Đề thi và gợi ý giải môn Văn của Kỳ thi tốt nghiệp THPT (lần1) năm 2007

Đề thi và gợi ý giải môn Văn của Kỳ thi tốt nghiệp THPT (lần1) năm 2007

Gợi ý giải đề thi tốt nghiệp THPT môn văn

TT - Thí sinh chọn một trong hai đề sau:

ĐỀ 1:

Câu 1 (2 điểm)

Nêu những nét chính về cuộc đời và sự nghiệp văn học của Lui Aragông.

Câu 2 (3 điểm)

Nhận xét ngắn gọn về tình huống độc đáo trong truyện Vợ nhặt của Kim Lân.

 

docx 3 trang Người đăng kidphuong Lượt xem 930Lượt tải 0 Download
Bạn đang xem tài liệu "Đề thi và gợi ý giải môn Văn của Kỳ thi tốt nghiệp THPT (lần1) năm 2007", để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Đề thi và gợi ý giải môn Văn của Kỳ thi tốt nghiệp THPT (lần1 )năm 2007 (SÁNG 30-5-2007)
Gợi ý giải đề thi tốt nghiệp THPT môn văn 
TT - Thí sinh chọn một trong hai đề sau:
ĐỀ 1:
Câu 1 (2 điểm)
Nêu những nét chính về cuộc đời và sự nghiệp văn học của Lui Aragông.
Câu 2 (3 điểm)
Nhận xét ngắn gọn về tình huống độc đáo trong truyện Vợ nhặt của Kim Lân.
Câu 3 (5 điểm)
Phân tích cái hay, cái đẹp trong đoạn thơ sau:
Mình đi, có nhớ những ngày
Mưa nguồn suối lũ, những mây cùng mù
Mình về, có nhớ chiến khu
Miếng cơm chấm muối, mối thù nặng vai?
Mình về, rừng núi nhớ ai
Trám bùi để rụng, măng mai để già.
Mình đi, có nhớ những nhà
Hắt hiu lau xám, đậm đà lòng son
(Trích Việt Bắc - Tố Hữu, Văn học 12 - tập một, tr.154-155, NXB Giáo Dục, Hà Nội, 2005)
ĐỀ 2:
Câu 1 (2 điểm)
Chỉ mẹ là niềm vui, ánh sáng diệu kỳ
Chỉ mình mẹ giúp đời con vững bước
(Trích Thư gửi mẹ - Êxênin, Văn học 12 - tập hai tr.55, NXB Giáo Dục, 2004)
Anh, chị hiểu hai câu thơ trên như thế nào?
Câu 2 (3 điểm)
Giải thích ý nghĩa nhan đề truyện ngắn Rừng xà nu của Nguyễn Trung Thành.
Câu 3 (5 điểm)
Phân tích vẻ đẹp người lái đò trong tùy bút Người lái đò sông Đà của Nguyễn Tuân.
Hết
ĐỀ 1:
Câu 1 (2 điểm):
HS cần trình bày được một số ý chính sau về cuộc đời và sự nghiệp văn học của Lui Aragông:
1. Về cuộc đời:
- Lui Aragông (1897-1982) là nhà thơ, nhà tiểu thuyết Pháp nổi tiếng thế giới. 
- Cuộc đời đối với Aragông là một câu hỏi lớn. Ông sớm có tuổi thơ bất hạnh (ở với mẹ nhưng lại dưới danh nghĩa là cậu em nuôi và chỉ biết cha là ai trước khi mẹ từ giã cõi đời); lớn lên, học y khoa rồi tham gia Đại chiến thế giới I và II, giải ngũ với tâm trạng chán chường, mệt mỏi, tham gia các trào lưu văn học (chủ nghĩa đa đa, siêu thực).
- Aragông gia nhập Đảng Cộng sản năm 1927. Một sự kiện có ý nghĩa quan trọng với cuộc đời ông vào năm 1928 là cuộc gặp gỡ với Enxa Tơriôlê, người phụ nữ Nga gốc Do Thái, nhà tiểu thuyết Pháp và là người bạn đời của ông sau này. Enxa đã kéo ông ra khỏi tư tưởng bi quan, đưa ông đến với lý tưởng cách mạng vô sản. Ông rời bỏ chủ nghĩa đa đa. chủ nghĩa siêu thực để chuyển sang chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa. 
- Từ năm 1950, tình hình nước Pháp và thế giới có những diễn biến phức tạp nhưng Aragông vẫn tin vào lý tưởng đã chọn. Ông được trao giải thưởng hòa bình quốc tế Lênin khi tròn 60 tuổi. 
2. Sự nghiệp sáng tác: khá phong phú và đồ sộ
- Aragông đến với tiểu thuyết sớm hơn thơ. Tác phẩm tiêu biểu: Những khu phố đẹp, Tuần lễ thánh (tiểu thuyết); Enxa ngồi trước gương, Đôi mắt Enxa (thơ).
- Nét nổi bật trong các sáng tác của Aragông là sự gắn bó giữa tình yêu lý tưởng. Enxa trở thành nguồn đề tài, nguồn cảm hứng lớn trong sáng tác của ông. 
- Về nghệ thuật: Aragông có ý thức đổi mới, cách tân nghệ thuật trong mỗi sáng tác của mình. Ông chủ trương thơ không có các loại dấu chấm câu, xóa bỏ ranh giới giữa thơ và văn xuôi, các biện pháp tu từ được lặp đi lặp lại... 
Câu 2 (3 điểm):
Cần trình bày được:
- Tình huống độc đáo trong truyện Vợ nhặt: anh Tràng - một thanh niên ngụ cư nghèo khó, thô kệch, nhặt được vợ một cách dễ dàng giữa nạn đói kinh hoàng năm 1945.
- Nhận xét về tình huống: Đây là một tình huống éo le, độc đáo, cảm động, có tác dụng thể hiện tư tưởng, chủ đề của tác phẩm (tố cáo tội ác của bọn thực dân, phát xít: đẩy nhân dân ta vào nạn đói, khiến cho thân phận con người trở nên rẻ rúng, như rơm rác nơi đầu đường xó chợ; làm bật lên những phẩm chất đáng quí của những người nông dân ngụ cư: sẵn sàng cưu mang đùm bọc lấy nhau trong hoàn cảnh khốn cùng, khát khao hạnh phúc gia đình).
Câu 3 (5 điểm): 
Trên cơ sở những hiểu biết về tác giả, về bài thơ Việt Bắc, HS có thể trình bày bài làm của mình bằng nhiều cách khác nhau nhưng cơ bản phải làm bật lên được cái hay, cái đẹp của đoạn thơ ở các phương diện sau:
- Về nội dung: Đoạn thơ thể hiện nghĩa tình cách mạng. Những kỷ niệm kháng chiến gian khổ hi sinh nhưng đằm thắm nghĩa tình được thể hiện qua lời người ở lại - đối tượng tự phân thân của chủ thể trữ tình. Những gian khổ, vất vả (mưa nguồn suối lũ, những mây cùng mù, miếng cơm chấm muối...) cùng tình cảm gắn bó, tấm lòng son sắt (rừng núi nhớ ai, đậm đà lòng son...) được nhắc đến gợi nhớ không gian đặc trưng của núi rừng Việt Bắc trong kháng chiến. Lời nhắn nhủ toát lên tình cảm chân thành, thắm thiết cả người ở lại (Việt Bắc) đối với người đi (người cán bộ về xuôi) nhưng cũng có thể hiểu là những lời nhắn nhủ của người ra đi với chính mình về nghĩa tình sâu nặng đối với Việt Bắc. Đoạn thơ chính là lời đồng vọng về tình nghĩa thủy chung với cách mạng, nhân dân, kháng chiến.
- Về nghệ thuật: sức hấp dẫn của đoạn thơ thể hiện ở thủ pháp “tự phân thân” của chủ thể trữ tình; qua việc sử dụng tài tình đại từ “mình - ta” vốn thường được sử dụng trong ca dao truyền thống; qua hình ảnh gợi tả (vừa cụ thể vừa khái quát), điệp từ... 
- Đánh giá chung: đây là đoạn thơ đặc sắc về cả nội dung và nghệ thuật, thể hiện rõ nét phong cách thơ Tố Hữu (giàu tính dân tộc, giọng điệu tâm tình tha thiết...); góp phần làm cho bài thơ trở thành khúc hát ân tình của con người kháng chiến.
ĐỀ 2:
Câu 1 (2 điểm):
Qua việc phân tích một vài từ ngữ quan trọng như “ánh sáng diệu kỳ”..., HS cần trình bày được:
Hai câu thơ thể hiện tình cảm thắm thiết của người con với mẹ, cụ thể:
- Ánh sáng diệu kỳ: từ ánh sáng được dùng theo nghĩa bóng, chỉ sự thánh thiện, đẹp đẽ trong tâm hồn mẹ, nói rộng ra là hình ảnh của mẹ, gợi liên tưởng về hình ảnh của Chúa. Mẹ như đức Chúa trong tâm hồn nhà thơ.
- Coi mẹ là nguồn an ủi duy nhất, là chỗ dựa vững chắc cho đời con. 
Câu 2 (3 điểm):
HS trình bày được:
- Nhan đề Rừng xà nu trước hết gợi ra không gian đặc trưng của vùng đất Tây nguyên (xà nu là loài cây gắn liền với vùng đất, con người Tây nguyên); tạo không khí, dẫn đắt người đọc đến với tác phẩm.
- Rừng xà nu gợi liên tưởng về các lớp nghĩa khác nhau của hình tượng, đặc biệt là ý nghĩa tượng trưng. Cây xà nu, rừng xà nu đã trở thành biểu tượng cho những con người Tây nguyên bất khuất, kiên cường trong kháng chiến chống Mỹ. 
- Đây là hình tượng xuyên suốt, góp phần tạo nên chất sử thi hùng tráng, say mê của tác phẩm. 
Câu 3 (5 điểm):
Trên cơ sở những hiểu biết chắc chắn về tùy bút Người lái đò sông Đà, về tác giả (đặc biệt là về phong cách sáng tác), HS cần làm bật lên vẻ đẹp của hình tượng người lái đò. Có thể trình bày theo nhiều cách nhưng cần đáp ứng được một số điểm chính sau đây:
- Vẻ đẹp của người lái đò:
+Vẻ đẹp về ngoại hình: mặc dù đã gần bảy mươi tuổi nhưng thân hình đẹp như khắc như chạm, khỏe mạnh, rắn chắc rất phù hợp với nghề lái đò. 
+ Vẻ đẹp về tâm hồn, tính cách: thể hiện ở sự từng trải, giàu kinh nghiệm, có sự hiểu biết sâu sắc về luồng lạch trên sông Đà; ở sự thông minh linh hoạt như một viên tướng tài ba, như một nghệ sĩ trong nghệ thuật vượt thác sông Đà; ở sự khiêm nhường, bình dị, phong thái ung dung mang cốt cách nghệ sĩ.
- Đánh giá, nhận xét: 
+ Người lái đò sông Đà được miêu tả trong tác phẩm vừa có tư thế của một người lao động trí dũng, vừa có phong thái của một nghệ sĩ tài hoa.
+ Hình tượng người lái đò thể hiện phong cách nghệ thuật độc đáo của Nguyễn Tuân ở giai đoạn sau Cách mạng Tháng Tám: người lái đò dù là người lao động bình dị vẫn hiện lên với chất tài hoa, nghệ sĩ; để miêu tả vẻ đẹp của hình tượng, nhà văn sử dụng kiến thức của nhiều ngành khoa học khác nhau; ngôn ngữ sinh động, giàu hình ảnh... 
+ Qua hình tượng người lái đò, nhà văn tỏ thái độ yêu mến, tự hào và cảm phục trước những con người lao động bình dị vùng Tây Bắc, những con người mà nhàvăn gọi là “chất vàng mười” quí giá của Tổ quốc. 
Người giải đề thi: 
TS.TRIỆU THỊ HUỆ 
(Trường THPTchuyên Lê Hồng Phong, TP.HCM)

Tài liệu đính kèm:

  • docx2007 VAN DeDalan2PbTN THPT1b.docx