Ngôn ngữ có vai trò đặc biệt quan trọng trong đời sống xã hội.
Bởi vậy, nghiên cứu ngôn ngữ từ nhiều góc độ đang trở thành nhu
cầu tất yếu hiện nay. ở nước ta, có thể nghiên cứu những vấn đề về
lý thuyết ngôn ngữ học; những vấn đề về tiếng Việt và các ngôn
ngữ khác ở Việt Nam; những vấn đề về tiếp xúc ngôn ngữ và dịch
thuật; những vấn đề về dạy học tiếng Việt, tiếng nước ngoài trong
và ngoài nhà trường; những vấn đề về ngôn ngữ tác phẩm văn
chương. Trong đó, tìm hiểu ngôn ngữ với tư cách là phương tiện
biểu đạt của tác phẩm văn chương là một góc độ nghiên cứu không
mấy dễ dàng nhưng cũng đầy thi vị.
Ca dao cổ truyền người Việt với tính mơ hồ đa nghĩa trên bình diện ngôn ngữ văn học Nguyễn Hằng Phương TS.Khoa Ngữ văn, ĐH Sư phạm, ĐH Thái Nguyên 0. Ngôn ngữ có vai trò đặc biệt quan trọng trong đời sống xã hội. Bởi vậy, nghiên cứu ngôn ngữ từ nhiều góc độ đang trở thành nhu cầu tất yếu hiện nay. ở nước ta, có thể nghiên cứu những vấn đề về lý thuyết ngôn ngữ học; những vấn đề về tiếng Việt và các ngôn ngữ khác ở Việt Nam; những vấn đề về tiếp xúc ngôn ngữ và dịch thuật; những vấn đề về dạy học tiếng Việt, tiếng nước ngoài trong và ngoài nhà trường; những vấn đề về ngôn ngữ tác phẩm văn chương. Trong đó, tìm hiểu ngôn ngữ với tư cách là phương tiện biểu đạt của tác phẩm văn chương là một góc độ nghiên cứu không mấy dễ dàng nhưng cũng đầy thi vị. Nghiên cứu tính mơ hồ đa nghĩa trên bình diện ngôn ngữ văn học ở những lời ca dao cổ truyền là vấn đề chúng tôi đặt ra trong bài viết này. Tuy nhiên, do đặc trưng thể loại và trong khuôn khổ bài viết, chúng tôi chỉ nghiên cứu những biểu hiện tiêu biểu của tính mơ hồ đa nghĩa trong một số lời ca dao cổ truyền. Nghiên cứu đó nhằm mục đích nhận diện tính mơ hồ đa nghĩa trên bình diện ngôn ngữ cùng vai trò của nó ở những lời ca dao cổ truyền, làm tiền đề cho sự bình giá có cơ sở và sự tiếp nhận sâu sắc tác phẩm. 1. Khái niệm ca dao cổ truyền và tính mơ hồ đa nghĩa trong văn học nghệ thuật 1.1. Khái niệm ca dao cổ truyền Thuật ngữ ca dao đã từng được dùng với nhiều nghĩa rộng, hẹp khác nhau "Theo nghĩa gốc thì ca là bài hát có khúc điệu, dao là bài hát không có khúc điệu" [5.26]. Và một thời "Ca dao là danh từ chung chỉ toàn bộ những bài hát lưu hành phổ biến trong dân gian có hoặc không có khúc điệu" [5.26]. ở trường hợp này, ca dao đồng nghĩa với dân ca. Trên thực tế, khái niệm ca dao đã dần dần có sự thu hẹp nội hàm. Hiện nay, các nhà nghiên cứu văn học dân gian Việt Nam "dùng danh từ ca dao để chỉ riêng thành phần nghệ thuật ngôn từ (phần lời thơ) của dân ca (không kể những tiếng đệm, tiếng láy, tiếng đưa hơi).” [5.26]. Với nghĩa này, ca dao là bộ phận chủ yếu và quan trọng nhất của thơ dân gian truyền thống. Sau cách mạng tháng Tám (1945), giới nghiên cứu nước ta đã sử dụng tập hợp từ ca dao mới (hay ca dao hiện đại) để phân biệt với ca dao cổ (còn gọi là ca dao cổ truyền). Như vậy, ca dao cổ (hay ca dao cổ truyền) là khái niệm chỉ riêng thành phần nghệ thuật ngôn từ của dân ca (không kể tiếng đệm, tiếng láy, tiếng đưa hơi) được sáng tác từ cách mạng tháng Tám trở về trước. ở đây, phạm vi khảo sát của chúng tôi là một số lời ca dao cổ truyền đã được sưu tập trong sách Kho tàng... [6]. 1.2. Khái niệm tính mơ hồ đa nghĩa trong văn học nghệ thuật Không phải đến tận bây giờ, tính mơ hồ đa nghĩa mới được biết tới. Từ xa xưa, người ta đã quan tâm đến tính mơ hồ, đa nghĩa của văn học nghệ thuật. Đó là cái "ý tại ngôn ngoại" (ý ở ngoài lời của văn của thơ). Nhà triết học Đổng Trọng Thư đời Tây Hán đã cho rằng thơ, kinh thi không thể giải thích được rõ ràng (thi vô đạt hỗ). Nhà thi thoại thời Minh Tạ Trăn cũng chủ trương tả cảnh, thuật sự không nên giống như thực mà phải khác lạ khiến cho người tiếp nhận có cảm giác mơ hồ, bí ẩn (diệu tại hàm hồ)... Tuy nhiên, ngày nay khi tính tích cực, sáng tạo của người tiếp nhận được ý thức rõ rệt; tính bản thể của ngôn ngữ văn học được phát hiện thì mơ hồ đa nghĩa - một thuộc tính của văn học nghệ thuật - càng được đặc biệt coi trọng. "Theo W.Empơxơn, mơ hồ là một ý nghĩa không xác định, một ý định muốn biểu đạt nhiều loại sự vật, cho phép có nhiều cách giải thích"[8.151]. Vậy, tính mơ hồ đa nghĩa trong văn học nghệ thuật có thể hiểu là một ý nghĩa không xác định, một hình thức thẩm mỹ muốn biểu hiện nhiều loại sự vật, cho phép nhiều cách giải thích hình tượng nghệ thuật. 2. Ca dao cổ truyền người Việt với tính mơ hồ đa nghĩa trên bình diện ngôn ngữ văn học 2.1. Tìm hiểu tính mơ hồ đa nghĩa trên bình diện ngôn ngữ văn học trong ca dao cổ truyền là nghiên cứu văn chương dân gian theo cách tiếp cận mới ở Việt Nam những năm qua, nghiên cứu ca dao đặc biệt là ngôn ngữ ca dao đã có nhiều thành tựu. Xin đơn cử vài ví dụ. Tác giả Nguyễn Xuân Kính nghiên cứu một số yếu tố cơ bản của chỉnh thể nghệ thuật ca dao trong đó chú ý đúng mức đến đặc điểm chung của cách sử dụng và tổ chức ngôn ngữ, cách dùng tên riêng chỉ địa điểm trong ca dao. Tác giả Mai Ngọc Chừ nghiên cứu về những đặc điểm riêng biệt độc đáo của ngôn ngữ ca dao Việt Nam từ việc phân tích "những đặc điểm thơ" được tạo nên bởi các biện pháp tu từ, cách ngắt nhịp, lối hiệp vần đến việc xem xét sự kết hợp nhuần nhuyễn tính chất bác học và tính chất khẩu ngữ của ngôn ngữ ca dao Việt Nam. Tác giả Phạm Thu Yến nghiên cứu một số yếu tố tiêu biểu trong thế giới nghệ thuật ca dao và đặc biệt đã chú ý đến lối miêu tả và biểu hiện trực tiếp trong thơ ca dân gian.vv... Như vậy, xác định sự có mặt và vai trò, vị trí của tính mơ hồ đa nghĩa trên bình diện ngôn ngữ văn học trong ca dao vẫn còn là vấn đề mới mẻ. Tuy nhiên, thành tựu nghiên cứu trước đó của các nhà khoa học thực sự là những gợi mở cần thiết giúp chúng tôi có cơ sở để triển khai vấn đề nghiên cứu của mình. Song, tính mơ hồ đa nghĩa trong văn học nghệ thuật nói chung và trong ca dao nói riêng được xác định dựa trên cơ sở nào? W.Empơxơn với công trình nổi tiếng Bảy loại ý nghĩa mơ hồ (1930) đã chỉ ra các loại ý nghĩa mơ hồ (các hình thức biểu hiện của tính mơ hồ đa nghĩa) trên cấp độ ngôn ngữ văn học và mở ra một triển vọng nghiên cứu có cơ sở khoa học về vấn đề này. Theo tác giả sách Lý luận và phê bình văn học , cách phân loại các ý nghĩa mơ hồ của W.Empơxơn chưa thật rạch ròi, chặt chẽ, nhất quán song đã cho thấy tính mơ hồ đa nghĩa có nhiều hình thức thể hiện và công trình khoa học trên của ông "thực sự là một kiệt tác mà bất kỳ ai đọc xong đều không thể còn dừng lại với niềm tin cũ" [8.71]. Do trong thực tế, các loại ý nghĩa mơ hồ 6, 7 có phần như trùng lặp với các loại 2, 3, 4; do đặc trưng thể loại và trong khuôn khổ bài viết, chúng tôi chỉ nghiên cứu ba hình thức thể hiện của tính mơ hồ là "Nói vật này mà như nói tới vật khác, vì giữa các sự vật ấy có nhiều điểm giống nhau"; "ý nghĩa mơ hồ do quan hệ ngữ pháp không chặt chẽ và ngữ cảnh cho phép"; "Một từ trong một văn cảnh mà giảng hai nghĩa đều thông". 2.2. Tính mơ hồ đa nghĩa trên bình diện ngôn ngữ văn học trong ca dao cổ truyền 2.2.1. Khảo sát 3.481 lời ca dao cổ truyền được sưu tập trong sách Kho tàng... [6] để xác định các loại ý nghĩa mơ hồ (hay nói cách khác là tìm các hình thức biểu hiện của tính mơ hồ), chúng tôi thực hiện theo cách ngẫu nhiên đảm bảo cho sự nghiên cứu tương đối khách quan khoa học Đó là những lời ca dao được xếp theo trật tự chữ cái trong tập II bộ sách Kho tàng... Kết quả thu được như sau: 2.2.1.1. Loại ý nghĩa mơ hồ có được khi "nói vật này mà như nói đến vật khác, vì giữa các sự vật ấy có nhiều điểm giống nhau". - Để tìm loại ý nghĩa mơ hồ này, chúng tôi khảo sát những lời ca dao có sử dụng một số biện pháp tu từ tiêu biểu cấu tạo theo quan hệ liên tưởng gồm so sánh, ẩn dụ, hoán dụ và tượng trưng. Những biện pháp tu từ như điệp từ ngữ, chơi chữ, đồng nghĩa kép... không nằm trong phạm vi khảo sát bởi chúng tôi quan niệm do cấu tạo theo quan hệ tổ hợp, các biện pháp tu từ vừa nêu không có hoặc có rất ít khả năng tạo ý nghĩa mơ hồ. Thí dụ 1: 397 (b) Người khôn như miếng thịt gà Tuy rằng ăn ít nhưng mà ngon lâu Người dại như củ bồ nâu Đến khi khốn khó cơ cầu phải ăn. CDTCM 272 Thí dụ 2: 307. Cây đa cũ bến đò xưa Bộ hành có nghĩa, nắng mưa cũng cồ DCNTB I 188 HHĐN 216 HT 164 TCDG 61 VNP 7 214 Thí dụ 3: 65. Chờ anh cho tuổi em cao Cho duyên em lạt, má đào em phai HPV 117 Thí dụ 4: 684. Trúc nhớ mai, trúc buồn ngao ngán Mai trở về, mai nhớ trúc chăng CDTCM 52 Bằng cách diễn đạt cụ thể và giầu hình ảnh, các biện pháp tu từ trên đã gợi được sự liên tưởng phong phú và sâu sắc. Người tiếp nhận thực sự phải lựa chọn trong số những liên tưởng phong phú, sâu sắc ấy một cách hiểu cho mình. Mơ hồ, đa nghĩa phát sinh từ đấy. Chẳng hạn, ở thí dụ 1, miếng thịt gà, củ bồ nâu được ví với người khôn, người dại. Vị ngon, dở của miếng thịt gà và củ bồ nâu ra sao cũng như dư vị cuộc sống khi ở với người khôn, người dại thế nào là phụ thuộc vào sự liên tưởng tự do nhưng có cơ sở của người tiếp nhận. ở thí dụ 2, lời ca dao như một sự nhắn gửi: khách qua đường có nghĩa thì nắng mưa cũng chờ và nơi chờ đợi là “cây đa cũ, bến đò xưa”? Nhưng ở đây, lời nhắn gửi thật bâng quơ, “tối nghĩa”: ai nhắn và chờ đợi với mục đích gì? “Cây đa cũ, bến đò xưa” là một địa điểm có thật mà khách bộ hành đã dừng chân hay chỉ là một ẩn dụ chỉ địa điểm quen thuộc có ý nghĩa nhất định với nhân vật trữ tình và người khách bộ hành? (Ngay cả từ “nghĩa” và “nắng mưa” ở đây cũng rất mơ hồ, khó xác định...) Lời ca dao chỉ gồm hai dòng lục bát mà có không ít dấu hỏi, bởi vậy, nó hàm chứa bao nhiêu cách liên tưởng khác nhau. Sẽ không bao giờ là thỏa đáng nếu người tiếp nhận chỉ xác định một cách hiểu duy nhất ở lời ca dao này. Dù vậy, mỗi lời vẫn là một thế giới nghệ thuật riêng biệt đòi hỏi phải tiếp nhận, khám phá. - Trong số 3.481 lời ca dao khảo sát có 1.511 lời sử dụng các biện pháp tu từ, chiếm khoảng 43,4%. Cụ thể, số lời ca dao chứa biện pháp so sánh tu từ là 666 lời, chiếm khoảng 44,1%; số lời ca dao chứa biện pháp ẩn dụ tu từ là 701 lời, chiếm khoảng 46,4%; số lời ca dao chứa biện pháp hoán dụ tu từ và tượng trưng là 144 lời, chiếm khoảng 9,53% trong tổng số lời ca dao có sử dụng các biện pháp tu từ. 2.2.1.2. Loại ý nghĩa mơ hồ có được "do quan hệ ngữ pháp không chặt chẽ và ngữ cảnh cho phép" - Loại ý nghĩa mơ hồ này xuất hiện khi mối quan hệ tổ hợp giữa các từ, các vế trong câu không chặt chẽ và do sự cho phép của ngữ cảnh. Có thể xảy ra ba tình huống: thứ nhất, quan hệ ngữ pháp không chặt chẽ đó là ý thức nghệ thuật của chủ thể sáng tạo; thứ hai, chủ thể sáng tạo buộc phải hạn định về số lượng câu chữ do sự chi phối của thể loại; thứ ba, có thể do cả hai "nguyên nhân" ở hai tình huống trên. Theo sự phân tích của chúng tôi, 1 số lời ca dao có chứa loại ý nghĩa mơ hồ này thường rơi vào tình huống thứ ba. - Khảo sát 3.481 lời ca dao cổ truyền vừa nêu trên, chúng tôi thấy 350 lời có loại ý nghĩa mơ hồ do quan hệ ngữ pháp không chặt chẽ và ngữ cảnh mang lại, chiếm khoảng 10,05%. Thí dụ: 5. Đã có một lượt thì thôi Lượt này, lượt khác người đời khinh chê. TCBD II 250TNPD I 111 ở lời ca dao trên, quan hệ tổ hợp giữa các từ không chặt chẽ(từ “lượt” thiếu định ngữ) gây nên sự mơ hồ đa nghĩa. 2.2.1.3. Loại ý nghĩa mơ hồ xuất hiện khi "một từ trong một văn cảnh mà giảng hai nghĩa đều thông" - Đây là loại ý nghĩa mơ hồ được tạo nên khi một phương tiện ngôn ngữ (ở cấp độ từ) có hai nghĩa trong một văn cảnh cụ thể. 3,45%. Thí dụ:≈- Trong 3.481 lời ca dao khảo sát, chỉ có 120 lời chứaphương tiện ngôn ngữ đa nghĩa này, chiếm 805. Còn trời còn nước còn non Còn cô bán rượu anh còn say sưa. ANPT 6a ĐNQT 102b HHĐN 54, 164 KSK 6b... Từ "say sưa" trong lời ca dao trên có thể hiểu theo 2 nghĩa: say sưa vì rượu và say sưa cô bán rượu... Như vậy, trong số 3.481 lời ca dao khảo sát có tổng cộng 1.981 lời chứa các biểu hiện của tính mơ hồ đa nghĩa trên bình diện ngôn ngữ văn học, chiếm khoảng 56,9%. 2.2.2. Qua khảo sát những biểu hiện tiêu biểu của tính mơ hồ đa nghĩa trong ca dao cổ truyền, chúng tôi có một số nhận xét: 2.2.2.1. Ca dao cổ truyền có những hình thức biểu hiện của tính mơ hồ đa nghĩa. Hay nói cách khác, trong ca dao cổ truyền có một số loại ý nghĩa mơ hồ. Có thể đặt hình huống rằng những lời ca dao chưa khảo sát và cả những lời ca dao còn tồn tại trong môi trường sinh hoạt của dân chúng chưa chắc đã có kết quả tương tự? Điều đó hoàn toàn có thể xảy ra. Song, cho dù như vậy thì nhận xét trên vẫn tồn tại, bởi tỷ lệ cao, thấp của các loại ý nghĩa mơ hồ trong ca dao cổ truyền không phải là điều quan trọng nhất. Điều quan trọng nhất là sự có mặt và vai trò của nó trong những lời ca dao cổ truyền. Tuy nhiên, kết quả khảo sát ở trên vẫn là điều đáng lưu ý. Số lời ca dao cổ truyền có hình thức biểu hiện của tính mơ hồ đa nghĩa chiếm tỉ lệ không nhỏ khoảng 56,9%. Đó mới chỉ là kết quả khảo sát biểu hiện của tính mơ hồ đa nghĩa trong các lời ca dao cổ truyền trên bình diện ngôn ngữ văn học. (Xem kết quả tổng hợp ở cuối mục 2.2.1.3). Trong đó, biểu hiện thứ nhất của tính mơ hồ đa nghĩa chiếm khoảng 43,4%.(Xem kết quả thống kê ở mục 2.2.1.1). Những hình thức biểu hiện khác của tính mơ hồ đa nghĩa trong ca dao cổ truyền chỉ chiếm một tỉ lệ rất nhỏ khoảng 10,05% và 3,45% (Xem kết quả thống kê ở mục 2.2.1.2 và 2.2.1.3). Tìm hiểu đặc điểm của các biện pháp tu từ được dùng trong những lời ca dao khảo sát ở mục 2.2.1.1, chúng tôi thấy đó đều là những cách diễn đạt bóng bẩy, gợi cảm có sức hấp dẫn và lôi cuốn khi trình bày [9]. Nhờ các biện pháp tu từ, sự diễn đạt vừa mang tính cụ thể, hình ảnh do nghĩa đen gợi ra, vừa mang tính khái quát, hàm súc do nghĩa bóng chứa đựng. Tính mơ hồ, đa nghĩa trên cơ sở đó mà phát sinh. Bởi vậy, sự có mặt với tần số cao của các biện pháp tu từ (đặc biệt là so sánh và ẩn dụ tu từ) trong ca dao cổ truyền là điều có thể lý giải được. 2.2.2.2. Có những trường hợp, một lời ca dao cổ truyền chứa hai, ba hình thức biểu hiện của tính mơ hồ đa nghĩa. Tức trong một lời ca dao cổ truyền có tới hai, ba loại ý nghĩa mơ hồ. Thí dụ: 91 (a) Cái cò mày đi ăn đêm Đậu phải cành mềm lộn cổ xuống ao Ông ơi ông vớt tôi nao Tôi có lòng nào, ông hãy xáo măng Có xáo thì xáo nước trong Đừng xáo nước đục đau lòng cò con TCBD I 553 TNPD II 31 ở lời ca dao trên, ngoài ý nghĩa mơ hồ “nói vật này mà như nói tới vật khác” (cò chỉ người nông dân?) còn có thêm loại ý nghĩa mơ hồ do sự đa nghĩa của từ trong văn cảnh cụ thể này mang lại. (cò con là con cò bé hay là con của con cò mẹ?). Như vậy, có thể nói, ở những lời ca dao ấy, mơ hồ chồng lên mơ hồ, đa nghĩa càng thêm đa nghĩa. Tính mơ hồ đa nghĩa phải chăng là một trong những "ma lực" chính tạo nên sức hút lâu bền cho ca dao cổ truyền. Thử so sánh thêm hai lời ca dao sau, chúng ta sẽ càng thấy rõ điều đó. 805 Còn trời còn nước còn non Còn cô bán rượu anh còn say sưa. ANPT 6a ĐNQT102b HHĐN 54, 164 KSK 6b... 79. Còn trời còn nước còn non Còn người thất học ta còn phải lo. CDVN 1945 - 1975. 2.2.2.3. Những lời ca dao cổ truyền gây nhiều tranh luận hầu hết là những lời có chứa các loại ý nghĩa mơ hồ. Thí dụ 1: 92 (a) Cái cò mày mổ cái tôm Cái tôm quặp lại, lại ôm cái cò. Cái cò mày mổ cái trai Cái trai quặp lại, lại nhai cái cò. HT 286 TCBD IV 335 TNPD II 28 VNP1 II 33 Thí dụ 2: 103.Gió sao thổi mát sau lưng Dạ sao dạ nhớ người dưng vô cùng. HHĐN 174 TCBD I 144 ở thí dụ 1, theo thống kê của tác giả Thi pháp ca dao, có đến ba cách hiểu khác nhau về hình ảnh tôm, trai, cò. Nguyễn Đăng Châu cho rằng cò, tôm, trai là giai cấp thống trị. Cao Huy Đỉnh thì cho rằng cò là giai cấp thống trị, còn tôm, trai là tập thể nhân dân. Vũ Ngọc Phan lại cho rằng tôm, trai, cò đều là nhân dân lao động. Tác giả Thi pháp ca dao lại có những phát hiện khác. Qua khảo sát một chuỗi lời ca dao về tôm, trai, cò, tác giả kết luận: ở đây con cò không phải giai cấp thống trị cũng không phải nhân dân lao động. Quan niệm như trên dẫn đến những cách hiểu rất khác nhau về chủ đề, nội dung lời ca dao. Sở dĩ có hiện tượng đó bởi tác giả dân gian đã không gọi thẳng tên sự vật hiện tượng. Họ "nói vật này mà như nói tới vật khác..." như WEmpơxơn đã từng chỉ ra. ở thí dụ 2, tình hình có khác đôi chút. Sự mơ hồ, đa nghĩa lại tập trung vào hình ảnh bất thường "gió mát sau lưng" và từ "người dưng" trong lời ca dao. Các tác giả sách Kho tàng ... đã dẫn ra hai cách cảm thụ, phân tích lời ca dao trên. Theo Trần Bảo Hưng, cái thần của lời ca dao là hai chữ "người dưng" và cho rằng đó là câu hát, là mảnh tâm tình của những người làm nghề chở đò dọc trên sông. (Gió thổi mát sau lưng là gió thuận, thuyền xuôi, người ta mới thanh thản nghĩ gần, nghĩ xa và nhớ người yêu). Văn Tân lại cho rằng tinh thần chung của lời ca dao này liên quan không chỉ đến người làm nghề chở đò dọc mà liên quan đến nhiều người làm ở nhiều nghề trong cuộc đời... và đang lâm vào tình huống yêu, mà lại yêu đơn phương. Cũng có thể đưa ra một cách hiểu nữa: "gió mát sau lưng" là sự bất thường, "dạ nhớ người dưng" lại càng phi lý. Song hai cái phi lý lại biểu đạt một thực tế hiển nhiên, rất có lý của "những người đang lâm vào tình huống yêu"... "Người dưng" ở đây nên hiểu như tác giả Những thế giới nghệ thuật ca dao, đó là những người "chưa đủ độ chín để thân mật, nhưng cũng không hề xa cách lạnh lùng"" [11.55]. Vậy, nguyên nhân chính gây nên tính mơ hồ, đa nghĩa trong lời ca dao này là sự đa nghĩa của từ (ở đây là từ xưng hô) và hình tượng văn chương trong một văn cảnh cụ thể. 2.2.3. Những nghiên cứu ở trên cho phép chúng tôi rút ra một số kết luận sau: 2.2.3.1. Tính mơ hồ đa nghĩa là một đặc trưng của văn học nghệ thuật. Tính mơ hồ đa nghĩa đem lại sự mê hoặc, hấp dẫn cho khách thể thẩm mỹ. Nghiên cứu tính mơ hồ, đa nghĩa trên bình diện ngôn ngữ văn học thực chất là nghiên cứu thi pháp ngôn ngữ tác phẩm. Từ ý nghĩa đó, xem xét ca dao cổ truyền với tính mơ hồ đa nghĩa trên bình diện ngôn ngữ văn học là nghiên cứu thi pháp ngôn ngữ ca dao - một trong những yếu tố thi pháp thuộc hình thức tổ chức vật liệu của chỉnh thể nghệ thuật ca dao. (Hình thức tổ chức vật liệu là chữ dùng của Bakhtin). 2.2.3.2. "Tính mơ hồ, đa nghĩa không chỉ là đặc trưng mà còn là số phận của văn học" [8.162]. Đó là nhận định có cơ sở bởi thực tế tiếp nhận văn học nghệ thuật cho thấy những tác phẩm có sức cuốn hút và trường tồn qua thời gian hầu hết là những tác phẩm gây nhiều tranh cãi. Nguyên nhân chính gây nên sự tranh cãi lại là ở chỗ có dấu hiệu của tính mơ hồ đa nghĩa. (Tuy nhiên, ở đây chúng tôi mới chỉ đề cập đến dấu hiệu của tính mơ hồ đa nghĩa trên bình diện ngôn ngữ văn học). Kết quả khảo sát và phân tích những biểu hiện của tính mơ hồ đa nghĩa ở những lời ca dao cổ truyền cho thấy nhận định trên không chỉ đúng với bộ phận văn học thành văn mà còn đúng với bộ phận văn học truyền miệng, đặc biệt là ca dao cổ truyền. Có điều, ca dao cổ truyền - một thể loại tiêu biểu của văn học dân gian - thường là ngắn, thậm chí rất ngắn (hai dòng thơ). Đặc điểm đó càng làm cho sự "giải mã" những biểu hiện mơ hồ đa dạng hơn, phong phú hơn. Nó khiến nhiều lời ca dao cổ truyền trở thành nơi vô tận về nghĩa để người tiếp nhận tìm tòi, khám phá. Cuộc chạy đua đi tìm cái đẹp trong những lời ca đó cứ như mãi tiếp diễn không bao giờ ngừng. 2.2.3.3. Những kiến giải có cơ sở khoa học về sức hấp dẫn và sự trường tồn của ca dao cổ truyền ở trên hé ra những tia hy vọng về sự trở lại của ca dao - một thể loại tiêu biểu của sáng tác dân gian trong đời sống sinh hoạt của con người ở xã hội hiện đại. Một khi ca dao thực sự là sáng tác văn học nghệ thuật đích thực thì không ai phủ nhận được vai trò và vị trí của nó trong đời sống văn hoá tinh thần của người Việt Nam nói riêng, của nhân loại nói chung. Cuối cùng, chúng tôi xin mượn lời tác giả chuyên luận Lý luận và phê bình văn học để kết thúc bài viết. "Tính mơ hồ, đa nghĩa là sự mê hoặc hấp dẫn của nghệ thuật. Hoàn toàn kín mít, không nhìn thấy ý nghĩa là vô vị, mà nhìn một cái nhận ra ngay hết mọi ý nghĩa cũng là hết vị. Tính mơ hồ đa nghĩa đảm bảo thu hút người đọc đi vào cuộc tìm tòi bất tận về ý nghĩa, và chỉ có tác phẩm nghệ thuật đích thực, phong phú mới giữ được sức quyến rũ lâu bền" [8.162]. Phải chăng, tính mơ hồ đa nghĩa trên bình diện ngôn ngữ văn học trong ca dao cổ truyền đã góp phần tích cực tạo được sự mê hoặc, hấp dẫn và sức quyến rũ lâu bền cho bộ phận thơ dân gian này! Thái Nguyên tháng 3 năm 2001 N.H.P Tài liệu tham khảo 1. Mai Ngọc Chừ: “Ngôn ngữ ca dao Việt Nam”, Tạp chí Văn học số 2/1991. 2. Nguyễn Nghĩa Dân: Ca dao Việt Nam 1945 - 1975, NXB Văn hoá thông tin, 1997. 3. Vũ Cao Đàm: Phương pháp luận nghiên cứu khoa học, NXB Khoa học Kỹ thuật, Hà Nội, 1996. 4. Hà Minh Đức (chủ biên): Lý luận văn học, NXB Giáo dục, 1993. 5. Lê Bá Hán, Trần Đình Sử, Nguyễn Khắc Phi (chủ biên): Từ điển thuật ngữ văn học, NXB Đại học Quốc gia Hà Nội, 1999 (in lần 3). 6. Nguyễn Xuân Kính, Phan Đăng Nhật (chủ biên): Kho tàng ca dao người Việt, NXB Văn hoá Thông tin, Hà Nội, 1995. 7. Nguyễn Xuân Kính: Thi pháp ca dao, NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1992. 8. Trần Đình Sử: Lý luận và phê bình văn học, NXB Hội nhà văn, Hà Nội, 1996. 9. Trần Đức Ngôn: "Một số vấn đề lý luận chung quanh việc nghiên cứu văn bản văn học dân gian", Tạp chí Văn hoá dân gian số 3/1990. 10. Cù Đình Tú: Phong cách học và đặc điểm tu từ tiếng Việt, NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1983. 11. Phạm Thu Yến: Những thế giới nghệ thuật ca dao, NXB Giáo dục, 1998.
Tài liệu đính kèm: