ hai tả cảnh bầu trời một đêm thu phương Bắc:
"Quần tinh ủng nguyệt thướng thu san".
Trăng sao được nhân hóa: Chòm sao nâng vầng trăng lên đỉnh núi mùa thu. Một nét vẽ tạo hình trong trạng thái động của thiên nhiên, làm cho cảnh trăng sao càng trở nên hữu tình. Trong khổ ải "chinh nhân" không cảm thấy cô đơn, vẫn ngước mắt nhìn lên bầu trời, hướng về "thu san" để tận hưởng vẻ đẹp của vũ trụ. Trăng sao như cùng đồng hành với Bác trên chặng đường khổ ải. Đây là một nét vẽ rất tinh tế mang vẻ đẹp cổ điển: chấm phá cảnh trăng sao, lấy ngoại cảnh để biểu hiện tâm cảnh của nhân vật trữ tình: nhà thơ - chinh nhân.
Phải có một tình yêu đời tha thiết, một bản lĩnh phi thường, một hồn thơ dào dạt tình yêu thiên nhiên, người tù mới làm chủ hoàn cảnh gian khổ, đọa đày để cảm thụ vẻ đẹp đêm thu. Một nét vẽ, một câu thơ đầy ánh sáng trong một cuộc đời còn nhiều tăm tối và cay đắng."Chinh nhân" đang hướng về ánh sáng mà đi tới:
"Chinh nhân dĩ tại chinh đồ thượng,
Nghênh diện thu phong trận trận hàn"
(Người đi cất bước trên đường thẳm
Rát mặt đêm thu trận gió hàn).
Hai câu 3, 4 miêu tả cảnh người đi đày - người đi xa đang bước đi trên con đường xa (chinh đồ thượng). Lúc bấy giờ, Bác đã trải qua những ngày dài bị đày ải, phải đắp chăn giấy, áo quần rách tả tơi. Thân hình tiều tụy, đôi chân mang nặng xiềng xích, lê bước đi trước mũi súng bọn lính áp giải. Từng trận... từng trận gió thu phương Bắc lạnh lẽo tới tấp thổi vào mặt Bác. Hai câu thơ này, có nhà phê bình văn học rất thú vị ở chữ "nghênh diện"vì nó gợi tả tư thế hiên ngang, bất khuất của Bác trên bước đường khổ ải. Cũng có ý kiến khác chú ý nhiều hơn đến các từ "chinh nhân" - "chinh đồ" ở câu thứ ba và hai chữ "trận"trong hình ảnh "trận trận hàn" ở câu 4. Bốn tiếng ấy hòa nhịp với nhau tạo nên âm hưởng trầm hùng. Giáo sư Nguyễn Đăng Mạnh đã viết: "... Nhịp điệu ấy, âm hưởng ấy khiến cho bài thơ không phải là tiếng hát đi đày mà là hành khúc trầm hùng".
Phần hai của bài thơ nói về cảnh rạng đông. Cả trời đất bừng sáng trong khoảnh khắc, bầu trời từ màu trắng (bạch sắc) chuyển sang màu hồng (dĩ thành hồng). Bao la một màu hồng. Cảnh bình minh hiện lên vô cùng tráng lệ:
"Đông phương bạch sắc dĩ thành hồng,
 U ám tàn dư tảo nhất không !"
Ánh sáng chuyển hóa: "bạch sắc" - "thành hồng"; màu sắc tương phản đối lập: "hồng" / "u ám". Một đêm thu lạnh lẽo đã trôi qua. Thơ viết về rạng đông đầy màu sắc rạng rỡ. Đúng là"thi trung hữu họa". Sau này, trong bài thơ "Đi thuyền trên sông Đáy", Bác cũng viết:
"Thuyền về trời đã rạng đông,
 Bao la nhuốm một màu hồng đẹp tươi".
(1949)
Một đằng là cảnh rạng đông khi bị lưu đày, một đằng là cảnh rạng đông trên chiến khu thời kháng chiến, cảnh ngộ tuy khác nhau nhưng đều biểu hiện một tâm hồn yêu thiên nhiên, một tâm thế lạc quan yêu đời của người chiến sĩ vĩ đại.
Hai câu cuối toát lên một phong thái, một cốt cách thi sĩ rất đẹp:
"Noãn khí bao la toàn vũ trụ,
Hành nhân thi hứng hốt gia nồng".
Hơi ấm bao la bao trùm cả vũ trụ lúc rạng đông bỗng chốc hồn thơ của người đi đường càng thêm đượm nồng. "Chinh nhân" trở thành "hành nhân". "Bác như quên hết mọi đau khổ, lòng ấm lên, vui lên cùng vạn vật". "Thi hứng" dâng lên dào dạt trong lòng. Câu thơ tràn đầy xúc cảm. Bác không nói đến "thép" mà vẫn sáng ngời chất thép vì vần thơ đã thể hiện một cách tuyệt đẹp phong thái ung dung, tâm hồn thư thái lạc quan của người chiến sĩ vĩ đại trong khổ ải.
Đọc "Nhật kí trong tù" ta bắt gặp nhiều cảnh chuyển lao. Có trường hợp bị giải đi trong mưa gió: "Năm mươi ba cây số một ngày - Áo mũ đầm mưa, rách hết giày". Lại có lần bị đày đọa: "Hôm nay xiềng xích thay dây trói - Mỗi bước leng keng tiếng ngọc rung". Có cảnh "Lủng lẳng chân treo tựa giảo hình...". Thật là trăm lần khổ ải, nghìn điều đắng cay ! Tuy nhiên, trong khổ cực đày đọa, lúc nào phong thái của Bác cũng hết sức ung dung tự tại, lạc quan, làm chủ hoàn cảnh: "Vật chất tuy đau khổ - Không nao núng tinh thần".
Tóm lại, "Giải đi sớm" là một bài thơ đặc sắc. Tính nhật kí và hướng nội của bài thơ rất rõ nét. Cảnh đêm thu gió rét. Con đường đi đày xa lắc. Có trăng sao trên núi thu. Có cảnh bình minh tráng lệ và ấm áp. Và có tâm cảnh: "Hành nhân thi hứng hốt gia nồng".
Hình ảnh người chiến sĩ cách mạng bị quân thù giải đi trong gió rét trên con đường xa, với tâm thế ung dung, lạc quan và yêu đời... là một hình ảnh đẹp mà người đọc cảm nhận được qua bài thơ này. Nét vẽ chấm phá về trăng sao, về rạng đông đã tô đậm chất trữ tình và sắc thái cổ điển của bài thơ "Tảo giải".
Bài thơ "Tảo giải" là bài hát đi đày của người chiến sĩ cách mạng vĩ đại. Chân tay bị xiềng xích mà vẫn ung dung lạc quan. Nó giúp ta khám phá vẻ đẹp tâm hồn Hồ Chí Minh:
"...  Mười bốn trăng tê tái gông cùm
Ôi chân yếu, mắt mờ, tóc bạc
Mà thơ bay... cánh hạc ung dung !".
(Tố Hữu)
Bài số 5
Bức chân dung tự họa của người tù vĩ đại qua hai bài thơ "Mộ" (Chiều tối) và "Cảnh chiều hôm" (Vãn cảnh) của Hồ Chí Minh.
Bài làm
Bài thơ số 3 trong "Nhật kí trong tù" với nhan đề "Bị bắt ở phố Túc Vinh", Bác Hồ viết:
"Túc Vinh mà để ta mang nhục,
Cố ý làm cho chậm bước mình;
Bịa đặt vu ta là gián điệp,
Không dưng danh dự phải hi sinh".
(Nam Trân dịch)
Trên đường sang Trung Quốc công tác, Bác Hồ đã bị chính quyền Tưởng Giới Thạch bắt giam một cách vô cớ. Phố Túc Vinh trên tỉnh Quảng Tây là khởi điểm hành trình đầy đọa, khổ nhục trong suốt "Mười bốn trăng tê tái gông cùm" mà Bác phải nếm trải từ tháng 8-1942 đến tháng 9-1943. Tập "Nhật kí trong tù" gồm có 133 bài thơ chữ Hán được Người viết ra trong những tháng ngày đen tối ấy để "Vừa ngâm vừa đợi đến ngày tự do". Nó đã phản ánh một tâm hồn lớn, một dũng khí lớn, một trí tuệ lớn của người chiến sĩ vĩ đại. Về phư ... n:
"Cô em xóm núi xay ngô tối,
Xay hết lò than đã rực hồng".
Thiếu nữ xay ngô, một hình ảnh trẻ trung, cần mẫn. Chữ "ma" nghĩa là xay trong câu thơ chữ Hán được điệp lại 2 lần "ma bao túc... bao túc ma hoàn..." đã làm nổi bật đức tính siêng năng cần mẫn của cô thiếu nữ xóm núi. Không phải là bếp lạnh tro tàn  mà là "lò than đã rực hồng" gợi lên một cảnh đời ấm áp, đoàn tụ, no ấm và yên vui. Người chiến sĩ đi đày đã hướng tới con người lao động và ánh lửa hồng lò than, tìm thấy ít nhiều niềm tin yêu, xua đi sự cô đơn lẻ loi và mệt mỏi trên bước đường khổ ải. Chữ "hồng" nằm ở vị trí cuối bài tứ tuyệt, làm sáng bừng bài thơ "Chiều tối", là một nhãn tự mang ý nghĩa thẩm mĩ đặc sắc. Nhà thơ từ bóng tối đang hướng về ánh sáng và cuộc sống mà đi tới với sức mạnh của niềm tin và hi vọng. Chữ "hồng" tỏa sáng vần thơ và tâm hồn thi nhân biểu lộ một tinh thần lạc quan trong đày đọa. Nó là "màu đỏ" của tư tưởng, tình cảm Hồ Chí Minh; nó cho thấy"Ngục tối trái tim càng cháy lửa" (Hoàng Trung Thông).
Từ cánh chim, áng mây trên bầu trời đến hình ảnh thiếu nữ xay ngô và "lò than đã rực hồng", ta cảm nhận được sự vận động trong tâm hồn, tư tưởng, tình cảm Hồ Chí Minh. Đó là sự vận động từ bóng tối đến ánh sáng, từ buồn đến vui, từ lẻ loi cô đơn hướng về sự sống chứa chan niềm tin và hi vọng. Bài thơ "Chiều tối" gợi tả một nét vẽ đẹp, một gam màu sáng, bức chân dung tự họa của người tù vĩ đại.
b. Đọc bài thơ "Cảnh chiều hôm" ta cảm nhận thêm một nét đẹp nữa trong "bức chân dung tự họa" con tinh thần của Bác. Đây là bài thơ số 114 trong "Nhật kí trong tù" được Người viết vào mùa xuân 1943 tại nhà ngục Cục chính trị chiến khu IV thuộc Liễu Châu, Trung Quốc. Cảm hứng thiên nhiên trữ tình và cảm hứng tự do dào dạt bài thơ.
Hai câu thơ đầu cho thấy một con người giàu tình yêu thiên nhiên, nâng niu quý mến cái đẹp, cảm thương cho một kiếp hoa nở và tàn trước sự vô tình trong cõi đời:
"Hoa hồng nở, hoa hồng lại rụng,
 Hoa tàn hoa nở cũng vô tình".
Hoa hồng tượng trưng cho cái đẹp. Hoa "sớm nở tối tàn", một kiếp hoa ngắn ngủi đáng thương ! Cái đẹp sớm bị tàn tạ, hủy diệt. Đang sống trong cảnh cay đắng, tủi nhục tù đày, nhà thơ hướng tới cái đẹp bị tàn tạ với bao day dứt cảm thương. Nhà thơ với trái tim nhân đạo và tâm hồn nhân văn, vô cùng áy náy, không thể lạnh lùng dửng dưng. Tạo hóa và ai đó có thể vô tình, nhưng nhà thơ Hồ Chí Minh cảm thấy không thể vô tình với hoa, với cái đẹp đang tàn tạ. Tình thương của Người thật mênh mông.
Một tứ thơ mới xuất hiện. Hoa hồng tàn và rụng rồi, nhưng "linh hồn" hoa thì bất diệt, hương thơm của hoa vẫn tồn tại giữa đất trời. Cái đẹp được nâng niu. Cái đẹp được tái sinh và vĩnh hằng. Hương hoa đã tìm được khách tương thức, tri âm. "Một lòng đau tìm đến một lòng đau" (Lưu Trọng Lư), để cảm thông, để san sẻ và chia xẻ:
"Hương hoa bay thấu vào trong ngục,
 Kể với tù nhân nỗi bất bình".
Hương hoa được nhân hóa cùng với nhà thơ bất bình cho cái đẹp bị hủy diệt trước sự vô tình của tạo hóa, bất bình vì cái ác đang chà đạp, đang tước đoạt mất tự do. Sáng tạo ra hình tượng hương hoa, nhà thơ đã bày tỏ một cách chân thành, một tấm lòng nhân hậu bao dung chan hòa với tạo vật, yêu thương nâng niu cái đẹp, thiết tha vì tự do. Một tấm lòng nhân đạo, một cốt cách thi sĩ, nghệ sĩ là những nét vẽ có thần hiện lên "bức chân dung tự họa" người chiến sĩ vĩ đại Hồ Chí Minh qua bài thơ "Cảnh chiều hôm". Có hương hoa đẹp trong thơ vì có tâm hồn nhân văn đẹp, thanh cao trong cuộc sống. Sen tỏa hương ngào ngạt trong tâm hồn Người.
"Nhật kí trong tù" sáng mãi trong lòng ta "trăm bài trăm ý đẹp". Cho rằng tập thơ nhật kí bằng thơ của Bác là "bức chân dung tự họa" của người tù vĩ đại là một nhận xét đúng đắn, sâu sắc. Một tình yêu thiên nhiên, yêu cái đẹp, một tấm lòng thiết tha với tự do, gắn bó cuộc sống bằng niềm tin và yêu đời - đó là những biểu hiện cao đẹp của nhân cách Hồ Chí Minh mà chúng ta cảm nhận được qua hai bài thơ "Chiều tối" và "Cảnh chiều hôm". Phẩm chất thi sĩ lồng trong phẩm chất chiến sĩ đã được thể hiện tinh tế thần tình, được chiếu sáng trên"bức chân dung tự họa" tinh thần Hồ Chí Minh.
Bài số 6
Phân tích bài thơ "Mới ra tù, tập leo núi" (Tân xuất ngục, học đăng sơn), qua đó nói lên phong thái ung dung tự tại của Hồ Chí Minh.
Bài làm
"Lại thương nỗi: đọa đày thân Bác
Mười bốn trăng tê tái gông cùm
Ôi chân yếu, mắt mờ, tóc bạc
Mà thơ bay... cánh hạc ung dung !"
("Theo chân Bác")
Đoạn thơ cảm động trên đây của Tố Hữu đã làm hiện lên trong tâm trí chúng ta hình ảnh Bác Hồ sau khi thoát khỏi nhà tù của chính quyền Tưởng Giới Thạch tại Liễu Châu, Trung Quốc, đồng thời giúp chúng ta cảm nhận "Ngục trung nhật kí" của Người.
Ngay sau khi giành được tự do, để phục hồi thể lực, Bác Hồ kiên trì tập luyện: tập khí công, tập bơi, tập leo núi,... tích cực chuẩn bị ngày lên đường trở về Tổ quốc thân yêu. Ngày Bác được tự do là ngày 10-9-1943; dự đoán bài thơ "Mới ra tù, tập leo núi" được Bác viết vào cuối tháng 9 hoặc đầu tháng 10 năm 1943. Chữ "tân" trong nhan đề bài thơ cho ta niềm tin khẳng định đó.
Tác giả hồi kí "Vừa đi đường vừa kể chuyện" có ghi rõ là khi Bác đã trèo lên tận đỉnh ngọn núi cao, Bác đã xúc động viết bài thơ này:
"Vân ủng trùng sơn, sơn ủng vân,
Giang tâm như kính tịnh vô trần;
Bồi hồi độc bộ Tây Phong Lĩnh,
Dao vọng Nam thiên, ức cố nhân".
Bác đã ghi bài thơ vào rìa một tờ báo Trung Quốc, kèm theo dòng chữ sau: "Chúc chư huynh ở nhà mạnh khỏe và cố gắng công tác. Ở bên này bình yên". Bài thơ không chỉ mang tính chất "đưa tin" một cách bí mật mà còn mang ý nghĩa của một văn kiện lịch sử của Cách mạng Việt Nam. Theo hồi kí của Đại tướng Võ Nguyên Giáp cho biết, hồi ấy các yếu nhân của Tổng bộ Việt Minh tại căn cứ địa Cách mạng Cao -Bắc - Lạng vô cùng phấn khởi khi nhận được bài thơ này và đã phái người đi đón Bác.
Về phương diện thi ca, bài "Mới ra tù, tập leo núi" là một tác phẩm văn chương toàn bích thể hiện cốt cách thi sĩ Hồ Chí Minh: tâm hồn trong sáng, thiết tha yêu thiên nhiên, nặng tình đối với đất nước và bạn bè yêu quý. Cảnh sắc thiên nhiên và bức tranh tâm cảnh đều rất đẹp, rất đậm đà:
"Vân ủng trùng sơn, sơn ủng vân,
Giang tâm như kính tịnh vô trần".
Cảnh mây núi nhấp nhô trập trùng. Mây, núi được nhân hóa, trở nên hữu tình: núi ấp ôm mây, mây ấp núi. Mây núi quấn quýt, bao bọc lấy nhau. Một câu thơ bảy chữ mà chữ "vân", chữ "ủng", chữ "sơn" được điệp lại hai lần gợi tả cảnh mây núi tầng tầng lớp lớp, ngắm nhìn không chán mắt. Hình ảnh "trùng sơn" làm nổi bật vẻ đẹp hùng vĩ cảnh núi mây và cảm xúc dào dạt của nhà thơ lúc leo núi.
Câu thứ hai tả lòng sông (giang tâm). Mặt sông trong vắt, phẳng lặng được ví với tấm gương không một chút bụi mờ. Bầu trời có trong sáng thì người đứng trên núi cao mới cảm nhận gương sông đẹp như thế. Hai câu đầu bài thơ đã vẽ nên một bức tranh sơn thủy hùng vĩ, hữu tình. Với tâm trạng sảng khoái của nhà thơ chiến sĩ mới thoát cảnh tù ngục thì mới có cái nhìn say mê, nồng nàn, thú vị như vậy. Người xưa có nói: "Văn vô sơn thủy phi kì khí", nghĩa là văn chương không nói đến sông núi (không mang tình đất nước) thì không có khí chất kì lạ. Qua đó, ta cảm thấy thơ Hồ Chí Minh mang vẻ đẹp "kì khí" đáng yêu. Cảnh mây núi, sông nước ở đây là cảnh thực ở Liễu Châu về cuối thu hơn nửa thế kỉ trước. Đồng thời nó mang ý nghĩa tượng trưng cho lòng người, cho tình người. Ngoại cảnh thì hùng vĩ, hữu tình. Tâm cảnh thì trong sáng, yêu đời. Thi nhân vừa leo núi vừa ngắm nhìn vẻ đẹp sông núi, mây trời với phong thái ung dung và tâm hồn thanh cao tuyệt đẹp. Mây, núi, gương sông ấy là ba ẩn dụ mà nhà thơ Hồ Chí Minh gửi gắm tâm hồn mình, trạng thái mình:
"Đằng sau bức tranh phong cảnh này, đằng sau những mây núi trập trùng, đằng sau dòng nước sông trong dưới chân Tây Phong Lĩnh, ấn tượng không bao giờ phai nhạt trong tâm hồn của độc giả chính là tâm trạng vừa trong trắng sâu sắc, vừa cao cả của con người".
(Đặng Thai Mai)
Chỉ với ba nét vẽ (vân, trùng sơn, giang tâm) mà tác giả đã gợi lên cái hồn vũ trụ. Mượn cảnh để tả tình, ngôn ngữ hàm súc, hình tượng - đó là vẻ đẹp cổ điển đầy thi vị trong bài thơ này của Bác. Câu thơ dịch khá hay:
"Núi ấp ôm mây, mây ấp núi,
 Lòng sông gương sáng bụi không mờ".
2. Đã 2 mùa thu li hương, nếm trải đủ mùi cay đắng, thế mà tấm lòng nhà thơ vẫn đêm ngày nhớ nước khôn nguôi. Hai câu thơ 3, 4 nói lên tâm tình ấy:
"Bồi hồi độc bộ Tây Phong Lĩnh,
Dao vọng Nam thiên, ức cố nhân".
Tây Phong Lĩnh là dãy núi trập trùng ở Liễu Châu, Trung Quốc. Nam thiên là trời Nam hai địa danh ở 2 phía chân trời. Chữ "bồi hồi", chữ "dao vọng" và ba tiếng "ức cố nhân" diễn tả tâm trạng của Bác Hồ lúc leo núi.
"Bồi hồi" nghĩa là bồn chồn, không yên dạ. "Độc bộ" nghĩa là một mình bước đi; trong văn cảnh gợi lên sự lẻ loi, đơn độc. Càng leo núi lên cao càng bồi hồi, càng cảm thấy mình lẻ loi, đơn độc, mà dõi nhìn về phía chân trời xa. Người xưa khi đứng trên lầu cao mà man mác buồn, bởi lẽ "Nhật mộ hương quan hà xứ thị..."; người con gái lưu lạc ngậm ngùi xót xa: "Lòng quê đi một bước đường một đau"... Tình cố hương, tình cố quốc là một trong những tình cảm sâu sắc thắm thiết của con người xưa nay:
"Quê hương nghĩa nặng tình sâu,
Bể dâu biến đổi biết đâu là nhà".
Bác Hồ đã trải qua những năm dài bôn ba hải ngoại, đi tìm đường cứu nước, canh cánh trong lòng nỗi thương, nỗi nhớ vơi đầy: "Đêm mơ nước, ngày thấy hình của nước..."(Người đi tìm hình của nước). "Giờ đây" mỗi bước leo núi lên cao, Người lại bồi hồi thương nhớ: "Dao vọng Nam thiên, ức cố nhân". Dao vọng là trông vời, trông xa. Ức cố nhân nghĩa là nhớ người xưa, nhớ bạn cũ, ở đây là Bác nhớ đồng chí thân yêu. Câu thơ 7 chữ nói lên được 2 nỗi nhớ: nhớ nước và nhớ bạn. Thơ hàm súc và biểu cảm là vậy.
Nhớ nước, nhớ bạn là tình cảm thường trực, thiết tha của Bác. Nhớ nước cả lúc thức và cả trong lúc mơ: "Sao vàng năm cánh mộng hồn quanh" (Không ngủ được). Nhớ nước, nhớ quê suốt ngày suốt đêm, suốt cả năm tháng: "Năm tròn cố quốc tăm hơi vắng - Tin tức bên nhà bữa bữa trông" (Tức cảnh). Càng xa nước, Bác càng nhớ nước:
"Nghìn dặm bâng khuâng hồn nước cũ,
Muôn tơ vương vấn mộng sầu nay".
(Đêm thu)
"Ức hữu" (Nhớ bạn) là một trong những chủ đề nổi bật trong "Nhật kí trong tù". Nhớ bạn với bao kỉ niệm, với bao nỗi khắc khoải chờ mong. Trong cảnh tù đày, Bác càng nhớ bạn:
"Ngày đi bạn tiễn đến bên sông,
Hẹn bạn về khi lúa đỏ đồng.
Nay gặt đã xong, cày đã khắp,
Quê người tôi vẫn chốn lao lung !"
(Nhớ bạn)
Tình yêu nước là tình yêu sâu sắc nhất, mãnh liệt nhất của Hồ Chí Minh. Bác có nhiều bài thơ hay nói lên một cách chân thành, cảm động tình yêu nước ấy. Bài thơ "Mới ra tù, tập leo núi" đã thể hiện rất đẹp cảm hứng thiên nhiên trữ tình và cảm hứng yêu nước. Mỗi câu, mỗi chữ, mỗi vần thơ đều dạt dào tình yêu tạo vật sông núi mây trời, tình nhớ nước, nhớ bạn. Một cái ngóng nhìn xa, một nỗi bồi hồi lúc leo núi, một niềm mong nhớ Tổ quốc, nhớ bạn bè - được diễn tả và thể hiện qua một bài tứ tuyệt mang màu sắc cổ điển, một bút pháp tả cảnh ngụ tình đặc sắc. Người chiến sĩ cách mạng "Bồi hồi độc bộ Tây Phong Lĩnh" ấy có một bản lĩnh phi thường, một phong thái ung dung tự tại, và có một hồn thơ đẹp được ta kính yêu vào nhớ mãi...
 (Sưu tầm, Tổng hợp)

Tài liệu đính kèm:

  • docCHUYEN DE NHAT KI TRONG TU.doc